Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Phân tích tác phẩm “Cảnh ngày hè” – Nguyễn Trãi


Nguyễn Trãi – một bậc thi ca của văn học Việt Nam, cuộc đời ông sống giao cảm với thơ với cuộc sống thiên nhiên và con người. Cảnh quan trường làm cho ông nghẹt thở bởi những toan tính chèn ép vậy nên ông đã quyết định tìm về với thiên nhiên để cho tâm hồn mình thanh tịnh. Trong thời gian ấy ông làm thơ về thiên nhiên nhưng trong những vần thơ thiên nhiên ấy lại có những tâm sự về sự lo lắng cho nhân dân đất nước. Bài thơ Cảnh ngày hè là một bài thơ như thế. Trong thiên nhiên mùa hè và cảnh sống sinh hoạt của nhân dân Nguyễn Trãi vẫn thể hiện tình yêu nhân dân đất nước của mình.

Trước hết là câu thơ đầu thể hiện tâm trạng của nhà thơ trong những ngày hè, nhưng ngày về cáo quan ở ẩn:

Rồi hóng mát thuở ngày trường

Chúng ta thấy rõ được chữ “rồi” ở đầu câu thể hiện một tâm trạng rảnh rỗi của nhà thơ ở quê. Nó không có sự bon chen đố kị, chèn ép của những ninh thần. Tại sao nhà thơ không nói là rỗi mà lại là “rồi”. Có thể nói chữ rỗi và chữ rồi đều nói lên cùng một tâm trạng nhưng nhà thơ sử dụng từ “rồi” nghe có vị xưa cũ hơn. Bởi vì từ rỗi là sau này mới có, nó mang tính chất hiện đại hơn. Nhà thơ cáo quan về với thiên nhiên làng cảnh Việt nam và nhà thơ không những được thanh lọc về tâm hồn mà còn rảnh rỗi hóng mát suốt cả ngày. Nói như thế không phải là nhà thơ không phải làm gì để ăn mà là để chỉ cái cuộc sống thanh bình an nhàn không mệt đầu mệt óc ở nơi thôn quê hẻo lánh với những con người nông dân hiền lành chất phác lương thiên này.

Những câu thơ tiếp theo nhà thơ vẽ lên một bức tranh cảnh ngày hè vô cùng rực rỡ. Bức tranh ấy không chỉ có thiên nhiên mà còn có cả con người nữa.

Trước tiên là bức tranh thiên cảnh ngày hè nơi thôn quê. Có thể nói Nguyễn Trãi giống như một nhà hoạ sĩ dùng ngôn từ để vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp ấy:

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Cây hoa hoè tán rộng toả bóng mát khắp đầu tường. Tiếp đó nhà thơ vẽ thêm những bông hoa thạch lựu trước hiên nhà có màu đỏ rực rỡ như ánh nắng chói chang của mùa hạ kia vậy. Nhắc đến quê hương người ta không thể nào quên được hình ảnh những bông hoa sen hồng với hương sắc tuyệt vời. Nhà thơ không nói hẳn là hoa sen mà nhà thơ dùng hai chứ “Hồng Liên” thể hiện sự trang trọng cổ kính của bông hoa sen ấy. Trong bức tranh ấy ta không chỉ thấy màu sắc mùi hương mà ta còn thấy được cả sự sinh trưởng của chúng. Cây hoa hoè “đùn đùn”, cây thạch lựu “phun”, hoa sen “tiễn” mùi hương. Mùa hạ quả đúng là mùa của sinh trưởng cho những loại cây cối. Sức sống ấy mạnh mẽ như các động từ mạnh kia vậy. Hương thơm của hoa sen cũng như bay xa hơn thoảng vào không gian nhiều hơn qua từ “tiễn” ấy. Chữ tiễn ấy không phải là tiễn biệt chia ly mà chứ tiễn như thể hiện cái sự bay xa của hương sen trong cơn gió kia làm cho không gian làng quê ngát hương.

Bức tranh ấy còn có cả những cuộc sống sinh hoạt của con người làng quê. Thật vậy tranh thiên nhiên đã đẹp nhưng nó còn đẹp hơn khi xuất hiện hoạt động sự sống của con người:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Từ láy “lao xao” như thể hiện được hết cái vui tươi của con người lao động trong những buổi chợ. Chợ có đông thì mới có niềm vui như thế, có tiếng động như thế. Cái âm thanh ấy như tác động đến tâm hồn người nghệ sĩ. Chợ cá kia dường như có rất nhiều đồ khiến cho người dân nơi đây náo nức, mua bán Có thê nói rằng đó chỉ là cuộc sống đời thường thôi nhưng tại sao khi cảm nhận ở đây ta lại thấy nó đẹp đến thế. Có khi nào cái đẹp xuất phát từ những cái quá đỗi bình thường không?. Thế rồi âm thanh của những con ve gọi hè. Tiếng ve như dắng dỏi tạo nên thành một dàn đồng ca mùa hạ ngân nga ngày đêm không biết mệt.

Trước những thiên nhiên và con người nhà thơ như thể hiện những ước nguyện của mình. Nhà thơ thật thà thể hiện tấm lòng của mình:

Rẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Câu thơ thể hiện ước nguyện của nhà thơ mong muốn mượn được chiếc đàn của vua Ngu Thuấn đàn một tiếng cho nhân dân giàu khắp bốn phương. Từ truyền thuyết tiếng đàn của vua Ngu thuấn nhà thơ thể hiện ước nguyện sự lo lắng cho nhân dân. Mong có thể giúp đỡ cho nhân dân có một cuộc sống đầy đủ yên ổn thái bình.

Như vậy qua đây ta thấy được một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp, tất cả nhưng màu sắc đều thể hiện đặc trưng của mùa hè. Có thể nói chắc hẳn nhà thơ phải là một người yêu thiên nhiên nhiều lắm thì mới có thể cảm nhận được cả những bước sinh trưởng của cây côi mùa hè như thế. Đồng thời ta cũng thấy được một tâm hồn trung nghĩa với nhân dân. Mặc dù xa rời quan trường nhưng ông không lúc nao không lo cho nhân dân, mong muốn nhân dân có một cuộc sống an lành bình yên.

Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới bài 43) – thơ Nguyễn Trãi

Nội dung

Rồi[1] hóng mát thuở ngày trường,
Hoè lục[2] đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ[3],
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương[4].
Lao xao chợ cá làng ngư phủ[5],
Dắng dỏi[6] cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có[7] Ngu cầm[8] đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi[9] phương.

[1] Rồi: ở đây là rỗi rãi
[2] Lục: màu xanh; hoè lục: màu xanh cây hoè; tán rợp giương: tán giương lên che rợp.
[3] Thức (từ cổ): màu vẻ, dáng vẻ. Ý cả câu thơ: cây thạch lưu ở hiên nhà đang phun màu đỏ.
[4] Tiễn mùi hương: ngát mùi hương (tiễn: từ Hán Việt, có nghĩa là dư ra). Ý cả câu thơ: sen hồng trong ao đã ngát mùi hương.
[5] Làng ngư phủ: làng chài lưới.
[6] Dắng dỏi (từ cổ): có nghĩa là inh ỏi. Cầm ve: tiếng ve kêu như tiếng đàn. Lầu tịch dương: lầu (nhà cao) lúc mặt trời sắp lặn.
[7] Dẽ có: lẽ ra nên có.
[8] Ngu cầm: thần thoại Trung Quốc kể rằng hai triều vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn là hai triều đại lí tưởng, xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Riêng vua Ngu Thuấn có khúc hát Nam phong, trong đó có câu: “Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề” (Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của). Ngu cầm là đàn của vua Ngu Thuấn. Ý cả câu: Hãy để cho ta có đàn của vua Thuấn để đàn một khúc Nam phong.
[9] Đòi: nhiều.

Quốc âm thi tập gồm 254 bài, là tập thơ Nôm sớm nhất hiện còn. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi là một trong những người đặt nền móng và mở đường chó sự phát triển của thơ tiếng Việt. Về nội dung, Quốc âm thi tập phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi: người anh hùng với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân; nhà thơ với tình yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống… Về nghệ thuật, thể thơ thất ngôn Đường luật của Trung Quốc đã được Nguyễn Trãi sử dụng thuần thục như một thể thơ dân tộc, có khi chen vào chỗ thích hợp một số câu lục ngôn (câu sáu chữ).

Quốc âm thi tập được chia thành bốn phần: Vô đề, Môn thì lệnh (Thời tiết), Môn hoa mộc (Cây cỏ), Môn cầm thú (Thú vật). Phần Vô đề gồm toàn thơ không có tựa đề, nhưng được sắp xếp thành một số mục: Ngôn chí (Nói lên chí hướng), Mạn thuật (Kể ra một cách tản mạn), Tự thán (Tự than), Tự thuật (Tự nói về mình), Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình)… Mục Bảo kính cảnh giới có 61 bài, Cảnh ngày hè là bài số 43.

Nguồn: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II), NXB Văn học, Hà Nội, 1976


Click to listen highlighted text!