Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Khái niệm và đặc điểm văn miêu tả


Hướng dẫn dàn ý cách làm bài văn miêu tả chi tiết

Là một trong những phương thức biểu đạt trong văn học, văn miêu tả là một trong những chủ điểm cơ bản trong tiếng việt, giúp người viết từng bước phát triển khả năng viết lách của mình cũng như tư duy quan sát. Vậy văn miêu tả là gì? Những điểm nào cần lưu ý khi bắt đầu luyện tập viết văn miêu tả?

Văn miêu tả

Trong mạch văn tự sự, văn miêu tả là những đoạn văn sử dụng ngôn từ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, tính chất, đặc điểm của một sự vật, sự việc hoặc một khung cảnh, nhằm gợi lên hình ảnh trong tâm trí của người đọc. Văn miêu tả càng chi tiết, càng sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật thì tính tượng hình lại càng cao, hình dung trong tâm trí người đọc càng rõ nét, qua đó người đọc có thể hình dung được những gì mà người viết đã thấy, đã quan sát và thể hiện trên bài viết.

Tất cả các sự vật, hiện tượng, hay khung cảnh cũng có thể được khắc họa thông qua văn miêu tả. Nếu văn tự sự thể hiện năng lực kể chuyện của người viết, văn miêu tả sẽ nhấn mạnh khả năng quan sát, cũng như tư duy thẩm mĩ của người viết.

Chức năng của văn miêu tả

1. Giúp người đọc hình dung được bối cảnh và sự vật xuất hiện
Vậy chức năng đầu tiên của văn miêu tả là gì? Xuyên suốt mạch truyện của một bài văn, những đoạn văn miêu tả sẽ đóng vai trò tô điểm, làm câu chuyện thêm chi tiết, gợi lên những khung cảnh thân quen trong trí tưởng tượng người đọc nhằm tạo ra bối cảnh không gian, sắp đặt bầu không khí cho câu chuyện. Một đoạn văn miêu tả càng cụ thể, xuất hiện nhiều chi tiết thì đoạn văn đó càng giàu tính tạo hinh, làm cho hình dung trong tâm trí người đọc càng rõ nét. Thông thường, chúng ta có thể đoán được phong cách văn học của tác phẩm dựa vào những đoạn văn miêu tả, dựa vào những màu sắc, chi tiết hình ảnh, cảnh sắc xuất hiện trong câu chuyện mà tác giả đã chọn lựa để thể hiện trong bài văn.

Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, tác giả thường sử dụng các đoạn văn miêu tả để kết nối với trí tưởng tượng của người đọc. Những đoạn văn này sẽ khiến nội dung câu chuyện có thêm chiều sâu, phân biệt các bối cảnh khác nhau sẽ cho người đọc thêm thông tin về khung cảnh xung quanh các nhân vật chính. Đó có thể là những gam màu tươi sáng, sự xuất hiện của những khung cảnh tròn đầy, nghệ thuật để làm nền cho những câu chuyện lãng mạn, hoặc những khung cảnh có phần thiếu ánh sáng, gai góc, tối tăm để làm nổi bật lên cốt truyện nhanh, gay cấn, cần nhiều yếu tố gây bất ngờ.

2. Tạo ra kết nối và dẫn dắt người đọc vào mạch truyện
Không chỉ tạo dựng được bối cảnh giúp người đọc liên tưởng đến những khung cảnh, sự vật mà tác giả đã xây dựng, văn miêu tả còn giúp cho nội dung bài viết xây dựng được cảm xúc nhằm thu hút, kết nối và dẫn dắt người đọc được người đọc vào mạch truyện. Các đoạn văn miêu tả thông thường sẽ đi cùng với những yếu tố cảm xúc, qua đó sự vật hiện tượng được miêu tả mới tạo được ấn tượng trong tâm trí người đọc. Sử dụng nhuần nhuyễn văn miêu tả sẽ là nền tảng để cho nội dung câu chuyện bộc lộ được cảm xúc, những sự vật xuất hiện trong câu chuyện cũng hiện lên rõ nét trong đầu người đọc.

Các đặc điểm của văn miêu tả

1. Ngôn từ biểu đạt giàu sức tạo hình
Để làm nổi bật được hình dáng, tính chất của một sự vật, hiện tượng, văn miêu tả sử dụng ngôn từ giàu sức tạo hình, tức sử dụng những ngôn từ phù hợp gắn liền với tính chất của sự vật, hiện tượng để làm cho sự vật trở nên nổi bật trong đoạn văn. Một đoạn văn miêu tả thực sự tạo được ấn tượng cho người đọc cần phải kết nối được với một trong năm giác quan, giúp người đọc “nhìn” thấy, “nghe” thấy, “ngửi” thấy, “nếm” được, hay thậm chí là “chạm” vào được. Để làm được điều này, bạn phải thực sự có vốn hiểu biết về đối tượng được miêu tả, từ đó sử dụng từ ngữ phù hợp giúp đoạn văn miêu tả sống động và chi tiết hơn.

2. Thể hiện khả năng quan sát và tư duy thẩm mĩ của người viết
Đặc điểm thứ hai của văn miêu tả là gì? Đó chính là việc văn miêu tả có thể thể hiện rõ tư duy thẩm mĩ và khả năng quan sát của người viết. Do khả năng cảm thụ vẻ đẹp và tư duy thẩm mỹ của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, vì vậy mỗi đoạn văn miêu tả đều có trong mình vẻ đẹp độc nhất, thể hiện rõ nét tư duy thẩm mỹ của người đọc, từ đó người đọc có thể hiểu được thế giới xung quanh dưới góc nhìn của người viết. Thế nên, điểm làm cho các đoạn văn miêu tả trở nên đắt giá lại là khả năng quan sát tỉ mỉ của tác giả. Sự miêu tả càng chi tiết, thông tin về sự vật càng tỉ mỉ thì càng dễ dàng kết nối với người đọc, gây ấn tượng mạnh với người đọc, giúp họ theo dõi câu chuyện dễ dàng hơn.

3. Sự kết hợp của so sánh, liên tưởng, nhận xét
Văn miêu tả dù hay đến mấy, cũng chỉ có thể làm nền cho cốt truyện được tỏa sáng. Tuy nhiên, để một đoạn văn miêu tả có thể làm nổi bật được tính chất của đối tượng đang được miêu tả, người viết cũng cần sử dụng thêm nhiều thủ pháp nghệ thuật khác, giúp cho đặc điểm được miêu tả trở nên phong phú nhằm gây ấn tượng tốt với người đọc nhiều hơn. Việc kết hợp những thủ pháp nghệ thuật này, sẽ giúp người viết có thêm chất liệu để khai thác, sáng tạo được cái mới, thể hiện bản sắc cá nhân dựa trên những cái cũ, cái chân thật quan sát được trong cuộc sống.

Để dễ hiểu hơn về tính chất này, cũng như hiểu được văn miêu tả là gì, hãy thử tưởng tượng một khung cảnh tan trường cùng Twinkl nhé. Mặt trời độ hoàng hôn đỏ rực như lòng đỏ trứng gà, trên nền trời nhuốm màu vàng nhạt. Trong tiếng cười đùa xôn xao, học sinh từng tốp ùa ra cổng trường và đi về theo hướng dẫn của bác bảo vệ đáng kính. Có nhóm thì cùng nhau đi về, có nhóm được cha mẹ chở trên những chiếc xe xếp ngăn nắp bên lề đường. Hòa vào tiếng cười nói nhộn nhịp của học sinh là tiếng cười của phụ huynh, tựa như niềm vui gặp lại nhau sau một ngày dài vất vả. Chiếc bóng đổ dài trên sân trường thoắt rồi cũng vắng bớt, những ngọn gió nô đùa thổi qua tán lá xào xạc rồi cũng lặng đi, không gian trường học lại dần dần im lặng, nhường chỗ cho một màn đêm yên bình đang đến.

Các bước chi tiết để làm văn miêu tả

1. Luyện tập quan sát ghi chép
Để có thể làm tốt một bài văn miêu tả, điều đầu tiên cần phải dựa vào khả năng quan sát, ghi chép cũng như tư duy hình ảnh của học sinh. Tìm hiểu văn miêu tả là gì sẽ cho người viết một cái nhìn cụ thể hơn về phương thức biểu đạt này, từ đó mới vận dụng được những hình ảnh chân thực ngoài đời sẽ là những chất liệu vô cùng phù hợp để đưa vào bài văn. Sự đa dạng, sống động và những chuyển động không ngừng của cuộc sống sẽ là một bài luyện tập thú vị giúp người viết cải thiện tư duy thẩm mỹ của mình.

Ngoài ra, người viết cũng có thể luyện tập quan sát những sự việc xảy ra trong ngày, sau đó luyện tập viết bài văn miêu tả dưới dạng nhật ký để kể lại những gì đã diễn ra trong ngày, từ đó giúp khả năng miêu tả chi tiết được cải thiện rõ rệt. Việc ghi chép lại những thông tin sẽ là một bài luyện tập giúp não bộ trở nên nhạy bén, đồng thời khả năng vận dụng ngôn ngữ cũng cải thiện.

2. Miêu tả theo bố cục nhất định
Vậy bố cục của văn miêu tả là gì? Khi làm một bài văn miêu tả, xác định rõ đối tượng được miêu tả sẽ giúp bạn chọn được bố cục phù hợp, từ đó bài văn sẽ mạch lạc, súc tích. Có thể chia bố cục trong văn miêu tả thành hai dạng:

Đi từ tổng quan vào chi tiết: Áp dụng cho văn miêu tả cảnh, nội dung bài viết có liên quan đến một bức tranh lớn và nhiều sự vật nhỏ bên trong. Phương pháp này sẽ thể hiện được chiều sâu của phong cảnh, giúp người đọc dễ dàng mường tượng ra khung cảnh.

Đi từ chi tiết nổi bật đến chi tiết kém nổi bật: Áp dụng cho văn miêu tả đồ vật, hoặc miêu tả động vật và tả người. Kiểu bố cục này cũng đi từ tổng quan, tức lựa chọn những chi tiết liên quan đến hình dáng, kích thước của đối tượng để tạo một bức phác họa, sau đó điểm vào những chi tiết nổi bật như mái tóc, bộ lông, chất liệu, tính cách…

3. Sử dụng tính từ đa dạng và phù hợp cho các đối tượng
Muốn làm văn miêu tả hay, nhất định vốn từ vựng phải luôn rộng. Bổ sung tính từ vào câu luôn là một cách giúp cho câu văn được sâu sắc hơn. Trong kho tàng từ vựng tiếng Việt, tính từ có một khối lượng không hề nhỏ, lại còn đa dạng và phù hợp với các giác quan khác nhau. Tuy nhiên, cần xác định rõ việc sử dụng tính từ nào vào đối tượng nào, mới có thể kết nối người đọc vào bài viết của mình. Tính từ cần phù hợp với sự vật được miêu tả, ngoài ra nó còn phải phù hợp về mặt ngữ nghĩa thì mới dễ chạm đến trái tim người đọc. Trong tiếng việt có rất nhiều từ gần nghĩa, vì vậy cần chú ý tránh lỗi sử dụng sai từ khi làm văn miêu tả, vì sẽ làm câu văn bị lủng củng.

Ví dụ: Cây bàng tỏa bóng đứng sừng sững giữa sân trường. Ở đây, sừng sững dùng trong câu sẽ tạo cảm giác to lớn, đồ sộ cho cây bàng.

Ví dụ 2: Mái tóc mẹ dài lấp lánh. Ở đây lấp lánh dùng sai nghĩa vì từ này không được dùng để chỉ độ bóng của tóc. Từ đúng phải là “óng ánh”.

Khi đã quen với việc kết hợp tính từ vào câu, hãy sử dụng nhiều phương pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ hay hoán dụ để làm cho câu văn thêm sinh động. Mục đích chính của văn miêu tả là giúp cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh sự vật càng rõ nét càng tốt, vì vậy hãy thử thêm thắt một vài tính từ, cũng như cơi nới thêm câu đơn bổ nghĩa để bài văn thêm sinh động nhé.

VD: Khi mùa hè đến, cánh hoa phượng rụng nhiều.

VD1: Khi mùa hè đến, cánh hoa phượng đỏ rực bay trong gió như những cánh bướm vô tư nhảy múa trên bầu trời.

VD2: Khi mùa Xuân qua đi, như hiểu được khí trời, hoa phượng chầm chậm nở rộ, len lỏi trong tán lá rồi nhanh chóng thế chỗ bóng mát xanh mơn mởn. Cánh hoa phượng đỏ rực bay theo làn gió, như những cánh bướm dập dìu vô tư.

→Như vậy việc thêm tính từ “đỏ rực” để miêu tả độ đậm của cánh hoa và phép so sánh với đàn bướm và nhân hóa chúng đã khiến câu văn sinh động, thêm phần hấp dẫn.

→Ngoài ra, ở câu thứ 2, câu nối bổ nghĩa ở giữa mang lại cảm giác nhân hóa, cho thấy sự hòa hợp, uyển chuyển của cây phượng. Việc bổ sung câu đơn “hoa phượng chầm chậm nở rộ, len lỏi trong tán lá rồi nhanh chóng thế chỗ bóng mát xanh mơn mởn” làm cho đoạn văn có chiều sâu hơn, người đọc có thể nhìn thấy một vùng trời đỏ rực dưới tán hoa phượng giữa sân trường.

4. Thêm thắt các yếu tố biểu cảm
Yếu tố cuối cùng trong một bài văn miêu tả là gì? Đó là đan xen những đoạn văn biểu cảm vào bài viết. Trong mục chức năng của não được trích dẫn từ blog Những phương pháp rèn luyện trí nhớ, khi ta phối hợp nhiều giác quan vào một thông tin như mắt thấy, tai nghe, hoặc cảm xúc của bản thân, ta sẽ làm cho ký ức ấy trở nên đáng nhớ và lâu quên hơn. Chính vì vậy, yếu tố cảm xúc rất quan trọng trong việc kết nối người đọc với người viết, giúp họ thực sự “cảm” được những gì người viết đã trải qua, từ đó đồng cảm được với góc nhìn của người viết.

Mặc dù đây là một yếu tố phụ trợ, nhưng sự xuất hiện của các đoạn văn biểu cảm là vô cùng cần thiết giúp liên kết các đoạn văn miêu tả lại với nhau, làm cho bài văn tự sự trở nên sâu sắc, có chiều sâu hơn bình thường. Dưới đây là một bài văn mẫu trích từ truyện ngắn tôi đi học vô cùng nổi tiếng của tác giả Thanh Tịnh, có sự xuất hiện của yếu tố biểu cảm và miêu tả giúp đoạn văn thêm sâu sắc, giúp người đọc có hình dung rõ nét hơn về buổi sớm mai đi học.

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”

Dưới đây là một dàn ý mẫu chung chứa đựng tất cả chi tiết trong văn miêu tả, bạn có thể áp dụng.

I. Mở bài

  • Đối tượng được lựa chọn là ai? Là con gì? Là sự vật gì? Là phong cảnh nào?
  • Đối tượng đó có mối quan hệ gì với em? Em đã có hoặc ở bên đối tượng được bao lâu rồi?

II. Thân bài

  • Hình dáng kích thước chung của sự vật (cao, thấp, béo, gầy, to, nhỏ, mảnh mai, phốp pháp, yên tĩnh hay ồn ào?
  • Những chi tiết nào khiến đối tượng trở nên nổi bật (mái tóc, bộ lông, đôi mắt, cái miệng…)
  • Những chi tiết nào khác tạo nên sự độc đáo của đối tượng (nụ cười hiền từ, sự dịu dàng, lanh lợi,..)
  • Khi ở bên đối tượng, em cảm thấy như thế nào (hạnh phúc, vui vẻ, thích thú, mãn nguyện, buồn bã, yên bình hay lo lắng phấn khích)
  • Đối tượng đã cho em những gì (cảm giác bình yên, sự dạy dỗ, một người bạn thú vị, một nơi yên bình để nghỉ ngơi…)

III. Kết bài

  • Tóm tắt lại những cảm xúc bên trên và đưa ra một suy nghĩ biểu cảm của mình.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!