Văn học dân gian
Các thể loại văn học dân gian của văn học Việt Nam
Khác với thể loại văn học tinh hoa lấy bối cảnh cung triều để mô tả lại một bộ phận quý tộc thời phong kiến, văn học dân gian với sự dân dã đã trở thành món ăn tinh thần của một bộ phận đông đảo quần chúng. Hãy cùng Twinkl tìm hiểu 6 thể loại văn học dân gian đã gìn giữ văn hóa Việt Nam cổ đại nhé.
Văn học dân gian là một trường phái văn học được hình thành trong quá trình sinh sống và làm việc của con người cổ đại, tập hợp những câu chuyện kể lấy cảm hứng từ những sự việc hiện tượng xuất hiện trong cuộc sống. Khác với văn học viết sử dụng giấy và chữ viết để lưu truyền, văn học dân gian Việt Nam chủ yếu được truyền miệng qua nhiều thế hệ, thông qua những câu chuyện kể ngắn hoặc những mẩu truyện được đem ra để nói trong cuộc sống hằng ngày.
Xem thêm: Khái quát văn học dân gian Việt Nam
Khi đời sống vật chất dần ổn định, con người bắt đầu hướng đến những giá trị khác nhau trong cuộc sống. Họ bắt đầu có nhu cầu khám phá thế giới nội tâm nhiều hơn, từ đó các thể loại văn học dân gian khác nhau ra đời để đáp ứng cho nhu cầu đó của con người. Có thể kể đến các nhu cầu chính yếu như nhu cầu giáo dục, nhu cầu châm biếm giải trí, nhu cầu khẳng định cái tôi hoặc nhu cầu lưu truyền lịch sử.
Xem thêm: Văn hóa dân gian
Có bao nhiêu thể loại văn học dân gian?
Dựa vào những loại nhu cầu này, chúng ta có 12 thể loại văn học dân gian truyền thống của Việt Nam: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao tục ngữ, thành ngữ, vè, câu đố và chèo. Các thể loại này đa số được truyền miệng rộng rãi trong phần lớn quần chúng, ở mỗi vùng sẽ có những dị bản và sự thay đổi về tên họ, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của khu vực đó.
12 thể loại văn học dân gian Việt Nam này lại được phân chia thành 3 nhóm nhỏ hơn dựa vào phương thức biểu đạt của nó:
• Văn xuôi với lối viết kể chuyện gồm truyền thuyết, thần thoại, sử thi, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười.
• Thơ ca gồm những vần thơ ngắn dài khác nhau được thiết kế theo quy tắc gieo vần gồm có ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu đố và vè.
• Nghệ thuật biểu diễn sân khấu kết hợp giữa thơ ca và âm nhạc gồm có hát chèo.
Các thể loại văn học dân gian trong văn học dân gian Việt Nam
1. Thần thoại
Thần thoại là những câu chuyện được lấy cảm hứng từ những sự vật hiện tượng tự nhiên xảy ra trong lịch sử, kết hợp với sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con người nhằm phản ánh tư tưởng chủ quan của con người về sự vận động của thế giới, lý giải sự hình thành của thế giới xung quanh. Giống như nhiều câu chuyện thần thoại khác trên thế giới, thần thoại Việt Nam gắn liền với tín ngưỡng và niềm tin của con người vào sức mạnh của các thế lực tự nhiên, đồng thời lý giải những hiện tượng vĩ mô, như mặt trời, mặt trăng, chuyện sinh đẻ hay sự chuyển động ngày đêm.
Tuy nhiên, với sự vận động của thế giới và thay đổi trong tư tưởng của quần chúng, những câu chuyện thần thoại đã dần bị đồng hóa với các thể loại văn học dân gian khác, trở thành các thể loại văn học dân gian thông dụng với quần chúng hơn như truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn,.. Từ đó mang đến nhiều bài học và thể hiện được rõ nét hơn về quan điểm của dân tộc Việt Nam.
2. Truyền thuyết
Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian Việt Nam, kể lại những nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Các truyền thuyết trong văn học dân gian thường có sự xuất hiện của các yếu tố kì ảo hư cấu, qua đó thể hiện góc nhìn của quần chúng với các nhân vật lịch sử xuất hiện trong truyền thuyết, qua đó phản ánh nguồn gốc và sự xuất hiện của các phong tục tập quán ở các vùng, khắc họa được những nét tính cách của các nhân vật lịch sử, mở rộng hơn là dân tộc Việt Nam.
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất của người Việt Nam là hình tượng tứ bất tử, bao gồm Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bốn nhân vật này đã trở thành đại diện cho những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời ca ngợi những công lao, cống hiến của các vị tổ tiên vào công cuộc xây dựng đất nước.
Xem thêm: Truyền thuyết về bốn vị thánh bất tử trong văn học Việt Nam
Xem thêm: Truyền thuyết
3. Sử Thi
Sử thi còn gọi là anh hùng ca. Thể loại văn học dân gian này là dạng tự sự dài (thường là thơ) xuất hiện rất sớm trong lịch sử của các dân tộc nhằm ngợi ca những sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử. Bức tranh sử thi lấy trọng tâm là sự xuất hiện của những vị anh hùng, xoay quanh họ là thế hệ quần chúng nhân dân rộng khắp đang từng bước tiến đến xã hội văn minh. Những bài sử thi anh hùng đã cho chúng ta thấy cách tổ chức và sinh hoạt và bối cảnh lịch sử của quần chúng nhân dân trong xã hội cổ đại.
Sử Thi có cốt truyện đa dạng, là sự pha trộn giữa truyền thuyết và thần thoại. Nếu truyền thuyết xuất hiện những yếu tố kỳ ảo, làm nền cho sự phát triển và đóng góp của nhân vật, thì sử thi anh hùng thường được thuật lại dựa trên những gì đã xảy ra trong thực tế. Nổi tiếng nhất là sử thi Đam San của dân tộc Ê đê, nói về sự nghiệp của vị anh hùng Đăm Săn, với 2077 câu, sử thi Đam San không chỉ phản ánh được nét văn hóa vùng cao của dân tộc Ê Đê tại vùng đất Tây Nguyên, câu chuyện còn nói về sự anh dũng, những chiến công trong công cuộc thống nhất bộ lạc của vị tù trưởng dũng cảm này.
4. Cổ tích
Khác với truyền thuyết lấy cảm hứng từ những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử, cổ tích tập hợp những câu chuyện hư cấu, mang hơi hướng của đại chúng và kể lại những mẩu chuyện ngắn xảy ra trong đời sống thường ngày của con người. Sử dụng màu sắc huyền ảo kết hợp với trí tưởng tượng, cổ tích là những áng văn xuôi thể hiện khát khao sống hướng thiện cùng tư duy bài trừ cái ác của con người. Sự xuất hiện của các yếu tố kì ảo như phép màu, thần linh cũng phản ánh được niềm tin của con người, rằng ở hiền thì sẽ gặp lành.
Các nhân vật xuất hiện trong truyện cổ tích vốn chỉ được dùng để thể hiện khát vọng sống thiện của con người, vì vậy các chi tiết về nơi chốn và quê hương không được nêu cụ thể, cộng với tính chất truyền miệng của văn học dân gian đã khiến cổ tích trở thành thể loại văn học dân gian có nhiều dị bản nhất. Mỗi vùng miền lại có một phiên bản cổ tích khác nhau, tạo ra sự đa dạng về văn học dân gian Việt Nam.
Xem thêm: Truyện cổ tích
5. Truyện ngụ ngôn
Các câu chuyện ngụ ngôn thường sử dụng chất liệu cuộc sống, mượn hình ảnh của các sự vật, con vật và nhân hóa chúng lên để mô tả lại mối quan hệ giữa con người. Thông qua các tình huống được miêu tả trong câu chuyện, truyện ngụ ngôn truyền tải những bài học về đạo đức, lễ nghi và đạo lý làm người, từ đó giúp người nghe rút ra những kinh nghiệm sống, tránh mắc phải những lỗi lầm không đáng có, hướng đến một cuộc sống bình yên, đồng thời bồi dưỡng nhân cách giúp con người trở nên chính trực, dũng cảm, khôn ngoan hơn.
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất ở Việt Nam chính là câu chuyện ếch ngồi đáy giếng, kể về một con ếch sinh sống ở đáy giếng nên chỉ biết đến thế giới bên ngoài thông qua miệng giếng. Vì sự huênh hoang ấy mà khi ếch thoát ra khỏi đáy giếng thì đã bị một chú bò giẫm phải. Ngụ ý của câu chuyện nhắc đến sự khiêm tốn, rằng thế giới xung quanh thực sự rộng lớn, cần phải liên tục trau dồi và học hỏi chứ đừng tự cao vì những gì ta đã biết.
Xem thêm: Đặc điểm nổi bật của thể loại truyện ngụ ngôn
6. Truyện cười
Giống như tên gọi của nó, truyện cười là thể loại văn học dân gian thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người. Thông qua những tình huống trớ trêu buồn cười trong câu chuyện, không chỉ mang lại tiếng cười sảng khoái cho người nghe, truyện cười còn là một sự phê phán ý nhị về những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống.
Xem thêm: Truyện cười dân gian
7. Ca dao
Khác với các thể loại văn xuôi truyền miệng bên trên, ca dao là những bài ca ngắn, phản ánh đời sống sinh hoạt lịch sử, diễn biến nội tâm của con người và thái độ của họ. Cụm từ ca dao cũng có xuất xứ từ tiếng Hán, trong đó ca có nghĩa là những chương khúc, giai điệu, còn dao có nghĩa là những bài hát ngắn, không có đầu đuôi thứ tự chương lục. Ca dao có thể được trình bày dưới dạng câu đơn không theo quy luật, hoặc thể thơ lục bát truyền thống phối cùng với âm nhạc. Chúng ta có thể bắt gặp những câu ca dao thông qua lời hát ru của các mẹ ở miền nông thôn Việt Nam, mang giai điệu đơn sơ êm đềm và tùy hứng dài ngắn khác nhau.
8. Tục ngữ
Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức dưới hình thức những câu nói ngắn gọn súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền. Trong khi ca dao là những câu hát ngắn, không có quy luật cụ thể thì tục ngữ lại có tính ổn định với số chữ cụ thể cùng quy tắc gieo vần. Tục ngữ thường được nhắc đến cùng ca dao là vì chúng ta có thể phối hợp ca dao tục ngữ, kết hợp giữa nhận định về cuộc sống cùng những bài học răn dạy, tạo thành tổ hợp ca dao tục ngữ, vừa mang tính giáo dục vừa có tính tượng hình đặc sắc. Sau này, ca dao tục ngữ được phục dựng và tiếp tục phát triển dưới sự ảnh hưởng của văn học viết, 2 thể loại văn học dân gian này được lưu trữ dưới dạng thơ lục bát, sáng tạo thành 1 thể thơ mới.
Xem thêm: Thơ lục bát
9. Thành ngữ
Khác với tục ngữ đơn giản về ngữ nghĩa, giúp người nghe gần như hiểu được ngay lập tức ý nghĩa và bài học kinh nghiệm, thành ngữ là tập hợp những đoạn, câu, cụm từ có sẵn, tương đối cố định, bền vững, không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động. Vì lý do đó, những hình ảnh xuất hiện trong thành ngữ thường khó hiểu, không thể lý giải dựa trên những từ cấu thành nó, cần nhiều thời gian suy ra từ những điển tích lịch sử thì mới có thể hiểu được.
10. Câu đố
Là một thể loại văn học dân gian mang tính giải trí, câu đố được xây dựng nhằm thử thách phán đoán của người nghe. Thông thường câu đố Việt Nam cũng sử dụng quy tắc gieo vần, chủ yếu là thể thơ lục bát tạo ra sự quen thuộc cho người nghe. Kết hợp trong câu đố là những nghệ thuật ngôn ngữ khác nhau, như chơi chữ, gieo vần, từ đồng âm…
11. Vè
Theo Đại Nam Quốc Tự Vị, Vè là cách nói văn vần theo nhịp điệu, thể hiện quan điểm khen chê của người nói, đồng thời kể nên những mẩu chuyện hài hước, hoặc phản ánh cuộc sống hiện thực. Với sự kết hợp của tư duy âm nhạc và nhịp điệu, vè được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ câu 4 5 chữ, thơ lục bát, hát giặm, nói lối… Mỗi vùng miền sẽ có những bài vè đặc trưng, từ vè đồng dao cho trẻ con, vè thế sự nhằm phản ánh cuộc sống.
12. Chèo
Là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam phát sinh và phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ, Chèo có nguồn gốc từ múa hát dân gian. Hát chèo dần dần được phổ biến rộng rãi, được dân chúng ưa thích và trở thành lối hát bình dân. Nội dung Chèo phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống, đề tài có ý nghĩa luân lý, những đoạn đối thoại sử dụng lời lẽ như trong sinh hoạt thường ngày nhưng ý tứ rất sâu sắc. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian được phối lại một cách tài tình. Chèo cũng rất giàu chất “trữ tình”, thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương. Đạo lý nhân dân, nổi bật là tinh thần nhân đạo được thể hiện sâu sắc trong các vở Chèo. Trong đó, cái thiện luôn chiến thắng, người sống ngay thẳng thì nhận được những thành quả xứng đáng.
Hát Chèo gồm 3 cách hát chính: nói lối, nói sử, nói lửng. Ngôn ngữ Chèo dùng nhiều câu ca dao theo thể lục bát nhưng phóng khoáng về câu chữ, cũng có những đoạn sử dụng những câu thơ chữ Hán có điển cố. Sân khấu Chèo không trình diễn theo cấu trúc cố định (như trong sân khấu Châu Âu) mà các nghệ sĩ có thể tự ứng diễn. Do vậy, vở Chèo kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người nghệ sĩ hoặc theo đòi hỏi của khán giả. Trong quá trình diễn, nghệ sĩ Chèo không nhất thiết tuân thủ kịch bản mà được phép tự do bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Theo ước tính hiện nay, số làn điệu Chèo là khoảng trên 200. Là một trong các thể loại văn học dân gian cổ truyền, sân khấu Chèo là một sự kết hợp giữa văn học dân gian, lồng ghép những áng văn chương truyền miệng vào nghệ thuật sân khấu cổ truyền, vừa mang đến niềm vui giải trí vừa trở thành những bài học sâu sắc trong cuộc sống, sánh ngang với Kinh Kịch của Trung Hoa và Kịch Nô của Nhật Bản.
Nguồn: Twinkl