Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Truyền thuyết về bốn vị thánh bất tử trong văn học Việt Nam


Tượng trưng cho những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam, tứ bất tử hay còn gọi là bốn vị thánh bất tử không chỉ là một tượng đài văn hóa của người Việt, những câu chuyện gắn liền với họ đã thuật lại những trang sử hào hùng của người Việt trong những ngày đầu tiến bước đến văn minh.

(Hình ảnh minh họa tứ bất tử do họa sĩ người Việt vẽ nên. Từ trái sang: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh)

Tứ bất tử, hay còn gọi là bốn vị thánh bất tử là tên gọi chung của bốn nhân vật nổi tiếng được quần chúng nhân dân xưng Thánh, nhằm thể hiện sự biết ơn cho những cống hiến trong công cuộc xây dựng và hình thành đất nước Đại Việt, lần lượt là Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên), mảnh ghép còn lại của bộ tứ bất tử. Nếu truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ gắn liền với sự ra đời của nước Đại Việt, thì tứ bất tử đi cùng với quần chúng nông dân xuyên suốt giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Vậy truyền thuyết tứ bất tử Việt Nam thuộc thể loại văn học dân gian nào? Tứ bất tử Việt Nam được xếp vào thể loại truyền thuyết: xuất phát từ những truyền thuyết truyền miệng trong văn học dân gian Việt Nam, gắn liền với hình tượng của bốn vị thánh tứ bất tử Việt Nam là những yếu tố lịch sử có thật đan xen với những sự kỳ ảo, huyền bí còn được gọi là phép màu.

Bên cạnh đó, mỗi vị thánh còn là hình tượng cho những đức tính cao quý khác của con người Việt Nam: Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) đại diện cho tinh thần chống lại thiên tai của con người; Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) là ý chí ngoan cường chống giặc ngoại xâm; Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử) đại diện tình yêu đôi lứa, sự sung túc giàu có và là tổ nghề buôn bán; Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên) tượng trưng cho khát vọng tự do, cùng những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Xem thêm: Các thể loại văn học dân gian Việt Nam

Để thể hiện lòng tôn kính với bốn vị thánh bất tử, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều đền thờ miếu mạo thờ cúng các vị, rải rác khắp khu vực miền Bắc Việt Nam. Có thể nói, sự ra đời của tứ bất tử đã trở thành những mảnh ghép quan trọng, có liên hệ chặt chẽ đến tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam, ngoài ra còn gắn liền với lịch sử xây dựng đất nước của dân tộc.

Truyền thuyết nổi tiếng của bốn vị thánh tứ bất tử

Sơn tinh (Tản Viên Sơn Thánh)

Tương truyền rằng, thánh Tản Viên hay còn gọi là Sơn Tinh là một vị thần núi ngụ tại dãy núi Ba Vì, miền Bắc Việt Nam. Ông cùng Thủy Tinh là hai người bạn chí cốt, cùng ẩn náu tại động Gia Ninh, Châu Phong. Sơn Tinh là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, chàng chỉ tay đến đâu thì cây cối mọc đến đấy, muông thú đều yêu quý chàng. Thủy Tinh cũng không kém cạnh, chàng có khả năng điều khiển dòng nước, mang về cá tôm và hỗ trợ cho nền nông nghiệp lúa nước của nhân dân. Cả hai người đều tài giỏi và là những vị thần có công giúp đỡ nhân dân trồng trọt và phát triển nền văn minh lúa nước tại Đại Việt. Vào một ngày nọ, vua Hùng thứ 18 có con gái đã đến tuổi cập kê là Mị Nương đã ra quyết định kén rể cho con gái, đồng thời truyền lại ngôi vương cho con rể tương lai. Cả hai vị thần đều mong muốn cưới được Mị Nương làm vợ, vì vậy vua Hùng đã ra quyết định: sáng sớm ngày mai, hễ ai là người mang đến sính lễ gồm Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao sớm nhất thì sẽ được thành hôn với công chúa. Sớm hôm sau, Sơn Tinh đã nhanh chân đến trước, vì vậy chàng đã được vua Hùng gả con gái làm vợ. Tức giận vì bạn thân đã giành lấy người vợ của mình, Thủy Tinh tức giận dâng nước lên cao hòng đòi lại Mị Nương. Lũ lụt dâng cao làm bao người dân khốn đốn, cây cối và động vật không thể sống nổi trước dòng nước cuồn cuộn của Thủy Tinh. Nhưng kỳ lạ thay, lũ dâng cao bao nhiêu thì núi của Sơn Tinh lại càng cao bấy nhiêu, khiến Thủy Tinh không thể bì kịp. Thất thế và bại trận, Thủy Tinh đành rút lui. Từ đó Sơn Tinh và Mị Nương sống hạnh phúc bên nhau. Người dân cũng vì công ơn chống lũ của Sơn Tinh mà phong ông làm vị thánh đầu tiên trong bốn vị thánh tứ bất tử Việt Nam, tức Tản Viên Sơn Thánh.

Hình tượng Tản Viên Sơn Thánh được xem như minh chứng của tinh thần chống lũ lụt và thiên tai, thể hiện ý chí quật cường, kháng lại những tai ương do thiên nhiên tạo ra, từ đó hướng đến khát vọng chinh phục tự nhiên của con người Việt Nam.

Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)

Chuyện xưa kể rằng, vào đời vua Hùng thứ VI, ở làng Phù Đổng nọ thuộc tỉnh Bắc Ninh, có một đôi vợ chồng già tuy hiền lành nhưng hiếm muộn, mãi mà vẫn không thể có được một đứa con. Một ngày nọ, bà lão trên đường đi lấy nước thì gặp một dấu chân rất to trong rừng. Vì tò mò mà lão bà đã ướm chân mình vào, khi về đến nhà bà mới biết mình đã có mang. Nhưng phải đến khi tròn 12 tháng thì đứa trẻ mới ra đời. Kỳ lạ thay, đứa trẻ chào đời mà không khóc không cười khiến bà lo lắng. Gióng lên ba rồi mà vẫn chưa biết nói!

Năm đó, giặc Ân từ phía Bắc tràn vào xâm chiếm nước ta. Trong khi mọi người đang lo lắng về sự xâm lược ấy thì cậu Gióng, nghe tin sứ giả đang tìm người đánh giặc thì bỗng nhiên ngồi dậy và nói mẹ mời ngay sứ giả đến. Khi sứ giả đến nơi thì Gióng dõng dạc nói:

– Về bảo nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh kiếm sắt, một áo giáp sắt và nón sắt. Ta sẽ đánh đuổi giặc dữ đi cho!

Tất cả mọi người đều bất ngờ, sứ giả thì nhanh chóng về tâu vua và chỉ trong một thời gian ngắn, vua Hùng đã mang đến những món mà Gióng cần. Về phần Gióng, từ khi gặp sứ giả thì chàng cũng đã bắt đầu ăn uống như vũ bão, bao nhiêu gạo thóc, trái cây mà mẹ và dân làng chuẩn bị đều nhanh hết sạch. Bao nhiêu vải vóc, lụa là khi may thành áo cũng chẳng thể vừa với thân hình to lớn của Gióng. Chẳng mấy chốc, Gióng đã trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đầu đã chạm đến nóc nhà. Cậu nhanh chóng mặc áo giáp sắt và đội mũ vào, từ biệt người mẹ của mình và lên đường đi đánh trận.

Con ngựa sắt mà Gióng cưỡi nhanh chóng thét ra dòng lửa đỏ rực, chàng nhanh chóng bước vào chiến trường, đối đầu cùng hàng vạn quân Ân hung bạo. Chàng đi tới đâu thì lưỡi kiếm lia đến đó, đẩy lùi sự tiến quân của bọn giặc dữ. Lửa đỏ từ miệng ngựa sắt thiêu rụi toàn bộ doanh trại, làm địch hoảng sợ. Tuy nhiên vì số quân quá đông, càng đánh càng khỏe, chúng đã làm gãy lưỡi kiếm sắt của Gióng. Không nao núng, chàng đã nhổ 2 bụi tre ven đường và quật tới tấp vào hàng địch khiến chúng sợ hãi mà tháo chạy. Vua Ân bị đánh bại, giặc Ân cũng phải nể sợ sức mạnh ngoan cường của Gióng mà rút lui. Bờ cõi Việt Nam lại được bảo vệ toàn vẹn. Sau đó, Gióng cũng về trời, hoàn thành sứ mệnh chống giặc ngoại xâm của mình. Làng Phù Đổng cũng được lấy tên để đặt cho vị thánh thứ hai trong bộ tứ bất tử, tức Phù Đổng Thiên Vương, còn gọi là Thánh Gióng.

Tinh thần dũng cảm chống giặc ngoại xâm của Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng của một trong bốn vị thánh bất tử, đại diện cho sự ngoan cường và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam. Ngày nay tại đền Sóc, nơi thánh Gióng về trời và làng Phù Đổng, nơi sinh ra của ngài vẫn tổ chức lễ hội Đền Gióng để tưởng nhớ về ngài, vị anh hùng bảo vệ bờ cõi dân tộc Việt Nam.

Nhằm tri ân công lao chống giặc ngoại xâm của vị thánh Phù Đổng Thiên Vương, còn gọi là Thánh Gióng. Lễ hội đền gióng được tổ chức hằng năm từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4  Âm lịch, diễn ra tại đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – nơi Thánh Gióng được sinh ra.

Chử Đồng Tử (Chử Đạo Tổ)

Ngày xưa ở thôn Chử Xá, có 2 cha con nhà Chử vì cháy nhà mà chẳng còn lại gia sản gì, chỉ còn lại mỗi chiếc khố hai cha con thay nhau mặc mà đi kiếm sống. Nhưng khi người cha quá cố của chàng Chử Đồng Tử qua đời, chàng đã chôn chiếc khố độc nhất ấy cùng cha, ban ngày ngâm nửa mình dưới nước mon men đến các mạn thuyền xin ăn hoặc đánh tôm đánh cá.

Đương đời vua Hùng thứ III trong thế hệ vua Hùng thứ XVIII ấy có người con gái tên Tiên Dung, con gái của Vua đã đến tuổi cập kê. Nhưng nàng nào muốn an phận cưới chồng mà chỉ muốn ngao du sơn thủy, ngày ngày giong thuyền đi khắp nơi. Một hôm nọ, thuyền của Tiên Dung đã tiến đến khu vực mà Chử Đồng Tử thường ngày ngâm mình khiến chàng hoảng sợ tìm chỗ ẩn nấp. Thấy cảnh đẹp, Tiên Dung bèn lệnh cho người hầu dựng màn ở bụi lau để nàng tắm, vô tình nơi ấy là nơi mà Chử Đồng Tử đang ẩn nấp. Nước xối làm lộ ra thân hình Chử Đồng Tử dưới cát, làm Tiên Dung ngạc nhiên vô cùng. Sau khi nghe chàng trình bày sự tình, thấy chàng thật thà và hiếu thảo, khôi ngô cường tráng, thú vị hiếm có, Tiên Dung lấy lòng yêu thích, từ đó nguyện cùng chàng chung sống vợ chồng.

Tuy nhiên, vua Hùng không đồng ý cuộc hôn nhân này, và lệnh cho Tiên Dung không được quay lại cung. Nàng cùng Chử Đồng Tử mở chợ Hà Thám, bắt đầu nghề buôn bán và đổi chác với nhân gian. Chợ Hà Thám buôn bán sầm uất, cuộc sống thì càng ngày càng thịnh vượng, người dân trong vùng cũng tôn vợ chồng Chử Đồng Tử làm chúa. Sau có một vị khách bày kế ra ngoài buôn bán để tạo thêm lợi nhuận, Chử Đồng Tử nghe lời Tiên Dung khuyên nhủ mà lên đường. Đến núi Quỳnh Viên, chàng đi lấy nước từ một miệng giếng thì gặp được một vị sư tên Phật Quang. Thấy chuyện trò hợp nhau, Chử Đồng Tử bèn giao vàng cho vị khách buôn nọ đi buôn một mình, còn mình ở lại học đạo cùng vị sư. Khi thuyền quay lại đón cũng là lúc Chử Đồng Tử phải quay về, Phật Quang bèn đưa cho chàng một cây gậy và cái nón lá, đồ rằng đây là vật thần thông. Chàng cũng thuận lòng mang bảo vật về và kể lại mọi chuyện với Tiên Dung. Như đã giác ngộ, Tiên Dung vâng lời dẹp bỏ chuyện buôn bán, rồi theo chân chồng cùng đi học đạo.

Một hôm trên đường đi, trời thì sập tối còn hàng quán ven đường thì chẳng có, Chử Đồng Tử và vợ cắm cây gậy che chiếc nón lá để nghỉ ngơi. Không ngờ cung điện vàng từ đâu xuất hiện, kẻ hầu người hạ, tiên đồng ngọc nữ xếp thành hàng sẵn sàng hầu hạ. Sáng hôm sau, người dân chung quanh thấy chuyện lạ thì mang vật lễ đến để bái tế. Nhưng việc này đã khiến vua Hùng tức giận, ông cho rằng con gái mình đang làm phản, bèn cho quân đến để đánh. Thay vì chống cự, Tiên Dung từ tốn mời quân lính của vua cha nghỉ ngơi, không một lời chống cự. Quân lính của vua Hùng nghỉ ngơi tại bãi Tự Nhiên, cách lâu đài của vợ chồng Chử Đồng Tử một con sông. Đêm đó gió to nổi lên, một cơn bão kéo đến, làm cây cối trong vùng bật gốc mà bay. Quân lính cũng kinh hãi nhìn thấy lâu đài vợ chồng Chử Đồng Tử bay lên trời, để rồi đến sáng mới thấy dấu tích còn sót lại là một cái khu vực lõm xuống. Dân chúng thấy điềm bèn gọi là Đầm Nhất Dạ (Đầm Một Đêm), rồi lập miếu xây để thờ vị thánh thứ ba trong bộ tứ bất tử. Chử Đạo Tổ được xem là vị thánh có công trong việc mang đến sự thịnh vượng cho dân chúng. Ông được tôn làm tổ nghề buôn bán, mang lại công việc và thúc đẩy sự trù phú của những ngành nông nghiệp chăn nuôi khác tại vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, tình yêu của ông và Tiên Dung cũng khiến mọi người ngưỡng mộ, từ đó mọi người cũng tôn ông như vị thần đại diện cho tình yêu đôi lứa và sự hiếu thảo.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên)

Vào đời Hậu Lê ở Nam Định có một đôi vợ chồng đã ngoài 40 mà vẫn chưa có con, dù họ ăn hiền ở lành và luôn sống lương thiện. Một hôm Ngọc Hoàng báo mộng sẽ đưa đứa con gái thứ hai của mình xuống đầu thai làm con của ông bà. Và chỉ vài ngày sau, người vợ đột nhiên mang thai, rồi vào năm 1447 thì sinh ra một đứa con gái xinh đẹp, lấy tên là Tiên Nga. Tương truyền mẫu Liễu Hạnh là Quỳnh Hoa, vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng. Vì đánh vỡ chén thánh mà vua cha yêu quý nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Khi làm con của đôi vợ chồng, Tiên Nga tuy đã đến tuổi lập thất nhưng một mực từ chối hôn sự, chỉ muốn chăm sóc cho cha mẹ già. Sau khi ông bà qua đời, Tiên Nga ngao du khắp sơn thủy, gặp gỡ và giúp đỡ rất nhiều người dân qua những khó khăn, như giúp đỡ họ tiền bạc để lo liệu đắp đê chống lũ. Bà mất khi vừa tròn 40 tuổi, từ đó quay về trời theo lệnh vua cha.

Nhớ chốn trần gian, công chúa Quỳnh Hoa bèn năn nỉ vua cha cho phép nàng quay lại trần gian để tiếp tục cứu nhân độ thế. Nàng được đầu thai lần nữa vào nhà nông dân họ Lê, lấy tên là Giáng Tiên. Nàng đã xây dựng nên một gia đình hoàn hảo cùng chồng là ông Trần Đào Lang và hai con một trai một gái ở tuổi 18, và mất ở tuổi 21 dù chẳng bệnh tật gì.

Người ta cho rằng vì lần giáng trần rồi nàng chưa đạt được ước nguyện mà đã phải quay về, nên đúng vào ngày mất của Giáng Tiên, tức ngày 10 tháng 10 bà hạ thế lần nữa tại Thanh Hóa. Bà cũng lập gia thất cùng ông Mai Thanh Lâm (tức ông Trần Đào Lang chuyển sinh). Tuy nhiên vào thời này, tình hình lịch sử rối ren, Trịnh Nguyễn phân tranh nên dân chúng lầm than, đói khổ và bần cùng vô đối. Lòng thương người lại nổi dậy, bà cùng chồng chu du khắp nơi và ra tay cứu trợ dân lành, ra tay trừng trị kẻ ác. Nhờ những công trạng ấy mà dân chúng Thanh Hóa cũng lập đền thờ để tưởng nhớ vị mẫu nghi thiên hạ này.

Là vị thánh nữ duy nhất trong bộ bốn vị thánh tứ bất tử, thánh Mẫu Liễu Hạnh được người dân ưu ái gọi là mẫu nghi thiên hạ, hay Mẫu Thượng Thiên, đứng đầu hệ thống đạo Mẫu thuộc tín ngưỡng Việt Nam. Không chỉ là đại diện cho phẩm chất cao cả của người phụ nữ Việt Nam, sự tự do phóng khoáng của Mẫu Liễu Hạnh còn là ý chí tự do, vượt qua khỏi những xiềng xích đã trói buộc phụ nữ dưới thời phong kiến.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!