Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Hải-giới Ðông Bắc Nước ta


Vũ-Hữu-San

Ðịa-danh trên Bản-đồ.

Nhìn bản-đồ vùng Ðông-Bắc Việt-Nam, khu-vực tiếp-giáp với Trung-Hoa, người ta thấy ngay ranh-giới biển bờ nước ta ngày xưa:

– Biển phía Bắc đánh dấu bằng thị-trấn Bắc-Hải.
– Bờ phía Ðông ghi nhận bằng hải-cảng Ðông-Phương.

Trong suốt hai thiên-kỷ qua, từ thời Nhà Hán, ngay chính Trung-Hoa cũng mặc-nhiên công-nhận vùng biển Ðông là thuộc nước ta qua danh-xưng Giao-Chỉ-Dương. Dân Việt từng sinh-hoạt đông-đảo quanh vùng Vịnh Bắc-Việt, kể cả khu-vực Khâm-Châu Hợp-Phố cũng như tại bờ biển đảo Hải-Nam. Người Tàu đã cố-gắng thay đổi nhiều tên bản-địa sau mỗi lần xâm-lược bành-trướng lãnh-thổ, nhưng hiển-nhiên họ đã không thể nào thay đổi được các chứng-tích lâu đời kể trên.

Không những tên biển, tên bờ trong Vịnh Bắc-Việt  được xác-nhận rõ-ràng, mà theo nhà Địa-lý-học Edward H.  Schafer, ngay cả tên đảo Hải-Nam – là hòn đảo tiếp-giáp – cũng một thời có nghĩa là tỉnh của Việt-Nam. Ông viết trong cuốn sách tựa đề Châu-Nhai “Shore Of Pearls” nguyên-văn như sau: “In Han period, when it (Hainan) begins to appear in Chinese texts, “South Of the Sea” referred to the Vietnamese provinces, as we would style them…”. Về hải-thương lúc xưa, Schafer ghi-nhận hầu hết sản-phẩm được người Việt đưa tới bằng đường biển. Thuyền từ phía Tây-Nam là Đại-Việt vượt ngang Giao-Chỉ-Dương để đến đây.

Quan-niệm Lãnh-thổ với Lãnh chúa thời Thượng-cổ

Hơn các dân-tộc khác, người Việt cổ có quan-niệm về chủ-quyền lãnh-thổ rất sớm. Quyền-lực của một lãnh-tụ biểu-hiện qua những trống đồng mà Ông ta sở-hữu. Giá-trị của các trống đồng quý-giá được ước-định tới cả ngàn con trâu hay nhiều vùng đồng ruộng, rừng cây rộng lớn…

Nhà khảo-cổ-học H. Parmentier đã ước-đoán rằng trống đồng là quà tấn-phong của vua Hùng-Vương ban cho các lãnh-chúa. Ông Bình-Nguyên-Lộc nói các lãnh-chúa này phân-tán đi Vân-Nam, Nam-Dương.

Bỏ qua giả-thuyết “Người Việt đã từng thành-lập một hình-thức Lạc-Việt bao trùm Đại-dương”, chúng tôi xin quay về vấn-đề hải-giới vùng Ðông-Bắc nước ta qua những chứng-liệu sau đây, khi đọc tuy có khô-khan nhưng lại chính-xác hơn.

Ðịa giới Giao-Chỉ, Giao-Châu

Các sách xưa thường ghi chép sơ-sài về địa-lý, đặc-biệt là không có chi-tiết về chủ-quyền trên biển của quốc-gia. Ngày nay, chúng ta chỉ đành xem lại những tài-liệu tổng-quát về địa-lý đất Giao-chỉ, Ðại-Việt hay thủ-phủ Long-biên của ta rồi từ đó suy ra hải-giới, như sau:

Các tác-giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên viết trong “Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư Ngoại-kỷ” (soạn thảo 1272 – 1697): Thời Hoàng Đế, địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam (Trung Hoa), xa ngoài đất Bách Việt. Thời Vua Vũ thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo 1856-1881) chép rằng: Khi Nhà Hán đã bình được nhà Triệu, lấy đất đặt làm chín quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ. Mỗi quận đặt một thái thú để cai trị. Tên gọi “Giao Chỉ bộ” có từ đấy.

Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phí nhà Tống, ba quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận là đất Bách Việt ngày trước, từ Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, mở núi dọn đường, cướp lấy đất Dương, Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần. Đến Hán Vũ đế bình định được Nam Hải mới tách Quế Lâm đời Tần làm hai là Uất Lâm và Thương Ngô; tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lại xắn bớt đất Nam Hải và Tượng Quận đặt ra quận Hợp Phố. Rồi, từ huyện Từ Văn, vượt biển sang lấy hai quận Chu Nhai và Đam Nhĩ ở phía Nam biển, đặt thứ sử tại Giao Châu. Tiếng rằng nhà Hán chia ra chín quận, nhiều hơn nhà Tần, nhưng cầm quyền thống trị thì chỉ có một thứ sử ở Giao Châu thôi.

Dẹp yên cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh, nhà Ngô lấy đất Nam Hải, Thượng Ngô và Uất Lâm làm Quảng Châu, đặt châu trị ở Phiên Ngung, lấy đất Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam làm Giao Châu, đặt Châu trị ở Long Biên (Bắc Ninh). Đất Nam Việt của Triệu-Ðà ngày trước thành ra Giao Châu và Quảng Châu từ đó.

Long-Biên, thủ-phủ quan-yếu từ cổ-thời

Đường Cao Tông bắt đầu đặt An Nam đô hộ phủ ở Giao Châu. Giữa niên hiệu Hoàng Hựu (1049-1053) triều Tống đặt chức An Phủ và chức Kinh Lược ở Quế Lâm. Tòa súy phủ ở Tây Đạo lập lên là trước từ đấy. Đến bây giờ, Bát Quế, Phiên Ngung và Long Biên đứng đối nhau như ba chân vạc là theo kiểu cũ của Tần.

Năm Tân Mùi, [110 TCN], (Hán Nguyên Phong năm thứ 1). Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán. Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thái Thú 9 quận. Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, Đái làm châu Thái thú . Thời Tây Hán, trị sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên, thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng. Đến khi Đái chết, Hán Chiêu Đế lấy Chu Chương thay. Đến cuối đời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Tướng nhà Hán là Sầm Bành vốn quen thân với Nhượng, gửi thư cho Nhượng bày tỏ uy đức của nhà Hán. Thế rồi [Nhượng] bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Nhà Hán đều phong cho những người ấy tước Hầu.

Khi nhà Hán lập bộ Giao Chỉ, đặt lỵ sở ở Liên Thụ. Năm Nguyên Phong thứ 5 (106 trước công-nguyên) dời trị sở sang huyện Quảng Tín ở quận Thương Ngô. Đến năm Kiến An thứ 15 (210), đóng lỵ sở ở huyện Phiên Ngung. Nhà Ngô lại dời lỵ sở sang Long Biên, còn ở lỵ sở cũ (chỉ Phiên Ngung) đặt làm Quảng Châu. Long Uyên: Tức là Long Biên, tên hiệu về đời Hán, thuộc quận Giao Chỉ, trị sở của quận về thời Đông Hán. Theo sách Thủy kinh chú, nhà Hán, năm Kiến An thứ 13 (208), khi mới đắp thành, có giống giao long lượn đi lượn lại ở hai bên bờ sông; nhân thế đổi gọi là Long Uyên. Nhà Lý đóng kinh đô ở đấy, đổi tên là Thăng Long; nhà Trần, nhà Lê cũng đóng kinh đô ở đấy cả. Bây giờ là tỉnh thành Hà Nội.

Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quận Giao Chỉ thời ấy rất rộng lớn và quan-yếu vì thống trị tới 10 huyện: Liên Thụ, An Định, Cẩu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên.

Hải-giới Giao-Chỉ như vậy có lúc đã bao trùm cả bờ biển Quảng-Tây và Quảng-Ðông ngày nay.

Quận Hợp-Phố thuộc đất Giao-Chỉ

Ðất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần. Đến Hán Vũ đế bình định được Nam Hải mới tách Quế Lâm đời Tần làm hai là Uất Lâm và Thương Ngô; tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lại xắn bớt đất Nam Hải và Tượng Quận đặt ra quận Hợp Phố.       

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ – Từ khi Vũ đế nhà Hán diệt nhà Triệu, lấy đất của nhà Triệu, đặt ra chín quận: Châu Nhai, Đam Nhĩ ở trong biển. Hai quận ấy hợp với các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Hợp Phố đều liệt làm bộ Giao Chỉ. (Theo Quận quốc chí trong Hậu Hán thư, kể từ Giao Chỉ trở xuống, 7 quận gồm 55 huyện đều thuộc bộ Giao Chỉ). Sau đó chưa từng chia sẻ, mãi đến nhà Ngô mới chia Giao Châu, đặt thêm Quảng Châu.           

Ðịa-giới thời Vua Trưng gồm cả Hợp-Phố

Năm Giáp Ngọ (34) là năm Kiến Võ thứ 10 nhà Hán, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ.

Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao Chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm Canh Tí (40) người ấy lại giết Thi Sách ở quận Châu Diên (phủ Vĩnh Tường), trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Vợ Thi Sách là Trưng Trắc con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) cùng với em gái là Trưng Nhị nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.

Lúc bấy giờ ở những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo về với 2 bà Trưng Thị. Chẳng bao lâu, quân 2 bà hạ được 65 thành trì. 2 bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh, là chỗ quê nhà.

Quân-dân Hợp-Phố khởi-nghĩa theo về bà Triệu

Phụ-nữ nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Thị Chinh cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Thời Tam-quốc khi Giao-Chỉ thuộc nhà Ngô, vào năm Mậu Thìn (248) là năm Xích Ô thứ 11, ở quận Cửu Chân có người đàn bà tên là Triệu Thị Chinh khởi binh đánh lại quân nhà Đông Ngô.

Theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký của Nhạc Sử viết thời nhà Tống, trong miền núi quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, tụ họp đồ đảng đánh cướp các quận huyện thường mặc áo vải mộc màu vàng, đi guốc, cưỡi đầu voi, xông ra trận đánh. Sau khi chết, thành thần. Nay có đền thờ ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Khi vào ở trong núi, bà chiêu mộ hơn 1,000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh bà là Triệu Quốc Đạt thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng :”Tôi muốn cỡi con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở Bể Ðông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta”.Năm Mậu Thìn (248) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu Chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng xưng là Nhụy Kiều tướng quân.

Trong một bài nghiên-cứu, Giáo-Sư Trần-Quốc-Vượng cho biết dân-chúng vùng Cao-Lương, Hợp-Phố cũng vùng lên hưởng-ứng với bà Triệu.

Nghĩa-quân Việt đánh phá thành ấp. Các châu quận đâu đấy đều náo động, chúa nhà Ngô cho Thứ sử Giao Châu là Lục Dận (cháu họ danh-tướng Lục-Tốn) đem quân đi đánh, bà Triệu chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng. Lục Dận dùng ấn tín, tiền bạc hiểu dụ, hơn ba vạn nhà ra đầu hàng; đất Giao Châu lại yên. Bà đem quân chạy đến xã Bồ Điền (nay là xã Phú Điền thuộc huyện Mỹ Hóa) thì tự-tận. Bấy giờ mới 23 tuổi.

Thái-Bình và Liêm-Châu, quê-hương Vua Tiền Lý.

Năm Đinh Mùi, [227], (Hán Kiến Hưng năm thứ 5; Ngô Hoàng Vũ năm thứ 6), Vua Ngô nghe tin Sĩ Nhiếp mất, thấy Giao Châu ở xa cách, mới chia từ quận Hợp Phố trở về bắc thuộc vào Quảng Châu, cho Lữ Đại làm Thứ sử; từ quận Hợp Phố trở về nam thuộc vào Giao Châu, cho Đái Lương làm Thứ sử.

Về địa-danh Thái Bình quận, theo sách Ðại-Thanh Nhất thống chí, Thái Bình quận đời Tần là đất Tượng Quận; đời Hán là huyện Hợp phố; nhà Đường đổi là Liêm Châu; đến Tống, khoảng niên hiệu Thái bình hưng quốc đặt làm Thái Bình quân, qua niên hiệu Hàm Bình lại đặt là Liêm Châu.(KDVS)

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia Lý Bôn giữ thành Giao Châu, nhà Lương sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Bấy giờ là mùa xuân, đương có khí lam chướng, bọn Quýnh xin đợi đến mùa thu; nhưng tước Vũ Lâm hầu là Tư cứ giục tiến quân. Đến quận Hợp Phố, thì quân bị đánh tan vỡ, chúng lại quay về.(KDVS)

Theo Ðại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư, Vua Lý Bôn ở ngôi 7 năm [541-547]. Vua họ Lý, tên húy là Bí, người Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc-hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.

Các sách sử nước ta đều viết rằng: “Vua Lý có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay!” Kẻ hậu-sinh chúng ta không những than-tiếc nhà Vua anh-hùng mà còn phải xấu-hổ vì đã để mất luôn quê-hương Thái-bình-quận của Vua. Ðau đớn hơn, địa-danh oai-hùng Hợp-Phố, nơi nhiều lần chôn xác bao quân thù xâm-lược nay cũng đã thuộc về đất Tàu. 

Chi-tiết trận đại-thắng tại Bán-đảo Hợp-Phố

Chúng tôi xin dài dòng ghi thêm một số chi-tiết về “chiến-thắng lẫy-lừng Hợp-Phố” như sau:

Thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của Tiêu Tư. Tháng 1-542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh tấn công quân Lương, Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước, chưa đầy ba tháng Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận huyện và thành Long Biên. Nhà Lương sai tướng đem quân sang phản công chiếm lại, Lý Bí đã cho quân mai phục đánh tan quân giặc.

Đầu năm Quí Dậu (543), vua Lương lại huy động binh mã xâm lược một lần nữa. Tướng sĩ giặc khiếp sợ còn dùng dằng chưa dám tiến quân, thì Lý Bí đã chủ động ra quân, đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, miền cực Bắc Châu Giao. Quân Lương mười phần chết bảy, tám. Tướng địch bị giết gần hết, kẻ sống sót cũng bị vua Lương bắt phải tự tử.

Tháng Hai năm Giáp Tý (544) Lý Bí tự xưng hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân (ước muốn xã tắc truyền đến muôn đời), đặt kinh đô ở Long Biên, nơi cửa sông Tô Lịch Hà Nội ngày nay. Triều đình gồm có hai ban văn võ. Tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ. Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn. Triều Túc được phong là Thái Phó. Triều Tiền Lý khởi nghiệp từ đấy. 

Hai Thị-trấn anh em: Vân Ðồn và Hợp-Phố.

Trong quá khứ, Vân Ðồn và Hợp-Phố từng là hai trung-tâm thương-cảng anh em mật-thiết. Theo Ông Bình-Nguyên-Lộc, Hòn Gay -Vân Ðồn đúng là khu thương-cảng Kattigara huyền-thoại mà Ptolemy và các nhà hàng hải Tây-Phương thường nhắc tới vào đầu Công-Nguyên.

Thuộc bộ Ninh-Hải từ thời Hùng-Vương, Cảng ngoại-thương Vạn Ninh – Vân Ðồn tiếp-tục thịnh vượng nhiều thế kỷ suốt các triều đại Lý – Trần. Cảng này là cửa ngõ buôn bán của quốc gia Ðại Việt. Theo sử sách, sự buôn bán của vùng Ðông Bắc nước ta đã hưng thịnh, sôi động từ lâu.

Trong các thế kỷ thứ II và thứ III, hàng hoá từ Việt Nam đã đưa sang trao đổi ở cảng biên-gìới Hợp Phố. Ngọc trai Việt Nam chuyển sang Hợp Phố đã thành thành ngữ “châu về Hợp Phố”. Di chỉ mộ Hán ở Ðá Bục (xã Minh Châu, huyện Vân Ðồn) cho thấy các mặt hàng phong phú qua đây. Ðến thời Ðường, cuối thế kỷ VIII, việc buôn bán tấp nập ở Minh Hải – Việt Nam ta vượt cả vùng cảng Quảng Châu Trung-Hoa. 

Từ núi Núi  Phân-Mao hướng ra hải-giới ngoài biển

Khi nói đến Khâm-Châu, Bắc-Hải và Hợp-phố thuộc hải-giới Việt-Nam, chúng tôi xin trích-dẫn thêm tài-liệu nghiên-cứ sau đây của Giáo-Sư Hà Mai-Phương liên-quan đến môt địa-danh cận-kề duyên-hải và quan-trọng là Núi Phân-Mao.

Dựa trên các sách sử của Trung-quốc,  điều không thể chối cãi  là từ miền nam núi Ngũ-Lĩnh tức miền Hoa-Nam [hay nam Trung-quốc ngày nay] từng là đất của Bách-Việt mà nhà Hán,  Đường đã dần-dần xâm-chiếm và đồng-hoá những bộ-lạc người Việt ở đấy thành người Trung-quốc trong suốt thời-gian lịch-sử của họ. 

Đại-Việt Sử-Ký  cũng từng chép :  Nước Đại-Việt ở về phía nam núi Ngũ-Lĩnh,  trời đã phân-định ranh-giới Bắc và Nam,  kể từ khi thủy-tổ nước ta mở cõi nước Nam,  trải qua thời-gian mạnh yếu có lúc khác nhau,  mà hào-kiệt nước Nam đời nào cũng có…   Đời nhà Lý  [1010-1224] Lý Thường Kiệt từng đem quân phá Tống  ở Châu Khâm và  Châu Liêm  không phải là không có lý-do;  mà đó là vì ở nơi ấy có núi Phân-Mao,  từng là ranh-giới xưa của ta và Tàu.. .. 

Theo Dư Dịa Chí  của Nguyễn-Trãi,  núi Phân-Mao ở về phía tây lộ Hải-Đông khoảng 300 dặm.  Nơi đây có kim tiêu quen gọi   là cột đồng Mã-Viện.  Đại-Nam Nhất Thống Chí  và Lịch-triều Hiến-chương Loại-Chí  [phần Dư Địa Chí]  của Phan Huy-Chú  dẫn sách Dư Địa Kỳ Thắng  của Trung-quốc cũng nhắc là ranh giới Nam và Bắc  [giữa ta và Tàu] thuộc biên-giới trấn An-Quảng xưa có núi Phân-Mao.  Theo Gia-Khánh Trùng Tu Nhất Thống Chí  [tức bộ sách địa-dư đời vua Gia-Khánh nhà Minh bên Tàu],  núi Phân-Mao ở về phía tây Khâm-Châu,  năm Tuyên-Đức thứ-hai,  tức năm 1542,  Mạc Đăng-Dung từng cắt hai châu Thạch-Tích và Niêm-Lãng và 4 động Cổ-Sum,  Tê-Lẫm,  Kim-Lặc và Vạn-Cát hiến nhà Minh;  cho nên từ đấy toàn thể núi Phân-Mao thuộc về đồ-bản nhà Minh. 

Theo Đại-Thanh Nhất Thống Chí  [tức bộ địa-dư của Trung-quốc dưới đời nhà Thanh],  núi Phân-Mao ở động Cổ-Sâm,  cách Khâm-Châu  [hay Châu Khâm] khoảng 3 dặm về phía tây.  Tương-truyền trên đỉnh núi Phân-Mao có thứ cỏ tranh,  do ảnh-hưởng của khí-hậu và địa-thế,  ngon cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân-Mao  nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng.  Đại-Việt Sử-Ký Toàn-thư  của ta cũng ghi thêm là :  Trương-truyền cột đồng Đông-Hán do Mã-Viện dựng ở động Cổ-Lâu thuộc Châu Khâm…   

Bản-đồ miền Nam Trung-quốc đời nhà Tống

Giáo-Sư Hà Mai-Phương viết tiếp: Trong thập-niên 1950,  theo Bản-đồ miền Nam Trung-quốc có vẽ các tỉnh đời nhà Tống trong sách Chinas March Toward the Tropics  của Harold Wiens,[16]  thì biên-giới của nhà Lý bao gồm cả núi Phân-Mao và một phần tỉnh Quảng-Tây tức các vùng Châu Khâm và Châu Liêm của nhà Tống xưa.. ..  Trong dân-gian thì luôn nhắc tới chiến-thắng mùa xuân năm Kỷ-dậu 1789 và mộng ước của vua Quang-Trung Nguyễn-Huệ là đòi lại các đất Lưỡng-Quảng  [Quảng-Đông và Quảng-Tây] của nước Nam-Việt xưa.. ..

Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư  dành 2 quyển trong phần ngoại-kỷ ghi chép về nhà Triệu của Triệu-Đà và coi nhà Triệu và nước Nam-Việt là vương-triều chính-thống của nước ta.  Việt-Sử Tổng-Luận  của Lê-Tung cũng xác-nhận nhà Triệu thuộc nước ta… 

Liêm-Châu và Vai trò Thủy-Quân nhà Tiền-Lê

Vai trò Thủy-quân thời Lê Đại-Hành bị hầu hết Sử sách “nhẹ nhàng” bỏ qua. Tuy vậy có nhiều điều rất đáng để chúng ta lưu-tâm ghi-nhận lại cho đúng. 

Lực-lượng chính của quân Tiền Lê là quân thủy. Không những nhà Vua dùng quân thủy chận giặc Bắc, Lê Hoàn đã nhiều lần dùng thủy-quân vượt biển vào Nam đánh Chiêm-Thành. Lê-Hoàn cũng phát-huy truyền-thống sông nước trong nhân-dân. Nhà Vua chính-thức lấy lễ đua thuyền hàng năm làm quốc-lễ, với ý-thức rõ ràng rằng nước-Việt như một hòn núi (Nam-Sơn) đặt trên thuyền bồng bềnh sông nước. Lê-Hoàn khuyếch trương quân thủy hùng mạnh, dùng khí-thế uy-dũng của quân-chủng này để nâng cao phong-thể quốc-gia. Nhà Vua cũng lại là người đầu tiên nghĩ đến việc xác-định hải-phận quốc-gia. Ta xem cách Ngài tiếp-đón Sứ-giả từ (hải-giới) Liêm-Châu nhà Tống thì đủ rõ.

Trong “Hành Lục Tập”, sứ-giả Tống-Cảo đã viết: “Cuối Thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải-giới Giao-Chỉ, Nha Nội đô chỉ-huy-sứ của Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiến-thuyền và 300 quân đến Thái-Bình-Trường (Liêm-Châu) để đón. Từ cửa sông đi ra biển lớn, xông-pha sóng gió, trải bao nguy-hiểm, đi nửa tháng trời đến sông Bạch-Đằng… Đến Trường-Châu thì đã gần đến kinh-đô nước ấy. Hoàn đem hết thủy-quân và chiến-cụ ra để thị-uy . Từ đó đi đêm đến bờ biển, cách Giao-Châu chừng 10 dậm về kinh-đô Hoa-Lư… Hoàn đem dân mặc áo đủ màu, trà trộn với binh-lính, đi thuyền, đánh trống, reo hò, kéo cờ trắng và dàn thành trận-thế…

Thủy-quân thời Lý và cảng Khâm-Châu

Sự kiện quân-đội nhà Lý đặt nặng về hải-quân cũng không thấy Việt-Sử mô-tả chi-tiết. Hồi gần đây, chúng ta đựợc đọc một số nhận-xét mới mẻ của Giáo-Sư Lê-Đình-Thông tại Pháp về chiến-lược và chiến-thuật của Hải-Quân Việt-Nam. Theo đó, lưu-động-tính của quân-đội triều Lý đặt căn-bản trên hạm-đội. Và do đó, toàn-thể quân-đội hiển-nhiên được coi như một tổ-chức Thủy-Quân. Ðặc-biệt một điều, chính-sử của ta ghi chép rất rõ viêc Ðại-Viêt kiểm-soát hải-phận vịnh Khâm-Châu như sau:

Vào ngày 27 tháng 10 năm 1075, để phá các căn cứ xâm-lược của Tống ở trên đất Tống. Lý Thường Kiệt đã cho tướng Tôn Đản chỉ huy lục-quân vượt biên giới đánh vào đất Quảng Tây, sau đó đến cuối tháng 12 năm 1075, ông thân dẫn thủy-quân xuất phát từ Vĩnh An qua vịnh Khâm Châu theo các dòng sông đánh sâu vào nội-địa Khâm-Châu, Liêm Châu và Ung-Châu.

Hải-giới nước ta thời nhà Lý như vậy vẫn còn ở sát phía Nam Khâm-Châu. Ðiều này hoàn-toàn phù-hợp với bản-đồ của Wiens mà chúng-tôi dẫn-chứng ở đây.

Giặc biển thời Lê và vị-trí Long-Môn

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính-biên, Quyển thứ 34 chép rằng:

Năm Canh Ngọ, năm thứ 11 (1690). (Thanh, năm Khang Hy thứ 29). Tháng 4, mùa hạ. Vua Lê Hy-Tông sai trấn thủ Tuyên Hưng là Lê Huyến đem quân hội đồng với người nhà Thanh đánh giặc biển ở Yên Quảng, dẹp tan được.

Giặc biển Yên Quảng là Phương Vân Long và Tân Ân Sủng chiếm cứ vùng biển Vạn Ninh, tụ tập nhiều người đi cướp bóc. Trấn tướng Long Môn nhà Thanh là Diệp Thắng đưa thư sang nước ta hẹn cùng hội quân tiễu trừ bọn này. Triều đình sai Lê Huyến đem quân đến hội, bắt được Ân Sủng và đồ đảng hơn 200 người giải giao cho Diệp Thắng ở Long Môn.

Sau khi Lê Huyến đã đem quân về, Diệp Thắng mượn tiếng là chia nhau đi bắt đảng giặc còn sót lại, rồi quân hắn vào Tiên Yên và Hoành Bồ sách nhiễu cung đốn, nhân dân không sao chịu được sự khổ sở. Triều đình bèn làm văn thư nghiêm khắc bóc trần việc này đưa sang nói với viên tổng đốc Quảng Đông, Diệp Thắng bị tội xử trảm.

Xem như vậy, chúng ta thấy, thủy-quân nhà Lê rất quen thuộc vùng biển Khâm châu. Hải-gìới nước ta thế-kỷ 17 và 18 vẫn còn sát với Long-Môn, suy theo lời chú sau đây:

Về tên Long môn: Nhất thống chí nhà Thanh chép: Long Môn ở phía Nam Khâm châu 60 dặm, hai ngọn núi đứng sửng đối nhau như luồng cửa, ở giữa có cột đá nhẵn như đá mài, bên trong có chỗ chứa nhiều nước gọi là biển nhỏ, phía tây suốt đến châu Vĩnh Yên giới phận nước Nam. Đây là một địa điểm sung yếu về đường biển.

Hải-giới thời Nguyễn

Một nhà nghiên-cứu người Pháp, Ông Pierre-Bernard Lafont cho rằng người Việt-Nam có quan-niệm chủ quyền khá sớm. Thí-dụ Ông lấy ra như trường-hợp vào năm 1832, vua Minh Mệnh từ chối không cho Hải-Quân Quảng Ðông được vào hải-phận Việt-Nam cho dù quân nhà Thanh lấy cớ đuổi theo cướp biển. Rồi năm 1833, nhà Vua lại ra lệnh cho tất cả tàu buôn và thuyền đánh cá Trung-hoa rời khỏi Vân đồn.

Chúng tôi đã tra-cứu tài-liệu và tìm thấy nhiếu vùng châu, động bị mất cho Trung-Hoa vì chiến-trận hay vì các vua “hèn” hiến đất thiên-triều. Tuy vậy, các di-nhượng này đều nằm trong nội-địa, tuyệt-nhiên không có dấu vết việc cắt duyên-hải.

Lẽ đương-nhiên khi Trung-Hoa bành-trướng, dân Hán đã liên-tiếp ép dần người Việt lui về Nam. Có lẽ số người Việt nơi vùng Hợp-phố Bắc-Hải lúc đầu đông-đảo cũng phải chịu chung áp-lực Hán-hóa mà suy-giảm, rồi trở thành thiểu-số. Dù sao sự hiện-diện của đồng-bào ta vẫn còn nhiều, sinh-hoạt sôi-động tại vùng Bạch-Long Trường-Bình qua sự nhận-định của nhiều người ngoại-quốc vào những thế-kỷ gần đây mà chúng tôi xin trình-bày ở những đoạn dưới. 

Tài-liệu của các Bác-Sĩ người Pháp Hocquard và Néis

Có hai vị Bác-Sĩ trong quân-đội viễn-chinh Pháp là Docteur Hocquard và Docteur Néis đã ghi chép các biến-cố về xứ Bắc-Kỳ trong giai-đoạn nhiễu-nhương vào cuối thế-kỷ thứ 19.  

Có lẽ Bác-Sĩ Hocquard là người Pháp đầu tiên viết nguyên một cuốn sách về tình-hình vùng biên-giới Việt-Hoa thời gian 1884-1886, trong đó Ông có đề-cập tới vùng núi Phân Mao liên-hệ với Việt-Nam. Sách đó có nhan đề “Une campagne au Tonkin”, xuất-bản lần đầu năm 1892. Philippe Papin sửa chữa và tái-bản năm 1999 tại Paris.

Bản-đồ khu-vực người Việt và mũi đất Paklung

Cùng thời với Ông có Bác sĩ của Hải quân tên P. Néis là một nhân-chúng tin-cậy khác nữa. Theo tài-liệu ghi nhận của vị y-sĩ này thì sát theo bờ biển phía Đông-Bắc Móng Cái có một số làng Việt Nam. Cư dân gồm người Việt cùng nhiều sắc dân thiểu số chứ không có người Hoa. Ông ghi nhận tên những làng Việt-Nam như: Trung sơn, Song phong, Mai công… Ðặc-biệt các làng sống bằng nghề đánh cá lấy tên Vạn Công, Vạn Mi, Vạn Thọ, Vạn Tray… như nhiều làng của dân “Vạn Chài” Việt Nam khác. Các làng này từ trước vẫn sống dưới quyền quản trị của triều đình Việt Nam. Trong khi quân Pháp trấn đóng vùng biên-địa, Bác sĩ Néis còn cẩn-thận vẽ ra một bản đồ khu-vực mà Ông gọi là “enclave annamite” (vùng dân Việt Nam bị vây trong lãnh thổ Trung Hoa) từ phía Ðông Móng-Cái đến mũi đất Paklung (Packlung – Bạch Long).

Các phần đất Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh) bị mất về Trung Quốc sau các công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895, là các xãː Bắc Nham, Hoàng Mộng, Tuy Lai, Nật Sơn, Thượng Lại, Cổ Hoằng và Vụ Khê thuộc tổng Bát Trang cùng với các xã Kiến Duyên, Đồng Tông thuộc tổng Kiến Duyên phủ Hải Ninh. Mũi Bạch Long hay mũi Bạch Long Vĩ (Paklung) thuộc xã An Lương, cùng các làng Mễ Sơn (米山, Mi-shan), Vạn Vĩ (澫尾 hay 萬尾, Van-mie), Mi Sơn tổng Hà Môn phủ Hải Ninh trên các bản đồ sau năm 1887 đã bị cắt cho Trung Quốc.

Nỗi ngậm ngùi cho người mất Tổ-Quốc

Khi Ernest Constans, Đặc-ủy Thương-thuyết của Cộng hòa Pháp, ký với đại diện Trung Hoa tại Bắc kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887, số phận vùng đất trên được nhắc tới như sau: “Những điểm tranh chấp ở Đông và Đông bắc Móng cái, phía bên kia biên giới theo sự ấn định của Ủy ban phân giới, được phân phối cho Trung Hoa” (“Il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkai, au-delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de délimitation, sont attribués à la Chine”).

Trong phái đoàn có sự tham dự của Bác sĩ P. Néis, một nhà thám hiểm và cũng là Bác sĩ của Hải quân. Bác sĩ Néis viết một hồi ký, cung cấp nhiều chi tiết quan trọng về chuyến đi này, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Pháp Le Tour du Monde năm 1887 dưới nhan đề “Sur les frontières du Tonkin.”Bác sĩ Néis kết thúc đoạn hồi ký về chuyện này một cách ngậm ngùi: “dân chúng trở về nhà, từ nay trở đi là người Tàu”.

Trong những người Tây-phương biết rõ-ràng “dân-cư bản-địa là người Việt-Nam và TrườngBình/Bạch-Long thuộc nước ta” còn có Dian H. Murray. Nhà nghiên-cứu này có lẽ  nghiên-cứu cả trong sách vở cũng như đến quan-sát tại chỗ, đã cả-quyết rằng khu duyên-hải của quận-lỵ Trường Bình rõ ràng thuộc về lãnh-thổ Việt-Nam từ lâu đời. Murray viết trong cuốn sách “Pirates of the China Coast, 1798-1810”; California, 1987, trang 18: “Chiang-p’ing was technically a part of Vietnam until 1885”.

Nguyên-ủy của “Ðường Màu Ðỏ” từ đâu?

Để thi hành điều 3 Hiệp ước Pháp-Thanh ký tại Thiên Tân, Công ước 1887 qui định ranh giới Vịnh bằng đường kinh tuyến Paris105 độ 43′ Đông. Đường đó chạy hướng Bắc Nam, nằm sát mỏm phía đông Đảo Trà Cổ mà trong bản đồ của công ước gọi là Đường Màu Đỏ.

Vì Hải-giới Việt-Nam lúc đó nằm ở phía Ðông mũi đất Bạch-Long, câu hỏi đặt ra là: Trong hoàn-cảnh nào, thực-dân Pháp lại ký một công-ước thiệt hại cho Việt-Nam như vậy? Chúng tôi xin tóm-lược một vài chi-tiết như dưới đây.

Giáo-Sư Nguyễn văn Canh nói về việc “Trung-Hoa đòi nhượng đất” và “Pháp cắt đất” như sau:

Ðiều 3 Hiệp ước Thiên tân có nói rằng ” ở nơi nào nếu cần, có thể điều chỉnh lại chi tiết cho đúng để đưa đến một biên giới thực sự cho Bắc kỳ”. Phía Trung Hoa vin vào đó, giải thích dấu hiệu này như là giúp đưa đến những sắp xếp sâu rộng, coi như bồi thuờng về đất đai đối với những nhượng bộ chính trị mà Trung Hoa đã ưng thuận ở nơi khác. Lý hồng Chương giải thích cho Đô đốc Rieuner :”Nước Pháp đã được quá nhiều khi chiếm được Bắc Kỳ, một xứ chư hầu của Trung Hoa từ 600 năm nay… Điều này làm tôi rất đỗi ưu tư; cần có một đền bù dưới hình thức nhường một ít đất ở vùng biên giới của Annam đối với tôi như thế là đủ”

Vì tình hình địa phương rất phức tạp, họ Lý không thể giải quyết vấn đề biên giới được vì chính quyền cấp tỉnh có thể đưa ra một đường lối khác. Phó vương Lưỡng Quảng Zhan Zhi dong, một đối thủ của Lý hồng Chương, lại là biểu tượng của lực lượng chống ngoại xâm, và các ủy ban phân định biên giới gặp vô cùng khó khăn. Khi đó một thành viên Phái-đoàn người Pháp và một số nhân viên cùng quân-nhân bị quân Tàu giết chết ở Hải-Ninh vào 25 tháng 11 năm 1886.

Về vụ giết người này, phía Pháp cho là Zhan chủ mưu. Rồi nhân dịp giải quyết một vùng tranh chấp đặc biệt, “một khu người Việt nằm trong đất Trung Hoa” (enclave annamite) và mũi Packlung (bên kia Móng cái, độ 20 cây số đường chim bay), tình trạng căng thẳng gần đến đổ vỡ và chiến tranh đã gần kề.

Tuy nhiên, lại có thương thuyết tiếp theo và công ước về phân định biên giới được ký vào 26 tháng 6, 1887 tại Bắc kinh.

Trong khi các ủy viên phân định và các nhân viên trắc địa hoạt động, thì Bộ trưởng đặc mệnh tòan quyền, dân biểu Jean Antoine Ernest Constans được gửi sang để thương thuyết và ký hai công ước phụ đính được trù liệu trong Hiệp ước Thiên tân: công ước về thương mại và công ước về biên giới. Constans, theo Tác-giả Charles Forniau, là một kẻ có thế lực theo chủ nghĩa cơ hội, thành công giải quyết quyền lợi thương mại. Và quyền lợi chính trị thôi thúc y kết thúc mau lẹ để y còn trở về hoạt động tại nghị trường. Do đó, có những nhượng bộ về đất đai.

Công ước phân định biên giới trong tình trạng này đã chấp thuận nhượng một phần lãnh thổ Việt nam cho Trung Hoa ở nơi có tranh chấp giữa hai Ủy Ban. Có 2 địa điểm tranh chấp chính được nhượng choTrung Hoa: (1) trên biên giới Vân Nam, là tổng Tụ long, hòan toàn thuộc về đất của Vương quốc Annam và chừng 3/4 đất đai của tổng này bằng 750 cây số vuông được nhượng cho Trung Hoa và (2) thuộc tỉnh Quảng Đông là mũi Packlung và “khu vực người Việt nằm trong lãnh thổ Trung Hoa” .

Việc nhượng đất này có hai hậu quả quan trọng : a) một mặt lấy mất đất của Việt nam và b) còn xác định lại biên giới hải phận và phần đất dọc theo duyên hải: “Các đảo về phiá Đông của đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút của Kinh tuyến Ðông, qua mũi phía Ðông đảo Trà cổ lập thành đường ranh, sẽ giao cho Trung Hoa…”. Từ đó cho đến nay trừ điều ước này, không có thêm một thỏa-ước nào khác được ký kết giữa Pháp và Trung Hoa về mặt biển.           

Ka-Long Lộn với An-Nam-Giang: Lầm-lẫn tai-hại

Vì hải-giới Việt-Nam cũng là đường nối dài của biên-gìới trên bờ, chúng ta nhận thấy nhận xét sau đây: Nếu biên-giới giữ hai quốc-gia có thể được phân-định bằng những dòng sông thì Biên-gìới chúng ta đáng lẽ phải là An-Nam-Giang, một trong những đường ranh-giới cổ xưa với địa-danh núi Phân-Mao như được ghi trong lịch-sử hai nước Việt-Hoa.

Theo Ông Trương Nhân Tuấn, Hải-giới Việt-Hoa phải xác-định (một cách công-bằng) bằng cách bắt đầu từ núi Phân-Mao trên đất liền nối tiếp ra biển qua con sông An-Nam-Giang. Mũi Pak-Lung (Bạch-Long)  vì thế không phải là một « enclave annamite » như người Pháp đã hiểu lầm trong lúc phân-định biên-giới. Vì Pháp đã lẫn-lộn An-Nam Giang với sông Ka-Long. Vùng nầy do đó là lãnh-thổ toàn-vẹn của Việt-Nam, chứ không phải là « enclave », vùng đất người Việt ở trong lãnh-thổ  Tàu. Lầm-lẫn tai-hại nầy đã làm Việt-Nam mất trên ngàn cây số vuông đất đai và hàng chục ngàn dân Việt sống tại đây.

Khi vùng đất Bạch-Long bị mất, “Ðường Ranh Màu Ðỏ” (108 độ 3 phút 13 giây Đông) phân-chia hải phận vịnh Bắc Việt chỉ được tính từ mỏm cực đông của đảo Trà Cổ. Mỏm này cách ranh giới phía đông của vùng đất bị mất tới khoảng hơn 20 cây số.  

Quan-niệm mơ-hồ của người Trung-Hoa về Hải-biên

Chúng tanên dành chút thì-gìờ để xem hải-giới phía đối-phương, tức là của người Tàu ra sao ? 

Người Trung-Hoa tin-tưởng một cách mù-quáng là quốc-gia của họ nằm giữa thế-giới, khi trước tự gọi là Trung-Nguyên. Tuy nhiên, còn một “điều tệ-hại” hơn nữa, họ lại cho rằng quốc-gia của họ bao quanh bởi Ðại-dương, như được mô-tả trong tấm bản-đồ lưu-truyền xưa nay.

Thực ra trong nhiều thiên-kỷ dựng nước, qua các đời Đường Ngu, Hạ; lãnh-thổ Trung-Hoa nằm sát sông Hoàng-hà, còn rất nhỏ hẹp.  Cho đến đời nhà Thương, nước Tàu tuy có mở lớn hơn nhưng cũng chỉ vào khoảng tối-đa mỗi chiều 400km x 300km, tức vài ba trăm dặm mỗi-chiều (Chine Esprit et Société, Speiser.). Sử-gia Phan-huy-Chú đọc sử Tàu, thấy diện-tích đất đai các đời nhà Thương và nhà Chu rất hạn hẹp :Vua Thành-Thang chỉ có 70 dặm đất, Văn-Vương chỉ có 100 dặm đất mà làm vua thiên-hạ. Nước Tàu hồi đó ở xa với duyên-hải và người dân Trung-Hoa còn hoàn-toàn lạ lùng với biển cả. 

Trong khi lập-quốc, Trung-Hoa chỉ ở quanh vùng nhỏ bé số 1. Qua thời Tây-Chu, lãnh-thổ (Vùng số 2) cũng chưa lớn. Cho tới tận năm 221TTL., biển của họ chỉ trong vùng Hoàng-Hải mà thôi.

Khi làm quen với kỹ-thuật họa-đồ Tây-phương, người Trung-Hoa thường ghi-chú những phần nội-hải và ngoại-hải. tương-đối cẩn-thận. Theo những bản-đồ này thì rõ-ràng là dân Tàu không có một chút khái-niêm nào về chủ-quyền ngoài biển cả, ngoài khu duyên-hải của họ. Dian H. Murray đồng-ý với Marwyn Samuels dùng bản-đồ Quảng-Ðông là tỉnh sát biên-giới Việt-Nam để chứng-minh điều đó. Các tác-giả lưu-ý rằng hải-phận Trung-Hoa gần sát rịt vào bờ, còn ngoài đại-dương họ coi như không biết đến. Chính-quyền có khuynh-hướng chấp-nhận phần nội-hải đó là biên-gìới xa nhất về chủ-quyền quốc-gia. 

Chính Mao cũng chỉ chú trọng đến lục địa, xây dựng Đệ Tam Lộ tuyến.

Trung cộng mới chỉ mới thay đổi kế hoạch xây dựng Hải-Quân và bành-trướng mặt biển, chiếm đóng hải-đảo hải-phân Việt-Nam hồi gần đây mà thôi.

Theo tác giả Nguyễn Duy Chính của bài “Chiến Lược Biển Đông”: Khi đem áp dụng các nguyên tắc của chiến tranh nhân dân vào trận chiến Triều Tiên, lý thuyết chiến tranh nhân dân tỏ ra không hợp thời khi đối phó với một kẻ thù có sức mạnh ưu thế về không quân và hải quân cũng như có tiềm năng xử dụng nguyên tử. Thành thử, Bắc Kinh phải bí mật tìm cách chế tạo vũ khí hạch tâm, phi đạn, tăng cường sức mạnh quân đội chính qui, hiện đại hóa hệ thống tình báo, tính cơ động và phương pháp tập trung quân lực. Các chiến lược gia Trung cộng phải từ từ điều chỉnh lại lý thuyết chỉ đạo chiến tranh được đặt dưới tên “Chiến tranh nhân dân trong tình huống hiện đại (Lewis, John Wilson và Xue Litai, “China’s Strategic Seapower”, Stanford Univ. Press 1994, tr 212).

Chính vì thế, Mao đã nỗ lực xây dựng Đệ Tam Lộ tuyến, di chuyển các khu vực kỹ nghệ quan trọng vào sâu trong đất liền vì ông  ta tin rằng khu vực duyên hải sẽ bị tàn phá ngay từ đầu. Thành ra, Trung cộng hoàn toàn không có kế hoạch củng cố hay xây dựng mặt biển mà chỉ chú trọng ở lục địa vì đó sẽ là cơ sở chính tiếp ứng cho việc trường kỳ kháng chiến với đế quốc tư bản. 

Duyên-hải và vùng biên-giới Hoa-Việt Xưa và nay

Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Trung Cộng chuyển hướng từ “cận hải phòng ngự” sang “cận dương phòng ngự” và lăm le tiến hành “viễn dương phòng ngự”, biển Việt-Nam chính là miếng mồi ngon đầu tiên của bọn bành-trướng. Mấy tên Công-Sản đàn em của chúng tại Hà-Nội đang giúp chúng thực-hiện việc này. 

Cuối năm 2001, Cộng-Sản Việt-Nam đã để lại cho dân-tộc một mối hận lớn lao. Có lẽ trong thiên-kỷ tới, mối hận này sẽ khó lòng rửa sạch. Đó là chuyện Hà-Nội ngoan ngoãn ký vào bản thoả-hiệp về đường biên giới với Trung-Hoa. Vì sợ oai đảng Cộng-Sản đàn anh trong bàn hội-nghị, họ đã hoàn toàn im lặng không đòi hỏi, cũng như không giám nói gì đến những vùng đất lịch-sử Việt-Nam lâu đời, bao gồm các quặng mỏ quí như mỏ vàng Bình Di, mỏ bạc Đường Gấm, Hoa Lâm, mỏ chì ở Tùng Bách, mỏ đồng ở Tụ Long.

Ngoài mặt, Cộng-Sản Việt-Nam tuyên-bố bảo-vệ Tổ- chống xâm-lăng, nhưng trên thực-tế đảng này đã từng có nhiều lần manh-tâm “đi đêm” với cả hai kẻ thù truyền-kiếp, cả Tây lẫn Tàu. Đọc lại lịch-sử đau buồn thời bị trị cuối thế-kỷ 19, chúng ta biết rằng vì muốn được yên thân khai-thác thuộc-địa Đông-Dương, đám thực-dân mới là Pháp không muốn đám thực-dân cũ là Tàu gửi quân quấy phá, nên Pháp đã cố ý nhượng-bộ bằng cách “hối-lộ”. Họ cắt cho nhà Thanh Trung Hoa một số vùng đất của Việt Nam một cách thản-nhiên. Khu-vực như kể trên, không những khá rộng mà đặc-biệt, còn chứa đựng những tài nguyên vô-giá.

Việc Pháp thản-nhiên cắt đất Việt-Nam vì họ xét rằng việc ấy có lợi cho kế-sách thực-dân của họ. Thế nhưng Cộng-Sản Việt-Nam sẽ trả lời ra sao với lịch-sử khi Đảng của họ dám tự-quyền xác-nhận việc hai đế-quốc xâu xé lãnh-thổ Việt-Nam lúc xưa (Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 và 1895) là hợp-pháp. Họ lại còn trải thảm đỏ đón tiếp Chủ-Tịch Ðảng Cộng-Sản đàn anh, Thủ-Tướng Trung-Cộng qua thăm viếng để cám ơn Cộng-đảng Tàu nưã!

Quốc-sử không thể phục-vụ quyền-lợi riêng tư cho phe đảng

Trong bài “Sử liệu biên giới giữa ta và Tàu : Từ cửa ải Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và Núi Phân Mao” kể trên, hai tác giả Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tảo đã luận-bàn thêm như sau:

“Gần đây,  cùng với lập-trường mới nhượng-bộ Trung-quốc,  Sử-gia Phan Huy-Lê,  Giáo-sư Sử-học Trường Đại-học Tổng-hợp Hà-Nội,  trong bài giới-thiệu Tác-giả,  Văn-bản và tác-phẩm Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư  [Nhà xuất-bản Văn-hoá – Thông-tin,  Hà-Nội, năm 2000] thì lại cho rằng các tác-giả Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư  đưa nhà Triệu của Triệu-Đà vào Quốc-sử là một sai-lầm kéo dài… 

Khi cường-quyền và bạo-lực can-thiệp và định chuyện quốc-sử để phục-vụ quyền-lợi riêng tư cho phe đảng và không kể gì đến quyền-lợi của quốc-gia, dân-tộc và không biết ơn công-lao của tiền-nhân dựng nước và giữ nước thì chúng ta sẽ không ngạc-nhiên gì khi thấy nhiều vùng đất-đai thuộc lãnh-thổ và lãnh-hải nước ta được hiến-dâng cho ngoại-bang.  Công và tội của các nhà cát-địa-sứ  tân-thời  bán đất-đai này sẽ bị lịch-sử kết tội và đời-đời nhắc-nhở tới những hành-vi hèn-kém này!”

Click to listen highlighted text!