Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Tường Thuật


Học bổng Nguyễn Thái Học tiếp sức HSSV Việt Nam

Hoàng Xuân Ba

Buổi lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học khóa 2 năm 2007 cho các sinh viên và học sinh ở Việt Nam đã diễn ra trong một không khí trang trọng và ấm cúng trong khuôn viên Trung tâm Chắp Cánh vào ngày 22/12/2007. Nhân dịp này, đại diện học bổng Nguyễn Thái Học tại Việt Nam cũng đã trao 15 phần quà cho các học sinh vượt khó, học giỏi và các học sinh khuyết tật và kỷ niệm chương cho đại diện Nhà May Mắn.

Trung tâm Chắp Cánh là một cơ sở dạy học và dạy nghề của Nhà May Mắn do cô Tim – Aline Rebeaud, người Thụy Sĩ sáng lập với sứ mệnh: tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa và đào tạo nghề cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mở đầu buổi lễ, anh Bạch Linh, đại diện Nguyễn Thái Học Foundation (NTHF), giới thiệu sơ nét về chương trình học bổng Nguyễn Thái Học (www.nguyenthaihocfoundations.org) đồng thời nhắn nhủ với các thí sinh:

“Mong các bạn sẽ trở thành những nhà tri thức, những nhà quản lý thành đạt trong tương lai, có nhiều cống hiến đối với xã hội. Hy vọng rằng các bạn sẽ ý thức được rằng gánh nặng chấn hưng xã hội Việt Nam đang đè nặng trên vai các bạn và các bạn cũng sẽ mang trên vai trách nhiệm đối với thế hệ đàn em tương lai”.

Trong niên khóa 2007, học bổng Nguyễn Thái Học đã trao 10 suất học bổng trị giá 5000 USD cho sinh viên đại học và cao đẳng, 10 suất học bổng trị giá 2500 USD cho học sinh và 17 giải khuyến khích trị giá 1700 USD. Một điểm nhấn trong năm 2007 là với sự hợp tác của Diễn đàn Giáo dục, một nghiên cứu sinh ngành toán học (Ph.D. candidate) ở Việt Nam cũng được nhận học bổng trị giá 750 USD (12 triệu đồng Việt Nam) từ học bổng Nguyễn Thái Học.

Thông tin từ ban điều hành học bổng Nguyễn Thái Học cho biết trong hai năm qua, chương trình học bổng Nguyễn Thái Học đã cấp trên 60 học bổng trị giá khoảng 20.000 USD (320.000.000 đồng Việt Nam). Hơn 60 sinh viên các trường cao đẳng và đại học, học sinh từ lớp 9 đến 12 đang cư ngụ ở Việt Nam hoặc Hải Ngoại đã nhận được học bổng Nguyễn Thái Học trong hai niên khóa 2006, 2007.

Đến trách nhiệm cống hiến

Anh Lê Văn Út, nghiên cứu sinh ngành toán học (Ph.D. candidate), đang chuẩn bị cho việc bảo vệ công trình nghiên cứu về phương trình đạo hàm riêng ở Phần Lan đã cùng với người mẹ và người cậu của mình đến tham dự buổi lễ trao học bổng. Mẹ anh Út đã khá già, dáng đi lom khom, đôi bàn tay chai sần, khi anh lên nhận học bổng, vẻ mặt của bà rưng rưng nước mắt, miệng mỉm cười tỏ vẻ hài lòng của người mẹ trước thành quả mà con mình đạt được ngày hôm nay.

Tiến sĩ toán học trong tương lai bày tỏ suy nghĩ: “Tôi rất vinh dự nhận được học bổng Nguyễn Thái Học, việc nhận được học bổng một sự khích lệ to lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với việc nghiên cứu khoa học của tôi. Nhờ có học bổng Nguyễn Thái Học mà tôi và gia đình được vơi đi phần lớn nỗi lo lắng về vấn đề tài chính trong công việc nghiên cứu khoa học. Khi nhận được học bổng, tôi cảm nhận rõ ràng một điều rằng những Mạnh Thường Quân của Nguyễn Thái Học Foundation luôn ở bên cạnh các bạn sinh viên vượt khó học giỏi. Chỉ cần các bạn luôn có tâm nguyện thiết tha với việc học, với việc nghiên cứu khoa học, với những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà thì quỹ học bổng Nguyễn Thái Học luôn sẵn lòng giúp đỡ các bạn”.

Anh Út cho biết mình xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở một xã vùng ven tỉnh Vĩnh Long, nên anh mong muốn sau này mình sẽ thành lập một quỹ học bổng tương tự như học bổng mà anh nhận được để tiếp sức cho các em nhỏ ở vùng quê nghèo khó Vĩnh Long của mình.

“Chi phí học tập một năm bao gồm tiền sách vở, học phí của một em học sinh ở xã tôi chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng. Ban đầu bằng số tiền dành dụm của mình tôi sẽ cố gắng giúp cho khoảng mười em được đến trường. Sau này nếu có điều kiện hơn nữa thì tôi sẽ mở rộng việc trao học bổng cho học sinh cả xã để tất cả các em đều có cơ hội đến trường”, anh Út tâm sự về những dự tính hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng của mình trong tương lai.

Còn bạn Trần Hữu Hiếu, sinh viên hệ cử nhân tài năng Đại học Bách Khoa Hà Nội, thay mặt các bạn thí sinh nhận học bổng niên khóa 2007 cảm ơn NTHF và chia sẻ suy nghĩ của mình:

“Tôi rất vui mừng và xúc động khi nhận học bổng Nguyễn Thái Học, số tiền 500 USD tương đương 8 triệu đồng Việt Nam, là một số tiền rất lớn đối với tôi, có thể đảm bảo cho tôi yên tâm học tập trong vòng 8 tháng với cuộc sống sinh viên ở HN”.

Điều mà Hiếu luôn băn khoăn trăn trở đó là làm thế nào để làm điều gì đó có ích cho xã hội cho đất nước, Hiếu chia sẻ:

“Tôi rất trăn trở trước những khó khăn cũng như những mảnh đời bất hạnh của các bạn nhỏ ở Việt Nam. Khi bước chân vào trung tâm Chắp Cánh tôi rất xúc động khi nhìn thấy các em nhỏ và các bạn khuyết tật kém may mắn. Ngày hôm nay tôi đến Trung tâm Chắp Cánh để nhận học bổng, và tôi mong rằng một ngày nào đó không xa, tôi và các bạn thí sinh sẽ đến đây để trao học bổng cho các em nhỏ ở đây. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi được chia sẻ niềm vui nhận học bổng đến với các em học sinh như niềm hạnh phúc mà hôm nay tôi cảm nhận được.”

Hiếu cũng chia sẻ tâm sự của mình với các bạn thí sinh Nguyễn Thái Học và các bạn học sinh nhà May Mắn:

“Là thế hệ trẻ, dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy chúng ta cũng có thể vượt qua và đạt được thành công trong bước đường học vấn của mình bởi vì còn có rất nhiều người quan tâm đến chúng ta, luôn luôn giúp đỡ chúng ta.Các bạn hãy tin rằng chỉ cần mình cố gắng trong việc học tập, trong các hoạt động xã hội thì chắc chắn các bạn sẽ được xã hội giúp đỡ”.

Bạn Xinh Thị Trúc Mai, học sinh lớp 10 tiêu biểu của trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi chia sẻ niềm vui và cảm xúc của mình khi được nhận học bổng:

“Buổi lễ trao giải diễn ra đơn giản nhưng trang trọng; em thấy khuôn mặt các bạn sinh viên, học sinh đến nhận học bổng ánh lên vẻ hồi hộp lẫn hạnh phúc. Tâm trạng của em lúc đó thật vui, cứ nôn nao giây phút được lên nhận học bổng cùng các bạn”.

Những vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của các em thiếu nhi trung tâm Chắp Cánh đã để lại cho cô nữ sinh Sài Gòn ấn tượng sâu sắc:

“Khi bước vào trung tâm Chắp Cánh, điều đầu tiên đập vào mắt em là hình ảnh những em học sinh hồn nhiên và trong sáng. Có những anh chị và trẻ em khuyết tật nhưng luôn nở nụ cười thân thiện đón chào mọi người. Lúc đó em nhận ra rằng thật sự thì mình đã may mắn hơn những em học sinh ở đây. Những khuôn mặt và nụ cười rất tươi, thân thiện và hòa đồng. Ở đây trong giây phút này không có sự phân biệt tuổi tác,địa lí chỉ có những niềm vui. Giây phút diễn ra buổi lễ thật trang nghiêm. Em rất tự hào và hạnh phúc khi nhận được bổngvà em cảm thấy trách nhiệm của mình phải cố gắng học thật tốt để xứng đáng với học bổng Nguyễn Thái Học”.

Buổi lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học kết thúc bằng bài hát Heal The World (Hàn gắn Thế giới) của tất cả các thí sinh Nguyễn Thái Học và các em học sinh Nhà May Mắn như một thông điệp gởi đến tất cả mọi người: “ “Hãy xóa đi hết ưu phiền. Mong cho tuổi thơ những nụ cười tươi mãi”.
DCVOnline

                     ___ oOo ___

Một Ngày Khó Quên

Đàm Thị Hồng Nhung

Buổi lễ trở nên ấm cúng và thân mật. Những lời bộc bạch đã giúp các thí sinh hiểu nhau và gắn bó với nhau hơn. “Nguyễn Thái Học đã trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai nỗ lực cho mơ ước của mình”, Nguyễn Phúc Cảnh – một thí sinh nhận học bổng – đã nói…

Không chỉ là những hoạt động trao – nhận thường lệ, buổi lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học lần 2 vào ngày 22/12/2007 vừa qua đã để lại giây phút khó quên trong lòng tất cả những ai có mặt.

Theo thư mời, 9h buổi lễ bắt đầu, nhưng từ sáng sớm không khí chuẩn bị đã khiến Trung tâm Chắp Cánh nhộn nhịp hơn mọi ngày. Đây là nơi dạy chữ cho những em không có điều kiện đến trường và dạy nghề cho những người khuyết tật có thể tự kiếm sống.

Bây giờ đang là giờ học. Từ tầng trên, tiếng đồng thanh đọc bài của các em vọng xuống. Bên dưới, mọi người trang trí sân khấu trong tiếng cười vui vẻ: người trải khăn, người kê bàn ghế, người sắp xếp quà, người chuẩn bị âm thanh… Phía sau, các em nhỏ của Trung tâm Chắp Cánh đang tập lại bài hát sẽ biểu diễn trong chương trình.

Trước giờ khai mạc nửa tiếng, mọi người đã có mặt đông đủ, nhìn ai cũng chỉnh tề. Buổi lễ hôm nay có thí sinh từ ba miền đến dự. Đang là mùa thi nhưng ai cũng tranh thủ vào TP.HCM để được hội tụ, để cùng nhau chia sẻ niềm vui. Không còn khoảng cách: Hà Nội, Khánh Hòa, Tiền Giang… đã cùng về đây chung vui. Những cái bắt tay, nụ cười rạng rỡ, những câu chuyện về học hành, dự định trong tương lai rôm rả ngay từ ngoài cổng. Buổi gặp gỡ này thỏa lòng mong ước bấy lâu. Mọi người muốn gặp mặt nhau để trao đổi và kể chuyện trường lớp cho nhau nghe.

Đúng 9h, MC Minh Châu duyên dáng bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Sự có mặt của 20 thí sinh cùng đại diện học bổng Nguyễn Thái Học và hơn 180 em nhỏ cùng các thầy cô giáo của trung tâm Chắp Cánh đã làm cho buổi lễ ấm cúng hẳn. Ghế xếp dài từ sân khấu ra đến gần cổng đã kín người ngồi.

Mở đầu buổi lễ là hai tiết mục đồng ca: một bài hát truyền thống của trung tâm Chắp Cánh và một bài hát chào đón Giáng sinh về. Tiếng hát trong trẻo cùng những điệu múa dễ thương của các em làm cho ai cũng thấy vui trong lòng.

Tiếp đến là lời phát biểu của anh Bạch Hùynh Duy Linh, đại diện Nguyễn Thái Học Foundation. Những lời nhắn nhủ của anh đã làm cho các thí sinh hiểu rằng:

“Nhận học bổng là để phấn đấu hơn nữa cho tương lai của chính bản thân mình và quan trọng hơn hết là cần có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.”

Sau lời phát biểu của thầy Tùng – hiệu trưởng của trung tâm Chắp Cánh, anh Linh thay mặt quỹ học bổng Nguyễn Thái Học đã trao hoa và kỉ niệm chương cho Trung tâm cùng 15 phần quà cho các em nhỏ. Niềm vui mừng hiện rõ trên từng khuôn mặt hồn nhiên của các em. Mong rằng các em sẽ đón một Giáng Sinh và năm mới vui vẻ với những bộ quần áo mới mà quỹ học bổng Nguyễn Thái Học đã trao tặng.

Trước khi học bổng được trao, MC đã dành thời gian giao lưu với một số thí sinh năm nay. Lê Văn Út (Ph.D. candidate) và Trần Hữu Hiếu (ĐHBK/HN) – những thí sinh tiêu biểu – đã chia sẻ những suy nghĩ về học bổng Nguyễn Thái Học, những kinh nghiệm để học tốt, và những mơ ước, hoài bão đang ấp ủ. Buổi lễ trở nên ấm cúng và thân mật. Những lời bộc bạch đã giúp các thí sinh hiểu nhau và gắn bó với nhau hơn. Nguyễn Phúc Cảnh, sinh viên trường ĐHBK, bày tỏ cảm tưởng: “Nguyễn Thái Học đã trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai nỗ lực cho mơ ước của mình.”

Phần chính của buổi lễ – phần trao học bổng – đã diễn ra thật trang trọng. Các thí sinh bước lên sân khấu trong niềm vinh dự. Cầm trong tay kỉ niệm chương và bằng chứng nhận của tổ chức học bổng Nguyễn Thái Học gửi về từ một nơi xa xôi, tất cả đều không khỏi xúc động. Ai cũng nâng niu phần thưởng của mình và thầm quyết tâm hơn nữa.

Tiếng chúc mừng của MC vang lên, các thí sinh sát bên nhau hát vang bài hát “Heal the World”. Các em nhỏ của Trung tâm Chắp Cánh ùa lên sân khấu cùng chung vui với các anh chị lớn. Niềm vui ngập tràn, mọi người giơ cao cánh tay, nhún người theo lời bài hát. Buổi lễ kết thúc trong cảnh tượng không thể nào quên ấy.

Sau buổi lễ, các thí sinh cùng nhau ăn trưa tại nhà hàng Thủy Tạ, rồi vui chơi tại công viên Đầm Sen. Ngày vui này chắc chắn sẽ in sâu trong tâm trí mỗi người với cảm giác mạnh trên tàu lượn siêu tốc, cảm giác yên bình trên chiếc ca – nô du ngoạn khắp bờ hồ.

Ngày mai, các thi sinh lên đường trở về nhà tiếp tục công việc học tập của mình. Mong rằng sau chuyến tham dự buổi lễ, mọi người sẽ được nhiều hơn giá trị vật chất mà quỹ học bổng Nguyễn Thái Học đã trao: đó là nhận thức được mình may mắn hơn rất nhiều người không có điều kiện đến trường, đó là tình cảm gắn bó với các thí sinh từ mọi miền đất nước.

Khi bước ra khỏi Trung tâm Chấp Cánh, mỗi người trong họ đã cưu mang cùng một mơ ước: “một ngày không xa sẽ là người đứng ra sáng lập một quỹ học bổng cho các em không có điều kiện được đến trường.”

                     ___ oOo ___

An Email

Hoàng Thị Minh Vy

Ý nghĩa bởi giải thưởng được trao không chỉ là giá trị vật chất giúp chúng em vượt khó học tốt mà còn là giá trị tinh thần mang đến cho chúng em niềm tin và nghị lực để bước tiếp về tương lai. Sự ấm áp tình người chính là sự quan tâm của xã hội đối với thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam…

Thân chào các anh chị,

Từ ngày trở về từ buổi lễ, em phải tất bật với hội diễn văn nghệ xuân ở trường nên không reply sớm cho anh chị được, thông cảm cho em nhé.

Tuy giờ có lẽ hơi muộn nhưng mong rằng những dòng suy nghĩ của em về buổi lễ sẽ được mọi người chia sẻ.

Đã mấy ngày kể từ khi đến tham dự lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học 2007, nhưng dư âm về buổi lễ vẫn còn đọng mãi trong em đến tận bây giờ. Buổi lễ không thật sự hoành tráng nhưng đầy ý nghĩa và ấm áp tình người.

Ý nghĩa bởi giải thưởng được trao không chỉ là giá trị vật chất giúp chúng em vượt khó học tốt mà còn là giá trị tinh thần mang đến cho chúng em niềm tin và nghị lực để bước tiếp về tương lai. Sự ấm áp tình người chính là sự quan tâm của xã hội đối với thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, là những cái bắt tay, lời chào hỏi thân tình của các anh chị em nhận giải, là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của các em nhỏ khi cất lên những bài hát tươi vui.

Là một trong những thí sinh nhận giải, em không tránh khỏi sự hồi hộp và vui mừng khi bước lên sân khấu nhận lấy tấm bằng và kỷ niệm chương do ban tổ chức trao cho.

Cảm xúc được dâng lên và hoà tan trong bài hát Heal The World do chính các thí sinh chúng em cùng hát.
Từ trên sân khấu nhìn xuống thấy các đôi tay nhỏ xinh của các khán giả “nhí” đang khẽ đưa theo nhịp bài hát, nhìn gương mặt rạng rỡ của mẹ, trong em thầm cám ơn tổ chức Nguyễn Thái Học Foundation đã cho chúng em được đứng ở đây, ngay tại buổi lễ này, và tận hưởng những phút giây đáng nhớ này.

Sau buổi lễ, chúng em cùng nhau chụp hình kỉ niệm. Buổi lễ đã thắt chặt thêm sợi dây thân ái giữa các thí sinh từ nhiều miền đất nước. Và em tin rằng vòng dây này sẽ ngày càng rộng lớn và kết nối thêm nhiều thí sinh khác nữa trong những dịp lễ sau này.

Ra về từ buổi lễ, trong em lại tồn tại một cảm xúc khác. Đó là xúc cảm đối với các em nhỏ và các anh chị kém may mắn ở trung tâm Chấp Cánh. Em thấy mình cũng còn may mắn và hạnh phúc lắm khi còn có cha mẹ bên cạnh, được cắp sách đến trường cùng bè bạn.

Còn họ, những em bé mồ côi, không đủ điều kiện học tập, những con người không may bị tật nguyền, khiếm khuyết, nhưng họ vẫn nỗ lực không ngừng để phấn đấu, thật đáng nể phục!

Được biết người sáng lập trung tâm này là một cô gái Thụy Sĩ tên Tim. Cô là một người nhân hậu đã dành tuổi thanh xuân của mình chăm sóc các trẻ em Việt Nam bất hạnh. Tình người quả thật không biên giới!

Ở hải ngoại xa xôi, những nhà hảo tâm của Nguyễn Thái Học Foundation cũng hướng về Việt Nam ruột thịt. Em mong rằng ngày càng có nhiều người quan tâm đến xã hội như vậy để những cảnh đời bất hạnh được giảm đi.

Bản thân em cũng tự nhủ rằng phải nỗ lực học tập thật giỏi để không phụ sự quan tâm của mọi người dành cho, và cũng là để sau này thành đạt, có thể giúp đỡ lại các em nhỏ và mọi người nơi đây.

                     ___ oOo ___

NTH Foundation đến với làng Phong Cùi

Đàm thị Hồng Nhung
(theo lời kể của Phan Giao Thừa)

Ở thị xã Kontum có một ngôi làng mang tên Phong Cùi. Người ta đã quên dần cái tên làng Dakkia trước kia, bởi ở đây giờ chỉ có những con người mang căn bệnh quái ác ấy sinh sống.

Phải đến tận nơi mới thấu hiểu được cuộc sống đớn đau của họ. Những con người với thân xác tàn tạ vẫn đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, giành giật từng phút sống từ tay tử thần.

Một gia đình chỉ chôn người thân chết trong một nấm mộ. Khi có người trong nhà chết, họ đào mộ, cậy nắp quan tài. Sau đó, cái xác nằm bên trong dù còn mới cũng được đưa lên thiêu, dành chỗ cho người vừa chết.

Có những cái xác chưa kịp phân hủy, vi khuẩn còn bám đầy trên thi thể theo đó mà lây sang người sống. Và những người sống ấy mắc chứng phong cùi.

Dần dần, căn bệnh này lan ra khắp làng. Từ trẻ em đến người già, cho đến cả những trai tráng khỏe mạnh, ai cũng hãi hùng bởi thân thể cứ bị gặm nhấm, khớp rụng ra từng ngày.

Ngôi làng không còn sức sống. Cơ thể mỗi người đều không còn nguyên vẹn. Những người còn sức thì gắng kiếm cơm cho những người yếu. Họ trông cậy vào nhau, bởi những người lành lặn không thừa nhận họ.

Trẻ em không được đi học. Tuổi thơ của chúng còn bị ám ảnh bởi những tiếng rên rỉ, những khuôn mặt sầu thảm của người thân và của chính bản thân chúng. Bệnh tật không có thuốc men để chữa trị. Cái đói, cái dốt bao trùm lên cả một ngôi làng.

Dịp Tết Mậu Tý, Phan Giao Thừa, đại diện Nguyễn Thái Học Foundation ở tỉnh Khánh Hòa, đã có bốn ngày lặn lội mang những món quà đến làng Phong Cùi.

Con người ở đây thật đáng thương. Họ cố giơ lên những cánh tay không còn nguyên vẹn để đón nhận món quà Tết. Nghẹn ngào không nói, nhưng trong sâu thẳm những ánh mắt chan chứa bao điều. Thuốc men cho người bệnh, kẹo bánh, dụng cụ học tập cho trẻ em… có cả quần áo và thực phẩm.

Họ đã sống cuộc đời bị ghẻ lạnh, bởi họ mang căn bệnh tàn nhẫn. Nỗi đau thể xác đã quen. Họ cũng quen với những cái nhìn khinh rẻ. Nhưng bây giờ, họ được trò chuyện, nói cười với người lành lặn, lại được tặng quà ăn Tết, còn gì hạnh phúc bằng.

Mong sao niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này không chỉ đến với họ một lần trong đời. Họ đã quá bất hạnh. Chỉ có tình người, sự quan tâm mới có thể chia sẻ phần nào đớn đau.

Cần lắm những tấm lòng hướng về họ.

Cùi phung: là loại cùi có các mụn ghẻ ở khắp nơi trên cơ thể. Các mụn ghẻ này xuất phát từ các khớp, sau đó ăn sâu vào trong tủy, gây rụng khớp.

Cùi khô: là dạng cùi có hiện tượng co rút từ các khớp. Các vết lở loét chỉ xuất hiện ở các khớp, sau đó gây rụng khớp. Chỗ vết thương hình thành màng nhầy và khô nhanh.

Cùi ướt: là loại cùi gây lở loét trên da, rất hôi. Khi các khớp rụng đi, xuất hiện dịch nhầy trên các khớp và tiếp tục ăn sâu vào trong.

Khi bệnh cùi đã xâm nhập vào cơ thể thì tồn tại vĩnh viễn. Người nào có sức đề kháng mạnh và dùng thuốc kèm theo thì giai đoạn thể hiện của bệnh chậm hơn. Những người sức đề kháng yếu sẽ thể hiện bệnh sớm hơn.

                     ___ oOo ___

Thực trạng đạo đức HSSV: Đáng ngại từ mầm non đến ĐH

Phúc Điền – Tuổi Trẻ online

TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng lứa tuổi học trò là tuổi ước mơ và sống vì lý tưởng. Nhưng hiện nay, họ không có một mẫu người lý tưởng. Chính vì thế, những mối tình sét đánh, những nhân vật ăn chơi sành điệu, những sát thủ tàn bạo… trên phim ảnh đã thành thần tượng của biết bao cô cậu học trò…

Thứ Hai, 21/07/2008, 22:27 (GMT+7)

TTO – Học sinh (HS) mầm non biết chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi “nhạy cảm” quan hệ nam nữ trong phim ảnh. HS tiểu học xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp. HS trung học vô lễ với thầy cô, sửa điểm trong sổ liên lạc, đánh nhau xé áo quần. Sinh viên (SV) mua điểm, sao chép luận văn, đồ án…

Thực trạng đạo đức HS-SV một lần nữa được xới lên tại hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức HS-SV do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18 và 19-7 tại Đồng Nai.

Những câu chuyện từ hội thảo lần này không dừng lại ở chuyện dạy và học đạo đức trong nhà trường, mà là những biểu hiện đáng lo ngại trong lối sống của cả một thế hệ thanh thiếu niên.

GS-TS Vũ Dũng, viện trưởng Viện Tâm lý học, cho rằng việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức hiện nay dã đến mức đáng lo ngại với những hành vi vi phạm bạo lực trong nhà trường, đe dọa hành hung thầy cô giáo, quay cóp bài, mua điểm, cờ bạc, nghiện rượu… Ngoài ra, thanh thiếu niên còn có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ…

36% SV từng đi mua hoặc xin điểm

TS Phạm Thị Kim Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dẫn ra kết quả một cuộc điều tra, khảo sát của thanh tra Bộ GD- ĐT với 1.827 SV tại 12 cơ sở giáo dục cho thấy: 89% SV từng sử dụng tài liệu trong phòng thi, 85% từng quay cóp, 42% sao chép luận văn, đồ án, 36% từng xin hoặc mua điểm…
Một dẫn chứng khác từ kết quả khảo sát hành vi đạo đức của HS các trường THPT huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho thấy: số HS có các hành vi trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ với thầy cô… ở huyện này cứ năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng đánh nhau ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có dùng cả hung khí (dao, kiếm, côn).

Th.S Tống Thị Hồng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai, nêu lên một thực tế tìm hiểu từ 140 trường ở Đồng Nai cho thấy: ở bậc mầm non, một số HS có những hành vi chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi quan hệ nam nữ trong phim ảnh (chưa ý thức). HS tiểu học không chào hỏi người lớn, nối dối, xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp, chạy xe lạng lách ngoài đường. HS THCS vô lễ với giáo viên (GV), sửa điểm trong sổ liên lạc, mạo chữ ký cha mẹ xin nghỉ học đi chơi…

Ở đâu hình mẫu lý tưởng cho tuổi học trò?

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng những phẩm chất xấu ở HS-SV là kết quả sự giáo dục yếu kém ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, không chú ý đến hành vi ứng xử thực tế. Chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS.

Còn theo TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình giáo dục đạo đức xuyên suốt từ giáo dục lễ giáo bậc mầm non, đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học, có đầy đủ tất cả những bài học về các giá trị đạo đức. Nhưng hệ thống lại không thấy rõ phẩm chất nào là trọng tâm, chỗ nào cần nhấn mạnh… Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng GV hiện chỉ lo truyền thụ kiến thức, HS toàn điểm 9,10 nhưng quan hệ thầy trò nhợt nhạt. Về nhà, cha mẹ bận lo công việc, trẻ không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.

TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng lứa tuổi học trò là tuổi ước mơ và sống vì lý tưởng. Nhưng hiện nay, họ không có một mẫu người lý tưởng. Chính vì thế, những mối tình sét đánh, những nhân vật ăn chơi sành điệu, những sát thủ tàn bạo… trên phim ảnh đã thành thần tượng của biết bao cô cậu học trò.

Giáo dục đạo đức: đừng cao xa

Phương pháp giáo dục đạo đức theo kiểu “tầm chương trích cú” không còn phù hợp, cần phải đưa HS-SV vào các xử lý tình huống thực tế. Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đặt vấn đề cần thay đổi cách đánh giá HS thay cách đánh giá đơn thuần bằng điểm số. Bộ GD-ĐT nên có qui định khi đánh giá HS hàng năm, GV phải ghi rõ những mặt mạnh, yếu, mặt nào cần rèn luyện, những biểu hiện sai lệch để HS cố gắng trong năm sau. Với HS THPT cần đưa ra những tiêu chí định hướng cho HS rèn luyện cũng như những điều cần nhận xét như: năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, sở trường, cá tính, ý thức tập thể, chuyên cần, thái độ với mọi người…

Th.S Phạm Thị Hòa, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, kiến nghị: chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông cần phải có những thay đổi quyết liệt hơn nữa. Cần dạy cho HS những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống đúng đắn.

Nội dung khảo sát __________________ Tiểu học ___ THCS ___ THPT
Tỉ lệ đi học không đúng giờ (%) __________ 20 _______ 21 _____ 58
Tỉ lệ quay cóp ____________________________ 8 _______ 55 _____ 60
Tỉ lệ nói dối cha mẹ _____________________ 22 _______ 50 _____ 64
Tỉ lệ không chấp hành luật giao thông _____ 4 _______ 35 _____ 70

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam)

Biểu hiện vi phạm đạo đức ____ Lớp 5 ____ Lớp 9 ____ Lớp 10 ____ ĐH
Nói tục _________________________ 6% ______ 34% _____ 43% _____ 68%
Xả rác __________________________ 0% _______ 3% ______ 8% _____ 80%
Đánh bạc _______________________ 0% ______ 33% _____ 59% _____41%
Nói dối _________________________ 0% _______ 0% ______ 3% _____ 83%

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam)

                     ___ oOo ___

Người Raglai thôn Bà Râu

Phan Giao Thừa
Đại Diện NTHF tỉnh Khánh Hòa

Các em học sinh trong buôn là thế hệ nền tảng cho làng. Các em là thế hệ có thể tiếp xúc với kiến thức hiện đại và khoa học kỹ thuật. Các em học sinh của làng sẽ là những người đưa dân làng đi lên từ cuộc sống, sẽ làm cho làng khá hơn và không còn khổ nữa…

Tôi xin trình bày chi tiết Hoạt động xã hội tại thôn Bà Râu, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

• Thời gian: Ngày 30/72008 và 31/7/2008.
• Địa điểm: Thôn Bà Râu, Tỉnh Ninh Thuận.
• Mục đích:
1. Thăm hỏi các gia đình dân tộc Raglai.
2. Tiềm hiểu về đời sống của các bạn học sinh Raglai.
3. Trao các phần quà cho các bạn học sinh từ lớp 10-12 của thôn.

Kết quả đạt được:

– Trao tất cả các phần quà của Nguyễn Thái Học Foundation cho các bạn học sinh Raglai.
– Thăm hỏi và động viên các em trên con đường học tập.
– Tổ chúc được cho các bạn có một buổi sinh hoạt thật vui vẻ và bổ ích.
– Có được sự nhiệt tình đóng góp của các bạn sinh viên địa phương.

                     ___ oOo ___

Tìm về yêu thương

Đàm thị Hồng Nhung
Thành viên NTHF

Lần này đến với các em, tôi như tìm lại chính mình. Con bé mà mỗi buổi tan trường về nhà, chân tay thường lấm lem, quần thì bị rách ở đầu gối vì những trò chơi như cướp cờ, đá gà cỏ, ném cát, nhảy dây… ngày nào giờ đã là sinh viên năm cuối (nghĩa là sắp hết được đi học rồi).

Tụi nhỏ cứ quấn lấy chân các anh chị, đòi hát, đòi chơi, đòi sang thăm nhà từng đứa… Chúng bộc bạch ngay: “em thương chị”, “chị hay quá”, “sao chị làm được”… Nhìn đứa nào cũng đen giòn dưới cái nắng cháy da của mảnh đất Tây Ninh này, mà thấy chúng đẹp quá: rắn rỏi, và rất đáng yêu.

Miền quê Lộc Khê nghèo đến xơ xác. Nhà nào “đỡ” một chút thì có nhà xây (mà cũng chỉ xây lên chứ ít nhà có tiền tô). Cả trường tiểu học có mười lớp (mỗi khối hai lớp). Các em đứa nào cũng nhỏ xíu so với tuổi của chúng (con bé học lớp năm mà chỉ 22 kg).

Thành viên NTHF, Hồng Nhung(đh Báo Chí), Quang Nam (đh Bách Khoa), Minh Châu(đh Xã Hội & Nhân Văn) và các em học sinh trường tiểu học Lộc Khê, Tây Ninh, 23 & 24/08/2008.

Chúng tôi đi qua những con đường (có lẽ là lối mòn) đến thăm nhà trẻ em khuyết tật và gia đình chính sách. Mỗi người là một mảnh đời nhọc nhằn. Những tiếng cười không ngớt khi gặp “tụi sinh viên”. Ai cũng hồn hậu, vui vẻ (dẫu có lúc gạt nhanh giọt nước mắt).

Nhóm chúng tôi – quỹ học bổng Nguyễn Thái Học – cùng với những nhóm khác như Người Việt Trẻ, Những ước mơ xanh, Hoa hướng dương, Việt Nam xanh, Thảo Đàn, Ham Hố hội… đã tham gia chương trình “Cùng em đến lớp”. Với những cuốn tập, cuốn sách, cây viết, và những bịch kẹo, mong rằng các em có được niềm vui nho nhỏ khi bước vào năm học mới.

                     ___ oOo ___

Trẻ em mồ côi xã Tà Nung

Phan Giao Thừa
Đại diện NTHF tỉnh Khánh Hòa

Nha Trang, 22 tháng 9 năm 2008.

Tôi xin trình bày chi tiết chuyến thăm hỏi các em mồ côi cha mẹ tại xã Tà Nung, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian: Ngày 16/ 09/2008 và Ngày17/09/2008
Địa điểm : Xã Tà Nung, Thành Phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Mục đích : Tiềm hiếu về đời sống của các em.

Trao các phần quà của Nguyễn Thái Học Foundation.

I. Kết quả đạt được

1. Đã trao tất cả các phần quà của NTHF cho tất cả các em.
2. Học biết thêm một số sự tích về các hoạt động thường ngày của người K’ho.

II. Kết quả chưa đạt được

Không đi đến được với các em trong dịp Tết Trung Thu năm 2008.
Lý do: tình hình mưa lũ tại địa phương làm nghẽn một số tuyến đường để lên Đà Lạt

III. Một vài ghi nhận từ chuyến đi

1. Tình hình các em mồ côi tại xã Tà Nung

a. Các em ở độ tuổi 1 tuổi đến 4 tuổi (25 em)
– Diện các em là mồ côi cha mẹ

Các em được các Nữ Tu nhận về từ nhiều nơi khác nhau : bệnh viện, các nơi khác giới thiệu, thậm chí cha mẹ của các trẻ này ( có con ngoài giá thú ) mang đến cho các Nữ Tu vì từ nơi bản thân họ không có điều kiện để chăm lo cho con của mình.

– Diện các trẻ được các Nữ Tu nhận về từ trong làng, xã để nuôi nấng.
Cả hai trường hợp này được quy về chung một điểm là các em bị suy dinh dưỡng nặng. Các Sơ đã nhận các em về để nuôi nấng, một phần muốn phục hồi thể lực và thể trạng cho các em suy dinh dưỡng ở trong làng, một phần là trang bị cho các bé một nền tảng kiến thức để các em đi học.
Đối với các em nhận ngay trong làng xã, các Sơ đã nhận nuôi miễn phí cho các em trong vòng một năm. Trong khoảng thời gian này, các Sơ chăm lo về dinh dưỡng để phục hồi thể trạng thoát khỏi nạn suy dinh dưỡng và dạy học cho các bé thuộc cấp độ nhà trẻ. Sau khoảng một năm, nếu các em phục hồi được thể trạng thì các Sơ sẽ trả về lại gia đình.

b. Các em từ 6 tuổi đến 17 tuổi (26 em)

Tất cả các em ở độ tuổi này đều là các em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đa số các em là người dân tộc thiểu số. Các em đi học sáng chiều luân phiên nhau. Tiền học phí là do các Sơ chu cấp. Các em không có phương tiện để đi học.

c. Đời sống của các em

Ngoài một buổi đi học ở trường, các em đã giúp các Sơ làm vườn để kiếm thu nhập cho cả nhà. Chế độ dinh dưỡng cho các bữa ăn tuỳ thuộc vào thu nhập ngày đó, tháng đó của cả nhà. Chế độ ăn của các em được giảm một phần để bù sang cho các trẻ suy dinh dưỡng. Khi đến giờ ăn, các em nhận lấy khẩu phần ăn của mình được chia đều trong các tô cơm. Khi các em ăn xong, theo thói quen tốt mà mấy Sơ đã dậy cho các em là tập họp lại và nói chuyện với nhau và cùng ăn nhe một ít trái cây để trán miệng. Sau đó, các em trở về phòng học bài. Lúc này các Sơ đóng vai trò là giáo viên cho các em.
2. Tình hình về đời sống các Sơ
Để tìm kinh phí cho các em mồ côi và các trẻ suy dinh dưỡng, các Sơ đã cố gắn làm vườn để nhờ đó mà tạo khoảng thu nhập để trang trải cho các em. ( vườn trồng ớt, cà phê, chuối…). Ngoài ra, các Sơ còn chia ra nhận giữ trẻ ở thành phố để lấy nguồn cung này bù đắp sang nguồn cầu cho cả nhà.
Các Sơ cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc sống.

– Đời sống của cả nhà tuỳ thuộc vào vườn mà họ gầy dựng nên. Nếu thời tiếc tốt, thì cả nhà được đầy đủ hơn. Còn nếu thời tiếc xấu và mùa màng bị hư thì cả nhà phải sống trong cảnh khó khăn.

– Chi phí học tập của các em. Số tiền chi trả cho việc học tập hàng tháng của các em thì cao.

– Tà Nung là một trong những vùng lạnh nhất của Thành phố Đà Lạt. Ngôi trường mà các em học khá xa nơi mà các em ở. Tuy nhiên các em đã thiếu phương tiện ( xe đạp, áo len dủ ấm) để đến trường.

Các Sơ chưa có khoảng thu nhập nào khác để mua phương tiện cho các em , mà chỉ tái sử dụng các đồ củ mà các Sơ nhận được từ các nhà hảo tâm.

Các Sơ là những người đi tu thuộc Thiên Chúa Giáo. Các Sơ đã cố hết sức của mình vì tình yêu thương tha nhân. Các Sơ như là một người mẹ, một người chị, một người thầy cho các em trong mái ấm này.

3. Cơ sở vật chất cho các em

Các em được bố trí ở trong 2 dãy nhà. Các em suy dinh dưỡng thì ở nhà có tên gọi là Trường Mần Non Nhân Đạo. ( nhà cấp 4 : là nhà trệt )
Các em trong độ tuổi cấp sách đến trường thì ở dãy nhà một trệt một gác lững. Trong dãy nhà này bao gồm phòng ngủ, phòng học và phòng sinh hoạt. Các em ăn chung với các Sơ trong nhà ăn của các Chị. Các em còn thiếu nồi cơm điện dung lượng 10 lít ( có thể nấu 5kg gạo ). Trị giá 150 usd
Ngoài ra, các em còn thiếu sách, truyện tranh, thiếu máy tính để tăng cường cho việc học.

4. Một số tập tục của người K’ho
a. Tập tục đi học
Tất cả các nhà trong buôn mà có con em nào đi học xa thì phải làm một con gà cho các em ăn trước lúc đi học.

Ngày xưa, theo truyền thuyết, chử viết được viết trên da thú vì người ta quan niệm chỉ có da thú mới bảo toàn được cái chử, bảo toàn được văn hoá và luư truyền cho con cháu đời sau. Khi Tộc trưởng đi học, thì cả làng thay phiên nhau giết trâu, bò, heo để lấy da cho Tộc trưởng học. Ngày nay, tập tục này vẫn còn được giữ nhưng không còn giết heo, bò, trâu nữa mà là giết một con gà để cho các em ăn để nhắn nhủ các em về truyền thuyết đi học của Tộc trưởng mình. Vì bây giờ chử viết được viết trên giấy, nên không giết các con vật lớn nữa. Vả lại ngày nay đa số các em được đi học còn ngày xưa thì chỉ có mình tộc trưởng. Nên việc giết gà chỉ là để tượng trưng cho truyền thống này.

b. Tập tục cưới hỏi
Đám cưới cũng là một nét đặc biệt trong tập quán của người K’ho. Cũng như một vài dân tộc thiểu số khác, người K’ho vẫn giữ chế độ mẫu hệ ( người con gái đi Bắt Chồng), phía giạm hỏi là phía nữ, phía đòi sính lễ là phía nam. Phía nam có quyền thách cưới cho phái nữ. Tuy nhiên, ở đây có một số điểm khác biệt.

Ngay trong ngày đám hỏi của cả hai họ, người xin cưới là phía nữ, phía nam sẽ thách cưới. Nếu hai bên đồng ý về sính lễ, về cách tổ chức hành lễ và tiệc cưới trong ngày đó, thì tối hôm đó người nam có thể về nhà gái và sống trong nhà gái.

Trước khi tổ chức đám cưới, cả họ nhà trai lẫn họ nhà gái cử ra một ban, một nhóm người với tên gọi là “ ban mời cưới”. Họ là cha mẹ của hai họ, là người đáng kính trong họ tộc, là chức sắc trong làng mà họ đang sống. Khoảng thời gian đi mời cưới được họ chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Những người mà họ mời trước nhất là những người mà gia đình họ đã phạm lỗi. Tuy nhiên, khi đến nhà họ không nói về đám cưới mà chỉ nói về cuộc sống hằng ngày. Sau một lúc mà thấy chủ hộ gia đình ấy mời nước, tiếp theo đó là mời lại ăn cơm, sau đó là mời rượu thì người đi mời biết rằng họ đã bỏ qua hết lỗi lầm của mình. Ngay lúc đó, họ liền mời đến dự cỗ. Đây là một dịp thuận tiện để họ làm lành với nhau. Những người đi dự đám cưới, mang theo những món quà cưới cho cả hai họ và chính cha mẹ chồng sẽ giữ những món quà này.

Đối với những người nghèo, họ không có tiền để đáp lại thách cưới từ họ nhà trai, thì sau khi bàn bạc về sính lễ, nếu cả hai bên đồng ý thì ngay đêm đó người nam có thể về nhà gái. Duy chỉ khác một điều là không có tổ chức lễ cưới linh đình, họ nhà gái sẽ nợ lại họ nhà trai phần sính lễ và họ phải trả nợ đến khi nào hết số nợ này thì họ sẽ tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái.
IV. Cảm nhận cá nhân
Tôi đã ao ước sẽ đến Đà Lạt vào ngày Trung Thu để tổ chức một Tết Trung Thu ý nghĩa cho chính các em mồ côi, cho chính bản thân tôi, và cả cho Nguyễn Thái Học Foundation. Tuy nhiên, ấp ủ này đã không thành hiện thực vì thời tiếc xấu. Lũ lụt đã làm tắt nghẽn tuyến đường đi Đà Lạt.

Trong chuyến đi này, tôi đã học được rất nhiều điều. Tất cả những con người mà tôi gặp gỡ thật hay và thật đáng quý. Tôi thật cảm phục trước tinh thần của các nữ tu về các hoạt động của họ cho cộng đồng của mình. Các chị đã luôn chủ động trong mọi công việc, từ việc nấu nướng, dạy học cho tới việc nương rẫy.

Đặc biệt hơn nữa là các chị đã nói thành thạo tiếng K’ho như là tiếng mẹ đẻ của mình. Khi được hỏi về lý do mà các chị nữ tu này học tiếng K’ho thì họ trả lời rằng: “Chúng tôi không áp đặc các em phải theo ngôn ngữ Kinh.
Chúng tôi chỉ dùng tiếng Kinh cho việc dạy học. Còn các mặc khác của cuộc sống, chúng tôi dùng một lần hai ngôn ngữ Kinh và K’ho để giao tiếp với các em. Chúng tôi tập nói tiếng K’ho là vì đại đa số các em mồ côi này thuộc dân tộc K’ho. Với cách nói theo ngôn ngữ như vậy chúng tôi coi nhau như một gia đình. Chúng tôi là mẹ, các em là con của chúng tôi…”
Nghe cách nói này trong tôi không khỏi xúc động trước một tinh thần đáng quý, đáng chân trọng này.

Tôi chắc rằng, có một ngày nào đó mà NTHF đồng hành cùng tôi đến với các em, các vị sẽ cảm thấy yêu quý họ là nhường nào.

Về phần các em, tôi cũng không khỏi xúc động trước tinh thần của các em. Các em vừa nhiệt tình trong việc học tập, vừa nhiệt tình trong công việc đồng án. Chắc có lẽ các em hiểu rằng các Sơ đã làm hết sức để nuôi nấng mình. Và các em muốn cộng tác với các Sơ cùng lo cho cuộc sống của mình. Tại vì họ đã tự lực tự cường để duy trì cuộc sống mà không có bất kỳ sự giúp đỡ đáng kể nào từ phía bên ngoài.

Tôi muốn giới thiệu các em này cho Nguyễn Thái Học Foundation với hy vọng tinh thần tương thân tương ái của tổ chức sẻ giúp các em có thêm nhiều cơ hội hơn về khía cạnh học tập và khía canh đời sống bằng cách nhận bảo trợ việc học tập cho các em để qua đó các em có thể đến lớp đầy đủ hơn và học hành ngày càng tiến tới, và qua đó các chị nữ tu sẽ có một khoảng dư ra để lo cho các em suy dinh dưởng. Ngoài ra cũng xin tổ chức giới thiệu các ân nhân để giúp đỡ các em nói riêng và cộng đoàn các chị nữ tu này. Góp phần tạo điều kiện cho họ thêm tự tin để đón nhận nhiều trường hợp hơn nữa. Đây chính là tâm tư từ chuyến đi mà tôi muốn chuyển đến tổ chức. Nếu được sự tin tưởng từ phía tổ chức, tôi sẽ đảm nhận việc kiểm tra các em theo từng học kỳ dưới cương vị là người đại diện cho đề án này với một năm kiểm tra hai lần. ( Tết Nguyên Đán và Hè )

Đây cũng chính là chương trình “ Giữ Trẻ Ở Trường” mà tôi đã có lần giới thiệu đến tổ chức nhằm “Cải thiện đời sống bằng giáo dục.” Mong tổ chức xem xét cho để án này.

Trước tiên, tôi xin tổ chức hỗ trợ cho các em một nồi cơm điện có dung lượng 10 lit ( 150 usd). Dụng cụ này sẽ giúp tiết kiệm được lò gas và nó cũng sẽ giúp cho các em yên tâm hơn trong cuộc sống.

Tôi xin cảm ơn tổ chức đã rộng tay cho các em những phần quà đầy chân trọng và đáng quý này. Tôi cũng xin cảm ơn tổ chức đã giúp tôi có được một chuyến đi thật ý nghĩa này. Tôi sẽ cố gắn hơn nữa cho công việc thiện nguyện xa hội và hoạt động dưới tinh thần của tổ chức để ngày càng có nhiều người được giúp đỡ hơn và tinh thần của tổ chức sẽ được phong phú hơn.

Tôi xin gửi địa chi người đại diện cho các em mồ côi tại Đà Lạt để tổ chức tiện liên lạc,

Chị M. Bernadette Lê Thị Tự.
( phụ trách từ thiện )
Email: hoahongvt@gmail.com
Địa chỉ: 53 Vạn Thành- P.5- Đà Lạt- Lâm Đồng
Tel: 84 063 830258
Cell phone: 84 0918 313 029.

Mến chúc tổ chức ngày càng thành công trên con đường bác ái xã hội của mình.

                     ___ oOo ___

Thư của Chủ tịch Ban Điều Hành NTHF

đọc trong lễ trao học bổng NTH tại Hà Nội

Quê hương chúng ta đang cần một thế hệ mang tư tưởng chinh phục để mang lại hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có các em mồ côi của chùa Bồ Đề.

Các em thân mến, với tất cả sự hy vọng, lòng tin tưởng tuyệt đối vào tuổi trẻ, chúng tôi thiết nghĩ rằng mục tiêu thứ ba của Nguyễn Thái Học Foundation sẽ có các em. Chúng tôi tin chắc rằng các em sẽ là những người bạn đồng hành và chúng ta sẽ chung sức làm việc cho một tương lai của quê hương Việt Nam theo gương sáng của người sinh viên, người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học. Tôi hy vọng các em sẽ là những nhân tố của một “Thế hệ mang tư tưởng chinh phục”.

Ảnh: Thành viên NTHF – lễ phát học bổng ở Hà Nội ngày 9-1-2011

                     ___ oOo ___

Hà Nội nhớ!

Nguyễn Thị Kiều – thành viên NTHF

Tình bạn này sẽ ngày càng sâu sắc hơn vì chúng ta còn chung lý tưởng, tình yêu và cùng mái nhà.

Đã hơn một tuần từ khi trao học bổng Nguyễn Thái Học xong, các bạn đã ổn định công việc, học tập. Nhưng có cái gì đó như mạch nước ngầm chảy trong mình. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những người bạn trong Nguyễn Thái Học Foundation đã để lại cho mình nhiều tình cảm và suy nghĩ. Là tình bạn được gắn kết bởi lý tưởng giúp mình mạnh mẽ hơn và bình yên hơn, là suy nghĩ về trách nhiệm của mình sau khi nhận được nhiều niềm tin và hi vọng như vậy vì hình như thấy mình còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

                     ___ oOo ___

Nhật ký: Mấy ngày ở Hà Nội

Nguyễn Thị Thanh Trinh – thành viên NTHF

Hà Nội, cái rét lạnh tê tái, phố phường, con đường lất phất mưa xuân.
Hà Nội, tình huynh đệ của thành viên Nguyễn Thái Học Foundation.
Hà Nội, mười hai độ ban ngày và tám, chín độ ban đêm. Lạnh! nhưng trong cái giá rét đó chúng ta đã tìm được sự ấm áp.

Đi bộ mỏi chân, trời lạnh, anh chị em ngồi xúm lại tranh luận xem năm sau sẽ được tổ chức họp mặt ở đâu, Huế hay Cần Thơ, v.v… Mà ở đâu cũng được, miễn anh chị em chúng ta còn được gặp lại, còn được chuyện trò mỗi năm một lần ở đâu đó trên dải đất Việt nam xinh đẹp cong cong hình chữ S này. NTHF được 5 năm mà đã có các thành viên ở cả Bắc Trung Nam rồi. Chỉ cần 5 hay 10 năm nữa thôi tỉnh nào chắc cũng có thành viên của NTHF. Vậy là đi đâu, cũng có người nhà, người của NTHF. Thế là cả đoàn mơ mộng ngày kỷ niệm 10 năm của NTHF, cả nhà sẽ đi tour xuyên Việt hoành tráng từ Bắc vào Nam.

Mấy ngày trước

Bản thân tôi năm ngoái đã tham dự một lần ở Sài Gòn vậy mà vẫn nôn nao và hồi hộp cho lần họp mặt năm nay. Nôn nao vì sắp được gặp những anh chị khác, những người bạn đến từ những vùng miền khác, hồi hộp vì chuyến đi xa với những người lạ, lần đầu ra thủ đô Hà Nội, lần đầu biết gió rét miền bắc.

Ngày 8 tháng 1

Buổi chiều ngồi với nhau trong quán cafe ấm để tự giới thiệu “tên tôi là” hoặc “tên em là”, thế là tôi biết và quen các anh chị. Đó là anh Hiếu trưởng đoàn năm nay, đó là chị Châu MC, đó là chị Quyên khóa trước sẽ làm quản trò và anh Thụ làm phó máy chụp ảnh cho chuyến đi. Kia là chị Kiều đang học cao học ở Hà Nội, anh Hậu khóa trước người miền Tây duy nhất, chị Ngọc đang ở Huế, anh Hồng đến từ miền trung, bạn Cường cũng đang học ở Hà Nội, bạn Nghị bay ra từ Sài Gòn. Chị Thục Vy và bạn Khánh Vy ở Đà Nẵng, bạn Loan học ở Hà Nội, và chị Nhung của khóa trước. Còn chúng tôi là Trinh và Ngân đi tàu lửa ra từ Sài Gòn cùng với bé út của cả nhà, bé Diễm. Vậy là đầy đủ cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Sau những giây phút làm quen ban đầu, mấy chị em dắt nhau đi nhà thờ, rồi vòng qua chợ đêm sinh viên, đông nghịt, mấy chị em bon chen mua sắm áo lạnh, món khoai nướng và bắp ngô nóng ăn giữa đêm mùa đông miền Bắc.

Sáng ngày 9 tháng 1

Sáng sớm, trời lạnh buốt, lười ra khỏi chăn mà mấy anh chị em vẫn gọi nhau dậy đúng giờ để tập trung ra xe lên đường bắt đầu một ngày đi với nhau trọn vẹn.

Cùng nhau gặm bánh mì và xôi Hà Nội được chị Loan chuẩn bị cho cả đoàn. Lạnh! anh chị em ngồi sát vào nhau, tiếng cười vang cả xe, làm ấm áp tươi sáng một góc phố Hà Nội.

Từ sau những giây phút bỡ ngỡ lúc làm quen ban đầu trong quán café chiều qua đến lúc đi cùng nhau đã có thể cười đùa, kể chuyện vui, chỉ trỏ phố phường, chia sẻ cho nhau cái áo lạnh, chiếc găng tay, cùng nhau đi dạo, nắm tay nhau chụp ảnh, í ới gọi nhau sang đường, và những câu chuyện tiếu lâm trên xe trong những tràng cười bất tận.

Chùa Bồ Đề và những giờ phút ý nghĩa, mang lại hơi ấm tình người, tình anh chị em cho những em bé ở chùa. Ai cũng được ôm lấy một cô cậu bé đáng yêu vào lòng, anh chị em như muốn ngày chủ nhật hôm ấy làm cho các em ấm lòng thêm một chút giữa mùa đông lạnh.

Hồ Gươm và những bức ảnh mấy anh chị em nhí nhố làm duyên, dẫn nhau vào đền Ngọc Sơn, chụp hình ở Tháp Bút, đi bộ dọc con đường bên hồ để qua chụp ảnh trước tượng đài Lý Thái Tổ.

Trưa ngày 9 tháng 1

Buổi trưa đi ăn, hai anh chủ nhà quên đường, anh em dẫn nhau đi bộ một lúc, hìhì, đó cũng là một sự cố đáng yêu. Ăn trưa xong anh em lên Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám, cả đoàn tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt ta. Lúc này anh chị em quen mặt, biết tên biết tính nhau, tha hồ đùa vui, chụp ảnh đủ kiểu, dẫn nhau xem xét mọi ngóc ngách của Văn Miếu.

Thú vị nhất là cảnh cả nhà thả bộ trước quãng trường Ba Đình thấy mấy chú bộ đội duyệt binh, hìhì, phát hiện ra nhà mình có chị Châu và anh Hậu có tài xem bói, thế là anh em xúm xít lại xem tình duyên. Hìhi. À, các anh chị và các thành viên Nguyễn Thái Học Foundation (NTHF) ở xa, cả nhà NTHF mình sắp có tin vui đấy, tin vui là chị Nhung, thành viên khóa 2008, sẽ lên xe hoa vào Tết này, chị ở Sài Gòn sắp lấy chồng Hà Nội. Chị hẹn các bạn ở miền Bắc đến Hải Phòng dự lễ cưới, còn các bạn trong Nam sẽ được ăn cưới ở Sài Gòn. Vui thật, tiếp theo có lẽ sẽ là chị Quyên khóa 2007, nghe đồn chị Châu và cả anh Hiếu cũng rục rịch rồi đấy.

Đi bộ mỏi chân, trời lạnh, anh chị em ngồi xúm lại tranh luận xem năm sau sẽ được tổ chức họp mặt ở đâu, Huế hay Cần Thơ, v.v… Mà ở đâu cũng được, miễn anh chị em chúng ta còn được gặp lại, còn được chuyện trò mỗi năm một lần ở đâu đó trên dải đất Việt nam xinh đẹp cong cong hình chữ S này.

NTHF được 5 năm mà đã có các thành viên ở cả Bắc Trung Nam rồi. Chỉ cần 5 hay 10 năm nữa thôi tỉnh nào chắc cũng có thành viên của NTHF. Vậy là đi đâu, cũng có người nhà, người của NTHF. Thế là cả đoàn mơ mộng ngày kỷ niệm 10 năm của NTHF, cả nhà sẽ đi tour xuyên Việt hoành tráng từ bắc vào nam.

Chiều ngày 9 tháng 1

Đến cuối chiều, anh chị em dẫn nhau đi mua sấu, mua cốm, mua ô mai Hà Nội làm quà về miền nam. Cả nhà thân quen đến nỗi mua một hộp sấu, chị Quyên bốc ra và cả đám tụm lại ăn chung, sấu chua, Hà Nội lạnh, suýt xoa, những tiếng cười rúc rích, những ánh mắt yêu thương.

Tối ngày 9 tháng 1

Bữa ăn tối cùng nhau, cả đoàn ngồi sát lại, dzô hò ầm ĩ, bây giờ thì cuộc nói chuyện kéo dài từ chủ đề này sang chủ đề khác, anh chị em cười đùa hồn nhiên, thoải mái, những câu chuyện Bắc, Trung, Nam dài bất tận. Mọi người chuyền tay nhau sổ lưu bút của chuyến đi hôm nay, những câu chia sẻ đầy cảm xúc.

Vui nhất là tàn cuộc cả nhà rủ nhau đi hát cho nhau nghe. Cả nhà gọi vui là cuộc thi “ NHTF IDOL”. Anh Hiếu mở màn với một bài hát miền Bắc chào miền Nam và chúc xuân cả nhà. Chị Kiều và chị Châu tiếp tục bằng bài “Hãy Hát Lên” làm cho cả nhà phấn khởi lắm lắm. Những ca khúc tình bạn tình yêu, tình quê hương đất nước tiếp tiếp nhau qua giọng ca của các thành viên khác.

Ai cũng sung, ai cũng cười, đơn ca, song ca, tam ca có đủ, chuyền nhau hát chung bài “Đứa Bé”, tự nhiên nhớ lại những ánh mắt những nụ cười ngây thơ của các bé ở chùa Bồ Đề sáng nay. Cho đến khi nhạc bài hát “Tạm Biệt” vang lên, làm cả nhà giật mình, chao ơi, cuộc vui nào cũng đến lúc kết thúc; thế là cả nhà đứng dậy, nắm tay nhau, đi vòng tròn nhẹ, cùng hát chung ca khúc tạm biệt mà mắt ai cũng ngân ngấn, bé út thì sụt sùi khóc.

Anh Hiếu cám ơn cả đoàn vì dịp gặp nhau, cám ơn các anh chị NTHF đang ở nơi xa xôi đã tài trợ cho cả đoàn được một cơ hội gặp nhau vui như thế nay, cám ơn sự chân tình và công lao tổ chức của các bạn Hà Nội, cám ơn sự có mặt của các anh chị em tỉnh khác đến, chị Châu thay mặt các bạn cám ơn anh Hiếu và ban tổ chức ngày vui trọn vẹn và ý nghĩa này, chị Kiều thay mặt các em thí sinh năm 2010 cảm ơn sự có mặt của các anh chị khóa trước, chị Nhung nhắn cả nhà nhớ giữ liên lạc với nhau.

Khuya ngày 9 tháng 1

Cuộc vui thế vẫn chưa tàn, mọi người đều muốn níu kéo những giây phút cuối, cùng nhau dạo bộ về đến nhà nghỉ, chia tay bịn rịn, những câu chúc, những cái bắt tay thân tình và cả những cái ôm xiết nồng ấm của chị em trao nhau, cùng lời hứa sẽ giữ liên lạc. Bé út cứ khóc hoài vì xúc động, mấy anh chị xúm lại chọc em, bé vừa khóc vừa cười làm cả nhà cười vang. Ấm áp lắm, mặc dù lúc ấy là 11 giờ đêm, Hà Nội đang rét run.

Về đến phòng nghỉ, anh chị em đâu ai chịu về phòng, thế là túm lại một phòng nói chuyện tiếp, tâm sự chuyện gia đình, chuyện sức khỏe, chuyện học hành, chuyện tình cảm và cả những dự định cho tương lai. Thức rất khuya để trò chuyện vì sợ những giờ phút bên nhau không còn nhiều nữa, sáng mai thức giấc là mọi người lại lên đường.
Đúng như mục tiêu tinh thần mà đoàn đã đặt ra là họp mặt gặp gỡ các thành viên trong NTH hằng năm, trao đổi chia sẻ, gắn kết với nhau. Trao học bổng và vui chơi tham quan với nhau, qua đó để học hỏi lẫn nhau và hiểu nhau hơn.

Ngày 10 tháng 1

Tôi thích cách chị Nhung gọi cả đoàn và những thành viên của NTHF là “cả nhà”. Tôi thích cách anh Hiếu gọi bé Diễm trong suốt chuyến đi là “em út nhà mình”. Tôi thích chị Châu luôn làm không khí cả nhóm rộn ràng hơn. Tôi thích sự gần gũi thân tình của chị Kiều.

Tôi thích cái nắm tay nhiệt tình của chị Quyên luôn lôi kéo mấy đứa xúm lại chụp hình, mọi lúc, mọi nơi. Tôi thích nụ cười hiền lành và chất giọng rất Huế của chị Ngọc. Anh Hậu con trai miền Tây rất dễ gần gũi. Còn Nghị thì luôn có những suy nghĩ và câu nói rất dí dỏm làm cả nhà cười vang.

Trong cái giá lạnh 9 độ của Hà Nội ngày hôm ấy, anh chị em mình đã thực sự trở thành anh chị em, cả nhà NTHF mình đã thật sự là cả nhà. Tiếc là cả nhà NTHF năm nay đông lắm mà chỉ được gặp có 15 thành viên, thôi, hẹn năm sau hoặc một dịp nào đấy nhé, nhớ rằng, chúng ta là một gia đình.

Chia tay và những tình cảm đọng lại nơi mỗi người, đến giờ phút này, trong trái tim mỗi người sẽ có thêm một ngăn dành cho những người bạn, những anh chị em trong nhà mang tên Nguyễn Thái Học.

Yêu cả nhà và hẹn gặp lại!

Ngày 12 tháng 1

Tôi đã gặp các anh chị và các bạn như thế, tôi đã học được nhiều từ họ, từ hai ngày đi xa này. Đó là những người trẻ năng động và nhiệt huyết, đúng như sự mong đợi của các anh chị trong ban điều hành phương xa, như một đoạn trong lá thư của anh Nhật Hoàng:

“Quê hương chúng ta đang cần một thế hệ mang tư tưởng chinh phục để mang lại hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có các em mồ côi của chùa Bồ Đề.

Quê hương chúng ta cần phải có một lớp người mang tư tưởng chinh phục để chuyển đất nước đang phát triển (developing country) thành một quốc gia đã phát triển (developed country).

Quê hương chúng ta đang cần một thế hệ mang tư tưởng chinh phục để Việt Nam sớm trở thành một cường quốc, cùng sánh vai với năm châu.

Các em thân mến, hãy xiết chặt tay nhau và trui rèn ý chí vì tương lai của Việt Nam.”

Qua đó, các anh chị của NTHF mong muốn có một lớp trẻ Việt Nam thành đạt trong tinh thần trách nhiệm với nhau và với cộng đồng, gắn bó, gần gũi, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống và học tập để sống tốt, sống có ích và sống cống hiến.

Ngày 13 tháng 1

Tôi thích cách tổ chức họp mặt mỗi năm một địa điểm như thế này, vừa là gặp nhau vừa là một chuyến đi để học hỏi và trưởng thành hơn.

Tôi thích cách ban tổ chức có một anh chị khóa trước làm trưởng đoàn và sự có mặt của các anh chị đi trước, điều đó như một sự tiếp nối, như động lực để những người bạn trẻ noi gương học hỏi, sáng suốt lựa chọn con đường phù hợp, hăng say và nhiệt huyết hơn nữa trong học tập và hoạt động xã hội.

Tôi thích lịch hoạt động của ngày họp mặt, chương trình không nặng về hình thức mà chú trọng sự thoải mái và gần gũi, cởi mở và kết nối.

Tôi thích mục tiêu của ngày họp mặt không chỉ là trao học bổng, mà còn kết hợp tham quan, vui chơi, và hoạt động xã hội.

Lễ trao học bổng hằng năm đều được tổ chức ở một địa điểm mà ở đó các bạn NTHF đều cảm thấy rất có ý nghĩa, thấy xứng đáng với những sự động viên và khích lệ của những anh chị khác, để được mở rộng tầm mắt, khơi nhịp trái tim và dang rộng vòng tay yêu thương.

Được nhận và được cho, là tình người nối kết tình người, những cô chú anh chị và những mạnh thường quân khác đã chia sẻ và khuyến khích chúng ta như thế nào thì ngay lúc ấy chúng ta phải san sẻ điều ấy cho những người xung quanh, để những trái tim nơi xa, qua trái tim và vòng tay chúng ta nối kết được với nhiều người hơn nữa, và nuôi lớn trong lòng chúng ta, những thế hệ trẻ của tinh thần trách nhiệm với trái tim tràn đầy nhiệt huyết.

Sài Gòn, ngày 13-1-2011

                     ___ oOo ___

Hà Nội – Những ngày rất ấm

Bùi Thị Minh Châu – thành viên NTHF

Những ngày này Hà Nội lạnh thật, nhưng với tôi Hà Nội chưa bao giờ ấm áp như thế này khi tôi được sống trong tình yêu thương của gia đình NTHF.

Chiều ngày 10 tháng 1, tôi cùng với 2 bạn nữa cũng ở miền Nam ra sân bay trở về Sài Gòn. Hiếu và Cường, hai thành viên NTHF ở Hà Nội đã tiễn tôi cho đến khi tôi bước vào khu vực cách ly để chuẩn bị lên máy bay. Có lẽ hình ảnh Hiếu và Cường vẫy tay chào tạm biệt tôi buổi chiều hôm ấy ở sân bay sẽ mãi mãi đọng trong tâm trí tôi, là một trong những ký ức đẹp nhất của tôi với Hà Nội yêu dấu.

                     ___ oOo ___

Thế hệ chúng ta – thế hệ chinh phục

Huỳnh Thục Vy – thành viên NTHF

Tôi đã ở bên các bạn, không nói nhiều, không thể hiện nhiều nhưng tôi muốn các bạn biết rằng các bạn đã làm cho ngọn lửa tin yêu và hi vọng trong lòng tôi cháy sáng hơn bao giờ.

Cũng là một người trẻ, lâu nay tôi vẫn giữ trong tim một niềm tin và hi vọng vào nhiệt huyết và tài năng của thế hệ trẻ Việt Nam có khả năng làm thay đổi diện mạo của đất nước này. Gặp các bạn, niềm tin ấy trong tôi càng được khẳng định.Tôi sung sướng nhìn những nụ cười rạng rỡ và những ánh mắt đầy tin yêu của các bạn – niềm tin yêu nhau và tin yêu cuộc đời. Giữa Hà Nội giá rét, lòng tôi ấm áp và tin tưởng.

                     ___ oOo ___

Lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học niên khóa 2009

Hồng Nhung – Thành viên NTHF 31.01.2010

Chủ Nhật ngày 31-01-2010, Lễ trao học bổng Nguyễn Thái Học 2009 được tổ chức tại Trung tâm Mai Hòa, huyện Củ Chi. Nhân dịp này, 14 học sinh, sinh viên đến từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam có dịp gặp nhau, kết tình thân ái.
Buổi lễ diễn trang trọng và ấm cúng. Rất nhiều cựu thành viên học bổng Nguyễn Thái Học cũng có mặt để chia vui với những thí sinh đạt học bổng năm nay. Bạn bè, anh chị em gặp nhau để chia sẻ những câu chuyện về trường lớp, về công việc, về cuộc sống… Những cái nắm tay, ánh mắt thân thương và cả những tấm lòng chân tình, đầy nhiệt huyết và tri thức có dịp gặp nhau.

Đến Trung tâm nuôi dạy trẻ nhiễm HIV Mai Hòa, các thành viên học bổng Nguyễn Thái Học cũng chia sẻ tình yêu thương của mình với những em bé ở đây. Khởi hành từ trung tâm Sài Gòn lúc sáng sớm, trên tay ai cũng khệ nệ những phần quà, bánh kẹo dành tặng cho các em. Nhìn những ánh mắt hồn nhiên, khát khao tình cảm gia đình của các em, nhiều thành viên học bổng đã rơm rớm nước mắt khi biết rằng cuộc đời các em có thể rất ngắn ngủi. Những cái ôm hôn, những lần bế ẵm, những lần cõng hay dỗ dành các em khiến cho những đứa trẻ vốn mặc cảm và thiếu thốn tình yêu đã coi các thành viên học bổng như anh chị của mình. Cùng vẽ bức tranh mơ ước, cùng hát múa, những kỷ niệm ấy là hành trang yêu thương, để mỗi thành viên học bổng Nguyễn Thái Học luôn tự nhủ phải phấn đấu không ngừng, là người sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

Lời tâm tình của thành viên học bổng sau buổi lễ:

Lần đầu tiên gặp được những bạn mới trong một môi trường mới, tôi rất vui vì được làm quen với các bạn. Hẹn ngày gặp lại. (Lê Văn Hậu – Cần Thơ)

Hôm nay là dịp em đã chờ đợi rất lâu để được giao lưu với các bạn thành viên học bổng Nguyễn Thái Học. Đây là một ngày vui cho tất cả mọi người, là dịp chung vui, chia sẻ với các em trong mái ấm. Một cuộc hành trình tuy ngắn nhưng thật ý nghĩa đối với những con người trẻ tuổi khát khao xây dựng đất nước tốt đẹp. Hy vọng mọi người sẽ luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe, thành công trong cuộc sống và chúc tổ chức Nguyễn Thái Học ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp. (Nguyễn Đăng Thạch – Quảng Nam)

Vui, ấm áp, ý nghĩa và thân tình! Đó là cảm xúc của em khi được tham dự buổi lễ trao học bổng năm nay. Em rất mong có dịp được gặp lại tất cả mọi người. (Nguyễn Thị Thanh Trinh – Đồng Nai)

                     ___ oOo ___

Hổ trợ Học cụ cho Học sinh Thiểu số xã Diên Lâm

Phan Giao Thừa, Đại Diện NTHF tỉnh Khánh Hòa 12.06.2009

Diên Lâm là một xã vùng xa xôi hẻo lánh của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Dân cư thì thưa thớt, chủ yếu là người Kinh và một số ít là dân tộc Raglai. Người dân sống và sinh hoạt động đồng theo làng xã của họ vì khoảng cách từ làng này tới làng kia rất xa. Thời tiết thì khắc nghiệt, chỉ phân biệt được 2 mùa: mùa nắng và mùa mưa. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi (làm rẫy, trồng lúa và nuôi bò). Người dân nuôi bò không phải chú trọng cho kinh doanh hay buôn bán mà là để chuyên chở và cày ruộng.


Click to listen highlighted text!