Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng xuất hiện trong lịch sử địa đồ hành chính Trung Quốc


Hình 1: Cửu vực thú lệnh đồ

Phạm Hoàng Quân

TTCT – Trung Quốc là nơi có truyền thống lâu đời về sử học nói chung và địa đồ nói riêng, ngành khảo cổ từng phát hiện vài tấm địa đồ vẽ những địa phương nhỏ có niên đại rất sớm, như vào năm 1986 phát hiện tại Cam Túc bảy bức Bãi thả ngựa sông Thiên Thủy có niên đại thời Chiến Quốc (năm 299 trước Công nguyên), năm 1974 phát hiện tại gò Mã Vương (tỉnh Hồ Nam) ba bức có niên đại thời Hán (năm 168 trước Công nguyên).

Đến nay, địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất hiện vào năm 1121 (đời Tống), là bức Cửu vực thú lệnh đồ (hình 1) được khắc trên đá, phát hiện năm 1960 tại huyện Vinh (tỉnh Tứ Xuyên). Phiến đá khắc địa đồ này cao 175cm, rộng 112cm, phần địa đồ cao 128cm, rộng 101cm, hiện đặt tại Viện Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên. Cửu vực là cách gọi biến dạng từ “Cửu châu”, hai cách gọi này ám chỉ cương vực toàn quốc. Cửu vực thú lệnh đồ có thể hiểu là “địa đồ toàn quốc dùng để điều phối các quan trấn nhậm”.

Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía nam đến Quỳnh Châu (Hải Nam). Hình trạng đảo Hải Nam như ta thấy ở góc dưới, bên trái của địa đồ này được vẽ khá chuẩn xác, gần giống với hình thể đảo Hải Nam trên bản đồ hiện đại, trong khi vài tấm địa đồ có niên đại muộn hơn Cửu vực thú lệnh đồ lại không mô tả chính xác bằng.

Có một điểm cần lưu ý: trước nay giới nghiên cứu địa đồ Trung Quốc vẫn ghi nhận Vũ tích đồ và Hoa Di đồ (cùng khắc trên một bia đá, niên đại 1136) là hai bức có niên đại sớm nhất và dẫn dụng theo sách Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc (quyển 3) của J. Needham. Tuy nhiên sách này ấn hành năm 1959, lúc chưa phát hiện Cửu vực thú lệnh đồ, nên bức này không được khảo tả và học giả phương Tây còn ít đề cập.

Hình 2: Quảng Đông tổng đồ

Các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555; Hoàng triều chức phương địa đồ khắc in năm Sùng Trinh thứ 9 (1636); Dư địa đồ của Dương Tử Khí khắc in năm 1526… là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền trung ương các đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng phần nào của kỹ thuật vẽ địa đồ phương Tây, điểm cực nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu (Hải Nam).

Ngoài ra, còn một số địa đồ hành chính và quân sự tiêu biểu trong tập Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy xuất bản năm 2003, do Phòng lưu trữ hồ sơ lịch sử số 1 thuộc Tổng cục Lưu trữ trung ương Trung Quốc phối hợp Cục Lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố. Toàn tập tuyển chọn 97 bức, gồm địa đồ thế giới, địa đồ hành chính toàn Trung Quốc, địa đồ hành chính tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu và các phủ, huyện… do giới quan chức hành chính, quân sự soạn/vẽ/in vào triều Thanh và thời Dân Quốc.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy đa số các bức địa đồ này chưa được giới học giả Trung Quốc dẫn dụng trong các công trình nghiên cứu về biển, đảo phía nam Trung Quốc đã in thành sách. Mặt khác, cũng chưa thấy giới học giả Việt Nam dẫn dụng trong các nghiên cứu về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các nghiên cứu chung về biển Đông. Để góp thêm tư liệu, xin giới thiệu sơ lược vài bức tiêu biểu trong tập địa đồ nêu trên:

a/ Loại địa đồ hành chính tỉnh Quảng Đông gồm mười bức có niên đại sớm nhất là Quảng Đông tổng đồ, kích thước 295x196cm, vẽ màu trên lụa, khoảng năm 1685 (đời vua Khang Hi năm thứ 24) (hình 2). Phần trên của địa đồ là nội dung thuyết minh (Quảng Đông toàn tỉnh đồ thuyết), giới thiệu tổng quan về tỉnh Quảng Đông, nói rõ về tứ chí (bốn hướng giáp giới) cùng các đơn vị hành chính. Địa đồ này và chín bức cùng loại cho thấy cương giới tỉnh Quảng Đông chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu (Hải Nam).

Hình 3: Hoàng triều dư địa toàn đồ

b/ Loại địa đồ hành chính toàn quốc được tuyển hai bức Thiên hạ toàn đồ, kích thước 142×231,6cm và Hoàng triều dư địa toàn đồ, kích thước 57×57,3cm, niên đại khoảng năm 1728, 1729 (hình 3). Hai địa đồ này cho thấy cương giới phía nam Trung Quốc chỉ đến phủ Quỳnh Châu (Hải Nam).

c/ Loại địa đồ thể hiện cương giới biển có hai bức Duyên hải thất tỉnh khẩu ngạn hiểm yếu đồ (Các nơi hiểm yếu ở bảy tỉnh ven biển), kích thước 30×36,7cm, niên đại khoảng năm 1887 và Thất tỉnh duyên hải toàn dương đồ (Toàn bộ vùng biển của bảy tỉnh duyên hải) (hình 4), kích thước 28×914,2cm, khoảng năm 1862-1908 (đời vua Quang Tự). Hai địa đồ này cho thấy vùng biển nam Trung Quốc không vượt quá 18 độ vĩ Bắc.

d/ Loại địa đồ quân sự có bức Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ (Các đồn biên phòng của thủy quân Quảng Đông), kích thước 32x560cm, vẽ màu trên giấy, niên đại ước sau năm 1866. Địa đồ quân sự này thể hiện chi tiết về núi sông, đảo dư, cửa khẩu, doanh trại, pháo đài… (trên các đảo và ven bờ biển), ghi rõ các nơi giáp giới vùng biển Giao Chỉ (hình 5, trích đoạn). Các chi tiết cho thấy không nhóm đảo hoặc hòn đảo nào ứng với Tây Sa và Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa).

Hình 4: Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ

Trong các công trình nghiên cứu về Nam Hải, giới học giả Trung Quốc thường dẫn dụng khoảng 50 bức địa đồ đời Minh, Thanh – là những bức địa đồ tổng quan thế giới – để lý luận về chủ quyền lịch sử, đại ý rằng: “Địa đồ lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận về hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (bằng tên gọi của thời đó, như Vạn lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường…) chứng tỏ các vương triều Trung Quốc đã xác định chủ quyền đối với những đảo, quần đảo này”. Trong khi những bức địa đồ nêu trong bài viết này là những địa đồ thể hiện cương vực Trung Quốc xưa (có giá trị như bản đồ hành chính Trung Quốc ngày nay), là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền cương vực quốc gia lại không được nhắc tới.

Phạm Hoàng Quân
(Nhà nghiên cứu độc lập tại TP.Saigon, chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc

@tuoitre.vn

Hình 5: Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ

Click to listen highlighted text!