Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Sơ lược về đặc điểm của các thể thơ Việt Nam


Đặc điểm và quy luật gieo vần của các thể thơ Việt Nam

Bên cạnh văn xuôi và văn biền ngẫu, thơ chính là hình thức diễn đạt phổ biến nhất xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn, các thể thơ lại biến chuyển linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và bối cảnh xã hội đương thời.

Các thể thơ chính trong văn học Việt Nam

Nhìn chung, thơ đã trở thành một hình thức diễn đạt chính trong suốt chiều dài lịch sử văn học, với số lượng trên vài nghìn bài ở mỗi thể thơ. Ở mỗi giai đoạn văn học khác nhau, sẽ có những thể thơ thịnh thế và được ưa chuộng hơn các thể thơ khác. Trong suốt chiều dài lịch sử, có 12 thể thơ chính xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm thơ ca thi phú ở Việt Nam, gồm có:

  • Thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật
  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật
  • Thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường Luật
  • Thể thơ Lục Bát
  • Thể thơ song thất lục bát
  • Thể thơ bốn chữ
  • Thể thơ năm chữ
  • Thể thơ sáu chữ
  • Thể thơ bảy chữ
  • Thể thơ tám chữ
  • Thể thơ tự do

Sơ lược về các thể thơ chính trong các giai đoạn văn học Việt Nam

Giai đoạn văn học chữ Hán:

Khi Đại Việt trở thành quốc gia độc lập, chữ Hán của người Trung Hoa là bộ chữ được triều đình và quan lại quý tộc ưa chuộng hơn cả, bởi tính biểu ý và biểu nghĩa của nó đều đạt mức độ đỉnh cao, ngôn từ ngắn gọn nhưng lại mang tính tinh xảo, khéo léo. Từ năm 938, các thể thơ cũng vì theo văn học chữ Hán mà học tập, nên các bài thơ cũng đi theo các thể thơ Đường Luật là chính.

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật (七言八句) là thể thơ có tổng cộng 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Tổng cộng cả bài thơ sẽ có 56 chữ. Thể thơ này xuất hiện trong thi ca cổ của Trung Hoa, đến thời nhà Đường thì hoàn chỉnh về mặt quy luật gieo vần, quy luật Bằng Trắc. Vào thời kỳ hưng thịnh của văn học chữ Hán, thể thơ này được dùng rất thường xuyên, bởi quy luật nghiêm ngặt đã giúp bài thơ thêm uyển chuyển, tựa như bản tình ca vậy.

Nhìn chung, thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật có quy luật chặt chẽ trong cách gieo vần, xoay quanh các quy luật Bằng Trắc lên xuống nhịp nhàng giúp câu thơ trở nên bay bổng: “Nhật, ngũ, lục bất luận/Nhị, tứ, lục phân minh”. Tức là các chữ 1, 3, 5 có thể tùy ý sắp xếp, nhưng chữ 2, 4, 6 thì phải theo luật. Cụ thể là, nếu câu thơ đầu đang theo cấu trúc Trắc-Bằng-Trắc ở các tiếng 2, 4, 6 thì câu tiếp theo phải gieo vần ngược lại. Ví dụ dưới đây được trích từ bài thơ Thương Vợ do nhà Nho Sĩ Tú Xương sáng tác:

Quanh năm (B) buôn bán (T) ở mom (B) sông,

Nuôi đủ (T) năm con (B) với một (T) chồng.

Bên cạnh đó, trong 8 câu thơ, thể thơ Thất ngôn bát cú cũng chia ra làm 4 phần: mở thực luận kết. Tức là 2 câu đầu dùng để giới thiệu bối cảnh bài thơ, hai câu kế tiếp thì dùng để tả thực phong cảnh, con người. Tiếp đến là hai câu thơ luận bàn, và cuối cùng là kết. Trong đó, hai câu kết không cần phải đối nhau về vần và nghĩa, nhưng 3 cặp câu ở trên thì phải có sự tương xứng, tương phản thích hợp.

Thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt

Vào khoảng thế kỷ XII thời nhà Đường, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ra đời, mở ra một thời kỳ văn chương mới cho cả các nước trong khu vực Đông Á, trong đó Việt Nam là nước đã học hỏi và tiếp nhận sự đổi mới này khá nhanh chóng. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt là thể thơ có 4 câu và mỗi câu 7 chữ, được quy định chặt chẽ về sự đối xứng giữa các câu, nên các bài thơ làm theo thể thơ này nhìn chung đều đạt đến trình độ hoàn mỹ.

Là một trong các thể thơ Đường Luật, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt quy định gieo vần ở các câu 2, 4 hoặc 1, 2, 4. Ngoài ra về Niêm Luật, cặp câu 1-4 phải đối xứng với nhau về luật Bằng-Trắc, tương tự với cặp câu 2-3. Cũng giống như thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật, 4 câu thơ cũng được chia thành 4 giai đoạn chuyển ý: khai, thừa, chuyển, hợp. Tức là khai ý (mở đầu bài thơ bằng một ý định), rồi thừa ý (phát triển ý từ câu khai), rồi chuyển (chuyển qua một đề tài tương tự có liên quan đến câu khai và câu thừa), và hợp ý (hợp 3 câu ở trên lại thành một câu thơ kết có tính tổng quát).

(Hồ Xuân Hương, được mệnh danh bà chúa thơ Nôm, đã làm chủ được thể thơ này và biến nó thành chất riêng trong thơ của bà)

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự chặt chẽ trong quy luật và số chữ lẫn số câu đều đại diện cho sự tròn vẹn toàn diện trong tâm thức người Trung Hoa. Các cặp câu đối xứng đòi hỏi người viết phải am hiểu về luật gieo vần, niêm luật đối xứng, cũng nhờ đó mà các bài thơ làm theo thể thơ này đạt đến trình độ thẩm mỹ cao.

Thể thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường Luật

Thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt là một thể thơ giản đơn, gồm bốn câu thơ và mỗi câu có năm chữ. Nhìn chung, quy luật gieo vần và niêm luật đối xứng có phần tương đồng với thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, tuy nhiên vì lược bỏ đi 2 chữ cuối khiến cho bài thơ có phần ngắn, như một đoạn biền ngẫu tạp văn tự nhiên khi nhà thơ bỗng tức cảnh sinh tình, muốn đưa ý tứ của mình phổ thành thơ nhanh chóng.

Dưới đây là bài thơ của Lý Bạch, một thiên tài thơ cả nổi danh khắp Đông Á đồng văn với sở trường là những bài thơ trữ tình tả cảnh theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:

“Sàng tiền (B) minh nguyệt (T) quang

Nghi thị (T) địa thượng (T) sương

Cử đầu (B) vọng minh (B) nguyệt

Đê đầu (B) tư cố (T) hương”

Văn học chữ Nôm:

Tuy đã bắt đầu xuất hiện chữ Nôm từ những năm của thế kỷ XII, các thể thơ chữ Nôm không thực sự nổi bật, bởi hầu hết các tác giả đều sử dụng Đường Luật để sáng tác nên các tác phẩm của mình. Đôi chỗ niêm luật được gỡ bỏ khiến cho thể thơ Nôm dễ dàng phổ thơ hơn, lời thơ cũng vì thế mà mượt mà nhiều phần. Một trong các thể thơ Nôm do chính người Việt sáng tạo nên đã trở thành một di sản văn hóa, đại diện cho ý chí thoát ly, muốn được độc lập của người Việt. Ấy chính là thể thơ lục bát.

Thể thơ lục bát:

Thể thơ lục bát là thể thơ gồm một câu 6 chữ và một câu 8 chữ ghép thành một cặp câu với độ dài không có cố định. Trong các thể thơ xuất hiện trong văn học Việt Nam, thơ lục bát đã mở đầu cho sự tự do, phóng khoáng trong việc sắp xếp các câu thơ, bằng việc không giới hạn số câu có trong bài. Một bài thơ có thể có đến hàng nghìn câu thơ lục bát, được ghép từ nhiều cặp câu lục bát khác nhau.

Quy luật gieo vần thể thơ lục bát nhìn chung phải tuân theo 3 quy tắc: quy tắc gieo vần 6-8, quy tắc bằng trắc và quy tắc ngắt nhịp thơ. Thơ lục bát xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm văn học chữ Nôm trung đại đến cận hiện đại, trong đó phần nhiều là những câu ca dao tục ngữ được phối lại vào thơ lục bát để lưu trữ, phần nào thể hiện được nét văn hóa sinh hoạt của làng quê nông thôn Việt xưa.

Thể thơ Song thất lục bát

Như tên gọi của nó, song thất lục bát là thể thơ gồm có 1 cặp câu bảy chữ và 1 cặp câu lục bát ghép lại với nhau thành một khổ thơ, liên tục cho đến khi hết bài. Song thất lục bát cùng với thể thơ lục bát đã trở thành các thể thơ Nôm được ưa chuộng từ thế kỷ XV đến tận thế kỷ XX. Các tác giả sau này như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Phan Huy Thông… cũng vẫn ưa chuộng thể thơ này, và họ cũng viết một vài bài thơ thể theo thể thơ này. Trong đó, nổi bật nhất là bản dịch Chinh Phụ Ngâm khúc thành thơ Nôm, sử dụng thể thơ song thất lục bát của Đoàn Thị Điểm.

Quy luật gieo vần của thể thơ Song thất lục bát nhìn chung là có sự liên kết giữa cặp câu bảy chữ và cặp lục bát: chữ thứ bảy của câu đầu phải vần với chữ thứ 5 của câu bảy sau; chữ thứ bảy của câu bảy sau thì lại vần với chữ cuối câu lục, chữ cuối câu lục thì vần với chữ thứ sáu của câu bát; cuối cùng là chữ cuối câu bát lại vần với chữ thứ 5 của câu bảy tiếp theo.

Văn học hiện đại

Khoảnh khắc thực dân Pháp chính thức đô hộ Việt Nam ta vào những năm cuối thế kỷ XIX, Văn học Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn mới. Các thể thơ Đường Luật dần thất thế trước sự lên ngôi của các thể thơ mới, các thể loại truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết khác nhau. Các tác giả đã dần đi theo tiến trình phát triển tất yếu của thơ ca, chuyển hướng chú ý từ những điều răn giáo dục, những tác phẩm thơ ca đẹp đẽ về ngôn từ và giàu sức tạo hình sang những tác phẩm khai phá sự trần trụi của nội tâm con người. Chính vì vậy, thơ Đường Luật trở nên lỗi thời, nhiều quy luật về Niêm, Vần đã bị gỡ bỏ và những người Nho sĩ vẫn còn hoài niệm về quá khứ đã có thể phổ thêm cảm xúc của mình vào thơ ca.

Bên cạnh đó, đặc biệt của thời kỳ văn học này là thơ Mới, một thể thơ nghệ thuật hóa sự dân dã trong đời sống hằng ngày. Cũng giống như Pop Art biến những món đồ vật bình dân thành nghệ thuật, thơ Mới đã nghệ thuật hóa ngôn ngữ thường ngày bình dị của người bình dân, biến nó thành những tác phẩm thơ ca có sức biểu ý cao.

Sự giải phóng này đã kéo theo việc loại bỏ hẳn các biện pháp tu từ, các điển tích điển cố của thơ ca Trung Quốc. Thay vào đó là sự pha trộn, thể hiện bản sắc cá nhân thông qua các chủ nghĩa xã hội đang thịnh hành, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa trừu tượng…

Thể thơ bốn, năm, sáu, bảy, tám chữ

Nhìn chung, cả năm thể thơ này đều là những thể thơ có số chữ tương ứng với tên gọi, và không có sự giới hạn ở số câu. Bên cạnh sự tự do trong quy tắc gieo vần, các câu thơ này đôi khi là những sự phối ngẫu hợp ý, từ những khổ câu năm chữ, rồi nâng dần lên sáu, bảy, tám chữ. Mục đích của các thể thơ này vốn chỉ như một chiếc khung, còn đối với tác giả thơ Mới, các thể thơ này đều được sử dụng để biểu đạt bản sắc cá nhân của tác giả, truyền đạt đến người đọc những tâm tư, nguyện vọng và ý chí khát khao mà họ đang sở hữu.

Trong các thể thơ nêu trên, thể thơ năm chữ và thể thơ bảy chữ có lẽ vẫn được ưa chuộng hơn ba thể thơ còn lại một tí. Đặc trưng trong cách gieo vần thơ của người Việt vẫn luôn đi theo nhịp thơ 2/3, hoặc 4/3, đôi khi là 2/2/3, chính vì vậy các thể thơ có số chữ ở dạng số lẻ sẽ thuận tiện trong việc gieo vần thơ hơn.

Hai ví dụ điển hình của nhận định này có thể đến từ xu hướng sáng tác thơ của Hữu Thỉnh và Hàn Mặc Tử, với bài thơ Sang Thu và Đây Thôn Vĩ Dạ. Được viết theo thể thơ năm chữ, Sang Thu như đang tả lại cảnh trời đang chuyển mùa thu trong sự ngỡ ngàng của người ngắm cảnh; trong khi đó bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ như một đoạn hồi ức mơ hồ trong tâm hồn tác giả về một làng quê ở miền Trung Việt Nam, được thể theo thể thơ bảy chữ.

Bên cạnh đó, Huy Cận với bài thơ Tràng Giang, cũng được viết theo thể thơ bảy chữ, như một lời xác nhận cho xu hướng sáng tác thơ theo nhịp vần đã được nhắc đến bên trên.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Mây bắt đầu vội vã
Sông được lúc dềnh dàng
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thu_Hữu Thỉnh)

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?

(Đây thôn Vĩ Dạ_Hàn Mặc Tử)

Nhiều nhà phê bình cho rằng, sự ẩn mình mập mờ của người con gái trong bài đây thôn Vĩ Dạ tượng trưng cho người con gái mà Hàn Mặc Tử yêu say đắm

Thơ tự do

Như tên gọi của nó, thơ tự do không hề có một quy luật nào cả về gieo vần lẫn niêm luật đối xứng. Sở dĩ thơ tự do có tên gọi như vậy, là vì những tác giả sáng tác thơ tự do đã từng bước phá vỡ tất cả các luật lệ của thơ ca cũ, mở đường cho một thời đại văn chương tự do mới.

Trong các thể thơ, thơ tự do là thể thơ phóng khoáng, chủ yếu dùng để bộc lộ ý chí cá nhân của tác giả. Có thể nói rằng, thơ tự do chính là đại diện cho một tâm hồn nghệ sĩ đã được tự do, không còn bị định kiến và sự ràng buộc của lễ giáo chi phối nữa. Thơ ca của họ phóng khoáng đến mức, đôi khi người đọc cũng bị nguồn năng lượng dồi dào ấy cuốn lấy, làm cho phấn chấn và xuôi theo nhịp điệu của tác giả.

(Thơ Xuân Diệu vừa phóng khoáng, vừa thở than. Những từ ngữ ông dùng trong thơ chẳng cao sang, chỉ có một sự bình dị vỏn vẹn, nhưng đọc đến đâu, ca từ lại thấm đến đó, khiến nỗi lòng trở nên thật hơn)

Dưới đây là trích đoạn của bài thơ Yêu do Xuân Diệu sáng tác, một tác giả nổi tiếng với tinh thần vội vàng, phóng khoáng trong nhịp thơ, khiến bài thơ luôn dồn dập, thôi thúc người đọc cũng cảm thấy như được vui lây:

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.

Kết:

Nhìn chung ở mỗi giai đoạn, các thể thơ Việt Nam vẫn luôn uyển chuyển thể hiện được tư tưởng chung của thời đại, với các thể thơ Đường Luật, cái đẹp tinh tế trong cách phối vần và Niêm đối khiến cho bài thơ thêm phần cung kính, cao quý bội phần. Các thể thơ Nôm, tuy cũng lấy luật thơ Đường làm chủ đạo, nhưng vẫn có cho mình những nét sáng tạo riêng, thể hiện ý chí tự cường của người Việt. Thơ mới, hay thơ tự do thì lại đại diện cho tinh thần tự do, cho một tâm hồn nghệ sĩ tự do ngôn luận, thỏa thích bày tỏ ý kiến riêng.

Mỗi giai đoạn trong các thể thơ đều có những nét đẹp riêng của mình, có lẽ đó cũng là lý do vì sao trong văn học Việt Nam, thơ ca vẫn là mảnh đất màu mỡ, như hàng nghìn năm văn học vẫn đang sống và chuyển động trước mắt.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!