Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Văn học chữ Nôm


Đặc điểm chính của văn học chữ Nôm

Nhu cầu sáng tác, thưởng thức văn học chữ Nôm được xem như một bước tiến của thời thế, khi mà văn học chữ Hán không thể tiếp cận đến tầng lớp bình dân. Văn học chữ Nôm đã có trên dưới vài nghìn bài thơ, cùng hàng trăm tác phẩm ngắn dài chỉ trong hơn 1000 năm. Vậy đặc trưng của văn học chữ Nôm là gì?

Văn học chữ Nôm ra đời trong hoàn cảnh nào?

Cho đến nay, các học giả đều công nhận rằng Trung Hoa chính là một nền văn minh lớn nhất ở khu vực Đông Á, tạo ra sức ảnh hưởng đến các nước chư hầu xung quanh, trong đó có cả Việt Nam.

Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Hán hóa từ rất sớm, xuyên suốt thời kỳ Bắc thuộc, người Trung Hoa đã cố gắng đồng hóa dân tộc ta bằng cách áp dụng chữ Hán lên các văn bản thường ngày. Đến năm 938 khi ta chính thức thoát khỏi ách đô hộ của người phương Bắc, thì chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng trong các văn bản hành chính, khẳng định vị thế về văn hóa, xã hội và chính trị của Đại Việt.

Lời bài thơ Qua Đèo Ngang ( Bà Huyện Thanh Quan)

Bước tới Đèo Ngang[1], bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều[2] vài chú,
Lác đác bên sông, chợ[3] mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc[4],
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia[5].
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Trong hoàn cảnh đó, chữ Nôm ra đời như một dạng ý chí muốn thoát khỏi sự đe dọa đồng hóa từ phương Bắc, trở thành ngôn ngữ thông dụng đối với tầng lớp người bình dân. Đây được xem là bước đánh dấu đầu tiên trong công cuộc thoát ly, tự cường của dân tộc Việt, bắt đầu từ ngôn ngữ đầu tiên. Các văn kiện đều cho rằng, chữ Nôm và văn học chữ Nôm ra đời vào thế kỷ X, được dùng để chép tên người, địa danh. Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cho rằng, trước nhu cầu của một quốc gia độc lập, các thời Đinh, Lý, Trần đều có một chút dấu ấn của chữ Nôm.

Xem thêm: Tiến trình phát triển và các thể loại văn học trung đại Việt Nam.

Những đặc trưng cơ bản của văn học chữ Nôm

Chữ Nôm khắc họa tiếng việt một cách sâu sắc

Điểm đầu tiên khiến văn học chữ Nôm trở thành một di sản văn hóa, là cách chữ Nôm đã khắc họa tài tình tiếng Việt, một ngôn ngữ giàu tính tượng hình và tượng thanh. Tiếng Việt có xuất xứ từ ngữ hệ Việt Mường, trong khi đó tiếng Hán có nguồn gốc từ ngữ hệ Hán Tạng. Chính vì nguồn gốc hoàn toàn khác nhau, do đó việc sử dụng bộ chữ Hán để mô tả tiếng Việt hoàn toàn bất tiện, nhất là khi tiếng Hán còn chứa đựng những điển tích, điển cố diễn ra trong lịch sử Trung Hoa, và sử dụng tiếng Hán cũng đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn đang chấp nhận sự ảnh hưởng của Hán hóa lên chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam đương thời.

Chữ Nôm ra đời trong nỗ lực truyền tải ghi nhận thanh âm vần điệu của tiếng Việt một cách rõ nét nhất. Chữ Nôm được người Việt biến đổi từ âm Hán, nhưng thay vì đọc theo nghĩa Hán, người Việt đã gán nghĩa tiếng Việt vào chữ Nôm, khiến cho nó được dùng để mô tả lại âm sắc tiếng Việt.

Ví dụ: 别 âm Hán Việt là biệt, nghĩa phân biệt, ly biệt nhưng được dùng để ghi âm từ biết.

Bản thân tiếng Việt là một ngôn ngữ vô cùng đặc sắc, với hệ thống 6 thanh âm cùng hàng loạt các vần điệu riêng, tiếng Việt cần một ngôn ngữ mới có thể bao trọn những yếu tố ấy, giúp cho người bình dân cũng có thể tiếp cận được. Chính vì thế, văn học chữ Nôm ra đời để giúp người Việt có thể trình bày được tiếng Việt, dựa trên cơ sở hình tự của chữ Hán.

Văn học chữ Nôm bình dân giản dị

Khi sáng tạo ra chữ Hán, người Trung Hoa vốn đã có nhiều sự kết hợp, từ cách ghép từ, cho đến việc phối hợp những điển tích điển cố, vốn là những tích xưa kể về những phẩm chất thiêng liêng, tấm gương đạo đức xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa. Điều này khiến cho việc sử dụng chữ Hán thêm phần khó khăn, bởi người viết phải nắm rõ các điển tích này thì mới khiến cho tác phẩm của mình sâu sắc được.

Ngược lại, văn học chữ Nôm được sáng tác với hy vọng dễ tiếp cận với tầng lớp bình dân, chính vì vậy văn học chữ Nôm bình dân giản dị, dễ tiếp cận và dễ sử dụng đối với người đọc và người viết. Bên cạnh biểu ý, chữ Nôm còn dùng để biểu nghĩa, tức đọc sao ý vậy, dễ dàng cho người bình dân học tập và sử dụng chữ Nôm trong văn học chữ Nôm. Từ sau thế kỷ XV, khi nhà Hồ và nhà Tây Sơn bắt đầu xem chữ Nôm là ngôn ngữ chính thức, văn học chữ Nôm mới dần được sử dụng nhiều hơn, rộng khắp tầng lớp bình dân đại chúng.

Văn học chữ Nôm sáng tạo nên nhiều thể loại văn học mới

Theo nhiều học giả nghiên cứu, bên cạnh các thể loại văn học cổ điển Trung Hoa có nguồn gốc từ thơ Đường Luật, áp dụng chặt chẽ các quy luật về âm, niêm, vần, đối câu, thì thơ Nôm đã tự mình sáng tác nên những thể loại thơ ca và văn học mới, trong đó nổi tiếng nhất là thơ lục bát, một di sản thơ ca của người Việt Nam. Ngoài ra, một số thể loại văn học chữ Nôm nổi tiếng khác có thể kể đến như, thất ngôn tứ tuyệt (4 câu thơ, 7 chữ mỗi câu), thơ song thất lục bát (2 câu bảy chữ, 1 cặp câu lục bát), ca trù, thơ biền ngẫu (Thơ đối)…

Xem thêm: Thơ lục bát

Từ thế kỷ XV, khi thơ Nôm chính thức được sáng tác và văn học chữ Nôm dần phát triển cực thịnh, mang đến những luồng tư tưởng mới lạ, phóng khoáng, thoát ly ra khỏi nhà nước phong kiến, đã có nhiều nỗ lực từ triều đình phong kiến nhằm ngăn chặn sự phát triển của văn học chữ Nôm. Tuy vậy, sáng tác văn học chữ Nôm cũng giống như một bước tiến tất yếu của xã hội, văn học chữ Nôm vẫn phát triển, vẫn phản ánh đầy đủ nhân sinh quan và tư tưởng vượt thời gian của mình, góp phần sáng tạo nên nhiều thể loại văn học trung đại mới, khiến cho văn học trung đại thêm phần rực rỡ.

Một số tác phẩm văn học chữ Nôm nổi tiếng

Bên cạnh các nữ văn sĩ trung đại, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho văn học chữ Nôm, có rất nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm, có khá nhiều nghiên cứu về các tác phẩm văn học chữ Nôm khác, góp phần cho sự phát triển hưng thịnh của văn học chữ Nôm. Trong giai đoạn phát triển chữ Quốc Ngữ và chữ Nôm, chữ Nôm đã được sử dụng trong các tác phẩm thơ ca trào phúng khác nhau, thể hiện thói hóm hỉnh vốn có của người Việt.

Lục Vân Tiên

Là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễ“n Đình Chiểu, Lục Vân Tiên không chỉ là một tác phẩm văn học chữ Nôm ca ngợi lòng trung hiếu của một đấng nam nhi, sự vận hành của âm-dương, cũng như câu nói “qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai” cũng được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Lý tưởng tin tưởng vào sự vận hành của vũ trụ, của quy luật nhân quả đã được Nguyễn Đình Chiểu khéo léo thể hiện để cuộc đời chàng Lục Vân Tiên tuy thăng trầm nhưng cũng đến được bến bờ hạnh phúc.

Tỳ Bà Truyện

Được chuyển thể từ một vở kịch Trung Hoa là Tỳ Bà Ký, Tỳ Bà Truyện là một thể loại văn học chữ Nôm dạng truyện thơ, một thể loại khá nổi tiếng trong giới văn chương đương thời. Tỳ Bà Truyện là một câu chuyện ngụ ngôn mang tính giáo huấn, đề cao cái đẹp thủy chung, tận tâm của người con dâu tên Ngũ Nương. Trải qua bao thăng trầm bể dâu, cô nhất định làm tròn trách nhiệm người con dâu, cũng vì thế mà được người đời ngưỡng mộ vì đức hy sinh và sự tận tụy của mình.

Quan Âm Thị Kính

Khác với tác phẩm chèo cùng tên, truyện thơ Quan Âm Thị Kính vốn là một tác phẩm văn học chữ Nôm mang đề tài tôn giáo để kể về nguồn gốc của Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay. Trong tác phẩm truyện thơ Quan Âm Thị Kính, nhân vật chính là công chúa Diệu Thiên, vì lòng từ bi quyết chí tu hành, bà đã trở thành Quan Âm. Nhiều lần nàng chịu chết thay vì từ bỏ đức tin, lòng từ bi ấy đã bao trùm cả vong hồn dưới âm phủ. Cuối cùng, bà chấp nhận bị cắt đứt tay mình để cứu phụ thân, người luôn tìm cách hãm hại bà.

Chú thích

[1] Đèo Ngang: thuộc dãy núi Hoành Sơn, một nhánh của dãy núi Trường Sơn, chạy thẳng ra biển, phân chia địa giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

[2] Tiều: người chuyên nghề đốn củi.

[3] Có người nói “rợ mấy nhà” chứ không phải “chợ mấy nhà” vì ở Đèo Ngang heo hút, không phải là nơi đông dân cư. Nhưng cũng có ý kiến bác lại.

[4] Con quốc quốc (cũng viết là cuốc cuốc): chim đỗ quyên (chim cuốc). Theo truyền thuyết Trung Quốc, Thục Đế mất nước, hồn biến thành chim cuốc, kêu nhớ nước đến nhỏ máu ra mà chết

[5] Cái gia gia (cũng viết là da da): chim đa đa, còn gọi là gà gô.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!