Bình luận tác phẩm “Chân quê” – Nguyễn Bính
Cảm xúc Chân Quê trong thơ Nguyễn Bính
Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Hay:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Những câu hát ấy thấm vào hồn tôi, khiến tôi thuộc nằm lòng. Tôi cứ tưởng đó là những câu ca dao. Sau này lớn lên, đi học, tôi ngỡ ngàng khi biết đó không phải là ca dao, mà là những câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Bình, một nhà thơ tiêu biểu cho “một thời đại thi ca” của dòng thơ lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945. Tôi càng tự hào hơn khi biết tác giả của những câu thơ tài hoa ấy lại là một người con sinh ra từ một làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống văn hiến của đất Nam Định quê tôi: làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản.
Thơ Nguyễn Bính đi vào lòng người bởi cái hồn mộc mạc mang hương đồng gió nội, vượt qua mọi lớp bụi thời gian, toả sáng trong thơ, toả sáng tâm hồn dân tộc, toả sáng nét đẹp nhân bản của con người Nam Định, Việt Nam.
Thơ Nguyễn Bính, bài ngắn thì hai câu, bốn câu, bài dài có cả trăm câu, nội dung đề cập tới hàng loạt vấn đề. Nhỏ thì tâm tư tình cảm cá nhân, gia đình, bạn bè, lớn thì tình yêu quê hương đất nước, nhiều hơn cả là tình yêu nam nữ.
Trong chúng ta, có lẽ không ai là không thuộc thơ Nguyễn Bính, ít ra là một vài câu. Trên thực tế, thơ Nguyễn Bính đã đi vào tâm hồn dân tộc, thấm vào lời ăn tiếng nói người dân quê, trong câu hát ru của mẹ, của bà, trong lời giao duyên tình tứ của những đôi lứa yêu nhau… Có lẽ ở góc độ này, Nguyễn Bính chỉ đứng sau đại thi hào Nguyễn Du mà thôi.
Vậy điều gì đã tạo cho thơ Nguyễn Bính sức hấp dẫn làm say lòng người đến thế? Có lẽ cái làm cho thơ Nguyễn Bính in một dấu son không phai mờ trong lòng bạn đọc lại không hoàn toàn nằm ở số lượng nhiều bài, không nằm ở thể tài, thậm chí không nằm ở nội dung, mà cái chính là ở chất chân quê mộc mạc, cái tình quê đằm thắm rất riêng biệt chỉ có ở thơ Nguyễn Bính, làm người đọc không thể lẫn thơ ông với thơ của tác giả khác.
Để hiểu cái điều bình dị và kỳ diệu ấy, ta hãy trở về cái không khí xã hội, không khí văn học Việt Nam, thời Nguyễn Bính mới xuất hiện giữa làng thơ. Thời kỳ ấy, trước làn gió mới mẻ của phương Tây thổi vào, khi mà người ta háo hức hiện đại hoá, đua nhau cách tân, lao vào tìm hiểu những cái mới lạ của phương Tây, thì Nguyễn Bính cứ hồn nhiên giữa làng thơ với chất quê mộc mạc của mình. Những là:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư)
Hay là:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
(Người hàng xóm)
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1940, nhà nghiên cứu phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh đã quả quyết rằng: “Trong lịch sử thi ca Việt Nam, chưa bao giờ có một hồn thơ “quê mùa” như Nguyễn Bính”. Quê mùa mà nổi tiếng, vì quê mùa ở đây chính là cái gốc nhân bản của con người Việt Nam, cái hương vị thanh tao của đồng quê, cái hồn mộc mạc của quê hương.
Nguyễn Bính đã đưa vào thơ mình cái chất quê mùa của hương đồng gió nội một cách có ý thức sâu sắc. Có thể coi bài Chân quê là một tuyên ngôn nghệ thuật của ông về cái hồn quê ấy. Trong bài thơ, tác giả mượn lời trách nhẹ nhàng cô người yêu đi tỉnh về đã để cho hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, để bộc lộ quan điểm về cái chân quê của mình:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng
áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Mà:
Nói ra sợ mất lòng em
Nên:
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Bởi vì:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê.
Với Nguyễn Bính, chân quê chính là cái gốc, là bản sắc văn hoá dân tộc, là nét đẹp nhân bản của con người Việt Nam, phải biết bảo vệ và gìn giữ nó.
Trong bài Thư gửi thày mẹ, sau khi tự trách cái tính giang hồ lãng tử của đứa con bất hiếu là mình:
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương
Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Nhà thơ đã có những lời nhắn gửi thật sâu xa, cảm động:
Thày ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng.
Ðến với thơ Nguyễn Bính, ta như được trở về với tuổi thơ của chính mình, trở về với luỹ tre làng quê hương thân thuộc. Từ những hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông, con đò, giếng nước, cây đa, sân đình… đến dậu mùng tơi, cánh bướm, cánh diều, lá giầu, cây cau, cỏ may, đồng nội… Tất cả đã đi vào thơ Nguyễn Bính một cách tự nhiên và đầm ấm tình người. Khi đọc thành lời diễn cảm đoạn thơ sau đây của Nguyễn Bính, ta thấy thú vị trước cách cảm, cách nghĩ, cách so sánh ví von, cách dùng điệp từ, cách sử dụng lời ăn tiếng nói rất dân gian của ông:
Ví chãng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng
(Nhớ)
Hay câu:
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa.
(Qua nhà)
Đến như bài thơ sau đây thì dường như cái hồn thơ Nguyễn Bính đã hoà đồng đến máu thịt với đời sống tâm hồn của con người xứ quê:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng dập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau.
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non
(Chờ nhau)
Những cách tính thời gian chừng dập miếng giầu, cách nói ỡm ờ mà tế nhị, mà tình tứ hình như họ biết chúng mình với nhau, các thành ngữ cả gió đắt cau, sương muối giầu đổ non… là lời ăn tiếng nói, là cách cảm, cách nghĩ của người xứ quê và chỉ người xứ quê mới có. Đó là những viên ngọc còn thô mà Nguyễn Bính chỉ cần gia công đôi chút là trở thành những bài thơ tuyệt tác, một viên ngọc ngôn ngữ của một nghệ sĩ bậc thầy. Khi cái nét quê mộc mạc gặp gỡ với chất nghệ sĩ bậc thầy, Nguyễn Bính đã sáng tạo cho đời những dòng thơ cảm tác tuyệt hay:
Hôm qua dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm.
(Không đề)
Ðọc thơ Nguyễn Bính ta nhận ra vô số những viên ngọc ngôn ngữ dung dị mà duyên dáng, sâu sắc mà hồn nhiên, lung linh toả sáng, toát ra cái hồn quê mộc mạc, tình quê đằm thắm, tạo thành phong cách Nguyễn Bính, phong cách chân quê. Trong mạch thơ đồng quê ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, có một số nhà thơ nổi tiếng như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… đã để lại cho đời những bức tranh quê chân thực. Trong số đó, Nguyễn Bính có một giọng thơ riêng, để lại cho đời những bài thơ mang âm hưởng tình quê chân thực. Dù có một số bài còn dàn trải, có vẻ dễ dãi, thơ Nguyễn Bính vẫn được đông đảo bạn đọc thuộc và yêu mến, bởi thơ ông đã nói hộ nỗi lòng, trạng thái tình cảm đa dạng trong tình ái của nhiều lớp người quê. Những mối tình quê trong thơ ông thường éo le, ngang trái, sầu muộn mà đằng sau nó, bạn đọc dễ dàng nhận ra tâm sự bi phẫn về hoàn cảnh xã hội ngột ngạt, niềm hoài hương khắc khoải khôn nguôi và khát vọng đổi thay…
Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ mở cửa, chúng ta có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Điều này là cần thiết và phù hợp với xu thế thời đại. Nhưng tiếp thu các nền văn hoá mới cần phải có chọn lọc, hoà nhập với thế giới nhưng không hoà tan, hội nhập mà không đánh mất bản sắc văn hoá của chính mình. Đó là điều mà toàn dân ta mong đợi. Về một phương diện nào đó, điều ấy, Nguyễn Bính đã từng cố gắng làm từ hơn nửa thế kỷ trước. Vì thế, thơ Nguyễn Bính vẫn còn nguyên giá trị và sẽ sống mãi trong dân gian.
Đoàn Văn Tĩnh, Trần Mỹ Giống
Chân quê – thơ Nguyễn Bính
Nội dung
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
1936
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài hát Hương đồng gió nội.
Nguồn: Hoàng Xuân, Nguyễn Bính – thơ và đời, NXB Văn học, 2003
CLICK HERE: Chân Quê (Nguyễn Bính) – Quang Linh