Nguyễn Thái Học Và Một Con Đường Yêu Nước
Lê Tuấn Huy
Tác giả là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về hệ thống chính trị ở VN. Tác phẩm chính của anh là “Nhà nước Pháp quyền và Phân quyền”
Ngày 25.12.2007, tròn 80 năm thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, một phong trào yêu nước do Nguyễn Thái Học (1902-1930) lãnh đạo. Cho dù cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nhằm giành độc lập từ tay người Pháp, tháng Hai năm 1930, do đảng này phát động đã thất bại cùng với cuộc đời ngắn ngủi của người anh hùng dân tộc, nhưng đó là một dấu son không thể nào bôi xóa trong lịch sử dựng và giữ nước suốt 4.000 năm qua. Nó cũng cho thấy rằng yêu nước luôn có nhiều con đường khác nhau, và con đường nào cũng là con đường đáng tôn vinh.
Không tránh khỏi sẽ có ý kiến cho rằng con đường yêu nước nào cũng đáng tôn vinh nhưng đáng nói là đâu là con đường chân chính và đâu là con đường hiệu quả. Đúng như vậy!
Đâu là con đường chân chính? Ngoại trừ yêu nước bằng con đường bán… đất (để) giữ.. nước – có ở nhiều thời đại khác nhau, mà lịch sử đã và sẽ luôn đưa ra những phán xét cuối cùng – không dành bất kỳ sự loại trừ nào, thì không thể nói con đường nào chân chính hơn con đường nào hay con đường nào đó tự dành cho mình sự chân chính tối cao mà đi triệt tiêu (những) con đường khác. Hủy diệt lòng yêu nước của người khác với mình, con đường yêu nước khác với con đường của mình, thì dù có biện hộ thế nào, đó cũng là một hành xử của “chủ nghĩa phi yêu nước”.
Chân chính hay không chân chính còn liên quan đến chính hiệu quả của một con đường. Tuy nhiên, hiệu quả cũng có những cấp độ khác nhau: nhất thời, lâu dài, trường cữu (cũng theo nghĩa tương đối về cấp độ thời gian mà thôi), hay hiệu quả thật, hiệu quả ảo, v.v…. Hiệu quả của một con đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng cái hiệu quả mang bản chất thật của nó hay cái hiệu quả có được từ ngôn từ hoa mỹ và sức mạnh áp đặt, dẫu lịch sử vẫn là nhân tố phán xét cuối cùng, thì chưa đợi thành “lịch sử”, thực tế cũng sẽ nhanh chóng có câu trả lời.
Cái hiệu quả nhất của một con đường yêu nước không phải là ở sự bất biến – mọi sự bất biến đều là sai lầm, ảo tưởng và hoàn toàn phi biện chứng; mà ở việc nhận diện xác đáng lịch sử và hiện thực để có những chuyển biến tương ứng, nhằm đáp ứng cao nhất những giá trị chính trị của con người và dân tộc. Vì sao là giá trị chính trị? Đơn giản, yêu nước trước hết phải là – và luôn là – một khái niệm chính trị. Nếu muốn xét nó như một khái niệm đạo đức hay khái niệm kinh tế thì vẫn phải đặt sau tư cách khái niệm chính trị đó.
Giá trị chính trị của con người, suy cho cùng, vẫn nằm ở vấn đề về quan hệ quyền lực giữa con người với nhà nước, tức giữa con người với tổ chức chính trị cao nhất của họ; và liên quan mật thiết từ đó, là vấn đề về phẩm giá của con người trong quan hệ với nhà nước, tức tương quan giữa quyền con người với cái quyền lực nhận sự ủy thác của họ. Và như vậy, rốt cuộc, tất cả đều xoay quanh thể chế chính trị.
Giá trị chính trị của dân tộc, cũng suy cho cùng, nằm ở nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của nó. Nhà nước ra đời và tồn tại có nguyên nhân giai cấp không? Có! Nhưng trước hết, xét về cả lịch sử lẫn thực tế dưới nhiều thời đại, nguyên nhân đầu tiên để con người tự nguyện đến với nhau như một xã hội chính trị và giao một phần quyền lực chính trị của mình cho tổ chức cao nhất của xã hội đó, là ở chỗ tổ chức đó – tức nhà nước – bảo đảm cho mọi thành viên sự an ninh về mặt xã hội và sự an toàn về lãnh thổ. Không thực thi được vai trò này, thực thi không hiệu quả, hoặc thực thi điều ngược lại, thì mọi nhà nước, cho dù là nhà nước “thần thánh” nào đó, cũng hoàn toàn mất đi tính chính danh của nó, vì – cũng đơn giản, nói như đời thường – khi anh không làm được điều mà người ta cần đến ở sự tồn tại được uỷ thác của anh, thì anh có để làm gì, thì anh nhận sự uỷ thác để làm gì?!
Quay về với Nguyễn Thái Học.
Với tiêu chí bảo an và dân tộc, Nguyễn Thái Học chủ trương đánh đuổi Pháp, giành độc lập dân tộc. Không ai có thể bác bỏ sự yêu nước này.
Còn tiêu chí về thể chế chính trị, với ông, yêu nước là yêu nền Cộng hòa và thể chế Dân chủ. Cũng không ai có thể bác bỏ được, cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn. Suốt tiến trình nhân loại, từ cổ đại đến nay, ở khả năng chính trị hiện thời mà con người có được, hình thức nhà nước hiệu quả nhất – đã được minh chứng – vẫn là nhà nước tổ chức theo lối Cộng hòa và dưới một thể chế Dân chủ.
Những điều kiện khách quan và chủ quan thời đó đã khiến con đường yêu nước của Nguyễn Thái Học trở thành con đường không hiệu quả. Nhưng thất bại lịch sử đó không thể bác bỏ tính trường tồn của con đường này một khi các thể chế chính trị trên thế giới vẫn vận động theo đường hướng đó, một khi ngay cả Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng lấy Cộng hòa làm tiêu chí đầu tiên, và một khi chính nhà nước này nay cũng vận động trong một nền kinh tế thị trường, đồng thời chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và một xã hội dân chủ. Vấn đề còn lại – nhưng lại cốt tử vì mang tầm hiệu quả, xuất phát từ thực chất – là nhận thức về nhà nước pháp quyền đó đến đâu và nền dân chủ này được thực thi sao. Nếu là nhà nước pháp quyền một nửa và dân chủ một nửa, thì đều mang bản chất ngược lại với chính những từ ngữ đó!
Le Tuan Huy’s Blog