Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Văn học chữ Hán


Văn học chữ Hán ở Việt Nam đã phát triển rực rỡ như thế nào?

Để tóm tắt các thời kỳ văn học Việt Nam, có thể chia thành 4 giai đoạn chính: văn học dân gian, văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm và văn học hiện đại. Ở mỗi thời kỳ, văn học lại có những đặc điểm nổi bật khác nhau, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ chung. Vậy, văn học chữ Hán có những đặc điểm gì?

Đôi nét về chữ Hán

Về nguồn gốc, chữ Hán thực chất có nguồn gốc từ Trung Hoa, trải qua hơn 3000 năm từ những kiểu chữ giản đơn tìm thấy trên hóa thạch, cho đến giai đoạn chúng ta được tiếp xúc với chữ Hán, thì chữ Hán đã đạt đến trình độ hoàn thiện nhất định, được sử dụng trong nhiều loại văn bản khác nhau. Chữ Hán dần lan ra các nước xung quanh, như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, được gọi chung là tứ đại đồng văn. Và các nước tiếp nhận chữ Hán cũng sử dụng chữ Hán để tự sáng tạo mẫu chữ của riêng mình. Tuy vậy, ở quốc gia nào cũng từng có một thời kỳ văn học chữ Hán phát triển, trước khi các nước có bộ chữ riêng của mình.

Văn học chữ Hán bắt đầu từ khi nào?

Là một quốc gia có đường biên giới chung với Trung Hoa, Việt Nam từ lâu đã đón nhận nhiều đợt ảnh hưởng văn minh từ nền văn minh châu Á này. Là một trong các nước đồng văn với Trung Hoa (chia sẻ chung một nền văn hóa), văn học chữ Hán cũng từng có một thời kỳ hưng thịnh tại Việt Nam. Thời kỳ này bắt đầu từ thế kỷ X, vào năm 938 khi Ngô Quyền chính thức đẩy lùi quân Nam Hán, thiết lập nhà nước phong kiến độc lập với Trung Hoa. Trên thực tế, 1000 năm Bắc thuộc đã chứng minh một ý chí không chịu đồng hóa với Trung Hoa, tuy vậy người Việt Nam lại chủ động học chữ Hán, bởi chữ Hán chính là phương tiện duy nhất giúp con người tiếp cận đến kho tri thức nghìn năm của Trung Hoa. Cũng như một phương tiện giao tiếp chính, các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ chính, không chỉ trong việc ghi chép văn tự và sử sách, chữ Hán còn được dùng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, lấy chủ đề là tình yêu nước và khí chất hào hùng của dân tộc.

Sau đó, văn học chữ Hán trở thành ngôn ngữ chính thống và xuất hiện trong các văn bản hành chính của triều đình, thậm chi theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội hiện quản lý 5.038 đầu sách và khoảng 30.000 đơn vị tư liệu bao gồm các loại như phim, ảnh, bản rập các bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, biển gỗ. Đó là chưa kể những sách Hán Nôm, Châu bản triều Nguyễn, địa bộ, sắc thần, bia đá, thơ, câu đối, hoành phi… hiện còn rải rác trong dân chúng, ở các cung điện, lăng tẩm, đình chùa, các thư viện và cơ quan lưu trữ khác ở trong nước, các thư viện ở nước ngoài.

Tuy vậy, vào thế kỷ XIII, Hàn Thuyên, vị quan Thượng Thư Bộ Hình dưới thời nhà Trần, đã có công xây dựng và phát triển chữ Nôm, một loại chữ viết tượng thanh của tiếng Việt. Đến thế kỷ XV, tuy văn học chữ Nôm bắt đầu được ưa chuộng nhiều hơn trong tầng lớp đại chúng, văn học chữ Hán vẫn phát triển song song với văn học chữ Nôm, có nhiều tác phẩm ra đời gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử.

(Thư Pháp Hán Nôm đến nay vẫn là biểu tượng văn hóa đẹp đẽ của người Việt)

Ở giai đoạn cận đại, nhiều tác giả sáng tác song song văn học chữ Hán với chữ Nôm, lấy thú vui phiên dịch giữa hai thứ tiếng làm vui. Đôi khi, các tác phẩm cần sự chuẩn mực, sắc sảo thì sẽ sáng tác theo chữ Hán, còn không họ có thể dùng chữ Nôm.

Ảnh hưởng của văn học chữ Hán mạnh mẽ đến mức, văn học chữ Nôm có một bộ phận tách ra từ nhánh chính, hình thành dòng thơ Nôm Đường Luật. Các tác giả sử dụng niêm luật như thơ Đường chữ Hán, nhưng lại sáng tác thơ bằng chữ Nôm. Nổi tiếng nhất phải kể đến chính là Bà Huyện Thanh Quan.

Đến khi Pháp đô hộ Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, Hán Văn vẫn được dùng trong văn bản khoảng 20 năm đầu thế kỷ XX như một tượng đài giáo dục. Tuy vậy, sự xuất hiện của chữ Quốc Ngữ đã dần làm lu mờ đi sự hiện diện của văn học chữ Hán, khiến cho chữ Hán dần chìm vào quên lãng.

Các đặc điểm của văn học chữ Hán

Văn học chữ Hán tuân thủ chặt chẽ quy tắc niêm luật

Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học chữ Hán ở Việt Nam, chính là việc các tác giả luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc niêm luật của thơ Đường. Là một hệ thống thơ được vay mượn từ văn học Trung Hoa, thơ Đường đã đạt đến trình độ hoàn mỹ nhất, thể hiện rõ triết lý vũ trụ và sự cân bằng Âm Dương mà người Trung Hoa đã luôn theo đuổi. Chính vì vậy khi du nhập vào Việt Nam, Đường Luật cũng được các tác giả Việt Nam áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt.

(Thơ Đường Luật, tồn tại biểu hiện cho quy luật tuần hoàn chặt chẽ của người Trung Hoa. Và nét đẹp ấy đã được người Việt ta thừa hưởng)

Với nghệ thuật hạn câu, hạn chữ (đa nghĩa, kiệm lời), thơ Đường Luật gìn giữ trọn vẹn vẻ đẹp nghệ thuật của ngôn ngữ. Việc chọn lựa từng từ ngữ để đưa vào bài thơ cần vận dụng rất nhiều vốn hiểu biết của người viết, bao gồm về ý nghĩa của từ, điển tích điển cố cần được xuất hiện, quy tắc gieo vần và sự đối xứng chặt chẽ của từng cặp câu. Trong các thể thơ Đường Luật, có 3 thể loại thơ Đường Luật được sử dụng nhiều trong văn học chữ Hán: gồm có thơ thất ngôn bát cú Đường Luật (8 câu 7 chữ), thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật (bốn câu bảy chữ), và ngũ ngôn tứ tuyệt Đường Luật (bốn câu năm chữ).

Mỗi thể loại thơ Đường khác nhau có những quy tắc gieo vần và gieo thanh điệu khác nhau, khiến cho bài thơ nhịp nhàng như những khúc ca, có lên có xuống, hài hòa nhưng vẫn đối xứng với nhau, tạo thành một sự trường tồn bổ sung khép kín. Những triết lý ấy đã được thể hiện chỉn chu trong các bài thơ thuộc văn học chữ Hán.

(Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, thể hiện rõ quy tắc niêm luật của thể thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt Đường Luật.)

Văn học chữ Hán có tính tượng hình cao

Để nói về nghệ thuật của văn học chữ Hán, phải nhắc đến tính tượng hình thông qua việc nhắc đến những điển tích điển cố trong tác phẩm.

Về điển tích, điển tích (hay điển cố) là những tích truyện xưa cũ, đại diện cho các bài học mang tính lịch sử, thường là về những nhân vật trong các tích truyện sử thi của Trung Hoa. Các điển tích thường là những câu chuyện đạo đức về các anh hùng liệt sĩ, những tấm gương có hiếu, sống đạo đức, thể hiện được tinh thần Nho Giáo.

Nhìn chung, khi sử dụng điển tích trong văn học chữ Hán, tác giả thường muốn thông qua những điển tích ấy để thể hiện được tinh thần của tác phẩm. Có thể nói đây là một cách dẫn dắt rất thú vị, bởi khi nhắc đến các tích truyện đạo đức ấy, tác giả đang có thiện ý muốn học hỏi theo những bài học của bậc tiền nhân. Nhờ vậy, các tác phẩm văn học chữ Hán thường gợi nhớ đến những bài học lịch sử, lập tức có thể truyền tải bài học đến người đọc.

Một mặt, điển tích điển cố xuất hiện đã khiến cho tác phẩm có sự liên kết với các câu chuyện lịch sử, người đọc cũng phải có rất nhiều kiến thức về những tích truyện này, khiến cho các tác phẩm văn học chữ Hán này dường như khó tiếp cận đến các tầng lớp bình dân đại chúng.

Một số tác phẩm văn học chữ Hán tiêu biểu

Ngọc Tỉnh Liên Phú

Ngọc tỉnh liên” là “Hoa sen trong giếng ngọc”. Đây là bài phú của Mạc Đĩnh Chi, để khẳng định khí tiết thanh cao của mình, dù vào những hoàn cảnh xấu xí (ví như bùn) hay thời thế đang loạn lạc, chính một người tài của ông lại càng cao quý, như sen nở trong giếng ngọc. Được viết dưới dạng phú, ông lấy cảnh để liên kết nội tâm, tưởng tả cảnh nhưng lại đang bộc bạch lòng mình.

(Mạc Đĩnh Chi còn được gọi là Lưỡng quốc trạng nguyên, được cả triều đình Trung Hoa và Việt Nam công nhận)

Tác phẩm Ngọc Tỉnh Liên Phú này của Mạc Đĩnh Chi đã trở thành một bài phú nổi tiếng của ông, ví rằng ông muốn đức vua hãy nhìn vào tài năng và năng lực của ông nhiều hơn những yếu tố ngoại cảnh. Khi ông đỗ Trạng nguyên, khi vào bái yết nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dung ông xấu xí quá, không muốn cho đỗ. Ông liền làm bài phú này để chứng minh những điều ngược lại, ý rằng sen trong giếng ngọc đã cao quý biết bao, chỉ người sành sõi mới hiểu hết giá trị của nó.

Hịch Tướng Sĩ

Hịch Tướng Sĩ được xem là một tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học chữ Hán, bởi vì tác phẩm này được tạo ra bởi một quan tướng, với ngụ ý muốn động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước của chiến sĩ trước khi ra trận. Được viết trước cuộc kháng chiến Mông-Nguyên lần thứ 2 (1285), Hịch Tướng Sĩ nhắc đến rất nhiều điển tích về sự hy sinh cao cả, vì lòng hiếu trung và yêu nước mà xả thân cứu vua. Nhờ vào giọng văn hào hùng, cùng cách đặt vấn đề đi vào trọng tâm, Hịch Tướng Sĩ đã khích lệ và khơi gợi ngọn lửa yêu nước đối với các binh sĩ, dẫn đến thành công vang dội của cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, một chiến tích vang dội của nhà Trần.

Nam Quốc Sơn Hà

Với nhiều nhà sử học, Nam Quốc Sơn Hà được xem như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất Đại Việt. Tuy rằng không rõ tác giả là ai, nhưng không thể phủ nhận khí chất hùng hồn của tác phẩm văn học chữ Hán này đã khẳng định chủ quyền đất nước của đất Đại Việt, rằng chỉ cần quân phương Bắc dám xâm phạm lãnh thổ nước Nam, tức cãi lại luật trời đất, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Cũng vì giọng văn hùng hồn khí chất vang dội, bài thơ được cho là đã cổ vũ cho cuộc chiến chống quân Tống của Lê Hoàn lẫn Lý Thường Kiệt, lần lượt vào năm 981 và năm 1077.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!