Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Hoàng Sa và Trường Sa trên Bản đồ Tây Phương


Nguyễn Đại Việt – Trịnh Bảo Ngọc

Nội dung bài viết này được tóm lược từ tài liệu của Ban Nghiên cứu Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ).

Đối với thế giới, mãi đến đầu thế kỷ 19, Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa) ngày nay vẫn được xem là một giải đảo cát và đá ngầm duy nhất, chạy liên tục trong khoảng từ vĩ độ 16 Bắc đến vĩ độ 12 Bắc, và nằm ngoài khơi vùng biển của vương quốc Cochin China. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha gọi giải đảo này là Ilhas de Pracel, nghĩa là quần đảo Pracel. Bài viết này trình bày một số bản đồ và hải đồ liên quan đến Ilhas de Pracel do các nhà hàng hải tây phương xuất bản trong các thế kỷ 17 và 18. Trong số đó, có một số hải đồ mô tả chi tiết vùng biển Đà Nẳng và vùng biển từ miền Trung Việt đến vịnh Thái Lan, bao gồm quần đảo Pracel.

Trước khi bước vào phần bản đồ và hải đồ, để tiện theo dõi, một vài chi tiết cần được nêu ra đây. Đầu tiên là sơ lược nguồn gốc tên vương quốc Cochin China, kế đến là lịch sử các tên Pracel và Paracel, và cuối cùng là thời gian khi quần đảo Pracel (hay Paracel) được chia thành hai nhóm đảo Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa).

Tên Cochin China

Tùy theo từng thời kỳ lịch sử của nước Việt, lãnh thổ của quận (hay bộ) Cửu Chân ngày xưa có những biên giới khác nhau. Riêng tỉnh Thanh Hóa ngày nay thì luôn được xem là phần lãnh thổ chính của vùng Cửu Chân. Người Mã Lai Á (Malaysia) phiên âm tên Cửu Chân thành Kuchi. Sau đó, để phân biệt với vùng Kuchi của Ấn Độ (India), các nhà hàng hải và thương nhân Bồ Đào Nha đã thêm vào chữ China, vì vương quốc này nằm cạnh China. Đồng thời họ phiên âm Kuchi China thành Cauchi China.

Sau người Bồ Đào Nha, các nhà hàng hải và thương nhân từ Hòa Lan (Dutch) và một số nước khác bắt đầu lui tới, giao thương với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.Theo thời gian, Cauchi China lại được phiên âm thành Cochin China. Tên vương quốc Cochin China bắt đầu xuất hiện trên các tài liệu tây phương trong những thập niên đầu của thế kỷ 16. [1]

Tên Pracel và Paracel

Tóm lược lại cuộc khảo sát vùng biển Ba Tây (Brazil) từ đảo Santa Catharia đến Maranlui của Babon Roussin và M. Mouchez thuộc Hải quân Pháp, Albin René Roussin và Ernest Mouchez, năm 1875, đã tường thuật như sau:

“Vùng biển Ba Tây, từ đảo Santa Catharina đến Maranluio, mang một sắc thái riêng biệt đáng chú ý; chẳng hạn nó được vây quanh bởi hai giải đất cao (như hàm răng bằng cồn đá/cát), chạy liên tục suốt chiều dài của chúng ngoại trừ một vài chỗ gián đoạn, và dường như mục đích chúng nằm đó là để bảo vệ vùng đất liền ấy khỏi sự xâm lấn và cơn cuồng nộ của sóng biển vỗ vào bờ liên tục. Một trong các bức rào bảo vệ ấy nằm kề đất liền, là một giải đá, như tạo thành một ranh giới, chủ yếu trãi dài từ mũi Frio đến Maranhao. Còn bờ đê thiên nhiên kia hay thành lũy phòng vệ của vùng bờ biển ấy là một cái bờ, nằm cách đất liền từ 10 km đến 50 km, với độ sâu vừa phải và không đều, mà tiếng bản xứ (Bồ Đào Nha) gọi là Pracel hay Paracel, do các độ sâu không đều và bất thường tạo thành nơi cá cư ngụ. Có thể nói rằng Pracel này, giống như đá ngầm…” [2]

Ngoài ra, một số các tài liệu khác cũng đề cập đến “pracel” với cùng một ý nghĩa tương tự. [3][4][5] “Pracel” không phải là đá ngầm. Đúng ra, loại đá này chỉ là một trong những thành phần cấu tạo nên một loại đảo mang sắc thái riêng biệt gọi là “pracel”. Pracel chỉ là một danh từ chung dùng phân loại một loại “quần đảo”. Chẳng hạn, trong danh từ “Cù lao Chàm”, thì “Chàm” là tên nhưng “cù lao” thì không phải. Ở đây “pracel” đóng vai trò tương tự như “cù lao” trong ví dụ này. Một cách khái quát, định nghĩa về Pracel của thổ dân Bồ Đào Nha ở Ba Tây có thể hiểu như sau:

Pracel hay Paracel là một chuỗi hay giải đảo gồm những mõm đá thấp, đá ngầm, và cồn cát nằm xen lẫn, nối tiếp nhau liên tục trên một chiều dài đáng kể, từ vài chục cho đến hàng trăm cây số. Pracel có độ sâu vừa phải, nông sâu bất thường, là nơi thích hợp cho cá sinh sống nhưng ít thích hợp cho dân cư. Đặc điểm của loại đảo này là thường tạo thành một bờ đê như là một hàng rào thiên nhiên ngăn sóng, bảo vệ vùng duyên hải hay đất liền gần đó.

Cũng lưu ý rằng, theo Pháp ngữ và Anh ngữ, một trong các định nghĩa của “para” là “sự cản lại”, ví dụ như “parachute” (cánh dù) là vật cản gió dùng để nhảy từ trên cao xuống.

Một quan sát về đặc điểm của Pracel trong cuốn Hải Lục Đồ Chí in năm 1842, dưới thời vua Daoguang (1820-1850) của nhà Thanh, được ghi lại như sau: “Vạn Lý Trường Sa là một giải đảo cát dài hàng vạn dặm, nhô khỏi mặt biển, tạo thành một thành lũy ở biên cương của vương quốc An Nam.” [6]

Như vậy, với hình thể của một thành lũy thiên nhiên ngoài khơi, nằm dọc theo bờ biển của vương quốc Cochin China, quần đảo đá, cát, và đá ngầm đó được gọi là Pracel (hay Paracel) vì giải đảo này mang các đặc điểm của loại đảo Pracel (hay Paracel) theo thổ ngữ Bồ Đào Nha. Nói một cách khác, Pracel hay Paracel không phải là tên riêng của một nhân vật, một địa danh, một chiếc tầu, hoặc một vật như đá ngầm như đã hiểu sai bấy lâu nay.

Phân chia quần đảo Pracel: Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa)

Spratly là họ của một người Anh, thuyền trưởng chiếc tầu săn cá voi Cyrus. Ông tên Richard Spratly, người đã phát hiện hòn đảo này vào năm 1843 [7]. Đối với giới hàng hải tây phương, mãi đến khoảng giừa thế kỷ 19 thì quần đảo Pracel (hay Paracel) nằm trong khoảng từ vĩ độ 12 độ Bắc đến 16 độ Bắc mới chính thức được tách ra thành Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa) ngày nay.

Thật ra ông Richard Spratly không phải là người đầu tiên khám phá ra Spratly Islands. Trước đó khoảng gần 4 thập niên, vào năm 1807, khi được cử sang vương quốc Cochin China để khảo sát quần đảo Pracel (bao gồm Paracel Islands và Spratly Islands), thuyền trưởng Ross đã đến triều kiến vua Gia Long và trình lên vị hoàng đế này một lá thư giới thiệu của công ty Đông Ấn. Nội dung lá thư đương nhiên có liên quan đến việc xin phép khảo sát quần đảo Pracel và bờ biển của nước này. Ông Daniel Ross hoàn tất cuộc khảo sát và đo đạc vùng biển phia Nam của Trung Hoa năm 1807, quần đảo Pracel năm 1808, một phần bờ biển Cochin China năm 1809, và vùng đảo Palawan của Phi Luật Tân năm 1810. [8]

Vị thuyền trưởng ấy đã đặt tên cho Spratly Islands (Trường Sa) ngày nay là Dangerous Ground (Vùng Đất Nguy Hiểm), được xem như phần phía Nam của quần đảo Pracel (hay Paracel) trên bản hải đồ ấn hành năm 1821. Sau đó, trong một phiên bản của tấm hải đồ ấn hành năm 1859, tên Dangerous Ground được đổi lại là Storm Island (Đảo Bảo Tố). Ngày nay, cả hai tên thỉnh thoảng vẫn còn được nhắc đến nhưng không phổ biến như tên Spratly Islands. [9] Như vậy, đối với giới hàng hải tây phương, đến năm 1843, quần đảo Pracel được chính thức tách ra thành Paracel Islands và Spratly Islands.

Riêng ở vương quốc Đại Nam, dưới triều của vua Minh Mạng, vào năm 1838, học giả Phan Huy Chú, một nhân viên của bộ Công đã khảo sát, vẽ, và xuất bản một bản đồ của vương quốc đó, gọi là Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ. Bản đồ này đã phân chia Bãi Cát Vàng, tên của giải đảo nằm ngoài khơi và dọc theo bờ biển miền Trung, thành hai quần đảo riêng biệt gọi là Hoàng Sa (Paracel Islands) và Vạn Lý Trường Sa, mà sau này gọi gọn lại là Trường Sa (Spratly Islands). [10]

Tiếp sau đây là phần trình bày các bản đồ và hải đồ theo thứ tự thời gian. Để xem hình khổ lớn hơn, xin vui lòng bấm vào các hình tương ứng.

Bản đồ Á Châu, 1617 (Chart of Asia and eight city maps [11])

Hải đồ này thuộc tập ‘Hải đồ Á Châu và Bản đồ 8 thành phố” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1617. Tác giả và nhà phát hành là một nhà vẽ họa đồ, người Hòa Lan (Dutch), tên Williem Jansz Blaeu (1571-1638). Ông Blaeu làm việc cho công ty Đông Ấn (Verenigde Oost-Indische Compagnie, VOC) từ năm 1633. Trên tấm bản đồ Á Châu này thấy vẽ một quốc gia mang tên Cauchin China, được ghi chú bên dưới một cái hồ thật lớn, có lẽ là Động Đình Hồ. Phía Tây là dãy Trường Sơn, phía Đông là bờ biển chạy dài từ vịnh Bắc Việt đến mũi Cà Mau ngày nay. Các quốc gia như Phi Luật Tân, Borneo, Thái Lan (Sian), Campuchia (Cambodia) và đảo Hải Nam của Trung Hoa được vẽ khá chính xác. Riêng Phi Luật Tân thì nằm cao hơn về hướng Bắc so với vĩ độ hiện thời.

Ngoài khơi vùng biển của tỉnh Quảng Nam hiện nay, quần đảo Pracel được minh họa như một hình tam giác cân, có cạnh đáy trên hướng Đông Tây và nằm ở khoảng vĩ độ của Đà Nẳng. Chiều của hai cạnh xoay gần như theo hướng từ Bắc đến Nam, chạy dọc theo bờ biển miền Trung, và gặp nhau ở vùng biển của tỉnh Khánh Hòa. Bờ biển đối diện với quần đảo ấy, tức bờ biển miền Trung Việt ngày nay, thấy có ghi chú bằng tiếng Bồ Đào Nha mấy chữ Costa de Pracel, nghĩa là Bờ biển Pracel. Ngoài ra, có một vài hòn đảo nhỏ nằm gần giải đảo Pracel, thuộc vùng biển Quảng Ngãi và Khánh Hòa ngày nay.

Bản đồ Quảng Đông, 1655 (Map of Quang Dong [12])

Do Joan Blaeu (1598-1673) vẽ và xuất bản năm 1655. Các phiên bản sau đó là của Martino Martini (1614-1661) sao lại. Bản đồ này mô tả tỉnh Quảng Đông, vùng biển phía Nam, và Đông Nam của Trung Hoa, bao gồm đảo cả đảo Hải Nam. Phía cực Tây của bản đồ và ở hướng Tây Bắc của Hải Nam, có một khoảng trống hình tam giác với ranh giới mầu vàng, trên đó thấy ghi chú chữ Tungking Continia; có nghĩa là lục địa Tungking, tức là miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nằm ở hướng Đông Bắc của đảo Hải Nam, thấy có vẽ một hòn đảo nhưng không ghi chú gì cả. Theo tọa độ, có lẽ đó đảo Pratas. Ngoài ra, tuyệt nhiên không hề thấy đề cập chi tiết nào về quần đảo Pracel hay Paracel.

Bản đồ Cochin China, 1660 (Map of Cochinchina [13])

Hải đồ này thuộc công ty Đông Ấn, được Thư viện Anh (British Library) mua lại năm 1875. Đây là một bản đồ hàng hải trong tập bản đồ của Johannes Vingboons vẽ năm 1660. Điểm đáng chú ý là trên hải đồ không có lãnh thổ, đảo, hay quần đảo của bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả đảo Hải Nam của Trung Hoa như thường được vẽ trên một số bản đồ. Điểm đặc biệt là tấm hải đồ chỉ vẽ bờ biển và vùng biển của Cochin China, tức là miền Trung của Việt Nam ngày nay. Ilhas De Pracel trên hải đồ là một giải đảo đá và cát phát xuất từ ngoài khơi vùng biển của Baya Touron, vĩ độ 16 độ 30’ Bắc, chạy dọc theo chiều Bắc Nam và chấm ở vùng biển của Pulo Bambir, vĩ độ 13 độ 30’ Bắc. Tuy các vĩ độ có sai lệch đôi chút so với tọa độ hiện tại, nhưng các địa danh trên đất liền tương ứng với các vĩ độ đó là Đằ Nẳng (vĩ độ 16 độ 04’ Bắc) và Khánh Hòa (vĩ độ 12 độ15’22” Bắc) ngày nay.

Bản đồ từ Ấn Độ đến Nhật Bản, 1662 (Map of India to Japan [14])

Do Joan Blaeu, Sr. và Wilhelm Blaeu ấn hành năm 1662. Đây là một hải đồ mô tả hải trình giao thương đi ngang qua biển Đông giữa Nhật và Ấn Độ. Mặc dù bản đồ mô tả một vùng rộng lớn so với kích thước của quần đảo Pracel, nhưng quần đảo này lại được vẽ rất rõ. Sự kiện này chứng tỏ tầm quan trọng rất đáng kể của quần đảo cát và đá ngầm đó đối với giới hàng hải tây phương trong thời gian ấy. Trên bản đồ, giải đảo cát và đá ngầm mang tên El Pracel có hình dạng giống như một lưỡi dao nằm theo chiều Bắc Nam, chạy ôm theo bờ biển của quốc gia Tsiompa, tức là vương quốc Chiêm Thành. Phía Bắc của nước này là vương quốc Cochin China, một phần của Việt Nam ngày nay. Phía Nam và phía Tây là các quốc gia Cambodia và Sian (Thái Lan). Quần đảo Pracel bắt đầu từ ngoài khơi vùng biển phía Bắc của tỉnh Quảng Nam ngày nay và chấm dứt ở vùng biển của Champa, biên giới cực Nam của vương quốc Tsiompa. Champa tức là Khánh Hòa bây giờ. Ngoài ra, nằm sát giải đảo Pracel, trong vùng biển Tsiompa còn có một hòn đảo tên Pulo Cambir.

Bản đồ vịnh Bắc Việt của Cochin China, 1665 (Kaart van de kusten van Tonkin en Cochin-China benoorden de Bokshoorn en het eiland Aynam [15])

Nằm trong Tập Bản Đồ Vingboons do Johannes Vingboons vẽ và xuất bản năm 1665, hải đồ này mô tả bờ biển và vùng biển của Tonkin (vịnh Bắc Việt), Cochin China (miền Trung Việt), và đảo Aynam (Hải Nam) của Trung Hoa. Trên bản đồ, quần đảo Ilha de Pracel có hình lưỡi dao và nằm theo hướng Bắc Nam. Phát xuất từ ngoài khơi phía Bắc vùng biển của Baya Toron (vịnh Đà Nẳng), giải đảo này chạy ôm theo bờ biển của vương quốc Qvinam tức Cochin China, và chấm dứt ở vùng biển phía Nam của Baya Cambir tức vịnh Cam Ranh ngày nay. Ngoài ra, ở hướng Đông của nơi phát xuất quần đảo Pracel, có một cụm đảo hay đá ngầm xếp theo hình tam giác. Có lẽ chúng là Macclesfield Bank hiện nay.

Bản đồ vùng biển Cambodia, Siam, và Cochin China, 1665-1668 (Map of the coasts of Siam, Cambodia and Cochin-China [16])

Hải đồ này thuộc công ty Đông Ấn, được Thư viện Anh (British Library) mua lại năm 1875. Đây là một bản đồ hàng hải trong tập bản đồ Blaeu-Van der Hem Atlas do Johannes Vingboons vẽ và xuất bản trong khoảng từ 1665 đến 1668. Hải đồ mô tả vùng biển của các vương quốc Cambodia, Siam tức Thái Lan, và Cochin China tức miền Trung nước Việt ngày nay. Ngoài ra, Tsiompa tức vương quốc Chàm, phía Nam của Cochin China, cũng được thấy trên bản đồ. Ngoài các quốc gia trên, không hề thấy lãnh thổ, đảo, hay quần đảo của bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả đảo Hải Nam của Trung Hoa.

Trên hải đồ này có vẽ một giải đảo hình lưỡi dao nằm theo hướng Bắc Nam mang tên là Pracels. Quần đảo này bắt nguồn vùng biển phía Bắc, ngoài khơi của Bay Turon (vịnh Đà Nẳng), chạy dọc theo bờ biển của Cochin China và Tsiompa, và chấm dứt ở vùng biển cực Nam của vương quốc này. So với hải đồ Cochin China ở trên, thì quần đảo Pracels trên bản đồ này vượt qua đảo Pulo Cambir de Mar, và kéo dài hơn về phía Nam của tỉnh Khánh Hòa ngày nay.Bản đồ từ vùng biển Đà Nẳng đến Mekong, 1725-1750 (The coast of Vietnam from Danang to the Mekong delta [17])

Bản đồ thuộc tài liệu của công ty Đông Ấn, được vẽ trong khoảng thời gian từ 1725 đến 1750. Như tên gọi, tấm hải đồ mô tả vùng biển và hải lộ từ Baay Toron (Đà Nẳng) đến vùng MeKong (Cửu Long). Trên bản đồ, ngoài hai vương quốc Tsiompa (Chàm) và Cochin China (miền Trung Việt Nam), không hề có lãnh thổ hay quần đảo của bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả đảo Hải Nam của Trung Hoa. Trên hải đồ, ngoài khơi vùng biển của Baay Toron, có vẽ một quần đảo mang hình lưỡi dao nằm xuôi theo hướng Bắc Nam. Có lẽ vì lý do kỹ thuật khi sao chụp (scanning) làm phần đầu của quần đảo bị che khuất, nên không tìm thấy cái tên Pracel quen thuộc. Giải đảo này chạy dọc theo bờ biển của Cochin China, vượt qua đảo Cambir De Maar (thuộc hải phận Khánh Hòa ngày nay) và chấm dứt ở vùng biển cực Nam (thuộc tỉnh Ninh Thuận ngày nay) của vương quốc Cochin China.

Tham khảo

[1] Henry Yule et al., “Hobson-Jobson a glossary of colloquial Anglo-Indian words and phrases, and of kindred terms, etymological, historical, geographical and discursive”, John Murray, London, 1903.

[2] Albin René Roussin and Ernest Mouchez, “Sailing directions for the coast of Brazil, included between Maranhao and Rio Janeiro”, James Imray and Son, London, 1875.

[3] John Purdy, “The new sailing directory for the Ethiopic or southern Atlantic ocean”, R. H. Laurie, London, 1855.

[4] W Ellis et al., “An authentic narrative of a voyage performed by Captain Cook and Captain Clerke in His Majesty’s ships Resolution and Discovery, during the years 1776, 1777, 1778, 1779 and 1780; in search of a North-West passage between the continents of Asia and America”, p. 328, Vol. 2, 3rd ed., G. Robinson et al., London, 1783.

[5] George McCall Theal et al., “Records of South-Eastern Africa”, p. 299, William Clowes and Sons, London, 1898.

[6] Wikipedia, “Paracel Islands“. Bài viết này được biên soạn chủ yếu bởi Trịnh Bảo Ngọc, thành viên của Nguyễn Thái Học Foundation.

[7] Wikipedia, “Richard Spratly”.
[8][9][10] Wikipedia, “Paracel Islands”.
[11][12][13][14][15][16][17] Tất cả các bản đồ và hải đồ trên đây được lấy từ trung tâm tài liệu mở Atlas of Mutual Heritage (AMH) của Nationaal Archief. http://www.nationaalarchief.nl/amh/info.aspx?page=bg&lang=en

Paracel and Spratly Islands on Charts and Maps made by Westerners


Click to listen highlighted text!