Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Vịnh Bắc-Việt, Nhiều Huyền-Thoại


Vũ Hữu San

                                                                                           Chương I

                                                                                 Vịnh Bắc-Việt, Mở Ðề

                                                                     Một Danh-Từ – Nhiều Huyền-Thoại

Hình 1.

1.1 -Vịnh Bắc-Việt Tổng-quát và Một Danh-từ

Trong cuốn sách “Vịnh Bắc-Việt” này, chúng tôi luận-bàn về địa-lý vùng biển nằm ở phía Ðông của phần đất cực Bắc nước-Việt: Vịnh Bắc-Việt.

Phần đất Bắc-Việt-Nam (hay nói tắt là Bắc-Việt) dưới thời Pháp-thuộc được gọi là Bắc-Kỳ, sau đổi thành Bắc-Bộ dưới thời Chính-phủ Trần-Trọng-Kim và sau đổi ra Bắc-phần[1]. Trong những giai-đoạn nội-chiến Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn; đất Bắc thường được gọi là Ðàng Ngoài hay Bắc-Hà. Vịnh biển cạnh đó mang những tên như Vịnh Bắc-Kỳ, Vịnh Bắc-Phần, Vịnh Bắc-Bộ hay Biển Bắc, Biển Ðàng Ngoài hay Vịnh Bắc-Hà. Bản-đồ Hồng-Đức (thế kỷ XV), ghi tên Vịnh là Đại-Hải, phù-hợp với tên nôm-na mà dân-chúng thường dùng là Bể Lớn hay Bể Đông.

Chúng tôi chọn danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” khi đề-cập tới vùng biển lớn hơn Vịnh của Bắc-phần hay Bắc-bộ. Ðó là khu-vực biển cả nằm cạnh vùng đất phía Bắc của Việt-Nam[2], từ biên-giới Việt-Hoa tại Mũi Trà-Cổ, Móng-Cái tới Ðảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng-Trị, Trung-phần Việt-nam.

Trên những bản-đồ hay hải-đồ quốc-tế, người ta đọc thấy những danh-từ chỉ Vịnh Bắc-Việt như sau: Grand Golfe, Golfe du Tonquin [Tonqeen], Golphe de Tunquin, Baye de Tonquin, Golfe de Cochinchine, Gulf of Tonkin [Tonking], Tonkin Gulf…Trên các bản-đồ vẽ theo tài-liệu Ptolemy, Vịnh Bắc-Việt được ghi là Signus Magnus, Cinus Magnus (Vịnh Lớn – Grand Golfe). Còn người Trung-Hoa gọi những tên như Chướng-Hải, Giao-Chỉ-Dương, Vịnh Bắc-Bộ (Beibu-Wan).

Hình 2.

Nói tổng quát, Vịnh Bắc-Việt được bao bọc bởi Việt-Nam và Trung Hoa có diện-tích 126,250 km2 [3]. Chiều ngang nơi rộng nhất (từ Diễn-Châu, Nghệ-An đến Ðông-Phương, Hải-Nam) khoảng 320 km (176 hải-lý) và chỗ hẹp nhất nơi cửa Vịnh (từ Ðảo Cồn Cỏ đến Mũi Oanh-Ca) khoảng 220 km (119 hải-lý).

Hình 1. Tấm Bản-đồ đầu tiên[4] của nước ta có ghi Bể Lớn[5] tức Vịnh Bắc-Việt (trong tập Hồng-Ðức Bản-Ðồ -1490).Lưu-ý Ải Nam-Quan (phía Bắc) và Ðại-Hải (phía Ðông-Nam)

Phần Vịnh phía Việt-Nam có khoảng 1,300 hòn đảo[6] ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch-Long-Vĩ nằm cách đất liền Việt-Nam khoảng 110 km (59.4 hải-lý), cách đảo Hải-Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km (70,2 hải-lý).

Hình 2. Vịnh Bắc-Việt giáp-giới với 3 tỉnh Trung-Hoa

Hình 3.

Nếu lấy Vịnh Bắc-Việt làm trung-tâm nhìn ra thế-giới:

-Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố, hải-cảng quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shanghai, Nagasaki.

-Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố, hải-cảng Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing… 

Mang nhan-đề là “Vịnh Bắc-Việt, Ðịa-Lý & Chủ-Quyền Hải-Phận “, cuốn sách này rõ rệt muốn bàn nhiều vấn-đề hơn là chỉ mô-tả địa-lý thuần-túy. Như khi viết cuốn sách “Ðịa-Lý Biển Ðông” (năm 1995), lần này chúng tôi cũng sẽ đi ra ngoài khuôn-khổ giáo-khoa để lạm-bàn thêm các diễn-biến cận-đại. Lại nhằm lúc không-khí sôi-động vì đồng-bào ta, trong cũng như ngoài nước, phẫn-nộ đứng lên tố-cáo Hà-Nội dâng đất dâng biển cho Trung-Cộng, chúng tôi xin ghi thêm một vài lý-lẽ về việc tranh-cãi chủ-quyền trên biển. Trong khả-năng riêng, chúng tôi ước-lượng và đề-nghị một số đường ranh-giới hải-phận thể theo luật-pháp quốc-tế hiện-hành.

Hình 3. Vịnh Bắc-Việt – Hình-thể tổng-quát

Hình 4.

1.2 – Miền Bắc Khai-Nguyên

Trong giai-đoạn khai-nguyên dân-tộc, từ thời Văn-Lang qua đến thời Ðại-Việt, biển nước ta còn hẹp, gần như xấp-xỉ trùng hợp với vùng biển “Vịnh Bắc-Việt” này [7].

Qua cuốn sách “Miền Bắc Khai-Nguyên”, các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh đã mô-tả đầy đủ về đất-đai và một phần sơ-sài hơn về biển của Miền Bắc-Việt-Nam. Hai Ông-thường hợp-biên và là tác-giả những tập “Việt-Nam Chí-Lược” hồi các thập-niên 1960-1970[8]. Phần sơ-lược về Ðịa-lý Miền Bắc được giới-thiệu như sau: “Ở nơi trung-tâm khai-nguyên này của dân-tộc, tổ-tiên chúng ta đã phải luôn đấu-tranh để giữ cho giống nòi được tồn-tại, đất nước được vững bền, văn-hóa được mở mang… Ðất nước chúng ta từ ngày lập-quốc chỉ vỏn vẹn gồm có Bắc-Việt và Miền Bắc Trung-Việt.” Về mục-đích viết và đọc sách địa-lý, các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh viết rằng: “Biết xứ-sở để yêu xứ-sở, để hãnh-diện vì xứ-sở, nhất là vì những công-trình của Tổ-tiên đã xây-đắp nên xứ-sở”.

1.3 – Văn-hóa Nước từ Sinh-hoạt Biển đi vào

Nói một cách chung khi trình-bày thêm những yếu-tố địa-lý về Vịnh Bắc-Việt, chúng tôi tiếp-tục đi theo sau các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh cùng một số tác-giả khác đã viết về địa-lý Việt-Nam. Tuy vậy trong khía-cạnh riêng-biệt của chí-lược, chúng tôi có ý nghiêng việc nghiên-cứu về một quan-niệm địa-lý mới hơn. Lúc viết rằng “Miền Bắc Khai-Nguyên”, chúng tôi tự đặt câu hỏi “có gì đi trước sự khai-nguyên đó không?”.

Khi nghiên-cứu truyền-thuyết người ta có thể hiểu được tiến-trình hình-thành của một dân-tộc. Đó là ý-kiến của Keith Weller Taylor khi viết cuốn sách “The Birth of Vietnam”. Trong chương đầu tiên (1- Lac Lords), Taylor bàn ngay đến những cách nhìn của ông về truyền-thống hàng-hải Việt-Nam qua những truyện thần-thoại đầu tiên của dân-tộc chúng ta. Theo đó những vua Hùng truyền đi từ Kinh-Dương-Vương, Lạc-Long-Quân. Ông vua Rồng Lạc-Long này quê từ ngoài biển cả đi vào, giúp dân trừ yêu-quái trên đất liền, dạy dân cách trồng lúa để ăn, may quần áo để mặc.[9]

Hình 5.

Nhân lúc nghiên-cứu về sinh-hoạt biển-cả Việt-Nam, có thể chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Ðó là ảnh-hưởng của một nền “Văn-hóa Nước” đến từ Vịnh Bắc-Việt sau Thời-đại Băng Ðá, trước khi dân ta quy-tụ lập-nghiệp tại vùng châu-thổ Sông Hồng. Giả-thuyết này đã được chúng tôi giới-thiệu trong cuốn “Ðịa-Lý Biển Ðông với Hoàng-Sa và Trường-Sa, nay được trình-bày thêm qua số chứng-liệu mới..

1.4 – Vịnh Bắc-Việt, Bể Ðông, Biển Tây và các Tên Gọi

Truy-nguyên nguồn-gốc, chúng ta thấy rằng danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” còn tương-đối rất mới. Bể Ðông hay Biển Ðông là chính-danh lâu đời tên gọi vùng biển nước ta. Tên gọi “Biển Ðông” rất có thể đã được Tổ-tiên chúng ta là cư-dân bản-địa sử-dụng từ hàng chục nghìn năm xưa, hiển-nhiên trước cả khi lập-quốc. 

Người Việt chúng ta chỉ mới khởi-sự nghĩ đến sự cần-thiết phải xác-định danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” khi bắt đầu cuộc Nam-tiến, xuôi theo đồng-bằng Nam-Ngãi-Bình-Phú vào Nam. Rồi cuối cùng, lúc ngừng chân tại vùng đất màu mỡ Cửu-Long-Giang, cư-dân mới người Việt gọi Vịnh Phú-Quốc là Biển Tây vì vùng biển này nằm về phía Tây của họ. Tên Biển Tây mang tính-cách địa-phương, không có ý-nghĩa nhiều về địa-lý.

Hình 6.

Nói một cách tổng-quát, tên biển Việt-Nam như sau:

– Tên Vịnh Bắc-Việt để chỉ vùng biển đoạn Móng-Cái – Ðảo Cồn Cỏ.

– Tên Biển Tây hay Vịnh Phú-Quốc (đoạn Cà Mau – Hà-Tiên – Phú-Quốc – Thổ-Chu) xuất-hiện từ thế-kỷ 18.

– Bể Ðông hay Biển Ðông là tên Biển bản-địa lâu đời của dân ta.

Ngày nay, Biển Ðông được hiểu là biển lớn bao gồm cả Vịnh Bắc-Việt và Vịnh Phú-Quốc. Hơn thế nữa, Biển Đông là vùng biển của Ðông-Nam-Á, bao quanh bởi các nước-Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung-Hoa.[10] Trên bản-đồ toàn-cầu, người ta thường dùng “Biển Nam Trung Hoa”, nhưng mọi người đều biết rằng tên đó lúc đầu đã được các nhà hàng-hải thời-kỳ cổ đại đặt ra là để chỉ vị-trí, hoàn toàn không phải là để chỉ chủ quyền[11].

1.5 – Hành-trình Dân-Tộc trước khi Nam-Tiến

Hình 7.

Từ “Miền Bắc Khai-Nguyên”, dân ta bắt đầu Nam-Tiến khoảng một ngàn năm qua. Ðã có nhiều tài-liệu viết về công-trình này và sử sách cũng ghi chép đầy đủ. Vì e-ngại đồng-bào đã vô-tình quên-lãng hai công-trình khác tiến-hành trước đó rất lâu, chúng tôi muốn trình-bày những giả-thuyết và đề-nghị ghi thêm hai danh-từ mới là Tây-Tiến và Ðông-Tiến vào cho được đầy đủ.

Từ xa xưa, người Việt đã cư-trú trên các đảo ven bờ và dần dần mở rộng các hoạt-động kinh-tế trên các quần-đảo ở xa trên biển Đông. Ngay trong truyền-thuyết Lạc-Long-Quân và bà Âu Cơ về nguồn gốc dân-tộc-Việt-Nam, cũng đã thấy nói rằng 50 người con theo cha (Lạc-Long-Quân) xuống biển và 50 người con theo mẹ (Âu Cơ) lên núi. Những người con này của hai ông bà về sau đã sinh thêm con đàn cháu đống và đã hợp sức khai-phá toàn lãnh-thổ Việt-Nam.[12]

Mặc dù đấy chỉ là truyền-thuyết nhưng nó có một ý nghĩa nhất-định: những người Việt cổ ngay từ đầu đã làm ăn sinh sống ở ngoài biển, trên những đảo và quần-đảo tiếp cận. Hơn thế nữa lúc khởi-nguyên, rất có thể Tổ-tiên ta đã từ ngoài Vịnh biển Bắc-Việt di-cư vào. Huyền-thoại Lạc-Long-Quân chính là biểu-tượng truyền-kỳ của cuộc Tây-Tiến, cuộc hành-trình đầu-tiên của Dân-tộc.

Hình 4. Bản-đồ Nam-tiến

1.6 – Tây-tiến và Ðông-Tiến

Hinh 8.

Các tài-liệu khảo cổ của Madeleine Colani chứng minh rằng con người đã định-cư trên các đảo ven bờ Vịnh Bắc-Việt, trong khu-vực hai quần-đảo Hạ-Long và Bái-Tử-Long từ 10,000 năm nay. Bà Madeleine Colani xếp sinh-hoạt lúc ấy vào nền Văn-minh Bắc-Sơn. Theo giáo-sư Lê-Bá-Thảo, thời đó là giai-đoạn cuối của nền văn-hóa Hòa Bình, sinh-hoạt cư-dân còn được thể-hiện trong các di chỉ Soi Nhụ (cách đây khoảng trên 10 vạn năm) và nền văn-hóa Cái Bèo (khoảng 6 nghìn năm trước). Đến nền văn-hóa Hạ-Long (khoảng 4000-5000 năm trước) thì con người đã sinh cơ lập nghiệp trên đới ven biển, bao gồm cả các đảo và dải đất duyên-hải.

Nói chung, khi đi sâu từ phía biển cả vào phía núi rừng, người ta thấy chứng-tích sinh-hoạt loài người tại vùng núi ven biển sớm sủa hơn những vùng cao-nguyên nằm sâu trong nội-địa.

Các Khoa-học-gia cho biết sau thời-đại Băng-đá có một thời-kỳ biển tiến. Tất cả những vùng đồng-bằng bao-la Sunda (phía Nam Biển Đông), đồng-bằng Nanhai (trên nền Vịnh Bắc-Việt) bị chìm ngập dưới đại-dương. Nước biển tràn vào tới Việt-Trì. Con người thuộc nhiều sắc-tộc khác nhau phải cùng nhau dồn lên cư-trú dọc theo chân núi. Họ sống chủ-yếu bằng săn-bắt và hái lượm, trồng rau đậu với công-cụ đá thô sơ. Những điểm cư-trú của tiền-nhân được phân-bố khá gần nhau: dọc theo khu Thanh-Hóa, Ninh-Bình, Hòa-Bình, ở phía Tây-Nam; vùng Bắc-Ninh, Đông-Triều, Bắc-Sơn, Hạ-Long phía Đông-Bắc… Cuộc hành-trình Tây-Tiến đã kết-hợp dân-tộc. Văn-minh Hòa-Bình bắt đầu tỏa sáng.

Thời-gian tồn-tại của họ cách nay khoảng trên mười nghìn năm…Rồi nước biển rút dần; vào thời-điểm cách nay khoảng bảy nghìn năm, con người rời núi non, tràn xuống chiếm-lĩnh đồng-bằng châu-thổ. Đây là cuộc hành-trình Đông-Tiến, tiền-nhân bành-trướng khu-vực sinh-hoạt ra khắp duyên-hải Vịnh Bắc-Việt.

Hình 9.

Môi trường sống đã dễ chịu hơn trước; thức ăn khá dồi dào, ngoài dã thú và rau đậu, còn có cá tôm, nhất là sò hến nhiều không kể xiết. Công-cụ đá đựợc hoàn thiện một bước, đồ gốm làm bằng tay bên cạnh đồ gốm làm bằng bàn xoay.

Chester Norman cũng cho ta một sự mô-tả tương-tự về Tây-tiến và Đông-tiến như sau:

Norman cho rằng nền Văn-minh Hòa-Bình được tạo-dựng trong thời-gian thềm lục-địa Sunda (và Nanhai) bị ngập nước. Khi đó vịnh Bắc-phần và vịnh Thái-Lan mà lúc trước là hai vùng đồng-bằng trũng, nay cũng thành-hình.

Từ nhiều ngàn năm trước, người dân thuộc nền văn-hóa Hoà-Bình ở miền Tây Biển Đông chỉ sống bằng cách săn-bắn, hái-lượm và trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung-lũng. Bỗng nhiên mật-độ dân-cư tăng lên nhanh, con người phải có phương-pháp mới để sản-xuất thêm thực-phẩm. Loài trâu, loài heo được gia-súc-hóa.

Hình 5. Bản-đồ ghi-nhận những đường di-dân “Tây-tiến” từ Nanhailand ngoài Biển Ðông vào đất liền trong thời Hậu Băng-Đá[13] 1-Dân di-cư đông-đảo nhất theo Hồng-Hà. 2-Theo sông Mekong. 3-Theo sông Chao Phraya. 4-Theo các dòng sông cổ xưa từ vùng biển Bali Sea. 5-Theo Tây-giang. 6-Theo Dương-Tử

Người ta di-chuyển từ thung-lũng xuống khai-phá đồng-bằng. Yếu-tố quan-trọng nhất của đà phát-triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ-cốc thuần-hóa sau này thích-hợp cho ruộng nước. Khoảng 5,500 năm trước, cây lúa đã được trồng trọt.[14]

Hình 10.

Hình6. Việt-Nam nằm trong vùng phân-bố cây lúa dại. Lưu-ý địa-bàn Trung-Hoa thời cổ không có loại cây này

Truyền-thuyết “Âu-Cơ – Lạc-Long-Quân với 50 con đi lên miền núi đồi, 50 con xuống miền sông biển” đã xác-nhận các công-trình Tây-tiến của tiền-nhân Việt-tộc từ Vịnh Bắc-Việt đi vào đất liền và Đông-tiến từ núi đồi, kéo nhau xuống khai-thác những vùng đất tân-bồi phía Đông. Truyền-thuyết cũng nhằm giải-thích sự có mặt của các bộ lạc khác nhau trước đây từ khắp các nơi thuộc đồng-bằng Biển Đông, nay cùng tạo-dựng nên cội nguồn thống-nhất, cao-quý của dân-tộc Việt-Nam.

Hình 7. Các địa-điểm khai-quật thời Thạch-khí thường dọc theo chân núi. Vùng châu-thổ không có di-chỉ nào cổ.

1.6 – Khai-sinh của Biển Ðông

Vịnh Bắc-Việt “tương-đối” còn trẻ và đã thay hình đổi dạng liên-tục trong quá-khứ.

So-sánh với niên-đại của lục-địa Việt-Nam (thường gọi là Indosinias hay Indosinia), và cả Biển mẹ của nó là Biển Ðông, Vịnh Bắc-Việt có một số tuổi rất là khiêm-nhường.

Hình 11.

Khi nói về sự bền vững của nền lục-địa xứ ta, Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ đã viết rằng “Việt-Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ Trái đất bền vững từ mấy trăm triệu năm nay[15]. Theo tiêu-chuẩn “bền vững” đó, Biển Ðông và nhất là Vịnh Bắc-Việt – nay hiện ra mai mất đi – đều không thể nào mang ra so-sánh được.

Theo các nhà địa-chất, lúc xưa trái đất[16] chỉ lớn bằng 4/5 thể-tích ngày nay. Các lục-địa dính chùm vào với nhau thành khối đại lục-địa Pangea. Cách nay 340 triệu năm, ở khu-vực phía Ðông gần xích-đạo (sau này thành vùng Ðông-Nam-Á) xuất-hiện một cái hồ chứa nước hình tam-giác đều mỗi cạnh chừng vài trăm cây số.

Vào khoảng 240 triệu năm trước, khi Pangea bắt đầu bành-trướng, các lục-địa tách rời nhau và trái đất lớn dần. Kích-thước “hồ nước” tam-giác đủ lớn và đủ sâu để làm cho lớp vỏ trái đất dưới đáy của nó mỏng dần và giãn nở theo với đà bành-trướng của các lục-địa. Do nhiều yếu-tố ngẫu-nhiên phù-hợp làm thay đổi cấu-trúc của lớp vỏ trái đất chỗ đó thành vỏ đại-dương mà sau này “hồ nước” trở thành Biển Ðông[17].

Hình 12.

Lúc mới thành-hình, biền này nằm ở phía Bắc khu đất hình chữ “S nằm ngang” của Việt-Nam.

Hinh 8. Trước đây chỉ Trái đất chỉ có một Đại lục-địa Pangea duy nhất bao quanh bởi biển cả. Khoảng 220 triệu năm trước, Pangea bành-trướng, dần dần các lục-địa tách rời nhau. Lưu- ý vị-trí di-chuyển của Biển Ðông trong quá-khứ, đã thay đổi qua lại giữa Bắc và Nam Bán-Cầu.

Hình 9. Vỏ Trái Đất mở rộng, đáy đại-dương giãn nở 

Theo các họa-đồ và tài-liệu của Cục Ðịa-Chất Việt-Nam[18] chúng ta hình-dung sự diễn-tiến hình-thành của Biển Ðông như sau:

– Cách nay 240 triệu năm, từ hình tam-giác đều, hồ nước biến hình-thành một lá cờ đuôi nheo dài hàng ngàn cây-số. Phía cán cờ nối thẳng từ Ðài-Loan tới Hoàng-Sa. Cạnh đuôi nheo chạy rất gần bờ biển Miền Trung Việt-Nam kéo dài tới khu Cù-lao Thu.

– Khoảng 220 triệu năm đến 80 triệu năm trước, hình-dạng cờ đuôi nheo biến-dạng thật nhanh. Biển Ðông đã kéo dài hơn hai ngàn cây-số, xuống tận ngoài khơi Singapore. Trong khi đó biển Malacca đang chiếm vùng Bangkok đến Singapore cứ nhỏ dần.

Hình 13.

– Cách nay 37 triệu năm, Biển Ðông bành-trướng khá mạnh[19]. Diện-tích vào khoảng chừng 70% diện-tích hiện-thời. Sau đó mấy chục năm, Biển Ðông đã thu-hút luôn cả Biển Malacca để nhập vào một Biển lớn. Vẫn chưa thấy xuất-hiện hình-dạng của Vịnh Bắc-Việt vì đáy biển ở đó chưa giãn mỏng và nước chưa tràn vào.

Hình 10. Biển Đông lúc mới thành hình

Tiểu lục-địa Ấn-Ðộ, rồi tiểu lục-địa Úc-Ðại-Lợi sau khi tách ra, trôi về hướng Ðông-Bắc. Khi tiểu lục-địa Ấn-Ðộ đụng vào lục-địa Á-Âu tạo ra dãy núi “trẻ” Hi-Mã-Lạp-Sơn, nó cũng làm vùng đất Việt-Nam xoay chuyển dần sang hướng Bắc-Nam (chữ S đứng thẳng). Biển lúc này chuyển từ từ sang phía Ðông của Việt-Nam.

Hình 11.Hình-ảnh Biển Đông 220 triệu năm trước 

Hình 12. Hình-ảnh Biển Đông 140 triệu năm trước

Hình 14.

1.7 – Khai-sinh của Vịnh Bắc-Việt

Ngày khai-sinh của Vịnh Bắc-Việt được Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản thuộc Cục Ðịa-Chất Việt-Nam ước-lượng vào khoảng 11 triệu năm. Ðáy biển giãn mỏng, chìm xuống và vịnh có đôi khi ngập nước. Bờ Vịnh đạt tới hình-thể gần tương-tự như ta thấy ngày nay. Bản-đồ địa-chất có ý ghi cả chiều sâu đáy biển phía Tây của Hoàng-Sa (gần cửa Vịnh) là 200m. Cả Biển Ðông và Vịnh Bắc-Việt vẫn còn tiếp-tục bành-trướng.

Ta biết rằng mực nước đại-dương tăng giảm theo nhiệt-độ trái đất. Mực nước này cạn trong thời-đại Băng Đá[20] và dâng cao khi băng-đá trên núi cao và hai cực tan rã. Trong khoảng 11 triệu năm qua, Vịnh Bắc-Việt đã nhiều lần khô cạn như một cánh đồng-bằng trũng.

Hình 15.

Hình 13. Mực nước biền tăng giảm trong thời-gian qua

Chính do sự trôi giạt phức-tạp của các lục-địa (kể cả lục-địa Á-Âu) mà khu-vực-Việt-Nam /Biển Ðông có lúc đã ở Bắc Bán-Cầu, lại chuyển dần xuống xích-đạo. Có giai-đoạn Việt-Nam trôi xuống Nam Bán-Cầu gần vị-trí Úc-Ðại-Lợi hiện thời, rồi chuyển-động ngược lại. Và ngày nay, người ta lại thấy nó hiện-diện trở lại tại Bắc Bán-Cầu.

Trong giai-đoạn hình-thành Biển Ðông, một vùng biển-hồ nữa cũng xuất-hiện tại khu-vực phía Tây của Tây-nguyên. Biển này nằm vắt qua cả Lào, Cambodge và Thái-Lan, dần dần xa rời trung-bộ Ðông-Dương di-chuyển về hướng Mã-Lai. Sau cùng biển này bị Biển Ðông thu-hút.thành Biển Malacca như ta thấy hiện nay.

Hình 14. Hình-ảnh Biển Đông 80 triệu năm trước

Hình 15. Sự hình-thành Vịnh Bấc-Việt

1.8 – Hình-thể Vịnh Bắc-Việt hôm nay

Như đã trình-bày ở trên, Vịnh Bắc-Việt trong quá-khứ đã trải qua nhiều giai-đoạn địa-chất. Có khi Vịnh ngập nước biển, có khi lại bị khô cạn. Khi vịnh cạn nước, nó không còn mang danh-hiệu của một vịnh biển nữa.

Hình 16.

Ngày nay xem bản-đồ, chúng ta có thể tưởng-tượng Vịnh Bắc-Việt như một phần hình vành khăn tương-tối đều-đặn, rộng trung-bình chừng 150 Hải-lý. Trung-tâm vành khăn này nằm trên đảo Hải-Nam. Bìa trong là bờ biển phía Tây của Ðảo Hải-Nam. Bìa ngoài vành khăn ấy là bờ biển vùng Bắc-Việt-Nam và một phần tỉnh Quảng-Tây của Trung-Hoa.

Tuy vậy trong khoảng 2,000 năm qua, nhân-loại đã hình-dung Vịnh này qua nhiều hình-dạng và định vị-trí của nó với nhiều sự dị-biệt. Nhiều bản-đồ được vẽ ra với những hình-thể không những kỳ-lạ mà vị-trí Vịnh Bắc-Việt được mô-tả cũng khác xa với thực-tế.

1.9 – Signus Magnus-Vịnh Bắc-Việt – thuộc Ấn-Ðộ-Dương?

Vào thời thượng-cổ sang trung-cổ, không có một vùng biển nào của Á-Ðông nổi tiếng trong giới thượng-lưu cũng như thương-mại Âu-Châu bằng Vịnh Bắc-Việt.

Hình 17.

Một thế-kỷ sau Tây-lịch, học-giả uy-thế Ptolemy vẽ bản-đồ thế-giới, ghi-nhận những địa-danh của “bán-đảo Vàng” Mã-lai/ Đông-Dương, Biển Đông với Vịnh Bắc-Việt. Tận cùng về phía Đông của Ấn-Ðộ-Dương, Ông chú-giải chi-tiết và vẽ hải-đồ hàng-hải giao-thương với một Hải-cảng thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Cattigara[21]. toạ-độ 177 độ Đông kinh-tuyến, 8 độ 30′ Nam vĩ-tuyến[22].

Một chuyện hãn-hữu mang tính-chất lịch-sử đã xảy ra. Ðó là chuyện những bản-đồ Ptolemy được các học-giả Ả-Rập sử-dụng và nỗ-lực phổ-biến khắp nơi suốt thời-gian hơn 1,200 năm. Người ta tin-tưởng vào công-trình của Ptolemy đến độ một số sai-lầm trong tác-phẩm của Ông còn tồn-tại cho đến cuối thế-kỷ thứ 18.[23] Trong những sai lầm đó, quan-trọng nhất là những yếu-tố địa-lý căn-bản của Vịnh Bắc-Việt bị nhiều nhà hàng-hải và cả một sổ nhà địa-lý lừng danh lập lại một cách lệch lạc đến 1700 năm sau.

Hình 16. Biển Đông với hải-cảng chính Cattigara vẽ theo bản-đồ Ptolemy.[24]

Theo Ptolemy, Vịnh Biển Lớn (Signus Magnus – chỉ Vịnh Bắc-Việt) là một phần của biển Ấn-Ðộ. Hải-cảng chính của Vịnh này là Cattigara nằm bên bờ phía Ðông của Ấn-Ðộ-Dương cạnh hai con sông lớn. Tài-liệu của Trường Viễn-Ðông Bác-Cổ phỏng-định vị-trí hải-cảng Cattigara nằm trong khu-vực Quảng-Yên, Hồng-Gai[25].

Vì nhận ra rằng Vịnh Bắc-Việt không thể nằm về phía Tây của Việt-Nam, một nhà họa-đồ Pháp vào thế-kỷ 17 đã phân-giải sự sai-nhầm về hình-thể và vị-trí khu-vực Ðông-Dương bằng một bản-đồ chính-xác hơn mà chúng tôi xin trình-bày nơi đây. Đặc-biệt tác-giả vô-danh này còn ghi rất chính-xác là Vịnh Bắc-Việt (Grand Golfe/Cignus Magnus) không nằm trong Ấn-Độ-Dương mà thuộc vào Biển Đông ( Ocean Oriental[26])

Hình 17. Họa-đồ Pháp phân-giải sự nhầm-lẫn về vị-trí và hình-thể Vịnh Bắc-Việt của các bản-đồ cổ Ptolemy.

Hình 18.

1.10 – Vịnh Bắc-Việt hình Tam-giác?

Vào giai-đoạn kỹ-thuật hàng-hải phát-triển, các nước Âu-Châu giương buồm đi buôn bán và đưa quân đi chiếm đất khắp nơi. Một số bản-đồ liên-hệ với Vịnh Bắc-Việt căn-cứ vào những quan-trắc mới được vẽ lại. Rất nhiều hải-đồ khác lại sao đi, chép lại lẫn nhau. Nói chung, họ vẽ Vịnh Bắc-Việt như một cái hình tam-giác hay hình lá cờ đuôi nheo. Mũi nhọn của Vịnh hướng về kinh-đô Thăng-Long, mà họ ghi bằng những chữ phiên-âm từ địa-danh Kẻ-Chợ, Ðông-Kinh.

Hình 18. Vịnh Bắc-Việt hình Tam-giác trên một bản-đồ Tây-phương vào thế-kỷ 17 [27] Hải-Nam được vẽ rất nhỏ.

Trong những tấm bản-đồ thế-kỷ 17 quen-thuộc, người Việt-Nam nhận thấy trong sách của Linh-Mục Alexandre de Rhodes có vẽ rô ràng Vịnh Bắc-Việt, nhưng bờ biển lõm sâu vào tới gần Kẻ Chợ hay Đông-Kinh (Kecho/Kecio, Tumkin) tức Hà-Nội.[28] Đảo Hải-Nam được mô-tả rất nhỏ.

Hình 19.  Trong Bản-đồ “ Ðàng Trong và Ðàng Ngoài” của Linh-Mục Alexander de Rhodes, Vịnh Bắc-Việt được vẽ nhọn như một lưỡi kiếm thọc sâu vào gần thủ-đô Hà-Nội.

Hình 20. Vịnh Bắc-Việt với một hình-dạng lạ lùng thấy trên hải-đồ Francisco Rodrigues[29]. Tác-giả lại còn cung-cấp đầy đủ phương-vị-độ cho việc hải-hành !?.

Hình 19.

Lại có cả những bàn-đồ vẽ Vịnh Bắc-Việt như một hình bình-hành, chiều dài gấp hai ba lần chiều ngang. Còn hơn thế nữa, có hải-đồ mô-tả hình-thể Vịnh một cách thật là kỳ-quặc, có khi giống như củ khoai hay khúc sắn. Sưu-tầm những bản-đồ cổ loại này là một thích-thú lớn đáng kể.

  1.11 – Vịnh Bắc-Việt trên Bản-đồ Nhật-Bản

Nhật-Bản là nước đầu-tiên ở Á-Ðông vẽ bản-đồ theo lối Tây-phương. Năm 1645, một tấm bản-đồ loại mới đó được ấn-hành mang tên Bankoku Sozu (Bản-đồ Thế-giới Tổng-Quát). Một tấm nữa mang tên Shoho, tuy có lời chú-giải bằng Nhật-ngữ, nhưng nó chính là bản sao của địa-đồ Matteo Ricci thực-hiện tại Trung-Hoa vào cuối thế-kỷ 16.

Hình 21. – Vịnh Bắc-Việt với hình-thể tam-giác được vẽ trên một tấm bình-phong ở Nhật-Bản [30] (thế-kỷ 17)

Bản-đồ Nhật-Bản thời đó thường căn cứ vào tài-liệu của những người Ðức và người Hòa-Lan như Ortelius, Mercator v.v… Do đó, Vịnh Bắc-Việt đồng loạt, được họ mô-tả bằng hình một tam-giác. Sang đến đầu thế-kỷ 19, việc sao chép bản-đồ cổ như vậy còn tiếp-tục cho đến khi những bản-đồ này được thay-thế bởi các bản-đồ mang danh “Thế-giới Phật-tử và Tam-giáo”. Hình-thể mới của Vịnh Bắc-Việt dần-dần được điều-chỉnh cho thêm phần chính-xác, đạt được tiêu-chuẩn hải-hành.

Chúng tôi xin trích-sao một góc nhỏ của tấm bản-đồ lớn “Emboudai Zu Tsuketari Knee”, lấy trong tập “Buddhist Maps of the World” (with an Illustration of the Sun), Zont, ấn-hành bằng mộc-bản năm 1828. Theo đó, ta thấy kỹ-thuật họa-đồ của người Nhật-Bản đã tiến-bộ vượt bực.

Hình 20.

Hình 22. Bản-đồ Nhật-Bản “Emboudai Zu Tsuketari Knee” được vẽ khá chính-xác

1.12 – Huyền-thoại về hải-cảng Vịnh Bắc-Việt

Trước khi Trung-Hoa phát-triển hàng-hải vào thế-kỷ thứ 5, hải-cảng sầm-uất nhất của Biển Đông nằm trong Vịnh Bắc-Việt vùng Vân-Ðồn, Hòn-gay, Hải-phòng mà các nhà hàng-hải quốc-tế thường gọi là Cattigara. Tên này có thể là phiên-âm của một trong các địa-danh thời cổ của nước ta như Giao-Chỉ-Cauchi, Kẻ Chợ-Kesho hay Cửa Gay-Hòn Gay/Hồng Gai.

Sau cuộc viễn-chinh của Alexandre Đại-đế (336-323 Trước Tây-lịch- TTL.) sang Ấn-Độ, nhiều giao-tiếp đã xảy ra giữa Âu-Châu và Á-Châu. Từ đó, người Hy-Lạp biết thêm nhiều sinh-hoạt của người Á-Châu. Eratosthene (275-195 TTL) viết sách Geographia, Ptolemy (khoảng 100-170) phát-triển môn địa-lý, viết sách và hình-dung ra một bản-đồ thế-giới[31] mà tận-cùng về phía Đông-Đông-Nam là bán-đảo Vàng Chersonese và hải-cảng Kattigara (kinh-độ 117 độ Đông, vĩ-độ 8 độ Nam). Kinh-tuyến gốc được lấy từ đảo Ferro – (Islands of the Blest- quần-đảo Canary). Nhiều người cho rằng bán-đảo Vàng là Đông-Dương và Kattigara (hay Cattigara) chỉ Kẻ Chợ (Kesho), Long-Biên (Lugin) hay Hà-Nội ngày nay.

Riêng về từ-ngữ hàng-hải, ta có thể hiểu chữ Cattigara theo như nghĩa người Bắc-Âu: Kati là Tàu thuyền, Gata là hải-đạo.? Như vậy Kattigara có nghĩa là chỗ hải-cảng mà tàu thuyền hải-hành tới.

Hình 21.

Ông Bình-Nguyên-Lộc không thỏa-mãn với vị-trí ước-đoán cho rằng Kattigara nằm trong vùng Kẻ Chợ Hà-Nội, mà nghĩ rằng Kattigara có thể là Kẻ Thị Gay, tức thành-phố Ghe thuyền. Ông suy ra tên Kattigara chính là địa-danh của thương-cảng Hòn-Gay như ta vẫn gọi ngày nay?

Việc xác-định xem thương-cảng Kattigara ở đâu vẫn chưa thực-hiện được. Theo ý một vài nhà nghiên-cứu, khi biết đúng vị-trí, những cuộc khai-quật chắc chắn sẽ mang lại thêm nhiều hiểu biết mới và giúp chúng ta trả lời được nhiều câu hỏi chưa có giải-đáp về thành-quả hàng-hải và thương-mại của người cổ Việt.

Tác-giả cuốn sách “Ancient India as Described by Ptolemy” là J.W.MacGrindle, cũng đồng-ý Kattigara là Hà-nội. Nơi trang 9, lời tác-giả ghi-chú: “Trung-Hoa trong gần 1,000 năm đã được biết như là quốc-gia nằm trong nội-địa Á-Châu (inner Asia)”. Tại trang 26, ông viết: “…với lý-thuyết rằng Kattigara, điểm xa nhất về phía Đông tới được bằng đường biển, phải nằm gần hay trên cùng kinh-tuyến với nước Tàu, điểm xa nhất đi đến được qua đất liền[32].”

Hình 22.

Người Âu-Châu thời đó, khi nghĩ đến Đông-phương hàng-hải là nghĩ đến vùng đất quê-hương chúng ta nhiều của cải, đầy vàng bạc châu báu, và cửa biển chính thông-thương ở Vịnh Bắc-Việt. Từ trước thời Bắc-thuộc, lưu-vực sông Hồng, sông Mã đã là những trung-tâm hàng-hải cùng thương-mại phồn-thịnh, hàng-hoá đi khắp nơi và có nhiều mối liên-lạc với Tây-phương. Sự giao-thương này chắc chắn sâu-đậm đến mức-độ tất cả những bản-đồ thế-giới do Tây-phương ấn-hành suốt mười mấy thế-kỷ sau đó, đều cố ghi địa-danh Kattigara.

Thật lạ lùng là sau chuyến đi của Marco Polo sang Á-Ðông vào thế-kỷ 13, các nhà địa-lý đã không sửa được bản-đồ cho đúng, mà cả sau khi Magellan mất mạng trên đường đi vòng quanh thế-giới (năm 1521), tọa-độ địa-dư của Kittigara (Thăng-Long hay một hải-cảng nào trên bờ Vịnh Bắc-Việt cũng vậy) vẫn giữ nguyên như cũ.

Khi tìm được Tân Thế-giới, người Âu-Châu tưởng rằng mình đã khám-phá ra được con đường hàng-hải sang Á-Châu và đinh-ninh sẽ tìm ra được cảng Kattigara của Vịnh Lớn Bắc-Việt. Địa-danh hải-cảng này do đó được tiếp-tục ghi trên lục-địa Mỹ-Châu trong nhiều thế-kỷ. Anh em nhà Columbus[33] cũng như Amerigo Vespucci và Ferdinand Magellan[34] cùng chép trong Sổ Hải-hành sự mong đợi được ghé tàu cặp bến xứ ta.

Hình 23.

Tên America, chỉ-danh của toàn-thể lục-địa Mỹ-Châu, được đặt theo tên của nhà hàng-hải Amerigo Vespucci. Ông là người đầu tiên xác-định được “tân-thế-giới” không phải là lục-địa Á-Châu. Tuy vậy, Vespucci vẫn không giám quả-quyết hướng đi nào dẫn tới Kattigara và rất có thể, giống những người đồng-thời, Ông phỏng-đoán “Giao-chỉ” ở đâu đó rất gần vùng đất mới. Hình-ảnh hải-cảng huyền-thoại đó không những đã đeo đuổi Ông mà còn đeo đuổi tiếp-tục những nhà hàng-hải và họa-đồ thế-giới theo sau nghề-nghiệp của Ông hàng thế-kỷ.

Hình 23. Bản-đồ Sebastian Múnster (1540) “định-vị” hải-cảng Bắc-Việt Cattigara trên Nam-Mỹ-Châu

Trở lại quá-khứ để tìm hiểu, một nhà nghiên-cứu hàng-hải thế-kỷ 20 đã đặt các hải-đồ thông-dụng thời đó lên trên cầu-đồ thì thấy rằng:

– Những hải-đồ vẽ theo tài-liệu Ptolemy (hải-đồ Behaim (1492) trong trắc-nghiệm này) cho vị-trí Vịnh Bắc-Việt (và hải-cảng Cattigara) quá xa về hướng Đông, tức gần sát với Nam Mỹ-Châu.[35]

Hình 24.

– Những hải-đồ họa hình Tân Thế-giới cũng sai-lệch (hải-đồ La Cosa (1500) trong trắc-nghiệm này) cho thấy bờ biển Trung và Nam-Mỹ như “muốn vươn dài” qua phía Á-Châu.

Phần lớn sự lầm-lẫn là vì các nhà hàng-hải quá tin vào kiến-thức thời Ptolemy, do đó “vẽ phỏng chừng” Vịnh Bắc-Việt mà thôi. Có một sự trùng-hợp ở đây: khi xưa (thời Ptolemy) có nhiều người tin là vịnh biển nước ta quay ra Ấn-Độ-Dương thì nay những nhà hàng-hải “hậu Columbus” cũng lại cho rằng “Vịnh Bắc-Việt” phải nằm đâu đó ở “Nam Mỹ” và quay ra biển Thái-Bình-Dương.

Hình 24. Khi đặt hai hải-đồ Behaim và La Cosa lên trên cầu-đồ người ta hiểu tại sao Vịnh Bắc-Việt đã nhiều lần được vẽ trên bờ biển Nam Mỹ-Châu (vởi hải-cảng Cattigara) trông ra Thái-Bình-Dương.


[1] Miền Bắc Khai Nguyên, Cửu-Long-Giang Toan-Ánh, Sài-Gòn, 1969, trang 13

[2] Bờ biển Vịnh Bắc-Việt trong sách này bao gồm toàn-thể bờ biển Bắc-Bộ và một phần bờ biểnTrung-Bộ tới Ðảo Cồn Cỏ, vùng Bắc Quảng-Trị.

[3] Thứ-Trưởng Ngoại-giao Cộng-Sản Viêt-Nam (CSVN) Lê Công Phụng nói diện-tích Vịnh là 123,700 km2, tức nhỏ hơn một chút. Viện Nghiên-Cứu Ðông-Tây ở Hawai ước-lượng một con số lớn hơn: 46,961 hải-lý vuông, tức là 46,961×1,852×1,852 = 161,072 km2.

[4] Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, sách Nam Bắc phiên giới địa đồ của Lý Anh Tông (TK 11, nay không truyền, là đầu-tiên).

[5] Các bản đồ trước đó có lẽ đã bị quân Minh cướp hoặc tiêu hủy khi chiếm Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 15

[6] Số lượng đảo này do Thứ-Trưởng CSVN Lê Công Phụng đưa ra khi thương-thảo với Trung-Cộng. Chúng tôi đọc được những con số thống-kê lớn hơn rất nhiều:

– Chỉ nguyên trong một khu-vực nhỏ hẹp của Vịnh Hạ-Long, CSVN đã chính-thức đưa ra con số là 1,969 đảo trong Quyết định Số 313/VH-VP của Bộ Văn-hóa Thông tin ngày 28/4/1962 (Tài-liệu Ngân-Hàng Á-Châu ADB 1999). Các đảo Vịnh Hạ Long cũng có trong danh sách các khu rừng đặc dụng theo Quyết định Số 194/CT,ngày 9/8/1986 của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ).

– Con số 1,969 đảo Hạ Long này cũng được CSVN đưa vào danh sách khu di sản thiên-nhiên thế-giới (World Heritage Site). Năm 1994, đã được Uỷ ban UNESCO công nhận nguyên khu-vực danh-thắng có dìện tích 43,400 ha (chưa bằng 1% Vịnh Bắc-Việt) đã bao gồm 700 hòn đảo (ADB1999). Khắp thế-giới đều biết tiếng.

– Một con số còn lớn hơn nữa do Bộ Kinh-Tế CSVN (đề-tài KT-03-12, Hà-Nội, 1995) đưa ra là 2,321 đảo khu Quảng-Ninh-Hải-Phòng…

[7] Về phía Bắc, Hải-giới của Giao-Châu, của nước Vạn-Xuân (Tiền-Lý) tới Hợp-phố, Bắc-Hải. Hải-giới thời Ðinh-Lê-Lý, Trần tới Vịnh Khâm-Châu.

[8] Một số tác-phẩm như: Người Việt- Ðất Việt, Miền Bắc Khai-Nguyên, Miền Thượng Cao-Nguyên, Miền Trung Kiên Dũng, Miền Nam Phú-Cường…

[9] Keith Weller Taylor. The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.

[10] Trong đó phần bờ biển dài nhất là của Việt-Nam (2,828 hải-lý). Chỉ có 10% chu-vi của biển này (perimeter= 8192 nautical miles) thông-thương được ra các biển Thái-Bình-Dương và Ấn- Ðộ-Dương.

Theo tài-liệu của văn-phòng International Hydrographic Bureau, diện-tích Biển Đông vào khoảng 1,091,642 hải-lý vuông, bao gồm cả hai vịnh biển khá lớn là vịnh Bắc-Việt (46,961 hải-lý vuông) và vịnh Thái-Lan (85,521 hải-lý vuông). Chiều dài nhất của Biển Ðông tới 1,901 hải-lý.

Theo tài-liệu nghiên-cứu của Viện Nghiên-Cứu Ðông-Tây ở Hawaii, bờ biển Việt-Nam chiếm tới 35% chu-vi Biển Đông.

[11] Không phải ngẫu nhiên mà để chấm dứt sự hiểu lầm, có ý-kiến của một số nước ở Đông Nam Á cho rằng nên đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á. (Lê Bá Thảo. Việt-Nam – Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản (NXB) Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 53-54)

[12] Lê Bá Thảo. Việt-Nam – Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 551-552.

[13] Sumet Jumsai. Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific. Singapore, Oxford University Press, 1988.

[14] Chester Norman. The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Periods. Báo World Archaeology 2, No. 3, 1971: 300-320

[15] Phạm-Hoàng-Hộ. Cây cỏ Việt-Nam, 1993

[16] TuổiTrái Ðất nằm trong khoảng từ 4.5 đến 4.6 tỷ năm. Ðá già tuổi nhất chừng 4 tỷ năm. Vì sự xáo trộn địa-chất, ít khi ta tìm thấy đất đá già hơn 3 tỷ năm. Tuy vậy có những vi-sinh hóa-thạch già tới 3.9 tỷ năm. Vì thế, trong khi thời-gian các sinh-vật khởi đầu cuộc sống không thể biết chính-xác vào lúc nào nhưng rõ ràng không quá mới như ngưới ta ước-lượng trước đây. 71 phần trăm bề mặt Trái Ðất bao-phủ bởi nước. Trái Ðất là hành-tinh độc-nhất có nước trong thể lỏng bao bọc bên ngoài.

[17] Việt-Nam lúc đó có hình chữ S nằm ngang theo hướng Tây- Ðông.

[18] Bản-đồ Thành-Hệ Kiến-Trúc-Việt-Nam (Phần Ðất Liền và Một Phần Biển). Chủ-biên: Nguyễn-Xuân-Tùng, Trần-Văn-Trị. Hoàn-thành tại Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản, Hà-Nội, 1992.

[19] Dựa theo bản-đồ của Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản, Hà-Nội, 1992; chúng tôi ước-lượng: Diện-tích Biển Ðông lúc đó khoảng chừng 75% diện-tích hiện-thời

[20] hay còn gọi là Thời-kỳ Băng-Giá

[21]  Có sách và bản-đồ ghi Catigara hay Kattigara hay Katigara.

[22] Sách Researches on Ptolemy’s Geography of Eastern Asia, Colonel G.E. Gerini, M.R.A.S., London 1909.

[23] Ocean Almanac, Robert Hendrickson, Doubleday & Company, Inc., New York, 1984, p. 126

[24] Phỏng theo “Ancient History Atlas” Michael Grant, Cartograph by Arthur Bank, Mcmillan Publishing Co., Inc., New York, 1971: 75.

[25] le Grand Golfe baigne à I’Est la côte du pays des Sinai, dont le dernier point accessible est le port de Kattigara. Le pays des Sinai correspond au Tonkin et a la partie meridionale de la Chine; quant au port de Kattigara, il faut très probablement le placer sur la côte aux environs de Quangyen et de Hongay. ( Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême Orient, Tome XXI, Hanoi 1921, p. 197.)

[26] Thông-thường hải-đồ của người Pháp thời đó ghi biển này là Biển Trung-Hoa (Mer de Chine).

[27] Hàng trăm bản-đồ cổ của Âu-Châu vẽ Vịnh Bắc-Việt có hình-dạng tương-tự có thể tìm thấy trên các Websites về bản-đồ cổ. Ðiển-hình như: http://www.cosmography.com/emsa.htm

[28] Rhodes Of Vietnam – The Travels and Missions of Father Alexandre de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient. Translated by Solange Hertz. The Newman Press – Westminster, Maryland, 1966.

[29] Giáo-Sư Nguyễn-Khác-Ngữ dùng bản đồ này để chứng-minh người Bồ-Ðào-Nha đã đến xứ ta rất sớm, từ năm 1512. Trong khi đó, Khâm-Ðịnh Việt-Sử Thông-Giám Cương-Mục ghi người Tây-Phương đến năm 1533. (Bồ-đào-Nha, Tây-ban-Nha và Hoà-Lan giao-tiếp với Đại-Việt; Nguyễn-khắc-Ngữ, Montréal, 1988: trang 39-40)

[30] Một Collection về Bản-đồ do người Nhật-Bản vẽ được phổ-biến trên: http://www.cc.columbia.edu/itc/ealac/moerman/japanmaps/thumbs.html

[31] Có thể kể đến: Ératosthène , Hipparque (năm 190-125 TTL.), Polybe (200-118 TTL.), Poseidonios d’Apamée (135-50 TTL.), Marin de Tyr (Cuối thế-kỷ thứ 1 sang đầu thế-kỷ thứ  2), Marin, de  Tyr được coi như cha đẻ của ngành hải-đồ (fondateur de la cartographie marine,)

[32] “MacCrindle’s Ancient India as described by Ptolemy” (first printed 1884), revised by Ramchandra Jain, New Delhi, 1984.

[33] Truy-cứu lại tài-liệu hải-hành, các nhà nghiên-cứu tìm ra rằng Columbus chưa nắm vững kỹ-thuật thiên-văn. Hàng-hải phỏng-định bị sai lệch vì tác-dụng gió nước rất phức-tạp, không tính-toán được.

[34] Magellan cũng lưu-tâm đến vị-trí Cattigara rất nhiều. Sau khi từ Đại-Tây-Dương vào được Thái-Bình-Dương, ông dẫn hải-đội dọc theo bờ biển Chí-Lợi, viên thư-ký giữ tài-liệu hải-hành của ông là Pigafetta có vẻ bi-quan khi nói rằng :”Cái mũi đất Cattigara mà ngay cả những nhà “Vũ-trụ-học” (!) cũng chưa nhìn thấy thì lúc này không những chẳng thể nào tìm ra mà (chúng ta) cũng không thể tưởng-tượng được là nó ở vào chỗ nào!”?

[35] Với phương-tiện thô-sơ, chúng tôi phỏng-định vị-trí hải-cảng nước ta trên bản-đồ Ptolemy nằm tại tọa-độ quá xa về hướng Đông, sai-lệch tới 55 độ kinh-tuyến (hay 60 X 55 = 3,300 hải-lý, tức 61.12 grade hay 6112 Km)và cũng quá xa về hướng Nam sai tới 30 độ vĩ-tuyến (hay 60×30 = 1,800 hải-lý , tức 33.334 grade hay 3,334 km)

Click to listen highlighted text!