Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Triều Đại (Tiền) LÊ 


Nhà Tiền Lê tiếp sau nhà Đinh và trước nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Nhà Tiền Lê truyền được ba đời và có công đánh thắng giặc Tống.

Sau khi Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám hại, Vệ Vương Toàn lên làm vua, Lê Hoàn làm phụ chính, xưng là Phó Vương. Triều thần sợ Lê Hoàn cướp ngôi vua nhỏ, Định Quốc Công Nguyễn Bặc và ngoại giáp Đinh Điền dẫn quân về kinh đô định giết Lê Hoàn, thua trận bị Lê Hoàn giết.
Năm 980, quân Tống nhân cơ hội đem quân sang muốn cướp nước, triều thần và thái hậu Dương Vân Nga đưa Lê Hoàn lên làm vua lập ra nhà Tiền Lê.

Nhà Tiền Lê nối tiếp và hầu như giữ nguyên mọi quy củ của nhà Đinh. Thời gian cầm quyền ngắn, lại phải chống với nhà Tống và Chiêm Thành cũng như lo trấn áp các hào trưởng và xứ quân bên trong nên không sửa đổi được gì nhiều. Nhà Tiền Lê khởi đầu truyền thống sử dụng tăng quan trong triều đình. Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, kinh đô đặt tại Hoa Lư.

Đại Hành Hoàng Đế

 
Đại Hành Hoàng Đế

Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn, người Thọ Xuân Thanh Hóa, thời nhà Đinh giữ chức Thập đạo tướng quân. Quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự và giành được thắng lợi. Trận chiến cũng diễn ra trên sông Bạch Đằng (trước đó, năm 939, Ngô Quyền cũng đa đánh quân Nam Hán trên sông này.) Ông ở ngôi vua 24 năm, thọ 65 tuổi (941 – 1005), băng ở điện Trường Xuân.

Lê Đại Hành là người có công chống quân Tống năm 981. Tuy nhiên, theo quan điểm Nho giáo của các nhà chép sử sau này, như trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết thì ông bị chê trách về đạo vợ chồng do ông đã lập Dương Vân Nga, hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng làm một trong năm hoàng hậu của mình cũng như về việc không sớm lập người kế vị để sau này dẫn đến việc tranh giành quyền bính giữa các con. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho nhà Tiền Lê nhanh chóng sụp đổ.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, khi vua mới mất mà chưa được đặt thụy hiệu thì được gọi là “Đại Hành Hoàng đế”. Có sách giải thích “đại hành” là đi xa hẳn không trở lại. Có sách giải thích “đại hành” là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ, âm cổ đọc như nhau). Do vua nối ngôi là Lê Ngọa Triều đã không đặt thụy hiệu nên “Đại Hành Hoàng đế” đã trở thành thụy hiệu của Lê Hoàn.

Sử gia Lê Văn Hưu viết:
Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế, Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất hiếu, lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế.

Trong sử sách, các sử gia nhiều đời cùng có nhận định về Lê Đại Hành. Ca ngợi võ công của ông, Lê Văn Hưu viết:

Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Trong thời dẹp loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn đã sớm bộc lộ tài năng, tuy nhiên do còn trẻ tuổi nên chức vụ của ông vẫn ở dưới các bạn thân thiết của Tiên Hoàng. Chỉ từ khi làm nhiếp chính, trực tiếp nắm vận mệnh đất nước, tài năng của ông mới được thi triển hết. Chẳng những các công thần khai quốc kỳ cựu của nhà Đinh mà ngay cả các tướng phương Bắc đều không phải đối thủ của ông. Dù đời sau có thể nhận định việc đánh dẹp của ông là hợp lẽ hay trái lẽ nhưng tài cầm quân của ông thì không ai có thể phủ nhận.

Đại Hành là một ông vua có tài. Dẹp nội loạn, khéo bang giao, giữ thể diện cho quốc gia không bị nước lớn chèn ép. Đó là điều không phải đời vua nào của Việt Nam cũng làm được.

Đại Hành làm vua tỏ rõ là một người chí công vô tư, vì việc chung chứ không vì thù oán riêng. Ông giết Phạm Hạp vì tội làm loạn nhưng lại trọng dụng em Hạp là Phạm Cự Lạng, dùng làm tướng, thăng tới chức thái úy chỉ huy quân đội. Con của Nguyễn Bặc, một người cùng bị giết với Phạm Hạp là Nguyễn Đê cũng được cất nhắc làm quan võ của nhà Tiền Lê. Lê Đại Hành vô tư tới mức không phòng ngừa rằng sau này chính Đê là người tham gia đưa Lý Công Uẩn lên ngôi thay nhà Tiền Lê. Ngoài ra, các đại thần từng là bạn thân của Tiên Hoàng như Trịnh Tú, Lưu Cơ, hai người nằm trong bộ tứ “Điền, Bặc, Tú, Cơ” theo vua Đinh từ ngày hàn vi cũng được Đại Hành trọng dụng, không vì lý do “cùng bè đảng” với Nguyễn Bặc và Đinh Điền mà kiếm cớ trừ khử hay sa thải hai người này. Chính nhờ chính sách dùng người khoan dung, trọng tài năng không vì tình riêng khiến ông quy tụ được nhân tâm, củng cố sức mạnh trong nước, vượt qua được khó khăn trong thời buổi đất nước rối ren, lòng người dao động khi nam, bắc đều bị uy hiếp.

Tuy nhiên, về việc Đại Hành lấy Dương thái hậu nhà Đinh, các sử gia phong kiến rất nặng lời chê trách.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?” Hoàng Xuân Hãn viết trong Hoàng Xuân Hãn tuyển tập: “…việc này trái với khuôn phép nhà nho. Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ…

Khi đưa ra nhận định trên, các sử gia không hiểu rằng vào thế kỷ 10 đời Đinh, Tiền Lê đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt. Sau này, đến nửa đời Trần vẫn còn như vậy. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một toà với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi! Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn”.
Lê Đại Hành có tới 11 người con trai, tất cả đều được phong vương. Sau khi con trưởng là Thâu mất (1000), vua Lê không sớm lập người kế vị. Điều đó đã gây ra việc tranh giành quyền bính giữa các con của ông sau này, là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nhà Tiền Lê.

Trung Tông Hoàng Đế

Tên húy là Lê Long Việt. Sau khi Đại Hành chết, các con tranh nhau giành ngôi, trong nước 8 tháng không có ai làm chủ. Tới đầu năm 1006, hoàng tử thứ hai là Lê Ngân Tích bị Long Việt đánh bại, chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết.

Long Việt lên ngôi vua, tức là vua Trung Tông. Trước sự thắng thế của Long Việt, các hoàng tử khác tạm thời án binh bất động. Tuy nhiên Trung Tông lên ngôi được ba ngày thì bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết lên thay.

Ngọa Triều Hoàng Đế

Tên húy là Long Đĩnh, giết anh để cướp ngôi, vì chơi bời sa đọa bị bệnh trĩ không ngồi được, phải nằm mà coi chầu nên được gọi là Lê Ngọa Triều. Ngoài những người bản địa ở những vùng xa xôi, Ngọa triều còn phải đối phó với cuộc nổi dậy của các hoàng tử khác con vua Đại Hành cát cứ tại vùng đất được phong trước đây.

Ngọa Triều tính hiếu sát thường thiêu sống, dìm nước hay dùng dao cùn mà tùng xẻo tù nhân; sư sãi vốn có thế lực rất lớn đối với chính sự nhưng Ngọa triều từng sai người róc mía trên đầu nhà sư Quách Ngang để làm trò cười; lại nuôi nhiều bọn hề làm trò khôi hài trong triều để làm loạn lời tâu việc của các quan.

Do những việc làm đó, Ngọa triều bị quan lại và dân chúng căm ghét.
Năm 1009, Ngọa Triều chết lúc mới 24 tuổi, điện tiền Lý Công Uẩn lên thay,
lập ra nhà Lý.

Nhà Tiền Lê truyền được tất cả 29 năm, gồm 3 đời vua.

Click to listen highlighted text!