Văn học lãng mạn
Phong trào văn học lãng mạn có những đặc điểm như sau:
1. Văn học lãng mạn
2. Bối cảnh ra đời của phong trào văn học lãng mạn
3. Những đặc điểm nổi bật của văn học lãng mạn
Văn học lãng mạn
Văn học lãng mạn hay còn gọi là chủ nghĩa lãng mạn trong văn học là một phong trào trong giới văn học tinh hoa, kéo dài từ cuối thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XIX với điểm nổi bật là nhấn mạnh vào tính cá nhân và những cảm xúc đơn thuần bên trong nội tâm của conngười, thay vì những vấn đề mang tính xã hội.
Được tiếp nối ngay sau kỷ nguyên ánh sáng (Age of Enlightenment), con người bắt đầu được giải phóng khỏi sự chi phối của Giáo Hội, do đó họ bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn về bản thân, nhằm tạo điều kiện phát triển thế giới nội tâm của mình. Trong thế giới tưởng tượng ấy, con người được tự do khám phá và trải nghiệm cuộc sống của mình một cách chủ quan nhất, nhưng nhờ đó họ dần nhìn nhận thế giới theo cách khách quan hơn, nối liền mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Do những yếu tố này, văn học lãng mạn là một nhánh của văn học nghệ thuật nói chung.
Xem thêm: Văn học nghệ thuật
Từ Romanticism (chủ nghĩa lãng mạn) không xuất phát từ tình yêu, mà được dịch từ chữ romaunt trong tiếng Pháp, với ý nghĩa là một câu chuyện lãng mạn. Như vậy, đối tượng chính được diễn giải trong văn học lãng mạn không chỉ đơn thuần là tình yêu, đó còn là một khái niệm vĩ đại hơn, bao trùm lấy tình yêu và các mối quan hệ xã hội. Cảm xúc của con người mới chính là đối tượng chính được tập trung xây dựng trong chủ nghĩa lãng mạn trong văn học. Đôi khi cốt truyện của văn học lãng mạn không thực sự trọn vẹn, nhưng qua đó ta nhìn thấy nhiều mảng cảm xúc được bộc lộ, thái độ và góc nhìn của nhân vật cũng thay đổi theo thời cuộc, ta như nhìn thấy thế giới nội tâm của con người rõ ràng hơn.
Bối cảnh ra đời của văn học lãng mạn
Nguồn gốc ra đời của văn học lãng mạn là gì? Vào cuối thế kỷ XVIII, ở châu Âu xảy ra nhiều sự kiện biến động, tiêu biểu nhất là cuộc cách mạng Pháp diễn ra vào năm 1789 kéo dài đến 1799. Sự thành công của cuộc cách mạng này đã phần nào khống chế được sức ảnh hưởng khủng khiếp của giáo hội lên tinh thần của dân chúng, và Kỷ Khai Sáng ra đời như một tư tưởng khẳng định cho sự tự do của con người, đồng thời xóa bỏ những lề lối cổ hủ năm xưa, dọn đường cho những tư tưởng tân thời hơn. Sự ra đời của Kỷ Khai Sáng kéo theo nhiều chủ nghĩa ra đời, như chủ nghĩa cổ điển (Classicism) lấy những đường nét hoàng gia làm chính, hay chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism) là một sự hòa trộn giữa cái truyền thống và cái đương đại.
(Cuộc cách mạng Pháp đã xóa bỏ sự ảnh hưởng sâu sắc của Giáo Hội lên tư tưởng của công chúng, cho phép họ được tự do suy nghĩ và bày tỏ quan điểm)
Vậy lý do ra đời của văn học lãng mạn là gì? Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học ra đời là để đối chọi lại với sự phát triển vượt bậc của kỷ nguyên công nghiệp, nhấn mạnh vào sự tồn tại của thiên nhiên, những nét cổ điển trong quá khứ. Đối nghịch với nhà máy, tàu hơi nước là vườn tược, rừng rậm đậm chất thiên nhiên; và đối nghịch với tiền và tư bản là những mối quan hệ thuần túy cảm xúc của con người. Có thể nói, chủ nghĩa lãng mạn trong văn học tập trung khai thác cái đẹp thô cứng, đơn sơ của con người bình thường trong xã hội. Sự khác biệt giữa văn học tân cổ điển và văn học lãng mạn là gì? Trong văn học, văn học tân cổ điển (Neoclassicism Literature) lại mang dáng hình của các tác phẩm thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Đó là những ý tưởng, viễn tưởng về một con người hoàn mỹ mà bỏ qua những nét vụng về, khuyết thiếu trong nhân cách. Ý tưởng này đã bị những tác giả theo chủ nghĩa lãng mạn phản đối kịch liệt, bởi họ cho rằng, sự hoàn mỹ trong viễn tưởng đã vô hình trung bóp méo những cảm xúc chân thật nhất của con người. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng lại những hình mẫu đã có sẵn từ trước, văn học lãng mạn tập trung khai thác và sáng tạo nên những khía cạnh mới mẻ hơn trong tâm hồn người, từ đó tạo nên những điểm khác biệt của 2 phong trào này.
Đặc điểm của văn học lãng mạn
Với những nét mới mẻ như trên, văn học lãng mạn có 5 đặc điểm rất nổi bật, nhấn mạnh vào cái tôi cá nhân và những cảm xúc thiêng liêng của con người. Những đặc điểm của văn học lãng mạn bao gồm:
- Lời ca tụng thiên nhiên
- Hành trình tìm về cái tôi cá nhân
- Sự hứng thú với cá nhân bình dị
- Sự biểu dương nỗi buồn và sự cô lập
- Quá trình lý tưởng hóa hình ảnh phụ nữ
- Sự xuất hiện của phương thức nhân hóa.
Lời ca tụng thiên nhiên
Bản chất của văn học lãng mạn là sự đối chọi với sự tiến bộ của cách mạng công nghiệp, nên yếu tố thiên nhiên thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm lãng mạn nhằm thể hiện sự yên bình, chậm chạp của thời gian, tương phản với cái nhanh nhạy, vội vàng của kỷ nguyên công nghiệp. Qua đó, con người như quan sát được nhiều hơn, dành thời gian chiêm nghiệm sự đổi mới, thay sắc của khung cảnh quen thuộc, rồi ngộ ra vẻ đẹp tuyệt mĩ đơn sơ của thế giới tự nhiên xung quanh.
Hành trình tìm về cái tôi cá nhân
Được giải phóng khỏi sự kiềm hãm của giáo hội, cái tôi cá nhân trong văn học lãng mạn được đẩy lên cao hơn thông qua những hành trình khám phá nội tâm. Văn học lãng mạn đánh giá cao những sự nỗ lực của nhân vật, trong việc khám phá những sai phạm, khiếm khuyết về nhân cách, rồi lấy đó làm tốn vinh vẻ đẹp trong tâm hồn của con người trong chủ nghĩa lãng mạn.
Sự hứng thú với cá nhân bình dị
Sự hứng thú với cá nhân bình dị trong văn học lãng mạn là gì? Là thay vì tập trung vào một viễn tưởng vô thực về hình ảnh một cá thể hoàn hảo, văn học lãng mạn hoan nghênh sự xuất hiện của những con người bình thường trong xã hội, những con người tài giỏi, hiền lành, tuy đôi khi cũng có những thói xấu cần phải lên án. Bởi khi có sự xuất hiện của thói xấu, văn học lãng mạn sẽ sáng tạo một cuộc hành trình nội tâm cho cá thể đó, để họ nhận ra và thay đổi quan điểm của mình.
Sự hoan nghênh nỗi buồn không tên và sự cô lập
Ralph Waldo Emerson là một trong những tác giả nổi tiếng theo trường phái lãng mạn, và chính ông cũng đã nhấn mạnh sự cô lập như một phần thiết yếu nhằm nhấn mạnh tính cá nhân trong văn học lãng mạn: các cá nhân phải nhìn vào nội tâm của mình, đánh giá và đưa ra quyết định bằng chính sức lực và tài nguyên của bản thân, từ đó mới có thể cảm thấy thỏa mãn khi nhận lấy kết quả tương xứng. Thay vì tìm cách né tránh sự cô lập, những tác giả theo chủ nghĩa lãng mạn đã cố gắng dùng sự cô lập đó để tương phản với nội tâm sâu sắc của nhân vật, tạo cho họ một cái tôi cao cả hơn.
Ngoài ra, nỗi buồn không tên (melancholy) cũng là một yếu tố nhỏ xuất hiện trong văn học lãng mạn. Như 1 cách chấp nhận hiện thực không thể tránh khỏi, nỗi buồn không tên là cách mà con người lãng mạn sử dụng để biểu đạt mối quan hệ với tự nhiên, dẫu cho món quà tự nhiên ban cho có khó coi, khó chịu đựng đến nhường nào, đó vẫn là những bài học, là đặc ân mà con người được ban tặng. Những cảm xúc tiêu cực này chính là cá tính riêng của dòng văn học lãng mạn, giúp ta phân biệt được văn học lãng mạn là gì, dù cho chưa bao giờ biết đến khái niệm.
(Tranh minh họa cuốn Nỗi Đau Của Chàng Werther do Goethe sáng tác, năm 1774. Tác phẩm này ra đời trong giai đoạn Kỷ Nguyên Khai Sáng và phong trào Lãng Mạn giao thoa diễn ra tại Đức)
Lý tưởng hóa hình ảnh phụ nữ
Phụ nữ, xuyên suốt thời kỳ lịch sử đều bị đánh giá thấp. Họ luôn bị lý tưởng hóa thành một nhân vật mềm yếu, e thẹn, đáng yêu và là một người bạn đời lý tưởng. Sự lý tưởng hóa này đã không cho các nhân vật nữ đất diễn để phát triển cái tôi riêng, mà chỉ được nhắc đến thông qua mối quan hệ phối ngẫu với người đàn ông. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hình ảnh lý tưởng này trong các tác phẩm thuộc chủ nghĩa lãng mạn đã gợi dậy rất nhiều cảm hứng sáng tạo trong lòng tác giả văn học, để từ đó họ viết nên nhiều tác phẩm mang dấu ấn nữ quyền rõ rệt, bằng việc phụ nữ từng bước phá bỏ bức tường lý tưởng trên và trở thành một cá nhân độc lập trong xã hội.
Một số tác phẩm tiêu biểu đã vượt qua được định kiến trên phải kể đến là bộ đôi Pride and Prejudice và Sense and sensibility của Jane Austen, Jane Eyre của Emily Bronte, cô bé Fadette của Geogre Sand…
Sự xuất hiện của nhân hóa và nhân cách hóa
Vậy tác dụng của nhân hóa trong văn học lãng mạn là gì? Để hòa mình vào bối cảnh lãng mạn và nhân vật lãng mạn, nhiều nhà văn nhà thở đã sử dụng hình thức nhân hóa, cũng như nhân cách hóa để thổi một làn gió mới vào khung cảnh xung quanh. Cách làm này, không chỉ tạo điểm mấu chốt kết nối các nhân tố trong tác phẩm, mà nó còn cho phép nhân vật san sẻ, đồng cảm với vạn vật xung quanh.
Chủ nghĩa lãng mạn tại Việt Nam
Thế kỷ XX chứng kiến sự bùng nổ của văn học hiện đại Việt Nam, không chỉ là về thơ mà còn là về truyện và tiểu thuyết. Các tác phẩm văn học dần chia thành hai trường phái chính, văn học hiện thực phê phán và văn học lãng mạn, cốt lõi vẫn là thôi thúc lòng dân, phục vụ cho kháng chiến.
Vào năm 1930, văn học lãng mạn tại Việt Nam bắt đầu phát triển rực rỡ nhờ sự giao thoa văn hóa diễn ra trong cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Có thể nói, thực dân Pháp tuy đã làm kinh tế xã hội Việt Nam suy kiệt, nhưng những lợi ích về văn hóa và văn học là không thể chối cãi.
Trong bối cảnh nghèo đói ấy, văn học lãng mạn dần nở rộ và phát triển như những đóa hoa trong đêm. Rất nhiều nhà văn nổi tiếng Việt Nam trong thời kỳ này đã lựa chọn chủ nghĩa lãng mạn, hòng làm nổi bật lên nhân cách và những đức tính cao đẹp của con người. Đối với họ, con người dù phải lâm vào hoàn cảnh thối nát, vẻ đẹp nội tại của họ vẫn giúp họ vươn lên và tìm thấy mục đích sống của cuộc đời. Dòng văn học lãng mạn đã nhanh chóng thu hút người đọc, như một sự khích lệ động viên con người theo đuổi cái chân-thiện-mỹ vậy.
Nhìn chung, văn học lãng mạn ở Việt Nam vẫn đáp ứng được 5 đặc điểm của thể loại văn học này. Trong các tác phẩm văn học lãng mạn đã xuất bản tại Việt Nam, nhiều tác phẩm chú trọng chọn một trong các đặc điểm, nhưng không quên thêm thắt những đặc điểm khác vào để câu chuyện thêm phần lãng mạn.
Một ví dụ điển hình, trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” do Thạch Lam sáng tác, một ngôi làng hẻo lánh và cuộc sống bình lặng của hai đứa trẻ, từng đêm chờ đợi đoàn tàu le lói, đã trở thành một cuộc sống của không biết bao nhiêu người trong thời chiến loạn lạc. Cái đẹp của tác phẩm không chỉ đặt ra một nỗi buồn không tên, bao trùm lấy ngôi làng nhỏ, mà còn là hình ảnh đẹp đẽ của đoàn tàu, mang theo hy vọng le lói cho toàn bộ người dân nơi đây.
Tạm kết
Như vậy, văn học lãng mạn hay chủ nghĩa lãng mạn, tuy chỉ với hơn 50 năm ngắn ngủi, đã tạo nên sức ảnh hưởng vô cùng lớn lên nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật ngay sau đó, khiến người đời luôn ngưỡng mộ. Sự tập trung hết mình vào những khía cạnh cảm xúc đã làm con người phát triển được mối quan hệ bền đẹp giữa loài người và tự nhiên, đồng thời khơi gợi những cảm xúc sâu thẳm bên trong lòng con người. Ngày nay, ta có thể tìm thấy các tác phẩm hiện đại mang âm hưởng của chủ nghĩa lãng mạn được thừa hưởng từ phong trào này, khiến chủ nghĩa lãng mạn trong văn học trở thành một phong trào kinh điển, bất biến trước sự thay đổi của thời đại.
Nguồn: Twinkl