Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Văn học nghệ thuật


Nguồn gốc, đặc điểm của văn học nghệ thuật

Từ giữa thế kỉ XIX, văn học đại chúng được xuất bản rộng rãi, trở thành một món ăn tinh thần của đông đảo công chúng. Nhưng từ rất lâu trước đó, văn học nghệ thuật đã là một phần không thể tách rời của lịch sử văn học nói chung.

Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (còn gọi là văn học tinh hoa) là dòng văn học cao cấp, do tầng lớp tri thức của xã hội sáng tạo nên với nhu cầu được khám phá nội tâm và đời sống tinh thần của con người, giúp người đọc hiểu được những phức cảm tâm lý sâu sắc của con người, như khát vọng được sống, được tự do, hoặc những mặc cảm tội lỗi của tâm hồn.

Trước thế kỷ XVIII, người ta không có khái niệm văn học nghệ thuật là gì. Đề tài của văn học nghệ thuật xuất phát từ những lời phê phán thói hư tật xấu, những điểm tối trong xã hội tư sản tồn tại ở Tây Âu. Lâu dần, những đề tài nhỏ lẻ này dần tạo ra được tầm ảnh hưởng đến công chúng giới tinh hoa. Với bản tính tò mò, hiếu kỳ vốn có của con người, độc giả càng có những yêu cầu cao hơn khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Họ cần những tác phẩm ít chịu ảnh hưởng kiềm hãm của giáo hội, họ muốn nhìn thấy một vẻ đẹp dung dị, đời thường hơn là một hình ảnh tuyệt mỹ tuyệt đối theo Kinh Thánh.

Chính những thôi thúc ấy đã giúp cho văn học nghệ thuật phát triển, tạo tiền đề cho tác giả khám phá những góc khuất trong lòng người. Có đôi khi, văn học nghệ thuật cũng sử dụng hình thức châm biếm, trào phúng để đem lại tiếng cười, hòng dạy bạn đọc về cách trở thành người hoàn thiện, để tìm thấy bản thân mình tròn vẹn.

Xem thêm: Văn học trào phúng

Trải qua thời kỳ Khai Sáng (Enlightment Era), một câu hỏi khác đã nhen nhóm trong lòng con người lúc bấy giờ:”Ta là ai? Bên trong ta là gì?”. Những câu chuyện hời hợt về cuộc sống đã không còn thu hút được độc giả, họ cần những gì đó mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn nhằm giải thích cho sự tồn tại của mình. Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người sau khi đã đạt được nhu cầu sinh lý, tâm lý, họ sẽ muốn tiến đến nhu cầu giao tế xã hội và thỏa mãn cái tôi bên trong. Đây là lý do vì sao văn học nghệ thuật có xuất phát điểm từ tầng lớp tinh hoa của dân tộc.

Xem thêm: Văn học lãng mạn và chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Điều gì đã tạo nên con người, tạo nên mối quan hệ xã hội bền chặt? Ai đã trao cho chúng ta danh hiệu động vật bậc cao, vượt lên trên những sinh vật khác? Liệu thức ăn và cuộc sống an toàn có làm ta thỏa mãn? Đó đều là những câu hỏi được đặt ra để lý giải cho sự tồn tại của con người.

Đích đến của văn học nghệ thuật chính là sử dụng những cốt truyện đơn giản giúp người đọc trả lời câu hỏi trên, qua đó họ nhìn thấy cái đẹp trong lòng người, từ đó có cho mình những câu trả lời về sự tồn tại của con người. Qua đó, chúng bộc lộ những phẩm chất đẹp đẽ của con người, giúp họ vượt lên nghịch cảnh của số phận, nhắc nhở họ về sức mạnh của việc gìn giữ những giá trị đạo đức có thể giúp họ thay đổi vận mệnh của mình.

Xem thêm: Văn hóa dân gian

Trước khi cách mạng công nghiệp nổ ra ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII, công nghiệp in ấn bị giới hạn khiến văn học nghệ thuật chỉ được phổ biến rộng rãi ở tầng lớp trung thượng lưu, vì vậy các tác phẩm văn học ra đời cùng thời kỳ thường tập trung vào câu chuyện xoay quanh các tầng lớp này. Dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Khai Sáng, chủ đề phổ biến trong văn học thời kỳ này vẫn là các câu chuyện về sức mạnh của con người, hướng đến tự do, công bằng và hạnh phúc.

Văn học đại chúng

Khác với văn học nghệ thuật, văn học đại chúng là dòng văn học hướng đến bộ phận đông đảo độc giả trong xã hội. Các tác phẩm này bám sát vào thị hiếu của độc giả, sử dụng chất liệu đời thường để dệt lên những câu chuyện đơn giản, đem lại tiếng cười giải trí. Chúng không đặt nặng những triết lý nhân sinh khiến người đọc phải suy ngẫm, mà hướng đến những giá trị vừa tầm mà đông đảo công chúng có thể đón nhận. Khi ngành công nghiệp in ấn ở Anh bùng nổ vào giữa thế kỷ XIX, công chúng chứng kiến một lượng lớn tác phẩm văn học được đưa vào thị trường tiêu thụ, tồn tại dưới nhiều hình thức, từ mẩu truyện ngắn, truyện định kỳ, cho đến được in ấn thành sách được lưu truyền rộng rãi.

(tranh minh họa tác phẩm Sherlock Holmes do Sydney Paget Book xuất bản)

Nửa đầu thế kỷ XIX khi chủ nghĩa văn học Lãng Mạn bắt đầu đạt đỉnh điểm ở châu Âu, thì sự ra đời của văn học đại chúng cũng bắt đầu có ảnh hưởng rất lớn với văn học nghệ thuật. Sự giao thoa này cho phép tác giả bước chân ra khỏi những câu chuyện xuất hiện trong tầng lớp thượng lưu và bắt đầu len lỏi đến các tầng lớp xã hội thấp hơn. Ở đó hé lộ một cuộc sống lắm lo toan, giúp tác giả khắc họa cảm xúc con người qua những cơ cực, lam lũ, những trăn trở vật chất rất kinh điển trong nhiều tác phẩm ra đời sau này. Nhờ có sự xuất hiện của các tác phẩm văn học này mà dòng chảy văn hóa chứng kiến những sự thay đổi lớn, góp phần tạo nên văn hóa nghệ thuật.

Xem thêm:  Văn Hóa Nghệ Thuật

Sự khác biệt giữa văn học nghệ thuật và văn học đại chúng

Vậy sự khác biệt giữa văn học đại chúng và văn học nghệ thuật là gì? Mặc dù đều được xem là tác phẩm văn học, giữa văn học nghệ thuật và văn học đại chúng lại có những điểm khác biệt rất rõ rệt, dựa vào 3 điểm cơ bản sau:

1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện

Để tạo nên mối quan tâm chung của công chúng, văn học đại chúng thường lấy cảm hứng từ những sự kiện xuất hiện trong xã hội bấy giờ. Đó có thể là những bí ẩn, những câu chuyện tình yêu ngang trái, những vụ án chưa có lời giải, hoặc những hiện tượng siêu nhiên. Những chủ đề này đòi hỏi một cốt truyện phức tạp, nhằm hấp dẫn quý độc giả vào diễn biến của câu chuyện. Với một cốt truyện phức tạp như thế, văn học đại chúng sẽ giới hạn cá tính của nhân vật để duy trì sự cân bằng. Vì sử dụng các nhân vật làm định hướng để cốt truyện phát triển, nên các nhân vật trong các tác phẩm này thường thiếu chiều sâu, không có hoặc ít diễn biến nội tâm. Có thể thấy ở loạt truyện trinh thám Sherlock Holmes, nội dung xoay quanh cuộc hành trình lý giải những vụ án bí ẩn của xứ sở sương mù của vị thám tử tài ba, nhưng ít khi phân tích đến nội tâm của nhân vật. Ngoài con phố Baker và việc ông có một người trợ lý tên Watson, chúng ta chẳng còn biết gì nhiều về ông nữa.

Ngược lại, cốt truyện của văn học nghệ thuật có thể đơn giản, xoay quanh những chủ đề thường thấy như tình yêu, địa vị xã hội, cho đến cuộc sống thường nhật xoay quanh nhân vật. Đây được xem là chủ đích của tác giả, bởi cốt truyện càng đơn giản thì sự tương phản với nội hàm phong phú của nhân vật càng được thể hiện rõ nét, hướng sự quan tâm của người đọc đến sự trưởng thành của nhân vật. Để thể hiện được diễn biến nội tâm của nhân vật, tác giả thường cố tình lồng ghép nhiều góc nhìn vào câu chuyện thông qua thư từ, những cuộc hội thoại… Đây được xem những cách phổ biến khi xây dựng cốt truyện trong văn học nghệ thuật.

Một ví dụ điển hình là Kiêu Hãnh và Định Kiến, Jane Austen đưa chúng ta về miền nông thôn ở Anh cuối thế kỷ XVIII, nơi tình yêu phải đi kèm với địa vị và danh vọng. Bối cảnh quá đỗi bình thường đó đã khiến tinh thần tự do, dám đấu tranh cho hạnh phúc của Elizabeth thêm đặc sắc, giúp cô trở nên khác biệt với các nhân vật còn lại ở Netherfield.

2. Giá trị và những triết lý vượt thời gian

Đây là một yếu tố chủ quan, phụ thuộc vào cảm quan và thị hiếu của người đọc. Một số tác phẩm được xem là văn học đại chúng ở thời điểm nó ra đời, nhưng lại trở thành tác phẩm nghệ thuật sau một khoảng thời gian nhất định. Điểm chung của dòng văn học đại chúng là chúng rất dễ bị lỗi thời. Xã hội càng phát triển, truyền thông trở nên dễ tiếp cận thì công chúng càng có nhiều thứ để quan tâm. Độc giả cần những chất liệu mới gây tò mò để giải trí, điều mà những nội dung cũ không còn đủ sức giữ chân họ. Chính vì vậy, để xác định một tác phẩm có phải văn học nghệ thuật hay không, có thể dựa vào một tiêu chí khách quan sau: tư tưởng của tác phẩm vẫn giữ được sự tươi mới trước những thay đổi của thị hiếu đương thời.

Trải qua hơn 150 năm từ ngày tác phẩm ra đời, tư tưởng mới mẻ về nữ quyền, khát vọng được tự do, cùng sức sống mãnh liệt đã giúp Jane Eyre trở thành một trong những tác phẩm văn học nghệ thuật kinh điển của Anh Quốc.

3. Nghệ thuật truyền tải câu chuyện

Với mục đích tiếp cận được đông đảo công chúng, văn học đại chúng có thể truyền tải dưới nhiều hình thức, tùy vào nhu cầu của người đọc: từ những mẩu chuyện ngắn, những trang truyện định kỳ in trên báo, sách tranh hoặc tiểu thuyết. Những mẩu chuyện ngắn này truyền tải thông tin nhanh chóng, đi cùng với sự định hướng người đọc nên không yêu cầu độc giả phải chủ động ghi nhớ thông tin, từ đó, nội dung dễ bị lãng quên nhanh chóng.

Ngược lại, để đi sâu vào nội tâm của nhân vật, tác phẩm văn học nghệ thuật không thể diễn họa trên vài bức tranh. Vì vậy chúng thường xuất hiện chủ yếu dưới dạng tiểu thuyết, sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ để người đọc tưởng tượng, cảm nhận và tự xây dựng nên câu chuyện của riêng mình. Trí tưởng tượng không giới hạn người đọc, ngược lại còn giúp độc giả mở rộng thế giới quan, điều này càng khiến văn học nghệ thuật trường tồn trước sức mạnh của thời gian.

Nguồn:  Twinkl


Click to listen highlighted text!