Triều Đại Nhà TRẦN
Khi nhà Lý bắt đầu suy yếu, người đứng đầu dòng họ Trần ở đây là Trần Lý nhưng người đặt nền móng cho sự ra đời chính thức của nhà Trần là Trần Thủ Độ. Nhà Lý suy vi, quyền lực rơi hết vào tay Trần Thủ Độ. Sau khi ép Lý Chiêu Hoàng (7 tuổi) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (6 tuổi) thì thời đại của nhà Trần chính thức bắt đầu.
Trong khoảng 175 năm trị vì, nhà Trần đã lãnh đạo dân Đại Việt ba lần kháng chiến chống quân Nguyên thành công vào các năm 1258, 1285 và 1288, nhưng trong những năm sau này, kể từ đời vua Dụ Tông thì triều đại nhà Trần đã suy yếu đi vì nhiều lý do, chủ yếu là do sự mục nát và yếu kém của hệ thống quan lại. Cuối cùng vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần, chấm dứt 175 năm trị vì của dòng họ này.
___ ooOoo ___
Các đời Vua nhà Trần
Trần Thái Tông (1225-1258)
Niên hiệu:
– Kiến Trung (1225-1231)
– Thiên ứng chính Bình (1232-1250)
– Nguyên Phong (1251-1258)
Vị vua đầu tiên của nhà Trần, sinh ngày 16 tháng 6 nǎm Mậu Dần (1218) tại hương Tức Mặc Phủ Thiên Trường, nay là thôn Tức Mặc xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định.
Ông có tên thật là Trần Cảnh con trai Trần Thừa, cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú. Việc lên ngôi của Ông do tài sắp đặt của Trần Thủ Độ mà nên, lúc ấy ông mới tròn 8 tuổi. Trần Thủ Độ đã thu xếp cho Trần Cảnh được làm chức chánh hậu, có tên gọi là chức Chánh thủ. Ban đầu chỉ được hầu hạ bên ngoài, sau vài lần được vào trong để bưng nước rửa cho vua. Vua lúc bấy giờ là Lý Chiêu Hoàng (Con gái vua Lý Huệ Tông, cô là vị vua sau cùng của nhà Lý). Sau nhờ Trần Thủ Độ thu xếp Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông.
Trần Cảnh lên ngôi nhưng việc quân sự thì do Trần Thủ Độ nắm việc chính trị thì do cha làm Thượng hoàng giúp đỡ, song những người này trình độ vǎn hoá cũng còn nhiều hạn chế. Các quan nhà Lý ở lại phục vụ nhiều, song không thấy nói có một ai được chính thức giúp vua làm phụ chính. Vậy mà trong suốt những nǎm đầu ở tuổi thiếu nhi, Trần Cảnh đã được sử sách ghi chép đúng như một ông vua có tài.
Để giữ vững an ninh đất nước, Trần Thủ Độ đã giúp nhà vua dần ổn định được tình hình, lợi dụng các mâu thuẫn giữa các tay quân phiệt và dần dần dẹp yên được nội loạn.
Khi bước sang tuổi thành niên, Ông đã phát huy rõ rệt tài nǎng xuất sắc của mình. Nhưng trước khi thực sự nắm chắc quyền hành của mình, Ông đã phải chịu một nỗi đau, khiến Ông phải xót xa ân hận mà không biết phải xử trí ra sao, nguyên nhân là Chiêu Thánh Hoàng hậu lấy Ông đã được 12 nǎm mà vẫn chưa có con, trong khi triều Trần cần kíp phải có Hoàng tử.
Trần Thủ Độ đã nhất quyết buộc Ông phải bỏ Chiêu Thánh lập Hoàng hậu mới là Thuận Thiên chị ruột của Chiêu Thánh, hiện là vợ của Trần Liễu (anh của Trần Cảnh) đang có mang khiến Trần Cảnh đau khổ bỏ trốn ra khỏi kinh thành lên núi Yên Tử trú ngụ (1236). Trần Thủ Độ phải trổ hết mưu mẹo mới rước được Ông về kinh.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đầu nǎm Đinh Tý (1-1258) vua Trần Thái Tông đã biết dựa vào Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn (tức Hưng Đạo vương, con của Trần Liễu) để lãnh đạo dân Đại Việt quyết chống giặc.
Tháng 12 nǎm Đinh Tý (1258), vua Thái Tông đã cùng Thái Tử Hoảng chỉ huy quân Tần phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thǎng Long.
Trần Thái Tông được sử sách lưu truyền bởi ông là một nhà Thiền học, một triết gia có những tư tưởng sâu sắc, một cốt cách độc đáo. Lúc làm vua ông đã thân chinh đi đánh giặc, xông vào mũi tên hòn đạn, làm vua thì xem thường vinh hoa phú quý, có thể từ bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc.
Mùa Xuân nǎm Mậu Ngọ (1258), Thái Tông nhường ngôi cho Thái Tử Trần Hoảng, triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước. Thái Tông làm vua được 33 nǎm, làm Thái Thượng Hoàng 19 nǎm thì mất, thọ 60 tuổi.
Trần Thánh Tông (1258-1278)
Niên hiệu:
– Thiện Long (1258-1272)
– Bảo Phù (1273-1278)
Vua Trần Thái Tông có 6 người con: Trần Quốc Khang (thực là con của Trần Liễu với Thuận Thiên), Trần Hoảng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và các công chúa Thiều Dương, Thuỵ Bảo.
Mùa xuân nǎm Mậu Ngọ (1258), Thái tử Hoảng sinh nǎm 1240 lên nối ngôi lấy hiệu là Thánh Tông.
Vua Thánh Tông sống hoà hợp thân ái với các hoàng thân, vua dốc lòng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị. Vua quan tâm đến việc giáo hoá dân, khuyến khích việc học hành, mở những khoa thi chọn người tài và trọng dụng họ. Dưới thời ông Bộ Đại Việt ký sử, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta, được Lê Vǎn Hưu hoàn thành nǎm Nhân Thân (1272).
Vua còn quan tâm đến dân nghèo bằng việc ra lệnh cho các vương hầu, phò mã chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc để khai khẩn ruộng hoang, lập trang hộ. Trang điền có từ đấy. Vì vậy, trong suốt 21 nǎm làm vua đất nước không có giặc giã. Nơi nơi dân chúng yên ổn làm ǎn.
Vua Thánh Tông thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự cho tổ quốc, ngǎn chặn từ xa mọi sự dòm ngó, tạo cớ xâm lược của nhà Nguyên.
Nǎm Đinh Sửu (1277) Thái thượng hoàng Trần Thái Tông mất ở phủ Thiên Trường (Tức Mạc. Nǎm sau đó vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm rồi về phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.
Vua Trần Thánh Tông trị vì được 21 nǎm, làm Thái thượng hoàng được 13 nǎm thì mất, thọ 51 tuổi.
Trần Nhân Tông (1279-1293)
Niên hiệu:
– Thiệu Bảo (1279-1284)
– Trùng Hưng (1258-1293)
Vua Trần Thánh Tông có 3 người con: Thiên Thuỵ công chúa, Thái Tử Khâm và Tả thiên Vương Đức Việp. Nǎm Kỷ Mão (1279), Thái tử Khâm Sinh nǎm Mậu Ngọ (1258) kế vị ngôi vua lấy hiệu là Nhân Tông.
Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, quyết đoán được sử sách ca ngợi là vị anh hùng cứu nước. Thời gian Trần Nhân Tông trị vì, nước Đại Việt đã trải qua những thử thách ghê gớm, nhưng Triều đại nhà Trần dưới quyền ông quả là một thời thịnh trị.
Những nǎm đầu cầm quyền, Trần Nhân Tông đã phải trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Ông đã cùng vua cha Trần Thánh Tông, mở hội nghị quân sự Bình Than, phân công các tướng lĩnh đi đóng giữ những nơi hiểm yếu để chuẩn bị đỡ các mũi tiến công của địch (1282). Ông lại cùng với cha tổ chức hội nghị Diên Hồng (1284) để nhất trí trẻ già một lòng quyết đánh. Chưa bao giờ tinh thần đánh giặc ở nước ta lại phát triển mạnh như thế. Quân ta đã đại thắng tại trận Bạch Đằng (9-4-1288), đè bẹp ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông. Chiến công này là của toàn dân, của những vị nguyên soái, đại tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão…
Sau 14 nǎm làm vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Anh Tông về làm Thái thượng hoàng và đi tu trở thành thuỷ tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt nam. Trần Nhân Tông qua đời nǎm 1308 tại am Ngoạ Vân núi Yên Tử.
Trần Anh Tông (1293-1314)
Niên hiệu: Hưng Long
Vua Trần Anh Tông có tên thật là Trần Thuyên được vua cha là Trần Nhân Tông truyền ngôi nǎm 1293 khi Ông 17 tuổi. Tuổi trẻ ham chơi nên ông không để ý đến việc triều chính chỉ lo lang thang các phố chè chén múa hát. Sau khi bị cha phát hiện và trách phạt Ông đã thay đổi tính tình trở thành con người mẫn cán, chǎm chỉ, rất chú trọng việc trị nước an dân. Ông chú ý giữ gìn bờ cõi, dùng sức mạnh thị uy để những nước láng giềng không được gây hấn. Ông rất trọng dụng người hiền tài, nghiêm khắc với những thói bê tha chơi bời quá mức. Dưới triều đại của ông các quan lại đều rất xứng với chức sắc của mình, đã hoàn thành được công việc mà lại còn được lưu tiếng tốt: cương trực, thanh liêm.
Anh Tông trị vì 21 nǎm. Ngay 18 tháng 3 nǎm Giáp Dần (1314) nhường ngôi cho con là Minh Tông, để trở thành thượng hoàng, lúc đó ông 38 tuổi. Nǎm Canh Thân (1320) Anh Tông mất, thọ 54 tuổi.
Trần Minh Tông (1314-1329)
Niên hiệu:
– Đại Khánh (1314-1323)
– Khai Thái (1324-1329)
Vua Trần Minh Tông sinh nǎm 1300 có tên là Trần Mạnh con vua Trần Anh Tông và bà Chiêu Hiến (con gái của Trần Bình Trọng). Vua Minh Tông có lòng nhân hậu , hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Nǎm Â’t Mão (1315) vua định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Nǎm Quý Hợi (1323) mở khoa thi Thái học sinh chọn người tài ra giúp nước. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên vua Trần Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Vǎn An giúp rập. Tuy nhiên do quá tin vào bọn nịnh thần, vua đã giết oan Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là chú ruột đồng thời là bố vợ mình. Minh Tông làm vua đến nǎm Kỷ tị (1329) thì nhường ngôi cho Thái tử Vượng về làm Thái thượng hoàng.
Trần Hiến Tông (1329-1341)
Niên hiệu: Khai Hưu
Thái tử Vượng con vua Minh Tông sinh nǎm Kỷ Mùi (1319), mới 10 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Hiến Tông. Hiến Tông trị vì nhưng việc điều khiển triều chính, kể cả việc dẹp loạn Ngưu Hống ở Đà Giang, đánh quân Ai Lao xâm phạm bờ cõi đều do Thượng hoàng Minh Tông đảm nhận.
Hiến Tông làm vua đến nǎm Tân Tị (1341) thì mất, ở ngôi được 13 nǎm thọ 23 tuổi.
Trần Dụ Tông (1341-1369)
Niên hiệu:
Thiệu Phong (1341-1357)
– Đại Trị (1358-1369)
Vua Hiến Tông không có con nên việc truyền ngôi báu do Thượng hoàng xếp đặt. Thượng hoàng Minh Tông có 7 con trai: Hiến Tông Vượng, Cung Túc vương Dục, Cung Định vương Trạch, Dụ Tông Hạo, Cung Tĩnh vương Nguyên Trạch, Nghệ Tông Phủ, Duệ Tông Kính.
Hiến Tông mất, Thượng hoàng lập người con tên Hạo, sinh nǎm Bính Ngọ (1336) lên làm vua hiệu là Dụ Tông. Những nǎm đầu những quyền bính đều do Thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn còn nền nếp. Từ nǎm 1358 trở đi, Thượng Hoàng mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn. Bọn gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Chu Vǎn An dâng “thất trảm sớ”, xin chém 7 gian thần nhưng vua không nghe, ông liền bỏ quan về dạy học. Vua Dụ Tông ham chơi bời rượu chè khiến triều đình rối nát loạn nổi lên như ong. Nhân dân cực khổ trǎm bề. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga mấy lần đem quân đánh phá thành Thắng Long khiến triều Trần nhiều phen khốn đốn.
Nǎm Kỷ Dậu (1369) vua Dụ Tông mất thì bão táp đã nổi lên ở cung đình. Nguyên do, Dụ Tông không có con nên triều đình lập Cung Định vương là anh Dụ Tông lên làm vua nhưng bà Hoàng thái hậu nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Nguyên mẹ Nhật Lễ là một đào hát, lấy một kép hát boịo là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ Dương để dứt ngôi nhà Trần rồi giết bà Hoàng thái hậu cùng Cung Định Vương. Cung Tĩnh vương vốn nhu nhược thấy thể bỏ trốn lên mạn Đà Giang.
Trước tình hình nội chính rối ren, các tôn thất nhà Trần hội nhau khởi binh về bắt giết Nhật Lễ rồi rước Cung Tĩnh vương về làm vua, tức vua Trần Nghệ Tông.
Trần Nghệ Tông (1370-1372)
Niên hiệu: Thiệu Khánh
Cung Tĩnh vương sinh nǎm Â’t Sửu (1324) do các tôn thất nhà Trần phò giúp, lên ngôi nǎm Canh Tuất (1370).
Nghệ Tông lên làm vua chưa được bao lâu đã phải lao đao chạy giặc. Nguyên do, khi Nhật Lễ bị giết, mẹ Nhật Lễ chạy vào Chiêm Thành cầu cứu vua Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt. Quân Chiêm vượt bể vào cửa Đại An tiến đánh Thǎng Long. Quân Trần không chống nổi, phải bỏ kinh thành. Vua Nghệ Tông chạy sang Đông Ngàn (Đình Bảng, Bắc Ninh).
Vua nhu nhước, bất lực không điều khiển nổi triều chính phải trao cho Hồ Quý Ly nhiều quyền hành. Hồ Quý Ly có hai người cô lấy vua Minh Tông. Một người là M inh Từ hoàng hậu sinh ra vua Duệ Tông, một người là Minh Tử hoàng hậu sinh ra vua Duệ Tông.
Nǎm Nhâm Tý (1372) Nghệ Tông truyền gôi cho em là Kính rồi về phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.
Trần Duệ Tông (1372-1377)
Niên hiệu: Long Khánh
Trần Kính sinh nǎm Đinh Mùi (1337) lên ngôi lấy hiệu là Duệ Tông, lập em họ Hồ Quý Ly là Lê Thị làm Hoàng hậu. Duệ Tông quyết đoán hơn nhưng không thể làm được gì vì quyền bính vẫn do Thượng hoàng Nghệ Tông nắm giữ.
Nǎm Bính Thìn (1376), quân Chiên sang đánh Hoá Châu (Nghệ An). Thấy Chiêm Thành luôn xâm phạm bờ cõi Đại Việt, vua Duệ Tông quyết thân chinh đem quân đi trừng phạt.
Tháng Giêng nǎm Đinh Tỵ (1377) Duệ Tông tiến quân vào cửa Thị Nại (Quy Nhơn) đánh lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang rồi tiến vào Đồ Bàn, kinh đô vua Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ở ngoài thành, cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ thành chạy trốn, xin tiến binh ngay. Duệ Tông tưởng thật, truyền lệnh tiến binh vào thành. Đại tướng Đại Việt là Đỗ Lễ can mãi vua không nghe. Khi quân Việt đến chân thành Đồ Bàn, quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Quan quân thua to. Vua Duệ Tông chết trong đám loạn quân.
Trần Phế Đế (1377-1388)
Niêu hiệu: Xương Phù
Thượng hoàng Nghệ Tông được tin vua Duệ Tông chết trận bèn lập con Duệ Tông là Hiền, sinh nǎm Tân Sửu (1361) lên nối ngôi, hiệu là Phế Đế. Nhưng mọi quyền bính vẫn do Thượng hoàng nắm giữ.
Ngay sau khi giết được vua Duệ Tông, Chế Bồng Nga huy động quân Chiêm tiến đánh và cướp phá Thǎng Long.
Nǎm Mậu Ngọ (1378), quân Chiêm lại sang đánh Nghệ An, rồi theo sông Đại Hoàng cướp bóc Thǎng Long lần nữa.
Nǎm Canh Thân (1380) rồi nǎm Nhâm Tuất (1382) quân Chiêm lại xâm phạm bờ cõi Đại Việt. Nhưng hai lần này chúng bị đánh bại.
Tháng Sáu nǎm Quý Hợi (1383), vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga lại đem quan tiến đánh Đại Việt. Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn ra giữ ở châu Tam Kỳ (Quốc Oai), nhưng Mật Ôn thua trận bị bắt sống. Thượng hoàng sợ hãi sai Nguyễn Đa Phương ở lại giữ kinh thành còn mình và vua Phế Đế chạy sang Đông Ngàn. Có người thấy vậy níu thuyền lại xin Thượng hoàng cứ ở lại kinh sư mà chống giặc. Nhưng Thượng hoàng không nghe. Lần nữa quân Chiêm lại tàn phá Thǎng Long.
Trước tình hình quốc chính rã rời, nhiều tôn thất nhà Trần chỉ lo cho cá nhân mình, xin về trí sĩ. Trần Nguyên Đán biét trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần bèn kết làm thông gia với họ Hồ, mong cho con cháu được phú quý và toàn tính mạng. Thượng hoàng Nghệ Tông vẫn hết lòng tin Hồ Quý Ly trung thành với triều Trần, đã trao cho Quý Ly gươm và cờ đề: “Vǎn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Nhưng vua Phế Đế đã thấy rõ âm mưu thoán đoạt của Hồ Quý Ly. Vua bàn với các quan tâm phúc tìm cách trừ khử để tránh hậu hoạ. Hồ Quý Ly biết mưu ấy đến kêu van với Thượng hoàng:
– Cổ lai chỉ bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ.
Thượng hoàng nghe lời Quý Ly xuống chiếu trách vua Phế Đế trẻ con, lại có ý làm hại kẻ công thần, làm nguy xã tắc nên giáng xuống làm Minh Đức đại vương và lập Chiêu Định Vương là con Nghệ Tông lên nối ngôi.
Thấy Thượng hoàng mê muội, một số tướng toan đưa quân vào điện cứu vua Phế Đế. Nhưng vua viết hai chữ “Giải Giáp”, ý không muốn trái lệnh Thượng hoàng. Sau đó vua Phế Đế bị thắt cổ chết, các tướng đồng mưu giết Quý Ly đều bị sát hại.
Trần Thuận Tông (1388-1398)
Niên hiệu: Quang Thái
Nghệ Tông Thượng hoàng nghe Quý Ly, giết Phế Đế rồi lập con út của mình là Chiêu Định vương sinh nǎm Đinh Tỵ (1377) lên làm vua, tức là vua Thuận Tông.
Nǎm Kỷ Tỵ (1389) Chế Bồng Nga lại đem quân tiến đánh Đại Việt. Vua sai Hồ Quý Ly đem quân cự chiế. Nhưng Quý Ly thua trận phải rút chạy. Cuối nǎm ấy Chế Bồng Nga lại tiến vào sông Hoàng Giang để đánh chiếm Thǎng Long. Thượng hoàng sai đô tướng là Trần Khát Chân đem binh đi chặn giặc. Trần Khát Chân khóc và lạy rồi ra đi. Thượng hoàng cũng khóc. Xem thế đủ thấy vua tôi nhà Trần đã khiếp nhược đến cùng cực. Trần Khát Chân đem binh đóng ở Hải Triều (vùng Hưng Nhân, Thái Bình và Tiên Lữ, Hải Dương).
Tháng Giêng nǎm Canh Ngọ (1390), Chế Bồng Nga đi thị sát trận địa của Trần Khát Chân. Trần Khát Chân hạ lệnh tập trung mọi loại vũ khí bắt vào chiếc thuyền có chở Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga trúng tên chết.
Trừ xong giặc Chiêm Thành, Hồ Quý Ly càng thao túng triều đình, những ai không ǎn cánh với mình, trừ con cái Trần Nguyên Đán, Quý Ly đều xui Thượng hoàng giết hết.
Tháng Chạp nǎm Giáp Tuất (1394) Thượng hoàng Nghệ Tông mất, trị vì được 3 nǎm, làm Thái thượng hoàng 27 nǎm, thọ 74 tuổi. Người đương thời cho Nghệ Tông là ông vua “chí khí đã không có, trí tuệ cũng hèn kém, để cho gian thần lửa đảo, giết hại cả con cháu họ hàng, xa bỏ những trung thần nghĩa sĩ, cứ tin dùng một Quý Ly cho được quyền thế đến nỗi làm xiêu đổ cơ nghiệp nhà Trần”.
Nǎm 1397, Quý Ly bắt vua Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô. Tháng ba nǎm sau, Quý Ly ép vua nhường ngôi để đi tu. Thuận Tông buộc phải nhường ngôi cho con rồi đi tu. Thuận Tông buộc phải nhường ngôi cho con rồi đi tu ở cung Bảo Thanh tại núi Đại Lại (Thanh Hoá).
Trần Thiếu Đế (1398-1400)
Niên hiệu: Kiến Tân
Hồ Quý Ly bắt vua Thuận tông nhường ngôi cho Thái tử A’n lúc đó mới có 3 tuổi lên kế nghiệp tức là vua Thiếu Đế. Hồ Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương rồi sai người giết Thuận Tông, con rể mình.
Triều Trần lúc đó có Thái Bảo Trần Nguyên Hãn, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập hội tế mưu trừ Quý Ly. Việc bại lộ Hồ Quý Ly cho giết tất cả 370 người. Sau đấy, Hồ Quý Ly lại xưng là Quốc Tế Thượng hoàng ở cùng Nhân Thọ, ra vào dùng nghi vệ Thiên Tử. Đến tháng hai nǎm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua, lật đổ nhà Trần lập nên nhà Hồ.
Như vậy, triều Trần kể từ Thái Tông Trần Cảnh đến Trần Thiếu Đế, là 12 ông vua, trị vì được 175 nǎm.
Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy vì từ vua Dụ Tông và Nghệ Tông. Dụ Tông thì hoang chơi, không lo đến chính sự, làm loạn cả kỷ cương phép nước làm dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì bạc nhược không phân biệt hiền gian để kẻ quyền thần được thể làm loạn, tự mình nối giáo cho giặc khiến cơ nghiệp nhà Trần tan vỡ.
___ ooOoo ___
Hưng Đạo Đại Vương
Wikipedia
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300)
“Xin Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng.”
Ngài tên thật là Trần Quốc Tuấn (陳國峻), là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm sinh của Đức Thánh Trần không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230, hay 1232.
Ngài vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ngài đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ngài, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên – Mông ra khỏi nước.
Đến năm 1984, cả thế-gìới biết đến Hưng-Đạo Đại-Vương tường-tận hơn, khi viện khoa-học hàn-lâm Hoàng-Gia Anh với mục-đích hiệu-đính bộ The Encyclopedia of Great Britian, đã triệu tập một Hội-Đồng gồm 478 vị học-giả và sử-gia trên thế-giới để chọn ra những tướng-lãnh xuất-sắc toàn cầu từ trước đến nay. Mười vị danh tướng lẫy-lừng nhất được Hội-Đồng đề-bạt trên tổng-số 98 vị được sưu-tầm. Thì chỉ có Trần-Hưng-Đạo được chấp-thuận với 100% số phiếu bầu.
Sau khi kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 3 thành công, Đức Trần Hưng Đạo về trí sĩ ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp. Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn kế sách.
Ngài mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ khoảng 70 tuổi. Dân chúng lập đền thờ gọi là Đền Kiếp Bạc.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: ‘Người này ngày sau có thể cứu nước giúp đời’.”
Khi lớn lên, ông có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ. An Sinh Vương Trần Liễu trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng (tức vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh), mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh Vương cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.” Do An Sinh Vương Trần Liễu lấy người chị của công chúa Lý Chiêu Hoàng, còn Trần Cảnh cưới Lý Chiêu Hoàng khi bà mới 7 tuổi. Sau này Lý Chiêu Hoàng không có con (khi chỉ mới 13 tuổi) nên Trần Thủ Độ bắt vợ của Trần Liễu lúc ấy có thai ba tháng về làm vợ Trần Cảnh (chị thay cho em). Chính vì lẽ đó mà Trần Liễu oán giận Trần Cảnh. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Năm 4, 5 tuổi, Trần Hưng Đạo theo cha là Đức Khâm Minh Thái Vương (tức Trần Liễu) đi Ái châu, là nơi giam cầm trọng tội. Trưởng Công chúa Thuỵ Bà thương anh cả vô tội bị đầy, bèn năn nỉ anh kế là Thái Tông, xin nhận Trần Hưng Đạo làm con đem về Thăng Long nuôi dạy. Để tránh sự soi mói ghẻ lạnh của triều đình, Trần Hưng Đạo được trưởng công chúa Thuỵ Bà gửi tại chùa Phật Quang (làng Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây) nhờ trụ trì chùa dạy dỗ cho tới năm lên 10.
Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha trăng trối để dò ý hai gia nô thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người gia nô bẩm rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi”.
(Lấy từ tích cũ: Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: “Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ còn thưởng gì nữa”
Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người. Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”
Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”
Trần Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Lại một hôm Trần Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”
Trần Quốc Tuấn rút gươm mắng: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha.
Sau đó, ông dặn Hưng Vũ Vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.”
Năm Ất Dậu, Thiệu Bảo năm thứ 7, 1285, thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên (sông Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ngày nay), sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn (mũi biển thuộc châu Vạn Ninh, gần Móng Cái, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) để đánh lừa giặc.
Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Trần Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của An Sinh Vương, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi. Còn nhiều việc nữa, đại loại như thế.
Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy (xem Kinh Dịch) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy.”
Trước kia, Trần Thánh Tông thân đi đánh giặc, Trần Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương bắc đến. Trần Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tới bảo: “Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc.”
Trần Quốc Tuấn thưa: “Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Thái sư theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Thượng tướng. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn.”
Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng.” Trần Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho.”
Trước đây, hai ông tuy một là Quốc công tiết chế, một là Thượng tướng thái sư nhưng do lo lắng về mối thù của Trần Liễu để lại mà có mối hiềm nghi xa cách. Sau khi được Trần Quốc Tuấn tắm cho, hai ông trở nên thân tình, tin tưởng nhau, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng thêm mặn mà. Trong việc giúp đỡ nhà vua, hai ông đều đứng hàng đầu.
Vì có công lao lớn trong cả 3 lần chống nhà Nguyên nên vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào[cần dẫn nguồn]. Khi quân Nguyên vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi.
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Các người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Trần Thánh Tông vờ bảo Trần Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Trần Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng, lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến phương bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn bệnh dịch, nhiều người cầu đảo ông. Còn có lời đồn rằng, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn.
Trần Quốc Tuấn từng soạn các sách như Binh gia diệu lý yếu lược (quen gọi là Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy các tỳ tướng, dụ họ bằng bài “Hịch tướng sĩ”.
Trần Quốc Tuấn từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỷ Tín chết thay để cứu thoát Hán Cao Tổ, Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử. Ông dạy đạo trung như vậy.
Dân Việt Nam vô cùng kính trọng ông do công lao hai lần lãnh đạo đất nước chống lại được họa Thát Đát (Mông Cổ). Dưới vó ngựa của Nguyên Mông, các nước Hồi giáo hiếu chiến ở Trung Á, các công tước của Moskva, Novogrod (nước Nga ngày nay) cũng không thể nào bảo vệ được nền độc lập của mình. Lãnh thổ của Nguyên Mông, theo chiều ngang, kéo dài từ Viễn Đông (gồm cả Triều Tiên) đến tận Moskva, Muhi (Hungary), Tehran, Damascus; chiều dọc từ Bắc Á xuống hết cả Ấn Độ, Miến Điện. Trong cơn lốc chinh phục của họ, chỉ có Thái Lan (Sukhothai) thoát khỏi họa diệt vong nhờ sách lược cầu hòa, Nhật Bản may mắn nhờ một trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ, và Đại Việt nhờ khả năng lãnh đạo của Hưng Đạo Đại Vương mà giữ được bờ cõi.
Mông Cổ không xâm chiếm được Ấn Độ, họ chỉ tiến được đến biên giới miền bắc Ấn ngày nay và bị chặn lại. Họ cũng chỉ vào được miền bắc Myanma trong một thời gian ngắn rồi phải rút lui.
Ngoài Đại Việt đánh bại được đế chế Mông Cổ còn có Java (Indonesia), Ai Cập, Ấn Độ, tuy nhiên chiến công của Đại Việt là hiển hách nhất.
Lấy dân làm gốc
Tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”
Hưng Đạo Vương trả lời: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
Khi sắp mất, ông dặn con rằng: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau phục”.
Trần Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, quân Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại là vì vậy.
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp Đạo Đại Vương.
Vua Trần Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ của Trần Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ (Lã Vọng ngày xưa bên Trung Quốc).
Sau khi mất, Trần Hưng Đạo được thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó lễ hội lớn nhất ở đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay, nơi ngày xưa là phủ đệ của ông. Ngài được người dân nhiều đời sùng kính phong Thánh tức là Đức thánh Trần, đây là điều hiếm hoi trong lịch sử chỉ dành riêng cho vị danh tướng nhà Trần.
Ngày lễ chính thức được tổ chức vào ngày ông mất (20 tháng 8 âm lịch hàng năm). Dân chúng không gọi trực tiếp tên của ông mà gọi là Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức thánh Trần, hoặc gọi là Cha (Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ).
___ ooOoo ___
Hịch Tướng Sĩ
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn | Dịch giả: khuyết danh
Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc.
Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?
Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà đem thành Điếu Ngư nhỏ tày cái đấu đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu ! Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!
Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?
Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm.
Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích.
Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ.
Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân.
Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.
Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh.
Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc.
Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai.
Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận.
Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc “đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ” làm nguy; nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai.
Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.
Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?
Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.
Chú thích
Kỷ Tín: tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Kỷ Tín giả làm Hán Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ thiêu chết. Hán Cao Tổ nhờ thế mới thoát được.
Do Vu: tướng của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu. Theo Tả Truyện, Sở Chiêu Vương bị nước Ngô đánh phải lánh sang phương Đông, một đêm bị cướp vây đánh. Do Vu đã chìa lưng ra đỡ giáo cho vua mình.
Dự Nhượng: gia thần của Trí Bá thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, Dự Nhượng bèn nuốt than cho khác giọng đi, giả làm hành khất, mưu giết Tương Tử để báo thù cho chủ.
Thân Khoái: quan giữ ao cá của Tề Trang Công thời Xuân Thu. Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái bèn chết theo chủ.
Kính Đức: tức Uất Trì Cung đời Đường. Khi Đường Thái Tông (bấy giờ còn là Tần Vương Lý Thế Dân) bị Vương Thế Sung vây, ông đã lấy mình che chở, hộ vệ cho Thái Tông chạy thoát.
Cảo Khanh: họ Nhan, một bề tôi trung của nhà Đường. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, đánh đuổi Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, ông đã cả gan chưởi mắng An Lộc Sơn và bị cắt lưỡi.
Vương Công Kiên: tướng tài nhà Tống, giữ Hợp Châu, lãnh đạo quân dân Tống cầm cự với quân Mông Cổ do Mông Kha chỉ huy ở núi Điếu Ngư suốt bốn tháng trời. Mông Kha cuối cùng bị loạn tên chết, quân Mông Cổ đành phải rút lui.
Điếu Ngư: tên ngọn núi hiểm trở ở Tứ Xuyên, ba mặt nhìn xuống sông. Đời Tống, Dư Giới đắp thành ở đó.
Mông Kha: tức Mongke, anh của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, làm Đại Hãn Mông Cổ từ năm 1251. Mông Kha trực tiếp chỉ huy cuộc viễn chinh sang Trung Quốc và các nước phía Đông. Ông bị tử trận năm 1259 dưới chân thành Điếu Ngư trong cuộc vây hãm đội quân Tống do Vương Công Kiên chỉ huy.
Cốt Đãi Ngột Lang: tức Uriyangqadai, tướng giỏi của Mông Cổ, con của viên tướng nổi tiếng Subutai. Cốt Đãi Ngột Lang nhận lệnh của Mông Kha, cùng Hốt Tất Liệt đánh chiếm nước Nam Chiếu. Cốt Đãi Ngột Lang cũng là viên tướng chỉ huy đạo quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258).
Xích Tu Tư: chép Xích theo Hoàng Việt Văn Tuyển. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Cân. Hai chữ gần giống nhau, không biết quyển nào chép nhầm. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gì về viên tướng này, và việc khôi phục lại tên Mông Cổ từ Hán tự cũng không phải là chuyện đơn giản.
Nam Chiếu: nước nhỏ nằm ở khoảng giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ngày nay; thủ đô là Đại Lý, thuộc Vân Nam.
Hốt Tất Liệt: tức Qubilai, em ruột và là tướng của Mông Kha. Sau khi Mông Kha tử trận ở Điếu Ngư, Hốt Tất Liệt tự xưng làm Đại Hãn ở Khai Bình, khiến xảy ra cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu với em ruột là Ariq-Buka.
Năm 1264, Ariq-Buka đầu hàng, Hốt Tất Liệt bèn dời đô về Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), xưng Nguyên Thế Tổ, lập nên nhà Nguyên.
Vân Nam Vương: tức Hugaci hay Thoát Hoan, con ruột Hốt Tất Liệt, được phong làm Vân Nam Vương năm 1267 với nhiệm vụ khống chế các dân tộc thiểu số vùng này cũng như mở rộng biên cương nhà Nguyên về phía Nam. Thoát Hoan là người chỉ huy quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1287-1288.
Nghìn thây ta bọc trong da ngựa: điển tích lấy từ câu nói của viên tướng khét tiếng Mã Viện đời Hán chép trong Hậu Hán Thư – Đại trượng phu dương tử ư cương trường, dĩ mã cách khỏa thi nhĩ. (Bậc đại trượng phu nên chết ở giữa chiến trường, lấy da ngựa mà bọc thây.)
Thái thường: tên loại nhạc triều đình dùng trong những buổi tế lễ quan trọng ở tông miếu. Bấy giờ là thời kỳ ngoại giao căng thẳng giữa ta và quân Nguyên, trong những buổi yến tiệc tiếp sứ Nguyên, triều đình nhà Trần nhiều khi phải buộc dùng đến nhạc thái thường để mua vui cho sứ giả. Trần Quốc Tuấn xem đó là một điều nhục nhã.
Thái ấp: phần đất vua Trần phong cho các vương hầu.
Đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ: từ câu văn trong Hán Thư – phù bão hỏa, thố chi tích tân chi hạ nhi tẩm kỳ thượng, hỏa vị cập nhiên nhân vị chi an. (Ôm mồi lửa, đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên.)
Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội: xuất xứ từ một câu văn trong Sở Từ – trừng ư canh nhi xuy tê hề. (Người bị bỏng vì canh nóng, trong lòng đã e sợ sẵn, dù gặp rau nguội đi nữa, cũng vẫn thổi như thường.)
Bàng Mông: danh tướng đời nhà Hạ, có tài bắn cung trăm phát trăm trúng.
Hậu Nghệ: một nhân vật bắn cung giỏi nữa trong thần thoại Trung Quốc.
Cảo Nhai: nơi trú ngụ của các vua chư hầu khi vào chầu vua Hán ở Trường An.
Mãi mãi vững bền: nguyên văn chữ Hán là vĩnh vi thanh chiên. Sách Thế Thuyết chép chuyện Vương Tử Kính đêm nằm ngủ thấy bọn trộm vào nhà “sạch sành sanh vét” mọi vật. Ông từ tốn bảo chúng rằng: cái nệm xanh (thanh chiên) này là đồ cũ của nhà ta, các ngươi làm ơn để lại. Tác giả dùng điển tích này để chỉ những của cải được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Binh Thư Yếu Lược: tức Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược, nay đã thất truyền. Tác phẩm với đầu đề tương tự được lưu truyền hiện nay không phải là văn bản thực thụ, trong đó có vài đoạn chép các trận đánh thời Lê Nguyễn sau này.
Dẹp yên nghịch tặc: nguyên văn chữ Hán là bình lỗ chi hậu. Các dịch giả Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim đoán Bình Lỗ là tên đất ở đâu đó vùng Phù Lỗ thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Ở đây, chúng tôi theo Ngô Tất Tố và Phan Kế Bính dịch thoát là bình định nghịch tặc nói chung.
___ ooOoo ___
Hịch Tướng Sĩ (song thất lục bát)
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn | Dịch giả: Cử nhân Nguyễn Văn Bình
Trong thời quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, sau hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp để bàn định kế chống giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết “hịch” cho phổ biến trong dân chúng để hiệu triệu các tướng sĩ và nhân dân hãy cương quyết chống xâm lăng. Nhờ có bài Hịch mà quân Nam đã toàn thắng quân Mông Cổ hết sức vẻ vang, lưu lại cho hậu thế một kỳ công hiển hách bia truyền vạn đại. Nội dung bài hịch được cử nhân Nguyễn Văn Bình dịch thành lối song thất lục bát như sau:
Bản Diễn Song Thất Lục Bát
Xưa Kỷ Tín liều thân chịu chết,
Cứu Hán Vuơng thoát khỏi Hoàng Dương
Do Vu cháu Sở Chiêu Vương,
Giơ lưng đỡ giáo tìm đường cứu vua.
Kìa Dự Nhượng thuở xưa người Tấn,
Từng nuốt than lận đận phục thù.
Kìa Thân Khoái một Tể Phu,
Chặt tay theo nạn với vua Tề.
Quan nhỏ nhưa Uất Trì Kính Đức,
Giúp Thái Tông khỏi bước trùng vi.
Cảo Khanh quan ở biên thùy,
Già mồm chửi giặc không hề tiếc thân.
Bậc nghĩa sĩ trung thần từ trước,
Từng diệt thân cứu nước có nhiều.
Những người kia nếu chẳng liều,
Chết suông như đám nữ lưu xó nhà.
Còn danh tiếng đâu mà chép lại,
Cùng kiền khôn truyền mãi không ngần.
Các ngươi dòng dõi vũ thần,
Xưa này nào có hiểu văn nghĩa gì.
Nghe câu chuyện bán nghi bán tin,
Sự muôn năm nhắc đến chi vay ?
Nay ta hãy nói cho hay,
Thử xem Tống, Thát truyện này ra sao ?
Vương Công Kiên người nào thế vậy ?
Tướng Nguyễn Văn Lập ấy người nào ?
Điếu ngư thằng bé tẻo teo,
Chống quân Mông Cổ ồn ào trăm muôn.
Khiến quân Tống thắng luôn mấy trận,
Đến bây giờ dân vẫn hàm ân.
Ngột Lang là tướng Đốc Quân,
Với Tỳ tướng Xích là nhân phẩm nào ?
Ngoài muôn dặm quản bao nước độc,
Trong mấy ngày phá rốc quân Nam.
Lòng vua Thát Đát đã cam,
Đ^’n nay lừng lẫy tiếng thơm nhường nào ?
Ta với ngươi sinh vào đời loạn,
Vừa gặp bao cơn vận hạn gian nan.
Sứ Nguyên lai vãng bao lần,
Mọi nơi đường sá muôn vàn nôn nao.
Triều đình bị cú diều soi mói,
Tể tướng thì lang sói rẻ khinh.
Mượn oai Hốt Liệt tranh giành,
Lấy bao của báu chưa đành lòng tham.
Cậy thế chúa Vân Nam nạt nã,
Đòi bạc vàng hết cả kho ta.
Thịt nuôi hùm đói mãi a ?
Sao cho thoát khỏi lo xa sau này.
Ta đây những hàng ngày quên bữa,
Lúc đêm thâu ngồi dựa gối kiêu.
Giọt châu tầm tã tuôn trào,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Chí nhừng muốn moi gan lấy tiết,
Lòng những toan xẻ thịt vằm da.
Dù thân dầu với cỏ hoa,
Dù da ngựa bọc thân đà cũng vui.
Các người vốn là người môn thuộc
Được trông nom mọi việc binh cơ,
Áo không, ta cỡi áo cho,
Cơm không, ta sẻ cơm no cho lòng.
Quan nhỏ thì ta phong chức cả,
Lộc ít thì ta trả lương thêm.
Đi sông, ta cấp cho thuyền,
Đi đường, ta cũng lệnh truyền ngựa đi.
Cho cầm quân an nguy cùng lối,
Cho nằm yên, vui nói cùng hàng.
So Vương Kiên với Ngột Lang,
Đãi chư Tỳ tướng mọi người kém chi.
Nếu vua nhục ngươi thì chẳng đoái,
Mà nước nguy, ngươi lại làm ngơ,
Đừng hầu tướng giặc không dơ,
Nghe ca thết sứ vẫn trơ táo ngồi.
Khi gà chọi, khi thời cờ bạc,
Cuộc vui chơi, gỡ gạc đủ trò.
Ruộng vườn muôn sự ấm no,
Vợ con vui thú riêng cho một mình.
Ham lập nghiệp, quên tình nhà, nước,
Mãi đi săn, nhác việc ngăn, ngừa.
Rượu chè hôm sớm say sưa,
Hát hay, đàn ngọt sớm trưa thỏa lòng.
Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,
Cựa gà không chọc nỗi áo da,
Những nghề cờ bạc tinh ma,
Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân ?
Ruộng nương nào đủ phần chuộc mạng,
Vợ con nào đủ cáng quân nhu ?
Của đâu chuốc được đầu thù ?
Chó săn đâu đủ sức khua giặc trời ?
Rượu ngon khó làm mồi bã giặc,
Hát hay không làm điếc tai thù.
Bây giờ chẳng sót lắm ru ?
Vua tôi bị trói gô một đàn !
Tước ấp ta bị tan nát cả,
Bổng lộc người cũng chẳng còn gì
Gia đình ta bị đuổi đi,
Vợ ngươi cũng phải đến khi nhục nhằn
Tông xã ta, địch quân xéo đi,
Phần mộ ngươi cũng bị quật lên.
Đời ta khổ nhục liên miên,
Cái tên nhơ nhuốc lưu truyền mãi sau !
Nhà các ngươi cũng đều mang tiếng,
Không khỏi làm những tướng bị thua.
Các ngươi đang lúc bây giờ,
Muốn mong vui thích như xưa được nào ?
Lời ta nhũ thấp ca ngươi nhớ,
Phải coi nằm trên lửa là nguy.
Kiềng canh đưa cũng thổi xùy,
Luyện quân sĩ tốt tập nghề đao cung.
Khiến ai nấy nức lòng mạnh mẽ,
Sức Bàn Mông, Hậu Nghệ cũng ham.
Bêu đầu Hốt Liệt cho cam,
Phơi luôn thịt chúa Vân Nam bên đường.
Tước ấp ta chăn thường ấm chỗ,
Bổng lộc ngươi hưởng có trọn đời
Gia đình ta được yên vui,
Vợ con ngươi cũng lo đời trăm năm.
Tông miếu ta nghìn năm hương lửa,
Tổ tiên ngươi muôn thuở cương thường,
Ta đây phỉ chí bồng tang,
Các ngươi dường cũng vẻ vang vô cùng.
Huy hiệu ta tôn sùng mãi mãi
Tính danh ngươi ghi với sử xanh.
Bấy giờ vui thú linh đình,
Các ngươi đều muốn buồn tênh được nào ?
Này binh pháp soạn theo đời trước,
Là “Binh Thư Yếu Lược” ban ra,
Các ngươi theo đúng sách ta,
Ấy là thần, chủ một nhà từ xưa.
Nếu bỏ sách thờ ơ lời dạy,
Ấy kẻ thù đã mấy đời nay,
Tại sao mà lại thế vầy ?
Là thù không đội trời này được chung.
Nếu các ngươi lòng không biết hổ,
Không coi đều “sát Lỗ” là cần,
Lại không vâng dạy luyện quân,
Ấy là quay giáo, bó thân quy hàng.
Giặn yên rồi còn mang tiếng mãi,
Mặt mũi nào đứng với ca cao đây ?
Muốn ngươi hiểu rõ lòng đây,
Vậy nên thảo bức hịch nầy cho nghe.
___ ooOoo ___
Bạch Đằng Giang Phú
Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu, tác giả bài Phú sông Bạch đằng nổi tiếng là một nhân vật lớn đời Trần. Ông tên chữ Lăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, huyện An Khánh, Ninh Bình. Trương Hán Siêu lúc trẻ làm môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba. Ông làm quan trải bốn triều vua Trần (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông), từng giữ các chức Hàn lâm học sĩ, Hành khiển, Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự. Trương Hán Siêu là một người học vấn uyên bác, thông hiểu sâu sắc đạo Nho, đạo Phật, lại giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối với triều Trần, vì vậy ông được các vua Trần tôn kính, xem như bậc thầy. Sau khi mất, Trương Hán Siêu được truy tặng chức Thái phó và được đưa vào thờ tại Văn Miếu ngang với các bậc hiền triết xưa. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIV nảy sinh cuộc tranh giành vị trí, ảnh hưởng giữa Nho giáo và Phật giáo mà Trương Hán Siêu được coi là người đầu tiên lên tiếng phê phán đạo Phật, mở đường cho Nho giáo tiến lên.
Bạch Đằng Giang phú là một kiệt tác trong văn chương cổ Việt Nam. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.
白藤江賦 客有﹕
掛汗漫之風凡,拾浩蕩之海月,朝戛舷兮沅湘,暮幽探兮禹穴。
九江五湖,三吳百粵。
人跡所至,靡不經閱,胸吞雲夢者數百,而四方壯志猶闕如也。
乃舉楫兮中流,從子長之遠游。
涉大灘口,溯東潮頭,抵白藤江,是泛是浮。
接鯨波於無際,蘸鷂尾之相繆。
水天一色,風景三秋。
渚荻岸蘆,瑟瑟颼颼。
折戟沉江,枯骨盈邱。
慘然不樂,佇立凝眸。
念豪傑之已往,嘆蹤跡之空留。
江邊父老謂我何求?
或扶蔾杖,或掉孤舟,楫余而言曰﹕
此重興二聖擒烏馬兒之戰地,與昔時吳主破劉弘操之故洲也。
當其﹕
舳艫千里,旌旗旖旎。
貔貅六軍,兵刃蜂起,雌雄未決,南北對壘。
日月昏兮無光,天地凜兮將毀。
彼必烈之勢疆,劉龔之計詭。
自謂投鞭,可掃南紀。
既而﹕
皇天助順,兇徒披靡。
孟德赤壁之師,談笑飛灰。
苻堅合淝之陣,須臾送死。
至今江流,終不雪恥。
再造之功,千古稱美。
雖然﹕
自有宇宙,固有江山。
信天塹之設險,賴人傑以奠安。
孟津之會,鷹揚若呂。
濰水之戰,國士如韓。
惟此江而大捷,由大王之賊閑。
英風可想,口碑不刊。
懷古人兮隕涕,臨江流兮厚顏。
行且歌曰﹕
“ 大江兮滾滾,洪濤巨浪兮朝宗無盡。
仁人兮聞名,匪人兮俱泯。
” 客從而賡歌曰﹕
“ 二聖兮垂明,就此江兮洗甲兵。
胡塵不敢動兮,千古昇平。
信知﹕
不在關河之險兮,惟在懿德之莫京。
___ ooOoo ___
Hưng Đạo Đại Vương ba lần đại thắng quân Nguyên-Mông
Gia-Đình HQHH/NSW biên-soạn
1 – Đánh Thắng Quân Mông-Cổ Lần Thứ Nhất (1257)
Sau khi thống-trị toàn bộ nước Trung-Hoa, năm Đinh-Tỵ (1257). Tướng Mông-Cổ Ngột-Lương Hợp-Thai (Wouleangotai) nhận lệnh đem quân sang đánh nước ta. Vua Trần-Thái-Tông sai tướng Trần-Quốc-Tuấn lúc đó mới 20 tuổi, đem quân chống giữ biên-thùy. Ban đầu thế giặc rất mạnh, ta rút khỏi kinh-đô Thăng-Long. Về sau giặc không quen khí-hậu, ốm đau mệt-mỏi, ta phản-công không khoan-nhượng chiếm lại Thăng-Long và đuổi chúng chạy về Tầu.
2 – Đánh Thắng Quân Nguyên-Mông Lần Thứ Hai ( 1284 – 1285 )
Thấy nước ta vẫn ngoan-cố không chịu thần-phục, năm 1284 Nguyên-Thế-Tổ ( Hốt-Tất-Liệt Đại-Hãn ) sai Thái-Tử Thoát-Hoan (Togan) cùng với các tướng Toa-Đô (Sagatore ) và Ô-Mã-Nhi đem 50 vạn quân giả vờ mượn đường đi đánh Chiêm-Thành, nhưng thực ra là đánh nước ta. Vua Trần-Nhân-Tông biết rõ ý-đồ thâm-độc của địch, nên cho triệu-tập Hội-Nghị Diên-Hồng. Mọi người đều đồng-thanh: “Thượng hạ đồng dục giả thắng” (trên dưới một lòng quyết-thắng). Nhất là trước khi nhận lãnh 20 vạn quân chống giặc, Trần-Hưng-Đạo khẳng-khái nói: “Nếu Vua muốn hàng, xin hãy chém đầu Thần trước”. Quân-sĩ nức-lòng thích 2 chữ : “Sát-Đát” (giết Tartares) vào cánh tay để biểu-dương ý-chí diệt thù.
Lòng yêu nước và tinh-thần đoàn-kết của quân-dân nhà Trần đã là yếu-tố nhân-hoà quyết-xác chiến-thắng quân ngoại-xâm. Ta lại làm chủ kinh-đô Thăng-Long, chém đầu Toa-Đô tại Tây-Kết. Ô-Mã-Nhi phải xuống thuyền nhỏ âm-thầm bôn tẩu qua biên-giới, còn Thoát-Hoan thua trận Vạn-Kiếp hoảng-sợ trốn chui vào ống đồng cho quân kéo chạy về Tầu. Thế là 50 vạn quân Nguyên-Mông tan vở. Chiến thắng năm Ất-Dậu (1285) của nước Việt làm cho Châu-Âu lẫn Châu-Á ăn mừng.
3 – Đánh Thắng Quân Nguyên-Mông Lần Thứ Ba ( 1287 – 1288 )
Để phục-hận 2 lần thua trận, năm 1287 Nguyên chúa lại sai Thoát-Hoan với các tướng Ô-Mã-Nhi, Phàn-Tiếp, A-Bát-Xích, Áo-Lỗ-Xích đem 30 vạn quân tinh-nhuệ nhất theo hai đường bộ và biển tràn sang nước ta. Lúc điều quân phát-xuất từ Hoá-Giang ( Thanh-Hoá ), Trần-Hưng-Đạo hô quân-sĩ trỏ tay xuống sông mà thề :
” Trận này không phá được giặc Nguyên, thề không về đến sông này nữa “. Trước thế địch vô cùng hung-hãn, Trần-Hưng-Đạo áp-dụng chiến-thuật trì-hoãn đồng thời tập-kích diệt đường tiếp-vận của địch và phản-công quyết-liệt khi địch hoang-mang.
Nhờ quân-sĩ đồng-lòng quyết-chiến mà tháng 3 năm Mậu-Tý (1288) Bạch-Đằng-Giang làm mồ chôn gần 10 vạn quân Nguyên. Các danh tướng địch như Ô-Mã-Nhi và Phàn-Tiếp đều bị Trần-Hưng-Đạo bắt sống. Riêng Thoát-Hoan với vài tùy tướng cùng đám tàn quân tìm đường tháo chạy bỏ lại xác hai tướng A-Bát-Xích và Áo-Lỗ-Xích tại trận-điạ. Mộng thôn tính nước Việt của Nguyên chúa chấm dứt từ đấy.
Trích “Tưởng nhớ công-đức Hưng-Đạo Đại-Vương” do
Gia-Đình HQHH/NSW biên-soạn
___ ooOoo ___
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc: Đền ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, cách Hà Nội 80 km (50 miles) và cách Côn Sơn 5 km (3 miles). Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo cho Kiếp Bạc có một vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa thơ mộng.
Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Đền thờ ông được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch).
___ ooOoo ___
Chu Văn An
CHU VĂN AN (1292 – 1370)
CON NGƯỜI VÀ THỜI ĐẠI
Nguyễn Duy Chính
Thân tặng những anh em CVA
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
(Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân) – Câu đối thờ Chu An
Hơn 600 năm trước, nhà nho Chu An đã một thời làm rạng danh cho giai cấp sĩ phu, nêu cao khí tiết và thể hiện tinh thần chính trực uy vũ bất năng khuất. Trong khi chính sự suy đồi, tình thế nhiễu nhương, ông đã hiên ngang dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần, và khẳng khái từ quan khi không được nhà vua chấp thuận. Ông trở về thiết trường dạy học, mang cái phong vị “giày cỏ, vớ gai” để truyền bá đạo lý thánh hiền.
Chu An tự là Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Sử sách không chép ông sinh năm nào, chỉ biết ông mất năm Canh Tuất (1370). Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành Hoàng thì ông sinh năm Nhâm Thìn (1292). Như vậy ông thọ 79 tuổi. Ông đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà ở tại quê nhà. Ông tính ưa đọc sách, dựng mộït ngôi nhà ở sườn đồi, cạnh bờ đầm vừa làm thư viện, vừa làm trường lại là nơi soạn sách.
Cứ theo sử cũ, thời Trần nước ta có bốn học hiệu, có thể coi như bốn đại học quốc gia, gồm học hiệu Trần Ích Tắc, học hiệu Thiên Trường, thư viện Lạn Kha và học hiệu Cung Hoàng của Chu An. Cứ theo phỏng đoán, thư viện Lạn Kha trong núi Phật tích có lẽ thiên về Thiền tông vì do triều đình thiết lập, học hiệu Trần Ích Tắc dành cho vương tôn công tử và tôn thất nhà Trần, chỉ có hai học hiệu Thiên Trường và Cung Hoàng mới thực sự là của dân gian.
Chu An là một danh nho, từng sáng tác nhiều sách vở trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước, Tiều Ẩn thi tập và Quốc ngữ thi tập nhưng đều bị người Tàu thời Minh thuộc tịch thu đem về Kim Lăng cả. Ông còn soạn một cuốn sách thuốc có tên là Y Học Yếu Giải Tập Chu Di Biên. Khi ông mất, vua Nghệ Tông đặt tên thụy là Văn Trinh, truy tặng tước Công (tước lớn nhất trong năm tước mà người ngoài hoàng tộc có thể được phong), ban hiệu là Khang Tiết tiên sinh và được đem vào thờ trong văn miếu. Ngô Thế Vinh trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã giải thích : Văn ,đức chi biểu dã. Trinh, đức chi chính cố dã (Văn là cái vẻ đẹp bên ngoài của đức. Trinh là sự bền vững bên trong của đức, nghĩa là cả ngoại mạo và tâm hồn ông đều đạo đức và kiên định).
Trường ông lại đào tạo nhiều danh thần như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát giữ đến chức hành khiển (người đứng đầu một đạo, ngang Tổng đốc sau này) mà đến thăm thầy vẫn chắp tay đứng hầu. Tổng hợp một số chi tiết liên quan đến Chu An, người ta tin rằng ông đặt nặng vấn đề cương thường, luật pháp và có thể coi như một tư tưởng gia và cũng là một hành chánh gia lỗi lạc. Chính vì thế mà ông được vua Trần Minh Tông triệu vào cung làm tư nghiệp Quốc Tử Giám lại kiêm việc dạy Thái tử. Tư Nghiệp Quốc Tử Giám là hiệu trưởng trường dạy người ra làm quan.
Sự nghiệp của ông sau này được nhắc đến nhiều qua bài “Thất Trảm Sớ’ tức lời tâu xin chém bảy tên nịnh thần đời Trần Dụ Tông, nhưng thực sự tính theo niên biểu, ông làm quan một thời gian rất dài, từ đời Minh Tông (1314-1329), qua đời Hiến Tông (1329-1341) tới đời Dụ Tông (1341-1369). Sau khi Minh Tông thượng hoàng mất (1357), Dụ Tông nắm quyền, dùng những kẻ gian, ông can ngăn không được mới “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, từ quan về ở ẩn núi Chí Linh (Hải Dương).
Vua Dụ Tông tên thật Trần Hạo, là con thứ mười vua Minh Tông, sinh năm Bính Tý (1336) lên ngôi lúc mới 5 tuổi (Tân Tị 1341). Mười sáu năm đầu vì có thượng hoàng Minh Tông quyết định mọi việc nên tình hình tạm ổn, nhưng từ khi thượng hoàng mất (1357), Dụ Tông ăn chơi xa xỉ, cơ nghiệp suy đốn rất mau. Có lần nhà vua lẻn ra ngoài thành chơi, đêm về bị kẻ cướp chặn lại lấy mất cả gươm lẫn ấn. Năm Kỉ Dậu (1369) nhà vua mất, ngôi nhà Trần về tay Dương Nhật Lễ. Nhật Lễ vốn là con của một người nhà trò (người làm nghề xướng ca) tên là Dương Khương. Vợ Dương Khương cũng là con hát, đang có thai thì bị Cung Túc Vương Trần Dục cướp về làm vợ. Đứa con đó là Nhật Lễ. Vì thế Nhật Lễ khi lên làm vua đổi lại họ Dương. Tôn thất nhà Trần hợp sức lật đổ Dương Nhật Lễ tôn con thứ vua Minh Tông là Cung Tĩnh Vương Trần Phủ lên làm vua tức vua Nghệ Tông.
Tuy đã về hưu, mỗi khi hội lớn Chu An vẫn vào kinh sư để lấy ý can ngăn nhà vua và răn đe lũ nịnh thần không cho làm điều quá đáng. Vua Dụ Tông muốn đem chính sự giao cho ông nhưng ông từ chối. Hiến Từ Hoàng Thái Hậu bảo:
– Người này không thể bắt làm tôi được, làm sao có thể sai bảo ông ta.
Vua lại ban cho mũ áo nhưng ông tạ ơn rồi lại đem cho người khác chứ không giữ. Chỉ đến khi Dụ Tông băng hà, ông nghe tin vua Nghệ Tông lên ngôi mới chống gậy vào bái yết rồi lại về quê.
Ngoài những đức tính khi làm quan, làm thầy, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tôn ông là tổ của Nho gia nước Việt và đặt ông hơn hẳn những danh nho khác như Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán. Chúng ta thử xem lời nhận định đó dựa trên căn bản nào?
Trước thế kỷ thứ 14, nước ta tuy đã có tổ chức hành chánh và cương vực rõ rệt nhưng về văn hóa có lẽ còn ở mức sơ khai. Mặc dù mình chịu ảnh hưởng của người Tàu sau hơn 1000 năm đô hộ, có thi cử, có văn chương nhưng vẫn còn nhiều nét thuần phác. Xem những tác phẩm còn sót lại ngày nay, chỉ được một ít bài có giá trị. Hơn thế nữa, tuy giai đoạn tự chủ của chúng ta đã kéo dài vài trăm năm nhưng vẫn chinh chiến nhiều, hết nội loạn tới ngoại xâm.
Đời Đinh, Lê chúng ta đã phải lo củng cố thực lực, sang đời Lý lại chinh chiến nhiều phen với Trung Hoa, với Chiêm Thành. Đến đời Trần, giai đoạn đầu, nhà Trần tuy có xây dựng được một số qui tắc trị nước và định chế giáo dục nhưng vẫn thiên về hình pháp, mang tính chất trấn áp và củng cố quyền lực hơn là văn hóa. Vừa ổn định được một chút, thì bốn lần giặc Nguyên sang chiếm nước ta, cả nước chuyển qua thế chiến tranh chống giữ. Thắng được địch đã là một kỳ công nên việc xây dựng mộït nền móng vững vàng về học thuật, chính trị, hành chánh chưa kịp tiến hành.
Phải đến đời vua Anh Tông (1293-1314) nước ta mới tạm yên. Chính từ giai đoạn này, vai trò của Chu An nổi bật lên vì ông đã chuyển biến từ một tổ chức hành chánh có tính chất bộ tộc lên tầm vóc một quốc gia. Chuyển biến đó không nằm trong hình thức công quyền nhưng nằm trong một số định chế và quan niệm cơ bản.
Thứ nhất, từ đời Anh Tông, tầng lớp quan lại là thành phần có vai trò quyết định trong việc nắm giữ vận mệnh quốc gia đã chuyển từ giới quí tộc nhà Trần sang giới nho sĩ. Theo sách vở, triều đình có những lương đống như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu An đều không phải người trong tôn thất. Tuy vẫn có những tranh chấp trong giới thân tộc nhà Trần nhưng giới quan lại giữ được tư thế độc lập, không để bị lôi cuốn vào những phe đảng của hoàng gia. Giai đoạn này mặc dù các hoàng thân quốc thích vẫn còn giữ những thái ấp, điền trang rộng lớn nhưng chỉ là những phú gia chứ không còn vai trò quyết định quốc gia như thời kỳ đầu. Ngay cả binh quyền cũng đã giao cho nhiều người thuộc hàng dân dã. Chúng ta cũng đã thấy, triều Trần cũng như nhiều triều đại khác, giao phó việc quân sự cho một số người trong hoàng tộc, thường dân chỉ làm tì tướng, phó tướng. Đến giai đoạn này, quyền lực đó đã giảm dần.
Thứ hai, quốc gia tuy vẫn chú trọng việc quân sự nhưng đã chuyển hướng nỗ lực sang xây dựng những định chế hành chánh, giáo dục, kinh tế và xã hội. Luật lệ được qui định rõ ràng, thay thế tính chất điền ấp nông nô. Tổ chức hành chánh được thành lập, có hệ thống quan chế, văn võ. Khoa thi Thái học sinh được mở ra từ năm 1323, lại cấm thói vẽ mình của quân lính. Chu An cũng cải tổ lại việc thi cử và khuyến khích việc dùng quốc âm. Chính ông cũng làm thơ bằng chữ nôm. Tuy không rõ đời này thi cử gồm những môn gì nhưng thuở ấy nước ta không chỉ theo lối từ chương mà cũng có những học thuật mới, chẳng hạn như Trần Nguyên Đán đã soạn được bộ Bách Thế Thông Khảo nghiên cứu về thiên văn, lịch pháp. Đời Hồ lại có toán pháp trong kỳ thi đủ biết ông cha ta cũng chuộng thực dụng. Những cải cách về quân sự, những phát kiến về chiến thuyền, súng thần công vài mươi năm sau cho thấy thời đó trình độ khoa học của nước ta khá cao, nhiều điểm trội hơn cả Tàu. Có lẽ vì thế mà khi lấy được nước ta, nhà Minh bắt hết nhân tài, thợ khéo đem về nước . Việc cải cách thi cử cho ta thấy quốc gia đã chuyển từ việc sử dụng người thân thích trong hoàng tộc sang việc dựa trên thực tài để tuyển dụng quan lại trị nước.
Thứ ba, từ một xã hội với tinh thần đa giáo – Nho Thích Lão – Chu An và những bạn đồng liêu đã đẩy lùi hai tôn giáo lớn là Phật và Lão xuống quần chúng và nâng Nho giáo lên thành một thứ khuôn mẫu chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà Văn Trinh Công đã trước tác Tứ Thư Thuyết Ước và rất có thể đây là một trong những diễn dịch, bình luận và giải thích đạo nho sớm nhất của Việt Nam. Tuy hiện nay chúng ta không còn tài liệu nào về tác phẩm này nhưng có lẽ Chu An có quan điểm riêng chứ không sao chép lại quan điểm của Tống nho, Hán nho.
Chuyển biến từ một học thuật sang một định chế chính trị, Chu An đã khởi đầu một thời kỳ mới trong đó nho giáo trở thành chương trình học đường chính thức và Tứ Thư là sách giáo khoa cho bất cứ sĩ tử nào muốn đi thi. Khuôn mẫu chính trị của ông nằm trong tám chữ cùng lý, chính tâm, tịch tà, cự bế.
Cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn, chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng, tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết và cự bế là ngăn ngừa cái dở. Bốn điều đó cho thấy ông chú trọng hai điều tích cực (phải theo) và hai điều tiêu cực (phải chống). Mặc dù không ai biết tịch tà, cự bế được hiểu theo nghĩa nào nhưng thời đó đạo Phật, đạo Lão suy vi, nhiều tăng lữ pháp sư thích chuyện huyền hoặc, mê tín nên một số danh nho đã lên tiếng đả kích.
Có lẽ Chu An cũng muốn nhấn mạnh vào việc bài xích dị đoan. Điều đáng nói là ông không chống lại Phật Lão để nâng Nho giáo lên hàng độc tôn, nhưng rõ ràng chú trọng về xây dựng một xã hội trong cương thường, pháp trị theo khuôn mẫu Khổng Mạnh. Thành thử, đời sống ông vẫn không câu nệ mà lại tiêu dao tự tại. Biệt hiệu Tiều Ẩn mô tả cái phong vị nhàn nhã và là một hình ảnh khoáng dật rất Lão Trang. Hai câu của ông nói lên điều đó:
Thân dữ cô vân thường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Tạm dịch
Lòng như giếng cũ đâu còn sóng,
Thân với mây chiều vẫn nhớ non.
Chỉ mười sáu chữ mà ta thấy cái tĩnh lãng, hư không chan chứa trong đời sống, nói lên một sự tiêu biểu của tam giáo hòa đồng, khi trẻ thì mòn gót lỏng trán để giúp đời nhưng khi già thì quay lại làm bạn với mây ngàn hạc nội.
Thứ tư, Chu An và thế hệ của ông cũng san định lại phong hóa, lễ nghi cho xã hội Việt Nam. Trước đây, dân tộc Việt có lẽ chưa có những qui phạm rõ rệt và đời sống và sinh hoạt còn nhiều tính chất bản năng. Điển hình là nhà Trần có thói anh em, họ hàng lấy lẫn nhau. Rất có thể tục lệ này thời đó phổ thông ở nhiều nơi trên đất nước chúng ta nên khi đưa vào triều đình không ai phản đối. Từ thời Chu An, ngoài cải tổ hành chánh, ông cũng qui luật hóa các phong tục xã hội, tạo nên một bản sắc riêng cho một quốc gia mà người Tàu phải gọi là “văn hiến chi bang” . Người trong cùng họ không được kiện cáo lẫn nhau để nâng cao tinh thần gia tộc và liên đới trách nhiệm. Tuy đây chỉ là một điểm nhỏ trong cơ chế luật lệ thời bấy giờ, chúng ta có thể nghĩ rằng Chu An muốn chấn chỉnh lại phong hóa ngõ hầu củng cố cái gốc của nước là lòng dân hầu bảo tồn thực lực khi có ngoại xâm.
Tiếc rằng vua Dụ Tông quá hèn kém, lại ham chơi nên Văn Trinh Công đành bất lực không cứu vãn được cơ nghiệp nhà Trần.
Từ những ưu điểm đó, tuy về sau nước ta bị nhà Minh xâm chiếm nhưng chỉ một thời gian ngắn lại giành được độc lập và đời Lê là một trong những giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử. Có thể nói một số thành quả của triều Lê chính là ảnh hưởng nối dài của giai đoạn cuối đời Trần mà Chu An là người khởi xướng.
Nói tóm lại, Chu An là một nhân vật hành chánh có công cải cách đã đành, nhưng đứng trên phương diện văn hóa, ông cũng đã có ảnh hưởng rất quan trọng. Ông là gạch nối giữa một thời đại mà dân tộc chúng ta tuy đã lừng lẫy về võ công nhưng văn minh lại chưa phát triển lắm để chuyển sang một thời kỳ xây dựng bản sắc dân tộc riêng ở một góc trời. Tuy sự nghiệp của ông không hoàn thành trọn vẹn, phần vì vua chúa hôn ám, phần vì vận nước ngả nghiêng, hết giặc Chiêm Thành lại đến giặc Minh tàn phá toàn bộ di sản tinh thần mà thời đại của ông đã gây dựng nhưng vẫn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử.
Một điều đáng tiếc là ngoài một vài lời phê bình về ông, chúng ta không biết chắc quan điểm của ông như thế nào. Nhiều học giả sau này đã phàn nàn là chủ trương thâm độc của nhà Minh đã hủy diệt toàn bộ kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam mà triều Trần đã lên đến cao điểm cả về binh bị lẫn học thuật. Sau thời Minh thuộc, tuy triều Lê có thừa hưởng một phần nhỏ cái phong thái văn minh của nhà Trần nhưng không bao lâu lại rơi vào cái học hư văn, khiến Nho học trở thành một con đường tiến thân chật hẹp mà nhân tài không thoát ra được. Lê Quí Đôn đã phải than là “Sau khi khôi phục, sĩ phu ít ỏi, đến đời Hồng Đức thì khoa mục nặng hư văn, từ đời Đoan Khánh thì suy bại quá lắm.” Chúng ta hãy đọc lại nguyên văn lời bình của Ngô Sĩ Liên về ông để thấy rõ vị trí của Chu An:
Người hiền được dùng ở đời thường lo vua không thi hành điều sở học của mình. Vua thì dùng người hiền mà hay lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua tôi gặp nhau, từ xưa đã là rất khó. Nho gia nước Việt ta được dùng rất nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì lo làm giàu, kẻ chỉ xu phụ, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, ít ai chịu để tâm đến đạo đức, lo nghĩ việc giúp vua nêu đức tốt để cho dân được nhờ.
Tô Hiến Thành thời Lý và Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ cũng gần được. Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời, còn Chu Văn Trinh đời Trần không gặp được vua anh minh nên chính học của Ông phải đến đời sau mới thấy được. Văn Trinh thờ vua thẳng thắn mà can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo người tài thì công khanh đều ở cửa nhà ông mà ra, tiết tháo của ông cao thượng đến thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được.
Huống chi, tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há kẻ điêu ngoa lại không thành liêm chính, kẻ yếu hèn lại không biết tự lập hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu (tên hiệu khi chết do người sống căn cứ vào hành vi, tính nết lúc sinh thời mà đặt) của ông xứng đáng với con người của ông. Ông xứng đáng được coi là ông tổ của nho gia nước Việt để thờ trong Văn Miếu.
Những người khác như Trần Nguyên Đán là bậc hiền tài trong khanh sĩ, cùng họ với vua, tuy có khí phách trung phẫn nhưng lại bó tay bỏ mặc vận nước không biết làm sao, chỉ lánh quyền tướng quốc để mong bảo toàn gia thuộc. Trương Hán Siêu là quan văn học, tài vượt hẳn mọi người, tuy cứng cỏi, chính trực nhưng lại chơi với kẻ không đang chơi, gả con gái cho người không đáng gả. Họ so với Văn Trinh có gì đáng kể, huống hồ những kẻ còn kém hơn hai ông này.
(Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỷ quyển 7, tờ 34a-b và 35a-b).
Một sử thần vốn nổi tiếng là kỹ lưỡng, kén chọn từng chữ, từng lời đã giành bấy nhiêu câu khen ngợi đủ thấy Chu An được kính trọng đến thế nào.
Lê Tung trong Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận thì hạ bút ca tụng bài Thất Trảm Sớ là “Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn” (bài sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nghĩa khí động tới trời đất)
Tính khí của ông lẫm liệt đã đành, văn chương của ông cũng hết sức cao tiết. Phan Huy Chú phê bình Tiều Ẩn thi tập là “Thơ hết sức trong sáng, u dật, nhàn nhã tự tại, khiến người đọc tưởng như thấy được cái thú cao của việc ở ẩn như thế nào” Họ Phan cũng ca ngợi ông là”học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt ta trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.
Để kết luận, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của vua Dực Tôn (Tự Đức) trong Việt Sử tổng vịnh viết về ông như sau:
Thượng tường sơn đẩu thế gian sư,
Tâm dự nhân quai nhất khứ trừ.
Thất trảm sớ thành thiên địa giám,
Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.
Phỏng dịch
Gian tà đâu để tung hoành,
Khí cao vằng vặc lưu danh sáng ngời.
Sớ dâng chứng với đất trời,
Không đang tâm sống cảnh đời suy vi.
Tương truyền khi ông mở trường dạy học, rất đông học trò tìm đến thụ nghiệp. Trong số học trò có một thanh niên, mặt mũi sáng sủa hôm nào cũng đến thật sớm. Ông khen là chăm chỉ nhưng hỏi thì ngập ngừng không nói quê quán ở đâu. Ông cho người đi theo thấy người đó đi đến đầm Đại (nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất nên ngờ là thủy thần.
Năm đó, trời đại hạn, nắng đã lâu mà không mưa, dân chúng khổ sở lắm. Một hôm, sau khi giảng bài xong, ông lên tiếng hỏi học trò ai là người có tài làm mưa giúp dân. Người học trò ấy ngần ngừ nhưng sau cũng bước ra thưa rằng:
– Việc mưa nắng là việc của Thiên Đình, con vâng lời thầy là nghịch lại thượng giới, nhưng cũng xin thử sức. Nếu có chuyện gì không hay xin thầy chu toàn cho.
Nói rồi, ra đứng giữa sân, lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên khấn, lấy bút thấm mực vãi ra bốn phương. Lúc hết mực tung bút và nghiên lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa thật lớn. Người học trò đội mưa đi về, ra đến cửa thì biến mất.
Sáng hôn sau, không thấy y trở lại học, Chu An cho người đến đầm Đại tìm thì thấy một con thuồng luồng thật to chết nổi trên mặt nước. Ông thương xót, sai học trò vớt xác mang về mai táng tử tế. Dân làng thấy vậy lập đền thờ, nay vẫn còn.
Chỗ nghiên mực ném lên rơi xuống nay thành đầm nước lúc nào cũng đen, gọi là đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, sau này là một làng văn học nổi tiếng (quê hương Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm triều Lê). Trong đền thờ còn một đôi câu đối ghi lại sự tích này:
Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận,
Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô
(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải, Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng dội nước, đất đang khô cũng trổ mùa).
Chu đình là sân son mà cũng là trường học họ Chu. Không biết trong những người từ ngưỡng cửa Chu Văn An mà ra, ai đã theo gương tiền nhân mà làm được mây lành, mưa ngọt cho đất nước.
THƯ MỤC THAM KHẢO
• Đặng Kim Ngọc, Chu Văn An (1292-1370) Nhà Sư Phạm Mẫu Mực Cuối Đời Trần (tr 165-166) Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, Văn Hóa Việt Nam, Tổng Hợp 1989-1995 Hà Nội 1989
• Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Quan Hải Tùng Thư, Hà Nội 1938
• Hội Aùi Hữu Bưởi – CVA Nam California, Kỷ Yếu 90 Năm Văn Học Trường Bưởi – Chu Văn An Đinh Sửu 1997
• Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho toàn tập, Cơ Sở Xuất Bản ZIELEKS, Texas 1985
• Ngô Tất Tố, Văn Học Đời Lý, nguyên bản 1941ù, Đại Nam, California in lại, không đề năm
• Ngô Tất Tố, Văn Học Đời Trần, Khai Trí Saigon, 1960
• Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, ZIELEKS, Texas 1981
• Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại, tập 3, Nhà Xuất Bản Giáo Dục TP HCM 1997
• Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội Saigon 1992
• Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục 1971
• Uûy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Lịch Sử Việt Nam Tập 1, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976
_______________________________
Ông chính tên Chu An, sau khi chết được truy tặng tên thụy Văn Trinh, tước Công nên đời sau hay gọi là Chu Văn An. Bố miệt mang hài qui khứ nhật, Thanh đầu bạch phát dục Nghi Xuân (thơ Trần Nguyên Đán trong bài Hạ Tiều Ẩn Tiên Sinh Bái Quốc Tử Giám Tư Nghiệp tức là Mừng Tiều Ẩn Tiên Sinh Nhận Chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám) tạm dịch giày cỏ vớ gai ôn chuyện cũ, đầu xanh tóc trắng tắm chung sông. Tuy nhiên nhiều học giả đã nghi ngờ bài này không phải của Trần Nguyên Đán.
Cung Túc Vương Dục là anh vua Dụ Tông, đáng lẽ phải được kế nghiệp vua Hiến Tông nhưng Minh Tông lại lập con út. Khi Dụ Tông mất, bà Hiến Từ lập Nhật Lễ lấy cớ là Nhật Lễ cũng là con của Cung Túc Vương, cha không được làm vua thì con phải được làm vua. Sau Nhật Lễ đánh thuốc độc giết bà.
Một kỹ sư người Việt tên Nguyễn An trong số bị quân Minh bắt về Tàu đã là người coi sóc việc xây thành Bắc Kinh thời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) Khương Bửu, Một người Việt Nam xây dựng thành Bắc Kinh, Văn Nghệ Tiền Phong 476, 15-30 tháng 11, 1995.
Đời Dụ Tông, năm 1368 Doãn Thuấn Thần sang sứ nhà Minh được vua Minh khen là giữ được văn minh Trung nguyên, hơn các dân tộc khác thay đổi theo nhà Nguyên (An Nam tế hữu Trần, Phong tục bất Nguyên nhân. Y quan Chu chế độ, Lễ nhạc Tống quân thần) Phạm Cao Dương, Ai đã gọi nước ta là một nước văn hiến 1989 (mảnh báo cắt, không rõ tên)
Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Quan Hải Tùng Thư 1938 tr 237-238.
Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử giai thoại, tập 3, Chu Văn An, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Saigon 1997, trang 79-81
Thi cực thanh sảng u dật, nhàn nhã tự tại, khả tưởng kiến ẩn cư nhi cao thú dã (Phan Huy Chú)
___ ooOoo ___
Bách Việt trong lòng Đại Việt
Nguyễn Xuân Phước
Để tưởng nhớ Trung Tá Phạm Việt Châu, tác giả “Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh” người đã ra đi như một thuyền trưởng ở lại với con tàu lịch sử tháng 4 năm 1975.
Người Việt chúng ta thường cho rằng mọi hình thức văn hoá và con người phát xuất từ phương bắc của Việt Nam, đặc biệt là từ vùng Hoa Nam của Trung quốc, đều thuộc về Trung Hoa. Chúng ta vẩn gọi chung người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ là ngươì Tàu hay người Hoa, kể cả toàn bộ người dân sống ở những vùng này cách đây hàng mấy ngàn năm cũng là người Tầu. Chữ “Tầu” hay “Hoa” hàm ý nghĩa họ là những người khác chủng với dân tộc Việt. Họ là người Trung Hoa, hay ngườì Hán.
Quan điểm nầy trước hết sai lầm về mặt lịch sử xuất phát của dân tộc và đất nước Việt, và sau đó tạo cho Hoa Kiều sống tại Việt Nam một mặc cảm tâm lý chủng tộc khó hội nhập vào cộng đồng dân tộc và tạo nhiều bất lợi cho nền kinh tế và văn hoá nước nhà. Bên cạnh đó nước Trung Hoa to lớn về dân số lẫn đất đai không thể nào bỏ qua việc vận dụng thành phần người Hoa sinh sống ở nước ngoài để biến họ thành công cụ phục vụ cho chính quyền Hoa Lục.
Quan điểm sai lầm nầy của người Việt đối với người Hoa phát xuất từ quá trình đồng hoá quá lâu của người Hán đối với các dân tộc Bách Việt tại vùng Hoa Nam. Đồng thời nó phát xuất từ những nhận định sai lầm về lịch sử của các triều đại trước đây.
Ngày nay những nổ lực khám phá về lịch sử và địa lý miền Hoa Nam cổ đại, cũng như những nghiên cứu về chủng tộc dựa trên DNA đã chiếu nhứng ánh sáng mới giúp chúng ta đặt lại một số vấn đề cơ bản về chủng tộc và lịch sử. Những nhận định cơ bản nầy sẽ là nền tảng lý luận giúp chúng ta có một cái nhìn hợp lý về sử học nước nhà, một chính sách ngoại giao dựa vào văn hoá đồng chủng với các nước Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, và một sách lược văn hoá đối với người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam.
Địa Lý Bách Việt miền Hoa Nam thời cổ đại
Sự hiện diện của văn minh Bách Việt thời Thương Chu trong lịch sử Trung Hoa được đánh dấu bằng câu chuyện sứ giả Việt Thường ở phương nam đem Bạch Trĩ và Ruà sống ngàn năm để cống dâng cho vua nhà Chu. Lúc bấy giờ lãnh thổ của nhà Chu chỉ kéo dài tới sông Hoàng Hà. Đến thời Chiến Quốc, khoảng 500 trước công nguyên, một số dân tộc ở Nam Trung Hoa mới xuất hiện trong sử Trung Quốc. Nổi bật nhất là các nước Sở, nước Ngô và nước Việt.
Khi Sở, Ngô, Việt bị Tần Thủy Hoàng sát nhập vào Trung Hoa, và Lưu Bang đã diệt được Hạng Võ, cuối triều đại nhà Tần và đầu thời kỳ Hán khi Lưu Bang mới lên ngôi (256-195 TCN) phía nam nước Sở vẫn còn là chủ quyền của các dân tộc Bách Việt hoàn toàn độc lập và tự chủ. (Xem bản đồ Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng Cao tổ).
Truyền thuyết xác định rằng dân tộc Việt phát xuất từ Động Đình Hồ miền Lĩnh Nam. Sách Lĩnh nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ở thế kỷ 15 kể Truyện họ Hồng Bàng như sau:
“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình.
Ngũ Lĩnh là năm rặng núi lớn ở Nam Trung Hoa thuộc miền Lĩnh Nam. Miền Lĩnh nam đưọc sử tây phương viết như sau “Lĩnh nam là vùng đất phia nam của rặng Ngũ Lĩnh gồm các rặng Đại Dũ /Dữu Lĩnh, Kỵ Điền Lĩnh, Đô Bàng Lĩnh, Manh Chử Lĩnh và. Việt Thành Lĩnh. Vùng nầy gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam và Giang Tây của Trung Hoa hiện đại. Vùng nầy do dân Bách Việt sinh sống và là tổ quốc của dân Nam Việt cổ đại”. (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Jiangxi )
Tác giả Việt Sử Thông Luận cho rằng, sau khi mất bản địa Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông, bắc Trung Hoa), Con cháu Thần Nông đã rút quân về Động Đình Hồ để xây dựng căn cứ địa văn hoá mới cho dân Việt. Tướng của Đế Minh là Si Vưu ở lại giữ Thái Sơn và sau ba năm chiến đấu chống tù trưởng của nòi Hán là Hiên Viên, quân của Si Vưu tan rã và từ đó, dân Việt mất căn cứ địa văn hoá Thái Sơn. Hiên Viên chiếm đưọc thái Sơn lên ngôi là Hoàng Đế. Ngày nay, dân tộc Việt chỉ còn câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để ghi dấu cái nôi văn hoá đầu tiên của dân Việt.
Khi Lưu Bang cướp ngôi nhà Tần ở phưong bắc, thì ở phương nam, Triệu Đà thống nhất được các nước Bách Việt trong đó có cả nước Âu Lạc của tổ tiên chúng ta. Đó là cuộc thống nhất Bách Việt lần thứ nhất. Nhà Triệu truyền ngôi được 4 đời thì bị nhà Hán xâm chiếm và miền Lĩnh Nam bị bắc thuộc từ đó.
Đến thời kỳ Hai Bà Trưng, 40 năm sau công nguyên, Hai Bà đã thống nhất được 65 thành miền Lĩnh Nam. Sử viết: “Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.” Đây là cuộc thống nhất Bách Việt lần thứ hai.
Do đó, khi truy tầm nguồn gốc Bách Việt của dân tộc Việt cần để ý các vần đề sau đây:
– Thời cổ đại đã xuất hiện các dân tộc Bách Việt ở phía nam sống Dương Tử. Một số nước Việt giáp biên giới với nhà Chu thường được đề cập đến trong sử sách Trung Hoa, đó là Sở, Việt (với Viêt Vương Câu Tiển), Ngô Việt (với Ngô Phù Sai). Khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, các nước Việt trên bị sáp nhập vào nhà Tần. Còn các nước Việt khác như Âu Việt, Mân Việt, Thái Việt, Điền Việt, Lạc Việt, Việt Thường và một số nước Việt khác phiá nam vẫn còn giữ được nền độc lập.
– Cần xem khám phá mới của Stephen Oppenheimer tác giả Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Địa Đàng ở Phương Đông: Lục Địa Đông Nam Á Bị Chìm Dưới Đáy Biển) để thấy nền văn minh Hoa Nam trãi dài xuống Đông Nam Á và các hải đảo ở Thái Bình Dương. Các dân tộc như Mân Việt, Ngô Việt, Âu Việt gồm các bộ tộc, Phúc Kiên, Triều Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Hẹ, Hải Nam, Đai Loan, Thái, Nam Dưong và các thổ dân ở vủng đảo Thái Bình Dương đều có nguồn gốc Bách Việt.
– Do các dân tộc Bách Việt đã sinh sống ở miền Hoa Nam trưóc khi vùng nầy bị Tần Hán xâm lược, dân Việt phải là chủ nhân ông nền văn hoá thời bấy giờ. Các khám phá khảo cổ về văn minh Hoa Nam trước thời Tần và Hán thuộc phải được coi là chỉ dấu của văn minh Việt, chứ không thể là của Hán tộc. Người Việt cần phải coi đó là di sản của Việt tộc và phải mạnh dạn giành lại chủ quyền văn hoá của mình.
Các nhà nhân chủng học Đài Loan gần đây đã tìm cách phục hồi lại nguồn gốc Bách Việt của ngừời Đài Loan như Phúc Kiến (Minnan, có lẽ là Mân Việt) và Hẹ (Hakka) là hai giống dân đông nhất trên đảo.
Hiện nay có nhiều nghiên cứu về DNA đã xác định quan hệ chủng tộc của các dân tộc Bách Việt. Cụ thể là trong tác phẩm nghiên cứu nguồn gốc chủng tộc dựa vào gen di truyền (DNA) của nhà nghiên cứu M. Liu của Mackay Memorial hospital và được viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ quốc gia của Đài Loan tài trợ, tác giả M. Liu chứng minh là các giống dân miền Hoa Nam, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương có liên hệ gen di truyên khác biệt với chủng tộc Hán ở miền bắc. (http://www.wufi.org.tw/eng/linmalie.htm).
Những khám mới về nhân chủng học của Đài Loan đã chiếu ánh sáng vào lịch sử nòi giống Bách Việt. Chúng ta có thể xác định rằng dân Bách Việt đã từng chiếm lĩnh miền Hoa Nam và dần dà bị Hán tộc xâm lăng và đồng hoá. Chỉ có Việt Nam hiện nay tức là Âu Lạc, Lạc Việt, Việt Thường và Đại Việt sau nầy, là còn giữ được văn hoá của Bách Việt.
Vấn đề người Tàu lập đế nghiệp ở Đại Việt
Sau khi đã xác định được địa lý văn hoá vùng Bách Việt chúng ta hãy trở về với một bí ẩn lịch sử của dân tộc ta. Đó là từ nhà tiền Lý (Lý Nam Đế) đến nhà Tây Sơn, một số các các triều vua lớn được sử sách của ta cho là có gốc từ Tàu.
Về Lý Nam Đế, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ.”
Về dòng dõi nhà Trần, Đại Việt Sử Toàn Thư viết về gia phà của vua Trần Thái Tông như sau: “trước kia tổ tiên vua là người đất Mân, (có ngườì nói là Quế Lâm), có người tên là Kinh, đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Tường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua con của Thừa, mẹ họ Lê … (ĐVSTT tr 159)
Về Hồ Quí Ly, Đại Việt Sử Ký toàn Thư viết: “Quý Ly, tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn ở Chiết Giang, đời Hậu Hán, thời Ngũ Quí sang làm thái thú Diễn Châu.” (ĐVSKTT tr 293).
Về nhà Tây Sơn, Việt nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: “Nguyên tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ, cùng một tổ với Hồ Quí Ly ngày trước…” (VNSL Trần trọng Kim tr. 144).
Như thế thì có ít nhất là bốn triều đại như Tiền Lý, Trần, Hồ, Tây Sơn đều là người gốc ở phương bắc và xuống phương nam lập nên đế nghiệp.
Phải chăng những vị lập nên các triều đại nầy là người Hán? Để giải đáp bài toán lịch sử nầy chúng ta phải xét lại hiện tượng phục hoạt của Việt tính hay ý thức Việt ở trong các triều đại nói trên.
SỰ PHỤC HOẠT CỦA VIỆT TÍNH TRONG THỜI KỲ BẮC THUỘC
Từ khi cuộc kháng chiến chống quân Hán xâm lược của Lữ Gia và Triệu Dương Vưong thất bại (111 TCN) đất Nam Việt bị nhà Hán chiếm đóng và danh xưng Việt đã bị linh lạc bởi quá trình đô hộ và đồng hoá. Từ thời kỳ Hán thuộc trở đi, danh xưng Việt đã biến mất trong các sách sử của Trung Quốc, và được thay thế bằng hai chữ An nam và Giao Chỉ. Ngay cả thời kỳ Hai Bà Trưng danh xưng Việt cũng chưa được phục hoạt.
Khoảng cách thời gian giữa Lữ Gia và Lý Bôn là hơn 650 năm. Tại sao khi Lý Bôn (544) lên ngôi ông lấy đế hiệu là Nam Việt Đế? Ý thức Việt trong đế hiệu đó ở đâu ra? Phải chăng suốt 650 năm bị Hán hoá, một tầng lớp nhân dân Bách Việt từ miền Lĩnh Nam rút về vùng đất  Lạc, Việt Thường vẫn giữ vững ý thức Việt, lưu giữ và bảo tồn nó qua không gian và thời gian.
Lịch sử chiếm đóng miền miền Lĩnh Nam của nhà Hán đi liền với những nổi dậy của dân tộc Việt và những cuộc đàn áp khốc liệt. Suốt hai ngàn năm, địa danh Lĩnh Nam biểu tượng cho tinh thần chống lại Hán hoá. Ngưòi dân miền nầy đưọc gọi là “Lục Lương” hay “Cường Lương” nghĩa là dân cứng cổ. (theo Lê Văn Siêu và Lý Đông A). Người đọc sử cần hiểu ý nghĩa về xã hội loạn lạc thời Hán ở vùng Lĩnh Nam. Khi sử gia Trần Trọng Kim viết: “ Tổ tiên (Lý Bôn) ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu.” người đọc sử phải hiểu rằng “Loạn” là những cuộc nổi dậy của dân bản địa nổi lên đánh đuổi chính quyền đô hộ phưong bắc.
Đây là lý do hợp lý nhất để giải thích sự kiện dòng họ Lý Bôn đã đi về phương Nam. Khi đã định cư ở Âu Lạc, dòng họ nầy vẫn ấp ủ tinh thần Phục Việt từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Họ chờ đợi để được thấy một ngày nào đó danh xưng Việt được tái hiện trong lịch sử. Dòng họ Lý Bôn và những dòng họ Bách Việt khác đã đã truyền lại cho con cháu mối quyết tâm nuôi dưỡng tinh thần quật khởi đợi ngày giành lại non sông.
Chỉ bằng sự xác định được quan hệ giữa Bách Việt và Lý Bôn chúng ta mới hiểu được tại sao ý thức Việt đã được phục hoạt trong phong trào độc lập của nhà Tiền Lý. Nếu nói “Lý Bôn là dòng dõi người Tàu” như sử gia Trần Trọng Kim viết, thì e rằng chúng ta không giải thích được hiện tượng phục hoạt danh xưng Việt ở thời kỳ đó.
Đặc biệt là thời kỳ Lý Trần là thời kỳ cực thịnh của văn hoá Việt. Câu hỏi có thể đặt ra là nếu họ Trần có gốc Tàu thì tại sao họ Trần phải phục hưng văn hoá Việt?
Hay như trong hịch Tây Sơn của đức Quang Trung Hoàng đế kêu gọi : “đánh cho được để tóc dài, đánh cho được nhuộm răng đen, đánh cho nó chích luận bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nếu cho rằng Quang Trung mang dòng máu Tàu thì tại sao ông đòi đánh Tàu để dân tộc Việt được giữ gìn tục để tóc dài, ăn trầu, nhuộm răng đen, để cho bọn Tàu biết là nước Nam nầy là có chủ. Và khi đã diệt được quân xâm lược ngài đã yêu sách đòi nhà Thanh phải trả lại miền Lưỡng Quảng, tức là vùng Lĩnh nam thời cổ đại?
Chỉ có một câu trả lời hữu lý duy nhất là ông tổ của các dòng họ như Lý Bôn, Trần Thừa, Hồ Quí Ly và nhà Tây Sơn là những người thuộc giòng giống Bách Việt. Những dòng tộc nầy đã thất bại trong những lần nổi dậy chống quân xâm lược và đã lui về phương nam tìm đất sống. Họ đã hoà nhập vào văn hoá Âu Lạc, Lạc Việt và Việt Thường để trở thành người dân địa phương. Họ đã cùng với các dòng tộc Việt địa phương nuôi duỡng ý chí Phục Việt âm thầm dưới đáy tầng quốc dân từ đời nầy qua đời khác để lấy ý thức dân tộc làm sức mạnh kháng cự tham vọng của Hán tộc để bảo tồn văn hoá và giành lại độc lập cho dân tộc Việt.
Bách Việt trong Lòng Đại Việt
Nói tóm lại, lịch sử tồn tục và tiến hoá của dân tộc Việt là hành trình lui dần về phương nam trước sự lớn mạnh của Hán tộc để bảo tồn nòi giống. Từ thời cổ đại, dân tộc Việt đã mất Thái Sơn là cái nôi văn hoá đầu tiên. Sau khi Thái Sơn bị Hoàng Đế xâm chiếm, con cháu Thần Nông đã rút về Đông Đình Hồ vùng Lĩnh Nam để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá lần thứ hai. Khi Lữ Gia thất trận, các dân tộc Bách Việt thuộc nước Nam Việt đã chạy vê Phong Châu ở phương nam hội nhập vào Âu Lạc để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá thứ ba. (Xem Việt Sử thông Luật của LĐA, và Dịch Kinh Linh Thể của Kim Định)
Đây là lý do khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa các dân tộc Bách Việt thuộc 65 thành ở Lĩnh nam đã hưởng ứng. Địa lý chính trị thời kỳ Hai Bà chính là vùng Lĩnh Nam và nước Nam Việt cũ. Mặc dầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, công cuộc thống nhất Bách Việt của Hai Bà đã tái hợp Bách Việt và kéo các dân tộc Bách Việt ngồi lại với nhau. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã cho các dân tộc Bách Việt và các gia đình vọng tộc ở miền Hoa Nam niềm hy vọng phục hoạt dân tộc Việt. Vùng đất Âu Lạc với những địa linh như Phong Châu, Mê Linh và những nhân kiệt như Hai Bà Trưng và Bà Triệu, và những danh tướng trong đoàn quân kháng chiến, đã nêu tấm gương yêu nước và là niềm hy vọng cho nòi giống Bách Việt.
Sau thời kỳ Hai Bà Trưng các dân tộc Bách Việt với dân tộc Âu Lạc đã hội nhập lại với nhau. Bên cạnh đó sự xuất hiện của Phật Giáo như là một hệ thống triết học và văn hoá trong thời kỳ nầy đã tạo nên một sức mạnh văn hoá mới được dân Việt nhanh chóng tiếp thu, và đã giúp cho dân Việt có chổ dựa tinh thần và vật chất. Về tinh thần, Phật Giáo hoà nhập vào văn hoá dân tộc để chống lại quá trình Hán hoá. Về vật chất, chùa chiền trở thành những trung tâm nối kết và vận động lịch sử từ miền Ngũ Lĩnh xuống đến tận Việt Thường. Luy Lâu (Bắc Ninh) trở thành trung tâm Phật Giáo miền Hoa Nam.
Các tổ sư Mâu Bác, Huệ Năng đưa Phật giáo tới đỉnh cao của thiền học. Võ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ vùng Lĩnh Nam trong thời kỳ nầy. Do đó, chúng ta thấy bên cạnh những phong trào kháng chiến thời Hán thuộc đều có bóng dáng của những cao tăng. Và trong thời kỳ độc lập, các thiền sư như Ngô Chân Lưu, Khuông Việt và Vạn Hạnh đã đóng một vai trò tích cực trong việc phục hồi văn hoá dân tộc và xây dựng đất nước. Nhờ những định chế văn hoá mới dưới hình thức tôn giáo nầy các dân tộc Bách Việt ở Âu Lạc đã tụ họp với nhau, bảo lưu được văn hoá và lịch sử dân tộc, và nuôi dưỡng được ý chí phục Việt.
Chiến Lược Phục Hoạt Văn Hoá Bách Việt
Sau gần một nghìn năm bị nòi Hán đô hộ, hai triều đại Lý-Trần, khởi đi từ Lý Nam Đế, đã phục hưng và phục hoạt lại nền độc lập và văn hóa Việt, xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh suốt gần 500 năm.
Ngày nay đất nước ta đang bước vào thế kỷ thứ 21. Sự lớn mạnh của Trung Hoa ngày nay hiện đang là mối đe doạ cho sự tồn vong của dân tộc. Vấn đề biên giới, lãnh hải, lãnh thổ giữa hai nước vẩn chưa ổn định và sẽ là mầm mống mâu thuần trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mọi người Việt còn thao thức với đất nước.
Trong bối cảnh đó, xác định được văn hoá Bách Việt và quan hệ chủng tộc giữa người Việt và các dân tộc miền Hoa Nam là tiền đề cho một sức mạnh tinh thần để đối phó với nước láng giềng phương bắc. Để khai quật được sức mạnh tinh thần nầy, Người Việt cần có một suy nghĩ mới và một chính sách văn hoá mới đối với các nước đồng chủng trong vùng và đối với Hoa Kiều đang định cư tại Việt Nam.
Cái cơ sở nền tảng để khai quật được sức mạnh tinh thần Đại Bách Việt hiện đại là ý thức rằng dân tộc Việt ngày nay là dân tộc thừa kế chân truyền di sản văn hoá Bách Việt ngày xưa. Và di sản văn hoá và văn minh Bách Việt cổ xưa đã được lưu giữ và bảo tồn trong trong quá trình hình thành nước Đại Việt và Việt Nam hiện đại. Với ý thức đó, người Việt hiện đại phải có cái nhìn mới về lịch sử nước nhà, phải mạnh dạn xác định sự đóng góp của các dòng họ Bách Việt trong quá trình hình thành lịch sử và văn hoá nước Đại Việt và Việt Nam hiện đại. Đồng thời chúng ta phải hãnh diện xác nhận dân tộc Việt hiện đại là dân tộc kế thừa và là chủ nhân ông di sản văn hoá Đại Bách Việt. Chúng ta phải đóng vai trò chủ động làm sống lại lịch sử và văn hoá của các dân tộc đồng chủng ở trong vùng và Hoa kiều trong nước.
Từ cơ sở đó, người viết đề nghị ba sứ mạng văn hoá như sau:
– Thứ nhất, cần phải có một nghiên cứu sử chính thức và học trình sử để chính thống hoá giá trị văn hoá Bách Việt trong sự hình thành văn hoá Việt Nam ngày nay.
– Thứ hai, phái có một chính sách hợp tác văn hoá đối với các nước đồng chủng ở Á Châu, đặc biệt là vùng Đông nam Á.
– Thứ ba, phải có một quan niệm mới đối với người Hoa hiện đang ở Việt Nam. Sự xác định tính đồng chủng của các dân tộc Hoa Nam và Đông nam Á có chung huyết thống Bách Việt như các nước Đông Nam Á, các dân tộc miền Hoa Nam và Đài Loan và sự tái kiến thiết văn minh Bách Việt, sẽ là đối lực thích hợp đối với tham vọng về lãnh thổ, lãnh địa và văn hoá của Trung Hoa.
Từ nhận định đó, chúng ta phải có một chính sách ngoại giao mới đối với các nước Đông Nam Á. ASEAN sẽ có một vai trò văn hoá mới ngoài vai trò kinh tế, chính trị và quân sự. Ý thức đồng chủng sẽ giúp cho ASEAN mở rộng vòng tay để đón Đài loan và các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhằm mở rộng không gian Bách Việt mới và để gây sức mạnh tinh thần trong liên minh các nước ở vùng Biển Đông.
Vấn đề quan trọng hơn là khi đã nhận diện được tính đồng chủng Bách Việt, người Việt trong nước và hải ngoại phải có một quan niệm mới và sách lược mới về Hoa Kiều ở Việt Nam.
Đối với thành phần Hoa Kiều xuất xứ từ Hoa Nam hay Lĩnh Nam như người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Đài loan, Hải Nam, trước hết người Việt chúng ta cần phải chấm dứt não trạng xem họ là những người Trung Hoa hay người Hán. Chúng ta phải coi họ là người Bách Việt, người Lĩnh Nam. Họ là nạn nhân lâu đời của quá trình Hán hoá. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tái hội nhập họ vào cộng đồng văn hoá Bách Việt hiện đại.
Công tác văn hoá chủ yếu đối với thành phần Hoa Kiều nầy là giúp họ ý thức được họ là dòng dõi Bách Việt. Chúng ta phải giúp cho các dân tộc miền Lĩnh Nam phục hồi được lịch sử Việt để cho dòng máu Việt bắt đầu chảy lại. Chúng ta phải giúp họ ý thức rằng mọi dân tộc xuất phát từ miền Bách Việt Lĩnh Nam đều là ngươì gốc Việt như chúng ta. Những người Hoa vùng Hoa Nam trưóc đây sẽ trở lại với nguồn gốc chân chính của họ là người Bách Việt.
Từ đó, một cộng đồng dân tộc Việt mới sẽ được hình thành. Và cộng đồng dân tộc mới nầy sẽ có sức mạnh văn hoá chất chứa 5,000 năm của Đại Bách Việt và một vùng địa lý văn hoá trãi rộng từ Hoa Nam xuống tận Đông Nam Á. Sức mạnh văn hoá mới đó có khả năng hoá giải sách lược dùng Hoa Kiều làm nội gián cho chiến dịch xâm thực tầm gửi của Trung Quốc hiện nay trên đất nước ta và các nước trong vùng Biển Đông.
Kết luận
Hồn sử là sự tồn tục và tiến hoá của dân tộc trên sự thành lập của nòi giống. Cái ý thức của tổ tiên khai sinh ra nòi giống tạo thành cái quốc túy dân tộc. Do đó, quốc hồn và quốc túy của một dân tộc là thành tố gốc của lịch sử. Một dân tộc mất quốc hồn và quốc túy là một dân tộc sẽ bị lịch sử đào thãi.
Mọi con người, mọi triều đại khi cầm nắm vận mệnh đất nước nếu không nắm giữ được quốc hồn và quốc túy sẽ bị lạc đường lịch sử và đưa đất nước vào tình trạng vong thân. Vì thế, những phong trào chống xâm lăng đều lấy ý thức dân tộc làm động lực lịch sử và lấy văn hoá thủy chuẩn dân tộc làm nền tảng nội dung cho sứ mệnh cứu nước. Ý thức lịch sử nầy đã thúc đẩy Lý Thường Kiệt viết Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư thời kỳ Phá Tống Bình Chiêm; Trần Hưng Đạo viết Hịch Tướng Sĩ thời kỳ Kháng Nguyên; Nguyễn Trãi viết BìnhNgô Đại Cáo và bộ Địa Dư Chí, Quang Trung viết hịch tướng sĩ với những dòng chữ “Đánh cho đưọc để tóc dài”; giúp cho Phan Bội Châu viết Việt Nam Quốc Sử Khảo; và Lý Đông A viết bộ Việt Sử Thông Luận trong thời kỳ chống Pháp.
Ý thức dân tộc vượt lên mọi định kiến về văn hoá kinh tế và chính trị. Ý thức dân tộc tồn tại qua mọi không gian, thời đại và triều đại. Nó nằm trong lòng mỗi một người dân. Nó phủ định mọi tư duy phủ nhận văn hoá dân tộc. Nó phủ định mọi nổ lực xử dụng văn hoá dân tộc ở mức độ hình thức để phục vụ cho nền văn hoá ngoại bang ở nội dung. Tìm về cội nguồn chính là quá trình tìm lại hồn sử.
Suốt một ngàn năm bị bắc phương đô hộ và đồng hoá, ý thức dân tộc vẫn nằm ẩn tàng trong đáy tầng của quốc dân. Nó được bảo quản và lưu truyền từ đời nầy qua đời khác. Nó là DNA lịch sử làm cho giòng máu Lạc Hồng tiếp tục chảy, và chảy mãi xuyên suốt thời đại.
Khi nền cai trị của ngoại bang suy yếu, khi tâm thức nô lệ ngoại bang ở mặt tầng suy sụp, ý thức dân tộc từ đáy tầng sẽ bùng dậy như những đợt sóng đáy, thúc đẩy những người yêu nước đứng lên giành lấy quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mạng của mình để phục hồi văn hoá thủy chuẩn dân tộc, để bảo tồn và phát huy ý thức dân tộc, và để khơi dậy nguồn sống cho dân tộc.
Với tâm thức đó, lịch sử có được một Lý Bôn với một dòng họ bôn ba từ miền Lĩnh Nam nổi trôi về miền Âu Lạc, và ông đã đứng lên giành độc lập cho dân tộc, lấy đế hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn xuân.
Sự việc Lý Bôn làm tái sinh danh xưng Việt với đế hiệu là Nam Việt Đế là một hành động lịch sử khởi động cho nền văn hoá Bách Việt được hồi sinh để nền văn hoá Bách Việt còn lưu truyền mãi trong lòng dân tộc Đại Việt; và từ đó Đại Việt đã trở thành căn cứ địa phục hoạt và phục hưng nền văn minh Bách Việt.
Nguyễn Xuân Phước
Xuân Kỷ Sửu 2009
Tham khảo:
– Các tác giả: Lý Đông A, Trần Ngọc Thêm, Cung Đình Thanh, Phạm Việt Châu, Lê Văn Siêu, Đào Duy Anh, Stephen Oppenheimer, Keith Weller Taylor, National Geographics, Trần Thế Pháp, Kim Định, Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Ký
– Google search: “Bách Việt, Lĩnh Nam, Linnan, Yueh, bǎi yuè, Lý Nam Đế, Lý Bôn, Quang Trung, Việt Sử, Taiwanese DNA, betel taiwan, Hoàng Đế, Suy Vưu, miêu, miao” @Tác giả gửi ngày 3 tháng 10 năm 2010