Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Nguyễn Thị Giang (1909-1930)


“Tiếc thay không được chết vinh dưới cờ” 
Nguyễn Thị Giang

Trách nhiệm

– Tổng Thư Ký.
– Tuyên truyền & Liên lạc.
– Tham gia thành lập và tổ chức Binh đoàn Yên Bái.
– Trong ban chỉ huy mặt trận tỉnh Bắc Ninh trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa trên toàn miền Bắc năm 1930.

Nguyễn Thị Giang (1909-1930)

Nguyễn Thị Giang sinh năm 1909 tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang(1), em ruột Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc. Trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập, Cô Giang và Cô Bắc đã hoạt động trong tổ chức Việt Nam Dân Quốc của Xứ Nhu tức Nguyễn Khắc Nhu. Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập năm 1927, Nguyễn Thị Giang được cử vào chức vụ Tổng thư ký. Khi cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại, ngày 17 tháng 6 năm 1930 Cô Giang từ Hà Nội lên Yên Bái đến tận pháp trường chứng kiến cái chết của đảng trưởng và 12 đồng chí.

Lặng lẽ về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh đề ngày 17 tháng 6 năm 1930. Xong xuôi cô ra chợ mua vuông vải trắng thắt ngang đầu và đáp chuyến xe lửa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.

Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang(2) lạy tạ bố mẹ chồng, tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ “G” tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giả mọi người.

Trên đường đi ra, cô ghé quán trà  bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số.

Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền Hùng Vương ngày nào.

Bức Thư Thứ Hai

17 tháng 6 năm 1930

Anh đã là người yêu nước!

Không làm tròn được nghĩa vụ cứu quốc!

Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang!

Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh, để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.

Thân không giúp ích cho đời,
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh
Con đường tiến bộ mông mênh
Éo le hoàn cảnh buộc lòng biết sao
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây
Dẫu rằng chút phận thơ ngây
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên
Chết đi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình
Đảng kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ
Cực lòng nhỡ bước sa cơ
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa
Thế ru, đời thế ru mà
Đời mà ai biết, người mà ai hay.


Nguyễn Thị Giang

(Thư Tuyệt Mệnh 2)

Hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, nhằm ngày 22 tháng 5 năm Canh Ngọ.

(1)   Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang

Nằm cách Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.

Khu vực phiá bắc của tỉnh là vùng rừng núi (giáp ranh với tỉnh Lạng-Sơn.) Bắc-Giang nằm giữa hai dãy núi hình cánh cung (Đông-Triều & Bắc-Sơn) và có hình dạng như một nan quat mở ra , xoè rộng về hướng Đông-Bắc, tụ lại về mặt Tây-Nam (trung tâm tỉnh thành).

Nhìn về hướng Đông và Đông Nam của tỉnh Bắc-giang là ngọn Yên-Tử nổi tiếng cao khoảng 1068 thước, sau lưng là (Tây và Tây Bắc) núi đồi Yên Thế (300 -500 thước), lùi dần về Nam, đồi núi thoai thoải và tiến dần về phần đất bình nguyên.

Bắc Giang

Địa hình của Bắc-giang có núi chập chùng, có sông dài rộng trong một diện tích 3822 cây số. Bắc-giang có nhiều núi đồi chập chùng, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh.

Khu vực đông bắc tỉnh tiếp giáp với Quảng-Ninh là những cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Bắc-giang là tỉnh vừa là núi đồi chập chùng ( Sơn-Động, Lục-Nam, Lục-Ngạn, Yên-Thế, Tân-Yên ,Yên-Dũng, Lạng-Giang) xen kẽ là những đồng bằng, rộng hẹp tuỳ theo khu vực vương rộng hay xếp lại như nan quạt của 2 dãy cánh cung Đông triều và Bắc sơn (Hiệp-Hòa, Việt-Yên và thành phố Bắc-giang.)

Bắc-giang là một tỉnh lỵ nằm trong khu vực Đông Trung-du (phía đông sông Hồng-hà), tiếp nối với Lạng-sơn và Quảng-ninh về mạn đông đông-bắc của miền biên thùy nước Việt.

Phủ Lạng Thương

Vùng đất này là làng quê của Chiêu Lỳ – Phạm Thái, Yên Thế-Hoàng Hoa, Cai Kinh – Hữu Lũng (anh em Vũ văn Kinh và Vũ văn Cương), anh thư Giang-Bắc (cô Bắc, cô Giang và cô Tỉnh) v.v… cũng là chiến địa lẫy lừng của tộc Việt qua các triều đại, thời Lý, đời Trần hay trong thời Minh thuộc (Xương-giang) hoặc trường ca kháng chiến chống Pháp (đồn Bắc-Lệ , Đông Triều, đồn Chũ, đồn Đầm, Phủ Lạng Thương…)…, của những con người bất khuất Bắc-giang…

Bắc-giang có giọng hò quan họ luyến ái chân phương, êm ru ngàn lời ca dao thanh hương cỏ nội…

Nhân dáng Bắc-giang là những chiếc áo tứ thân khã ái, những chiếc áo dài khăn đóng trịnh trọng hay những chiếc nón quai thao, ranh mãnh nghiêng vành, là những lời ca tình tứ của làng anh – làng chị, là những hội hè truyền thống, những đình làng miếu mạo, những kỳ tích động nguồn đã gợi lại bao, huyền thoại của ngày tháng xa xưa tô điểm cho nền văn hoá Bắc-giang một sắc thái đặc thù trong kho tàng văn hoá nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Là một tỉnh nằm trong khu vực văn hoá Kinh-Bắc (Hà Bắc: Bắc-Ninh và Bắc-Giang) nổi tiếng của miền Bắc Việt-Nam, biết bao là trang sử oai hùng của tiền nhân để lại trên bờ sông Thương nước chãy đôi dòng, hay dòng Lục-Ngạn sáu khúc nhập giang, đã chan hoà điểm nét cho những cánh đồng lúa chín vang vọng tiếng hò đồng cộ hương quê, trang trãi giữa núi đồi an ngự vây quanh những áng mây hiền hoà, lần lựa theo thời gian, hình thành một tâm hồn bản xứ Bắc-giang.

Bắc-Giang san sẽ để rồi mất đi và tái tạo đến ngày nay, vừa là tỉnh bao gồm tính địa chất của Thượng-du và Trung-du hợp lại, nên hình thể của Bắc-giang có nhiều đặc điểm tạo thành kỳ quan thắng cảnh, thu hút mọi người tìm đến .

Chú thích

Huyện Yên Dũng, quê nhà cách mạng Nguyên Khắc Nhu, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 21.337,68 ha. Toàn huyện có 23 xã và 02 thị trấn. Dân số đến năm 2006 là 165.631 người.

Đình Thổ Tang

(2) làng Thổ Tang 

Thổ Tang

Thổ Tang là một xã lớn của huyện vĩnh tường tỉnh Vĩnh Phúc. Phía bắc tiếp giáp xã Tân Tiến; phía đông bắc giáp xã Đại Đồng; phía nam giáp xã Thượng Trưng; phía tây giáp xã Lũng Hòa; phía tây nam giáp xã Tân Cương; phía đông giáp xã Vĩnh Sơn. Hiện nay, địa bàn hành chính xã gồm 6 khu: khu 1, khu 2, khu 3, khu 4, khu 5, khu 6. Toàn xã có tổng diện tích đất canh tác là 358 ha. Dân số tính đến năm 2000 có 13.310 khẩu, trong đó nam 6.506, nữ 6.804, có 2.793 hộ gia đình, trong đó 2.714 hộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, 172 hộ phi nông nghiệp và 81 hộ là công nhân viên chức.

Thổ Tang nằm cách quốc lộ số 2 khổng 3 km, có tỉnh lộ 304 chạy qua trung tâm xã, có huyện lộ chạy qua nối Thổ Tang với huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên, có dòng sông Phan chảy qua từ bao đời nay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ở vị trí như vậy, Thổ Tang có nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội rộng rãi với nhiều nơi trong tỉnh và các vùng lân cận.

Thổ Tang là đất cổ xưa của vùng trung du miền Bắc Việt Nam, có lịch sử lâu đời trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Những hiện vật như bôn, đục, mảnh gốm … tìm thấy trong những cuộc khai quật khảo cổ học ở di chỉ Đồng Đậu, xã Minh Tân, huyện Yên Lạc (cách Thổ Tang 8 km), di chỉ Lũng Hòa (cách 2 km), đặc biệt là di chỉ Ma Cả nằm trên địa bàn Thổ Tang khai quật năm 1978 đã khẳng định Thổ Tang cũng là một trong những điểm cư trú làm ăn sinh sống của các cư dân người Việt cổ, cách chúng ta ngày nay khoảng trên dưới 3.500 năm, vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, thuộc thời kỳ vành đai văn hóa Phùng Nguyên.

Cùng với những biến cố của lịch sử, xã Thổ Tang cũng có những thay đổi về địa vực hành chính và tên gọi khác nhau. Trong thời phong kiến tự chủ, Thổ Tang còn có tên gọi là Địa Tang, Làng Giang hay Kẻ Giang. Địa Tang vốn thuộc đất Phong Châu thừa hóa quận, dưới triều đại nhà Trần nằm trong châu Tam Đới, lộ Đông Đô, đến triều đại nhà Lê thuộc phủ Tam Đái, chấn Sơn Tây, đến nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 2 1821) Thổ Tang thuộc về phủ Tam Đa, sang năm thứ 3 (1822) thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Sau khi thực dân Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam, để thuận tiện cho việc cai trị của chúng, ngày 29 tháng 12 năm 1899 toàn quyền Đông Dương quyết địng thành lập tỉnh Vĩnh Yên, lúc này phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập, có 8 tổng, với 78 làng.

Thổ Tang nằm trong tổng Lương Điền gồm các làng: Thổ Tang, Phương Viên, Đông Viên, Lạc Trung, Lương Điền, Lương TRù, Phong Doanh, Sơn Tang, Vân Ổ, Xuân Húc. Lỵ sở phủ Vĩnh Tường trước kia đặt ở Văn Trưng (tổng kiên cường), năm 1831 dời đến địa phận 3 làng Bồ Điền, Huy Ngạc và Yên Nhiên (tổng Thượng Trưng), đến năm 1914 phủ lỵ dời đến Thổ Tang (tổng Lương Điền), địa điểm là khu Ủy ban Nhân dân xã ngày nay.

Quá trình hình thành nên một xã Thổ Tang sầm uất như ngày nay, được bắt đầu từ “Giai đoạn Ma Cả”, những người đến khai hoang làm ăn sinh sống đầu tiên ở ven bờ sông Phan, trải qua nhiều năm phát triển họ đã sử dụng các công cụ thô sơ đồ đá để phục vụ lao động sản xuất, duy trì cuộc sống hàng ngày. Về sau dần dần họ thiên di định canh định cư ở xóm Cả (khu Đông ngày nay). Đến thế kỷ thứ X, đất nước diễn ra nạn cát cứ của mười hai sứ quân (965 – 967), các thế lực phong kiến địa phương mỗi người cát cứ một nơi. Để củng cố và phát triển thế lực, thủ lĩnh Nguyễn Khoan, lúc bấy giờ hùng cứ suốt một dải từ Bạch Hạc qua Thổ Tang đến huyện Yên Lạc, đã lệnh cho một số làng thuộc khu vực mình cai quản phải di chuyển đến nơi khác, do đó cư dân Thổ Tang lúc đó phải di chuyển ra cánh đồng Ma Trám lập thành làng mới. Tại đây dân làng đã dựng lên ngôi đình đầu tiên, nay nơi đó chỉ còn lại dấu tích gọi là bãi Nền Đình. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn cát cứ, lập nên triều đình Đinh thống nhất, các làng thiên di trước được lệnh trở về chỗ cũ, do đó dân cư sống ở cánh đồng Ma Trám đã quay trở lại xóm Cả (khu Đông). Từ xóm Cả, làng Thổ Tang tiếp tục phát triển mở rộng ra khu Đông, khu Bắc, khu Nam và Phương Viên ngày nay.

Nếu xóm Cả khu Đông là nơi bắt đầu hình thành làng xã thì sự hình thành khu Bắc là nơi mở đầu cho thời kỳ phồn thịnh của xã Thổ Tang. Khu Bắc ra đời trong điều kiện kinh tế công thương trao đổi hàng hóa giữa các vùng đã khá phát triển. Do đó, các hoạt động công thương buôn bán lớn và nghề thủ công tằm tơ canh cửu ở Thổ Tang được mở ra và phát triển mạnh mẽ theo hướng Bắc, nên khu Bắc đã sơm trở thành một khu dân cư trù mật, sầm uất nhất. Vì vậy, ở đây còn được người dân gọi là phố Thổ Tang. Phố Thổ Tang đất chật, người đông, nhà cửa san sát, đường ngõ hầu hết được xây lát bằng gạch.

Lúc mới hình thành, phố chỉ có 4, 5 hàng quán, hiệu tạp hóa, bán hàng tơ lụa, hiệu may… Từ năm 1914 khi trụ sở Phủ lỵ Vĩnh Tường đóng ở đây, khu Bắc càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, trở thành trung tâm kinh tế – chính trị của cả một vùng rộng gồm cả toàn phủ Vĩnh Tường và huyện Bạch Hạc xưa kia.

Trong khi khu Bắc hình thành chủ yếu do nhu cầu phát triển công thương thì khu Nam và Phương Viên lại phát triển chủ yếu theo hướng sản xuất nông nghiệp. Hai khu này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, ngày nay những nơi này vừa phát triển kinh tế công thương buôn bán vừa phát triển kinh tế nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi kết hợp.

Khu Đông được hình thành gồm các xóm: xóm Cả, xóm Ụp, xóm Đông, xóm Lá, xóm Hoa Sen, xóm Cổng Ải. Khu Bắc còn gọi là Tứ Xóm, do 4 xóm nhỏ hợp thành là xóm Tự, xóm Hóc, xóm Ngói, xóm Trà. Khu Nam còn gọi là xóm Mới hay Tam Lâm, do 3 xóm nhỏ hợp thành là xóm Lâm Trung, Lâm Thị và Lâm Miếu. Cách đây khoảng hơn hai thế kỷ, khu Nam còn là một nơi rừng rậm, có nhiều thú dữ, một bộ phận cư dân khu Bắc đã đến sinh sống tiến hành khai khẩn, chinh phục thiên nhiên, từng bước biến đồng hoang cây cỏ thành những cánh đồng màu mỡ tươi tốt như ngày nay. Thôn Phương Viên cũng ra đời cùng thời gian mở đất khu Nam. Buổi đầu tiến hành khai phá đất Phương Viên chỉ có 7 suất đinh, sau đó đất đai ở đây trở thành đất đai của một số gia tộc lớn trong làng, ngày nay Phương Viên đang phát triển nhanh chóng, trở thành khu giàu có, sầm uất của Thổ Tang.

Đình Thổ Tang (Đình Quang) và đình số 2 (đình Phương Viên) ngày nay đều là nơi thờ cúng Lân Hổ hầu đô thống Đại vương, một vị tướng đã giúp vua Trần Nhân Thông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ XIII.

Nhưng từ khi sáp nhập hai làng Thổ Tang và Phương Viên thành một xã thì những cổ vật của đình Phương Viên được đưa vào đình Thổ Tang, do đó mọi hoạt động cúng tế của nhân dân trong những dịp lễ hội hàng năm chủ yếu diễn ra ở đình Thổ Tang.Đình Phương Viên được xây dựng năm Quý Tỵ, nhưng không rõ niên hiệu thời vua nào, thế kỷ bao nhiêu.

Ngày nay đình vẫn được trùng tu, sửa chữa, hàng năm vẫn diễn ra các hoạt động cúng tế cùng với đình Thổ Tang, nhưng những hoạt động đó đơn giản hơn đình Thổ Tang. Đình Thổ Tang được xây dựng vào thế kỷ XVII, thuộc hệ kiến trúc đình làng thời Hậu Lê, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn mang dáng dấp cổ kính nhất trong các ngôi đình hiện còn ở Vĩnh Phúc.

Đình hiện còn 21 bức chạm bằng gỗ và nhiều cổ vật quý giá khác, những bức chạm trổ điêu khắc nổi tiếng ở đình đó là: cảnh đi cày, chăn trâu, đánh ghen, vũ nữ cưỡi rồng, vợ chồng lười, cảnh con mọn, cảnh nghỉ ngơi sau giờ lao động, cảnh đá cầu, đấu vật, múa, bắn hổ, đánh cờ uống rượu… thể hiện nghệ thuật chạm trổ tinh vi, bàn tay khéo léo đạt đến trình độ điêu luyện tài ba của các nghệ nhân xưa. Những hình ảnh đó đã mô tả sinh động sâu sắc cuộc sống làm ăn và sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến.

Toàn bộ kiến trúc và các bức chạm trổ điêu khắc của đình Thổ Tang đã được đưa vào lịch sử văn hóa nước nhà như là những điển hình của nền nghệ thuật kiến trúc chạm trổ dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII. Nhiều bức chạm tiêu biểu đã được đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài biết đến, qua đó như là một bức thông điệp giới thiệu về nền văn hóa nghệ thuật cổ Việt Nam nói chung, về làng xã Thổ Tang nói riêng. Với giá trị kiến trúc cổ kính đặc sắc, ngôi đình luôn được tu sửa, giữ gìn vững chắc.

Cùng với những nét đẹp trong truyền thống văn hóa nghệ thuật, trong thời kỳ phong kiến tự chủ, Thổ Tang đã có người đỗ bậc đại khoa, danh hiệu tiến sĩ. Theo tác giả Lê Kim Thuyên – nhà nghiên cứu văn hóa, căn cứ vào sách Đăng Khoa Lục đã viết: “Hạ Cảnh Đức, sinh năm 1436, người xã Địa Tang – nay là xã Thổ Tang (tục danh làng Giang hay kẻ Giang), huyện Vĩnh Tường. Tổ tiên vốn họ Nguyễn, khi rời về xã Sơn Tang đổi thành họ Hạ”. Theo đó họ Hạ ở thôn Sơn Tang, xã Vĩnh Sơn ngày nay đều là di duệ của ông. Ông đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, đời vua Lê Thánh Tông (1463), năm ấy ông mới 28 tuổi, sau đó làm quan tới chức Đô cấp sự trung ở Hình Khoa.

CẬP NHẬT

bắt đầu 12.10.2011

Một số chi tiết về đời hoạt động của Nguyễn Thái Học và Cô Giang được ghi lại trong truyện ký “Mốt tình dêm trước khởi nghĩa” viết năm 2008 của Nguyễn Tham Thiện Kế, và các bài “Mối tình bi tráng Nguyễn Thái Học – Cô Giang” và “Tủi thân không được chết vinh dưới cờ” đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị.

– Nguyễn Thái Học sinh năm 1902. Do muốn vào học trường công Tiểu học Việt- Pháp nên khai rút đi 2 tuổi.

– Nguyễn Thái Học thuộc giòng họ “Nguyễn Hữu”.

– “Chị Nguyễn Thị Giang, Phu nhân Nguyễn Thái Học, mặt hơi rỗ hoa, nhan sắc không trăm phần vẹn trăm, nhưng duyên dáng, lịch duyệt và cả sự đường bệ, đài các như người Hà Nội gốc phố cổ. Khuôn mặt tròn, mắt to, đen thẫm và sáng, mày liễu.”

– Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị hành hình lúc 5 giờ rười sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930.

– Tuần trăng mật: trong ngôi nhà gạch năm gian trên đỉnh Phú Thượng, ngói âm dương, cửa bức bàn, tiền kẻ hậu bẩy rộng thênh nhìn hướng đông nam, giữa vùng đồi sim mua, và những cây dọc trái chua đơn lẻ tràn đầy gió trăng thượng du, bên trái là núi Nghĩa Lĩnh, bên phải núi Ba Vì xa xanh. Đặng Văn Hợp cùng người nhà dọn ở chỗ khác, cắt cử một tâm phúc phục dịch chu tất. Ông Hợp phao lên rằng, họ là vợ chồng ông chủ lớn dưới Hà Nội lên nhờ tìm người làm đại lý thu mua gom nhựa sơn, dầu dọc.

– Đêm 17 tháng 6, Cô Giang về Thổ Tang nhưng không về nhà gia đình chồng vì mật thám bao vây, cô ghé qua nhà Dì ruột của Nguyễn Thái Học, qua người Dì này cô nhắn với gia đình Nguyễn Thái Học là cô sẽ tự sát theo chồng đồng thời nhờ người Dì trao một đồng hồ quả quít có giây chuyền vàng cho gia đình Nguyễn Thái Học. Chiếc đồng hồ đã bị thất lạc, tiêu hủy, hoặc được bán đi trong thời gian cải cách ruộng đất.

– Điểm rẽ vào làng, xưa gọi là ngã ba Gốc Đề, đó là nơi Nguyễn Thị Giang tự tận. Gốc đề gãy đổ. Quán hàng của bà hàng nước chỉ còn trong trí tưởng và sách ghi. Mộ Cô Giang giờ cách nẻo đường bê tông vào Tân Tiến có mấy sải chân.

– Thi thể Nguyễn Thị Giang bị lột trần khám xét, nằm dưới gốc đề, khẩu súng văng bên cạnh. Thực dân khám xét xong không cho mặc lại quần áo, để cho ruồi nhặng bu bám ba ngày nữa. Lúc đó Nguyễn Thị Giang đang mang giọt máu của Nguyễn Thái Học được ba tháng.

– “Khi tôi năm tuổi, anh tôi thỉnh thoảng đi cùng chị Giang về nhà, chị đẹp lắm, chị mặc quần áo tân thời”, cụ Nguyễn Thái Nỉ hồi tưởng.

– “Chị Nguyễn Thị Giang, phu nhân Nguyễn Thái Học, mặt hơi rỗ hoa, nhan sắc không trăm phần vẹn trăm, nhưng duyên dáng, lịch duyệt và cả sự đường bệ, đài các như người Hà Nội gốc phố cổ. Khuôn mặt tròn, mắt to, đen thẫm và sáng, mày liễu.”

– Thư của Nguyễn Thái Học gửi ra từ Hỏa Lò:

“Một chính đảng chỉ đạo một phong trào cách mạng to lớn, nếu không có lý luận cách mạng, không có kiến thức về lịch sử, không có sự hiểu biết sâu sắc về phong trào thực tế của quần chúng, thì không thể gây lên một cuộc cách mạng sâu rộng được, mặc dù, có đau thương – và mất mát. Bố mẹ phải thông cảm cho các con. 1.2.1930”.

– Các ông Nguyễn Thái Nỉ và Nguyễn Thái Tuấn hiện đang ở căn nhà xưa.

– Ông Nguyễn Thái Nỉ qua đời ngày 30 tháng 12 năm 2011.

Click to listen highlighted text!