Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Truyện cười dân gian


Các yếu tố cần có của truyện cười dân gian là một thể loại văn học dân gian Việt Nam, truyện cười dân gian Việt nam là một món ăn tinh thần của biết bao thế hệ nông dân Việt Nam.

Truyện cười dân gian

Truyện cười dân gian là một thể loại văn học dân gian Việt Nam, xuất hiện từ rất lâu trong đời sống bình dân nhằm mua vui cho người nghe bằng những tình tiết đáng cười trong cuộc sống. Những mẩu chuyện cười dân gian tuy ngắn nhưng lại chứa đựng vô vàn tình huống thú vị, thông qua đó vừa mua vui cho người nghe, vừa cười cợt, châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu của con người trong xã hội.

Khi xã hội phân chia giai cấp trở thành thể chế chính trị ở Việt Nam, tầng lớp nông dân đã ý thức được sự quan trọng của truyện cười dân gian. Những mẩu chuyện ngắn, tạo ra những tiếng cười bằng những tình huống trớ trêu đã giúp tầng lớp nông nô tìm thấy nguồn giải trí hiệu quả sau một ngày làm việc năng suất. Bên cạnh tiếng cười giải trí, sự châm biếm, phê phán những điều bất công cũng được truyện cười dân gian thể hiện rất rõ nét. Những lối xử trí sắc bén, lém lỉnh của người Việt xưa được phản ánh thông qua cách họ giải quyết những tình huống trớ trêu ấy, tạo ra một cái kết vừa sâu cay, tủi nhục cho những kẻ xứng đáng.

Với mục đích đem lại tiếng cười càng nhanh càng tốt, truyện cười là thể loại văn xuôi ngắn gọn nhất, tối thiểu là 5 câu nhưng tối đa cũng chỉ 15 đến 20 câu. Truyện càng dài càng dễ khiến người đọc mất đi cái thú tò mò, vì vậy truyện cười càng ngắn, yếu tố bất ngờ càng cao, từ đó dễ tạo ra tiếng cười cho người khác hơn.

Với mục đích đem lại tiếng cười cho người nghe, truyện cười dân gian buộc phải sử dụng tình huống gây cười làm tuyến nội dung chính. Các thể loại văn học dân gian khác có thể sử dụng tiếng cười để thêm thắt cho nội dung thêm hấp dẫn, hoặc làm cho mạch cảm xúc được trọn vẹn, thế nhưng truyện cười dân gian buộc phải đem lại tiếng cười, trước khi thực hiện các chức năng khác (phê phán, châm biếm, mang lại bài học…).

Các thể loại chính của truyện cười dân gian Việt Nam

Xét theo nội dung và tuyến nhân vật, có thể chia truyện cười dân gian Việt Nam thành hai luồng chính:

Truyện cười kết chuỗi:

Là tập hợp những mẩu truyện cười dân gian xoay quanh giai thoại của một nhân vật nổi tiếng trong nền văn học Trung Đại, thường là những danh nhân nửa thật nửa ảo như Trạng Quỳnh, Xiển Bột… Những nhân vật này xuất hiện khá muộn trong dân gian, khi con người bắt đầu lưu truyền giai thoại qua chữ viết. Họ gặp những tình huống trớ trêu, rồi dùng sự lanh trí của mình để tạo ra tiếng cười, mua vui cho người đọc người nghe.

Nhắc về Trạng Quỳnh, ông được xem là một nhân vật có thật, xuất hiện vào giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, từ thế kỷ XVIII đến XIX. Với bản tính khôi hài, cương nghị nhưng cũng thích đùa, Trạng Quỳnh đã nghiễm nhiên chế nhạo các nhân vật quan lại, thông qua đó chế giễu và phê phán hành vi bất công, ngược đãi của giới cầm quyền. Chính sự lém lỉnh của ông đã khiến chúa Trịnh tức giận mà ám hại, để rồi chúa Trịnh cũng bị mưu kế của Trạng Quỳnh làm chết theo. Từ đó trong thơ ca Việt Nam đã xuất hiện điển tích “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”.

(Trạng Quỳnh là một nhân vật lịch sử Việt Nam, nổi tiếng với những mánh khóe tinh ranh tạo ra tiếng cười)

Truyện cười không kết chuỗi:

Cũng giống như các thể loại văn học dân gian khác, truyện cười không kết chuỗi là dạng truyện ẩn danh, do tầng lớp nông dân cùng nhau sáng tác và chia sẻ trong cộng đồng. Ở đó, tính cá nhân của nhân vật bị ẩn đi, nhằm làm nổi bật tình huống, hành vi gây cười của truyện cười dân gian. Bên cạnh đó, địa điểm, không gian cũng bị làm mờ đi, khiến cho truyện cười không kết chuỗi mang tính phiếm chỉ (phổ quát, không cụ thể). Các nhân vật ngẫu nhiên xuất hiện trong truyện thường được gọi bằng những cái tên dễ nhớ, chung chung chỉ về 1 ngành nghề nào đó, như cô hàng nước, anh lính quèn, anh hàng cá,…

Tuy nhiên, khi văn học viết phát triển, truyện cười không kết chuỗi dần trở thành một thể loại văn học mới. Phong trào văn học trào phúng dần trở thành món ăn tinh thần của con người, với lối viết hóm hỉnh và sâu cay, văn học trào phúng tiếp tục phát huy sự hóm hỉnh và nghệ thuật châm biếm của truyện cười dân gian.

Xem thêm:  Văn học trào phúng

Những đề tài thường xuất hiện trong truyện cười dân gian

Đề tài xuất hiện trong truyện cười dân gian thường là những chủ đề xuất hiện trong làng quê Việt Nam, về những tình huống trớ trêu gây ra bởi hoàn cảnh, bởi hành vi của con người. Những tình huống đó có thể được tìm thấy trong tất cả các hoạt động sinh hoạt của người nông dân, phản ánh một cuộc sống thú vị, một lối tư duy lém lỉnh của con người Việt xưa.

Bên cạnh truyện cổ tích, truyện cười dân gian Việt Nam là thể loại văn học thứ 2 phản ánh sự bất công trong xã hội phân hóa giàu nghèo ngày xưa, dưới một góc độ hài hước và châm biếm. Tuy nhiên, truyện cười vẫn đặt nhân vật vào bối cảnh gây cười, những tình huống trớ trêu buộc nhân vật phải cư xử một cách tự nhiên nhất. Qua đó những hành động vô ý bộc phát, có lúc ngược đời với những gì người ta nghĩ, cho nên mới làm cho người khác cảm thấy buồn cười.

Ví dụ như truyện “Lợn cưới áo mới” lấy chủ đề là một cuộc đối thoại ngắn của hai anh chàng, nhưng qua đó đem lại tiếng cười châm biếm cho người đọc. Chuyện kể như sau:

Có anh tính hay khoe của. Một hôm, may được cái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen.

Đứng mãi từ sáng đến chiều chả thấy ai hỏi cả, anh ta tức lắm.

Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to:

– Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?

Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:

– Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

Qua màn đối đáp ngắn gọn ấy, chúng ta có thể thấy được sự khoe khoang, thói xấu của con người vô thức bộc lộ trong tình huống truyện nêu trên. Cái đáng cười ở đây được thể hiện qua sự hợm hĩnh, khoe của một cách cố ý của cả 2 anh chàng. Khi tình huống ngược đời này xuất hiện, ta mới thấy buồn cười và bắt đầu cười.

Những đặc điểm gây cười của truyện cười dân gian

Nhân vật:

Vì bản chất truyện cười chỉ gói gọn trong 5 đến 15 câu, nên nhân vật xuất hiện trong truyện cũng không có quá nhiều thông tin về nhân thân. Nhân vật xuất hiện trong truyện cười dân gian chỉ mang theo những đặc điểm, tính cách thường thấy của con người. Họ có xuất phát từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ nông dân, địa chủ, quan lại, thầy đồ cho đến phường buôn bán… Hai tuyến nhân vật thường trực xuất hiện trong truyện cười dân gian là người bị cười, mở ra tình huống và người “sinh sự”, dẫn dắt và kết thúc tình huống.

Trong nhóm truyện cười dân gian kết chuỗi, các nhân vật chính xuất hiện trong truyện như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai Tú Xuất… đều là những nhân vật tài trí, lém lỉnh, và có phần lõi đời, tinh ranh. Cách xây dựng nhân vật tài tình như thế là để làm đối lập lại với nhóm nhân vật khù khờ, bị lừa gạt trong hệ thống truyện không xâu chuỗi. Họ như một nhóm nhân vật thứ ba đứng quan sát câu chuyện cười, rồi dùng trí xảo của mình để tạo ra tiếng cười cho người nghe.

Cách đặt tên nhân vật:

Để nhanh chóng đưa người đọc vào cốt truyện, tên tuổi, nguyên quán nhân thân bị lược bỏ. Tên nhân vật thường chỉ là vài chữ ngắn gọn, miêu tả giới tính và nghề nghiệp của nhân vật, như cô hàng nước, ông quan nọ, anh nông dân, thằng đầy tớ… Hoặc đôi khi tên nhân vật trong truyện cười dân gian cũng được đặt tên theo tính cách của nhân vật. Như anh lười biếng, chàng trai sợ vợ, tên keo kiệt,…

Lời nói đáng cười:

Với mục đích gây cười, truyện cười dân gian thường có 4 yếu tố chính để điểm thêm vào cho câu chuyện thêm buồn cười, trong đó gồm có lời nói, cử chỉ, tính cách và tình huống. Với lời nói đáng cười, đó là cách diễn đạt câu chuyện, cách nhân vật dùng lời nói trái ngược với lẽ thường tình để cấu thành yếu tố gây cười.

Lời nói gây cười trong truyện cười dân gian được dùng như một chất xúc tác, để các yếu tố gây cười khác như cử chỉ, tính cách có thể phát huy hết tác dụng của mình. Bên cạnh đó, lời nói gây cười sẽ giúp câu chuyện đi thẳng vào vấn đề, hạn chế việc người sáng tác quá sa đà vào văn tả, khiến cho câu chuyện lê thê, dài dòng.

Cử chỉ buồn cười:

Bên cạnh một lời nói ngô nghê, ngược đời, thì cử chỉ buồn cười là yếu tố còn lại tạo thành một nhân vật điển hình trong truyện cười dân gian. Trong các thể loại văn học dân gian, yếu tố cử chỉ như một ngôn ngữ không lời, mang tính sân khấu, nhằm biểu đạt sự ngô nghê, ngớ ngẩn của nhân vật. Điều này được vận dụng hết mức trong truyện cười dân gian, nhằm tạo ra những nhân vật vừa có lời nói ngược đời, lại vừa có những cử chỉ ngớ ngẩn hết mức, tạo ra những lối giải quyết tình huống vừa hài hước, vừa sâu cay.

Như truyện Kén Rể Lười, một ông già lười nọ muốn kén rể lười, nhưng vẫn chưa có người nào đủ lười ưng ý ông. Đến một hôm, có một chàng trai đi vào nhưng lại xoay lưng về phía ông già, bảo rằng nếu ông không ưng cậu thì cậu khỏi phải xoay lưng để đi về. Lời nói đúng lý lẽ, cử chỉ cũng thật hợp tình, nhưng lại có yếu tố “sai sai”, “kì kì”, khiến cho người ta cảm thấy buồn cười.

Tính cách đáng cười:

Cử chỉ và lời nói tuy là yếu tố gây cười chính trong truyện cười dân gian, nhưng để bóc trần một tính xấu của một cá nhân, một tầng lớp nào đó, cần phải khai thác tính cách của nhóm người ấy. Tính cách của con người là một bản chất khó thay đổi, cho nên đôi khi việc khai thác tính cách này trong những câu chuyện cười châm biếm sẽ làm cho câu chuyện thêm phần thú vị.

Nhân vật đại diện cho tầng lớp nào thì sẽ mang theo đặc điểm tính cách của nhân vật ấy, tuy nhiên người sáng tác có thể thổi phồng thêm những tính cách trái ngược, thuộc về nhóm người ấy để lấy đó làm điểm gây cười cho người đọc. Như nông dân thì sẽ chân chất, nhưng lại hơi khờ khạo, quan lại nom có vẻ đạo mạo, nhưng lại hay có thói sàm sỡ, thô tục. Thói xấu chi phối tính cách của con người, khiến cho lối cư xử của họ thật ngược đời, máy móc, tạo ra những tràng cười sảng khoái.

Bối cảnh đáng cười:

Khi sáng tác truyện cười dân gian, bối cảnh đáng cười là yếu tố cuối cùng để nhân vật có thể bộc lộ tính cách, lời nói hay cử chỉ đáng cười của mình. Tuy đây là yếu tố phụ họa, nhưng cách xây dựng bối cảnh cũng cần phải suy nghĩ, bởi nếu hoàn cảnh không đáng cười, có thể chúng ta sẽ không thể thấy được bản chất buồn cười của sự vật, cũng như nhân vật sẽ không có bối cảnh để bộc lộ cử chỉ lời nói của mình.

Kết cấu câu chuyện kịch tính:

Một trong những yếu tố gây cười chính của truyện cười dân gian, chính là cái kết bất ngờ, gây kịch tính. Mỗi câu chuyện cười cũng như một vở kịch ngắn, phải có mở, thân, kết và một yếu tố kịch tính để làm cho vở kịch đáng nhớ. Vì vậy, đôi khi để một câu chuyện cười phát huy được tác dụng của nó, điểm bất ngờ kịch tính là yếu tố then chốt quan trọng nhất. Một câu chuyện cười quá dài dòng sẽ làm người nghe mất hứng, ngược lại câu chuyện cười quá ngắn gọn, không rõ đầu đuôi và không làm rõ được điểm bất hợp lý, thì cũng không thể tạo ra tiếng cười.

Tác giả có thể xây dựng cái kết kịch tính theo hai kiểu cơ bản: kiểu tiệm tiến, xây dựng yếu tố bất ngờ liên tục, với cường độ tăng dần tạo ra tiếng cười; hoặc kiểu kịch tính nhanh gọn, đưa ra một cái kết bất ngờ, trái ngược với diễn biến hợp lý của câu chuyện.

Nghệ thuật chơi chữ và sử dụng từ nhại gần nghĩa

Cái cười của nghệ thuật kể chuyện cười dân gian đôi lúc còn là do cách nhân vật vận dụng linh hoạt tiếng Việt để tạo ra sự nhầm lẫn, từ đó tạo ra cái đáng cười. Đặc điểm này lợi dụng tính chất của tiếng việt một cách triệt để, cho thấy sức sáng tạo vô hạn của người Việt xưa.

Trong tiếng Việt, hầu hết các từ đơn đều có nghĩa, cho nên cách đối đáp cũng có phần ngắn gọn, cụt lủn, cùng với bộ từ vựng tổng hợp từ Hán, từ Nôm… tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ có độ vận chuyển thông tin cao bậc nhất. Vận dụng yếu tố này, người sáng tác truyện cười dân gian chỉ cần dùng một vài từ đồng nghĩa ngắn gọn, hoặc một vài lời nhại gần nghĩa, tạo ra cái sai lầm vô ý phi logic, dẫn đến một tràng cười sảng khoái.

Nguồn:  Twinkl


Click to listen highlighted text!