Tổng quan văn học Việt Nam
I – CÁC BỘ PHẬN HỢP THÀNH CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM
Văn học Việt Nam bao gồm các sáng tác ngôn từ với hai bộ phận lớn có quan hệ mật thiết với nhau: văn học dăn gian và văn học viết.
1. Văn học dân gian
Văn học dân gian là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Cũng có trường hợp người trí thức tham gia sáng tác văn học dân gian, nhưng các sáng tác đó phải tuân thủ những đặc trưng của văn học dân gian và trở thành tiếng nói tình cảm chung của nhân dân.
Văn học dân gian có các thể loại chủ yếu sau: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
Văn học dân gian có những đặc trưng tiêu biểu: tính truyền miệng, tính tập thể và sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng(1).
2. Văn học viết
Văn học viết là sáng tác của trí thức, được ghi lại bằng chữ viết. Là sáng tạo của cá nhân, tác phẩm văn học viết mang dấu ấn của tác giả.
a) Chữ viết của văn học Việt Nam
Nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay về cơ bản được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
Chữ Hán là văn tự của người Hán. Người Việt Nam đọc chữ Hán theo cách riêng gọi là cách đọc Hán Việt. Chữ Nôm là chữ viết cổ của người Việt, dựa vào chữ Hán mà đặt ra. Chữ quốc ngữ là thứ chữ sử dụng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt. Ở đầu thế kỉ XX, một số tác giả sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Pháp. Song, về cơ bản, có thể nói văn học Việt Nam từ thế kỉ XX trở đi là nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ. Cả văn học chữ Nôm và văn học chữ quốc ngữ đều là văn học viết bằng tiếng Việt.
b) Hệ thống thể loại của văn học viết
– Văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: Trong văn học chữ Hán, có ba nhóm thể loại chủ yếu: văn xuôi (truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi,…); thơ (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc,…); văn biền ngẫu (hình thức trung gian giữa thơ và văn xuôi, được dùng nhiều trong phú, cáo, văn tế,…). Ở văn học chữ Nôm, phần lớn các thể loại là thơ (thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói) và văn biền ngẫu.
– Văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay: loại hình và loại thể văn học có ranh giới tương đối rõ ràng hơn. Loại hình tự sự có tiểu thuyết, truyện ngắn, kí (bút kí, tuỳ bút, phóng sự). Loại hình trữ tình có thơ trữ tình và trường ca. Loại hình kịch có nhiều thể như kịch nói, kịch thơ,…
II – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM
Văn học Việt Nam là tác phẩm tinh thần của tất cả các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là một nền văn học thống nhất trong sự đa dạng. Bên cạnh những đặc trưng chung, văn học của mỗi vùng, miền, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng làm phong phú cho nền văn học của toàn dân tộc.
Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam đã trải qua ba thời kì lớn:
– Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.
– Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX(1).
Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hoá, văn học vùng Đông Á, Đông Nam Á; có quan hệ giao lưu với nhiều nền văn học khu vực, đặc biệt là văn học Trung Quốc.
Hai thời kì sau (văn học từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 và từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX) tuy có một số đặc điểm riêng biệt nhưng đều nằm trong một xu hướng phát triển chung của quá trình hiện đại hoá văn học nên có thể gọi chung là văn học hiện đại.
Văn học hiện đại hình thành và phát triển trong bối cảnh giao lưu văn hoá, văn học ngày càng mở rộng. “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ” (Hoài Thanh). Từ chỗ chỉ tiếp xúc, giao lưu với văn học các nước trong khu vực văn học Việt Nam đã tiếp nhận thêm tinh hoa của nhiều nền văn học trên thế giới để đổi mới.
Mỗi thời kì văn học nói trên đã vận động qua những giai đoạn khác nhau, chịu sự chi phối, quy định của hoàn cảnh lịch sử – xã hội. Những truyền thống lớn của văn học dân tộc như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo hình thành, phát triển trong văn học trung đại đã được kế thừa, phát huy trong văn học hiện đại.Tuy vậy, giữa văn học trung đại và văn học hiện đại cũng có một số khác biệt quan trọng.
1. Văn học trung đại (văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX)
Văn học trung đại Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Thực ra, người Việt đã tiếp xúc với chữ Hán từ đầu Công nguyên. Thời Bắc thuộc, có một số người Việt Nam đã thi đỗ tiến sĩ và làm quan ở Trung Quốc. Nhưng các sáng tác của họ không đủ để làm nên một nền văn học viết. Nền văn học viết Việt Nam chính thức hình thành từ thế kỉ X, khi dân tộc Việt Nam giành được chủ quyền từ tay các thế lực đô hộ phương Bắc. Văn học chữ Hán tồn tại cho tới cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Chữ Hán là phương tiện để nhân dân ta tiếp nhận những học thuyết lớn của phương Đông thời đó như Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang. Nhiều quan niệm triết học, chính trị, đạo đức thẩm mĩ trong văn học trung đại chịu ảnh hưởng của các học thuyết này. Nắm vững Hán học, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã tiếp nhận một phần quan trọng hệ thống thể loại và thi pháp văn học cổ – trung đại Trung Quốc.
Nhiều hiện tượng văn học lớn như thơ văn yêu nước và thơ thiền thời Lí – Trần, các thể loại văn xuôi như truyền kỳ (ví dụ Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục), kí sự (ví dụ Thượng kinh kí sự, Vũ trung tuỳ bút), tiểu thuyết chương hồi (ví dụ Nam triều công nghiệp diễn chí), có giá trị hiện thực và nhân đạo thuộc về văn học chữ Hán. Nhiều tác phẩm lớn, đáng tự hào của văn học Việt Nam được viết bằng chữ Hán. Các nhà thơ yêu nước và nhân đạo lớn thời trung đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,… đều có sáng tác thơ chữ Hán. Ngay trong giai đoạn văn học chữ Nôm phát triển mạnh ở thế kỉ XVIII, văn học chữ Hán vẫn có nhiều thành tựu.
Chữ Nôm có thể đã xuất hiện từ lâu, nhưng văn học viết bằng chữ Nôm bắt đầu phát triển mạnh từ thế kỉ XVvà đạt tới đỉnh cao ở cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Chữ Nôm và văn học chữ Nôm ra đời là kết quả của lịch sử phát triển văn học dân tộc. Văn học chữ Nôm là bằng chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng một nền văn hiến độc lập của dân tộc ta. Nhiều thành tựu của văn học Việt Nam nằm trong văn học chữ Nôm. Việc tiếp thu chủ động, sáng tạo thể thơ Đường luật có thể quan sát thấy trong thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan,… Rất hiếm thấy văn xuôi bằng chữ Nôm.
Nhờ có chữ Nôm mà các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát có được vai trò quan trọng trong sự hình thành các thể loại văn học dân tộc (truyện thơ Nôm, ngâm khúc, hát nói). Hàng loạt bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hàng loạt truyện Nôm bác học (như Sơ kính tân trang, Truyện Kiều) và truyện Nôm bình dân (như Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa), hàng loạt khúc ngâm, bài hát nói đã chứng tỏ năng lực sáng tạo to lớn của các nhà thơ Việt Nam khi sáng tác bằng tiếng Việt. Nhờ có chữ Nôm ghi âm tiếng Việt mà tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ bác học có thể dễ dàng đến được với nhân dân lao động. So với văn học chữ Hán thì văn học chữ Nôm tiếp nhận ảnh hưởng của văn học dân gian toàn diện, sâu sắc hơn. Sự phát triển của văn học chữ Nôm gắn liền với những truyền thống lớn nhất của văn học trung đại như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực, đồng thời phản ánh quá trình dân tộc hoá và dân chủ hoá của văn hoá trung đại.
2. Văn học hiện đại (văn học từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ XX)
Nếu từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX văn học Việt Nam chủ yếu nằm trong quan hệ giao lưu của vùng Đông Á và Đông Nam Á thì đến thế kỉ XX, văn học nước ta đã có quan hệ giao lưu quốc tế rộng hơn. Văn học hiện đại đã có mầm mống ở cuối thế kỉ XIX. Trải qua một giai đoạn giao thời ngắn từ đầu thế kỉ XX đến đầu những năm 30, văn học Việt Nam đã bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại, cụ thể là tiếp xúc với các nền văn học châu Âu. Văn học Việt Nam hiện đại là nền văn học tiếng Việt, chủ yếu viết bằng chữ quốc ngữ. Mặc dù từ giữa thế kỉ XVII, chữ cái La-tinh đã được dùng để ghi âm tiếng Việt, nhưng phải đến đầu thế kỉ XX, nó mới chính thức được xem là chữ “quốc ngữ”. Chữ quốc ngữ dễ học, do đó nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ là nền văn học có nhiều công chúng nhất trong lịch sử. Số lượng tác giả và tác phẩm của thế kỉ XX cũng đạt quy mô chưa từng có.
Văn học hiện đại Việt Nam một mặt kế thừa tinh hoa của văn học truyền thống, mặt khác tiếp thu tinh hoa của những nền văn học lớn trên thế giới để hiện đại hoá. Sự đổi mới khiến cho văn học hiện đại có một số điểm khác biệt lớn so với văn học trung đại:
– Về tác giả: đã xuất hiện đội ngũ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp lấy việc viết văn, sáng tác thơ làm nghề nghiệp.
– Về đời sống văn học: nhờ có báo chí và kĩ thuật in ấn hiện đại, tác phẩm văn học đi vào đời sống nhanh hơn, mối quan hệ qua lại giữa độc giả và tác giả mật thiết hơn, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn.
– Về thể loại: thơ mới, tiểu thuyết, kịch nói,.. dần thay thế hệ thống thể loại cũ, tuy một vài thể loại cũ của văn học trung đại vẫn tiếp tục tồn tại, song không còn đóng vai trò chủ đạo.
– Về thi pháp: hệ thống thi pháp mới dần thay thế hệ thống thi pháp cũ. Lối viết ước lệ, sùng cổ, phi ngã của văn học trung đại không còn thích hợp và lối viết hiện thực, đề cao cá tính sáng tạo, đề cao “cái tôi” cá nhân dần được khẳng định.
Cách mạng tháng Tám năm 1945, sự kiện lịch sử vĩ đại đã mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nhiều nhà văn của giai đoạn văn học 1930 – 1945 đã đi theo cách mạng, cống hiến tài năng và sức lực cho sự nghiệp văn học cách mạng của dân tộc.
Dân tộc ta đã tiếp thu nhiều thành tựu văn hoá của nhân loại trong cuộc tiếp xúc với thế giới. Nhưng công cuộc hiện đại hoá văn học của đất nước ta lại diễn ra trong hoàn cảnh phải đấu tranh để giải phóng khỏi ách nô dịch của các thế lực thực dân phương Tây. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Nhật và đế quốc Mĩ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, một nền văn học mới ra đời và phát triển dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành tựu văn học to lớn từ sau năm 1945 đến nay gắn liền với đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng và sự nghiệp lao động, chiến đấu của nhân dân ta.
Văn học thế kỉ XX đã phản ánh hiện thực xã hội và chân dung con người Việt Nam với tất cả các phương diện phong phú, đa dạng. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, văn học hiện thực đã ghi lại không khí ngột ngạt của xã hội thực dân nửa phong kiến, dự báo cuộc cách mạng xã hội sắp diễn ra. Văn học lãng mạn giai đoạn này lại khám phá, đề cao “cái tôi” cá nhân, đấu tranh cho hạnh phúc và quyền sống cá nhân. Sau Cách mạng tháng Tám, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đi sâu phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới.
Từ sau sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đặc biệt với công cuộc đổi mới từ năm 1986, văn học hiện đại Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Các nhà văn Việt Nam đã phản ánh một cách sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong văn học đương đại, có thể đọc được tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam trước những vấn đề mới mẻ của thời mở cửa, hội nhập quốc tế hết sức sôi động và phức tạp.
Thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam thế kỉ XX thuộc về văn học yêu nước và cách mạng, gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ giành độc lập dân tộc là hiện thực lịch sử vĩ đại đem đến những đề tài, nguồn cảm hứng mới, tạo tiền đề cho sự xuất hiện một nền văn học mới với những thành tựu nghệ thuật đáng trân trọng.
Về thể loại, bên cạnh sự tiếp tục phát triển của thơ, văn xuôi quốc ngữ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đã có một số tác phẩm có ý nghĩa mở đầu. Công cuộc hiện đại hoá thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong giai đoạn 1930 – 1945 và được tiếp tục đẩy mạnh trong các giai đoạn sau. Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn xuôi hiện thực trước Cách mạng, thơ kháng chiến chống Pháp, thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn, bút kí trong kháng chiến chống Mĩ cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước là những thành tựu lớn của văn học nước ta ở thế kỉ XX. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế, văn học Việt Nam đã và đang tích cực lựa chọn, tiếp nhận nhiều thành tựu nghệ thuật của văn học thế giới để hiện đại hoá, phát triển.
Nhìn chung, nền văn học Việt Nam đạt được những thành tựu lớn với những tác giả có tên tuổi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh,.. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Với ý chí và khả năng sáng tạo to lớn, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng được một nền văn học có vị trí xứng đáng trong văn học toàn nhân loại.
III – CON NGƯỜI VIỆT NAM QUA VĂN HỌC
Văn học là nhân học. Con người là đối tượng phản ánh, biểu hiện trung tâm của văn học. Văn học Việt Nam thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm chính trị, văn hoá, đạo đức, thẩm mĩ của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.
1. Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên
Dưới hình thức độc đáo của tư duy huyền thoại, các tác phẩm văn học dân gian đã kể lại quá trình ông cha ta nhận thức, cải tạo, chinh phục thế giới tự nhiên hoang dã để xây dựng non sông đất nước tươi đẹp và tích luỹ nhiều hiểu biết phong phú, sâu sắc về tự nhiên. Tình yêu thiên nhiên là một nội cung quan trọng của văn học Việt Nam.
Trong văn học dân gian (nhất là ca dao, dân ca), ta có thể bắt gặp những hình ảnh tươi đẹp và đáng yêu của thiên nhiên Việt Nam: núi và sông, đồng lúa và cánh cò, vầng trăng và dòng suối, gió và mây, cây đa và bến nước,… Cảnh quan các vùng miền khác nhau của đất nước rất đa dạng nên hình ảnh thiên nhiên trong ca dao, dân ca của mỗi vùng cũng có những nét đặc sắc riêng biệt.
Trong sáng tác thơ ca thời trung đại, hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ. Các hình tượng tùng, cúc, trúc, mai thường tượng trưng cho nhân cách cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh, mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao, ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho.
Trong văn học hiện đại, hình tượng thiên nhiên thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống, đặc biệt là tình yêu lứa đôi. Hương thơm của bông sen, bông bưởi, hình tượng sóng biển, cảnh mùa xuân,… thường gắn liền với những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu.
2. Con người Việt Nam trong quan hệ quốc gia, dân tộc
Từ thời xa xưa, dân tộc Việt Nam đã sớm có ý thức xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ. Một đặc điểm lớn của lịch sử Việt Nam là dân tộc ta đã phải nhiều lần đấu tranh và chiến thắng nhiều thế lực xâm lược hung bạo để bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình. Phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập ấy của dân tộc, có một dòng văn học yêu nước phong phú và mang giá trị nhân văn sâu sắc xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.
Tinh thần yêu nước trong văn học dân gian thể hiện nổi bật qua tình yêu lành xóm, quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, sự căm ghét các thế lực xâm lược giày xéo quê hương. Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại thể hiện chủ yếu qua ý thức sâu sắc về quốc gia, dân tộc, về truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc.Chủ nghĩa yêu nước trong văn học cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giai cấp và lí tưởng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn chung, lòng yêu nước trong văn học Việt Nam thể hiện qua tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước chói lọi những chiến công, đặc biệt qua ý chí căm thù quân xâm lược và tinh thần dám hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều tác phẩm lớn kết tinh lòng yêu nước từ xưa đến nay như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc Lập, nhiều tập thơ di sứ của các nhà nho,… nhiều tác gia văn học yêu nước lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… đã xây dựng nên một hệ thống tư tưởng yêu nước hoàn chỉnh. Nhiều tác phẩm của văn học yêu nước là những kiệt tác văn chương. Đặc biệt phải nhắc tới phẩm chất tiên phong chống đế quốc của nền văn học cách mạng Việt Nam thế kỉ XX. Chủ nghĩa yêu nước là một nội dung tiêu biểu, một giá trị quan trọng của văn học Việt Nam.
3. Con người Việt Nam trong quan hệ xã hội
Xây dựng một xã hột tốt đẹp là ước muốn ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Văn học dân gian có những ông tiên, ông Bụt toàn năng, những chàng hoàng tử hay cứu giúp những người dân khốn khó. Trong văn học trung đại, đó là ước mơ về xã hội Nghiêu – Thuấn. Trong văn học hiện đại, lí tưởng xã hội chủ nghĩa là một động lực to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống mới.
Trong xã hội phong kiến và thực dân nửa phong kiến, các nhà văn đã lên tiếng tố cáo, phê phán các thế lực chuyên quyền và bày tỏ lòng cảm thông với những người dân bị áp bức. Truyện cười dân gian, ca dao, tục ngữ đã tố cáo, đả kích, chế giễu giai cấp thống trị tham bạo, ức hiếp nhân dân. Nhiều tác phẩm thơ, truyện thơ, tiểu thuyết, kí đã miêu tả hiện thực xã hội đen tối, phơi bày những cảnh đời đau khổ của người dân, đòi giai cấp thống trị phải quan tâm đến quyền sống của con người.
Nhìn thẳng vào thực tại với tinh thần nhận thức, phê phán và cải tạo xã hội là một truyền thống lớn của văn học Việt Nam. Nhân vật của nhiều tác phẩm văn học không chỉ là nạn nhân đau khổ của xã hội áp bức, bất công mà còn là những con người biết đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, quyền sống. Kiều là một nạn nhân, song Từ Hải lại là người anh hùng chiến đấu cho chính nghĩa. Chị Dậu, Chí Phèo là nạn nhân, song nhiều nhân vật phụ nữ, nông dân, anh bộ đội của văn học chống Pháp và chống Mĩ lại tiêu biểu cho lí tưởng anh hùng cách mạng.
Cảm hứng xã hội sâu đậm là một tiền đề quan trọng cho sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học dân tộc.
Từ sau năm 1975, nhân dân ta đã thực sự bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội với những lí tưởng nhân đạo cao đẹp. Văn học Việt Nam đã và đang đi sâu phản ánh công cuộc xây dựng cuộc sống mới tuy còn khó kha7n gian khổ nhưng đầy hứng khởi và tin tưởng vào tương lai.
4. Con người Việt Nam và ý thức về bản thân
Văn học Việt Nam đã ghi lại quá trình tìm kiếm, lựa chọn các giá trị để hình thành đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam. Các học thuyết như Nho, Phật, Lão – Trang và tư tưởng dân gian có ảng hưởng sâu sắc đến quá trình này.
Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như đấu tranh chống ngoại xâm, cải tạo thiên nhiên khắc nghiệt, con người Việt Nam thường đề cao ý thức cộng đồng hơn ý thức cá nhân. Nhân vật trung tâm trong các sáng tác văn học ra đời từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó thường đề cao ý thức xã hội, trách nhiệm công dân, tinh thần hi sinh “cái tôi” cá nhân đến mức khắc kỉ, có thái độ xem thường mọi cám dỗ vật chất, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đạo nghĩa và lí tưởng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Chủ nghĩa khắc kỉ, tư tưởng diệt dục là một nguyên nhân khiến cho đề tài tình yêu nam nữ trong sáng tác văn học ở một số giai đoạn vắng bóng hay hiếm thấy xuất hiện.
Trong những hoàn cảnh khác, con người cá nhân lại được các nhà văn, nhà thơ đề cao. Đó là giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, giai đoạn 1930 – 1945 và giai đoạn văn học thời kì đổi mới từ 1986 đến nay.Con người trong sáng tác văn học thuộc các giai đoạn kể trên, tất nhiên ở các mức độ khác nhau, đã có ý thức về quyền sống cá nhân, quyền được hưởng hạnh phúc và tình yêu, ý nghĩa của cuộc sống trần thế. Về mặt này, có thể kể đến con người trong các khúc ngâm, trong thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều,… (thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX); con người trong văn xuôi Tự lực văn đoàn, Thơ mới, văn học hiện thực (giai đoạn 1930 – 1945); con người trong văn học thời kì đổi mới từ 1986 đến nay.
Mỗi mẫu hình nhân vật lí tưởng, trung tâm của văn học mỗi giai đoạn nói trên có một giá trị riêng, sức hấp dẫn riêng. Nhưng xu hướng chung của sự phát triển văn học dân tộc là xây dựng một đạo lí làm người với nhiều phẩm chất tốt đẹp như: nhân ái, thuỷ chung, tình nghĩa, vị tha, đức hi sinh vì sự nghiệp chính nghĩa, đấu tranh chống chủ nghĩa khắc kỉ của các tôn giáo và đề cao quyền sống của con người cá nhân nhưng không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Nguồn: Giỏi Văn
Sơ đồ các bộ phận và sự phát triển của văn học Việt Nam