Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Phân tích tác phẩm “Đường đi khó” – Lý Bạch


Lý Bạch (701 – 762) là một trong những nhà thơ lớn nhất đời Đường. Năm 25 tuổi, mang thanh kiếm và khí phách hiệp sĩ, ông đi chu du khắp mọi chân trời, nơi nào có thắng cảnh là ông tìm đến. Năm 742 ông mới được tiến cử vào Trường An. Vua Đường Minh Hoàng đãi ông như một vị “thanh khách” để tô điểm cuộc sống xa hoa hưởng lạc của mình. Ba năm sau, Lý Bạch chủ động xin rời khỏi kinh đô, tiếp tục ngao du sơn thuỷ.

Lý Bạch làm bài thơ Đường đi khó (Hành lộ nan) vào năm 744 ngay sau lúc rời khỏi cung đình và trước lúc giã biệt Trường An. Chùm thơ Hành lộ nan gồm có 3 bài, đây là bài thơ thứ nhất, bài có giá trị tư tưởng lành mạnh nhất, tích cực nhất. Hành lộ nan vốn là tên một ca khúc xưa, thường dùng để viết về những sự trắc trở hoặc nỗi khổ li biệt trong cuộc đời. Bài thơ của Lý Bạch được viết bằng bút pháp lãng mạn, thể hiện cái hùng tâm và tráng chí của một thi nhân kiếm khách.

Bài thơ viết theo thể “hành”, gồm có 12 câu, được chia làm 3 phần, mỗi phần nói lên một thứ khó khăn trên đường đời. Mỗi phần có 4 câu, cấu trúc giống nhau: 2 câu trên nói về khó khăn trắc trở trên đường đòi, hai câu dưới nói về thái độ ứng xử của kẻ sĩ.

Khổ thơ đầu nói lên một cái “khó”, một thứ “khó” trên đường đời, đã mấy ai dễ vượt qua? Cảm hứng thơ khơi nguồn từ một thi liệu cổ: “Nhìn cơm không nuốt được – Rút gươm chém cột dài ngậm ngùi”, Lý Bạch đã tạo nên một vần thơ với 4 hình ảnh tượng trưng đầy ý nghĩa:

Cốc vàng, rượu trong, vạn một đấu
Mâm ngọc, nhắm quý, giá mười ngàn

“Cốc vàng, rượu trong, mâm mọc, nhấm quý” là những thức ăn ngon, những vật dụng quý hiếm, đắt tiền, sang trọng. Ngày xưa chí có các bậc vua chúa mới có, các đại gia mới được hướng. Trong bài thơ này, nó tượng trưng cho bả vinh hoa phú quý, cái danh lợi vật chất ở đời. Hai câu thơ song hành, thủ pháp thậm xưng cực tả cái cao sang: rượu ngon một đấu giá hàng vạn, nhắm quý giá mười ngàn. Tương phản với cái cao sang ấy là một thái độ phú định quyết liệt:

Dừng chén, ném đũa, nuốt không được,
Rút kiếm, nhìn quanh, lòng mênh mang.

“Nuốt không được” biểu hiện một nỗi niềm u uất pha nhiều chua chát, cay đắng. Cái cử chỉ: “dừng chén, ném đũa”, cái hành động “rút kiếm nhìn quanh…”, là thái độ phủ định quyết liệt của kẻ sĩ chân chính: “phú quý bất năng dâm”.Câu thơ cho thấy một nhân cách cao đẹp: coi thường danh lợi, xa lánh bọn quyền quý giàu sang. Không chỉ là “Lưng khôn uốn, lộc nên từ” mà còn là một tâm thế: thích sống cuộc đời tự do, phóng khoáng, với lưỡi gươm hiệp sĩ vung lên muốn đi đến mọi chân trời xa rộng. “Lòng mênh mang” của kẻ sĩ là một tâm hồn bay bổng mang chí khí hải hồ, phi thường.

Năm 744, Lý Bạch từ giã lầu son gác tía, nơi cung đình mang thanh kiếm hiệp khách lên đường cho thoả chí 4 phương nói lên nhân cách cao đẹp của ông. Sự cám dỗ vật chất, của “rượu trong, nhắm quý”… đâu phải ai cũng vượt qua được? Các động từ trong hai câu thơ thứ 3, 4 này nói lên nhân cách và sức mạnh tinh thần của Lý Bạch để vượt qua một thứ “khó”, một mê lực đường đời: “dừng chén, ném đũa, nuốt không được – Rút kiếm, nhìn quanh, lòng mênh mang”. Trong một bài thơ khác, ông cũng nói lên cái “chí” của mình, cách ứng xử của mình trước mọi cám dỗ vật chất:

Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý
Khiến ta chẳng được mặt mày tươi

(Câu thơ dịch nghĩa)

Bốn câu thơ tiếp theo nói lên một cái “khó” thứ hai của đường đi, đường đời. Đó là những khó khăn khách quan, những gian khổ, chồng chất to lớn:

Muốn vượt Hoàng Hà, sông băng đóng!

Toan lên Thái Hàng, núi tuyết phơi!

Hoàng Hà, Thái Hàng là sông rộng núi cao, những trở lực, những khó khăn đâu dễ vượt qua. Khó khăn càng nhân lên nhiều lần đáng sợ, để thử thách chí khí con người: sông đã đóng băng, núi đã phơi đầy tuyết. “Muốn vượt”, muốn “toan lên”, muốn băng qua đâu dễ, phải có nghị lực, có quyết tâm, có bản lĩnh phi thường. Cấu trúc 2 câu thơ song hành, hình tượng kì vĩ mang tính chất tượng trưng đặc sắc.

Trước cái “khó” này, Lý Bạch đã có một cách ứng xử tích cực:

Lúc rỗi buông câu bờ suối biếc,
Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mặt trời.

Đây là hai câu thơ đẹp và hay. Câu 7 mang màu sắc lãng mạn mà giàu chất trí tuệ, nêu lên một cách ứng xử thông minh. Có khó khăn quá lớn, trước mắt chưa khắc phục được, chưa vượt qua được thì phải kiên nhẫn, chờ thời cơ. Ý thơ mở ra một trường liên tưởng về điển tích lịch sử: những Lã Vọng, Y Doãn… xa xưa. Người thì đã 80 tuổi còn ngồi câu bên bờ sông Vị, gần 10 năm trời mới gặp được Văn Vương để đem tài năng lỗi lạc ra phò đời cứu nguy, an dân, hưng quốc, kẻ thì đợi vua Thang, đã bao đêm nằm mơ thấy mình “cưỡi thuyền đến bên thái dương”. Biết kiên nhẫn chờ thời cơ, nhưng chí không nan, ước mơ, chí hướng vẫn bền: “Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mật trời”. Hình tượng thơ tráng lệ nói lên tâm hồn lãng mạn và khí phách hào hùng của Thi tiên Lý Bạch.

Tóm lại, bốn câu thơ trong phần 2, Lý Bạch chí rõ phải sáng suốt và kiên nhẫn đón chờ thời cơ, phải giữ vững mục tiêu đi tới trên đường đời, đó là hướng “mật trời” ở phía trước!

Bốn câu thơ cuối, giọng thơ vang lên dồn dập, mạnh mẽ. Cấu trúc câu thơ biến hoá: có điệp cú, điệp khúc, có câu cảm thán, câu hỏi tu từ. Cách ngắt nhịp 3/3 trong câu thơ chữ Hán cũng như trong câu thơ dịch có tác dụng gợi tả những chặng đường khó khăn trùng điệp nối tiếp hiện ra và thể hiện quyết tâm của người đi đường đầy hùng tâm, tráng chí:

Hành lộ nan! Hành lộ nan!
Đa kì lộ, kim an tại?

Nhiều ngả đường ngược xuôi, bao ngả đường quanh co trắc trở? Dễ mất phương hướng! Dễ lạc lối! Có thể rơi vào cạm bẫy “Ma đưa lối, quỷ đưa dường”. Cái khó khăn này thật ghê gớm! Và chí có thể:

Cưỡi gió phá sóng hẳn có ngày,
Treo thẳng buồm mây vượt biển cả!

Thơ giàu hình tượng. Lộ trình xa lắc, mênh mông: vượt biển cả, vượt trùng dương. Phải có sức mạnh và chí lớn phi thường: “Cưỡi gió, phá sóng”, phải có “cánh buồm mây” mang tầm vóc vũ trụ. Có thế mới đi tới, mới bay tới mọi chân trời, mới thực hiện được lí tướng, ước mơ của mình. Ý thơ hào hùng, toát lên sức mạnh và niềm tin ngời sáng!

Tóm lại, bài thơ Đường đi khó của Lý Bạch có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Cảm hứng lãng mạn dào dạt. Tứ thơ đa dạng, phong phú, tầng tầng lớp lớp. Đường đời vừa dằng dặc vừa đẩy thử thách, cạm bẫy. Có khó khăn xã hội làm cho con người bị biến chất, thoái hoá. Có khó khăn thiên nhiên dễ làm cho ta nản chí, an phận thủ thường. Hình ảnh một con người giàu nhân cách, vô cùng sáng suốt, có bản lĩnh và niềm tin mãnh liệt dám đương đầu với mọi thử thách, dũng mãnh vượt qua mọi khó khăn trên đường đời để thực hiện ước mơ, lí tưởng cao đẹp của mình – là một hình ảnh tuyệt đẹp. Lý Bạch đã lựa chọn một hệ thống hình tượng kì vĩ, mang ý nghĩa tượng trưng và giọng thơ hùng mạnh để làm nổi bật chủ đề “đường đi khó” và nêu lên cách vượt khó.

Tư tưởng bài thơ sâu sắc, tích cực. Lý Bạch đã nêu lên cho mọi người một bài học mà lúc nào ta cũng cảm thấy mới mẻ. Lộ trình của chúng ta đi tới thế kỉ XXI đâu chỉ toàn hoa thơm trái ngọt mà có nhiều “băng đóng, tuyết phơi”. Vì thế, tuổi trẻ phải có sức mạnh để vượt qua: sức mạnh của chí khí, sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của niềm tin giành thắng lợi!

Phân tích tâm trạng của nhà thơ Lý Bạch trong “Đường đi khó” (1)

Lý Bạch 李白 là một nhà thơ nổi tiếng của nhà Đường. Từng vần thơ của Lý Bạch đều mang nhiều ý nghĩa, nhiều tư tưởng sâu sắc, cũng bởi vậy mà những tác phẩm của ông dù đã trải qua hàng ngàn năm vẫn có sức lôi cuốn với người đọc, vẫn mang nhiều giá trị thời đại của ngày nay. Bài thơ Hành lộ nan (Đường đi khó) là một bài thơ hay, nói về những khó khăn của người đi đường, nhưng đồng thời cũng thể hiện được bản lĩnh hơn người của tác giả trong việc giải quyết những gian nan, khó khăn ấy.

Bài thơ Đường đi khó được Lý Bạch sáng tác năm 744, khi nhà thơ rời khỏi cung đình, trước lúc rời xa kinh đô Trường An. Chùm thơ Hành lộ nan gồm ba bài thơ, trong đó bài thơ này là bài thơ đầu tiên tròn chum thơ ấy. Đây cũng là bài thơ được xem là tiêu biểu nhất, có nhiều giá trị, tư tưởng lành mạnh, tích cực nhất. Ngay mở đầu bài thơ, Lý Bạch đã nêu ra cái “khó” đầu tiên mà con người dễ dàng gặp phải trên “đường” (đường đời):

Cốc vàng, rượu trong, vạn một đấu
Mâm ngọc, nhắm quý, giá mười ngàn

Các từ như “cốc vàng”, “rượu trong”, “mâm ngọc”, “nhắm quý” mà nhà thơ gợi ra ở đây nhằm chỉ những thứ vật chất mà trong đời, con người ta luôn hướng tới, khát khao được thưởng thức. Hình ảnh của cốc vàng, rượu trong, mâm vàng, nhắm quý đều là những thứ đồ vật quý giá, thức ăn ngon mà xưa nay chỉ có bậc đế vương, vua chúa hay những vị quan “tai to mặt lớn” được thưởng thức. Đối với những người bình dân với cuốc sống lao động vất vả, hàng ngày chỉ mong có miếng cơm no, manh áo ấm mà nói thì những thứ vật chất này rất đáng để khát khao, để mong ước, và mong muốn có thể thưởng thức một lần trong đời. “Một vạn đấu”, “giá mười ngàn” có thể là những con số thật nhưng cũng có thể là những con số ước lệ nhằm nói đến giá trị của những thứ vật chất cao quý kia.

Nếu như hai câu thơ đầu nói về những thứ vật chất mà con người luôn ao ước, khát khao có được thì xuống đến hai câu thơ sau, nhà thơ Lý Bạch đã thể hiện được quan điểm, bản lĩnh của mình khi đứng trước những thứ vật chất phù du ấy:

Dừng chén, ném đũa, nuốt không được
Rút kiếm, nhìn quanh, lòng mênh mang

Hai câu thơ sau như sự phản ứng tất yếu của tác giả khi đối mặt với cái khó mang tên vật chất. “Dừng chén”, “ném đũa” thể hiện sự quyết liệt, gay gắt, có cả sự tức giận. “Nuốt không được” là trạng thái ăn không ngon miệng, khi người ăn bị ức chế về tinh thần. Như vậy, câu thơ này như một lời tuyên bố “không” khảng khái, mạnh mẽ đối với những thứ vật chất ấy. “Rút kiếm” lại là hành động mạnh mẽ hơn, thể hiện sự đoạn tuyệt đến cùng với những thứ phù du ấy. “Lòng mênh mang” thể hiện được trạng thái ung dung, tự tại của tâm hồn, cũng là không gian mênh mông nơi chứa đựng những hoài bão, những lí tưởng cao đẹp khác, không phải sự giới hạn chật hẹp chỉ để chứa thứ vật chất vô nghĩa.

Nói đến cái khó thứ hai của người đi đường, Lý Bạch nhấn mạnh đến những yếu tố do những biến động của tự nhiên. Tức là con người bị động trước những hoàn cảnh bị thiên nhiên chi phối ấy:

Muốn vượt Hoàng Hà, sông đóng băng!
Toan lên Thái Hàng, núi tuyết phơi!

Hoàng Hà, Thái Hàng là các địa danh nổi tiếng của đất nước Trung Quốc, ở đây nhà thơ dùng các địa danh này để nhấn mạnh đến cái tầm vóc, quy mô của những khát vọng của con người, bởi Hoàng Hà, Thái Hàng là những con sông, đỉnh núi cao bậc nhất của Trung Quốc. Nói đến địa danh là cách mà nhà thơ Lí Bạch nói đến những khát vọng, lí tưởng của con người, đó là chinh phục những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình chinh phục ấy không hề dễ dàng gì mà luôn bị tác động bởi ngoại cảnh “sông đóng băng”, “núi tuyết phơi”. Những khó khăn này sẽ làm nhụt đi ý chí, quyết tâm của con người. Đối diện với cái “khó” này, Lý Bạch đã có một cách xử lí vô cùng khéo léo, thể hiện được trí tuệ của một con người tài ba:

Lúc rỗi buông câu hờ khe biếc
Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mặt trời

Trong cái hoàn cảnh khó khăn ấy, nhà văn không cố chấp hay lên gân chinh phục cho bằng được mà nhà thơ nghĩ ra được cách khéo léo hơn mà còn mang đầy niềm vui cũng như ý nghĩa. Không chỉ có sông Hoàng Hà mới đáng để chinh phục mà “buông câu hờ khe biếc” cũng mang lại niềm vui sống khi “dỗi”. Hành động tuy giản dị nhưng đầy tính thiết thực, ở đây nhà thơ như muốn nói: thành công đôi khi là ở sự chinh phục những thứ tầm thường, giản dị nhất, vì nó gắn với cuộc sống và phù hợp với khả năng, năng lực của mỗi người.

Tuy lựa chọn thú vui giản dị, dân giã ấy song nhà thơ Lý Bạch cũng thể hiện được khát khao muốn chinh phục, sống chan hoà với tự nhiên “lướt thuyền cạnh mặt trời”. Đây là ước mơ thật đẹp của con người, đó là không còn sự đối chọi giữa tự nhiên với con người. Con người cũng không cố gắng chinh phục đến cùng tự nhiên mà sống hài hoà, thân thiện với tự nhiên chính là sự chinh phục thành công nhất.

Đường đi khó! Đường đi khó
Nay ở đâu, đường bao ngả.

“Đường đi khó” được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh sự cảm thông của tác giả về những khó khăn trên đường đời “đường bao ngả” mà con người tất yếu sẽ gặp phải khi theo lộ trình của cuộc đời. Tuy nhiên, sự cảm thông này chỉ là bước đệm để Lý Bạch thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ khi khẳng định sẽ vượt qua tất cả:

Cưỡi gió, phá sóng hẳn có ngày
Treo thắng buồm mây vượt biển cả

“Cưỡi gió”, “phá sóng”, “treo thắng”, “vượt biển cả” là hệ thống động từ mà Lý Bạch dùng để nhấn mạnh sự quyết tâm cũng như niềm tin của mình trong hành trình chiến thắng những khó khăn, trở ngại. “Hẳn có ngày” là khoảng thời gian tương lai, tuy không xác định rõ ràng được thời điểm song lại nhấn mạnh đến sự tất yếu sẽ xảy ra.

Như vậy, bài thơ Đường đi khó của nhà thơ Lý Bạch vừa liệt kê ra những khó khăn trên hành trình chinh phục số phận của con người, song cũng là sự động viên, niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh, sức chinh phục khó khăn của con người. Đồng thời, qua bài thơ, ta cũng cảm nhận được vẻ đẹp trí tuệ, vẻ đẹp bản lĩnh trong chính tâm hồn của nhà thơ.

Phân tích tâm trạng của nhà thơ Lý Bạch trong “Đường đi khó” (2)

Lý Bạch là một trong những nhà thơ Đường nổi bật nhất với những bài thơ Đường luật xuất sắc, để lại cho nhân loại cả một kho tàng những tác phẩm thơ mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc về những giá trị của cuộc sống mà không phải nhà thơ nào cũng có thể truyền tải được. Những bài thơ của ông đã để lại trong lòng người đọc những ý nghĩa như Hiệp khách hành , Lục Thuỷ khúc ,… và trong số những tác phẩm của ông, Hành lộ nan đã mang lại cho em những cảm nhận sâu sắc nhất bởi những ý nghĩa, những bài học mà tác giả đã đem lại: đó là ba cái khó của cuộc đời, những khó khăn, những cám dỗ mà không phải ai cũng có đủ lí trí để vượt qua được.

Chén bạc rượu trong mười ngàn đấu
Giá tiền muôn mâm báu vị ngon

Mở đầu bài thơ, Lý Bạch đã nêu lên cái khó đầu tiên trong cuộc đời. Đó chính là những cám dỗ về vật chất, về những ham muốn trần tục. Cái khó ấy đã được tác giả thể hiện một cách hết sức nghệ thuật với những “chén bạc” với cái giá “mười ngàn đấu”,” mâm báu” với những cao lương mỹ vị. Không phải ai cũng có thể chống cự lại được những cám dỗ về vật chất. Bơi bản chất của con người ai cũng có những ích kỉ dù ít dù nhiều trong tận tâm hồn. thế nên, khi đối mặt với những thứ cao sang, rất nhiều người đã bị mờ mắt, bị những thứ vật chất ấy làm cho mù quáng, để rồi một ngày, chính bản thân chúng ta bị những thứ đó sai khiến lúc nào mà chính bản thân mình cũng không hề hay biết.

Bỏ chén đũa dạ bồn chồn
Rút gươm ngó khắp nỗi buồn mênh mông

Trong hoàn cảnh ấy, con người lại càng phải rèn luyện cho mình những mạnh mẽ để kháng cự lại những điều ấy. Đầu tiên, chính cả tác giả cũng đã phải dằn lòng với một quyết tâm rất lớn “bỏ chén”. Dù cho khi đó, lòng dạ của mình như chống lại mình nhưng lí trí cũng phải cố gắng duy trì ý chí của mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể có được những tự do, có được những điều mà bản thân mình muốn chứ không phải bị sai khiến bởi bất cứ điều gì khác.

Thậm chí, có những lúc phải dùng tới những biện pháp mạnh nhất “rút gươm”, “khắp nỗi buồn mênh mông”.

Qua Hoàng Hà nước đông không chảy
Lên Thái Hành trời thấy tuyết che
Khi nhàn câu cá trên khe
Lên thuyền bỗng thấy giấc mê trên thuyền

Cái khó thứ hai chính là những khó khăn đến từ ngoại cảnh, từ thiên nhiên như khiêu chiến với những ý chỉ quyết tâm chinh phục của con người. những khó khăn ấy như hiện hữu để thách thức, những thứ tưởng chừng như không thể vượt qua. “qua hoàng hà nước đông không chảy”. Sông Hoàng Hà là con sông huyết mạch của đất nước Trung Hoa, là một con sông với vẻ đẹp vô cùng hùng vĩ, vậy mà những khó khăn của con người như nước Hoàng Hà đông cứng, đã khó khăn lại càng càng khó khăn lên gấp bội. Hay như khi con người muốn chinh phục núi Thái Hành, thì cả nhọn núi như bị mây mù che khuất, càng làm cho con người khó thực hiện những kế hoạch của mình. Dù có thế nào, dù có mây mù che khuất lấp hay những những giấc mơ lên tới mặt trời cũng chỉ như nhỏ bé với quyết tâm chinh phục của con người với thiên nhiên mà thôi.

Đường đi khó! Đường đi khó
Lối rẽ quanh đâu đó bây giờ
Gió to sóng vỗ nào ngờ
Buồm mây kéo thẳng qua bờ biển xanh

Cái khó thứ ba của con người cũng là cái khó nhất trong cuộc đời của một con người chính là những bước ngoặt hay ngã rẽ trong đường đời. Chính nó mới là nhân tố quan trọng hình thành nên nhân cách và cả những cuộc sống của một con người. để chọn cho mình con đường đi đúng đắn nhất thì chúng ta luôn phải có sự đắn đo, lựa chọn của mình. Điều đó đã mang lại cho con người những kết quả cho chính hành vi của mình.


Cả bài thơ chia làm ba cái khó nhất của một con người. Mỗi cái khó ấy lại có những điều khác nhau, thế nhưng có một điểm chung lớn nhất giữa chúng chính là muốn chính phục thì con người phải có nghị lực, cố gắng không mệt mỏi vì những mục tiêu của mình. Đó mới chính là cái cốt của bài thơ. Qua đây, chúng ta cũng đã thấy được Lý Bạch tuy là nhà thơ lãng mạn nhưng ông vẫn có những hành động quyết liệt để bảo vệ cho ý chí của mình. Cả bài thơ cũng như chính những khắc hoạ về cuộc đời của Lí bạch, ông đã theo đuổi mộ cuộc sống tốt đẹp như vậy.

Hành lộ nan (Đường đi khó) – thơ Lý Bạch

Nội dung

行路難

金樽清酒斗十千,
玉盤珍饈值萬錢。
停杯投箸不能食,
拔劍四顧心茫然。
欲度黃河冰塞川,
將登太行雪暗天。
閒來垂釣坐溪上,
忽復乘舟夢日邊。
行路難,行路難,
多岐路,今安在。
長風破浪會有時,
直掛雲帆濟滄海。


Hành lộ nan

Kim tôn thanh tửu đẩu thập thiên,
Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền.
Đình bôi đầu trợ bất năng thực,
Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên.
Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên,
Tương đăng Thái Hàng[1] tuyết ám thiên.
Nhàn lai thuỳ điếu toạ khê thượng,
Hốt phục thừa chu mộng nhật biên.
Hành lộ nan! Hành lộ nan!
Đa kỳ lộ? Kim an tại?
Trường phong phá lãng hôi hữu thì,
Trực quải vân phàm tế thương hải.


Dịch nghĩa

Bình vàng, rượu trong, mười ngàn đấu
Mâm bạc, thức ăn quý, trị vạn tiền
Ngừng ly, ném đũa xuống đất, ăn không được
Rút gươm nhìn quanh bốn phía, lòng hoang mang
Muốn qua sông Hoàng Hà, băng đóng nghẽn dòng sông
Tính lên núi Thái Hàng, tuyết phủ mù mịt trời đất
Nhàn rỗi thả cần câu xuống ngồi bên khe nước
Bỗng nằm mộng thấy đi thuyền ra mé có mặt trời
Đi đường khó thay! Đi đường khó thay!
Nhiều đường rẽ? Bây giờ đâu nhỉ?

Cũng có lúc gió thổi dài vỗ phá sóng
Sẽ kéo thẳng buồm giương ra biển xanh khơi


Dịch thơ (Nguyễn Khắc Phi)

Cốc vàng, rượu trong, vạn một đấu,
Mâm ngọc, thức quý, giá mười ngàn.
Dừng chén, ném đũa, nuốt không được,
Rút kiếm nhìn quanh lòng mênh mang.
Muốn vượt Hoàng Hà sông băng đóng,
Toan lên Thái Hàng núi tuyết phơi.
Lúc rỗi buông câu bờ khe biếc,
Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mặt trời.
Đưòng đi khó! Đường đi khó!
Nay ở đâu? Đường bao ngả?
Cưỡi gió, phá sóng hẳn có ngày,
Treo thẳng buồm mây vượt biển cả!

[1] Dãy núi ở địa phận tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây.

Năm 732

Nguồn: Gioivan.net


Click to listen highlighted text!