Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Định nghĩa và đặc điểm của văn biểu cảm


Những lưu ý khi làm văn biểu cảm

Văn biểu cảm là phương thức biểu đạt xuất hiện khá phổ biến trong các tác phẩm văn học, bởi tính đa dụng và nhu cầu biểu hiện cảm xúc rất cơ bản của tác giả. Vậy văn biểu cảm là gì? Đâu là các yếu tố để nhận diện một bài văn biểu cảm?

Văn biểu cảm

Văn biểu cảm là một phương thức biểu đạt thông dụng, sử dụng các yếu tố cảm xúc để bộc lộ tâm tư, tình cảm của tác giả, hoặc qua đó đánh giá, nêu lên một quan điểm của tác giả về vấn đề cụ thể được nhắc đến trong bài văn. Việc sử dụng các yếu tố biểu cảm trong mạch văn sẽ khiến cho lời văn thêm trơn tru, tạo được sự đồng điệu giữa tác giả và người đọc khi tiếp cận vấn đề.

Khác với văn tự sự vốn tập trung vào nghệ thuật kể chuyện, văn biểu cảm thường xuất hiện các trường đoạn tình cảm chủ quan của người viết, vốn được dùng để bộc lộ tình cảm, tâm tư của họ về vấn đề được nhắc đến trong bài văn. Mục tiêu của văn miêu tả là đem đến sự đồng điệu về mặt cảm xúc giữa người đọc và người viết, khiến cho bức tranh được diễn tả thêm phần sống động.

Chức năng của văn biểu cảm

Giúp cốt truyện thêm sinh động

Có thể nói, văn tự sự, biểu cảm và miêu tả là ba phương thức biểu đạt tương trợ lẫn nhau, giúp cho cốt truyện phát triển phong phú và đa dạng hơn. Vậy chức năng của văn biểu cảm là gì? Văn biểu cảm được dùng để bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong truyện, từ đó nói lên những mâu thuẫn về cảm xúc, những tâm tư tình cảm mà nhân vật đang phải trải qua, khiến cho người đọc dễ dàng đồng cảm với câu chuyện nhiều hơn. Nếu văn tự sự xây dựng một khung sườn hoàn chỉnh, văn miêu tả điểm xuyết những chi tiết cho câu chuyện thêm sinh động, thì việc thêm thắt những yếu tố biểu cảm sẽ đánh mạnh vào yếu tố cảm xúc của người đọc, hình thành mối liên hệ giữa người đọc và người viết, khiến câu chuyện thêm sinh động hơn.

Sự xuất hiện của văn biểu cảm còn giúp chúng ta xác định được bầu không khí chung của cốt truyện. Thông thường, các mạch truyện tiểu thuyết thường chuyển giao bối cảnh thông qua mạch văn tự sự chuyển tiếp giữa tình tiết này và tình tiết khác. Tuy nhiên nếu tác giả quá sa đà vào phương thức tự sự, câu chuyện sẽ bị khô khan, khiến người đọc khó hình dung được các trường đoạn cao trào trong truyện. Tuy nhiên nhờ có văn biểu cảm, người viết đã đặt ra một bầu không khí chung cho câu chuyện, mở đường cho những tình tiết tiếp theo xuất hiện trong câu chuyện.

Dưới đây là đoạn trích truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê”, sử dụng phương thức biểu cảm để đặt ra bối cảnh cho câu chuyện:

Gần trưa, chúng tôi mới ra đến trường học. Tôi dẫn em đến lớp 4B. Cô giáo Tâm đang giảng bài. Chúng tôi đứng nép vào một gốc cây trước lớp. Em cắn chặt môi im lặng, mắt lại đăm đăm nhìn khắp sân trường, từ cột cờ đến tấm bảng tin và những vạch than vẽ ô ăn quan trên hè gạch. Rồi em bật lên khóc thút thít.

-Ôi, em Thủy! – Tiếng kêu sửng sốt của cô giáo làm tôi giật mình.
Em tôi bước vào lớp:
-Thưa cô, em đến chào cô… – Thủy nức nở
Cô Tâm ôm chặt lấy em:
– Cô biết chuyện rồi. Cô thương em lắm!
Và cô quay xuống lớp:
-Bố mẹ bạn Thủy bỏ nhau. Thủy phải xa lớp ta, theo mẹ về quê ngoại.

Một tiếng “ồ” nổi lên kinh ngạc. Cả lớp sững sờ. Đã có tiếng khóc thút thít của mấy đứa bạn thân. Vài đứa mạnh dạn bỏ chỗ ngồi, đi lên nắm chặt lấy tay em tôi như chẳng muốn rời. Toàn những bạn đánh chuyền, đánh chắt, có cái kẹo, quả táo cũng để dành phần nhau trong suốt mấy năm qua…

Qua đoạn văn trên, có thể thấy việc sử dụng yếu tố biểu cảm, khắc họa nỗi buồn bã, tuyệt vọng và nuối tiếc của nhân vật Thủy đã khiến bối cảnh chia tay sinh động hơn rất nhiều.

Liên kết người đọc và người viết với nhau

Khán giả khi thưởng thức một tác phẩm, thường vô hình trung đặt mình vào ngữ cảnh của nhân vật để cảm nhận những tình tiết éo le mà nhân vật đang gặp phải. Chính từ điều này, chức năng thứ hai của văn biểu cảm chính là giúp hình thành sự đồng cảm của khán giả dành cho nhân vật, từ đó tạo thành mối liên kết người đọc- người nghe, một liên kết rất cần thiết nhằm lôi kéo sự tò mò của người đọc.

Đôi khi, yếu tố biểu cảm còn được tác giả tô điểm để nói về các vấn đề về tình yêu đôi lứa, về các mối quan hệ ràng buộc xoay quanh nhân vật chính. Các yếu tố này vốn thông dụng và quen thuộc với người đọc, cho nên thông thường việc hình thành mối liên kết giữa người đọc và người nghe lại khá dễ dàng

Các đặc điểm của bài văn biểu cảm

Có lẽ văn biểu cảm là một dạng văn không khó để thực hành, bởi nhìn chung văn biểu cảm không đòi hỏi người đọc phải có kỹ năng quá cao để viết nên những đoạn văn giàu cảm xúc. Nhưng để làm được một bài văn biểu cảm có chiều sâu, chúng ta cũng cần tham khảo thêm một số phương pháp làm bài cụ thể để đoạn văn biểu cảm trở nên sâu sắc hơn.

1. Sử dụng tính từ về cảm xúc
Tính từ là loại từ vô cùng quan trọng trong văn biểu cảm, giúp cho tác giả khắc họa thế giới nội tâm của con người một cách rõ nét hơn. Một trong những bài học vỡ lòng khi bắt đầu thực hành văn biểu cảm, chính là việc phân loại các tính từ về cảm xúc, để chạm đến những xúc cảm khác nhau của con người. Thông qua việc sử dụng đúng tính từ về cảm xúc, người đọc sẽ phần nào hình dung được tính cách và xu hướng phát triển của cốt truyện nữa đấy.

Biểu cảm của con người là một trường phái vô cùng phức tạp. Đây là kết quả của một quá trình tiếp nhận thông tin, chính vì vậy việc quan sát và đánh giá các sắc thái cảm xúc, từ nhẹ đến cực đoan sẽ giúp ta liên kết được các yếu tố gắn liền với sắc thái biểu cảm ấy. Một số câu hỏi mà bạn có thể dùng để tìm hiểu sắc thái biểu cảm trong văn biểu cảm là gì:

  • Điều gì đã khiến cho sắc thái biểu cảm ấy được bộc lộ?
  • Cảm xúc ấy giúp người đọc cảm thấy như thế nào?

Trong tiếng việt, các từ láy nguyên âm và vần sẽ đem đến một cảm giác tương đối, lưng chừng. Lợi dụng điều này, ta có thể phân biệt chúng với những tính từ mang màu sắc trầm buồn hơn, nhất là các tính từ có nguồn gốc là từ mượn tiếng Hán. Độ láy càng ít, mức độ cường điệu càng tăng. Càng biết nhiều về tính từ về cảm xúc, ta càng dễ dàng dẫn dắt người đọc vào mạch truyện.

Ví dụ: man mác theo từ điển Hoàng Phê chủ biên, là cảm giác lâng lâng đượm buồn, được sử dụng để gợi lên cảm giác buồn vì cô đơn. Cái buồn này chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn ảm đạm, vốn là một tính từ rất buồn vì không có niềm vui.

2. Biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp
Để hiểu hơn về văn biểu cảm là gì, chúng ta cần biết đến 2 phương pháp diễn đạt biểu cảm thường gặp trong các tác phẩm văn học, đó là biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp. Thuần thục chuyển tiếp giữa hai phương pháp này sẽ cho ra một đoạn văn chân thực, phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau, đưa đến những trải nghiệm cảm xúc đa dạng hơn.

Biểu cảm trực tiếp được sử dụng để bộc lộ cảm xúc của người viết một cách trực diện, bằng cách thể hiện trực quan những biến chuyển cảm xúc mà người viết đang là trung tâm. Người viết có thể thể hiện trực tiếp các trường đoạn cảm xúc như yêu, ghét, vui, buồn, phẫn nộ, chán nản,… trực tiếp đến đối tượng mà họ đang hướng đến. Phương pháp này thường được thể hiện dưới dạng suy nghĩ, độc thoại nội tâm, hoặc là những đoạn đối thoại sử dụng những cụm từ cảm thán. Những cốt truyện ở ngôi kể thứ nhất thường sử dụng phương pháp biểu đạt này để mô tả trực quan cảm nhận của họ với thế giới xung quanh.

Biểu cảm gián tiếp là hình thức biểu cảm sử dụng các phương pháp khác nhau nhằm gợi lên cảm xúc trong lòng người đọc, mà không phải do trực tiếp nhân vật bày tỏ. Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong các mạch văn tự sự, như một phần không thể thiếu để gợi lên cảm xúc của người đọc từ việc miêu tả sắc mặt, cho đến bối cảnh của cốt truyện. Điểm mạnh của biểu cảm gián tiếp đến từ việc tác giả có thể dễ dàng gợi lên cảm xúc trong lòng người đọc một cách vô thức, dành sự tập trung vào những đi chủ điểm khác, vốn phù hợp với những cốt truyện mang tính thời sự như trinh thám, kinh dị,…

Những điều cần lưu ý khi làm văn biểu cảm

1. Lưu ý mục đích làm bài
Khi bắt đầu thực hành làm văn biểu cảm, điều đầu tiên chúng ta cần làm là xác định mục đích làm bài của mình, để từ đó vận dụng văn biểu cảm một cách phù hợp nhất. Nếu không lưu ý đến mục đích làm bài, chúng ta sẽ rất dễ sa đà vào việc bộc lộ cảm xúc của văn biểu cảm, hoặc liên tục gán ghép cảm xúc vào bài văn miêu tả, khiến cho bài văn bị ngột ngạt, không tạo ra được nhịp điệu lên xuống cho kết cấu bài viết.

Đối với mạch truyện tự sự, yếu tố biểu cảm xuất hiện nhằm giải bày tâm sự của nhân vật chính, đồng thời trưng ra góc nhìn và quan điểm của nhân vật được kể trong câu chuyện. Trong khi đó, mạch văn miêu tả thường dùng yếu tố biểu cảm để sắp đặt bối cảnh cho câu chuyện, đồng thời gợi ý bầu không khí cảm xúc giúp chúng ta liên tưởng nhanh chóng đến khung cảnh được nhắc đến, từ đó gắn kết các đoạn văn tự sự lại với nhau.

2. Không lạm dụng văn biểu cảm
Trong hầu hết các đề bài làm văn, văn biểu cảm thường không phải là nhân tố chính xuất hiện trong đề bài, bởi tính cường điệu hóa của phương thức này thường khiến người đọc bị ngộp nếu tần suất xuất hiện quá dày đặc. Khi làm tập làm văn, chúng ta chỉ nên sử dụng văn biểu cảm để nhấn nhá, tạo ra những cao trào cần thiết, ngoài ra không nên thêm thắt hoặc xen kẽ quá nhiều đoạn văn biểu cảm để tránh bài văn trở nên lê thê, không súc tích.

Đây là một lỗi vô cùng phổ biến, thường thấy trong những cuốn truyện diễm tình lấy tình yêu và mối quan hệ làm chủ đạo. Một mặt, văn biểu cảm với những trường đoạn cảm xúc có thể chạm đến tâm hồn của người đọc, bởi tác giả đã tạo ra được sự đồng cảm giữa hai bên, sự xuất hiện dày đặc của văn biểu cảm đã khiến cho những cuốn tiểu thuyết này trở nên nặng nề, nhuốm màu sắc ảm đạm và có phần lê thê dông dài.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!