Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Nhà lao An Nam ở Guyane


Ảnh: Tấm bảng ghi “Nhà lao An Nam” ở gần cửa rừng lối vào nhà lao, Danh Đức, nguồn: Tuổi Trẻ Online.

Danh Đức – Phóng viên báo Tuổi Trẻ

NTHF: Sau khi cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái (1930) thất bại, 525 đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị bắt và bị đày biệt xứ sang Guyane thuộc Pháp. Họ bị giam tại một trong những nhà lao ở Cayenne, gọi là nhà lao An Nam. Mới đây, phóng viên Danh Đức báo Tuổi Trẻ đã tìm đến nhà lao này. Loạt bài của ông đã gây nên sự xúc động cho cả nước, bạn đọc viết:

“Tuổi trẻ ơi ! Tôi quá xúc động ! Tôi đang khóc! Khóc thật nhiều khi đọc loạt
bài của phóng viên Danh Đức viết về Nhà lao An Nam ở Guyane”.

“Làm cho thế hệ trẻ chúng tôi luôn ghi sâu trong lòng những hy sinh lớn lao của các vị anh hùng dân tộc, đồng thời cũng làm cho tôi cảm thấy bớt đi nỗi hổ thẹn trong lòng khi những hy sinh của các vị anh hùng như thế mà đến giờ thế hệ cháu con mới biết”…


Ảnh: Những dãy chuồng cọp này tại Guyane là nơi thực dân Pháp dùng để tiêu diệt những mầm mống anh hùng Việt Nam.

Phóng sự: Nhà lao An Nam ở Guyane

Kỳ 9: Một kiếp thề ghi với nước non

Trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục, học giả Nguyễn Hiến Lê viết một đoạn ngắn nhưng có khả năng gây xúc động mạnh về ông Nguyễn Quang Diêu: “Người nghe nói có phong trào Đông Du thì hăm hở xuất dương, tới Hương Cảng bị Pháp bắt rồi đày đi Guyane ở Nam Mỹ.

Sau cụ Diêu trốn thoát, về Trung Hoa, rồi cả gan dám về ngay Cao Lãnh, tổ chức một đảng cách mạng. Việc thất bại, phải trốn lên dạy học ở một miền giáp ranh Miên – Việt. Về sức vùng vẫy và tính mạo hiểm của cụ, ít ai bì kịp”. Lần theo lịch sử, ông Diêu quả là người như thế.

Chí tang bồng

Ông Nguyễn Quang Diêu sinh năm 1880 trong một gia đình khá giả lại có truyền thống Nho học ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Năm 6 tuổi, ông học vỡ lòng chữ Nho. Năm 10 tuổi học chữ quốc ngữ. Cụ thân sinh và các thầy dạy đều là người yêu nước. Được tiếp xúc với những người có chí khí, thương nòi yêu nước, ông Diêu sớm thấm thía được nỗi nhục mất nước của cả dân tộc, sớm mang lấy mộng dời non lấp bể vào mình. Ông ngày đêm đèn sách, nhưng cũng nhận ra việc theo đòi từ chương sẽ không cứu được nước. Tính tình sôi nổi và có phần nóng nảy, cậu Năm Diêu để tâm theo dõi thời cuộc để tìm một con đường mới.

Vừa khi ấy, phong trào Đông Du lan đến miền Nam.

Nguyễn Quang Diêu lập tức thâm nhiễm những tư tưởng và chủ trương của Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, và ngay lập tức đứng vào hàng ngũ những người đi tiên phong trên đường đấu tranh cứu nước. Có tài hùng biện và giao du rộng, việc đầu tiên của Năm Diêu là tham gia cùng với Nguyễn Thần Hiến vận động tài lực, vật lực ủng hộ phong trào Đông Du. Được nhiều người hưởng ứng, Năm Diêu càng hăng hái. Các buổi nhóm họp bí mật trong các đình chùa, các buổi vận động trong các cửa tiệm, các chợ không thỏa chí ông nữa, ông muốn xuất ngoại. Thân phụ đã đồng ý nhưng các đồng chí muốn giữ ông lại để thúc đẩy phong trào tại địa phương, ông sốt ruột thổ lộ trong một bài thơ tự thuật: Tuổi tác đã vừa ba chục chẵn/Công danh chưa có ít nhiều khi/Rừng cao yến đỗ nương nhờ chô/Gió thuận hồng mong gặp gỡ khi/Xem khắp thế tình rồi nghĩ nghị/ Muốn noi thánh trước cưỡi bè đi.

Cơ hội đến vào đầu năm 1913, Cường Để, một hậu duệ của hoàng tử Cảnh, về Nam bộ tìm cách khơi cho phong trào bùng nổ. Tài liệu của Nguyễn Văn Hầu tìm được cho biết: “Cuối tháng năm, sau khi giáp mặt cụ Cường Để tại một địa điểm bí mật ở Long Xuyên, một nhóm cán bộ trong đó có Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật chỉ định ngay một phái đoàn sang Trung Hoa với mục đích lãnh “chỉ lệ tín phiếu”, mua vũ khí, đưa thêm học sinh đi du học và tìm gặp cụ Nguyễn Thần Hiến. Phái đoàn khởi hành trong tháng ấy, gồm mười người lớn và hai thiếu niên. Nguyễn Quang Diêu được cử làm lãnh đạo”. Luôn bị lính kín Tây theo dõi sát sao, không thể về từ biệt gia đình, Năm Diêu tìm cách gửi về cho vợ mấy vần thơ mang tâm nguyện: Trăm năm ngồi đứng trong trời đất/Một kiếp thề ghi với nước non/Ai ôi hãy nếm mùi ly biệt/Có nếm ra rồi mới biết ngon.

Đến Hong Kong, cả đoàn dành mấy ngày cho việc bàn định quốc sự với Nguyễn Thần Hiến và Huỳnh Hưng. Mấy ngày sau mua được một ít tạc đạn, đoàn người dự định chia làm hai: một tốp đi Hàng Châu để hội kiến các lãnh tụ cách mạng, một tốp chờ tàu để mang tạc đạn và tín phiếu về Sài Gòn. Chưa kịp lên đường thì cảnh sát Anh bao vây nhà Huỳnh Hưng, tất cả bị bắt.

Tìm phương về nước

Ra tòa của Anh ở Hong Kong, bị trục xuất, áp giải về nhà lao Hỏa Lò ở Hà Nội. Năm 1913, khởi nghĩa Yên Thế kết thúc, Pháp tăng cường đàn áp, bắt bớ, Hỏa Lò chật những người yêu nước. Năm 1914, cùng với các đồng chí, Nguyễn Quang Diêu bị kết án 10 năm khổ sai và bị đày đi Guyane. Qua muôn trùng sóng gió, đặt chân lên xứ sở xa lạ, ông cảm tác thành thơ: Bể rộng mênh mông dòng nước biển/Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh/Dã man thảm hại cho người đo/Tân khổ nài bao cái lũ mình.

Những ngày tháng dài nhọc nhằn, thỉnh thoảng niềm hi vọng lại lóe sáng lên cùng những tin tức bạn tù nghe ngóng được mang về. Nhưng vận hội chưa tới, những tin tức lạc quan ấy mau chóng vỡ tan như bong bóng. Cố quốc vẫn cứ mù xa mà lòng yêu nước trong các bậc chí sĩ ngày một thêm cháy bỏng. Mọi người bàn nhau tìm cách vượt ngục.

Trong nhóm có Lý Liễu thông minh, tháo vát, lại biết tiếng Anh, tiếng Pháp nên được cai tù vị nể cho đi lại tự do, làm nhiệm vụ quản lý nhà lao An Nam. Ông nhân đó tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của một số kiều dân người Hoa, tổ chức những cuộc vượt ngục đơn lẻ vài người một bằng cách gửi bạn tù xuống thuyền đánh cá của thổ dân, giong buồm sang đảo Trinidad. Nguyễn Quang Diêu hăng hái làm người tiên phong đi chuyến đầu tiên.

Lần lượt từng người một đến đảo và tìm kế sinh nhai dưới vỏ bọc người Hoa, cuộc sống dần ổn định. Lý Liễu còn lấy được vợ Anh và sinh được hai con. Tình hình cách mạng ở VN vẫn cứ mãi im hơi lặng tiếng, mọi người họp nhau lại, Năm Diêu đưa ý kiến: “Chúng ta vượt ngục sang đây, nay thể chất được sung túc mà tâm hồn thì quằn quại khổ đau không hơn gì ở Guyane, phỏng có ích gì. Tôi đề nghị anh em tìm phương về nước”.

Nói là làm, Nguyễn Quang Diêu lại là người ra đi đầu tiên. Năm 1920, ông đáp tàu vượt qua hai đại dương mênh mông về tới Trung Quốc, gia nhập ngay các nhóm đấu tranh yêu nước. Năm 1927, ông bí mật về nước, tiếp tục gây dựng cơ sở, sáng tác thơ văn ái quốc, mở trường học khai thông dân trí…

Ông được người dân, nhân sĩ địa phương kính phục và hết lòng che chở, bảo bọc. Những hoạt động chính trị và thơ văn yêu nước của Nguyễn Quang Diêu trong 10 năm hoạt động bí mật ở Nam bộ đã trở thành những pho sách để đời. Nhà cách mạng Duy Tân – Đông Du qua đời ngày 15-5 năm Bính Tý (1936), chưa kịp nhìn thấy những ngày rực rỡ của lịch sử VN. Câu thơ ông khóc Nguyễn Thần Hiến trong lao tù năm nào nay vận vào chính mình: Chín suối có thiêng hồn tổ quốc/Trăm năm còn tạc gánh tang bồng. Báo Tuổi Trẻ

Click to listen highlighted text!