Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Phân tích tác phẩm “Bài ca ngất ngưởng” – Nguyễn Công Trứ


Khi đã nghỉ hưu ở quê nhà, Nguyễn Công Trứ viết Bài ca ngất ngưởng thể hiện phong cách sống của ông. Đây là triết lí sống trong suốt cuộc đời, khi còn là một thư sinh, khi xuất chính hay lúc đã về hưu của ông. “Ngất ngưởng” là từ tượng hình có giá trị biểu đạt, diễn tả ở một vị trí cao chênh vênh, không ổn định liên hệ vào con người là một lối sống khác người: ngông nghênh, thách thức với mọi người, vượt lên thế tục bình thường!

Mở đầu là câu thơ chữ Hán thể hiện lí tưởng nhà Nho: Phận sự của kẻ sĩ là phải coi việc gánh vác trong vũ trụ là bổn phận của mình.

Nhà thơ tự xưng mình là ông – Ông Hi Văn – lần lượt làm các việc: thi đỗ thủ khoa, khi làm Tham tán Quân vụ Bộ hình, khi làm Tổng Đốc An Hải, lúc làm Đại Tướng Bình Tây, lúc làm Phủ doãn Thừa Thiên, nhưng ông không ở lâu chức vụ nào vì luôn luôn bị giáng chức.

Sự nghiệp như thế thật không hổ thẹn với chí lớn kẻ làm trai. Mặc dầu trên đường công danh có những lúc thăng trầm, nhưng cuối cùng ông cũng được ở phẩm tước khá cao dù cái xã hội ấy, ông gọi là cái “lồng”.

Cuộc đời lập nghiệp công danh kéo dài từ năm 1820-1848, ông đã tự chứng minh cái tài song toàn về văn võ một cách hiển hách lừng danh, đến nỗi ông không che giấu khi tự thuật về mình. Một tay ngất ngưởng trên hoan lộ:

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!

Sau khi làm xong phận sự, ông không ngần ngại cởi trả áo mão triều đình cáo lão về hưu.

Quãng đời sau cùng của đời Nguyễn Công Trứ là quãng đời không màng danh lợi, hoàn toàn hưởng nhàn theo sở thích cá nhân. Với một tâm hồn tự do và một cuộc sống độc lập, ông đã tha hồ ngất ngưởng cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa tiêu dao đây đó khi chùa, khi núi, lại đèo theo đủng đỉnh một đôi dì. Cách hưởng nhàn hành lạc của ông ở đây thật đến quá quắt, mà có lẽ khôi hài lập dị của một trang nam tử có một thị hiếu riêng, đến nỗi:

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!

Lối hưởng lạc này có một sinh khí và một tính chất riêng, đó là lối hưởng lạc nhập tục theo chiều phóng khoáng cá nhân, không giống một ai, không Tiên không Phật cũng không tục, nhưng vần trọn nghĩa vua tôi:

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Hưởng nhà hành lạc chỉ là thời kì sau cùng của ông khi làm xong phận sự. Ông muốn mọi người hiểu rằng cuộc đời là trung nghĩa. Biết bao lần lên bổng xuống trầm trên hoan lộ, vì ganh ghét, vì vu cáo, thế mà vẫn giữ vững đức trung quân, ái quốc không hề có một ý tưởng bất mãn.

Bởi vậy khi về hưu vui thú tuổi già, ông sống với một cõi lòng yên vui bình thán, trên không lỗi với vua, dưới không mất lòng dân chúng. Cho nên khi Tiền Hải, Kim Sơn, lúc chống gậy đến chốn triều đình nghị quốc quân đại sự. Năm Tự Đức thứ 12 ông nghe tin liên quân Pháp, Tây Ban Nha tấn công cửa bể Đà Nẵng, không quản ngại thân già, ông chống gậy đến chốn triều đình dâng sớ kêu vua xin Cầm quân chống giặc. Nhưng vua không cho, vì thây ông đã quá già nua tuổi tác.

Tự xét hiểu mình như thế, nên ông kiêu hãnh ghi phận về mình:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông.

Phải chăng đó là lối sống mang cái “chí kh픓ngất ngưởng”. Chẳng những ông không hề sợ ai chê cười mà còn đầy lòng tự hào về cái “đạo sống ngất ngưởng” đó. Tóm tắt lại có bốn cái “ngất ngưởng” làm nổi bật trong đời ông.

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng!
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Bài ca ngất ngưởng – thơ Nguyễn Công Trứ

Nội dung

Vũ trụ nội mạc phi phận sự[1]
Ông Hi Văn[2] tài bộ[3] đã vào lồng[4]
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông[5]
Gồm thao lược[6] đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây[7], cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn[8] giải tổ chi niên[9]
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng[10]
Kìa núi nọ[11] phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì[12]
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng[13]
Khen chê phơi phới ngọn đông phong[14]
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú[15]
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung[16]
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

[1] Mọi việc trong trời đất, chẳng có việc nào không phải phận sự của ta.
[2] Hiệu của Nguyễn Công Trứ. Chú ý cách Nguyễn Công Trứ tự gọi là ông Hi Văn.
[3] Tài năng lớn (đã bộc lộ thành phong cách, bộ dạng).
[4] Ý nói đã ra làm quan là bị bó buộc như bị giam hãm trong lồng.
[5] Việc đỗ đạt và các chức quan Nguyễn Công Trứ đã làm.
[6] Tài dùng binh (Tam lược và Lục thao là hai bộ sách về binh pháp xưa kia).
[7] Bình định Trấn Tây, miền biên giới tây nam nước ta.
[8] Kinh đô.
[9] Năm cởi áo mũ, có nghĩa là năm cáo quan về hưu.
[10] Lúc về hưu, ông thường cưỡi bò vang có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian.
[11] Núi Đại Nại gần thị xã Hà Tĩnh.
[12] Đi chơi chùa nhưng Nguyễn Công Trứ lại đem cô đầu đi theo.
[13] Người ở trên cửa ải. Điển: Tái ông thất mã.
[14] Ai khen chê cũng mặc, cứ vui phơi phới như ngọn gió xuân.
[15] Những danh tướng đời Hán và đời Tống của Trung Quốc: Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật.
[16] Nghĩa thuỷ chung, trước sau như một. Ngất ngưởng là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bán tính cá nhân trong cuộc sống.

Nguồn:
1. Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Tân xuất bản, 1928
2. Trương Chính biên soạn & giới thiệu, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, 1983
3. Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sung, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX, Trường Nguyễn Khuyến xuất bản, Hà Nội, 1954


Click to listen highlighted text!