Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

NGUYỄN THÁI HỌC và Sách Lược Dân Chủ Hóa Đông Dương


Nguyễn Đại Việt

Nguyễn Thái Học, một sinh viên, và là một trong những nhà cách mạng, lãnh tụ, có tầm vóc và trẻ tuổi nhất trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ và tự do của nhân loại trong đầu thế kỷ 20.

Ông sáng lập, chỉ huy, và lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của người Pháp, giành lại chủ quyền và xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam. Cuộc nổi dậy và tổng tấn công được phát động vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 diễn ra trên toàn cõi Bắc Kỳ, sau này được lịch sử mệnh danh là cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. Cuộc tổng khởi nghĩa này là một kế hoạch nằm trong sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương của Nguyễn Thái Hoc.

Sau khi triều đình nhà Nguyễn bị ép buộc ký hoà ước Nhâm Tuất năm 1862, hợp thức hoá sự cai trị của Pháp tại Việt Nam, trong suốt thời gian từ năm đó cho đến trước năm 1930, các phong trào đấu tranh chống Pháp được dấy lên liên tục. Mục đích của tất cả các cuộc đấu tranh là đánh đuổi người Pháp giành lại chủ quyền cho Việt Nam. Hầu hết lãnh tụ các cuộc kháng chiến trong thời gian này đều có khuynh hướng duy trì chế độ quân chủ phong kiến sau khi thành cộng.

Trong khi đó, ngoài mục đích giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho dân tộc, cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái còn mang một sắc thái mới, một sắc thái cách mạng đúng nghĩa, đó là thay chế độ phong kiến bằng một thể chế dân chủ tiến bộ mà hiện nay nhân loại đang cổ súy.

Việt Nam ngày ấy

Vào thời điểm khi cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái xảy ra, thế giới còn phân hoá, chậm tiến, và chưa có công pháp quốc tế như bây giờ. Thời kỳ này là thời kỳ của quyền lực, tiêu diệt, và thống trị, điển hình qua chính sách thuộc đia. Một chính sách được các cường quốc, đặc biệt là các cường quốc tây phương, cổ cõ và triệt để ủng hộ. Nói một cách khác, đây là thời kỳ mà các cường quốc tranh nhau đi chinh phục các nước nhược tiểu, hổ trợ nhau trong việc cai trị để khai thác tài nguyên của các thuộc địa và dân bản xứ. Nhìn chung, thế giới đang ở trong một hoàn cảnh khá hỗn loạn và phức tạp, bao gồm nhiều khuynh hướng chính trị, kinh tế, và xã hội khác nhau. Một trong những khuynh hướng ấy là khuynh hướng đòi lại Tự do và giành lại Độc lập của dân các nước thuộc đia. Khi ấy, cụm từ “độc lập tự do” trở nên phổ biến, được dùng làm khẩu hiệu, và thường xuyên được thấy trên đôi môi và trong giấc mơ của người dân bản xứ.

Việt Nam thuở bấy giờ là một nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu ở Đông Dương, và bị người Pháp đô hộ và cai trị trong một thời gian dài. Lúc ấy khái niệm về độc lập tự do tương đối dễ hiểu đối nhưng khái niệm về dân chủ thì còn quá mới mẻ và xa lạ, nếu không nói là mơ hồ đối với một xã hội mà đa số là nông dân và thất học. Thành phần được đi đến trường rất hiếm hoi, nhất là các trường do Pháp thành lập và bảo hô. Tệ hơn nữa, sống trong một chế độ phong kiến, người dân Việt Nam còn chịu thêm sự áp bức và bóc lột bởi chế độ thuộc địa của người Pháp. Trong một hoàn cảnh xã hội như vậy, người ta khó lòng để mường tượng, chứ đừng nói đến lĩnh hội được cái khái niệm dân chủ trừu tượng và mơ hồ kia. Đây là một hiện thực và là một thảm trạng chung của dân tộc ba nước Việt Nam, Lào và Cambodia, thường được gọi là ba nước Đông Dương vào những năm của thập niên 1920.

Nguyễn Thái Học lập đảng

Sự khai thác và bóc lột của chính sách thuộc địa là nguyên nhân chính đưa đến các cuộc khởi nghĩa liên tục trong suốt thời gian người Pháp cai trị Việt Nam. Đa số các cuộc khởi nghĩa được tổ chức và tham gia bởi hầu hết các tầng lớp của xã hội, bao gồm công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, và giới sĩ phu. Năm 1927, Nguyễn Thái Học, một sinh viên của trường cao đẳng thương mại do Pháp bảo hộ, cùng với một số sinh viên và các thành phần yêu nước của hai vùng Bắc Kỳ và Trung Kỳ, bí mật thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng cách mạng, với mục đích giải phóng đất nước khởi sự thống trị của người Pháp và thay thế chế độ quân chủ phong kiến bằng một chế độ dân chủ.

Căn cứ theo sử liệu thì Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hoạch định sẽ thiết lập một thể chế Dân Chủ ở Việt Nam, Lào và Cambodia sau khi thành công trong việc đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dượng. Nói một cách khác, người sinh viên Nguyễn Thái Học muốn giải phóng và dân chủ hoá toàn cõi Đông Dượng. Ông đã khai triển sách lược này bằng cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái vào ngày 10 tháng 2 năm 1930.

Thực vậy, trong ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, và cũng là kỳ đại hội lần thứ nhất của đảng cách mạng này, được tổ chức bí mật vào ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại Hà Nôi, Nguyễn Thái Học được bầu làm chủ tịch, và dưới sự lãnh đạo của ông, tất cả các đại biểu đã cùng vạch ra mục tiêu đấu tranh cho tổ chức của họ và được ghi lại trong văn kiện sau đây:

“Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước độc lập Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặt biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên.” (1)

Suốt thời gian bị cai trị, người Việt đã biết bao lần xử dụng phương thức ngoại giao, thương thảo, và điều đình với Pháp để đòi lại chủ quyền nhưng đều thất bại. Người Pháp không chấp nhận bất kỳ hình thức ngoại giao nào của người bản xứ nếu sự thương thuyết ấy có liên quan đến việc trả lại chủ quyền cho dân tộc đó. Lý do đơn giản là họ muốn duy trì chính sách thuộc địa, khai thác tài nguyên của các nước nhược tiểu và dân bản xứ, nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế của nước Pháp. Do vậy, họ không bao giờ có ý định rời bỏ Đông Dương. Trường hợp của Nguyễn Thái Học cũng không ngoại lệ. Ông cũng đã gặp và viết thư cho Varenne, toàn quyền Đông Dương, nhưng đã không nhận được một sự trả lời nào cả. Vì không còn giải pháp nào khác nên Nguyễn Thái Học và các đồng chí quyết định làm một cuộc cách mạng vũ trang, đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam.

Liên minh Đông Dương

Không những chỉ đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, người sinh viên 25 tuổi còn muốn giúp các dân tộc trong vùng đang bị đô hộ giành lại độc lập và tự do cho quốc gia họ. Lào và Cambodia là hai quốc gia láng giềng của Việt Nam và cũng là những thuộc địa của Pháp. Nói một cách khác, văn kiện trên đây chứng tỏ công cuộc giải phóng toàn cõi Đông Dương khỏi ách thống trị của Pháp là một trong hai mục tiêu đấu tranh chính của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Có hai lý do để Nguyễn Thái Học quyết định giải phóng Đông Đượng. Ngoài lý do “thấy cảnh bất bình rút đao tương trợ”, người ta có thể hiểu là việc giải phóng Lào và Cambodia nằm trong mục tiêu chiến lược, liên quan đến nền độc lập và hoà bình lâu dài cho Việt Nam. Lãnh tụ họ Nguyễn và Việt Nam Quốc Dân Đảng không thể không nhìn thấy thế chiến lược quan trọng về phương diện chính trị và quân sự của ba nước Đông Dương đối với cuộc đấu tranh cách mạng của họ. Ông và các đồng chí chắc chắn đã nhận định rằng độc lập, tự do, và nền dân chủ ở Lào và Cambodia liên quan mật thiết đến độc lập, tự do, và thể chế dân chủ của Việt Nam.

Do đó, quyết định hổ trợ Lào và Cambodia đánh đuổi người Pháp là một nhận định khôn ngoan và thật cần thiết. Thật vậy, khi nhìn vào vị trí của ba nước này trên bản đồ thì bất kỳ người nào, không cần phải là một nhà quân sự lỗi lạc, cũng có thể lập luận là nếu chỉ đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, không sớm thì muộn, từ thuộc địa Lào và Cambodia, chắc chắn họ sẽ trở lại Việt Nam. Từ trước đến nay, Lào và Cambodia luôn luôn được xem là những quốc gia vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ biên giới trọng yếu phía Tây của nước Việt.

Việt Nam Cộng Hòa

Khi người ta nói đến thể chế Cộng Hòa có nghĩa là người ta đang nói về chế độ Dân Chủ. Cộng Hòa là một tên gọi khác của Dân Chủ. Mục đích đấu tranh thứ hai của Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo văn kiện trích dẫn trên đây, là thành lập một nước Việt Nam Công Hòa sau khi thành công trong việc đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dượng. Mục tiêu này diễn tả đầy đủ tính chất cách mạng của tổ chức mà họ thành lập. Cách mạng là thay đổi cái cũ lạc hậu bằng cái mới tốt đẹp và văn minh hơn. Cuộc cách mạng của họ là thay chế độ quân chủ phong kiến bằng chế độ dân chủ sau khi mục tiêu thứ nhất được hoàn thành.

Tuy văn kiện không nói rõ việc thành lập nền Cộng Hòa hay Dân Chủ ở Lào và Cambodia, nhưng từ mục đích hỗ trợ dân tộc của hai quốc gia láng giềng giải phóng đất nước của họ, thêm sự phân tích tư thế chiến lược của ba nước đã được trình bày, cho phép người ta suy luận rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ giúp đỡ và hỗ trợ phong trào hoặc đảng phái nào có khuynh hướng đấu tranh cách mạng tương tự như của họ. Vã lại, một khi công cuộc giải phóng thành công, chắc chắn mối quan hệ giữa ba nước này sẽ trở nên mật thiết hơn. Việt Nam sẽ được xem là một nước láng giềng tốt, và là một đồng minh đáng tin cậy trong việc bảo vệ, canh tân, và phát triển đất nước của họ, cũng như của cả Đông Dương. Lập luận xây dựng một thể chế Dân Chủ ở ba quốc gia sau khi Nguyễn Thái Học thành công trong việc giải phóng Đông Dương là một lập luận hợp lý. Điển hình, Cộng sản quốc tế và Cộng sản Trung quốc hỗ trợ đảng Cộng sản Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam hậu thuẫn đảng Cộng sản Lào và đảng Cộng sản Cambodia. Kết qủa là tất cả các quốc gia này đều theo chế độ Cộng sản.

Ba thời kỳ

Cũng trong đêm 25 tháng 12 năm 1927, sau khi đưa ra mục tiêu đấu tranh đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, Lào và Cambodia, Nguyễn Thái Học cùng với 36 đại biểu đại diện cho 14 tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đa số cùng trạc tuổi với ông, vạch ra một lộ trình cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhằm thực hiện mục tiêu của sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương. Trong đêm lịch sử ấy, họ đã chia lộ trình của cuộc đấu tranh làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn cuối của lộ trình là công cuộc kiết thiết đất nước được chia làm ba thời kỳ và ghi lại trong văn kiện sau:

1) Thời kỳ Quân chính: Quân cách mạng chiếm được đến đâu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.

2) Thời kỳ Huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giáo hoá dân quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v… Trong hai thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị Quốc.”

3) Thời kỳ Hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu cử Quốc Dân Đại hội, xây dựng Hiến pháp và trao trả chính quyền lại cho toàn dân. (2)

Trong ba thời kỳ của giai đoạn kiết thiết, thì hai thời kỳ sau là đáng chú ý; vì nó đề cập đến việc thành lập một thể chế dân chủ cho Việt Nam. Nội dung của thời kỳ Huấn chính chứng tỏ là họ đã nghiên cứu những khó khăn trong quá trình thay đổi chế độ từ phong kiến sang dân chủ. Cái khó khăn nhất mà họ đương đầu là nâng cao trình độ văn hoá và kiến thức của người dân. Điều này được diễn tả trong văn kiện khá rõ ràng qua kế hoạch tổ chức các cơ cấu dân cử, cũng như kế hoạch giáo hóa người dân về bổn phận, trách nhiệm, và quyền hạn của họ trong một chế độ dân chủ. Đó cũng là lý do tại sao họ đưa ra chính sách “Dĩ Đảng Trị Quốc” trong giai đoạn này.

Thời kỳ này là giai đoạn đất nước chuyển tiếp từ chế độ quân chủ phong kiến sang chế độ dân chủ. Đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu và chu đáo để trang bị những kiến thức căn bản về dân chủ cho người dân. Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn tranh tối tranh sáng. Quyền dân chủ có thể bị vi phạm một cách nghiêm trọng vì vô tình hoặc cố ý. Không cẩn thận thì đất nước sẽ rơi vào hoàn cảnh rối loạn, xã hội mất an ninh trật tự, cuộc sống người dân sẽ bất ổn. Do đó, chủ trương nắm quyền điều khiển đất nước của họ trong giai đoạn ấy là hợp lý. Đây có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong giai đoạn kiến thiết. Qua sự phân tích trên, người ta nhận thấy Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã thấy được những ưu điểm của thể chế dân chủ, nên họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng về thể chế tiến bộ đó và những đòi hỏi căn bản cần thiết của nó trước khi vạch ra lộ trình cho sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương.

Thời kỳ Hiến chính là giai đoạn cuối của giai đoạn kiến thiết. Chế độ Dân chủ được hình thành, được mô tả một cách rõ nét và dễ hiểu qua cách bầu cử với hình thức phổ thông đầu phiếu Quốc Dân Đại Hội, mà bây giờ được gọi là Quốc Hội. Cơ quan này sẽ do dân bầu ra, và sẽ giữ nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp. Đó là hình ảnh của một thể chế Dân chủ. Một sự kiện quan trọng khác cũng được đề cập đến trong giai đoạn này là việc họ khẳng định Việt Nam Quốc Đảng sẽ rút lui, trao trả chính quyền lại cho toàn dân sau khi nhiệm vụ cách mạng của họ đã hoàn tất. Đây là hình ảnh của một cuộc cách mạng chân chính.

Nội dung của hai giai đoạn Huấn chính và Hiến chính tuy đơn giản nhưng đã cho người ta hình dung được một thể chế dân chủ rõ ràng, nói lên sự quyết tâm của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng về việc xây dựng thể chế này ở Đông Dương. Họ đã đưa ra những căn bản được tìm thấy trong các chế độ dân chủ của các quốc gia tiến bộ trong thế kỷ 21. Chẳng hạn như hình thức phổ thông đầu phiếu, bầu cử Quốc Hội, soạn thảo hiến pháp, là những điều không thể tìm thấy trong chế độ phong kiến cũng như dưới chế độ Cộng sản.

Nhìn xa trông rộng

Trong thế kỷ 21, tiến bộ và văn minh của nhân loại được xem là vượt bực so với so với những năm của thập niên 1920. Đó là nhờ khái niệm dân chủ được phổ biến, khuyến khích, và áp dụng một cách rộng rãi trên toàn cầu. Khái niệm dân chủ bây giờ không còn là điều mơ hồ và khó hiểu như những năm tháng đưới chế độ thuộc địa nữa.

Thật vậy, dẫu cho các văn kiện được chuyển dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào chăng nữa, cái ý nghĩa nguyên thuỷ của văn kiện vẫn không thay đổi. Tóm lại, kết qủa sự nghiên cứu và phân tích các văn kiện cho phép người ta khẳng định là,

người sinh viên 25 tuổi Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã vạch ra sách lược dân chủ hóa toàn cõi Đông Dương vào năm 1927.

Từ sự khẳng định này, người ta không do dự khi kết luận rằng, cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái không đơn thuần là chỉ đánh đuổi Pháp giành lại tự do độc lập cho Việt Nam,

mục tiêu xa hơn của Việt Nam Quốc Dân Đảng là thực hiện một cuộc cách mạng thay chế độ quân chủ và thuộc địa bằng một thể chế dân chủ tiến bộ hiện nay nhân loại đang cổ súy.

Phân tích lại lịch sử, người ta sẽ không lấy làm lạ về cái tư tưởng dân chủ rất mạnh mẽ, cũng như cái viễn kiến của Nguyễn Thái Học về một tương lai sáng sủa, tốt đẹp của Việt Nam trong một chế độ dân chủ. Là một sinh viên theo Tây học, sống trong chế độ phong kiến và thuộc địa, nên chắc chắn ông đã được trang bị một kiến thức khá bao quát về tình hình kinh tế và chính trị của Đông Dương và thế giới lúc đó.

Nguyễn Thái Học đã lĩnh hội những ưu và khuyết điểm từ chế độ phong kiến đến chế độ thuộc địa, từ chủ nghĩa Xã Hội đến Nguyên Tắc Tam Dân của Tôn Dật Tiên, từ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh đến phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, và đặc biệt là sự hình thành của nền Dân chủ của Hoa Kỳ (1787) và thể chế Cộng hoà ở Pháp (1789). Một điều đáng chú ý là mặc dù chống Pháp, nhưng ông rất thích đọc và nghiên cứu cuộc cách mạng của nước này (3). Bên cạnh đó, vì là sinh viên, nên bạn bè và những đồng chí của ông đa số cũng nằm trong giới sinh viên theo Tây học, trong số đó có người từng đi du học ở Pháp về. Sống và sinh hoạt trong một môi trường như vậy, nên khái niệm dân chủ tiến bộ đã sớm được hình thành trong tư tưởng của người lãnh tụ trẻ tuổi này.

Qua hình ảnh trên, người ta có thể hình dung là tư tưởng của Nguyễn Thái Học chịu ảnh hưởng của nền Dân chủ Hoa Kỳ, thể chế Cộng hoà ở Pháp, và Nguyên Tắc Tam Dân của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên. Cũng nên lưu ý là Tam Dân chỉ là một nguyên tắc. Nó không phải là một chủ thuyết hoặc chủ nghĩa. Nguyên tắc ấy đã được rút ra từ khái niệm dân chủ, để đơn giản hóa việc truyền bá tư tưởng dân chủ cho người dân Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20. Nhà cách mạng Tôn Dật Tiên đã lĩnh hội tư tưởng dân chủ trong thời gian ông sống và lưu vong ở hải ngoại.(*)

80 năm trước

Tư tưởng cách mạng đã được hình thành nơi con người của Nguyễn Thái Học rất sớm. Ông đã có tư tưởng cách mạng khi mới mười tuổi (4). Đây là một sự kiện đặc biệt, đáng chú ý. Chi tiết này chứng tỏ suốt 18 năm sau đó, nghĩa là cho đến ngày phát động cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, có lẽ tâm hồn và suy nghĩ của Nguyễn Thái Học thường xuyên bị chiếm ngự bởi tư tưởng cách mạng cùng với các khuynh hướng chính trị và thể chế xã hội khác nhau. Cộng thêm cái băn khoăn và mặc cảm về sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước so với sự văn minh và giầu có của tây phương. Tất cả những ảnh hưởng và tác động đó là những nguyên nhân khiến ông quyết định làm một cuộc cách mạng dân chủ và phác họa một tương lai sáng lạn cho Việt Nam qua sách lược dân chủ hoá toàn cõi Đông Dương.

Chế độ thuộc địa và người Pháp đã làm Việt Nam đánh mất một cơ hội hiếm có để phát triển như một số quốc gia theo chế độ dân chủ. Thật vậy, với đà phát triển của thế giới ngày nay, có lẽ người ta sẽ không quá chủ quan khi cho rằng, bẩy thập niên qua là thời gian đủ để cho Việt Nam xây dựng một nền tảng dân chủ vững chắc với những thế hệ của tinh thần trách nhiệm, của năng động lẫn sáng tạo. Với tiềm năng như vậy, nước Việt hoặc có thể đã trở thành một cường quốc kinh tế như Nam Hàn, hoặc tệ lắm thì cũng đang đứng đâu đó gần ngưỡng cửa của cộng đồng của các nước đã phát triển; đồng thời dân tộc sẽ không bị phân hóa và chia rẽ trầm trọng, đất nước cũng không đến nổi phải lâm vào cảnh nghèo nàn và lạc hậu như hôm nay.

Đã đến lúc người Việt nên cho thế giới hiểu là không phải mới đây, mà lâu rồi, nghĩa là hơn bẩy thập niên về trước, dân tộc Việt đã lĩnh hội khái niệm dân chủ hiện đang được nhiều quốc gia cổ suý khắp nơi trên thế giới, kể cả nước Pháp. Thêm nữa, Việt Nam cũng nên cho thế giới biết rằng, dân tộc họ đã từng chiến đấu cho tự do dân chủ không những cho Việt Nam mà còn cho cả Đông Dương từ năm 1927.

Làm sáng tỏ vấn đề này, quốc tế mới có cơ hội biết đến công lao và xương máu mà dân Việt đã đóng góp vào việc cổ suý phong trào dân chủ của thế giới, một đóng góp đã từng bị người Pháp ngăn cản, đàn áp, và xuyên tạc.
Làm sáng tỏ vấn đề này, người Việt sẽ có thêm cơ hội đánh tan những suy nghĩ lệch lạc của một số người ngoại quốc cho rằng dân tộc này đã không chiến đấu cho tự do dân chủ của nước họ.

Hơn một thập niên trở lại đây, những xung đột ở Trung Đông đã liên tiếp tạo ra các cuộc chiến ở vùng Vịnh, ở Afghanistan và Iraq, với sự tham chiến của nhiều nước trên thế giới. Những cuộc chiến tranh liên tiếp cộng thêm biến cố 911 trong năm 2001 ở Hoa Kỳ khiến người ta lo ngại trước một viễn ảnh là chiến tranh có thể ngày càng lan rộng đến các lục địa còn lại nếu quốc tế không có giải pháp kịp thời.

Anh hùng dân tộc

Với sự ủng hộ của đồng minh, Tổng Thống Hoa Kỳ, George W. Bush, đã tuyên bố với thế giới về sách lược Dân Chủ Hoá Toàn Cầu, được xem là một giải pháp có khã năng ngăn chặn những cuộc chiến tranh đang có nguy cơ bùng nổ trong tương lai. Với sách lược ấy, người ta hy vọng Hoa Kỳ đang mở ra một lộ trình mới cho thế giới, giảm bớt chiến tranh và đem lại một nền hoà bình lâu dài cho nhân loại. Thế giới vui mừng khi nghe lời tuyên bố của Tổng Thống Bush, đồng minh của Hoa Kỳ cũng hân hoan, ủng hộ, và tin tưởng vào giải pháp này.

Tuy nhiên, vào những thập niên của đầu thế kỷ 20, ắt hẳn người ta sẽ không hân hoan khi khám phá ra rằng, trong một căn nhà nhỏ ở Hà Nội, một sinh viên Việt Nam 25 tuổi đã bí mật vạch ra sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương có cùng mục đích cơ bản với sách lược của thế giới hiện đang cổ súy; đó là việc đem lại dân chủ, thịnh vượng, và hoà bình cho người dân của ba nước thuộc địa Việt Nam, Lào và Cambodia.

Tên tuổi của Nguyễn Thái Học đã đi vào lịch sử. Ông là người anh hùng của dân tộc và không còn là biểu tượng riêng của một đảng phái nào cả. Ngoài việc ngưỡng mộ khí tiết và cái chết hào hùng của ông, người đời sau còn ngưỡng mộ tinh thần trách nhiệm, lòng ái quốc, và viễn kiến xây dựng một thể chế dân chủ ở Đông Dương từ năm 1927 của một sinh viên, một nhà cách mạng, một lãnh tụ quê quán ở Vĩnh Yên.

Lịch sử đấu tranh của Việt Nam không thiếu những anh hùng liệt nữ. Nhưng trong lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc, phong thái và tinh thần của Nguyễn Thái Học, có lẽ được xem là hình ảnh gần gũi nhất với các thế hệ sau ông.

Tinh thần Nguyễn Thái Học nên được phát huy trong việc xây dựng và đào tạo thế hệ mai sau, vì cái vốn liếng quý giá nhất của một quốc gia là con người. Con người có tinh thần dân tộc, dĩ nhiên là không phải cực đoan và quá khích, càng cao thì trách nhiệm và sự quan tâm của họ đối với đất nước càng nhiều. Thật vậy, cho đến nay, lịch sử phát triển của nhân loại đã khẳng định rằng, điều kiện cần và đủ để thay đổi và biến một xứ sở đang phát triển thành một cường quốc đòi hỏi xã hội phải xuất hiện những thế hệ của tinh thần trách nhiệm và mang tư tưởng chinh phục. Do vậy, Việt Nam cần đào tạo tối thiểu hai thế hệ (liên tiếp) của tinh thần trách nhiệm, nghĩa là phải mất ít nhất 60 năm tính từ ngày thể chế dân chủ được xây dựng, thì đất nước này mới có cơ hội trở thành một cường quốc.

Biểu tượng

Trong các cuộc xuống đường đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, ngoài lá cờ, người ta còn thấy có hình ảnh của một vị lãnh tụ hoặc một bậc anh hùng dùng làm biểu tượng của họ. Từ bao năm nay, các cuộc xuống đường đấu tranh của người Việt tự do vẫn còn thiếu hình ảnh một nhân vật như vậy; và đó là một thiếu sót quan trọng. Người Việt tự do nên có một biểu tượng. Người sinh viên anh hùng Nguyễn Thái Học là một biểu tượng thích hợp nhất cho phong trào đấu tranh cho tự do và dân chủ của Việt Nam.

Người Việt của các thế hệ sau Nguyễn Thái Học, dù là người miền Bắc hay miền Nam, dù sống dưới bất kỳ chế độ nào, dù là Quốc gia hay Cộng sản, dù ở quốc nội hay hải ngoại, tất cả đều ca ngợi tinh thần trách nhiệm và viễn kiến của người sinh viên Nguyễn Thái Học đối với tự do dân chủ của Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc sống riêng tư và cuộc đời đấu tranh của ông cộng thêm cái kết thúc hào hùng ở pháp trường Yên Bái, nếu được kể lại, đôi khi người ta cứ ngỡ là một câu chuyện huyền thoại. Biết bao học sinh, sinh viên đã say mê và bị cái hình ảnh hào hùng này lôi cuốn trong giờ sử học ở miền Nam trong nhiều thập niên qua.

Tinh thần trách nhiệm

Câu chuyện này phải được truyền tụng vì đó là sự hãnh diện và niềm tin của dân tộc. Hoàn cảnh hiện tại của xã hội Việt Nam khiến người ta không khỏi lo âu về tiền đồ của đất nước. Cũng như người ta đang băn khoăn về thế hệ tương lai của xứ sở này. Việt Nam cần nhiều sinh viên Nguyễn Thái Học. Không phải nhiều mà là rất nhiều, hai, ba, hoặc nhiều thế hệ Nguyễn Thái Học trong mọi lãnh vực, văn hoá, khoa học, xã hội, kinh tế, chính trị, để đấu tranh và vận động tự do dân chủ, để xây dựng một thể chế dân chủ, để lãnh đạo một quốc gia dân chủ, và để thúc đẩy một Việt Nam tụt hậu bắt kịp với đà phát triển của thế giới một cách thực tế chứ không phải bằng khẩu hiệu nữa. Tuy nhiên, điều cần làm trước tiên là hãy trang bị cho các thế hệ tương lai một thứ vũ khi cần thiết. Thứ vũ khí ấy không phải là súng đạn, cũng chẳng phải là tranh giành và đố kỵ, càng không phải là chia rẽ và thù hận. Vũ khí ấy chính là Tinh Thần Trách Nhiệm.

Tinh thần của Nguyễn Thái Học đã vượt qua biên giới của chính trị và thù hận. Tên của ông đã được cả hai chế độ dùng đặt cho các con đường ở hầu hết các thành phố của hai miền Nam Bắc. Hiện nay ở Hà Nội, đường Nguyễn Thái Học một đại lộ dài, thật đẹp, và là con đường được một số quốc gia chọn làm nơi đặt toà đại sứ. Khi chọn con đường này, có lẽ, nếu không nói là chắc chắn, họ cũng đã tìm hiểu ý nghĩa cái tên Nguyễn Thái Học, nghe kể về huyền thoại của ông, cũng như nghe nhắc đến cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. Duy có điều là các quốc gia này có thể chưa được nghe kể về sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương từ năm 1927 của dân Việt; dân tộc duy nhất trên thế giới đã ba lần chiến thắng quân Mông Cổ; và cũng là dân tộc duy nhất còn sót lại của giòng tộc Bách Việt đã đánh bại mọi âm mưu xâm lăng và đồng hóa của Trung quốc.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái trong sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng không những đã bắt đầu cho làn sóng đấu tranh chống Pháp với hình thức quy mô hơn, mà còn lồng vào đó một khuynh hướng xã hội và chính trị tiến bộ rõ nét, mở đầu cho một hình thái đấu tranh mới cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do, và tiến bộ của Việt Nam trong đầu thế kỷ 20.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái và sách lược Dân Chủ Hoá Đông Dương là các sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc Việt. Trong khi các quốc gia tiến bộ đang hô hào và cổ võ sách lược Dân Chủ Hoá Toàn Cầu, trong tình huống ấy, một cách công bằng và hợp lý, người ta cũng nên kêu gọi quốc tế nghiên cứu, đánh giá, và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của dân tộc Việt và của nhà cách mạng, người sinh viên anh hùng Nguyễn Thái Học trong việc cổ suý phong trào Dân Chủ của nhân loại.

Tham Khảo

(1) Hoàng Văn Đào (*), VNQĐ, Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 33, in lần thứ hai, Việt Dân Hoàng Văn Đào, 1970.
(2) Hoàng Văn Đào, VNQĐ, Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 38, 39, in lần thứ hai, Việt Dân Hoàng Văn Đào, 1970.
(3) Hoàng Văn Đào, VNQĐ, Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1054, 1970, tr. 495, in lần thứ hai, Việt Dân Hoàng Văn Đào, 1970.
(4) Nhượng Tống (*), Nguyễn Thái Học (1902-1930), Nhà xuất bản Việt Nam Thư Xã, 1945.

Chú thích

(*) Bác sĩ Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen, 1866-1925), quê quán Hàng Châu, Quảng Đông, Trung quốc. Có tài liệu cho rằng tổ tiên của ông là người Mân Việt. Năm 13 tuổi, ông sang Honolulu sống với người anh, một thương gia. Trở về nước năm 1883 và tốt nghiệp y khoa ở Hồng Kông năm 1892. Từ 1895, ông sống lưu vong ở Âu châu, Hoa Kỳ, Canada, và Nhật Bản trong 16 năm. Tôn Dật Tiên chịu ảnh hưởng sâu đậm nền dân chủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là tư tưởng cấp tiến của Tổng thống Abraham Lincoln. Một câu nói trong bài diễn văn Gettysburg Address nổi tiếng của vị tổng thống này: “Chính phủ của dân, do dân, vì dân,” (government of the people, by the people, for the people.) chính là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của Nguyên Tắc Tam Dân (The Three Principles of the People). Bác sĩ Tôn Dật Tiên cũng là nhà sáng lập Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Cả hai phe Quốc Cộng đều tôn xưng ông là Quốc phụ.

(*) Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào là sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cùng với Phạm Tuấn Tài và Phạm Tuấn Lâm, năm 1925, Nhượng Tống thành lập Nam Đồng Thư Xã, tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Click to listen highlighted text!