Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái và Hôm Nay


Nguyễn Quốc Huy

Cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), thường được mệnh danh là Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, diễn ra vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 ở miền Bắc, nhằm ngày mười hai tháng giêng năm Canh Ngọ.

Được phát động do nguyên nhân gần là lý do khách quan, cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra trong hòan cảnh khó khăn. Giữa tình thế đang căng thẳng vì bị chính quyền thực dân truy nã gắt gao sau vụ ám sát Bazin năm 1929, tự phát do một vài đảng viên nóng lòng tranh đấu, nghĩa quân Việt Quốc đã can trường tham gia một lọat tấn công vào các địa điểm trọng yếu của quân Pháp tại hơn chục tỉnh miền Bắc. Tiếc thay, do gặp trở ngại trong việc thông tin liên lạc và chuyển binh cũng như quân thiết bị, cuộc khởi nghĩa chỉ xảy ra ở các tỉnh Hưng Hóa, Lâm Thao, Phụ Dực, Vĩnh Bảo, và Yên Bái. Khỏang 300 chiến sĩ VNQDĐ được huy động từ các vùng lân cận về Yên Bái. Chỉ sau 3 giờ giao tranh hôm 11 tháng 2, nghĩa quân đã làm chủ được tình hình và hạ được viên chỉ huy đồn người Pháp, tuy nhiên sau đó phải rút vào rừng khi máy bay Pháp từ Hà Nội đến oanh kích. Nhiều anh hùng Việt Quốc đã anh dũng đền nợ nước.

Cuộc vùng dậy quy mô của VNQDĐ diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị chia cắt tuy không phải về mặt địa dư nhưng về phương diện tinh thần, bởi chủ trương chia-để-trị nhằm chia rẽ ba miền Nam Trung Bắc do chính quyền thực dân đặt ra sau khi Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ ở Việt Nam vào năm 1884. Dưới sự cai trị bóc lột của thực dân, người Việt khi đó đa số nghèo khổ và không có điều kiện để đến trường.

Nỗi lầm than của nhân dân và thế nhược quốc bị đô hộ của đất nước đã dẫn đến hàng lọat các cuộc khởi nghĩa của người Việt.

Tuy ra đời sau phong trào duy tân và canh tân như Văn Thân và Cần Vương, Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, cũng như VNQDĐ, đã tập hợp được đông đảo nhất số thanh niên trí thức bên cạnh các thành phần xã hội thường thấy trong các cuộc nổi dậy khi ấy là sĩ, nông, công. Nói đến điểm này người ta cũng nhớ tới một điểm đáng ghi nhận khác là vào thời gian đó, chỉ sau chưa đầy 2 năm hình thành, VNQDĐ đã chiêu mộ được đến vài ngàn đảng viên với khoảng 120 tiểu tổ võ trang bí mật. Sự bành trướng ấy, đã tạo điều kiện để Việt Quốc mở rộng địa bàn họat động, tiến vào Trung Kỳ và Nam Kỳ, thật là một chuyện không dễ dàng trong hòan cảnh bị kiểm sóat chặt chẽ và gắt gao bởi chính quyền thực dân thời bấy giờ, đặc biệt là khi nhóm lãnh đạo của VNQDĐ tất cả đều còn trẻ, chưa ai đầy 30 tuổi.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái tuy không đạt kết quả mong muốn nhưng đã tạo những ảnh hưởng sâu đậm và rộng rãi đến tinh thần đấu tranh của không chỉ thế hệ đương thời mà còn của các thế hệ về sau của Việt Nam, và góp thêm vào lịch sử Đại Việt những chương oai hùng, chính khí. Ngay một vài năm sau đó, phong trào đấu tranh vì quốc dân nổi dậy mạnh mẽ tại Việt Nam với các đảng như Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội và Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Hồi tưởng ngày này năm xưa, người ta thêm một lần xúc động mãnh liệt trước sự quả cảm của các anh hùng, anh thư VNQDĐ. Hàng ngàn nghĩa quân Việt Quốc đó, vào hơn 3 thế hệ trước, chỉ cách đây vài mươi năm, đã hy sinh cho đại nghĩa dù có người chỉ đang ở độ hoa niên, còn cả một tương lai trước mắt. Đem tuổi xanh hiến cho đời, họ xem cái chết nhẹ như không, hiên ngang kẻ ra chiến trận, người ra pháp trường dâng máu xương cho dân cho nước. Trong lòng những người con yêu của tổ quốc ấy dường như chỉ canh cánh nỗi đau cho quốc dân đang điêu linh dưới sự thống trị của ngọai bang, nỗi lo cho quê hương đang đắm chìm trong vòng nô lệ.

Hơn 80 năm đã qua kể từ ngày diễn ra Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, cuộc nổi dậy không ngòai mục tiêu của VNQDĐ là thực hiện một cuộc cách mạng nhằm đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi để giành độc lập cho tổ quốc, thực thi tôn chỉ của đảng là “Dân tộc độc lập,” “Dân quyền tự do,” “Dân sinh hạnh phúc.”

Lịch sử đôi khi có những trùng hợp đáng suy nghĩ. Người ta dễ dàng nhận ra rằng Việt Nam hôm nay tuy không chính thức bị cai trị bởi ngọai bang nhưng xã hội và đất nước cũng lâm vào hòan cảnh tương tự như thời Pháp thuộc, nếu không nói là còn tệ hơn rất nhiều. Đại đa số dân chúng cũng đang vô cùng khốn khổ đói nghèo do chính sách cai trị đầy sai trái, thiếu hiệu quả. Công nhân bị bóc lột nặng nề. Nông dân bị cướp đất cướp ruộng. Thanh niên không có việc làm, lao đầu vào con đường phạm pháp hay trác táng sa đọa.

Học sinh thay nhau bỏ học vì cha mẹ không còn khả năng cho con đến trường. Hàng triệu phụ nữ và trẻ em trở thành nô lệ tình dục dưới hình thức này hoặc hình thức khác chỉ vì sự nghèo đói. Đáng buồn hơn, đạo đức nói chung xuống dốc không phanh và sự suy đồi, băng họai ngày càng gia tăng đến mức báo động. Đáng lo hơn, xã hội ngày càng mất kỷ cương, luật pháp bị xem nhẹ, tham nhũng trở thành quốc nạn, mọi quyền công dân, dù được ghi trong hiến pháp, như tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội, tự do tôn giáo v.v.. đều bị ngang nhiên chà đap.

Nguy hiểm không kém thời bảo hộ thế kỷ trước, quyền tự quyết, sự tự chủ và nền độc lập của đất nước đang có vấn đề nghiêm trọng. Trong vòng hơn một thập niên trở lại đây đất đai và biển đảo của Việt Nam mất dần vào tay láng giềng Trung Hoa bằng cách này hoặc cách khác, chính thức hoặc không chính thức, từ các công hàm bí mật hay các hiệp ước công khai giữa Hà Nội và Bắc Kinh, từ việc dời các cột mốc biên giới Việt – Trung đến hành động cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc thuê rừng thuê đất trên khắp ba miền, và rước dòng Hán tộc vào Tây Nguyên dưới chiêu bài khai thác bauxit, dù các hành động này đe dọa nghiêm trọng đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Hàng trăm người công chính đã tha thiết bày tỏ lẽ phải. Hàng ngàn sĩ phu yêu nước thương dân đã thiết tha phân giải thiệt hơn. Thế nhưng, mọi nỗ lực ấy, sau bao năm ròng rã, xem chừng vô vọng. Không khác thời bị thực dân đô hộ, những người Việt yêu nước thương nòi hôm nay nếu lên tiếng hay biểu tình chống ngọai xâm thì bị chính quyền đàn áp dã man, bắt bớ giam cầm, ngay cả thủ tiêu.

Dưới thời thực dân, Đảng Trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học đã chủ trương thương thảo, nhiều lần gửi thư kêu gọi chính quyền Pháp tiến hành một số cải cách ở Việt Nam. Nỗ lực này hòan tòan thất bại vì sự ngoan cố của kẻ đô hộ. VNQDĐ, vì vậy, đã đi đến quyết định làm cách mạng võ trang lật đổ chế độ thực dân.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái tuy không thành công trước mắt nhưng đã là một trong những ngọn đuốc dẫn đường cho lịch sử, đưa Việt Nam thóat vòng đô hộ của thực dân sau đó không lâu. Từ những thập niên qua, tấm gương của các chiến sĩ VNQDĐ đã soi sáng cho những tâm hồn Việt khát khao tìm lối thóat cho dân cho nước. Các trang sử đẫm máu anh hùng Việt Quốc đã lưu truyền cho đến bây giờ và mãi mãi ngàn sau.

Trong tình thế nước nhà hiện tại, trong trào lưu dân chủ đương đại mà cuộc cách mạng ở Tunisia và cuộc nổi dậy của quần chúng ở Ai Cập vừa nhóm lại ngọn lửa tự quyết của người dân; không phải là viễn vông khi nói rằng một Cuộc-Tổng-Khởi-Nghĩa-Yên-Bái-Hôm-Nay sẽ là một cần thiết để Việt Nam giành lại độc lập, tự do và hạnh phúc, để đất nước và dân tộc kịp qua bờ vực thẳm trước khi quá trễ.

Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng, bất cứ một thế lực nào đi ngược lại với lòng dân, bất cứ một chính quyền tàn bạo phi nhân nào, dù độc tài xảo trá đến đâu, đều chẳng chóng thì chầy sẽ gặp ngày cáo chung.

10.2.2011

Click to listen highlighted text!