Triều Đại (Tiền) LÝ
Lý Nam Đế (503–548) là một vị vua Việt Nam, người đã sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, người phủ Long Hưng, Việt Nam. Ông là người có công đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương (thời Nam Bắc triều), sáng lập ra nhà Tiền Lý. Ông cũng có một người anh là Lý Thiên Bảo
Lý Nam Đế có tài văn võ. Ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (chưa rõ ở đâu, có lẽ gần thành phố Bắc Ninh ngày nay).
Nhà Tiền Lý (542-602) là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với quốc hiệu Vạn Xuân. Nhà Tiền Lý kéo dài 60 năm, tổng cộng 3 đời vua, trong đó có 2 vua họ Lý và 1 vua họ Triệu cũng được tính gộp vào nhà Tiền Lý, tương tự như Dương Tam Kha trong nhà Ngô sau đó.
Tiểu sử
Tháng 4 năm 543, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.
Lý Nam Đế (503–548) là một vị vua Việt Nam, người đã sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, người phủ Long Hưng, Việt Nam. Ông là người có công đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương (thời Nam Bắc triều), sáng lập ra nhà Tiền Lý. Ông cũng có một người anh là Lý Thiên Bảo
Lý Nam Đế có tài văn võ. Ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (chưa rõ ở đâu, có lẽ gần thành phố Bắc Ninh ngày nay)
Tổ tiên Lý Bí là người Trung Quốc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Sử chép Lý Bí vốn con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý nên cáo quan về quê, tập hợp nhân tài lo khởi nghĩa.
Đuổi Tiêu Tư
Bấy giờ Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của nhà Lương. Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư (cùng họ với vua Lương), vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người.Các nhân tài Việt Nam lúc đó bị bạc đãi nên không hợp tác với nhà Lương.
Có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến Kiến Khang kinh đô nhà Lương xin được làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo Lý Bí mưu việc dấy binh. Lý Bí bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên phục tài đức của Lý Bí, bèn dẫn đầu đem quân theo về.
Thế lực của Lý Bí ngày càng lớn. Năm 541, thứ sử Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho ông để mưu thoát thân, rồi chạy về Quảng Châu. Lý Bí đem quân ra chiếm giữ thành Long Biên.
Đánh đuổi quân Lương và Lâm Ấp
Tháng 12 năm 542, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang xâm chiếm. Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng Châu là Tân Dụ hầu Hoán không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, Lý Bí chủ động đem quân đón đánh tại đây. Quân Lương thua to, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu vu với vua Lương rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử. Tháng 4 năm 543, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.
Dựng nước Vạn Xuân
Đầu năm Giáp tý 544, Lý Bí nhân thắng quân địch, tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời. Ông dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội.
Lý Nam đế đặt ra trăm quan, dùng Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ.
Đó là lần đầu tiên Việt Nam có hoàng đế và niên hiệu Thiên Đức là niên hiệu riêng đầu tiên để chứng tỏ giành lại độc lập từ tay Trung Quốc.
Tháng 6 năm 545, vua Lương Vũ đế (Tiêu Diễn) phong Dương Phiếu làm thứ sử Giao Châu, sai đi đánh Lý Nam đế, cử Trần Bá Tiên làm tư mã; thứ sử Định Châu là Tiêu Bột cùng họp với Dương Phiến ở Tây Giang. Tiêu Bột biết ý các tướng sĩ sợ phải đi đánh xa, nên nói dối để Dương Phiếu ở lại. Dương Phiếu tập họp các tướng lại để hỏi mưu kế. Bá Tiên nói: “Quan thứ sử Định Châu muốn tạm an nhàn trước mắt, không nghĩ đến mưu kế lớn, túc hạ vâng mạng vua đi đánh kẻ có tội, dù sống chết thế nào cũng không quản ngại, lẽ nào dùng dằng không tiến
quân để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm cho quân mình nản chí hay sao?”. Bá Tiên liền thúc quân mình đi trước. Dương Phiếu cử Bá Tiên làm tiên phong.
Quân Lương đến Giao Châu, Lý Nam đế mang quân ra đánh bị thua nặng, chạy sang thành Gia Ninh. Quân Lương tiến vây thành.
Tháng giêng năm 546, thành Gia Ninh vỡ, tướng Phạm Tu và thái phó Triệu Túc cùng tử trận, Lý Nam đế chạy đi Tân Xương là vùng của người Lạo. Tại đây, ông chiêu mộ thêm được nhiều binh lính, uy thế lại tăng lên.
Tháng 8, Lý Nam đế lại đem quân từ trong xứ người Lạo ra, đóng đồn ở hồ Điển Triệt]. Quân Lương lo sợ, cứ đóng ở cửa hồ, không dám tiến. Trần Bá Tiên bảo các tướng: “Quân ta ở đây đã lâu, mà lại không có quân tiếp viện. Bây giờ đã đi sâu vào trong nước người ta, nếu một trận đánh nào bất lợi, còn mong gì sống mà về được nữa? Chi bằng bây giờ nhân dịp quân địch đang thua luôn mấy trận, lòng người chưa cố kết, ta nên liều chết gắng sức quyết đánh bằng được. Nếu vô cớ cứ đóng ở đây thì việc hỏng mất!”. Các tướng nhà Lương không ai trả lời. Đêm hôm ấy, nước sông bỗng lên to đến bảy thước, chảy rót vào trong hồ. Bá Tiên đốc thúc quân bản bộ mình theo dòng nước tiến đi trước. Quân Lương đánh trống, reo hò, kéo tràn vào. Quân Lý Nam đế mới tập hợp bị đánh úp nên tan vỡ.
Lý Nam đế lại rút lui về giữ trong động Khuất Lạo, điều chỉnh tinh lính, mưu tính chiến đấu về sau. Ông giao lại binh quyền cho tả tướng quân Triệu Quang Phục.
Triệu Việt Vương
Tên thật là Triệu Quang Phục, là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Lý Nam Đế đi đánh dẹp có công, được trao chức tả tướng quân. Lý Nam Đế mất, ông xưng vương, sau khi đánh tan quân nhà Lương năm 550, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Năm 571, ông bị quân của Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy, kết thúc triều đại Triệu Việt Vương.
___ ooOoo ___
Lý Nam Đế (544-548) Vạn Xuân Lưu Sử Anh Hùng
Vương Trùng Dương
Lý Nam Đế nổi dậy chống ách thống trị của nhà Lương, dựng nên cơ nghiệp nhà Tiền Lý, tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã thể hiện chí khí quật cường, nổi dậy đánh đuổi quân giặc.
Nguồn: hungsuviet.org
Trong thời kỳ Nam Bắc Triều ở Trung Hoa (420-589), Bắc Triều có năm triều đại: Bắc Ngụy (386-534), Đông Ngụy ( 534-550), Tây Ngụy (535-557), Bắc Tề (550-577) và Bắc Chu (557-581); Nam Triều gồm bốn triều đại: Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589) đều đóng đô tại Kiến Khang (Nam Kinh) thống trị toàn miền Nam Trung Hoa.
Sau khi loại Tề, lập nên triều đại nhà Lương, Vũ Đế (520-550) muốn tạo dựng thế lực hùng hậu nên âm mưu, tranh giành quyền lợi ở biên cương và tiếp tục con đường thôn tính ở phương Nam.
Nhà Lương cử “Tiêu Tư sang làm Thứ Sử đất Giao Châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược). “Bấy giờ Thứ Sử Tiêu Tư cai trị đất Giao Châu cũng đi theo vết xe đổ của bọn Tô Định, Lục Dận, Lữ Đại; nhân dân đất Giao Châu thấy ngột ngạt vì cái không khí nội chiến, ngoại xâm…”
(Phạm Van Sơn – Việt Sử Toàn Thư).
Lợi dụng tình thế tranh giành ảnh hưởng triều đại ở Trung Hoa, nước Lâm Ấp cho quân sĩ tràn sang Giao Chau để cướp phá và quấy nhiễu.
Theo “Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thời Sỹ (1726-1780): “Nước Lâm Ấp vốn là đất Tượng Quận của Tần, phái Đông là Biển, phía Tây giáp nước Qua Oa, phía Nam thông với nước Chân Lạp, phía Bắc tiếp giáp Hoan Châu nước ta”. Trong giai đoạn đó, người dân Giao Châu vừa chịu sự lệ thuộc của phương Bắc vừa bị bất an ở phương Nam nên dân tình vô cùng khốn đốn. Trước nỗi thống khổ của dân tộc dưới ách thống trị hà khắc, năm Tân Dậu (541), có bậc anh hùng, tài kiêm văn võ tên là Lý Bôn, nổi dậy chống trả ngoại xâm.
Lý Bôn, còn có tên gọi là Lý Bí, tổ tiên người Trung Hoa, chạy sang Giao Châu lánh nạn đã bảy đời, trở thành người bản xứ ở Thái Bình (nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây).
Lý Bôn sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503), thân phụ là Lý Toản, trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (Thanh Hóa). Mồ côi cha mẹ sớm, được vị thiền sư đem về chùa Linh Bảo nuôi dạy cho đến khi trưởng thành.
Rời chốn thiền môn, lý Bôn đảm nhận chức Giám Quân (trông coi quân sĩ) ở Cửu Đức, Đức Châu ( nay là Đức Thọ, Hà Tĩnh); vì thấm nhuần lòng từ bi của Phật Giáo, thấy chính sách cai trị đầy tham ô, tàn ác nên từ chức về quê ở huyện Thái bình, Phong Châu chiêu tập anh hùng hào kiệt, nghĩa binh để nổi dậy chống ách thống trị của quân Lương.
Lý Bôn kết hợp cùng tù trưởng Châu Diên là Triệu Túc, cùng với Tinh Thiều, Phạm Tu, Trương Húc, Trương Hán… Võ sư Phạm Tu, tuổi đã gần thất thập liền hưởng ứng, kêu gọi dân làng, chiêu tập nghĩa quân theo ngọn cờ khởi nghĩa của Lý Bôn. Tinh Triều, gia đình giàu có, giỏi văn chương, làm chức quan Lang ở Quảng Dương môn, bất bình với chế độ, lui về quê, được tin khởi nghĩa, liền tham gia.
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (542), Lý Bôn khởi binh chống quân nhà Lương. Trong thời gian ngắn, chiếm giữ được thành Long Biên, Thứ Sử Giao Châu là Tiêu Tư trốn chạy về nước.
Đầu năm Quý Hợi (543), vua nhà Lương cử tướng Lư Tử Hùng đem quân sang trấn áp; được tin, Lý Bôn đem quân sang nghinh chiến đấu ở Hợp Phố (Quảng Đông), quân Lương bại trận, rút lui về nước. Trong khi đó, quân Lâm Ấp lợi dụng loạn lạc, lại tràn sang quấy phá, Lý Bôn cử tướng Phạm Tu đem quân tiêu diệt ở Nhật Nam và Cửu Đức, quân Lâm Ấp thua trận, mang tàn binh bỏ chạy.
Vào dịp Nguyên Đán năm Giáp Tý (Tháng 2-544), sau khi loại trừ được ngoại xâm, Lý Bôn lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân, đặt kinh đô ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Lý Nam Đế thiết lập triều chính, Phạm Tu coi về võ quan, Tinh Thiều đứng đầu quan văn, Triệu Túc làm Thái Phó; đó là ba chức quan đứng đầu trong triều đình. Con trai của Triệu Túc là Triệu Quang Phục, được xem là tướng trẻ, tài ba và dũng lược.
Lý Nam Đế cho xây dựng chùa Khai Quốc ở Yên Hoa, Yên Phụ (nay là chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội).
Nam Ất Sửu (545), vua nhà Lương cử Dương Phiên sang làm Thứ Sử Giao Châu rồi sai Trần Bá Tiên làm Tư Mã, phối hợp Tiêu Bột và Dương Siêu, thống lĩnh đạo quân sang đánh nước ta.
Lý Nam Đế đem ba vạn quân đương đầu với đại quân nhà Lương ở Chu Diên (Hải Hưng), thua trận, lui về cửa sông Tô Lịch cầm cự, nơi đây lão tướng Phạm Tu đã hy sinh, Lý Nam Đế đem quân về giữ thành thành Gia Ninh (nay là Việt Trì, Phú Thọ), đại quân Trần Bá Tiên đem quân tiến đánh, Lý Nam Đế phải lui về giữ thành Tân Xương ở Phong Châu. Sau đó, Lý Nam Đế rút quân về đóng ở động Khuất Liêu (Phú Thọ), nơi đây, nhà vua khôi phục lại binh mã để cầm cự với quân của Trần Bá Tiên.
Sau thời gian chiến đấu, xông pha chiến trận, vì sức khỏe Lý Nam Đế bị yếu kém nên giao quyền bính lại cho Tả tướng quân là Triệu Quang Phục để điều binh khiển tướng.
Lý Nam Đế mất ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13-4-548). Hưởng dương 46 tuổi. Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương.
Trong thời gian Lý Nam Đế thất thế lui quân về Khuất Lão thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người cháu họ là Lý Phật tử đem quân chạy vào Cửu Chân, bị quân nhà Lương đánh đuổi chạy sang Lào, đầu nguồn sông Đào Giang, có động Dã Năng, đóng ở đó xưng là Đào Lang Vương, lấy quốc hiệu là Dã Năng.
Năm Ất Hợi (555) Lý Thiên Bảo mất, không có con nên nên quyền bính về Lý Phật Tử. Sau nầy Lý Phật Tử dùng thủ đoạn để lật Triệu Quang Phục, dựng lại cơ nghiệp Hậu Lý Nam Đế (571-602) nhưng rồi thần phục nhà Tùy ở Trung Hoa.
Nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba (603-939)!
Sách “Việt Sử Tiêu Án” luận rằng: “Có ba vạn quân đều sức nhau, thiên hạ khó ai địch được. Nay Lý Bảo, Lý Bí có có quân đến năm vạn người mà không giữ được nước, có phải kém tài đâu, không may gặp phải Bá Tiên là người khéo dụng binh…” Và đây cũng là bài học quý giá cho lịch sử cho hậu thế bởi sự thiếu đoàn kết với nhau, Lý Thiên Bảo muốn tạo dựng cơ nghiệp riêng, không chung vai sát cánh với người em để tiêu trừ quân thù nên thế lực bị suy yếu trước sức mạnh của đối phương.
Lý Nam Đế nổi dậy chống ách thống trị của nhà Lương, dựng nên cơ nghiệp nhà Tiền Lý, tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã thể hiện chí khí quật cường, nổi dậy đánh đuổi quân giặc.
Để tưởng nhớ bậc tiền nhân, có hàng trăm ngôi đền, miếu thờ Lý Nam Đế và các tướng quân ở miền Bắc.
Ghi lại hình ảnh của Lý Nam Đế, sách “Khâm Định Việt Sư” nhận xét: “Tuy Lý Nam Đế không đủ sức chống chọi với giặc mạnh, việc lớn không thành, nhưng thừa thế dấy binh, tự xưng làm vua, mở đường tự chủ cho nhà Đinh, nhà Hậu Lý về sau nầy, há chẳng phải là vẻ vang to tác lắm sao”.
Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” đã ghi:
“Kể từ Ngô Tấn lại đây
Hai trăm mười bốn nam chày cát phân
Cỏ cây han chứa bụi trần,
Thái bình mới có Lý Phần hưng vương,
Vốn xưa nhập sĩ nước Lương,
Binh qua gặp lúc phân vương lại về
Cừu dân đã quyết lời thề
Văn thần, võ tướng ứng kỳ đều ra
Tiêu Tư nghe gió chạy xa
Đông Tây muôn dặm quan hà quét thanh
Vạn Xuân mới đặt quốc danh
Cải nguyên Thiên Đức, đô thành Long Biên…”
Trải qua năm thế kỷ đất nước bị lệ thuộc, từ Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương đến Lý Nam Đế có nhiều cuộc nổi dậy nhưng chỉ thu hẹp địa phương, chưa tạo dựng được ảnh hưởng rộng lớn, chưa đánh bật được thế mạnh của ngoại xâm nên suốt thời gian dài đó, trang sử nước nhà chỉ để lại ít hình ảnh tiêu biểu nêu trên.