Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Khái niệm và đặc điểm của thể loại truyền thuyết


Nội dung của bài bao gồm:
1. Truyền thuyết
2. Sự khác biệt giữa thần thoại, cổ tích và truyền thuyết
3. Các đặc điểm của truyền thuyết
4. Một số tác phẩm truyền thuyết tiêu biểu

Truyền thuyết

Theo khái niệm do Hoàng Phê biên soạn, truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian kể về những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử gắn với những nhân vật có thật đã xuất hiện ở quá khứ mang nhiều yếu tố thần kỳ, nhằm giải thích một số phong tục, tập quán. Trong 12 thể loại văn học dân gian Việt Nam, truyền thuyết là thể loại bị lịch sử chi phối, cũng như ảnh hưởng đến đặc trưng rõ nhất. Nếu xếp theo thứ tự thần thoại, truyền thuyết và sử thi, thì truyện thần thoại nói về sự xuất hiện của các vị thần linh, sử thi nói về hoàn cảnh ra đời của 1 vị anh hùng dân tộc, thì truyền thuyết lại là sự pha trộn giữa 2 yếu tố “thần” và “nhân”, kể về những sự kiện có thật diễn ra trong quá khứ, gắn với 1 nhân vật nhất định có xuất hiện yếu tố thần bí.

Chúng ta hãy lấy câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh nổi tiếng làm ví dụ. Sơn Tinh không chỉ là một vị thần đại diện cho miền núi, đã che chở và bảo vệ con người khỏi nước lũ của Thủy Tinh, ông là một nhân vật có thật trong lịch sử. Theo dấu tích lịch sử tại đền Lăng Sương, tỉnh Phú Thọ được xây dựng năm 1011, Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, được sinh ra sau 14 tháng mang nặng đẻ đau. Bên cạnh đó, có nhiều tài liệu ghi lại về sự việc ông đã đại chiến cùng Thủy Tinh, chứng minh cho sự tồn tại của mình.

Nhiều nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa thể thực sự lý giải khái niệm truyền thuyết là gì một cách rõ ràng, bởi không chỉ bị lịch sử chi phối, truyền thuyết vẫn bị xem là những dữ kiện không chính xác, mà chỉ thực sự hợp lí khi ta ghép nhiều câu chuyện truyền thuyết thành 1 cốt truyện cụ thể. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các câu chuyện truyền thuyết thường khó thống nhất thành một hệ thống, bởi sự lưu trữ vốn có của chúng là thông qua các câu chuyện truyền miệng, nên sự chính xác chỉ tương đối.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, thể loại truyền thuyết xuất hiện tương đối sớm, chỉ sau khi thần thoại ra đời ít lâu. Từ thời văn hóa Đông Sơn đã bắt đầu xuất hiện nhiều câu chuyện thần thoại, gắn liền với thời kỳ này là sự đơn giản trong nhận thức của con người, do đó họ đã gắn hình tượng các vị thần với sự xuất hiện của các hiện tượng tự nhiên, nghiễm nhiên cho đó là do các vị thần đã làm nên. Theo nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi trong Sơ Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam xuất bản năm 1957, lý giải truyền thuyết là gì, ông cho rằng “truyền thuyết là những truyện lịch sử, mà truyện lịch sử ra đời khi con người đã có ý thức về lịch sử của dân tộc”.

Xem thêm: Sơ lược về các thể loại văn học dân gian của văn học Việt Nam

Sự khác biệt giữa thần thoại, cổ tích và truyền thuyết

Đều có sự xuất hiện của phép màu và các yếu tố siêu nhiên, thế nhưng 3 thể loại văn học dân gian này lại có sự khác biệt rất lớn về mặt nội dung, cũng như việc yếu tố siêu nhiên chỉ đóng một vai trò khác nhau trong 3 thể loại này. Nhìn chung, phép thuật hay những sự trợ giúp từ các nhân vật siêu nhiên, là một cách hình tượng hóa cho sự vận động của thế giới.

Thần thoại là thể loại văn học có cốt truyện tương đối đơn giản, các nhân vật có phép màu, là những thần thuộc đấng siêu nhiên được cử xuống trần để giúp dân hình thành và sáng tạo ra thế giới vật chất. Điều này có nghĩa rằng, thần thoại vốn là những câu chuyện mang tính hư cấu, được dùng để lý giải các hiện tượng tự nhiên xuất hiện trong đời sống con người thuở ban sơ, ý thức của con người về sự vận hành của thế giới vẫn còn thô sơ, chính vì vậy họ có niềm tin rất to lớn vào sự tồn tại của một đấng siêu nhiên, và vin vào đó để sáng tạo nên nhiều vị thần lập quốc có tiếng trong lịch sử.

Đối với truyện cổ tích, đây là thể loại văn học dân gian hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng của con người. Yếu tố thần bí ở đây không còn đóng vai trò chính yếu như thần thoại nữa, giờ đây phép màu được xem như một trợ lực đại diện cho vũ trụ. Tuyến nhân vật chính cũng xoay quanh con người, là “nhân”, và cuộc hành trình của họ trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Là thể loại truyện tưởng tượng được xây dựng dựa trên những sự kiện diễn ra trong đời sống của con người nông dân, truyện cổ tích sẽ không có chứng cứ xác thực cho sự tồn tại của dữ kiện lịch sử, thay vào đó, qua thời gian thì con người cũng sẽ thay đổi nội dung cốt truyện cho phù hợp với sự ra đời của chúng.

Vậy điểm khác biệt của truyền thuyết là gì? Theo nhiều tác giả, bên cạnh việc bị lịch sử chi phối, cốt truyện của truyền thuyết được xây dựng dựa trên những dữ kiện lịch sử, nhưng lại mang yếu tố hoang đường ở đó. Biện pháp nghệ thuật chủ yếu xuất hiện ở truyền thuyết là yếu tố phóng đại quá mức các hiện tượng và chi tiết trong cốt truyện. Thế nhưng, ta có thể tìm thấy nhiều chi tiết lịch sử có thật dọc theo đất nước Việt Nam. Vì vậy, truyền thuyết không chỉ là những câu chuyện hoang đường, đó là những câu chuyện hoang đường được dựng trên các yếu tố lịch sử có thật hòa lẫn vào nhau, khác với truyện thần thoại, được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng của con người.

Khác với cổ tích, truyền thuyết không phản ánh xung đột giai cấp, cũng như những bất hòa gia đình, thay vào đó truyền thuyết xây dựng về những vấn đề to lớn hơn, mang tính phổ quát và bao hàm lấy dân tộc của mình, như tình yêu nước, sự sáng tạo các nhà nước nguyên sơ, tinh thần chống giặc, bươn trải của con người Việt Nam.

Đặc điểm của truyền thuyết

Về cốt truyện: Cốt truyện truyền thuyết xoay quanh các nhân vật có quyền năng nhằm giải thích sự xuất hiện của các yếu tố lịch sử, hoặc một phong tục tập quán nhất định.

Về phương thức biểu đạt: Truyền thuyết sử dụng chủ yếu là phương pháp nói quá, phóng đại các yếu tố thường nhật và nhân cách hóa các thế lực tự nhiên. Các thế lực tự nhiên như núi, sông, gió, mây, mưa được gán một nhân cách và một lý tưởng. Tầng lớp nhân dân Việt Nam đã cho các thế lực tự nhiên một nhân cách và gắn họ vào một bối cảnh lịch sử có thật.

Về nội dung: Bên cạnh việc lý giải sự xuất hiện của phong tục tập quán, truyền thuyết còn được dùng để nói lên bao quát các vấn đề của dân tộc, như tình yêu nước, tinh thần chống giặc và chống lại thiên tai.

Một số truyện truyền thuyết

Sự tích Bánh chưng bánh dày

Được cho là đã xuất hiện từ đời vua Hùng thứ VI, ước tính sự tích Bánh Chưng Bánh Dày đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII trước công nguyên. Mượn việc Lang Liêu đã thành công nấu 2 loại bánh dâng cho vua Hùng, sự tích bánh chưng bánh dày còn là đầu mối đầu tiên giúp ta xác định được nguồn gốc của Tết Nguyên Đán tại Việt Nam.

Truyện bắt đầu khi vua Hùng thứ 6 muốn truyền ngôi cho một trong hai mươi hai người con trai. Để chọn ra vị vua tương lai, người đã mở một cuộc thi để kén chọn người nối ngôi tương lai. Để chiến thắng cuộc thi này, những người con trai của người phải sáng tạo ra một món ăn lạ để cúng tổ tiên. LangLiêu là đứa con thứ mười tám, từng sống nhiều ngày cô đơn do mất mẹ từ nhỏ. Đêm hôm đó, Liêu nằm gác tay lên trán lo lắng, suy nghĩ rồi ngủ quên lúc nào không biết. Liêu mơ mơ màng màng thấy có một vị nữ thầnmách cho anh hai món bánh làm từ nếp, với phần nhân là đậu xanh và thịt được gói trong tàu lá rộng và xanh. Thần vừa gói vừa giảng giải:

Truyện sự tích bánh chưng bánh dày (ảnh minh họa sách tranh Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dày)

– Bánh này giống hình mặt đất. Đất có cây cỏ, đồng ruộng thì màu phải xanh xanh, hình phải vuông vắn. Trong bánh phải cho thịt, cho đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú, cỏ cây… Rồi đem thứ nếp trắng đồlên cho dẻo, giã ra làm thứ bánh giống hình trời: màu phải trắng, hình phải tròn và khum khum như vòm trời…

Đến ngày dự thi, tất cả các món “nem công, chả phượng, tay gấu, gan tê” của các hoàng tử đều không thể bằng thứ bánh quê mùacủa Liêu. Sau khi đã nếm xong, vua Hùng rất ngạc nhiên, cho đòi Liêu lên hỏi cách thứ làm bánh. Hoàng tử cứ thực tâu lên, không quên nhắc lại giấc mộng lạ của mình.

Trưa hôm ấy, vua Hùng trịnh trọng tuyên bố hoàng tử thứ mười tám được giải nhất và được truyền ngôi. Vua cầm hai thứ bánh giơ lên cho mọi người xem và phán rõ:

– Hai thứ bánh này bày tỏ được lòng hiếu thảo của con cháu, tôn ông bà tổ tiên như Trời Đất, nhưng những hạt ngọc ấy mọi người đều làm ra được. Phải chăng đó không phải là những món ăn ngon và quý nhất để ta dâng cúng tổ tiên…

Từ đó thành tục lệ, hàng năm cứ đến ngày Tết, mọi người đều làm hai thứ bánh đó, gọi là bánh chưng bánh giầy, để thờ cúng tổ tiên.

Hoàng tử Liêu sau được làm vua, tức Hùng Vương thứ bảy.

Truyền thuyết về 4 vị thánh bất tử:

Bốn vị thánh bất tử, hay còn gọi là tứ bất tử, là một trong những câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng nhất của Việt Nam, tập hợp 4 vị thánh được con người Việt Nam thờ phụng, gồm có Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử (cùng vợ là Tiên Dung), và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bốn vị thánh đại diện cho 4 đức tính cao cả đáng quý của con người Việt Nam, vốn gần gũi nhưng cao cả.

Sơn Tinh đại diện cho tinh thần chống lũ, chống thiên tai của người Việt. Sự chống đỡ của ông trong cuộc chiến với Thủy Tinh chính là minh chứng của ý chí kiên cường của người Việt khi đối đầu với thiên tai.

Thánh Gióng lại nói về tinh thần chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Được người làng Phù Đổng nuôi lớn, ông không chỉ là niềm hy vọng dẹp tan sự thống trị của giặc ngoại xâm, Thánh Gióng còn là ý chí tự do, mong muốn được sống cuộc sống độc lập của người Việt Nam.

Chử Đồng Tử là tổ nghề buôn, cũng như bảo hộ tình yêu gia đình. Sự chân thật và chất phác của ông cùng tình yêu cao cả với Tiên Dung đã được người dân ghi nhận và tôn vợ chồng ông làm thánh.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh đại diện cho đức hạnh và tinh thần vượt khổ cứu nạn của người phụ nữ. Ba lần giáng trần của bà đã để lại những bút tích vẻ vang trong lịch sử dân tộc thời trung đại. Bà còn là mối giao hảo giữa đạo Mẫu truyền thống với đạo Phật, giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam.

Xem thêm: Hình tượng bốn vị thánh bất tử trong văn hóa Việt Nam

Sự tích Con Rồng Cháu Tiên:

Con Rồng Cháu Tiên là một câu chuyện cổ tích xa xưa nhưng lại rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Không chỉ mang theo tất cả những đặc điểm lý giải truyền thuyết là gì, ta còn thấy được lịch sử lập quốc của Đại Việt thuở sơ khai nữa.

Truyện kể về tình yêu của Lạc Long Quân, vốn là một vị Long Thần có xuất xứ từ miền biển, với Âu Cơ, vốn là một vị tiên nữ giáng trần. Tình yêu của hai người đã sớm đơm hoa kết trái, mẹ Âu Cơ cũng đã sinh ra một bọc trăm trứng, đẻ ra 100 người con. Sau chia tay, 50 đứa con xuống biển với cha, và 50 đứa con lên núi cùng mẹ. Những đứa con của mẹ Âu Cơ sau đó bắt đầu phát rừng và trồng trọt, sinh sống và tạo lập ra những vùng đất trù phú, từ đó bắt đầu một chương mới trong Lịch sử Việt Nam.

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!