Bình luận tác phẩm “Thơ duyên” – Xuân Diệu
Nhà phê bình Chu Văn Sơn
1. Bén duyên với Thơ duyên
Nếu Thơ duyên là một bài thơ rất Xuân Diệu, thì xem ra những lời bình mà tác giả Thi nhân Việt Nam dành cho thi phẩm này cũng rất Hoài Thanh[1]. Cơ chừng chỉ nhờ những ấn tượng mà ngòi bút bình thơ tài hoa tinh tế kia lẩy ra, nhiều người mới tìm đọc toàn bài. Còn trước đó ít ai ngó ngàng đến cả thi phẩm. Cho đến khi giành được một chỗ xứng đáng trong sách giáo khoa phổ thông trung học, người ta mới thấy Thơ duyên được giới phê bình si mê hơn. Thơ duyên vậy là bén duyên với Hoài Thanh mà vẫn luôn mặn duyên với giới phê bình!
Như cái tên của nó, Thơ duyên có một bình diện nội dung rất dễ thấy là sự xúc động trước cuộc giao duyên huyền diệu của cả thế gian này, mà nhìn kĩ chính là sự hoà quyện của ba mối tơ duyên chính: thiên nhiên với thiên nhiên, con người với thiên nhiên và con người với con người. Cảm hứng giãi bày đó đã thu hút mối quan tâm của hầu hết những ngòi bút phê bình kia. Thế cũng dễ hiểu. Cảm hứng này đã khiến bài thơ hiện ra như một thể sống động tràn ngập cảm xúc. Ở đó, những biến thái mơ hồ nhất của thiên nhiên và của con người đều được thể hiện bằng ngòi bút thật tinh tế. Ở mạch cảm hứng đó quả là thấy rất rõ một nét đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu, ấy là “sự bồng bột của Xuân Diệu được phát biểu ra đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi[2]”. Nhưng chính vẻ đẹp có phần phô ra này đã làm khuất chìm đi một bình diện nội dung khác, cũng hết sức quan trọng, thậm chí chính nó mới làm nên cái duyên thầm của Thơ duyên: nội dung cắt nghĩa. Lớp nội dung này không phải hoàn toàn chưa được biết đến. Nhưng nó đòi hỏi phải được quan tâm chu đáo hơn, tận tình hơn. Bởi phần lớn bí mật của thi phẩm này hãy còn nằm im ở đó.
Bạn đừng vội vàng lắc đầu rằng: sự rung động hồn nhiên của tâm hồn mới là phần căn bản của thơ, còn lí giải, cắt nghĩa chỉ là thứ yếu, vì rằng “lí” chỉ là sở đoản của thơ. Điều bạn vừa nghĩ chắc bạn đinh ninh là một thứ hiển nhiên? Không hẳn đâu. Nếu cứ tuyệt đối hoá thì vô tình bạn đã phạm phải sai lầm: vừa làm nghèo tiếng nói vốn phong phú của thơ, vừa làm nghèo cả chính Xuân Diệu. Cắt nghĩa mọi thứ, nhất là tình yêu, có thể nói, là ham muốn lớn suốt cả đời Xuân Diệu. Dẫu có lúc thi sĩ than: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu[3]”, nhưng ta cũng đừng vội tin rằng đó là lời thú nhận về sự bất lực. Đơn giản vì, ngay sau lời than vẩn vơ đó thi sĩ đã cắt nghĩa luôn rồi đấy thôi. Không chỉ thế, mà ông còn theo đuổi việc cắt nghĩa tình yêu hết cả một đời. Cho nên, cứ nhìn kĩ mà xem, chẳng phải ý hướng cắt nghĩa, lập lí đã đi vào hình thức tổ chức của mọi bài thơ Xuân Diệu đó sao? Bên dưới mạch xúc cảm sôi nổi, bồng bột ta vẫn thường gặp một mạch luận lí ở mức nào đó, mà đôi khi là cả… lí sự nữa! Tóm lại, những dài dòng này, chỉ nhằm để khẳng định rằng: Thơ duyên còn là một vỡ lẽ, một khám phá về tơ duyên đã được nảy nở thế nào giữa hai cá thể vốn xa lạ trên cõi sống này.
2. Cảm quan nghệ thuật Xuân Diệu
Ý tưởng cắt nghĩa của Thơ duyên có lẽ đã khởi nguồn từ một cội rễ sâu xa hơn: cảm quan nghệ thuật của Xuân Diệu. Có thể hiểu cảm quan như là lối cảm nhận riêng trong đó chứa đựng quan niệm và cách cắt nghĩa riêng về thế giới của người nghệ sĩ. Trong những trường hợp thật điển hình, cảm quan ấy thường đọng lại trong những hình mẫu tổng quát nào đó. Nó khiến cho cảnh quan thế giới đi vào tâm hồn người nghệ sĩ được khúc xạ qua hình mẫu ấy, được qui chiếu vào hình mẫu ấy. Do đó khi hiện hình trong sáng tạo, thế giới xung quanh sẽ hiện ra như những biến thể, những hoá thân, phân thân khác nhau của cái hình mẫu ấy. Dĩ nhiên phải là những biến thể cực kì sống động. Đọc Xuân Diệu, thì thấy thế giới dường như được qui chiếu về hai hình mẫu tổng quát: Mảnh vườn tình ái và Sa mạc vô liêu[4]. Hình ảnh tạo vật thiên nhiên hết sức đa dạng và sống động trong thơ ông chỉ là những hoá thân, những biến thể khác nhau của hai hình ảnh ấy mà thôi. Thực ra, chúng chỉ là hai phía đối lập biện chứng của cùng một cảm quan nghệ thuật Xuân Diệu. Bởi vì, hai hình ảnh tổng quát này vừa tương sinh lại vừa tương khắc – chúng tương phản nhau nhưng lại chuyển hoá sang nhau. ở phía này, thế giới hiện ra như một mảnh vườn tình ái, trong đó vạn vật đang rạo rực đắm say, đang giao duyên tình tự với nhau – Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới; bao trùm lên là một bầu sinh khí ngập tràn ánh sáng và hơi ấm. ở phía kia, thế giới lại hiện ra trong diện mạo một hoang mạc vô liêu, tất cả cứ như một cõi hoang vắng, sinh khí suy biến tiêu tán – và cảnh đời là sa mạc vô liêu; tạo vật thành lẻ loi, trống trải, lạnh lẽo, âm u, âu sầu. Nếu mảnh vườn tình ái là thiên nhiên gợi tình, thì hoang mạc vô liêu là thiên nhiên gợi buồn. Một đằng đánh thức dậy trong con người khát khao luyến ái yêu đương, một đằng lại đánh thức nỗi cô đơn cố hữu trong từng cá thể. Dù gợi tình hay gợi buồn, thế giới xung quanh đều dẫn lối cho con người đến một cái đích duy nhất thôi: tình yêu! Bởi chỉ đến với tình yêu con người mới được thoả những khát khao tình ái, cũng chỉ đến với tình yêu mỗi cá thể mới vượt thoát được nỗi cô đơn. Có thể nói, trong thiên nhiên tạo vật của Xuân Diệu luôn giăng mắc hai sợi tơ như thế và sẵn sàng xe duyên cho mọi lứa đôi. Tơ duyên nảy sinh giữa những cá thể vốn xa lạ nhau chính là ý muốn của một thế giới như vậy. Một ý muốn không ai có thể cưỡng được. Không phải tơ duyên hình thành từ kiếp trước một cách siêu hình theo quan niệm nhà Phật. Mà chính tạo vật thiên nhiên quanh chúng ta đây đã xe duyên cho con người. Đó là một quan niệm rất trần thế của Xuân Diệu.
Hoàn toàn có thể coi, Thơ duyên là sự thu nhỏ của Thế giới Xuân Diệu vào khuôn khổ một thi phẩm.
3. Thơ duyên, tình và tứ
Nếu như tứ được hiểu như là sự hoá thân của ý vào toàn thể thi phẩm mà trước hết là vào hình tượng bao trùm, thì cái ý cắt nghĩa này đã chi phối hoàn toàn cấu tứ của Thơ duyên.
Theo tôi, trong một tứ thơ điều quan trọng nhất không hẳn là ý, không hẳn là hình, cũng không hẳn là hình chứa đựng ý. Mà là cái quá trình ý hoá thân vào hình, tức là một sự chuyển hoá. Sự chuyển hoá này khiến cho thi phẩm là cấu trúc động, trong đó, theo mạch tuyến tính của lời thơ, tình ý vừa hiện hình vừa chuyển hoá vào hình tượng thơ một cách hợp lí và trọn vẹn.
Hãy nhìn vào mạch cấu tứ. Đầu tiên là xuyên qua bố cục của nó. Cảm hứng cắt nghĩa dường như đã chọn cho thi phẩm này một bố cục phù hợp, với hai phần khá rõ rệt. Phần đầu, ba khổ; phần sau, hai khổ. Mỗi phần đều có một trình tự gần giống nhau: bắt đầu là một bức tranh thiên nhiên, sau đấy là sự chuyển biến thầm kín bên trong nhân vật trữ tình. Mỗi phần ngầm lí giải về một lí do hình thành tơ duyên của con người. Hai phần nội dung này nối liền nhau vừa theo bước đi của thời gian, vừa theo bước chuyển trong tâm tình của nhân vật. Nhân vật trong vai chủ thể ở đây là một nam nhân trong cái thời khắc thật nhạy cảm: một cậu bé đang thành một chàng trai. Chủ thể vừa đón nhận tinh tế những âm vọng từ thiên nhiên, vừa lắng nghe những biến thái tinh vi mơ hồ nhất của hồn mình – chủ yếu là những biến thái tế vi trong cảm xúc luyến ái. Nghĩa là, vừa cảm nhận bằng dòng mĩ cảm về cái duyên ẩn hiện trong thiên nhiên, vừa cắt nghĩa bằng mạch lí giải về mối duyên càng lúc càng tượng hình rõ nét trong con người.
Cùng với bố cục, ta có thể thấy hai hệ thống hình tượng (cảnh và người) cứ từng bước chuyển hoá. Chẳng phải ở trung tâm của bài thơ là một đôi thiếu niên đi từ chiều mộng đến chiều thưa hay sao? Cảnh chuyển làn từ “mảnh vườn tình ái” thành “hoang mạc vô liêu”, và trên con đường ấy, thoạt tiên con người còn là những kẻ vô tâm, thế rồi thiên nhiên cứ biến họ dần thành kẻ hữu tình. Theo sự chuyển hoá đó, các nội dung cắt nghĩa (ý) cũng thâm nhập xe quyện vào từng phần của mạch thơ. Theo bước chân của họ, mà cũng là theo nhịp thời gian, cứ từng bước, trong lòng mỗi cá thể kia, luyến ái nảy sinh, tơ duyên nảy nở, gắn kết họ thành đôi lứa. Nghĩa là thế giới xung quanh cứ đồng lòng xe duyên cho họ. Mạch vận động như thế chẳng phải chính là trình tự cấu tứ của Thơ duyên hay sao?
4. Bén duyên tất sẽ “cưới lòng”
Hãy đi vào từng phần của thi phẩm.
Bắt đầu bằng một buổi chiều – một buổi chiều rất Xuân Diệu:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Thuộc về hai khổ thơ, nhưng sáu câu thơ liền mạch này đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên quyến rũ. Và nhìn kĩ mà xem, đó chẳng phải là một mảnh vườn tình ái hay sao?
Thế giới Xuân Diệu là thế giới của chữ Tình. Cho nên vườn tình ái là gương mặt tập trung nhất, sống động nhất của thế giới ấy. Trong mảnh vườn kia, vạn vật đang dậy men tình ái, tất cả đều khát khao ân ái. Tạo vật ở đó tất phải được phân lập thành những cặp đôi. Mà đáng nói hơn là quan hệ giữa những cặp đôi kia phải là quan hệ luyến ái. Có như thế mới thành thơ yêu. (Xin mở ngoặc đơn: cần phải nói thật rõ điều này vì rằng phân lập thành những cặp đôi chưa phải là quyết định. Thơ của nhiều người khác cũng có phân lập kiểu ấy. Nói ngay trong thơ Hồ Chí Minh, những “Núi ấp ôm mây mây ấp núi”, “Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây”, “Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”, v.v… chẳng phải cũng là cặp đôi đó sao? Song, nhìn kĩ thì các cặp đôi ở thơ Bác nghiêng về quan hệ bạn bầu, bằng hữu. Nên đó không thuộc phạm trù thơ tình). Thiên nhiên thật khéo đặt bày! Là vườn tình ái nên phải đủ cả địa chỉ dành cho loài vật và con người. Điểm nhìn trong thi phẩm cứ dịch chuyển dần từ địa chỉ này sang địa chỉ khác. Bắt đầu, tất phải từ những gì thiên nhiên nhất. Cho nên bốn câu đầu nghiêng về cảnh trí dành cho cuộc giao duyên của loài vật, mà tâm điểm là cây me đương lúc thu về. Câu thơ đầu, từng chữ một sáng nghĩa nhưng kết vào thành chuỗi thì như bị tối, bị nhoè. Tất cả trở nên mơ hồ. Nghĩa câu thơ chỉ tỏ dần khi ta đọc câu tiếp: Cây me ríu rít cặp chim chuyền. Thì ra đây là duyên cớ. Vì có cặp uyên ương đang tình tự mà câu chữ trở nên đắm đuối. Nhánh cây nơi đôi chim chọn không còn là nhánh vô tình, vô tri. Nó biến thành điểm hẹn tình yêu, thành địa chỉ luyến ái. Liên tưởng thơ bèn biến nó thành nhánh duyên – nơi giao duyên và cũng thật duyên dáng. Lời tình tự ríu rít kia cũng đâu còn là những tiếng kêu vô nghĩa! Nó đã là tiếng lòng của đôi lứa. Nó là lời tình tự. Nó thành cuộc hoà thơ. Và như thế chẳng đủ cho một chiều thực thành chiều mộng sao? Chiều thơ mộng hay chiều trong cõi mộng thì cũng thế thôi. Rõ ràng câu thơ được viết bằng một ngữ pháp rất Xuân Diệu. Đúng như cảm nhận của Hoài Thanh, ngay từ câu thơ đầu này, Xuân Diệu đã sẵn sàng làm “mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” – tức là thủ pháp mơ hồ hoá.
Dầu sao, cây me, mới chỉ là địa chỉ dành cho cuộc hẹn hò tình tự của loài vật. Đối diện với cảnh tình tứ ở đấy lòng người có xao động nhưng chưa phải là những xao động thật mãnh liệt. Cái nhìn của nhân vật trữ tình di chuyển từ cây me sang con đường. Đây mới là địa chỉ dành cho hò hẹn của con người:
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Một con đường xinh xắn duyên dáng với những đường nét tình tứ. Tất cả đều đang ở trạng thái say men luyến ái. Các động thái ở đây đều là những biến thái tinh vi của cảm xúc luyến ái. Con đường với gió thành một cặp. Cành hoang và nắng lại thành một cặp khác. Con đường đang làm cho mình thon thả, đang làm duyên để sánh cùng với gió. Gió thì xiêu xiêu như cái dáng của chàng Kim trong buổi tự tình với Thuý Kiều – “Sóng tình dường đã xiêu xiêu / Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Cành hoang như lả mình vào nắng, trong khi nắng ý tứ né mình gượng tránh, chưa muốn đón nhận một cử chỉ lả lơi, mà thi sĩ diễn tả bằng cái điệu đến là yêu kiều “nắng trở chiều”. Điệu ấy vừa tả sắc nắng mang trong nó cái bóng di chuyển của thời gian, vừa thể hiện được cái tình tứ mà đoan trang của nắng. Tất cả cứ quấn quýt quyến luyến nhau khiến cho con đường hiện ra đúng là con đường để ngỏ, mời mọc những bước chân đôi lứa. Đối diện với cảnh tượng đầy những khiêu gợi luyến ái ấy, ai có thể cầm lòng được đây?
Lạc vào vương quốc của yêu đương, chàng thiếu niên nhận ra một biến đổi thật kì diệu vừa diễn ra trong lòng, và ý tưởng cắt nghĩa loé lên những vỡ lẽ đầu tiên:
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Có một ranh giới thật mơ hồ mà cũng thật rõ rệt giăng qua hai chữ buổi ấy và lần đầu đánh dấu một đột biến trong tâm hồn. Khi những luyến ái đầu đời thức dậy, nó lập tức biến một cậu bé thành một chàng trai. Cùng với nó ta thấy một cuộc “đảo chính” trong lối xưng hô. Kiểu xưng hô của cậu bé bị phế truất, thì kiểu xưng hô đĩnh đạc của một tình nhân cũng bắt đầu tiếm quyền: Ta – Bạn thành Anh – Em. Giọng cắt nghĩa nổi trội lên:
Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần
Từ vô tâm đã hoá thành hữu ý. Vào mảnh vườn tình ái ấy, làm sao còn có thể vô tâm. Trước đó chỉ một chút thôi, em còn điềm nhiên, nghĩa là em dửng dưng, chẳng bận lòng. Anh cũng còn lững đững, thả những bước lững thững với thái độ hờ hững. Nào ai đã để ý đến ai đâu! Nhưng chúng ta đã vào trong chiều mộng, đang đi giữa một cuộc hoà thơ, một bài thơ. (Ở một bài khác Xuân Diệu cũng viết về thiên nhiên xung quanh trong ẩn dụ lớn là bài thơ thế này: Chúng tôi ngồi giữa một bài thơ / Một bài thơ mênh mông như vũ trụ). Trong bài thơ ấy, nghĩa là trong cuộc hoà thơ của sự sống ấy, anh với em như một cặp vần. Đây là một sáng tạo tinh tế mà láu lỉnh của Xuân Diệu. Suốt từ dân gian qua trung đại đến hiện đại, những cặp biểu tượng về đôi lứa được tạo ra không kể xiết. Nhưng cặp vần? Có lẽ đây là lần đầu tiên. Đang ở trong một cuộc hoà thơ, một bài thơ, thì còn gì hợp hơn, thi vị hơn khi ví anh với em như một cặp vần. Nó nói được cái ý không thể tách lìa và cũng không thể tách nhau. Vần chỉ là vần khi đi thành cặp đôi thôi. Vậy là trời đất đã hoàn thành việc xe duyên, tơ duyên đã buộc hai kẻ vô tâm vào một cặp vần.
Ấy mới là lí do thứ nhất.
Chưa hết, sự cắt nghĩa của Xuân Diệu còn triệt để hơn. Phần sau còn là một lí do nữa, hợp thành sự hoàn hảo mà đất trời muốn xe kết cho lứa đôi. Cũng thiên nhiên, nhưng ở đây cảnh lại hoàn toàn tương phản. Trên kia thiên nhiên là Mảnh vườn tình ái, thì đây là hoang mạc vô liêu. Trong thiên – nhiên – gợi – tình, đầy một niềm rạo rực đắm say. Ở thiên – nhiên – gợi – buồn, lại đầy một nỗi đìu hiu quạnh vắng. Gợi tình thì đôi chim ríu rít, gợi buồn lại chỉ có một con cò. Thiên nhiên của những cặp đôi đã nhường chỗ cho thiên nhiên của li tán chia rời:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng dang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Vì bài thơ được viết theo dòng thời gian tự nhiên từ chiều mộng đến chiều thưa tương ứng với các cảnh như thế mà chúng ta dễ quên đi sự phân lập có chủ ý giữa hai cảnh sắc là mảnh vườn tình ái và hoang mạc vô liêu. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy rất rõ sự thay thế của hai thiên nhiên ấy. Tất cả giờ đây đều trống trải, lạnh lẽo, lẻ loi… buồn. Khổ thơ đầy phấp phỏng! Nó gợi ta nhớ đến câu thơ: Tôi là con nai bị chiều đánh lưới / Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối (Khi chiều buông lưới). Cả con nai ấy, cả con cò này đều chỉ là hai biến thể khác nhau của cùng một Cái Tôi cô đơn Xuân Diệu mà thôi. Trống trải, người ta cần nương tựa; lạnh lẽo, người ta cần hơi ấm; lẻ loi người ta cần có đôi. Tất cả chỉ là những biểu hiện của trạng thái cô đơn cố hữu. Làm sao có thể vượt thoát được nỗi cô đơn bất hạnh này? Tất cả những nhu cầu ấy chỉ được đáp ứng một khi con người đi đến tình yêu. Chẳng phải đây là lí do thứ hai ư? Tơ duyên cần phải hình thành bởi đó là phương cách duy nhất để con người vượt thoát nỗi cô đơn.
Đến đây, Xuân Diệu đã có thể kết luận chung cho toàn bộ sự cắt nghĩa của mình, để khép lại toàn bài:
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Khi nhu cầu cắt nghĩa nổi trội thì lối diễn đạt luận lí lôgíc cũng giành lấy chủ quyền. Bốn câu thơ kia hoàn toàn có thể khôi phục lại thành một câu văn xuôi nhiều mệnh đề, thể hiện một kết luận như đinh đóng cột: Ai có ngờ đâu chiều thu diễn ra bình lặng thế, ngỡ không có một biến cố gì lớn lao khuấy động, tuy chẳng có người thứ ba là mai mối, chỉ cần trông thấy chiều hôm như thế, thì lòng anh đã gắn kết với lòng em rồi. Chữ thôi đã nói cái thế không thể cưỡng lại, không thể còn đảo ngược, một sự đã rồi. Còn chữ cưới lòng nói được một cuộc đính ước ngầm, một cuộc hôn nhân bí mật của hai tâm hồn. Nó diễn tả được cái trạng thái tế nhị Tình trong như đã mặt ngoài còn e của những cặp uyên ương mà Nguyễn Du từng nói hai trăm năm trước đó thôi. Vậy đấy, tất cả cứ diễn ra “như không” mà kì thực chứa đựng bao biến đổi ngấm ngầm mà kì diệu!
Một sự cắt nghĩa rất Xuân Diệu! Vừa tinh tế vừa tinh quái!
[1] Đó là lời bình cho đôi câu “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu / Lả lả cành hoang nắng trở chiều” và “Mây biếc về đâu bay gấp gấp / Con cò trên ruộng cánh phân vân” mà ai cũng tấm tắc khen tài trong Thi nhân Việt Nam.
[2] Lời Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam.
[3] Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…
(Vì sao, Thơ thơ)
[4] Những cụm từ này mượn của chính Xuân Diệu. Từ trong tâm thức, tác giả đã có các ý niệm khái quát ấy tuy là tự phát: “Đem chim bướm thả vào vườn tình ái” (Phải nói) và “Và cảnh đời là sa mạc vô liêu” (Yêu)
Nguồn: Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003
Thơ duyên – thơ Xuân Diệu
Nội dung
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân[1] gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
[1] Người mai mối.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Tổng tập văn học Việt Nam (tập 27), NXB Khoa học xã hội, 1990
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
CLICK HERE: Thơ duyên (Xuân Diệu) – Ca sĩ Phạm Khánh Ngọc