Bình luận tác phẩm “Thề non nước” – Tản Đà
nhà thơ Anh Ngọc
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) và Tú Xương (1870 -1907) về cơ bản là những thi sĩ của thế kỷ 19, bởi họ sống rất ít với thế kỷ 20 – người chín năm, người có bảy năm. Tản Đà thì khác, chào thế kỷ 20 lúc mới lên mười một tuổi, ông còn cả cuộc đời khá dài phía trước, với ba mươi chín năm lăn lóc với thế kỷ nhọc nhằn này. Không chỉ sống cùng, ông còn chết sau cả một nhà Thơ Mới trẻ trung như Nguyễn Nhược Pháp nữa kia. Ấy thế nhưng ông vẫn là cái cây mọc lên từ thế kỷ trước, uống đòng sữa của hai ngàn năm Nho học và lấy thế kỷ 19 làm quê hương, bởi “quê hương đồng nghĩa với tuổi thơ” theo cách nghĩ của tôi. Phong thái sống của ông dẫu có bị thời thế mới làm cho chao đảo ít nhiều nhưng vẫn còn nguyên cốt cách của ngày xưa. Và thơ ông vốn trung thực với hồn ông nên nó cũng mang cốt cách như vậy. Đó là một con người dẫu ngoài cửa miệng có nói gì thì nói, trong đáy lòng vẫn nguyên vẹn một niềm tin vào những giá trị cao quý bất di bất dịch của phẩm giá con người, cái niềm tin khiến ta còn nhớ mình là ai và không chịu để tuyệt vọng biến mình thành giẻ rách. Điều đó giữ cho tâm thế của lớp người này mang sẵn một niềm lạc quan từ trong gốc rễ. Bài thơ mà ta đang nói tới ở đây – bài Thề non nước – thấm đẫm tinh thần đó.
Bài thơ là sự cụ thể hoá câu thành ngữ cổ điển: “Thệ hải minh sơn” (thề non hẹn biển). Đó có lẽ là câu tiêu biểu nhất có sức khái quát cho mọi sự thề thốt ở trên đời, tuy nhiên nó có nghiêng hơn về phía của những lời thề thốt trong mối quan hệ riêng tư giữa hai con người. Điều khác nhau cơ bản giữa bài thơ và câu thành ngữ là ở chỗ: Nếu như trong câu của người xưa, non và biển được dùng với tư cách độc lập, đơn giản là được mượn từ phẩm chất bền vững và to lớn để gửi gắm những phẩm chất tương tự của hồn người – một lối ví von tất thông dụng, thì trong thơ của Tản Đà, “biển” đã được thay bằng “nước” – hai hình ảnh “non” và “nước” không còn đơn giản là đối tượng để so sánh trong thế bất động, mà quan trọng hơn nhiều là mối tương quan khăng khít keo sơn giữa chúng. Câu trên là con người mượn non và biển để thề, còn ở đây là non và nước thề với nhau. Cả bài thơ do vậy được xây dựng trên một cái tứ chung: “nước đi ra bể lại mưa về nguồn” – vòng lưu chuyển của nước từ ruột đất chảy thành sông suối, tuôn ra biển, rồi biển lại bốc hơi thành mây, mây hoá thành mưa, mưa lại rơi xuống đất… Đó là quy luật của trời đất. Đem quy luật của Hoá công mà vận vào chuyện đời và hồn người theo cái phía tích cực như vậy là chứng tỏ cái cốt cách ngày xưa như ta đã nói ở trên nơi nhà thi sĩ này còn vững chãi biết chừng nào. Bởi ngay từ xưa kia, trong tâm thế con người, cõi Vô thường của Tạo hoá hầu như chỉ được cảm nhận từ phía tiêu cực, phía ảm đạm mà thôi. Đọc những câu:
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui…
Ta nhận ra trong đó một ý thức chủ động, một sự cố gắng để vui. Và quả thật vì thế nó không giấu nổi một cảm giác ngậm ngùi, tội nghiệp.
Tôi đã đi ngược bài thơ từ dưới lên, vì muốn khẳng định tấm thịnh tình nhân hậu của tác giả muốn gửi đến con người một thông điệp về niềm tin tưởng. Nhưng bất chấp lý lẽ của cái đầu với những tính toán sáng láng của quy luật, cả bài thơ vẫn nhuốm một sắc thái buồn buồn. Phải chăng, trong hai tâm thế đang khắc khoải về nhau ở đây thì với người đi tức là “nước” – thường vẫn nhẹ nhàng hơn: Dẫu sao người đi vẫn còn được phân tán hồn mình trong những bận rộn và đổi thay của cuộc hành trình; còn người ở lại mới thực là trơ trọi, một mình đối diện với hồn mình, mà cảnh trí của kỷ niệm thì mãi còn bày ra đấy như trêu ngươi, cũng tựa như chinh phụ nhớ chồng chắc là phải da diết, tái tê hơn chinh phu nhớ vợ. Có lẽ vì thế chăng mà phần thơ gồm 12 câu phía trên mới đẹp và buồn đến thế. Sau thủ pháp cấu tứ bằng hiện tượng lưu chuyển của nước trong tự nhiên, thủ pháp then chốt của bài thơ là một ẩn dụ toàn bài: Chuyện non và nước chẳng có gì khác hơn là chuyện của con người. Cũng có thể gọi đó là nhân cách hoá và phép nhân cách hoá này nằm chủ yếu trong phần đầu – phần tả “non” với những hình ảnh quá đẹp:
Non cao những ngóng cùng trông.
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Điều đảm bảo cho ẩn dụ thành công là tính chính xác mà lại có sức gợi mở của các mối liên tưởng. Nếu hình dung ngọn núi như một con người thì nói con suối như dòng lệ của con người ấy đang lúc nhớ nhung thì không còn gì đúng chỗ hơn. Câu thơ thứ hai còn một dị bản: “Suối tuôn dòng lệ…” có một giai thoại nói rằng có một người vô danh đã sửa lại như trên, nhưng tôi tin người đó không phải ai khác là chính tác giả. Mỗi từ có một sức biểu cảm riêng và đều chính xác, nhưng từ “khô” có phần da diết hơn và rất phù hợp với văn cảnh tiếp theo:
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Cùng với câu trên kia, đây chắc chắn là những câu thơ đẹp nhất không chỉ của bài thơ mà còn là của cả nền thơ Việt ở thế kỷ này. Đẹp đến nỗi những ai có ảo tưởng mong tìm những lời khác để biểu đạt chính vẻ đẹp này thì đều bất lực, và không có cách gì khác hơn là phải mượn lại chính lời thơ. Từng từ một ở đây đều chở một dung lượng biểu cảm vừa chính xác trong tư duy cụ thể vừa mênh mông trong chân trời tưởng tượng nên có sức ám ảnh khôn cùng. Vẻ khô héo, tàn tạ, thê lương vừa rất “núi” vừa rất “người “ở đây đã đạt đến chuẩn mực của cái đẹp thẩm mĩ, với những từ “xương mai”, “hao gầy”, “tóc mây”, “tuyết sương”, “tà dương”, “phơi”, “vẻ ngọc”, “nét vàng”, “phôi pha”… Nếu như bài thơ chỉ có phần đầu này thôi thì rất có thể đặt cho nó một cái tiêu đề như “Phôi pha” chẳng hạn, cũng tựa như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau này đã tận dụng tài tình cả ca từ và giai điệu để diễn đạt cảnh trí và tâm thế rất khó diễn đạt này trong một ca khúc tuyệt vời cũng có tên là “Phôi pha”
Và thế, cùng với việc dựng lên một cảnh nước non thanh sạch, tiêu tao, bài thơ không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thuỷ chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Phân tích tác phẩm “Thề non nước” – Tản Đà
Ghép núi Tản, sông Đà làm bút danh để trước tác cả một đời trên cõi trần ai này, dường như trong Tản Đà đã có Thề non nước. Ông đã tự tìm đến cái bút hiệu thuộc về non nước này, hay nước non đã tự tìm đến thi sĩ như một hẹn hò, một duyên nghiệp? Thật khó mà nói cho cùng. Chỉ biết rằng nước – non đã thực sự là một ám ảnh lớn trong suốt cả đời văn của thi sĩ. Bất cứ người đọc Tản Đà cũng có thể thấy hình tượng non – nước trở đi trở lại trong văn chương của thi sĩ như một mạch nguồn cuốn tuôn chảy khi thì chứa chan ào ạt, khi thì âm thầm len lấn vào biết bao thi đề, thi tứ, thi cảm của thi nhân. Mạch nguồn ấy cũng đã đem về cho Tản Đà nhiều áng thi ca hào hoa phong nhã, thanh tú.
Thực ra, ở thời Tản Đà, non nước cũng là một hình tượng, một biểu tượng có một sức ám ảnh đặc biệt đối với văn chương nước nhà, nhất là thơ ca. Ấy là thời mà Chiêu hồn nước đã trở thành một nguồn cảm hứng da diết đối với mọi cây bút có tâm huyết với non sông. Người thì nói lối hô hào thống thiết, kẻ thì dùng lối chập chờn bóng gió xa xôi. Bởi bấy giờ giang sơn Tổ quốc ta đang ở trong cảnh ngộ mất chủ quyền. Tuy vậy, cũng ít người có được tiếng nói văn chương như Tản Đà.
Có trong mình cả một tâm hồn dào dạt phong tình, cả một tấm lòng tha thiết với đất nước, tiếng thơ Tản Đà như một bản hợp ca của cả hai bè ấy. Nó cứ dập dìu, có lúc đuổi nhau, quyện lấy nhau, có lúc chuyển hoá sang nhau, và thường khi hoà nhập hẳn vào nhau. Và thật kỳ lạ, điểm hẹn thề của cả hai tiếng lòng ấy đã đặt vào hình tượng non – nước. Chẳng phải thế sao? Non – nước vừa là một hình tượng của lòng yêu nước, vừa là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Cho nên khi hai tiếng non – nước cất lên từ hồn thơ Tản Đà, người ta thấy đó là lời đồng vọng của những gì thẳm sâu trong tâm thức của thi nhân.
Thế đấy, Thề non nước đâu chỉ là sản phẩm từ cuộc tao ngộ của một đôi trai gái phong tình trong truyện ngắn cùng tên. Thề non nước trước hết là đứa con tinh thần ra đời từ cuộc giao duyên tiền định kia trong hồn thơ của thi sĩ. Việc sinh thành ấy dường như là tất yếu!
Thề non nước, chào đời tới hai lần. Lần đầu là một bài thơ lẻ, lần thứ hai lồng ghép với một truyện ngắn. Riêng việc đến với cuộc đời một cách dặc biệt như thế, đủ thấy Thề non nước có một ý nghĩa thế nào đối với tư tưởng Tản Đà. Đúng là bài thơ có tới ba lớp nghĩa. Ba lớp nghĩa ấy giao nhau, nhưng phần chính là chồng lên nhau. Ba lớp ý tưởng tương ứng với ba lớp ý nghĩa của hình tượng non nước. Nếu không có truyện ngắn Thề non nước kể lại tình tiết người khách làng chơi và cô đào Vân Anh cùng vịnh một bức tranh sơn thuỷ có tên là Thề non nước, thì người đọc thơ vẫn cứ thấy lớp nghĩa thứ nhất của bài thơ là tái hiện vẻ đẹp thơ ca của một cảnh thiên nhiên sơn thuỷ. Có thể thấy trong thơ những nét vẽ theo lối tả thực khá lộng lẫy:
Trời tây ngả bóng tà dương,
Cùng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Là một thi sĩ từng được đào luyện trong nền giáo dục theo loại hình trung đại, từng theo đòi văn chương cử tử, Tản Đà chưa thoát hẳn hệ thống thi pháp trung dại. Câu thơ vẽ hình ảnh núi non này vẫn dùng những vật liệu quen thuộc của trung đại với những “bóng tà dương”, “vẻ ngọc nét vàng”, với lối ước lệ, cách điệu cổ điển. Đây là những thứ mà thi sĩ ngỡ chỉ là y phục. Tản Đà muốn trút bỏ, nhưng nó thật là một thứ vòng kim cô siết chặt lên những tung phá tự do của thơ Tản Đà khiến cho sự bức phá của hồn thơ bị ách tắc bởi thi pháp. Và có lẽ đó cũng là điều dĩ nhiên. Thi pháp trung đại vẫn cố giành lấy một nửa Tản Đà, không cho ông vượt thoát để sang hẳn bờ hiện đại, để ông chỉ là một cây cầu nối giữa đôi bờ mà thôi.
Nhưng lớp nghĩa tả thực chỉ là xuất phát điểm. Nó đem lại cho bài thơ những hình thể sống động ít nhiều mang tính trực quan, làm cho người đọc có thể có được những rung động thẩm mĩ trực tiếp. Trước mắt người đọc hiện lên một cảnh trí cụ thể có không gian thực và thời gian thực cảm nhận được bằng giác quan. Dường như một bài thơ mà thiếu đi điều đó thì dù nó có những ẩn ý sâu xa đến mấy, tầm vóc tư tưởng cao siêu đến đâu cũng sẽ rơi vào trừu tượng. Mà trừu tượng thuần tuý là chỗ chết của thơ. Vì vậy, hình tượng trực quan làm nên hình hài của thơ, làm tiền đề không thể thiếu cho sự thăng hoa của tư tưởng thơ.
Cốt lõi của cấu trúc bài thơ vẫn là cuộc đối thoại giữa non và nước. Cả non và nước đều “tranh thủ” phô diễn tâm tình cho nên ý nghĩa tả thực bị mờ đi và các lớp nghĩa bóng có xu hướng trôi lên bình diện thứ nhất. Có nghĩa là ở đây cảnh non nước bị mờ đi trước tình non nước. Vì thế bài thơ đã đi sâu vào địa hạt của nghĩa bóng ngay từ đầu, và nhất là khi non và nước lại biết cất lên những tiếng nói trực tiếp bày tỏ.
Vậy là có một đôi trai gái “náu mình” trong non và nước. Cái tình huống nảy sinh cuộc đối thoại này là cảnh dâu bể. Bức tranh sơn thuỷ, nhưng chỉ có sơn không có thuỷ. Nói đúng hơn, Sơn thì vẫn còn đó, nhưng thuỷ đã ra đi – dưới chân núi có rặng dâu xanh tốt, qua đó người đọc có thể hình dung trước kia là biển xanh (nước) theo luật “thương hải biến vi tang điền”. Thành thử bức tranh không vẽ nước mà vẫn có nước vậy. Theo cái lôgic nội tại của hình tượng, cảnh đổi thay dâu bể trong thiên nhiên đã trở thành cảnh biệt li lưu lạc của tình yêu đôi lứa. Đây là chỗ để Tản Đà bắc nhịp cầu nối các lớp nghĩa với nhau. Thì hiện tại là dâu bể. Cả thiên nhiên, cả lứa đôi, cả non nước đều trong cơn dâu bể. Hiện tại, thực tại dâu bể kia đã chia lìa tất cả.
Và núi đã thành núi tương tư. Dựa vào những sự vật được mô tả trong bức tranh, Tản Đà đã không dừng lại ở việc vịnh lại bức tranh một cách máy móc, mà tái tạo thành hình tượng núi – tương – tư trong dáng vẻ một nàng cô phụ:
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Mỏi mòn trong tương tư, con người ta có thể bị hao gầy thân xác, nên chính xác hao gầy về thân xác là một bằng chứng sống của nỗi tương tư. Ngày xưa Trương Cửu Linh đã viết:
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
(Lời dịch của Ngô Tất Tố)
Ở đây cũng vậy, núi tương tư được mô tả như một hình ảnh mà nét nào cũng hư hao, gầy mòn, tàn tạ đi. Nhớ thương đã làm nhan sắc phôi pha theo ngày tháng. Tuy hao gầy nhưng non vẫn không hề đổi thay, lòng vẫn chung tình, son sắt:
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Có thể nói toàn bộ phần ấy là lời của non. Không phải non đang tự hoạ về cái dáng vóc hình hài của mình mà đang tự tình, đạng phô diễn cái tình nhớ nhung, chung thuỷ của mình.
Lời của nước cũng rất mực thuỷ chung. Mỗi lời là một sự khẳng định đinh ninh, trước sau như một. Mỗi lời của nước đều dựa vào quy luật vĩnh diễn của tự nhiên, đều tạc vào sông núi.
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
Hai chữ “non nước” bắt đầu từ câu đầu tiên của bài thơ cứ lúc chia tách thành non, nước có lúc nhập vào nhau. Nhưng chưa lúc nào có được sự quấn quít, xoắn xuýt, hạnh phúc tràn ngập như ở câu cuối cùng này. Chữ nghĩa trong bàn tay Tản Đà đâu phải là những kết hợp vô tình?
Cả non và nước đều khẳng định đinh ninh: sông cạn đá mòn, vật đổi sao dời… nhưng thề xưa thì quyết không mảy may di dịch. Trước cảnh thế gian biến cải, một lời thề đinh ninh ấy có thể làm niềm tin duy nhất của nước non. Trong cái biến nhất thời khẳng định cái bất biến đời đời, chẳng phải đó chính là tư tưởng cốt lõi của Thề non nước chăng?
Lớp nghĩa thứ ba được suy ra từ đó là vấn đề chủ quyền của đất nước. Có thể nhất thời đất nước bị mất chủ quyền. Nhưng chủ quyền rồi sẽ trở về, đó là niềm tin đinh ninh, một chân lí vĩnh viễn. Hiện tại là ngắn ngủi, và sẽ kết thúc. Nước sẽ trở về trong “Nghìn năm giao ước kết đôi”, không chỉ như thực hiện một lời thề, mà nước sẽ trở về như một quy luật, một lẽ sống của nước – non.
Trong hoàn cảnh đương thời, viết về đất nước, vẫn sao vẫn cứ là một việc mạo hiểm. Tản Đà đã phải dùng đến một chuyện phong tình để khoát lên cái tư tưởng sâu xa của bài thơ. Điều lí thú là cả phong tình và yêu nước đều là những luồng tình cảm dồi dào trong hồn thơ Tản Đà, nên nó mới quyện lại thành một bài thơ nhuần nhuyễn như vậy.
Có thể thấy non nước là một biểu tượng được dùng phổ biến trong thơ ca thời này. Về sau, chúng ta thấy viết về Tổ quốc, thơ ca hay dùng trực tiếp biểu tượng đất nước. Phải chăng cảm xúc thiên nhiên ở cả hai biểu tượng thì như nhau, còn cảm xúc phong tình trong non nước đậm hơn, trong khi đó cảm xúc chính trị trong đất nước trực tiếp hơn? Dẫu sao trong thơ ca (ở cấp độ hình tượng bao trùm tổng quát chứ không nói cấp độ từ) từ non nước đến đất nước, dường như vẫn là hai chặng đường!
Thề non nước – Tản Đà
Nội dung
Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn[1] dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Giời tây chiếu[2] bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng[3] sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh[4] đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không[5] nguôi nhời thề
[1] Trong Thơ Tản Đà (1925) đổi thành “khô”.
[2] Trong Thơ Tản Đà (1925) đổi thành “ngả”.
[3] Trong Thơ Tản Đà (1925) đổi thành “Dù cho”.
[4] Trong Thơ Tản Đà (1925) đổi thành “cao”.
[5] Trong Thơ Tản Đà (1925) đổi thành “chưa”.
Theo Nguyễn Khắc Xương trong Tuyển tập Tản Đà thì bài thơ này được viết vào năm 1920. Sau đó, từ bài thơ, Tản Đà viết thành một truyện ngắn cũng lấy tên Thề non nước và in trong tập Tản Đà tùng văn. Trong truyện, bài thơ được đề lên bức tranh sơn thuỷ với cô đầu Vân Anh. Năm 1925, Tản Đà lại in riêng bài thơ vào tập Thơ Tản Đà (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội, 1925) và có đổi 5 chữ như trong chú thích.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ về sau.
Nguồn:
1. Tản Đà tùng văn, Tản Đà thư điếm, Hà Nội, 1922
2. Thề non nước, NXB Hương Sơn, Hà Nội, 1940
3. Tản Đà vận văn – toàn tập, NXB Hương Sơn, Hà Nội, 1945
4. Tuyển tập Tản Đà, NXB Văn học, Hà Nội, 1986
5. Tản Đà toàn tập – tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 2002
CLICK HERE: Thề non nước (Tản Đà) – Kim Dung