Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Truyện cổ tích


Để tìm hiểu đặc điểm của truyện cổ tích, mời bạn đọc tham khảo qua những nội dung chính trong bài:

1. Truyện cổ tích
2. Các đề tài của truyện cổ tích
    a. Truyện cổ tích thần kỳ
    b. Truyện cổ tích sinh hoạt
3. Các đặc điểm của truyện cổ tích

Truyện cổ tích

Truyện cổ tích là thể loại văn học dân gian tập hợp những câu chuyện hư cấu, mang hơi hướng thời cuộc có đặc điểm được kể dưới dạng truyện ngắn xảy ra trong đời sống thường ngày của con người, kết hợp với màu sắc huyền ảo kết hợp với trí tưởng tượng nhằm thể hiện ước nguyện có được cuộc sống an vui, công bằng của con người. Đặc điểm của truyện cổ tích chính là sự xuất hiện của các yếu tố kì ảo như phép màu, thần linh nhằm phản ánh niềm tin của con người vào luật nhân quả, rằng ở hiền thì sẽ gặp lành, và kẻ ác sẽ bị trừng trị.

Thông qua sự quan sát, chiêm nghiệm và những biến chuyển trong đời sống đương thời, truyện cổ tích lần lượt xuất hiện nhằm thể hiện khát vọng sống thiện của mọi người, thể hiện nhu cầu được sống tự do với đam mê và nguyện vọng, góp phần xây dựng xã hội công bằng. Bởi mang âm hưởng tư tưởng thời đại là thế, các chi tiết về nơi chốn và quê hương không được nêu cụ thể, cộng với tính chất truyền miệng của văn học dân gian đã khiến cổ tích trở thành thể loại văn học dân gian có nhiều dị bản nhất. Mỗi vùng miền lại có một phiên bản cổ tích khác nhau, tạo ra sự đa dạng về văn học dân gian Việt Nam.

Xem thêm: Văn học dân gian & Sơ lược về các thể loại văn học dân gian.

Các đề tài của truyện cổ tích

Vậy đề tài của truyện cổ tích là gì? Tựu chung thì, đề tài của truyện cổ tích xoay quanh những vấn đề nhức nhối trong xã hội cũ, lấy bối cảnh làng quê quen thuộc làm trọng điểm. Với sự xuất hiện các tuyến nhân vật trái ngược, truyện cổ tích được kể lại nhằm làm rõ nỗi niềm của con dân trong xã hội cũ, vạch trần những bất công, oan trái mà người nông dân, đại diện cho bên Thiện, phải chịu những áp bức bóc lột như thế nào. Qua đó, người đọc có thể nhìn thấy văn hóa ứng xử của con người trong giai đoạn xưa, những phong tục, tập quán đã thất truyền, cũng như hiểu rõ hơn về những xung đột giai cấp, được thể hiện qua những tình tiết trong câu chuyện cổ tích.

Các tuyến nhân vật được chia làm 2 nhóm chính, nhóm người chính nghĩa, hiền lành đại diện cho sự lương thiện và những con người độc ác, thâm hiểm đại diện cho phe phản diện. Hai tuyến nhân vật song hành ngụ ý rằng lương thiện và hiểm ác luôn tồn tại song hành bên trong mỗi chúng ta. Thông qua đặc điểm này của truyện cổ tích, ta có thể nhìn thấy quan điểm duy tâm của người Việt: từ lâu về trước, con người Việt Nam đã có một niềm tin vào sự tồn tại của đấng sáng thế cũng như sức mạnh của họ. Điều này cho phép họ có cơ sở lý giải những hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh, góp phần củng cố cho mong ước sống thiện của mình.

Dựa vào định nghĩa này, có thể chia đề tài xuất hiện trong truyện cổ tích thành hai loại chính: truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Được sinh ra trong quá trình sinh hoạt của người bình dân, các thể loại truyện cổ tích ghi nhận những sự việc diễn ra trong cuộc sống, rồi chuyển hóa nó thành những câu chuyện kể, góp phần làm giàu cho văn hóa dân gian Việt Nam.

Xem thêm: Khái quát các đặc điểm nổi bật của văn hóa dân gian

Truyện cổ tích thần kỳ

Đặc điểm của truyện cổ tích thần kỳ là tập hợp những các câu chuyện hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng, có sự xuất hiện của phép màu nhằm dựng nên ước mơ của con người vào một xã hội công bằng. Là một thể loại văn học tiếp nối ngay sau Truyền Thuyết và Thần Thoại, phản ánh lại đời sống thường nhật của dân chúng, đặc điểm của truyện cổ tích thần kỳ là đề tài thường lấy chất liệu đời thực, ở đó kể lại cuộc hành trình của các nhân vật chính, họ phiêu lưu vào những vùng đất bí ẩn, dần thay đổi hoàn thiện bản thân và tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Khác với thể loại truyền thuyết và thần thoại, vốn xoay quanh các nhân vật chính mang sức mạnh khác thường, cổ tích thần kỳ sử dụng phép màu với vai trò hỗ trợ, tham gia vào sự phát triển của hai tuyến nhân vật. Sự hỗ trợ của phép màu chính là một đặc điểm của truyện cổ tích, giúp ta phân biệt được truyện cổ tích với các thể loại khác. Nhờ đó ta có thể thấy được ước mơ mãnh liệt về 1 cuộc sống ấm êm, một xã hội chính nghĩa lương thiện, nơi cái ác sẽ bị trừng phạt và công lý được thiết lập.

Tại Việt Nam, bạn có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm truyện cổ tích được lưu truyền dưới nhiều dạng sách: sách nói, sách tranh hay sách tiểu thuyết. Một số tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này có thể kể đến Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Sọ Dừa, Cóc kiện trời,…

Truyện cổ tích sinh hoạt

Theo chân truyện cổ tích thần kỳ là truyện cổ tích sinh hoạt. Ra đời muộn hơn so với thể loại truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt được ghi nhận là xuất hiện từ khoảng thế kỷ XV. Đặc điểm của thể loại này là ít hoặc không xuất hiện các yếu tố thần kỳ, vốn là một trong những đặc điểm của truyện cổ tích. Đề tài trong truyện cổ tích sinh hoạt bao quát tất cả những vấn đề diễn ra trong cuộc sống, ở đó tác giả có thể sử dụng các biện pháp nhân hóa, làm rõ mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh, từ đó tôn vinh những đức tính cao đẹp, quý giá mà con người nên học theo.

Cổ tích sinh hoạt thường bị nhầm lẫn với truyện ngụ ngôn, nhưng chúng ta vẫn có thể phân biệt được 2 thể loại này. Điểm khác nhau giữa hai thể loại này chính là sự xuất hiện của phép màu, cũng như mục tiêu mà chúng truyền tải đến người đọc. Với truyện ngụ ngôn, mục đích giáo dục được thể hiện thông qua các sự kiện diễn ra trong câu chuyện, ngoài ra không có phép màu hoặc các sự kiện bất thường không thể lý giải nào diễn ra.

Ngược lại, để biểu đạt ước mơ và cái đẹp bên trong của con người, cốt truyện cổ tích sinh hoạt vẫn giữ nguyên sự phát triển đối lập giữa hai tuyến nhân vật, phép màu ở đây có thể là những sự kiện bất thường diễn ra, như việc đột nhiên khỏe mạnh bất thường, hoặc vợ chồng chẳng gần gũi nhau nhưng vẫn mang thai…

Thêm vào đó, cái kết tuyệt đối giữa thiện-ác đã dần mất đi trong thể loại cổ tích sinh hoạt, nhường chỗ cho sự thay đổi, chuyển hóa linh hoạt giữa thiện-ác: Kẻ ác có thể hoàn lương, người tốt có thể tha hóa. Không chỉ nhắc lại sự tồn tại song song của thiện-ác, kết thúc theo hướng này làm truyện cổ tích đa dạng hơn về bài học, phản ánh một góc nhìn khác của con người Việt Nam về sự hoàn lương: đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại.

Truyện cổ tích sinh hoạt nổi tiếng trong văn học dân gian có thể kể đến Đồng Tiền Vạn Lịch (nói về tình nghĩa vợ chồng), Sự tích con Thằn lằn (dạy dỗ con người về lòng tham), cái cân thủy ngân (lòng tham của con người có thể khiến kẻ khác gặp nạn)…

Các đặc điểm của truyện cổ tích

Vậy đặc điểm của truyện cổ tích là gì? Nhìn chung, truyện cổ tích xuất hiện nhằm thể hiện ước mơ của con người trong xã hội bình dân, về cuộc sống tự do, công bằng, nghiêm minh. Chính vì vậy, đặc điểm của truyện cổ tích có thể thu gọn thành 3 đặc điểm chính: tính dị bản, và các yếu tố thần bí, tính thẩm mỹ cao.1

1. Yếu tố thần bí

Một đặc điểm của truyện cổ tích giúp thể loại này khác biệt so với các câu chuyện khác, như ngụ ngôn hay thần thoại, đó là sự xuất hiện của các yếu tố thần bí, như phù thủy, ông bụt, ma thuật, thần linh hay ác quỷ xuất hiện trong truyện cổ tích đóng vai trò hỗ trợ, hậu thuẫn cho các nhân vật. Khác với thần thoại, vốn là những câu chuyện trọng tâm xoay quanh những nhân vật sở hữu phép màu và ma thuật, các nhân vật chính xuất hiện trong truyện cổ tích thường là những con người bình thường, có xuất thân từ tầng lớp nông dân. Điều này đã tạo nên sự đồng cảm rất lớn giữa người đọc và nhân vật, với ngụ ý rằng những yếu tố những yếu tố thần bí xuất hiện ngụ ý cho niềm tin của con người vào thế lực linh thiêng, với mong ước được chở che, phù hộ.

Qua đó, yếu tố thần bí đã nhấn mạnh một quan điểm chung của thể loại văn học dân gian này, rằng ở hiền ắt gặp lành, còn làm điều gian ác, hãm hại người khác ắt sẽ nhận lấy quả đắng. Có thể nói, yếu tố thần kỳ của cổ tích được xem như quan điểm sơ khai của con người về yếu tố nhân quả. Họ đã có nhận thức mờ mịt về cuộc sống ở kiếp sau, chính vì vậy việc được phép màu hỗ trợ đã củng cố niềm tin ấy trong tín ngưỡng dân gian.

Không chỉ riêng Việt Nam, đây còn là đặc điểm của truyện cổ tích trên toàn thế giới. Tuy nhiên ở mỗi văn hóa, phép màu sẽ được tùy chỉnh cho phù hợp với câu chuyện, cũng như phong tục tập quán của con người nơi ấy. Nhưng nhìn chung yếu tố thần bí vẫn là nhân tố quan trọng giúp các tuyến nhân vật giải quyết rắc rối và đi đến hồi kết.

Bên cạnh đó, những câu chuyện cổ tích lấy động vật làm trung tâm còn sử dụng phép nhân hóa, nhằm làm câu chuyện sống động, dễ tiếp cận đến nhiều nhóm độc giả khác nhau, từ trẻ em cho đến người lớn.

2. Tính dị bản

Trước khi có sự ra đời của chữ viết, lưu truyền bằng miệng, hay còn gọi là văn học dân gian là phương thức phổ biến hơn cả, chính vì vậy dị bản đã trở thành đặc điểm của truyện cổ tích. Không giới hạn đề tài, và ai cũng có thể sáng tác truyện cổ tích, con người bình dân xưa đã quan sát, ghi nhớ sau đó diễn dịch chúng dưới dạng những mẩu chuyện ngắn thường ngày, nhằm răn đe, giáo dục hoặc mua vui cho dân chúng. Vì hoàn toàn thuộc về trí tưởng tượng mà truyện cổ tích thường không nhắc đến một địa danh, nhân vật nhất định, cộng hưởng với tư duy thẩm mĩ của từng tộc người, đã nhào nặn nên nhiều tác phẩm khác nhau, phản ánh rõ rệt sự khác biệt văn hóa của từng tộc người, với nội dung mở đầu mơ hồ mang màu sắc cổ tích giống nhau: Ngày xửa ngày xưa…

Theo khảo sát, nhiều câu chuyện cổ tích đã xuất hiện từ rất lâu về trước trong lịch sử loài người, khiến việc truy tìm tác giả trở nên vô cùng khó khăn. Trước khi các lục địa và quốc gia được thành lập như ngày nay, các dải lục địa Á Âu đã từng dính lại thành một vùng đất rộng lớn, sau đó mới di chuyển thành các châu lục như bây giờ. Lời giải thích này đã lý giải cho việc nhiều câu chuyện cổ tích vô hình trung có phần cốt truyện khá tương đồng. Tuy nhiên dưới sự khác nhau về văn hóa, nhiều câu chuyện đã được biến đổi cho phù hợp với văn hóa và lịch sử của vùng ấy.

Một ví dụ điển hình đó là Tấm Cám (Việt Nam), cô bé Lọ Lem (Pháp), và nàng Yeh Shen của Trung Hoa. Hơn thế nữa, mỗi khu vực khác nhau trong nước cũng sẽ có một phiên bản truyện khác nhau, khắc họa rõ nét văn hóa của từng vùng.

(3 câu chuyện cổ tích có nét tương đồng đến từ 3 quốc gia khác nhau, lần lượt là Tấm Cám của Việt Nam, chuyện nàng Yeh Shen của Trung Quốc và Cô bé Lọ Lem của Pháp)

3. Tư duy thẩm mỹ của con người

Đặc điểm của truyện cổ tích còn thể hiện qua tính thẩm mỹ trong câu chuyện. Với sự tự do trong việc tìm đề tài, người nông dân, giờ đây là những nghệ sĩ có thể tự do tìm kiếm đề tài theo sở thích của mình. Họ uyển chuyển biến những sự việc thông thường thành những cốt truyện súc tích, thu hút người nghe, thể hiện được sự đối lập giữa cái tốt và cái xấu, nhằm đề cao đức tính cao đẹp, tạo nên yếu tố thẩm mỹ trong câu chuyện. Người viết đã sử dụng những chất liệu đời thường để thêu dệt nên những bài học triết lý, từ đó làm cho người đọc nâng cao được khả năng cảm thụ nghệ thuật. Những câu chuyện cổ tích ra đời sau này thường có nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc hơn, miêu tả rõ nét mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh.

Trên đây là những đặc điểm của truyện cổ tích giúp thể loại truyện này trở nên nổi bật so với các thể loại văn học dân gian khác, được chắt lọc và biên soạn dành cho bạn. Hãy tham khảo thêm những bài viết khác tại Twinkl để có thêm nhiều tri thức hay nhé!

Nguồn: Twinkl


Click to listen highlighted text!