Hát Bả Trạo Miền Trung, Khảo Sát Từ Hát Bả Trạo Nam Trung Bộ
Vĩnh Phúc
1. Lễ Cầu ngư và Hát Bả trạo
Miền Trung, bao gồm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ là hai vùng văn hóa âm nhạc lớn của truyền thống âm nhạc dân gian cổ truyền Trung Bộ… Ngoài đặc tính tương đồng chung về thể loại của hình thức diễn xướng dân ca, dân nhạc trong tổng thể văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thì mỗi tiểu vùng đều mang dấu ấn đặc trưng về thể loại, gắn với môi trường diễn xướng đặc hữu của từng tiểu vùng: Đồng bằng, Duyên hải, Trường Sơn – Tây Nguyên…chứa đựng một trữ lượng văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, dồi dào, đa dạng với các loại hình diễn xướng mang yếu tố lễ nghi phong tục và lễ nghi tín ngưỡng dân gian cần được khai mở, bảo tồn và phát huy đúng hướng.
Tiểu vùng Duyên hải miền Trung, trong truyền thống, tục thờ cá Ông (cá Voi) và các vị thần biển, từ lâu đã gắn liền với lễ Cầu ngư của cư dân ở một số làng ven biển thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần biển, cá Voi – loài vật hiền lành và to lớn nhất biển cả, luôn giúp đỡ họ trong những lúc hiểm nguy, bão tố để đưa thuyền về bến an toàn. Nó không chỉ làm phong phú đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là khát vọng hướng tới điều thiện của cư dân mưu sinh trên biển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Tục thờ các vị thần biển và lễ Cầu ngư của cư dân vùng duyên hải miền Trung hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, đoàn kết cộng đồng, giá trị đạo đức thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật và cách ứng xử nhân văn khi đối diện với thiên nhiên, đối diện với biển cả. Tục thờ cá Ông nói riêng và các lễ tục thờ Thần biển, phản ánh tín ngưỡng của người Việt và sự hội nhập văn hoá tín ngưỡng giữa văn hoá bản địa với văn hoá, tôn giáo của các nước trong khu vực, đặc biệt là văn hóa Việt – Chăm trong tục thờ cá voi và lối hát Bả trạo. Đó quá trình tích hợp các lớp văn hoá tín ngưỡng cũng như sức sống và sự vượt trội của tín ngưỡng bản địa trong tâm thức của ngư dân. Tôn giáo, tín ngưỡng ấy có sức sống mãnh liệt tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử, gắn liền với cộng đồng cư dân duyên hải Trung bộ, mà Ngư dân, chủ thể văn hóa của lễ hội đã tạo nên sức sống nội sinh trường tồn với sự vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Sức sống nội sinh ấy không chỉ thể hiện ở khát vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang mà còn thể hiện đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn của cư dân miền duyên hải.
Nghệ thuật diễn xướng Hát Bả trạo còn gọi là Hò Bả trạo, Chèo Bả trạo, Hò Đưa linh, Hò Hầu linh… là một loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu, đặc sắc trong lễ hội Cầu Ngư của ngư dân duyên hải Trung Bộ, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ.
Một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ như Cảnh Dương Quảng Bình, Cửa Tùng Quảng Trị gọi là Hò đưa linh – Chèo cạn. Các địa phương ven đầm phá, ven biển Thừa Thiên Huế vẫn gọi là Hát Bả trạo và đều gắn với lễ Cầu Ngư. Sáu tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại Lễ Cầu ngư trong truyền thống tín ngưỡng dân gian với tục thờ thần Biển. Tiêu biểu như ở Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa; Nhượng Bạn, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh; Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình; Cửa Tùng, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị; Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và Phương Diên, Phú Diên, Phú Vang Thừa Thiên Huế…Trong lễ Cầu Ngư loại hình diễn xướng dân gian vẫn là Hát Đưa linh – Chèo cạn, Chèo chải (Thanh Hóa), Hát Bả trạo.
2. Nghệ thuật Hát Bả trạo Nam Trung Bộ
Nghệ thuật diễn xướng Đưa linh – Chèo cạn, hát Bả trạo ở các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ giản lược hơn nhiều trong nội dung, lễ thức cũng như quy trình, bài bản “diễn” và “xướng” so với Hát Bả trạo Nam Trung Bộ. Đặc điểm Hát Bả trạo Nam Trung Bộ được ví như “một vở hát Bội thu nhỏ, hoặc nói cách khác là mang bóng dáng của hát Bội cổ“, có phần giới thiệu, phần triển khai, phần xung đột mâu thuẩn và phần giải quyết, kết thúc. Vì vậy, lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội thiêng liêng, tiêu biểu và đặc sắc của cư dân duyên hải Nam Trung bộ.
Lễ hội Cầu ngư gắn với tục thờ cá Ông (cá Voi) – vị thần của biển cả đã được các đời vua triều Nguyễn sắc phong. Đầu tiên Gia Long ban sắc tặng Ông Nam Hải là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần” và ra lệnh cho các vạn đầm từ Bắc tới Nam xây lăng thờ cúng Ông Nam Hải [1]. Các đời vua sau, từ Minh Mạng đến Khải Định đều ban sắc phong công nhận tính chất thiêng liêng của Ông Nam Hải. Do việc sắc phong đó mà thời kỳ này, việc thờ cúng cá Ông khá phổ biến và có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biên Nam Trung bộ. Trong lễ hội Cầu ngư, điểm nhấn là nghệ thuật diễn xướng Hát Bả trạo.
2.1 Đội hình Bả Trạo
Tên gọi Bả trạo được hiểu: Bả là nắm chắc, Trạo là tay chèo, Bả Trạo có nghĩa là nắm chắc tay chèo. Hát Bả Trạo được quy định khá chặt chẽ về các bước hát, diễn, nhân vật, và số người. Một đội hát Bả Trạo được kết cấu, tổ chức như một đội thủy thủ trên một con thuyền, gồm có nhiều thành viên với chức danh rõ ràng để chịu trách nhiệm phần công việc của mình.
Đội hình Bả trạo phổ biến vẫn gồm: Tổng mũi (tổng tiền), Tổng khoang, Tổng lái và các con trạo với các mái chèo.
Trước hết là Tổng mũi (còn gọi là Tổng tiền), tức là người đứng mũi, có vai trò như chỉ huy, điều khiển cả đội thuyền. Tổng mũi thường là người giỏi nhất. Đó phải là người không chỉ có giọng hát to khỏe, ấm, có sức truyền cảm, mà còn phải biết hò, hát, xướng, ngâm vịnh, nói lối và phải thuộc nhiều câu hát theo nghi thức cổ, đồng thời còn có khả năng ứng khẩu để hát những câu hát có nội dung phù hợp với thực tế của mỗi buổi hát, như hát trong Lễ hội Cầu ngư hay lễ tế cá Ông, hoặc Lễ Nghinh Ông.
Thứ hai là Tổng khoang (còn gọi là Tổng thương), là người đứng ngay sau Tổng mũi để tát nước và động viên đội chèo. Tổng khoang cũng phải là người rất năng động, hoạt bát và cũng phải giỏi hát. Thỉnh thoảng cầm gầu, làm động tác tát nước trong thuyền ra ngoài.
Thứ ba là Tổng lái (còn gọi là Tổng hậu, hay Tổng khậu), là người phụ trách chèo lái ở cuối con thuyền. Tổng lái cũng phải là người khỏe mạnh vì phải cầm cây chèo dài nhất (dài hơn mái chèo của các bạn chèo, thường dài khoảng 1,8 đến 2m.). Tổng lái phải vừa hát vừa luôn làm động tác như đang chèo lái ở cuối con thuyền.
Số còn lại là các tay chèo, gọi là Bạn chèo hoặc Con Trạo. Tùy theo yêu cầu, nếp quen ở từng địa phương mà số Con trạo có từ 6, 8, 10, đến 12, 14 hoặc 16 người. Dù nhiều ít khác nhau nhưng bao giờ số Con trạo cũng phải là số chẵn.
Khi tiến ra sân diễn, đội chèo đi theo hàng một, dẫn đầu là Tổng mũi, đến Tổng khoang, tiếp đó là các con Trạo và Tổng lái. Cây chèo cầm dựng đứng bên tay phải, mũi chèo hướng lên trời. Đến điểm quy định trình diễn, đội chèo đi thành vòng tròn rồi tách ra 2 hàng (các con trạo mang số lẽ từ 1, 3, 5, 7… thành một hàng và các con trạo mang số chẳn từ 2, 4, 6, 8 … thành một hàng). Đứng đầu giữa hai hàng con trạo là Tổng mũi, ở giữa là Tổng khoang và sau cùng là Tổng lái. (xem sơ đồ) Đội hình chính với các vị trí trên của cuộc Hát Bả trạo là mô phỏng một con thuyền đang lướt sóng trên biển. Một ý nghĩa nào đó, trong trình thức Chèo “Cô hồn” mang ý nghĩa cứu độ chúng sinh. Nội dung Hát Bả trạo trong giai đoạn này, gần như một một tuồng hát có ngụ ý về một con thuyền Bát nhã đang dong ruổi trên biển khơi để cứu độ chúng sinh, đưa họ về nơi Tịnh độ. Tất cả được dàn sắp được mô phỏng theo hình chiếc thuyền đưa linh chèo đưa đức Ngư Ông phiêu diêu miền cực lạc.
Phần điều khiển múa hát do Tổng mũi đảm nhiệm. Khi Tổng mũi cầm sênh hướng về con trạo để gỏ, các con trạo cúi mình về phía trước làm động tác chèo thuyền. Khi Tổng mũi cầm sênh day lui để gỏ, đám bạn chèo ngã mình lui để chèo rất đồng bộ và nhịp nhàng…
Trong lúc trình diễn, Tổng mũi nhiều lúc dừng lại để xướng hát, than, ngâm thơ, lý và diễn trò .., các con trạo cứ theo động tác chèo thuyền đã được cách điệu và nghệ thuật hóa. Tổng khoang phối hợp với Tổng mũi để trình diễn, thỉnh thoảng cầm gàu múc nước tát ra khỏi khoang thuyền. Tổng lái cầm chèo dài để lèo lái con thuyền.
Đội hình chèo đưa Ông được sắp đặt như một con thuyền ra khơi. Kết thúc buổi diễn, Tổng mũi gõ hai tiếng sênh, các con trạo cầm cán chèo dựng chèo thẳng mũi lên cao. Khi nghe tiếng sênh tiếp thì con trạo nhập thành hàng một, cây chèo vẫn cầm dựng đứng như tư thế lúc ban đầu khi trình diễn và theo Tổng mũi đi khuất vào sau sân lăng. Buổi trình diễn không cần đến sân khấu mà thường trình diễn ở bãi cát ven biển hay sân trước lăng Ông.
2.2 Kết cấu bản chèo và nghệ thuật diễn xướng
Hát Bả trạo Nam Trung bộ mang đặc tố tổng thể nguyên hợp của văn hóa dân gian, tạo thành một loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp bởi sự tích hợp các trò diễn dân gian, các thể loại diển xướng truyền thống của địa phương như Hò, Lý, nghệ thuật Tuồng truyền thống với lối hát Nam, hát khách, hát tẩu mã, xướng, kể và cả lối Tán, Tụng của Phật giáo, nhất là lối Tán trạo…
Đội Hát Bả trạo sử dụng các nhạc cụ: đàn nhị, trống, kèn và sênh. Âm nhạc và sự phối hợp, điều khiển nhịp nhàng của Tổng Mũi, Tổng Lái, Tổng Khoang sẽ làm nền chính hợp theo nhịp chèo bơi và nhạc trưởng là Tổng Mũi, đứng ở mũi thuyền hát giữ nhịp cho toàn đội. Trong khi trình diễn, ba vai Tổng là quan trọng nhất, vì phải thông thạo tất cả các lối ngâm, xướng, bạch, thán oán, vịnh, nam khách, tẩu mã, kệ, tán cùng các điệu lý, hò miền Trung. Đội nhạc giữ vai trò quan trọng trong hò bả trạo như giữ nhịp, đưa hơi, tạo không khí hào hứng cho người diễn cũng như khán thính giả.
Hát Bả Trạo trong lễ hội Cầu Ngư khu vực biển Nam Trung bộ là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, quá trình biến hoá từ đầu đến cuối cuộc diễn đã không tách rời các yếu tố âm nhạc. Vai trò âm nhạc là chủ đạo, quán xuyến, là chất men có tác dụng kết dính, chuyển tải, chuyển tiếp các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian. Do sự giao thoa và vận dụng, sử dụng đa dạng về các các làn điệu, các kiểu lối hát từ các làn điệu dân ca của nhiều vùng, miền đã kéo theo sự phong phú sáng tạo về thang âm, giai điệu trong âm nhạc của nghệ thuật Hát Bả Trạo.
Hát Bả trạo Nam Trung Bộ, ngoài việc vận dụng có cải biên, cách tân lối kết cấu, hơi điệu trong Tuồng, còn dung hợp thêm bài bản các kiểu hát Tán, Kệ… có nguồn gốc từ âm nhạc Phật giáo, cũng như một số bài ca, các lối hát của dân ca Bắc và Trung Trung Bộ nói chung, tạo nét đặc thù do sự giao thoa, tiếp biến trong truyền thống âm nhạc dân tộc cổ truyền. Đặc biệt, ở Quảng Nam, các bổn chèo Bả trạo là những bản văn quy củ, quy mô, chặt chẽ trong nghi thức tế lễ và trình thức diễn xướng qua hai bản chèo riêng biệt, là bản chèo Ông và chèo Cô hồn, được các nhà nho gần gũi với giới bình dân biên soạn. Hai bản chèo cổ này được soạn thảo có tính quy phạm, đã phát tán vào các tỉnh phía nam, vào đến cả Ninh Thuận, Bình Thuận…
Đó là sự du nhập của hò Đưa linh – một nghi thức dân gian cổ vào Bả trạo. Cụ thể là hai bản Chèo cổ không thể tách biệt là chèo Ông (Long thần Bả trạo ca) và chèo Cô hồn (Âm linh Bả trạo ca)…; Cấu trúc tổng thể, kết cấu, quy trình lề lối chặt chẻ; Dung hợp, pha trộn, gắn kết độc đáo nhiều thể loại âm nhạc truyền thống, như làn điệu, các lối hát… một cách lôgich theo trình thức của cuộc hát…
Với đặc tính dân gian của một loại hình diễn xướng, Hát Bả trạo được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền khẩu, nên đã sinh ra nhiều dị bản ở các địa phương khác nhau. Bản chèo Bả trạo qua mỗi địa phương, qua mỗi thời kỳ, đã được thêm thắt, bổ sung, sáng tạo hoặc giản lược để phù hợp với bối cảnh xã hội, không gian và nhất là phù hợp với vốn truyền thống văn hóa dân gian cụ thể của địa phương, vùng miền… được thể hiện qua phục trang, làn điệu dân ca, dân nhạc v.v… Ở Bình Định, vì là đất Tuồng, nên sau múa hát Bả trạo còn có thêm Hát bội chầu lễlà buổi diễn tuồng cho thần linh xem. Tuồng hát cũng được chọn lọc, hợp với sự cung nghiêm, như Hoa Dung Lộ (Quan Công tha Tào Tháo), Cổ Thành (Quan Công quá quan)… Khán giả dù quyền cao chức trọng, cũng phải tự coi mình là kẻ xem ké của thần linh, nên đều phải cung kính, nghiêm cẩn, yên lặng xem…
Tuy trong sự giao thoa, có cải biên, cách tân, xây dựng, dàn dựng để hình thành kịch bản hoàn chỉnh, song về bản chất của nó vẫn giữ được cái nguyên thể của các thể loại này. Hát Bả trạo Nam Trung Bộ gồm ba lối hát cơ bản:
2.2.1. Các lối hát có nguồn gốc trong hát Tuồng truyền thống:
Ở Ðàng Trong, theo sử sách, Tuồng (hát Bội, hát Bộ) tuy xuất phát từ Ðào Duy Từ (1572-1634) nhưng được phát triển qua Ðào Tấn (1845-1907). Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống rất được phổ biến khắp miền Trung từ xưa tới nay, cho nên trong quy trình diễn xướng của Hát Bả trạo, được trình bày theo khuôn khổ của một tuồng hát giản lược và thu nhỏ.
– Nội dung, bản chèo, điệu hát, bài hò ở mỗi nơi có sửa đổi, thêm bớt, hình thành những biến thể khác nhau theo ngôn ngữ, điều kiện sống, sinh hoạt và vốn âm nhạc truyền thống đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, các bản chèo từ Quảng Nam vào tới Ninh Thuận, Bình Thuận rất giống nhau trên đại thể, cũng như phương thức diễn xướng mang tính chất hát Tuồng rõ rệt, và vẫn giữ được nét đặc sắc chung, tâm linh của hát Bả trạo trong lễ hội Cầu ngư.
– Quy trình Hát Bả trạo mỗi địa phương thường chỉ xáo trộn các lối Nói – Hát trong phần diễn xướng của các ông Tổng (Tổng mũi, Tổng khoang, Tổng lái)… Nhưng hầu hết đều có đặc điểm là cấu trúc trình thức diễn xướng hoàn toàn giống nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống: Giáo đầu – triển khai, kịch tính, xung đột – giải quyết, kết… Do vậy, nội dung cốt lõi của các bản chèo Bả Trạo luôn có đặc điểm chung là: Phần mở: tán tụng, ngợi ca công đức, cầu xin phò trợ; Phần triển khai, kịch tính: lúc thuyền gặp giông bão và sự chống chọi với sóng gió; Phần giải quyết, kết thúc: trời yên biển lặng, thuyền cập bến bình yên… Tuy vậy, phần kịch tính, xung đột và giải quyết xung đột giữa thiên nhiên và con người có phần đơn giản hơn so với sân khấu Tuồng. Cụ thể, vai Tổng thương, là nhân vật thường xuyên tạo diễn biến kịch tính, tạo nên sự hồi hộp, gay cấn,… lại mang sắc thái dân gian, qua nghệ thuật diễn xướng với các tình tiết như: đi câu, tát nước, đi chợ…
Hát Bả trạo Nam Trung bộ thường sử dụng các lối Nói – Hát, cũng như vận dụng nhiều làn điệu phong phú, đa dạng hơn và linh hoạt hơn như: Lối nói Vãn, Lối nói – kể, Các lối hát Xướng – kể, Lối nói Dựng, Ngâm – Kể, Thán, Tẩu Mã, Phú (Phú Lăn, phú Lục), Hát Nam, Bắt Bài, Bắt Bài lệnh…
Đặc điểm khác, mặc dù các lối “Hát – Nói” trong Hát Bả Trạo sử dụng phần lớn trong hát Tuồng truyền thống, nhưng tính chất giai điệu trong các lối “Hát – Nói”, đều có màu sắc thán, vãn, cầu khấn,…, kết hợp phương thức diễn: động tác “chèo” luôn gắn kết trong hầu hết các lối “Hát – Xô” gắn với nhịp điệu lao động – là đặc tính của các loại Hò dân gian, đã tạo nên sự khác biệt so với nghệ thuật Tuồng truyền thống. Tính dân gian được thể hiện ở môi trường diễn xướng tâm linh cũng đóng vai trò như là chất men, chất kết dính nhằm tạo cho các kiểu lối “Hát – Nói” trong Hát Bả Trạo mang tính khác biệt so với gốc tích của nó trong lối hát truyền thống.
Điều đặc biệt là từ sự vận dụng tính độc đáo của nghệ thuật Tuồng truyền thống; cách sử dụng các làn điệu dân ca được các nghệ nhân tài ba phối kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn, các loại hình nghệ thuật sân khấu khác… cho nên không gian hát Bả Trạo trong lễ hội Cầu Ngư đã không còn là không gian của sân khấu tuồng diễn, mà người xem như đang tiếp cận với tổng thể nền văn hóa âm nhạc dân gian với nét đặc trưng trong di sản văn hóa từng vùng, miền của khu vực Nam Trung bộ… Đó là đặc điểm của lối hát Nam trong Hò Bả trạo.
Hát Nam trong Tuồng truyền thống đưa vào Hát Bả trạo đã trở thành một dạng làn điệu mang những yếu tố khác biệt như: Về thang âm, điệu thức, cấu trúc ngôn ngữ, thể thơ…tạo nên sự khác biệt so với nguyên thể của nó trong hát Tuồng truyền thống. Hát Nam đã được dân gian hóa gần với thể loại Hò với lối Hát – Xô. Ví dụ:
Hát Nam trong Chèo Ông:
“Mịt mù/ khói tỏa/ vần trăng
Gió hiu/ trước mặt/ mây giăng/ lưng trời”
Con trạo Xô: “Hò hầu (a) Ông“
Hát Nam trong Chèo Âm linh:
“Cúi đầu giọng bái thập phương
Hoang hồn trệ phách tìm đường siêu thăng”
Con trạo Xô: “Hò hầu linh“
Đôi khi hát Nam cũng có vế Xô trong hò khoan, hay gọi là lối xen kẻ giữa Hát Nam và Hò:
Hát Nam:
Thái lai nhờ ngài phò hộ
Nguyện Cô Hồn phổ độ duyên trung
Ớ là hò khoan hò
Trời cao, trời cao đất rộng
Ớ là trùng muôn trùng
Ớ là hò khoan hò
Chim kêu núi bắc
Ớ là hò khoan hò
Cá vùng (ớ là vùng) biển đông
Ớ là hò khoan hò, hò hỡi hố khoan…
Hát Nam:
Không lay thương thay cho thập loại
Chốn phật đài vòi vọi còn xa
Trạo xô:
Ớ là hò khoan hò, hò hỡi hố khoan
v.v…
2.2.2. Các làn điệu dân ca Nam Trung bộ được sử dụng trong Hát Bả Trạo:
Vốn ca nhạc dân gian được sử dụng trong hát Bả trạo Hò và Lý, nhưng nhiều nhất là các thể loại Hò, vì Hò gắn với nhịp điệu lao động khi con trạo chèo thuyền.
Lối “Kể – Xô” trong Hát Bả trạo Nam Trung Bộ là sự vận dụng các điệu hò trong dân ca. Hò được sử dụng chủ yếu là hò Kéo neo, hò Khoan… (Quảng Nam), hò Khoan, hò giựt chì, hò rị, hò hụi, hò Đưa linh, hò Nhỗ neo…(Quảng Ngãi), hò lơ, hò Khoan kể cá…(Ninh Thuận) v.v…
Lý thường dùng là lý Mọi, (Quảng Nam), lý Chèo đưa cá Ông (Ninh Thuận), lý Thương nhau, lý Vãi chài (Quãng Ngãi)…
2.2.3. Các lối hát có nguồn gốc trong âm nhạc Phật giáo:
Theo truyền thuyết, Ông là hiện thân của Phật Bà Quan Âm, vị Phật hiền từ, nhân ái, chuyên cứu khổ, cứu nạn mọi người. Ðức Phật Quan Âm một lần tuần du trên biển Nam Hải, cảm động trước sự chết chóc của nhân loại, vì thiên tai, bảo tố nên Phật Bà đã xé mãnh cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển hóa thành đàn Cá Voi, lại ban cho thân thể to lớn và phép thần thông, để Ông có sức khỏe vạn năng và bơi lội nhanh lẹ, hầu kịp thời hộ trì cứu giúp những người bị tai nạn trên biển.
Các điệu hát được vận dụng vào Hát Bả trạo chủ yếu là Kệ và Tán (tán trạo). Kệ và Tán trong âm nhạc Phật giáo đã được vận dụng linh hoạt, có cách tân, cải biên…cụ thể là đã dân gian hóa bằng vế Kể vế Xô đặc trưng như các điệu hò trong dân ca. Đặc biệt, phần Xô tập thể của các con Trạo đều phải nhịp nhàng, ứng với từng động tác cụ thể của múa Bả trạo.
Điệu Tán sau được mở đầu trong màn hát múa rước linh Ông:
“Lò hương nghi ngút/cảnh vật thảnh thơi
Biển Đông minh giúp đỡ nơi nơi
Thần Nam Hải oai phong lẫm lẫm
Công tế độ đáng thêu bìa gấm
Cõi vô thường còn động lòng vàng
Cảnh án diên có vạn có làng
Xin chúng đẳng chỉnh tề bái yết”…
…
“Chúng con một dạ kính thành
Hát hò cho rập theo đường chèo bơi”
“Hò là hò hỡi lơ…”
Điệu Kệ cũng xen kẻ với vế xô:
Kệ “Vô thượng thâm thâm vi diệu pháp”
Xô “Nam mô a di đà phật“
Kệ “Bách thiên vạn kiếp năng tao ngộ”
Xô “Nam mô a di đà phật“
Kệ “Ngã kim kiến văn đắt thọ trì”
Xô “Nam mô a di đà phật“
Nội dung màn múa hát Bả Trạo mang đậm màu sắc tín ngưỡng Phật giáo, ca ngợi thần, Phật đã có công “cứu khổ cứu nạn”, ca ngợi công đức thần Nam Hải Ngọc Lân, cầu cho sự “cứu hộ độ sinh” của Ngư Ông và cùng hò đưa âm linh của những linh hồn oan nghiệp, những người bạn không may mắn bỏ mạng trên biển được về miền cực lạc.
“Giúp người thật đã có công
Da đen/ lòng đỏ/ đức rồng/ tánh (tính) lân…..”
2.3 Giá trị nội dung và phục trang, đạo cụ
Ngôn ngữ nội dung hát bả trạo rất đa dạng, thường được đan xen giữa từ ngữ Hán – Nôm và phương ngữ địa phương cụ thể. Bên cạnh đó còn kết hợp rất nhuần nhuyễn, khéo léo các kiểu nói, lối hát, như: Nam, Thán, Phú… trong nghệ thuật Tuồng cổ, cùng các làn điệu hò, điệu lý trong dân ca, pha trộn các làn điệu Tán, Kệ trong âm nhạc Phật giáo đã được kế thừa và vận dụng đầy sáng tạo.
Tính chất chung về nội dung của Hát Bả trạo là:
– Ca ngợi công đức và cầu mong thần Nam Hải phù hộ người dân làm ăn trên biển (trong bản Chèo Ông).
– Đượm nhuần/ gió dứt/ mưa nhờn
Giúp cho/ chài lưới/ đỡ cơn/ ba đào…
– Chính chiên/ phải chịu/ oai hùng
Muôn dân/ ơn đội/ cửu trùng/ gia phong…
– Ngày nay/ chúng đẳng/ một lòng
Xin ngài/ chứng giáng/ hộ trong/ vạn làng…
Nội dung xuyên suốt là hát tạ ơn và ca tụng công đức Ngư Ông, cầu xin Ông phù hộ cho làng vạn có cuộc sống bình an, sung túc. Ví dụ bài “Mười cầu” sau đây:
Tổng thương, Tán:
Như chúng dân dây, miền duyên hải ra khơi vào lộng, chí những mong tìm kế sinh nhai, ngài trấn nơi biển rộng gành dài, người ngộ biến ra tay cứu độ, cứu độ khỏi vòng hoạn nạn, công ơn này đoàn vạn nào quên. Nay vạn dân hội kỵ chư thần, tạm chèo quế chèo hầu lễ tế, cốt mười cầu ngư nghệ niên phong.
Sau đó, cứ một câu Xướng của Tổng lái – một cầu, hai cầu,… mười cầu, thì các con trạo xô theo một câu cho đến hết Mười cầu.
Một cầu mật võng đại đăng
Cá to cá nhỏ dăng dăng bằng đời
Hai cầu mành lớn nghề khơi
Nước êm gió thuận thảnh thơi thay là
Ba cầu nghề nhỏ mành chà
Đắc tài đắc lợi trẻ già vui ưa
Bốn cầu lưới căng lưới sưa
Lênh đênh giữa biển đẩy đưa cá vào
Năm cầu lưới quét lưới cào
Tiền ngàn bạc vạn dồi dào vui thay
Sáu cầu câu bủa câu tay
Thả mồi cá đớp vui vầy hôm mai
Bảy cầu lưới cước lưới hai
Bủa đâu đặng đó ai ai cũng dùng
Tám cầu te trủ lưới dùng
Làm ăn thịnh lợi thong dung thanh nhàn
Chín cầu mành nục lưới gang
Trăm nghề thịnh vượng giàu sang vui vầy.
Mười cầu rớ giả chài tay
Nơi nơi phát đạt tháng ngày sinh nhai.
– Ngoài cầu cá Ông còn cầu nguyện đưa những cô hồn chết giữa biển khơi qua đò về miền cực lạc…qua các bản văn tế cầu an, cầu ngư và văn tế cúng âm linh, cô hồn (trong bản Chèo Âm linh)…
“Mau chỉnh tu bát nhã từ thuyền,
đưa âm linh chớ có nại phiền
qua khổ hải đặng thoát vòng nghịch kiếp”…
Ngoài ra, có địa phương còn dung hợp thêm tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu – nữ thần Biển trong tín ngưỡng người Hoa, cầu mong sự phù hộ độ trì của Bà trong việc mưu sinh trên biển…
Các thể hát, xướng trong hát Bả trạo thường dùng các thể thơ 7 chữ, 5 chữ, 4 chữ và lục bát, với sự đan xen ngôn ngữ Hán-Nôm, tiếng Việt, mượn những điển tích, kinh cầu siêu trong Phật giáo…như:
Ác vàng đà khuất núi,
Thỏ ngọc ló đầu non.
Dặm Tây thiên đường hỡi chon von,
dòng Bắc Hải nước còn săn quá…
Hoặc:
Nguyệt lãng thanh phong dạ khứ hào,
Minh minh thôi chúc chiếu dương gian.
Và:
Còn ở thế như thuyền dồi sóng dập,
Đã thác rồi như bể lặng trời thanh.
Dặm Tây thiên trời cũng để dành,
Miền cực lạc Phật còn làm phước…
– Vấn đề Phục trang và đạo cụ:
Hát Bả trạo vừa mang tính diễn xướng nghệ thuật dân gian vừa là nghi lễ, cho nên trang phục và đạo cụ cũng phù hợp với tính chất ấy.
Thông thường, Tổng lái mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen (nếu là nghi lễ trang trọng) với đạo cụ là mái chèo lái dài 2 mét.
Tổng mũi ăn mặc lễ phục như tổng lái, nhưng tùy theo vùng miền, có khi lại trang phục rực rỡ như một diễn viên tuồng, cầm cặp sênh điều khiển.
Tổng khoang mặc áo 3 màu, hoặc có hình lát chả, quần cộc tay cầm đạo cụ là gàu tát nước.
Các con trạo đầu chít khăn, áo trắng, quần trắng, có quấn xà cạp, thắt lưng vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo khoảng 1,2 mét sơn màu xanh hay trắng và thường có hình Thái cực đồ. (xem hình dưới) Màu sắc trang phục còn tùy theo các vùng, nhưng cái chung là trang phục giống người lính lệ xưa, có đội nón hoặc quấn khăn…
Trong vấn đề phục trang, ngoài việc tùy thuộc vào tính chất lễ nghi truyền thống của từng vùng miền, thì hiện nay với chủ trương lồng ghép giữa du lịch và di sản văn hóa, nên các địa phương thường quảng bá di sản của địa phương mình trong các lễ hội. Vì vậy, trang phục thường được cách điệu thêm, nặng về diễn xướng, mang tính “hội” nhiều hơn lễ nghi…Có địa phương, phục trang và hóa trang của các tổng và các con trạo đều mang tính chất sân khấu Tuồng, như bả trạo Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận.
3. Kết luận
Nghệ thuật diễn xướng Hát Bả trạo Nam Trung Bộ là một trong những thể loại diễn xướng dân gian lễ nghi, tín ngưỡng, đánh dấu một nét văn hóa tâm linh của cư dân vùng duyên hải. Đó cũng là một nét văn hóa truyền thống khá độc đáo của dân tộc Việt. Ngày nay, tuy lối hát này không phổ biến lắm nhưng vẫn có nhiều địa phương Nam Trung bộ tổ chức trình diễn vào các lễ hội Cầu ngư hàng năm, nhiều sáng tác văn nghệ dân gian đã phản ánh sinh động đời sống tinh thần và vật chất phong phú của cư dân sông nước vùng duyên hải miền Trung… Với những đặc điểm nghệ thuật đã nêu, thể loại Hát Bả trạo với cấu trúc, kết cấu của bản chèo đã chứa đựng đặc tố của một loại nghệ thuật tổng hợp, một vở kịch hát dân gian đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2000), Văn hoá dân gian làng biển, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
2. Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng trong, Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam (2004), Phong tục – Tập quán – Lễ hội Quảng Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn Học.
5. Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Nxb Trung tâm Quản Lý Bảo Tồn Di Tích Hội An.
6. Trương Đình Quang (2011), “Hát Bả trạo – Hò đưa linh“, Nxb Văn hóa Dân tộc.
7. Trương Đình Quang (2005), Men rượu Hồng Đào, Nxb Đà Nẵng.
8. Huỳnh Ngọc Trảng (2004), Duyên hải miền Trung – Đất và người, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb Tổng hợp Tp. HCM.
9. Mường Giang (2009), Tháng giêng về Phan Thiết…
http://huongvebinhthuan.org
10. Hoàng Phương (2012), Hát Bả trạo – Một loại hình diễn xướng dân gian…
Thông Báo Khoa Học, Viện Nghiên Cứu ÂN – Học viện ÂN Huế, số 4.
11. Xa Văn Hùng, Sự giao thoa trong hát Bả trạo xứ Quảng,
12. Nguyễn Xuân Hương (2012), Lễ hội cầu ngư của các làng biển xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng), Tạp chí Văn hoá – Du lịch Đà Nẵng, số Xuân.
Chú Thích :
[1] – Theo sử liệu, vào tháng 2 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Ánh trong khi đang vây hãm thành Bình Thuận, thì bị thủy quân Tây Sơn từ Bình Ðịnh vào đánh đuổi. Nguyễn Ánh thua trận và bị Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Xoài Rạp, là một khúc sông Ðồng Nai giữa Gia Ðịnh và Gò Công, thì đột nhiên bảo tố nổi lên dữ dội, khiến cho tàu thuyền của hai phía bị đắm chìm rất nhiều. Ngay lúc thuyền chở Nguyễn Ánh lâm nguy, thì bỗng có một cặp cá ông nổi lên đỡ và dìu thuyền vào bờ làng Vàm Láng, tổng Kiến Phước, tỉnh Gò Công.
Sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhớ ơn xưa đã truy phong cho cá voi, tước Nam Hải đại tướng quân, Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần, đồng thời hạ chiếu phong tặng, cho các làng xã lân cận nơi bị đắm thuyền năm xưa, trong đó có Cần Giờ (Gia Ðịnh), Kiến Phước (Gò Công), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và ra lệnh cất đền thờ Cá Ông. Kể từ đó, vùng phía nam đèo Ngang trở vào đều thờ Ông Nam Hải…
Mời bấm để xem: Hát bả trạo, trong lễ hội cầu ngư