Những Cách Dùng Chữ Sai Nên Tránh
Đỗ Văn Phúc
Ngôn từ, yếu tố giao tiếp căn bản của con người, là một phần quan trọng của văn hoá. Miền Nam chúng ta kế thừa một nền văn hoá cổ truyền, nhân bản và hữu lý. Ngôn từ dùng trong đại chúng hay văn học đều có lề luật, dù nó được thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sinh hoạt xã hội. Sau năm 1975, từ miền Bắc tràn vào miền Nam nhiều từ ngữ, cách dùng chữ, đặt câu quái dị. Những vị cao niên có giải thích rằng ở miền Bắc vào những thập niên 1950, khi sự thay đổi chính quyền đã tạo ra một lớp người lãnh đạo mới tuy thất học, nhưng nắm chức vụ đầy uy quyền tối thượng. Họ thường học đòi nói văn chương mà không hiểu biết nghĩa lý gì. Khổ một nỗi là không ai dám sửa cái sai của họ. Cứ thế, cái sai cứ nhân lên và đi đến nạn bát nháo chữ nghĩa ngày nay. Có những chế độ chỉ biết áp bức chứ không có khả năng xây dựng. Đặc biệt về văn hoá, họ như đoàn quân man rợ, đã triệt hạ cả một nền tảng văn hoá dân tộc mà ngôn từ cũng không là ngoại lệ.
Từ khi có việc giao thương, qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng sự phát triển truyền thông, những người từ Việt Nam mới qua sau này đã du nhập vào cộng đồng hải ngoại những ngôn từ quái dị mà đã có nhiều người Việt tị nạn bắt đầu tiêm nhiễm. Hiện nay, đọc trên đa số báo chí hải ngoại, chúng tôi rất buồn khi thấy hiện tượng này tràn lan. Các bài báo trên các đài lớn như RFA, RFI, BBC, VOA không thiếu những từ ngữ lạ, do việc các đài này tuyển mộ các nhân viên từ Việt Nam qua.
Ngôn ngữ Việt Nam biến thể một cách đáng báo động. Nếu không ngăn chặn thì rồi đây, chúng ta sẽ nghe hàng ngày những cách nói quái dị đó. Thế là một lần chạy từ bắc vào nam, một lần nữa từ Việt Nam ra hải ngoại, nay chúng ta đang bị chúng đuổi theo đến tận xứ sở tự do. Vì thế, nhiệm vụ của bất cứ người Việt nào cũng là bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ truyền thống.
Khái niệm về Ngôn Ngữ và Từ Ngữ
Các nhà ngôn ngữ học phân biệt hai loại ngôn ngữ: sinh ngữ và tử ngữ.
Tử ngữ là những ngôn ngữ đã từng có, từng được sử dụng; nhưng nay không còn thịnh hành nữa mà chỉ còn trong các trang sử, các trang sách cổ; và coi như đã chết. Ví dụ: chữ Latin, chữ cổ Irish, chữ Nôm của Việt Nam…
Sinh ngữ, nói nôm na là ngôn ngữ sống, đang được sử dụng. Sinh ngữ cũng có những quy luật chung. Quy luật này có thể do một viện hàn lâm soạn thảo, có thể do các thành viên ưu tú như giới văn học, báo chí, và cũng có thể do người sử dụng nó mặc nhiên chấp nhận sau một thời gian thử thách. Sinh ngữ cũng thay đổi theo hoàn cảnh sống của con người trong xã hội; thay đổi theo sự tiến triển của khoa học kỹ thuật… Văn phạm, là quy luật trong ngôn từ, cũng không cố định mà có thể thay đổi theo hoàn cảnh.
Theo từ điển, ngôn hay ngữ, hay cả chữ ghép ngôn ngữ có nghĩa là nói năng.
Ngôn (nói) và từ (lời) có trước, tự (chữ) theo sau.
Người Việt Nam có mặt trên địa bàn Hoa Nam và đồng bằng sông Hồng đã hàng ngàn năm. Có lẽ cũng như các dân tộc khác trên trái đất vào thời sơ khai, tổ tiên chúng ta chỉ có Ngôn mà chưa có tự (chữ) hay từ (lời). Ngôn ngữ thời đó chắc nghèo nàn và đơn giản vì cuộc sống đơn sơ. Nhiều dân tộc, vì nhu cầu giao tiếp, truyền thông, đã phát minh ra chữ viết. Trước hết, là các dấu hiệu, những nét chữ dựa trên hình ảnh mà người ta gọi là tượng hình, hay dựa trên âm thanh (tượng thanh). Rồi đi xa hơn, bằng cách hội ý dùng những chữ khác nhau ghép thành một chữ mới mang ý nghĩa phối hợp. Xin đừng nhầm lẫn chữ “hội ý” Việt Cộng dùng với nghĩa là bàn bạc, thảo luận.
Chúng tôi xin đơn cử vài ví dụ về tượng hình, tượng thanh và hội ý trong từ ngữ của Trung Hoa; cũng là chữ viết có sớm thứ nhì của loài người (1200 BC) sau người Ai Cập (3100 BC):
- Tượng hình: Chữ Sơn 山 (núi), người Trung Hoa dùng hình dạng ba trái núi liền nhau. Chữ điền 田 giống như một thửa ruộng. Chữ nhật 日, nguyệt 月 dựa theo hình dạng mặt trời, mặt trăng.
- Tượng thanh: Chữ nữ 女 (đàn bà) và dùng âm thanh của chữ mã 馬 (ngựa) ghép thành chữ ma 媽 là mẹ, mụ.
- Hội ý: Ghép các chữ tạo thành một chữ khác và mang ý nghĩa của những chữ được ghép. Ví dụ:
Thị 市 (chợ) ghép với chữ môn 門 (cửa) thành chữ náo 閙 (ồn ào). Ý rằng nơi chỗ chợ búa thì ồn ào (Thị tại môn tiền náo).
Nguyệt 月 (trăng) ghép chữ môn 門 (cửa) thành chữ nhàn 閒 (thảnh thơi, nhàn hạ). Nó mang ý nghĩa mảnh trăng treo nơi cửa tượng trưng sự nhàn hạ (Nguyệt lai môn hạ nhàn).
Minh 鳴 là tiếng chim kêu, ghép bằng hai chữ khẩu 口 (miệng) và điểu 鳥 (chim). Minh 明 là sáng thì ghép bằng hai chữ nhật và nguyệt. Minh 冥 là tối thì có chữ mịch 冖 là cái nắp che đậy, nên tối tăm.
Ngôn từ càng ngày càng phong phú
Người Việt có tiếng nói riêng, nhưng qua hàng trăm năm chưa có chữ viết riêng. Dưới sự đô hộ của Trung Hoa, tổ tiên chúng ta dùng chữ Hán (Hán tự) để giao dịch việc triều chính. Trong dân gian rất ít người theo học chữ Hán, nên xem như đại đa số dân Việt ngày xưa không biết chữ. Vào khoảng thế kỷ thứ 10, tổ tiên ta bắt đầu phôi thai ra chữ Nôm, là cách viết tiếng Việt bằng các ký hiệu tương tự chữ Hán. Đến thời nhà Hồ và Tây Sơn, Vua Hồ Quý Ly và Vua Quang Trung khuyến khích dân chúng dùng chữ Nôm thay chữ Hán; bước đầu là áp dụng trong văn thư hành chánh. Từ đó, chữ Nôm thịnh hành rồi suy dần vào cuối thế kỷ 19 khi Pháp đặt ách đô hộ cùng sự phát triển của chữ Quốc Ngữ do một số Giáo Sĩ Tây Phương soạn ra.
Nhằm giúp cho việc giảng đạo được dễ dàng, Giáo Sĩ gốc Bồ Đào Nha là Francisco de Pina và vài vị khác đã nghiên cứu áp dụng mẫu tự Latin để viết tiếng Việt. Người có công lớn nhất là Giáo Sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes vì ông đã bỏ nhiều công hoàn thiện và soạn ra cuốn tự vị và văn phạm đầu tiên của Việt Nam là cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Tự Điển Việt – Bồ – Latin) phát hành năm 1651 tại Roma. Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes (1593 – 1660), được Hội Truyền Giáo Dòng Tên (The Society of Jesus) ở Roma cử đến Việt Nam năm 1624.
Năm 1869, nhà cầm quyền thuộc địa Pháp ra nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc Ngữ thay hẳn chữ Hán trong công việc hành chánh; qua năm 1879, lại ra nghị định bắt buộc đưa chữ Quốc Ngữ vào ngành giáo dục. Thế là kết thúc số phận chữ Hán và Nôm một cách chính thức.
Khi du nhập văn hoá ngoại lai, cha ông chúng ta đã Việt hoá những từ ngữ các dân tộc khác trong quá trình giao tiếp mà trước hết, là đọc chữ của họ theo âm sắc Việt Nam. Hiện tượng này gọi là Việt hoá. Trong thời gian hàng ngàn năm bị đô hộ bởi Trung Hoa, người Việt thời đó chưa có nhiều từ ngữ, đã phải Việt hoá rất nhiều chữ Hán. Tức là đọc các chữ Hán theo âm Việt mà chúng ta gọi là chữ Hán Việt. Có thể nói chữ Hán Việt chiếm hết gần ba phần tư từ ngữ Việt của chúng ta dùng hiện nay. Việt Nam là quốc gia độc nhất và sớm nhất trong vùng Á Châu có chữ viết theo mẫu tự Latin mà chúng ta gọi là chữ Quốc Ngữ. Khi đường hàng hải phát triển, người từ các lục địa khác đến buôn bán, thăm viếng và đã đem vào nước ta những điều mới lạ, từ tư tưởng cho đến những phẩm vật mà cha ông ta chưa hề biết đến. Sự tiếp xúc với văn hoá Tây phương đã đem góp vào kho tàng Việt Ngữ nhiều chữ mới.
Ví dụ: chữ “bích kê” để thay chữ briquet của Pháp. Sau đó ở miền bắc đẻ ra chữ cái bật lửa, miền trung thì gọi là cái máy lửa, miền nam thì dùng chữ hộp quẹt máy (dù chữ hộp quẹt là nói về hộp diêm có động từ quẹt do động tác quẹt cây diêm vào bên hông cái hộp nhỏ để phát lửa). Chữ hộp quẹt thông dụng và được phân biệt bằng hộp quẹt cây, hộp quẹt ga, hộp quẹt máy.
Những chữ bơ, phô mai, xúc xích, ô tô, đường rầy, nhà ga, con tem, trái banh, là những chữ Tây đã Việt hoá từ chữ beurre, fromage, saucisse, auto, rail, gare, timbre, balle.
Chúng ta chấp nhận các từ ngữ Hán Việt vì chúng gọn gàng và dễ nghe hơn chữ đã dịch sang tiếng Việt thuần túy. Ví dụ: Quốc Trưởng (國 長) là người đứng đầu một nước. Không thể có chữ Việt nào gọn hơn.
Nhất là trong lãnh vực chính trị, quân sự, kinh tế khó kiếm ra những chữ Việt thuần túy. Người ta nói hay viết “ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng,” thay vì nói/viết “ông Cầm Đầu Bộ Giữ Gìn Đất Nước.” Người ta nói/viết: Quốc Vương và Hoàng Hậu thay vì Ông Vua Nước và Vợ Vua.
Ai thay được những chữ Tổng Tư Lệnh, Tổng Tham Mưu Trưởng bằng chữ Việt thuần tuý mà vừa ngắn vừa đủ ý, chúng tôi xin cúi đầu bái phục.
Nhưng cũng có rất nhiều từ ngữ Hán Việt có thể dùng từ ngữ Việt cũng gọn và rõ ràng. Ví dụ: phi cơ, tiềm thủy đỉnh, toà Bạch Cung… Tại sao không dùng chữ Việt: máy bay, tàu ngầm, toà Nhà Trắng…? Chúng ta thường dị ứng với những chữ tàu sân bay, lính thủy đánh bộ, nhà trắng…, vì các chữ đó nghe lạ tai, nôm na, và nhất là do đối phương chúng ta sử dụng. Lấy trường hợp trong các quân binh chủng của quân đội, gần như hầu hết là chữ Hán Việt: Quân Cụ, Quân Nhu, Bộ Binh, Biệt Động Quân, Không Quân, Hải Quân, Địa Phương Quân… lại lọt vào chữ lính Nhảy Dù là chữ Việt thuần túy. Tại sao chấp nhận chữ lính Nhảy Dù, mà phản đối chữ Lính Thủy Đánh Bộ? Có phải đó là do tâm lý, thành kiến và thói quen không?
Người viết cũng thắc mắc, tại sao có thể dùng chữ Trưởng Ty, Trưởng Phòng, Trưởng Ban; mà không dùng chữ Trưởng Bộ, Trưởng Tiểu Đoàn… Chẳng qua là quen dùng thôi. Chẳng thấy có quy luật nào ràng buộc cả.
Ngôn từ mới do sự phát triển kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật
Cũng thế, văn minh nhân loại tiến bộ, phát minh ra nhiều cái mới mà chúng ta chưa có một Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ hay ít nhất một tập thể ưu tú có kiến thức và thẩm quyền nào ngồi lại để dịch ra chữ Việt. Mà có dịch ra được thì cũng rắc rối lắm vì khó mà nói đủ ý nghĩa trong một vài từ ngữ. Hàn Lâm Viện của Pháp hàng trăm năm nay vẫn ngồi cãi nhau chí choé về chữ nghĩa đấy.
Có những cách dịch mâu thuẫn nhau. Chiếc máy radio mà chúng ta nghe tin tức hàng ngày thì gọi là máy thu thanh. Trong khi cái ti vi để xem hình ảnh thì lại gọi là máy truyền hình mà không là máy thu hình. Vì chữ máy thu hình dùng cho cái camera!
Cái máy computer, ngày nay chúng ta chấp nhận chữ máy điện toán. Nhưng còn hardware, software, input, output, download, upload, save, scan, malware, spyware, keyword… Chúng tôi đã thấy vài nơi dùng chữ “từ khoá” để dịch chữ keyword. Chúng ta thấy khó nghe vì chưa quen tai mà thôi!
Vậy thì có hai giải pháp
(1) Việt hoá nó như chúng ta từng Việt hoá chữ cà phê, xúc xích, nhà ga…
(2) Đặt cho những chữ đó những chữ Việt tương đối đủ nghĩa và dùng riết thì sẽ quen thuộc. Dĩ nhiên ban đầu sẽ có nhiều chống đối. Nhưng quy luật ngôn ngữ là thế, chúng ta phải có sự cảm thông, độ lượng để chấp nhận thôi. Nên nhớ rằng ngày xưa tiếng/chữ Việt thuần túy cũng từng bị các nhà hủ Nho kết án “nôm na là cha mách qué”. Sự chống đối của họ cũng kéo dài cả hàng trăm năm cho đến mãi khi gần hết triều Nguyễn với sự kết thúc các kỳ thi Hương, thi Hội.
Tại sao không dùng chữ của “Việt Cộng”? Không có chữ Việt Cộng mà chỉ có việc Việt Cộng và dân trong nước dùng sai. Chúng tôi đã có viết một bài khẳng định rằng tất cả từ ngữ Việt đang được sử dụng hiện nay ở quốc nội hay hải ngoại đều là ngôn từ chung của dân tộc Việt. Việt Cộng chẳng đẻ ra chữ nào mới. Vấn đề là họ thay đổi, gán ghép, hoán chuyển và dùng sai nên trở thành lố bịch, sai nghĩa. Ngoài ra còn nhiều từ ngữ rất chính xác mà chúng ta né tránh, dị ứng vì lý do chính trị, để cho họ độc quyền sử dụng. Ví dụ: các chữ giải phóng (liberation), đường cao tốc (high speed), kỹ thuật số (digital), nhu liệu (software).
Trong phần tiếp theo đây, chúng tôi dùng chữ nghiêng có gạch dưới cho những câu của Việt Cộng sử dụng (sai), và chữ nghiêng không gạch cho những câu mà chúng ta sử dụng (đúng). Chúng tôi chỉ nêu tượng trưng một số chữ.
Một vài thí dụ về những cách dùng nên tránh:
1.- Hiện nay bên Việt Nam, người ta thường bỏ bớt chữ trong một từ ngữ kép:
- Căng: Không nên nói “Tình hình căng lắm.” Nên nói “tình hình căng thẳng lắm.”
- Quyết: Không nên nói “Cấp trên đã quyết.” Nên nói “cấp trên đã quyết định.”
- Quản: Không nên nói “Việc này để bên Bộ Nội vụ quản.” Nên nói “… để bộ Nội Vụ quản lý.”
- Bèo: Không nên nói “Món này bèo lắm.” Nên nói “Món này rẻ như bèo.”
- Điều (điều động): Không nên nói “Mỹ điều tàu ra Thái Bình Dương.” Nên nói “Mỹ điều động tàu ra Thái Bình Dương.”
- Bang: Không nên nói “Tôi cư ngụ ở bang Texas.” Nên nói “Tôi cư ngụ ở Tiểu Bang Texas.”
- Chất: Không nên nói “Ai cũng muốn sống chất.” Nên nói “Ai cũng muốn cuộc sống đầy đủ.”
- Đỉnh: Không nên nói “Cô ta hát đỉnh!” Nên nói “Cô ấy hát hay tuyệt!”
- Vất: Không nên nói “Nó làm ăn vất lắm.” Nên nói “Nó làm ăn vất vả lắm.”
- Chuẩn: Không nên nói “Làm thế là chuẩn.” Nên nói “Làm thế là đúng tiêu chuẩn.”
2.- Nhiều chữ miền Bắc ít được dùng và chúng ta ít nghe, nên chúng ta dị ứng vì hiểu lầm là chữ có sau này:
- Hoành Tráng là tĩnh từ dùng cho các để nói về bất cứ cảnh quan có quy mô to lớn, rộng rãi; không ai nói buổi tiệc hoành tráng được. Tiếng Việt phong phú; có rất nhiều tĩnh từ khác nhau để nói về từng trường hợp khác nhau: Lâu đài nguy nga, núi non hùng vĩ, cảnh diễn binh hùng tráng, căn phòng tráng lệ, công trình quy mô, khu vườn mỹ lệ, cảnh sắc huy hoàng, buổi tiệc linh đình…
- Xiển Dương: Lan truyền rộng ra (promote, propagate). Ví dụ: Chúng ta cần xiển dương chính nghĩa quốc gia.
- Mẫn Cán: Làm việc siêng năng, lanh lẹ. Ví dụ: Ông B. là một công chức mẫn cán.
- Chỉnh Chu (chỉnh tề và chu đáo). Ví dụ: “Ông bà tiếp đãi chỉnh chu.” Người miền Nam có lẽ ít nghe hai chữ này. Cũng có thể là “Chín Chu” theo nghĩa chữ “Chín” là đàng hoàng, kỹ lưỡng.
- Lễ Tân (Lễ: nghi lễ, phép tắc; Tân: khách). Nếu có đặt thành chữ mới, thì chỉ dùng trong trường hợp trang trọng như “Ban Lễ Tân của bộ Nội Vụ…” nhưng không thể “cô lễ tân trong khách sạn,” mà nên nói “cô tiếp tân của khách sạn.”
- Tinh tươm: thay cho chữ tinh xảo, tươm tất.
- Quá độ: Theo Việt Nam Tự Điển của ông Lê Ngọc Trụ (nhà sách Khai Trí, trang 1186) và Việt Hán Tự Điển của ông Huỳnh Minh Xuân (nhà xuất bản Đại Nam, trang 649), quá độ có nghĩa là qua khỏi thời gian cũ để chuyển sang thời gian mới (transition/transitional). Ngày trước, chúng tôi không nghe chữ này nên thường dị ứng khi nghe dùng trong câu “Đây là thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội.”
Có những chữ ghép một cách không đúng:
- Vụ việc: Đã vụ thì không cần việc, và hai chữ này dùng trong trường hợp khác nhau: Một vụ án, một việc làm tốt. Vụ giết người khác nghĩa việc giết người.
- Cặp đôi (vừa cặp vừa đôi!): Không thể nói “một cặp đôi nam nữ xứng hợp.” Nên nói ”một đôi nam nữ xứng hợp.”
Cặp và đôi là hai chữ riêng biệt để nói về số lượng. Tuy cùng có nghĩa là hai, nhưng cách dùng thì lại khác. Người ta dùng chữ “đôi” khi nói về hai người, hai vật mà có sự gắn bó, không thể tách rời ra. Đôi vợ chồng, đôi tình nhân, đôi bạn, đôi đũa, đôi giày… Những thứ này gắn bó, bổ túc cho nhau để trở thành một “mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.” Đôi bạn, đôi vợ chồng mất đi một thì đời sẽ là vô nghĩa. Một chiếc đũa, một chiếc giày thì trở thành vô dụng. Hãy nhớ lại tựa đề cuốn tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh và câu “Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng, đôi vợ chồng nghèo…” trong bản nhạc “Tình Nghèo” của Phạm Duy. Dĩ nhiên cũng có các ngoại lệ. Ví dụ: người cụt một chân, cụt một tay, chột mắt, hay có tật chân cao chân thấp…
Chữ cặp dùng một cách chung cho những gì có hai cái mà không nhất thiết cần kết hợp. Ví dụ: cặp vịt, cặp bánh chưng… Ghép chung hai con vịt, hai cái bánh hay tách ra từng con vịt, một cái bánh cũng chỉ thay đổi số lượng mà không thay đổi tính cách. Vì thế, nên lựa chọn hoặc dùng chữ đôi, hoặc chữ cặp cho những điều mình muốn nói. Không thể tham lam dùng cả hai chữ “cặp đôi” vì như thế, nó có nghĩa là 4 thay vì muốn nói tới hai vật. Và nhất là nghe hai chữ “cặp đôi” nó kỳ quặc, chướng tai vô cùng.
Có khi họ ghép một chữ Hán vào với chữ Việt thuần túy tuy cả hai chữ cùng một nghĩa như bến cảng, in ấn…
Những thí dụ về việc dùng sai:
1.- Danh từ dùng như động từ hay tĩnh từ.
- Chất lượng (mức độ phẩm chất). Phải nói đủ “Hàng này có phẩm chất cao” thay vì nói trống không “Hàng này chất lượng.” Lượng nói về những gì có thể cân, đo, đong, đếm được.
- Ấn tượng là danh từ (impression). Người bên Việt Nam ngày nay dùng thay tĩnh từ (impressive) khi nói “Ca sĩ X ăn mặc ấn tượng” mà lẽ ra “Cách ăn mặc lố lăng của ca sĩ X gây ấn tượng xấu…). Hoặc như động từ (impress): “Tôi ấn tượng điều anh nói.” Nên nói “Lời anh nói cho tôi một ấn tượng tốt.” Trong Anh ngữ, có nhiều chữ cùng một gốc để dùng trong trường hợp khác nhau. Ví dụ: impression (danh từ), impress (động từ), impressive (tĩnh từ).
- Tâm tư có nghĩa là sự suy nghĩ nặng về cảm tình. Một anh cao cấp Việt Cộng nói với nhân viên: “Tôi tâm tư hoàn cảnh của anh.” Lẽ ra phải nói: “Tôi ưu tư về hoàn cảnh của anh.”
- Khả năng là danh từ, không thể dùng như động từ. Khả năng là điều kiện nội tại, là năng lực để làm một việc gì. Tiếng Anh nó là chữ able/capable, ability/capacity. Trong khi có thể (chữ “can” trong Anh ngữ) là còn do điều kiện khách quan tác động từ bên ngoài. Ví dụ: “Cô ấy có khả năng viết văn, nhưng cô không thể viết lúc này vì bận con nhỏ.” Vì thế, không thể nói “Trời khả năng mưa. Nên nói “trời có thể mưa.”
- Trình độ là danh từ. Không thể dùng như tĩnh từ. Không nên nói “Anh này trình độ nhỉ!” Nên nói “Anh này có trình độ nhỉ!” Có lần, chúng tôi còn nghe câu kỳ lạ: “Anh này trình thật!”
2.- Dùng sai nghĩa:
- Vô tư (nghĩa đúng là không suy nghĩ). Không thể nói: “Cứ ăn uống vô tư!” Nên nói “Cứ ăn uống thoải mái.”
- Chuyên trị (nghĩa đúng là dùng để trị một bệnh gì). Không thể nói: “Anh hoạ sĩ này chuyên trị tranh màu” mà phải là “Anh hoạ sĩ chuyên vẽ tranh màu.”
- Tiếp cận là kế cạnh, sát bên, next to. Không thể dùng thay chữ đến gần (approach) hay tiếp xúc (contact). Không nên nói: “Cô ta tiếp cận ông X.” Nên nói “Cô ta tiếp xúc ông X.” Một thí dụ đúng về chữ tiếp cận: “Nhà nàng tiếp cận nhà tôi.”
- Thể hiện là biểu lộ (express). Không thể viết “Cái bánh chưng khổng lồ do bà X thể hiện.” Nên nói “Cái bánh chưng khổng lồ do bà X làm/ thực hiện.” Câu dùng chữ thể hiện đúng: “Cách ăn nói của anh thể hiện tư cách đứng đắn.”
- Liệt sĩ là người có khí tiết mạnh mẽ. Dùng chữ liệt sĩ để nói về những người chết trận (Nghĩa trang Liệt Sĩ) là sai. Phải dùng chữ tử sĩ để nói vê người lính đã hy sinh.
- Tài khoản (chỉ dùng trong tài chánh). Không nên nói “Tài khoản Facebook, tài khoản Yahoo.” Chữ Account theo nghĩa này chưa thấy chữ Việt tương đương. Tại sao không Việt hoá nó?
- Thông tin (không thể dùng thay chữ tin tức). Thay vì nói ”Anh cho tôi thông tin về vụ này,” nên nói “Anh cho tôi tin tức về vụ này.”
- Tư liệu (trong Hán tự có 28 chữ Tư, trong đó ghép với chữ Văn thành Tư Văn là văn thư qua lại của các quan). Không nên viết “Tư liệu chiến tranh,” nên viết “Tài liệu chiến tranh.”
- Thống nhất (hợp lại, unify). Không nên dùng chữ này theo nghĩa là đồng ý (agree). Thay vì viết “Các bác sĩ thống nhất trong việc giải phẫu,” nên sửa là “Các bác sĩ đồng ý việc giải phẫu.”
- Thu hoạch (thường dùng trong nông nghiệp là gặt, hái, lượm). Không nên nói “Học sinh làm bài thu hoạch.” Nên nói “… bài thi tổng kết, cuối khoá.”
- Thiếu đói (ý nói không có ăn). Nhưng nếu hiểu cho đúng, thiếu đói là không đói; tức là có ăn! Tại sao không chỉ nói họ bị đói, hay bị thiếu ăn?
- Tình huống (circumstance)tuy có vẻ gần gũi với chữ “tình hình” và tình thế” (situation), nhưng cách dùng khác nhau. Tình huống xảy ra là hậu quả của hành vi nào đó. Ví dụ: Việc rút quân bất ngờ tại Afghanistan đã đưa đến một tình huống khó cứu vãn. Tình hình kinh tế có phần suy sút. Tình thế đã nghiêm trọng lắm rồi.
- Linh tinh: Khi ở trong các trại tù cải tạo, công an quản lý rầy rà những người tù khi họ làm điều lộn xộn. Ví dụ: “Các anh này nấu nướng linh tinh.” Thật ra, linh tinh là các thứ vụn vặt (miscellaneous) không đủ số lượng để xếp vào một chủng loại nào. Ví dụ; Khi chúng ta xếp vào tủ các loại áo chemise, áo lạnh, quần ngắn, quần dài… ; Còn lại vớ, khăn tay, bao tay… chúng ta liệt vào các thứ “linh tinh.”
- Quá trình: Bên Việt Nam dùng chữ quá trình rất tùy tiện. Thật ra, nghĩa của nó là những điều, những diễn biến (process) đã xảy ra theo một trình tự. Ví dụ: “Chúng ta đã làm xong một quá trình xây dựng phức tạp.” Còn những gì chưa làm thì nên dùng chữ “tiến trình.” Ví dụ: “Anh cho biết tiến trình thực hiện việc này ra sao.” Cũng cần biết thêm chữ chu trình cũng là một tiến trình trọn vẹn để hoàn tất công việc.
Chúng ta nghe có những bài viết bên Việt Nam, và ngay ở hải ngoại, họ dùng những chữ một cách rất kỳ lạ.
- Văn hóa: Có khuynh hướng ghép chữ văn hóa bừa bãi. Họ viết trong bài báo về du lịch “Tại Nhật không có văn hoá típ, văn hoá ẩm thực của người Phi.” Nên viết đơn giản “Nhật không có thói quen cho tiền tip,” hay “vấn đề ăn uống của người Phi.”
- Xử lý: Bên Việt Nam, làm gì cũng gọi là xử lý (xử lý rau, xử lý thịt…)
Xử lý là việc xét xử, xét đoán dựa trên lý lẽ (luật lệ, nguyên tắc…). Ví dụ: Vụ án giết người sẽ được đưa ra toà để xử lý. Nhẹ hơn thì gọi là xử trí, tức là giải quyết, phán xử dựa trên trí phán đoán. Ví dụ: Việc con trai anh làm con gái tôi mang bầu, tôi sẽ có cách xử trí.
Không nên nói “Rau được xử lý xong cho vào chảo luộc,” “Cầu thủ xử lý đường bóng.” Nên nói “Rau được nhặt rửa xong cho vào chảo luộc” và “Cầu thủ chuyền một đường banh.”
- Ùn tắc (tắc nghẽn). Không nên nói “Cuối ngày Chủ nhật, lưu thông ùn tắc.” Nên nói “Cuối ngày Chủ nhật, việc lưu thông bị tắc nghẽn.”
- Trần và Sàn (Ceiling hay Maximum, Threshold hay Minimum). Không nên nói ”Giá trần của căn nhà.” Nên nói “Giá cao nhất của căn nhà.”
- Chùm: Không nên nói Chùm ảnh, Chùm thơ. Sao không nói dễ nghe “tập ảnh, loạt thơ.”
- Tốp ca: Không nên nói “Ban tốp ca nữ.” Nên nói “Ban hợp ca nữ.”
- Cá thể (muốn nói một đơn vị): Báo chí bên Việt Nam viết “Cảnh sát bắt được hai cá thể vi phạm,” nên viết “Cảnh sát bắt được hai người vi phạm.”
- Tác nghiệp (ý muốn nói làm việc chuyên môn): Không nên nói “Các phóng viên đến tác nghiệp,” “Cảnh sát đến nơi tác nghiệp.” Nên dùng chữ “lấy tin” hay “làm việc/điều tra.”
- Giao lưu: Không nên nói “Hai chị em giao lưu suốt buổi tối.” Nên nói “Hai chị em trò chuyện suốt buổi tối.”
- Phản hồi: Việt Cộng viết trong bài báo “Không thấy phía Mỹ phản hồi.” Nên nói “Không thấy phía Mỹ phản ứng / trả lời.”
- Khủng (ý nói khổng lồ): Không nên nói “Cái xe khủng này, giá khủng.” Nên nói “cái xe lớn, giá cao.”
- Diễu hành, diễu binh: Không nên nói “Đi diễu hành ngày Quốc Khánh.” Lẽ ra phải là “diễn hành, diễn binh,” vì diễu hành có nghĩa là đi vòng vòng có tính cách vui chơi, không trang trọng.
Những chữ không thấy trong các từ điển Việt Nam lẫn Hán Việt
Động thái (ý muốn nói đến động tác, hành động), giao lưu (ý muốn nói đến trao đổi), hồ hởi, hiệp đồng (tự điển có chữ hợp đồng có nghĩa giao kèo), lễ tân (ý muốn nói tiếp khách) … Còn nhiều lắm!
Khuynh hướng ưa đảo thứ tự các chữ kép, nghe chướng tai vô cùng: bảo đảm, đơn giản, họ đảo thành đảm bảo, giản đơn… Rồi lại có tình trạng đổi chữ “i” thành chữ “y” như bác sĩ, nghệ sĩ, liệt sĩ thành bác sỹ, nghệ sỹ, liệt sỹ; hay ngược lại, như vô lý thành vô lí, chia ly thành chia li. Nhiều người có khuynh hướng cải cách chữ “i” và “y” cho đơn giản nhưng chưa được hưởng ứng rộng rãi vì có nhiều trường hợp không thể thay chữ y thành i được. Ví dụ: Thúy và thúi, may và mai.
Nói qua về cách dùng trạng từ
Cách dùng trạng từ. Trong khi tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ, thì trạng từ bổ nghĩa cho động từ, hay đôi khi cho tĩnh từ.
Ví dụ. Anh ta nói tiếng Anh một cách thành thục. Chị ta cư xử khôn khéo.
Như thế, vị trí của trạng từ là theo sát động từ, trước hay theo sau.
Ví dụ: Cô Ba nhanh nhảu trả lời. Cô Ba trả lời một cách nhanh nhẩu.
Chỉ có khi cần nhấn mạnh, người ta mới đặt trạng từ ra trước, nhưng phải cách mệnh đề bằng một dấu phẩy.
Ví dụ: Đột nhiên, anh ta ngã xuống.
Chúng ta thấy bây giờ người bên Việt Nam viết báo, hầu hết cho trạng từ ra đầu câu.
Ví dụ: Choáng công thức pha chế sữa đậu nành “bẩn” của Việt nam. Kinh hoàng đứa cháu chém bà ngoại vì không xin được tiền.
Câu trước chữ choáng viết ngắn của choáng váng, nghe đã chướng tai, rồi lại đặt nó ở đầu câu, nghe càng khó chịu.
Những cách dùng nên tránh
Có nhiều tên người, tên các quốc gia; nên giữ nguyên chữ của nước họ, hay đọc theo âm Việt Nam, hay dịch sang tiếng Việt?
Tên người, tên quốc gia là các danh từ riêng. Chắc chắn không ai dịch danh từ riêng ra tiếng nước mình mà có thể đọc theo âm sắc nước mình, nhất là giới bình dân. Nhưng khi đọc như thế, nghe vừa kỳ cục vừa bất lợi khi một người ta cần tra cứu và tìm hiểu thêm, sẽ không làm được vì không biết nguyên từ của các chữ đó để tìm trong tự điển hay trên Google. Vì thế, theo ý tôi, tên các quốc gia, tên người (nói chung là danh từ riêng) nên để nguyên văn.
Tên các quốc gia, người Việt đọc theo chữ Hán. Người Trung Hoa họ đọc nguyên từ theo phát âm Trung Hoa, rồi viết ra theo chữ Hán. Người Việt lần nữa đọc chữ Hán đó theo âm Việt.
Vì thế, nhiều danh từ khi đọc tiếng Việt càng xa với nguyên từ.
Vài thí dụ:
- Roma: Người Trung Hoa không phát âm được chữ ‘R’. Họ đọc thành ‘L’. Roma thành Lỏ Ma. Việt đọc thành La Mã.
- France: Trung Hoa đọc là Phơ Lang Sa. Việt đọc theo chữ Hán thành Pháp Lang Sa, gọi tắt là Pháp.
- Espagne: Trung Hoa đọc là Sì Pa Nhơ, Việt thành Tây Ban Nha.
- America: Trung Hoa đọc là A Mei Li Ca, Việt dọc thành Á Mỹ Lợi Á, gọi tắt là Mỹ.
- Washington: Trung Hoa đọc Hwa-Shing-Tơn, Việt đọc lại thành Hoa Thịnh Đốn.
Quý vị thấy, về mặt này, người Trung Hoa họ Hán Hoá các danh từ riêng của Tây Phương. Đó là chuyện của họ, coi như tạm ổn vì họ phát âm không khác mấy nguyên từ. Nhưng khi cha ông chúng ta lại phiên âm thêm lần nữa (Việt hoá các chữ Hán) thì càng xa lạ với nguyên từ. Vì thế, tôi thích để nguyên từ của Tây Phương. Có vị hỏi đọc thế nào tên người, tên các nước không dùng mẫu tự Latin như Ả Rập, Trung Hoa, Cambodia, Laos… Xin thưa, hãy dùng tên bằng Anh Ngữ vì đó là ngôn ngữ nhiều người biết.
Nhưng đó là ý kiến của riêng tôi. Còn vị nào muốn giữ các chữ Việt thì tùy họ.
Việc Việt hoá những danh từ riêng Tây Phương cũng không nên. Vì khi đọc nghe chướng tai lắm. Người ta từng chế nhạo việc phiên âm các tên Nga như Móc Cu Ra Bóp, Lút Mi La; hay tên Lào như Cay Xỏn, Chủ Tịch Quốc Hội Thái Lan là Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn… Và nếu một người cần tra cứu thêm, thì phải dùng nguyên từ, chứ dùng danh từ đã Việt Hoá sẽ không tìm thấy trong sách vở ngoại quốc hay trên internet.
Ví dụ, khi cần nói với người Mỹ, nếu chúng ta đọc Ý Đại Lợi, Hoa Thịnh Đốn, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng… không ai biết cả. Nhưng nếu đọc Yi Ta Li, Hwa-Shing-Tơn, Teng Xiẻo Ping, Li Ping thì chắc có người biết ngay.
Một điểm đáng nói, là tiếng Việt đọc theo đơn âm, tiếng các nước Tây phương theo đa âm. Hai cách phát âm cũng khác xa. Vì thế, với các danh từ riêng, thay vì đọc rời từng âm một (ví dụ: Ca-Li-For-Nia), nên tập đọc nhanh thành một chuỗi âm (California).
Vài thí dụ nhà cầm quyền và báo chí Việt Nam Cộng Sản đã Việt hoá các danh từ riêng và viết rời thành từng chữ đơn âm:
- Christina: Khơ Ri Chi Na
- Gorbachev: Go Rơ Ba Chốp
- Tchernenko: Tờ-Réc-Nen-Cô, có khi là Chéc Nen Cô
- Johnson: Giôn Xơn
- Iran, Iraq: Có thời họ đọc là “Một Răng,” “Một Rắc.”
Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng thoái hoá của tiếng Việt trong nước, và nhắc nhở những người quốc gia tại hải ngoại, nhất là các nhà văn, nhà báo phải cẩn thận khi chuyển tin, sao chép tin từ trong nước, hay là khi viết bài vở, phải dò kỹ, thật kỹ để không lọt những từ ngữ kỳ quái này vào. Hiện nay, các đài truyền hình, truyền thanh lớn như BBC, VOA, cả RFA cũng tuyển dụng những nhân viên sanh đẻ, lớn lên, hấp thụ văn hoá Việt Nam Cộng Sản, nên trong các bài viết của họ, nhan nhản những chữ sai. Vì đa số báo chí hải ngoại ít nhân viên, không nhiều thì giờ để chăm sóc, nên hiện tượng này cứ tiếp diễn dài dài. Nó vô tình đầu độc chúng ta, làm cho người đọc quen dần và không cảm thấy khó chịu. Chúng tôi biết có nhiều nhà văn, nhà bình luận, thậm chí nhiều nhà hoạt động cộng đồng, đoàn thể, thỉnh thoảng vẫn dùng những chữ sai như nói ở trên.
Ở trong nước thì chúng tôi khó trách. Vì gần hết dân số 90 triệu họ nghe, đọc và nói quen rồi. Lâu dần, nó trở thành tiêu chuẩn mà chúng ta đành bất lực. Vấn đề đúng sai, hay dở thật ra chỉ là tương đối. Cái đúng, cái hay của người này có thể là cái sai, cái dở của người kia! Khi đa số mọi người chấp nhận điều mà quá khứ coi là sai, thì trong hiện tại hay tương lai nó sẽ là điều đúng. Chuyện của dân trong nước, mình đành chịu thua!
Nhưng khi còn gần ba triệu người ở hải ngoại mà đại đa số hấp thụ văn hoá Việt Nam chính thống, chúng ta phải kiên quyết bảo lưu văn hoá của chúng ta. Chúng ta phải hết lòng, không buông tay bỏ cuộc.
Đỗ Văn Phúc
Cẩn thận, tránh dùng chữ bừa bãi lố lăng | |||
Trong sinh ngữ, luôn có sự thay đổi thêm bớt cho phù hợp sự phát triển và hoàn cảnh xã hội. Vì thế, không nên câu nệ quá mức là chữ của Việt Cộng hay chữ chúng ta quen thuộc ở miền Nam. Miễn sao các từ ngữ được dùng đúng nghĩa, hợp lý. Ngôn ngữ là của chung, xin không để cho ai độc quyền những chữ mà chúng ta có thể dùng được. Chúng ta có thói quen Việt hoá những chữ ngoại quốc mà không thể dịch sang Việt ngữ chính xác: cái bích kê, bơ, phô mai, mô tô, vi la, tủ buýp phê, xe buýt… Vì thế, cũng có thể tạm dùng: Marketing, Share… trong khi chờ cách nào dịch nghe êm tai. | |||
Chữ dùng sai | Nghĩa theo Từ điển VN | Cách dùng sai của người Việt hiện nay | Nên viết |
Ấn tượng | Danh từ, không thể dùng như động từ hay tĩnh từ | Cô Lan mặc áo ấn tượng. Tôi ấn tượng ca sĩ X | Cách ăn mặc của cô tạo một ấn tượng tốt trong tôi. |
Bảo quản | Chiếc xe được bảo quản | Chiếc xe được bảo trì/gìn giữ | |
Bèo | Thứ này bèo lắm | Thứ này rẻ/xoàng lắm | |
Biểu đạt | Diễn đạt | ||
Bồi dưỡng | Bồi dưỡng kiến thức | Trau dồi kiến thức | |
Ca từ | Lời ca | ||
Cá thể | Làm chết hai cá thể bò | Làm chết hai con bò | |
Cách li | Tách riêng ra một nơi vì bệnh hay vì sự nguy hiểm | Bên VN không phân biệt cách ly và cô lập. | Anh ấy bị cách ly vì mắc bệnh Covid-19. Cậu ấy bị bạn bè cô lập vì tính nết xấu. |
Cải tạo | Cải tạo bãi đá ngầm | Biến đổi bãi đá ngầm | |
Cần vụ | Người cần vụ | Người phụ việc | |
Căng | Tình huống căng lắm | Tình hình căng thẳng | |
Cặp đôi | Cặp và đôi là hai chữ cùng nghĩa, nhưng cách dùng khác nhau. | Một cặp đôi xứng đáng | Một cặp vịt béo. Một đôi vợ chồng hạnh phúc. Một đôi giày mới. |
Chất lượng | Mức độ phẩm chất | Chiếc xe có chất lượng. | Chiếc xe phẩm chất tốt |
Chất giọng | Ca sĩ X có chất giọng cao | Ca sĩ X có giọng hát cao | |
Chế độ | Xe ô tô dùng chế độ sang số tay | Xe hơi có số tay (sang số bằng tay) | |
Chỉnh chu | Anh đón tiếp chỉnh chu quá | Anh đón tiếp chu đáo quá | |
Choáng | Choáng công thức pha chế sữa đậu nành “bẩn” của Việt nam | Cách pha chế sữa đậu nành “bẩn” của Việt Nam làm chúng ta choáng váng | |
Chọc khe | Vận động viên X vừa thực hiện một cú chọc khe tuyệt đẹp | Cầu thủ X đá cú banh lòn qua đối thủ | |
Chồng lấn | Chồng chéo | ||
Chuẩn | Đào tạo theo chuẩn Hoa Kỳ | Đào tạo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ | |
Chức năng | Vai trò, sự phân công | Báo cáo lên cơ quan chức năng | Báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền |
Chùm thơ/ảnh | Chùm thơ của thi sĩ Mộng Vàng | Những bài thơ của thi sĩ Mộng Vàng. Tập ảnh thắng cảnh Âu Châu. | |
Chuyển ngữ | Chuyển ngữ bài thơ | Dịch bài thơ | |
Chuyên trị | Dùng trong y khoa | Anh ta chuyên trị vẽ “truyền hình” | Anh ta sở trướng về vẽ truyền thần |
Cơ bắp | Khoe cơ bắp | Khoe bắp thịt | |
Con chữ | Nhà văn bắt đầu từ những con chữ | Nhà văn bắt đầu từ những chữ | |
Cơ hội | Cơ may có tính chất tích cực | Không chích ngừa, có cơ hội đi bệnh viện | Cô X có giọng hay, có cơ hội đoạt giải thi tuyển lựa ca sĩ. |
Cự li | Khoảng cánh | Hai người giữ cự li | Hai người giữ khoảng cách |
Cực kỳ | Hát hay cực kỳ | Hát hay tuyệt | |
Đại gia | Nhà có danh tiếng, Việt Cộng dùng để nói người giàu có | Đại gia chi tiền khủng | Nhà giàu xài tiền quá mức |
Đăng ký | Biên chép vào | Đăng ký kỳ thi Trung học | Ghi danh kỳ thi Trung học |
Đáp án | Tìm đáp án cho bài toán/ vấn đề | Tìm đáp số, giải pháp | |
Đề xuất | Chúng tôi đề xuất phương án | Chúng tôi đề nghị kế hoạch/dự án | |
Điểm nhấn | Chiếc cà vạt là điểm nhấn trên người anh ta | Chiếc cà vạt là thứ nổi bật trên người anh ta | |
Điểm sàn | Điểm sàn để được thu dụng | Điểm tối thiểu để được tuyển dụng | |
Diễu binh | Diễu binh ngày lễ lớn | Đi xem quân đội diễn hành Bọn trẻ diễu hành trong sân. | |
Đâm xe | Tông xe | ||
Đề xuất | Đề nghị | ||
Điều | Nói tắt chữ điều động | Mỹ thách thức lại bằng cách điều tàu | Mỹ thách thức lại bằng cách điều động tàu |
Động não | Phải động não ra mà hiểu | Phải vắt óc ra mà hiểu (hay nặn óc) | |
Động thái | Chưa thấy động thái của họ | Chưa thấy hoạt động/động tĩnh gì. | |
Đột biến | Giá vàng tăng đột biến | Giá vàng tăng đột ngột/bất ngờ | |
Đột xuất | Anh ta đột xuất bước tới | Anh ta bất ngờ bước tới | |
Đứng lớp | Thầy A đứng lớp 5 | Thầy A dạy lớp 6 | |
Giải phóng | Đem lại tự do | Giải phóng mặt bằng | Giải toả, dọn dẹp diện tích hay cái gì đó… |
Giáo án | Cô giáo soạn giáo án | Cô giáo soạn bài giảng | |
Giao lưu | Không có trong tự điển VN | Chúng tôi giao lưu suốt đêm | Chúng tôi trò chuyện suốt đêm |
Giật tít | Báo giật tít về Biển Đông | Báo loan tin về Biển Đông | |
Hậu cần | Phòng hậu cần | Phòng tiếp liệu | |
Hiển thị | Hiển thị trên màn hình | Hiện ra trên màn hình | |
Hiệp đồng | Tự điển có chữ Hợp Đồng là giao kèo | Các binh đoàn chiến đấu hiệp đồng | Các binh đoàn phối hợp chiến đấu |
Hồ hởi | Không có trong tự điển VN | Tôi rất hồ hởi | Tôi rất vui mừng |
Hộ khẩu | Chữ này có trong tự điển, nghĩa là số nhà, số người | Sổ hộ khẩu (không sai, nhưng do Việt Cộng dùng) | Sổ gia đình (VNCH dùng) |
Hoành tráng | To lớn rộng rãi | Buổi lễ hoành tráng | Buổi lễ thì phải nói long trọng. Hoành tráng dùng cho những thứ cụ thể như công trình, kiến trúc… |
Hồi đáp | Phúc đáp, phản ứng (tùy trường hợp) | ||
Hội ý | Bàn bạc | Các bác sĩ hội ý… | Các bác sĩ bàn bạc, thảo luận |
Kênh | Kênh truyền hình CNN | Đài truyền hình CNN | |
Kênh ngoại giao | Dịch từ chữ Diplomatic Channel | Theo hệ thống ngoại giao | |
Khả năng | Dùng như động từ! | Trời khả năng mưa | Trời có thể mưa |
Khẩn trương | Làm khẩn trương lên | Làm nhanh lên | |
Khống chế số liệu | cô nhớ khống chế số liệu chi trả | cô nhớ hạn chế việc chi tiêu | |
Khủng | To lớn | Giá khủng, xe khủng | Giá đắt khủng khiếp, xe lớn khủng khiếp |
Kịch tính | Có tính chất trình diễn | Buổi nói chuyện đầy kịch tính | Buổi nói chuyện đầy sôi nổi |
Lễ tân | Các cô trong ban lễ tân | Các cô trong ban tiếp tân | |
Lên lớp | Cô giáo soạn giáo án trước khi lên lớp | Cô giáo soạn bài giảng trước khi vào lớp (dạy), | |
Lên phương án | Họ lên phương án | Họ lập kế hoạch | |
Liệt sĩ | Người có khí tiết mạnh mẽ (không phải người chết) trận) | Liệt sĩ trong chiến tranh chống Pháp | Tử sĩ trong chiến tranh chống Pháp |
Lô Gích | Hợp lý | ||
Nghệ danh | Cô Lê thị A có nghệ danh Mi Mi | Cô Lê thị A tức ca sĩ Mi Mi | |
Nghiêm túc | Trả lời nghiêm túc | Trả lời một cách đứng đắn (nghiêm trang, nghiêm chỉnh) | |
Ngưỡng | Mức tối thiểu | Ở ngưỡng | Ở mức tối thiểu, thấp nhất |
Nhất trí | Tôi xin nhất trí | Tôi xin đồng ý | |
Nội hàm | Bao hàm, hàm chứa | ||
Nội y | Cô tài tử Anna dùng nội y hàng hiệu | Cô tài tử Anna dùng đồ lót nhãn hiệu nổi tiếng | |
Ô tô con | Xe container đè hai ô tô con | Xe container đè hai xe du lịch. | |
Phản cảm | Cô gái ăn mặc phản cảm | Cô gái ăn mặc chướng mắt/khó coi | |
Phản hồi | Trở lại, trở về | Repsol đã không phản hồi câu hỏi của BBC | Repsol đã không trả lời câu hỏi của BBC |
Phục vụ | Khách được phục vụ trà bánh | Khách được mời trà bánh | |
Phượt thủ | Khách du lịch | ||
Quản | Rút ngắn chữ quản lý, quản trị | Việc này tôi sẽ quản | Việc này tôi sẽ lo |
Quan hệ | Có dính dáng, mắc míu với nhau | Tôi sẽ quan hệ với cơ quan X. | Anh A và chị B có mối quan hệ gia đình. Tôi sẽ liên lạc với cơ quan X. |
Quan chức | Xưa có chữ Quan Viên là người làm việc quan | Có mặt đầy đủ các quan chức Bộ Ngoại Giao | Có mặt đầy đủ các viên chức Bộ Ngoại Giao |
Quy trình phê duyệt | Việc duyệt xét, phê chuẩn | ||
Quyết | Rút ngắn chữ quyết định | Trên đã quyết | Cấp trên đã quyết định |
Sát thủ | Bắt được tên sát thủ | Bắt được tên sát nhân (giết người) | |
Sở hữu | Cái thuộc về mình (danh từ) | Tài tử Mi Mi sở hữu đôi mắt đẹp | Tài tử Mi Mi có đôi mắt đẹp. Căn nhà này thuộc quyền sở hữu của tôi. |
Sốc | Câu nói gây sốc | Câu nói gây bàng hoàng | |
Sự cố | Hai chữ đều có chung nghĩa là một việc. | Sự cố kỹ thuật | Trở ngại/trục trặc kỹ thuật |
Tác nghiệp | Không có trong tự điển VN | Các ký giả đến tác nghiệp | Các ký giả đến săn tin. Ông Nam hành nghề ở Sài Gòn. |
Tác động vật lý | Dịch sai chữ Physical trong Anh ngữ | Anh A tác động vật lý cô B | Hành hung, xúc phạm than thể |
Tài khoản | Trương mục ngân hàng. Chữ tài có nghĩa về tiền bạc. | Mở tài khoản Yahoo | Chữ tài khoản chỉ dùng trong việc dính líu đến tiền bạc. Chưa có chữ Việt nào dịch chữ account trong tin học cho chính xác. |
Tâm đắc | Danh từ: có nghĩa là điều hiểu được ở trong tim | Tôi tâm đắc điều này | Tôi thích thú về điều này |
Tâm tư | Danh từ, có nghĩa là điều cảm nhận ở trong tim | Tôi rất tâm tư về anh | Tôi rất lưu tâm về anh. Tâm tư của tôi hướng về cô! |
Tập huấn | Không có trong tự điển VN | Cán bộ đi tập huấn | Cán bộ đi thực tập |
Tham quan | Đi tham quan thành phố | Đi thăm thành phố | |
Thể hiện | Biểu lộ | Chiếc bánh chưng do bà Mai thể hiện | Chiếc bánh chưng do bà Mai làm (thực hiện) |
Thị phần | Dịch chữ Market Share | Khó nghe qua! Nên tạm Việt hoá chữ Share | |
Thoáng | Viết tắt chữ thông thoáng | Vụ này thoáng hơn vụ kia | Vụ này dễ/rõ… hơn vụ kia |
Thống nhất | Hợp lại | Hai người thống nhất trong việc này | Hai người đồng ý trong việc này |
Thông tin | Đúng ra là Thông Tín | Theo thông tin của báo Thanh Niên | Theo tin tức của báo Thanh Niên |
Thư giãn | Thư là thảnh thơi | Ngồi thư giãn một chút | Ngồi thoải mái một chút |
Thu hoạch | Gặt, hái, lượm | Bài thu hoạch cuối năm | Bài (thi) tổng kết cuối năm |
Tiếp cận | Sát bên | Chúng tôi tiếp cận ông Đại sứ | Chúng tôi tiếp xúc với ông Đại sứ |
Tinh tươm | Tinh xảo, tươm tất | Căn phòng tinh tươm | Căn phòng tươm tất, ngăn nắp |
Tình huống | Tùy trường hợp mà dùng | Tình huống căng lắm | Tình hình đã yên. Tình huống phức tạp. |
Tố chất | Ðứa bé đó có tố chất thông minh | Ðứa bé đó thông minh | |
Tờ rơi | Truyền đơn | ||
Tốp ca | Do ban tốp ca Ba con Vịt đẹt thể hiện | Do ban hợp ca Ba Trái Táo trình bày | |
Trần | Giá trần | Giá cao nhất | |
Tranh thủ | Giành cho được | Tranh thủ thời gian để làm… | Tận dụng thời gian để làm… |
Trình độ | Anh A hát trình độ nhỉ | Anh A hát hay nhỉ | |
Trọng thị | Tiếp đón trọng thị | Tiếp đón long trọng | |
Tư duy | Chỉ dùng trong triết học | Mình phải tư duy điều này | Mình phải suy nghĩ về điều này |
Tư liệu | Dùng tư liệu của bộ Giáo Dục | Dùng tài liệu của bộ Giáo Dục | |
Từ khóa | Ý muốn dịch chữ Key Word | Tạm chấp nhận chữ Key Word | |
Tương tác | Ảnh hưởng qua lại | ||
Tuyển | Tuyển Ba Tây | Đội tuyển Ba Tây | |
Tuyến đường | Tuyến đường sắt | Đường xe lửa | |
Ùn tắc | Giao thông ùn tắc | Lưu thông bị tắc nghẽn | |
Văn hoá “tip” | Nhật không có văn hoá tip | Ở Nhật không có thói quen cho tip | |
Văn hoá ẩm thực | Văn hoá ẩm thực của người Tàu | Vấn đề ăn uống của người Tàu | |
Vật tư | Phòng vật tư | Phòng vật liệu | |
Vô tư | Không lo nghĩ | Cứ ăn uống vô tư nhé! | Cứ ăn uống tự nhiên/tha hồ nhé! |
Vụ việc | Vụ và việc là hai chữ có nghĩa khác nhau | Vụ việc này căng lắm. | Vụ sát nhân này căng thẳng lắm. Việc giết người là một trọng tội. |
Xử lý | Dùng lý lẽ, phán đoán mà giải quyết. | Cầu thủ A xử lý đường bóng rất tốt | Cầu thủ A dẫn/chuyền/đưa banh rất hay |
Rau được xử lý… | Rau được rửa/soạn sẵn… |