Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Thời niên thiếu của Nguyễn Thái Học


Hoang Xuan Ba

Nguyễn Thái Học sinh năm Tân Sửu (1904) tại làng Thổ Tang tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Bắc Việt). Theo hồ sơ trường học thì ngày sinh là 01/12/1904, tức là khai sai đi cho hợp lệ để xin học.

Thân phụ ông là Nguyễn Văn Hách, là một nông dân chất phác, thân mẫu tên Nguyễn Thị Quỳnh, vốn người đảm đang tháo vát, ngoài việc nông tang còn mở hàng vải ở chợ làng.

Thái Học có người em gái là Nguyễn Thị Hiền và ba em trai, Nho, Lâm, Nỉ.

Năm 1906, Thái Học học chữ Hán nơi trường một cụ Tú. Năm 1913, vào trường tiểu học phủ Vĩnh Tường, từ lớp 5 đến lớp nhì. Khi lên lớp nhất đổi sang trường tiểu học Việt Trì. Năm 1921, về Hà Nội học trường Sư Phạm, trọ ở gần trường, cùng với Hồ Văn Mịch, một giáo viên sau này là một đồng chí (1).

Trường Sư Phạm có một viên giám thị tên là Thược Nguyên là lính “chào mào” ở Pháp vì cử chỉ hống hách và lố lăng, nên hay bị chế diễu. Thược ngầm mua chuộc một học sinh để chỉ điểm cho hắn những học sinh nào tai quái, rồi vu cáo với giám đốc là bài Pháp, để trục xuất khỏi trường. Nhiều người do đó bị đuổi oan, trong trường phát sinh ra một không khí nghi kị, đến nỗi viên giám đốc ra lệnh cấm tụ họp trò chuyện.

Nguyễn Thái Học cũng như bè bạn đều căm tức ngấm ngầm. Hơn nữa, ông lại ở vào một khu me Tây, thường chứng kiến những hành động bỉ ổi của bọn lính “tẩy” do các me xúi giục để hiếp đáp đồng bào. Trong thời gian này, Thái Học ghét học lịch sử Pháp, nhưng lại rất thích thú đọc những tài liệu về hội cách mạng Pháp năm 1789.

Đến cuối năm thứ ba, Thái Học bỏ về nằm nhà; rồi nộp đơn thi “diplôme” xong không đậu. Nhưng có kỳ thi thừa phái, ông ứng thí được trúng tuyển nhưng khi có nghị định bổ dụng, ông lại không đi và xin vào học cao đẳng Thương Mại.

Nguyễn Thái Học vóc người tầm thước, mặt vuông trán cao, râu quai nón, tai to và dài, môi dày miệng rộng răng hơi vẩu nhưng được nụ cười tươi, tính phóng khoáng song cương quyết. Ông ưa sống giản dị, chỉ có hút thuốc lào, nhai trầu và ăn phở.

Theo ông Hoàng Văn Đào kể lại khi có tiền Thái Học rút ra tiêu chung với anh em, khi cạn túi lại điềm nhiên hỏi anh em không ngần ngại. Điều quan trọng nhất trong đời Thái Học là giấc ngủ. Khi buồn ngủ thì việc tầy trời cũng mặc, hãy ngủ đã, dù chỉ 15, 20 phút. Ngủ thì thường nằm xếp hai chân co lên quắp lấy mông. Tuy đã ở Hà Nội lâu năm mà vẫn giữ thổ âm quê mình, nói thường lộn L với N.

Thái Học có người vợ ở quê là Nguyễn Thị Cửu do cha mẹ cưới cho, nhưng vợ chồng ít sống gần nhau. Khi bắt đầu cuộc đời cách mạng, ông gửi thư về cho cha mẹ, xin phép cho chị Cửu được tự do đi lấy chồng.

Chú Thích

(1)  Hồ Văn Mịch, quán làng Đông Hỷ, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Dáng người thấp bé, tư chức thông minh, tính quả cảm, xuất thân giáo học ít lâu rồi xin nghĩ học lớp cao đẳng sư phạm. Sau vụ Bazin, bị bắt giam, kết án 10 năm và đầy ra Côn Đảo. chết ở đảo năm 1932 vì bệnh lao phổi.

Tham Khảo

Cố Nhi Tân, Tiểu truyện Danh nhân Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Khắc Nhu, Lê Hữu Cảnh – Tủ sách Tiến Bộ.

Click to listen highlighted text!