Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Lê Hữu Cảnh (1895-1931)


Ông là linh hồn của VNQDĐ sau khi hầu hết các lãnh tụ bị bắt và giết.

Sinh quán: xã Thịnh Quang, tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.
Tôn giáo: Công giáo.

Rất thông minh và gan dạ. Theo học tại trường Giòng Hà Nội. Sau khi đi lính mộ của Pháp về, ông làm việc tại công xưởng Hỏa Xa. Song thân làm nghề thương mãi về đồ gốm tại số nhà 51 phố hàng Mắm Hà Nội.

Ngày bị Pháp hành hình: 23 tháng 6 năm 1931.

Địa điểm bị Pháp hành hình: trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.

Nơi chôn: ?


Trích “Dòng Mực Cũ” của Nguyễn Ngạn

Trở về Hà Nội , Lê Hửu Cảnh lại tìm đến nhà Minh. Bao nhiêu địa chỉ quen giữa những đảng viên nội thành, gần như đã bị bật gốc hết, giờ này chỉ còn nhà Minh là nơi mà Cảnh cho là an toàn hơn cả. Chính Minh cũng bảo với Cảnh như thế và hân hoan đón Cảnh về tá túc.

Ông Sửu vẫn ngày ngày ngồi bán mũ ở bên kia đường. Ông đau xót chia sẻ với Minh từng bản tin thất trận của Quốc Dân Đảng mà ông nghe ngóng được. Có hôm ông dẹp cửa hàng sớm hơn thường lệ, nhưng không về . Ông leo lên gác ngồi nói chuyện với Minh cho vơi nỗi sầu đang chất chứa trong lòng cả hai người. Lúc ra về, ông đứng ở đầu cầu thang, nhìn sang nóc nhà hàng xóm và bảo Minh :

– Thầy còn tính trước một lúc nào đó, thầy phải leo nóc nhà người ta mà chạy không ? Tôi giao hẹn với thầy thế này : Mỗi khi thấy thầy sắp sửa xuống đường, thầy nên đứng ở cửa sổ nhìn sang quầy mũ của tôi. Nếu tôi thấy có kẻ khả nghi rình sẵn, tôi sẽ lấy cái khăn mù-xoa trắng ra lau mặt . Thầy nhớ đấy . Mù-xoa trắng. Trừơng hợp ấy, thầy đừng xuống cầu thang . Thầy nên trèo nóc nhà hàng xóm mà chạy trốn !

Minh cảm động chớp mắt bảo :

– Mật thám thường chả bắt ai ban ngày đâu ! Giả như chúng nó có đến vây nhà tôi thì ông đã dọn hàng về từ lâu rồi ! Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm ơn ông lúc nào cũng chu đáo !

Hôm sau, Minh đang bồn chồn lo âu thì Cảnh đến tìm. Trong đêm Đảng khởi nghĩa, 10 tháng 2 , Cảnh đã từng nằm đây với Minh, nôn nao chờ ngóng tin tức khắp nơi. Cảnh cay đắng không được tham dự mặt trận nào dù anh và tổng bộ có những gắn bó đồng lao cộng khổ từ buổi ban đầu thành lập đảng. Anh muốn góp một tay súng, mang kinh nghiệm cựu quân nhân của anh ra chiến đấu. Nhưng đơn vị nào dường như cũng ngại đón anh. Anh phân trần với Minh :

– Cô Giang bảo tôi lên Yên Bái. Khoảng 300 đồng chí của mình từ dưới Phú Thọ lên , tập trung trong rừng sơn. Tuyến xuất phát sẽ từ rừng sơn. Tôi biết cai Hoằng chỉ huy binh đoàn ở đấy, là người rất dũng cảm, tôi rất nể . Tôi muốn nghe theo lời cô Giang, nhập vào đoàn quân ấy. Nhưng chỉ ngại một điều là, ngộ nhỡ kế hoạch tấn công của mình bị giặc biết vì có kẻ nội phản tố cáo, thì chắc chắn sẽ có người nghi tôi là bán đứng đồng chí cho Tây ! Thành ra tôi đành về đây nằm chờ !

Minh ngậm ngùi cảm thông nỗi dằn vật của Cảnh. Minh thấy Cảnh sốt ruột đi tới đi lui, chốc chốc lại thở dài. Cho đến khi nghe tin các nơi đều thất bại , Cảnh đứng ngồi không yên, tạm biệt Minh ra đi , Minh hỏi :

– Anh đi đâu bây giờ ?

– Tôi phải gặp anh Học để khuyên anh ấy sang Tàu !

– Biết anh Học ở đâu mà gặp ?

– Tôi đoán chỉ có vùng Gia Bình bên Bắc Ninh là an toàn khu của đảng . Anh Học sẽ chạy về đấy ẩn núp .

Thế là Cảnh tất tả lên đường và quả nhiên anh gặp Nguyễn Thái Học trên bến sông Kênh Vàng. Cảnh vẫn tiên liệu là sớm muộn gì, Nguyễn Thái Học cũng gặp nạn. Anh chỉ không ngờ buổi gặp gỡ ở Gia Bình lại là lần chót anh ăn cùng mâm ngủ cùng giường với Nguyễn Thái Học .

Cảnh quay lại Hà Nội vài ngày mới hay tin Nguyễn Thái Học đã bị bắt . Tin này được thực dân loan đi rất nhanh như tiếng reo vui của bọn thống trị . Cảnh lặng người muốn té quị xuống khi biết chắc Nguyễn Thái Học đã sa vào tay giặc. Hôm ấy, hai anh em đang ăn cơm trên gác nhà Minh. Cảnh quăng đũa bát đứng dậy, ra vịn cửa sổ ngó xuống đường , mắt nhòa lệ . Với mật thám Pháp, bị bắt tức là chết mà là chết thảm sau những trận đòn tra tấn !

Từ Bắc Giang , cô Giang cũng được một đồng chí từ Bắc Ninh qua, báo cho biết Nguyễn Thái Học đã bị bắt, nhưng cô không tin. Cô nhất định không tin là người yêu của cô có thể rơi vào tay giặc một cách dễ dàng như vậy ! Cô gắt lên :

– Tây nó loan tin như thế để trấn áp dư luận và để khủng bố tinh thần đảng viên , làm cho đảng viên chúng ta tuyệt vọng mà bỏ cuộc ! Tôi không tin ! Nhất là có Sư Trạch đi bảo vệ !

Mọi người nhìn cô tội nghiệp. Chuyện đã rõ như thế mà cô vẫn còn nuôi hy vọng. Lúc ấy, cô đang bàn với các đồng chí đánh chiếm một đồn lính Khố Xanh ở Bắc Giang để làm căn cứ địa và để gây uy tín cho đảng sau những thất bại trong đêm khởi nghĩa. Bỗng nghe chuyện Nguyễn Thái Học và Sư Trạch bị bắt ở ấp Cổ Vịt, bề ngoài cô cố nói cứng, nhưng trong lòng hoang mang cực độ . Người đưa tin, gọi riêng cô ra một góc và kể :

– Chính tôi vừa gặp đồng chí Kính tức là Chánh Kính bên Gia Bình. Anh Kính, anh Diến và anh Tuyên cùng bị bắt chung với anh Học và Sư Trạch ở ấp Cổ Vịt. Bọn tuần phu giải 5 đồng chí ấy về nộp cho thằng chủ đồn điền . Vì biết đã bắt được anh Học, chúng nó mừng quá chỉ chú ý đến anh ấy . Nhờ vậy, anh Kính, anh Diến với anh Tuyên mới liều bỏ chạy vào rừng Kiếp Bạc rồi bơi qua sông Luống về Gia Bình. Lội được giữa chừng thì anh Tuyên từ biệt hai đồng chí, tự trầm dưới đáy sông. Chỉ có anh Diến và anh Kính sống sót, hiện đang trốn trên Bắc Ninh. Anh Kính bảo tôi phải tìm cách thông báo cho chị biết tin anh Học đã bị bắt !

Thế là hết ! Cô Giang nghe xong xây xẩm mặt mày té xuống. Sáng sớm hôm sau, cô quăng hết mọi việc, hoảng hốt chạy về Hà Nội tìm Lê Hửu Cảnh. Cô vẫn nhớ thuộc lòng cái địa chỉ liên lạc mà Cảnh đã cho cô ở Yên Bái .

Người giao liên đưa cô đến nhà Minh rồi bỏ đi ngay .

Lúc ấy, Cảnh đang nằm một mình trên gác, nghĩ về tiền đồ đen tối của đảng. Minh thì ngồi uống trà với ông Sửu bên kia đường, cả hai cùng sầu thảm vì thời cuộc .

Những câu chuyện bàn giữa Minh và ông Sửu chẳng còn gì mới mẻ nữa . Toàn những thở vắn than dài vì cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng tàn lụi quá nhanh. Dư luận ít người biết đến. Báo chí An Nam hoặc lờ đi, hoặc chỉ tường thuật một cột tin nho nhỏ gọi là “hội kín nổi loạn tại một vài tỉnh Bắc Kỳ” ! Tuyệt vọng hơn cả là bản tin Nguyễn Thái Học bị bắt, coi như ngọn lửa hy vọng bị phụt tắt hòan toàn. Ông Sửu phân vân hai ba lần hỏi Minh :

– Tin ấy có đúng không thầy ? Hay là sở mật thám bịa ra để làm mất tinh thần đảng viên và đồng bào ?

Minh biết những người kỳ vọng ở Nguyễn Thái Học đều nghĩ như thế , giống như cô Giang. Nhưng Cảnh đã xác nhận. Sự thật chứ không phải tin đồn. Minh gật đầu đáp nhỏ :

– Bị bắt thật rồi !

Minh đang định kể lại diễn tiến câu chuyện ở ấp Cổ Vịt mà Cảnh đã cho Minh biết, ông Sửu chợt ngắt lời :

– Có ai tìm thầy kia kìa !

Thấy có người con gái thập thò trước cảnh cổng nhỏ dẫn lên gác nhà mình , Minh đứng dậy trố mắt trông sang rồi từ từ bước qua. Nhìn cái dáng phụ nữ thon nhỏ, Minh cứ tưởng là cái Nhi con bà dì, hoặc người thân nào ở dưới quê lên, ghé thăm anh. Đến gần giáp mặt, anh vẫn không nhận ra cô Giang, bởi anh chỉ gặp có một lần khi theo Cảnh dự hội nghị Đức Hiệp hồi tháng 5 năm ngoái. Huống chi những ngày kề cận khởi nghĩa, cô ăn ngủ thất thường, bao nhiêu mối lo âu làm thân hình cô gầy rạc hẳn đi và nét mặt tiều tụy không cách nào che giấu được. Cô Giang gật đầu khẽ nói :

– Anh Minh phải không ? Tôi cần gặp anh Cảnh !

Bấy giờ Minh mới nhớ ra, giật mình kêu lên nho nhỏ :

– Ồ ! Chị Giang ! Bất ngờ quá ! Vâng. Anh Cảnh đang ở trên gác. Mời chị lên!

Rồi Minh lật đật mở cánh cổng đưa cô Giang vào. Anh dáo dác nhìn hai bên đường trước khi khép cánh cổng, cùng cô Giang lên cầu thang.

Trong nhà, Cảnh đang nằm ngửa, phanh ngực áo, mắt mở trừng trừng nhìn lên nóc nhà. Tương lai của đảng như một bức màn đen dày đặc căng ra trước mắt. Đảng viên như một bầy gà con bị diều hâu tấn công, tan tác mỗi người một nơi. Mất Nguyễn Thái Học là mất hẳn một điểm tựa lớn, làm lung lay bao nhiêu niềm tin của bao nhiêu đồng chí. Xứ Nhu thì đã chết , Phó Đức Chính cũng bị bắt .

Tất cả những cột trụ của đảng đều gãy đổ. Cảnh có cảm tưởng mình đang ngồi trên một con thuyền nhỏ , bơ vơ giữa dòng sông mêng mông mà con thuyền không có người lái !

Nghe tiếng cửa mở, Cảnh ngồi bật lên, ngoái đầu lại .

Nhìn thấy cô Giang, Cảnh xúc động quá, nước mắt tự dưng trào ra. Minh khép cửa cài then, dè dặt tiến vào kéo ghế mời. Cô Giang đặt cái giỏ xuống chân rồi nhìn Cảnh nghẹn ngào lên tiếng :

– Có tin anh Học bị bắt . Chả biết đúng hay sai ?

Cảnh ngồi trên mép giường , khẽ gật đầu. Anh nói nhỏ :

– Cả Sư Trạch và Nguyễn Như Liên nữa !

Cô Giang ngồi bệt xuống sàn nhà, úp mặt vào hai đầu gối và khóc nấc lên từng cơn. Khăn vấn xổ tung ra. Mái tóc dài chảy xuống, rũ rượi như người có đại tang.

Các đồng chí trên Bắc Giang đã kể hết đầu đuôi việc Nguyễn Thái Học bị bắt, nhưng cô vẫn còn nuôi chút hy vọng. Bây giờ thì chút hy vọng hão huyền ấy đã hoàn toàn mất hẳn khi Lê Hửu Cảnh xác nhận.

Minh đứng lóng ngóng chẳng biết làm gì, đành tới ngồi bên Cảnh. Tất cả những diễn tiến bất lợi cho đảng từ hôm khởi nghĩa đến nay, Cảnh đều đã kể hết cho Minh nghe, kể cả tin đảng trưởng bị bắt mà Cảnh mới biết đây hai hôm .

Cảnh đứng dậy , kéo ghế lại gần cô Giang và nói :

– Bốn ngày họp với anh Học bên Gia Bình , tôi đã hết lời van xin anh ấy ra nước ngoài. Bên Vân Nam cũng cử người về đón. Nhưng anh Học dứt khoát không đi ! Thôi thì anh ấy đã chọn con đường ở lại để nằm gai nếm mật cùng với anh em. Thấy đồng chí gặp hoạn nạn, anh ấy không nỡ bỏ. Tôi giận anh ấy bướng bỉnh, nhưng cũng phục anh ấy dũng cảm !

Cô Giang không nói gì, cứ tiếp tục nức nở. Minh vừa mũi lòng vừa lo sợ vì lúc đó tiếng khóc của cô hơi lớn, sợ hàng xóm nghe thấy và đặt nghi vấn , bởi nhà Minh xưa nay vốn không có đàn bà ! Minh đưa mắt nhìn Cảnh mấy lần như nhắc nhở. Nhưng Cảnh cũng không dám lên tiếng bảo cô đừng khóc ! Thôi thì đành cứ để cho cô xóa bớt nỗi sầu bằng những giòng nước mắt .

Nhìn cái tay nải của cô Giang trên sàn nhà, sát bức vách, Cảnh sực nhớ ra một điều quan trọng, vội nhoài người cúi xuống, mở ra và thọc bàn tay vào lục lọi. Một nải chuối đang ăn dở dang . Mẩu bánh Tây. Bộ quần áo nâu . Chiếc áo bông mùa đông. Cái khăn lau mặt bằng vải thô. Mấy miếng cau khô và lọ dầu.

Hành trang đường trường của một thiếu nữ tuổi mới đôi mươi chỉ vỏn vẹn có thế. Dĩ nhiên Cảnh không quan tâm đến những thứ ấy. Rong ruổi trên đường cách mạng thì như thế là thường .

Có hôm chính Cảnh cũng đi tay không chỉ có mỗi bộ đồ đang mặc trên người. Gặp chỗ vắng, lội ùm xuống ao hay mương rạch, tắm một cái cho đỡ nóng rồi leo lên, lại mặc bộ đồ cũ vào người. Gian khổ đã quen bởi ai cũng phải chấp nhận. Cảnh thọc tay sâu xuống đáy, và quả nhiên đúng như anh dự đoán, anh moi được khẩu súng đã nạp đạn của cô Giang. Cảnh vội lấy ra đem giấu đi trong khi cô Giang vẫn gục mặt khóc. Cảnh nhớ lại hôm ở đền Hùng, cô Giang đã xin Nguyễn Thái Học một khẩu súng để chết theo Nguyễn Thái Học khi cần .

Minh ngơ ngác theo dõi, thấy Cảnh nhét khẩu súng lục vào lưng quần, phủ vạt áo sơ mi che ngoài. Minh hết nhìn Cảnh rồi lại nhìn cô Giang. Cảnh tiến lại, quì xuống bên cạnh cô Giang và bảo :

– Anh Học bị bắt là một thiệt hại lớn cho đảng. Không phải chỉ riêng cô đau buồn, mà tất cả mọi người đều đau buồn. Tôi cũng mất ăn mất ngủ từ hôm hay tin. Nhưng chúng ta phải làm gì cho anh Học, cho đảng chứ không phải ngồi đây mà khóc ! Khóc không cứu được anh Học, không cứu được đảng !

Im lặng một chút , cô Giang nâng gấu váy lau nước mắt, vấn lại khăn rồi quay sang hỏi Cảnh :

– Anh định làm gì bây giờ ?

Cảnh mừng rỡ đáp :

– Làm gì thì cũng phải triệu tập đại hội đảng. Nhân sự còn lại bấy nhiêu, mình gom lại bấy nhiêu, cùng vạch kế hoạch cho những ngày sắp đế .

Đồng chí Minh đây sẽ giúp chúng ta một tay ! Chắc cô cũng còn nhớ Minh có theo tôi sang Đức Hiệp tháng 5 năm ngoái. Đồng chí Minh dạo trước sinh hoạt trong tổ đảng của đồng chí Viên ở Thành Bộ.

Cô Giang gật đầu :

– Tôi nhớ ! Anh Học cũng có nhắc đến anh, gọi là “Minh nhà báo” .

Minh đứng dậy bảo cô Giang :

– Chị ngồi lên ghế cho đỡ mỏi chân ! … Anh Cảnh nói đúng đấy chị ạ ! Phải tìm cách đối phó ngay với tình thế mới !

Cô Giang đã lấy lại phần nào điềm tỉnh. Cô nói :

– Anh Cảnh. Anh ấn định ngày họp đi, rồi tìm cách liên lạc với các đồng chí trong nhóm “cải tổ” của anh. Gặp nhau càng sớm càng tốt .

Cảnh hăng hái gật đầu :

– Tôi cũng đang định như thế. Việc liên lạc thì phải nhờ anh Minh giúp hộ một tay, vì anh Minh chưa bị địch nghi ngờ, có giấy chứng nhận nhà báo , đi lại dễ dàng .

Minh nhìn Cảnh gật đầu :

– Vâng , anh để đấy cho em !

Cô Giang đột ngột đổi đề tài, hỏi Cảnh :

– Anh vừa bảo Nguyễn Như Liên cũng bị bắt rồi ư ?

Cảnh gật đầu :

– Bị bắt rồi !

Cô Giang ngậm ngùi cúi xuống. Cô còn nhớ nguyên hình ảnh anh sinh viên 20 tuổi , bí danh Ngọc Tỉnh, từ Phú Thọ cùng với 300 đảng viên dân sự lên tham gia trận Yên Bái. Tuy chưa có kinh nghiệm chiến trường, nhưng Ngọc Tỉnh hò hét xung phong và lăn sả vào quân Pháp, coi cái chết nhẹ như bông .

Cảnh lại nói :

– Đồng chí Nho , em ruột của anh Học , nghe đồn cũng bị bắt !

Nghe Cảnh nhắc đến em ruột của Nguyễn Thái Học đang bị giam trong Hỏa Lò, cô Giang lại liên tưởng ngay đến chị ruột của mình là Nguyễn Thị Bắc, chi bộ trưởng chi bộ phụ nữ, cũng đang bị kìm kẹp trong sở mật thám. Cô ngẫng lên quắc mắt bảo Cảnh :

– Mối thù này lớn lắm ! Phải trả, không cách này thì cách khác !

Cảnh hài lòng :

– Đúng ! Mình bắt tay vào việc ngay !

Thế là ngay hôm ấy, Cảnh giao cho Minh công tác liên lạc mời họp. Nhóm của Cảnh gồm những nhân vật chính là Nguyễn Xuân Huân, Lê Tiến Sự , Nguyễn Đôn Lâm, Phạm Văn Hể và Nghiêm Toản cùng một số đồng chí khác ở cấp thành bộ và tỉnh bộ. Cảnh muốn tìm Ký Con Đặng Trần Nghiệp, nhưng anh đã trốn khỏi Hà Nội từ sau đêm khởi nghĩa. Mật thám dán hình Ký Con khắp nơi, kèm theo 5.000 đồng tiền thưởng. Vì vậy Ký Con và toán ám sát không dám lưu lại thủ đô .

Ngồi trong phòng họp, Cảnh bùi ngùi nhớ lại bao nhiêu khuôn mặt tri kỷ buổi ban đầu, nay chẳng còn ai .Do lời đề nghị của cô Giang, đại hội bầu Lê Hửu Cảnh lên nắm quyền đảng trưởng thay thế Nguyễn Thái Học. Nguyễn Xuân Huân làm phụ tá. Cô Giang làm cố vấn và Minh “nhà báo” làm thư ký.

Click to listen highlighted text!