Góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa: kinh nghiệm kiến quốc
By Vũ Tường và Sean Fear
Chiến tranh Việt Nam mặc dù khởi đầu nhỏ bé nhưng nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh quy ước có tính quyết định của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong những năm cuối của cuộc chiến, hai phe đã đưa vào sử dụng thiết giáp, pháo binh, máy bay trực thăng, hệ tên lửa phòng không có lẽ tối tân nhất thế giới, và phi cơ oanh tạc suốt ngày đêm với quy mô chưa từng có. Mặc dù khốc liệt như vậy, về mặt bản chất đây là cuộc chiến chính trị hơn là quân sự. Mâu thuẫn cơ bản của cuộc xung đột là hai quan điểm đối nghịch nhau của phe cộng sản và phe cộng hòa về xây dựng một quốc gia ở miền Nam. Mỗi phe được đồng minh quốc tế của mình ủng hộ với mức độ khác nhau.
Phần lớn những nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đều mắc phải khuyết điểm lấy Mỹ làm trọng tâm (“American-centric” hay “US-centric”), chỉ tập trung vào quyết sách và kinh nghiệm của phía Mỹ không cần biết các bên khác.[1] Cũng có khá nhiều nghiên cứu về cuộc chiến nhìn từ phía cộng sản Hà Nội. Chỉ mới gần đây mới có một số học giả lưu ý đến quan điểm và vai trò của phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), có điều là họ vẫn bị giới hạn trong một giai đoạn nhất định hay các chính sách cụ thể.[2] Các nhà lãnh đạo VNCH đóng vai trò gì và thái độ như thế nào? Họ đồng ý hay bất đồng với người Mỹ ra sao? Vai trò của xã hội dân sự và dân chúng ở miền Nam Việt Nam thế nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này phần lớn vẫn còn để ngỏ.
VNCH không phải là con rối của Mỹ, cũng không chỉ đóng vai trò bàng quan, bằng cớ là họ đã quyết tâm thực thi một chương trình phát triển quốc gia theo viễn kiến của họ. Chương trình này phần lớn do chính quyền trung ương điều khiển, ví dụ như việc cưỡng bách tái định cư; các thử nghiệm cải cách kinh tế theo xu hướng tăng vai trò của chính phủ hay của thị trường; chính sách phát triển nông nghiệp và ghi danh quyền sở hữu đất đai; nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giáo dục quốc dân; và, vào năm 1967, một cuộc cải tổ chính trị sâu rộng với một hiến pháp mới, hai viện lập pháp, và chế độ bầu cử đại biểu ở cấp quốc gia và cấp hương thôn.
Thường dân cũng tham gia xây dựng quốc gia như độc giả sẽ thấy trong những bài viết trong tập sách này. Quân đội vào lúc phát triển nhất có hơn một triệu binh sĩ. Bên cạnh những người bị cưỡng bách tòng quân theo nghĩa vụ quân dịch là hàng ngàn thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội. Họ thường xuyên chiến đấu dũng cảm trong những điều kiện bất lợi. Mặc dù có tình trạng đào ngũ, tham nhũng và những yếu kém khác, nhiều chiến sĩ vẫn chiến đấu quả cảm. Sự kiên cường của họ trước những đợt tấn công mãnh liệt của cộng quân vào năm 1968 và 1972 đã giúp VNCH tồn tại lâu hơn.[3]
Trong khi đó, mặc dù nhiều khi bị chính phủ quấy rối, các nghệ sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, và thậm chí các minh tinh điện ảnh và truyền hình miền Nam góp phần tạo nên một nền văn hóa sôi động ở Sài Gòn. Tác phẩm của họ được công chúng hoan nghênh hơn nhiều so với các sản phẩm văn hóa sặc mùi tuyên truyền chính trị của cộng sản. Giới báo chí miền Nam cũng cưỡng lại nhiều nghị định kiểm soát báo chí của chính phủ, tạo cho VNCH một nền báo chí năng động và độc lập. Tinh thần và hành động phản đối mạnh mẽ những biểu hiện độc đoán của chính phủ cho thấy xã hội dân sự ở miền Nam Việt Nam thực sự hướng đến các giá trị cộng hòa và tinh thần hợp hiến. Qua những nỗ lực tập thể này chúng ta có thể thấy được một căn cước dân tộc xây trên nền tảng chủ nghĩa chống cộng đã xuất hiện và kết tinh ở miền Nam trong khói lửa chiến tranh.
Quyển sách trên tay độc giả là thành quả của một hội thảo chuyên đề được tổ chức tại University of California, Berkeley vào hai ngày trong tháng 10 năm 2016. Hội thảo này nhằm mục đích khuyến khích sự hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam Cộng Hòa.
Khác với một sinh hoạt học thuật bình thường, ngoài một số bài thuyết trình của giới nghiên cứu, trong số các diễn giả có mười lăm nhân vậ t nổi bật của VNCH trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân đội, giáo dục, văn nghệ và báo chí.
Không phải dễ dàng để tập hợp những nhân vật lịch sử này tại Berkeley. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Người trẻ nhất trong số họ đã ngoài lục tuần, còn người lớn tuổi nhất đã ngoài 90.[4] Hai trong số các diễn giả được mời — ông Võ Long Triều, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Đại Dân Tộc và nhà lập pháp đối lập trong Quốc hội VNCH, và Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục VNCH — qua đời chỉ vài tháng trước Hội thảo. Hai diễn giả khác, Giáo sư Vũ Quốc Thúc và Giáo sư Cao Văn Thân, chỉ có đủ sức khỏe để chào mừng khách tham dự Hội thảo từ Paris và Montreal (các bài viết của họ được người khác đọc hộ và được in trong sách này). Ông Lâm Lễ Trinh, Giáo sư Luật và nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và ông Huỳnh Văn Lang, nguyên Giám đốc Viện Hối Đoái và người sáng lập tạp chí Bách Khoa, trình bày qua video từ Nam California (bài thuyết trình của họ không được bao gồm trong tập này).[5]
Một việc đặc biệt có ý nghĩa là, mặc dù những nhân vật này đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Việt Nam, ngay cả đến giờ phút này sách vở nghiên cứu viết bằng Anh ngữ về chiến tranh hầu như không hề nhắc đến họ. Hiện tượng này xác nhận khuynh hướng xưa nay của giới sử gia là không quan tâm đến quan điểm của người miền Nam không cộng sản. Hội thảo của chúng tôi là lần thứ hai trong những năm gần đây các nhân vật quân sự và dân sự của VNCH có mặt và trình bày tham luận của họ trong môi trường tôn nghiêm của trường đại học.[6] Trong số diễn giả có cả nam lẫn nữ, cả giới chức quân sự và dân sự, cả tầng lớp lãnh đạo cũng như thường dân — thành phần của họ phản ảnh nhiều mặt của xã hội miền Nam Việt Nam.
Độc giả có thể đồng ý hay không với quan điểm của các nhân vật lịch sử này, nhưng chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ cung cấp thêm kiến thức cho các nhà nghiên cứu lẫn độc giả bình thường, soi sáng các sự kiện lịch sử mà họ đã tham gia và trải nghiệm, và truyền lại ký ức và cảm nghĩ của một thế hệ sắp khuất bóng. Do đó, ngoài việc biên tập nhẹ để chỉnh sửa về độ dài và làm cho rõ nghĩa hơn, chúng tôi cố gắng giữ nguyên vẹn các bài viết của họ.
Xây dựng quốc gia trong chiến tranh
Khái niệm kiến quốc hay xây dựng quốc gia (“nation-building”) có thể được định nghĩa theo hai cách: một là những nỗ lực có chủ đích nhằm tạo ra một cộng đồng quốc gia bền vững, hai là một quá trình trừu tượng đưa đến sự thành hình của một cộng đồng như vậy. Căn bản cho cộng đồng là ý thức đoàn kết được xây dựng trên cơ sở cùng tín ngưỡng, cùng tậ p quán văn hóa, hoặc sự đồng thuận về một số nguyên tắc chính trị căn bản.[7] Nếu là một quá trình trừu tượng, xây dựng quốc gia có thể diễn ra trong nhiều thế kỷ song song với các quá trình khác như chiến tranh, sự hình thành nhà nước, đô thị hóa và kỹ nghệ hóa. Nếu là một nỗ lực có chủ đích, xây dựng quốc gia có thể được giới tinh hoa trong cộng đồng hoặc các thế lực nước ngoài khởi xướng và bảo trợ.
Sau Đệ nhị Thế chiến, tầng lớp tinh hoa ở nhiều nước châu Phi và châu Á tìm cách lật đổ các chế độ thực dân để thành lập quốc gia mới. Là một siêu cường, Hoa Kỳ từng lãnh đạo nhiều nỗ lực xây dựng quốc gia ở nước ngoài để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản (ví dụ, Nam Việt Nam) hoặc đi kèm với thay đổi chế độ (ví dụ, Afghanistan và Iraq).
Nói đến việc xây dựng quốc gia sau năm 1945, không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh hậu thuộc địa. Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, phần lớn những quốc gia mới thành lập ở châu Á và châu Phi đều bị thách thức nghiêm trọng bởi nạn mù chữ, tình trạng xã hội bị chia rẽ sâu sắc, cộng thêm những bất ổn chính trị và việc phụ thuộc nước ngoài về kinh tế. Với những rào cản này, có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy nhiều quốc gia phải tranh đấu vất vả mà chưa chắc đã tạo ra được một cộng đồng có độ gắn kết cao, một nền kinh tế phát triển bền vững, hoặc một xã hội bình đẳng.
Xây dựng quốc gia thời hậu thuộc địa rất gay go cũng vì các nhóm tinh hoa lãnh đạo xã hội có quan điểm đối nghịch nhau không ai nhường ai, dẫn đến xung đột bằng bạo lực và nội chiến. Ngoài việc gây ra bất ổn chính trị, chiến tranh còn tước đi các nguồn lực cần thiết để phát triển quốc gia. Một thách thức đặc biệt trong thời chiến là làm sao duy trì các chuẩn mực và thể chế dân chủ. Vấn đề này không phải trừu tượng mà rất cụ thể: làm thế nào tổ chức bầu cử an toàn không bị kẻ thù phá hoại; liệu có cho phép biểu tình phản đối chiến tranh mặc dù kẻ thù có thể lợi dụng; làm sao truy tố tội ác chiến tranh do quân nhân vô kỷ luật gây ra mà không làm suy giảm tinh thần của quân đội ngoài tiền tuyến; và làm thế nào bảo vệ quyền công dân và đồng thời ngăn chặn kẻ thù xâm nhập. Đó là những vấn đề nan giải rất mệt trí cho cả các nền dân chủ lâu đời, huống chi cho các chính phủ trẻ thiếu truyền thống dân chủ. Chiến tranh càng kéo dài và càng dữ dội thì các thể chế và giá trị dân chủ càng dễ bị đe dọa.
Giống như nhiều quốc gia trẻ tuổi khác ở châu Á và châu Phi thời hậu thuộc địa, Việt Nam Cộng Hòa đối mặt với một dân số phần lớn mù chữ; một nền kinh tế kém phát triển và thương mại phụ thuộc vào mẫu quốc; một xã hội nhiều thành phần bị chia rẽ chủng tộc và phân chia giai cấp sâu sắc. Đây là điều kiện khách quan thường làm cho những phong trào cách mạng cực đoan giành được hậu thuẫn trong các xã hội hậu thuộc địa. Trên thực tế, khi VNCH được thành lập vào năm 1955, một chính phủ cách mạng cộng sản đã đang củng cố quyền lực ở miền Bắc Việt Nam và đe dọa sự sống còn của VNCH. Tuy nhiên, chiến tranh không phải vấn đề duy nhất VNCH đối mặt, mà quan trọng hơn là những cố gắng chung của tập thể dân chúng cùng với chính quyền để xây dựng quốc gia mới. Đây chính là điều chúng tôi muốn tìm hiểu trong sách này.
Những thách thức của việc xây dựng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hay “Nam Việt Nam”, được thành lập vào tháng 10 năm 1955 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng với sự hỗ trợ của nhiều đảng phái chính trị Việt Nam. Bối cảnh ra đời của VNCH là cuộc chiến (1946-1954) giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hò a (VNDCCH). Chính quyền VNDCCH do Hồ Chí Minh và những người cộng sản lãnh đạo lúc đầu đề cao độc lập dân tộc và thu hút sự tham gia của rất nhiều nhân sĩ không cộng sản. Sau khi phe cộng sản trong VNDCCH củng cố quyền lực và nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Cộng, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc nhưng bất đồng với cộng sản đã tập hợp sau lưng cựu Hoàng đế Bảo Đại với mục tiêu thành lập một chính phủ Việt Nam thống nhất, độc lập không lệ thuộc Pháp, và không cộng sản. Để đối phó với quân đội VNDCCH do Trung Cộng đào tạo và trang bị, Pháp thành lập quân đội Việt Nam phụ trợ gồm khoảng 167.000 binh sĩ.[8] Bị bộ đội của Hồ Chí Minh đánh bại trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp ký hiệp định hòa bình tại Geneva và bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Hiệp định Geneva chia Việt Nam ra làm hai dọc theo vĩ tuyến 17. Sau Hiệp định, chính quyền VNDCCH được hợp pháp hóa ở miền Bắc song song với chính phủ của Bảo Đại ở miền Nam. Trong khi các lực lượng cộng sản nhanh chóng củng cố quyền kiểm soát toàn miền Bắc Việt Nam, Ngô Đình Diệm – một nhà tranh đấu cho độc lập và cũng là một tín đồ Công giáo – đã thắng trong cuộc tranh quyền với Bảo Đại và những thế lực khác. Đến năm 1955, ông Diệm đã loại bỏ Bảo Đại và những người bảo hoàng qua một bên để xác lập quyền lực của mình và khánh thành Việt Nam Cộng Hòa. Ông Diệm có thể dễ dàng thắng cuộc bỏ phiếu này nên những kết quả ngụy tạo trong cuộc trưng cầu dân ý là không cần thiết.
Chế độ cộng hòa do ông Ngô Đình Diệm lập ra không phải bắt đầu từ số không. Nó thừa hưởng bộ máy chính quyền thuộc địa và quân đội Việt Nam do Pháp đào tạo. VNCH có lãnh thổ trải rộng đến vĩ tuyến 17 – là ranh giới với VNDCCH ở miền Bắc. VNCH có khoảng 14 triệu dân, bao gồm nhiều người cộng sản “nằm vùng” do phe cộng sản cài lại.
Nền cộng hòa miền Nam dường như bị thua kém chế độ cộng sản miền Bắc từ khi mới khai sinh. Việc khó khăn nhất là xây dựng tính chính danh của chế độ trong dân chúng. Dù ông Ngô Đình Diệm có danh tiếng và thành tích chống thực dân, nhà nước mà ông thừa hưởng đã ra đời dưới bóng quân đội viễn chinh Pháp. Các lực lượng vũ trang cần phải tái tổ chức hoàn toàn trong khi chưa chắc quân đội có trung thành với chính phủ mới hay không. Hợp tác với Mỹ là một con dao hai lưỡi, có thể phương hại đến uy tín của VNCH như một quốc gia độc lập. Hơn nữa, trong khi nhiều người ở miền Nam sợ cộng sản, họ bị chia rẽ bởi những vấn đề chủ ng tộc, tư tưởng, tôn giáo, và vùng miền. Tóm lại, có thể nói sau khi nhậm chức tổng thống, ông Ngô Đình Diệm vẫn chưa có được sự ủng hộ tin tưởng rộng rãi của các phe phái chính trị không cộng sản của miền Nam.
Ở nông thôn, chính phủ Ngô Đình Diệm thậm chí còn ở trong tình trạng khó khăn hơn. Nhiều vùng nông thôn của miền Nam đã quen sống dưới sự cai trị của cộng sản trong cuộc chiến tranh với Pháp. Nhiều người không cộng sản còn tôn trọng lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh. Hơn nữa, sau Hiệp định Geneva, phe cộng sản đã để lại các kho vũ khí và cán bộ bí mật để có thể huy động cho mục tiêu chính trị hoặc quân sự trong tương lai. Trong khi đó, gần một triệu người miền Bắc chống cộng đã di cư vào Nam cần được hỗ trợ khẩn cấp. Xung đột giữa người Bắc di cư và người miền Nam là một nguy cơ có thực.
Bất chấp những thách thức đó, chính phủ Ngô Đình Diệm tỏ ra tương đối hiệu quả trong năm năm đầu nắm quyền. Nam Việt Nam đạt được ổn định chính trị và an ninh quân sự, cho phép kinh tế và văn hóa phát triển đáng kể. Quá trình xác lập chủ quyền của người Việt đối với nền kinh tế thực dân tương đối thuận lợi, song song với việc cải tổ giáo dục nhằm xác lập căn cước dân tộc Việt Nam thời hậu thuộc địa (xem chương 2 và 8 trong tập này).[9] Các nhà văn và nghệ sĩ di cư từ miền Bắc kích thích nhiều luồng tư tưởng và phong trào nghệ thuật mới, điển hình là tạp chí Sáng Tạo và tạp chí Bách Khoa (xem chương 13).[10]
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, vai trò quá lớn của gia đình Tổng thống Diệm, và những chính sách có vẻ thiên vị Công giáo của chính phủ đã gây bất mãn sâu sắc trong giới tinh hoa chính trị. Đáng lo ngại không kém, lực lượng cộng sản nằm vùng bắt đầu tấn công vào chính quyền cơ sở và giết hại nhiều viên chức địa phương vào năm 1958 và 1959, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người cán bộ trung thành của chế độ cộng Hòa. [11] Mặc dù bạo động của cộng sản ngày càng do Hà Nội chỉ đạo trực tiếp, nó cũng thể hiện một phần sự bất mãn ngày càng tăng của giới tinh hoa miền Nam với ông Diệm, đặc biệt là sau khi chính quyền thi hành một cuộc đàn áp hà khắc vào năm 1959. Trong năm đó, nhiều người từng tham gia chống Pháp bị kết án là cộng sản và bị chính quyền giam giữ, tra tấn, hoặc xử tử.
Đến năm 1960, tính chính danh của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu bị khủng hoảng, với tình trạng bất ổn lan tràn ở nông thôn và nhiều nhân sĩ chống cộng công khai chỉ trích chế độ ông Diệm là độc tài. Mặc dù quân đội VNCH đã phản công và giành lại thế chủ động trên chiến trường vào năm 1962, nhưng thành công quân sự này bị lu mờ bởi những căng thẳng chính trị và một đợt tấn công mới của cộng quân.[12] Mùa hè năm 1963 nổ ra nhiều cuộc biểu tình của tăng ni Phật tử chống chế độ. Khi Tổng thống Diệm không chịu làm theo những đòi hỏi cải tổ của Mỹ, Tổng thống Kennedy và vài cố vấn của Tòa Bạch Ốc bí mật xui giục một cuộc đảo chính quân sự tại miền Nam vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Ông Ngô Đình Diệm cùng với em trai mình bị sát hại vào ngày hôm sau.
Cuộc đảo chính 1963 với hậu thuẫn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dẫn đến bốn năm hỗn loạn chính trị. Một loạt các tướng lãnh và chính trị gia thay nhau nắm quyền nhưng không ai giữ được lâu. Hà Nội nhân cơ hội này leo thang chiến tranh ở miền Nam với mục tiêu giành chiến thắng cấp tốc. Chính phủ Mỹ lo ngại miền Nam Việt Nam đang trên bờ vực sụp đổ nên chuẩn bị mở rộng sự can thiệp sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1964. Đáp lại, Moscow và đặc biệt là Bắc Kinh không chậm trễ nhảy vào giúp đỡ Hà Nội đối phó với Mỹ.
Mặc dù việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam năm 1965 giúp Sài Gòn cứu vãn tình thế, tình thế này gây ra nhiều vấn đề mới và nguy cơ lâu dài. Chiến tranh mở rộng làm nông thôn mất ổn định, buộc hàng triệu người phải bỏ ra thành phố ở trong các khu nhà ổ chuột. Của cải vật chất, nhân viên, và hàng tiêu dùng của Mỹ tràn vào Việt Nam, cùng với viện trợ Mỹ tạo ra mất cân bằng lớn trong nền kinh tế miền Nam (xem chương 1, 3 và 13). Ảnh hưởng văn hóa Mỹ gây nhiều bất bình trong xã hội.
Phải đương đầu một lần nữa với những thách thức chồng chéo ghê gớm, các nhà lãnh đạo và dân chúng miền Nam đã vực dậy một cách khá bất ngờ. Một cuộc nổi dậy của tăng ni và tín đồ Phật giáo ở miền duyên hải Trung Việt nổ ra vào năm 1966 đóng góp vào một thay đổi chính trị quan trọng. Cuộc nổi dậy này buộc quân đội phải nhượng quyền cho một chính quyền dân sự để khôi phục lại tính chính danh đối với dân chúng và giành lại sự ủng hộ bấp bênh của Mỹ. Nhờ vậy một hiến pháp mới và một quốc hội lưỡng viện ra đời năm 1967. Một cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành trong cùng năm đó. Mặc dù nhiều người xem các thể chế chính trị mới như một chiến thuật nguỵ trang để hợp pháp hóa sự cai trị của quân đội, chúng giúp đem lại ổn định chính trị và tạo không gian cho tự do chính trị.
Sau bầu cử, chính quyền miền Nam đạt được tiến bộ không ngờ với các phương pháp mới để quản lý kinh tế và ổn định xã hội. Ở nông thôn, yêu sách đất đai lâu đời của tá điền được công nhận và hợp pháp hóa theo sáng kiến của chính phủ (xem chương 4). Dưới sự cai trị của các tướng lãnh, một xã hội dân sự sôi động vẫn xuất hiện ở Sài Gòn, dẫn đến sự phát triển nở rộ trong nghệ thuật, khoa học, và nhân văn (xem chương 13 và 14). Xã hội miền Nam nồng nhiệt tiếp nhận công nghệ, hàng hóa vật chất và phương tiện truyền thông của Mỹ, mặc dù có những cuộc tranh luận về văn hóa và triết học về hiện tượng này. Chính phủ ông Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ quyền lực lớn, nhưng từ năm 1967 cho đến năm 1971 nó chấp nhận tiếng nói và vai trò của các đảng đối lập, nhất là ở thành thị.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản năm 1968 là một thử thách lớn cho thể chế chính trị miền Nam nhưng nó đã vượt qua cuộc khủng hoảng phần lớn nguyên vẹn. Tết Mậu Thân tạo ra nên một làn sóng đoàn kết chống cộng bồng bột và mạnh mẽ trong xã hội. Cộng quân chịu tổn thất đáng kể do hỏa lực của Mỹ và do sức đánh trả của quân đội Việt-Mỹ, tạo cho chính quyền Sài Gòn một cơ hội để giành lại vùng nông thôn. Sự tàn bạo của bộ đội cộng sản, đặc biệt là vụ thảm sát gần 3.000 dân thường ở Huế, giúp người miền Nam hiểu rõ cộng sản hơn, nhất là những người ở thành thị. [13] Từ đó về sau, dân thành thị miền Nam đều bỏ chạy khỏi bất cứ nơi nào lực lượng cộng sản tiến đến.
Tuy nhiên, Tết Mậu Thân gây chấn động cho dân chúng Mỹ do đã nhiều năm bị chính phủ Johnson dối gạt về tình hình cuộc chiến. Biến cố Tết Mậu Thân làm họ càng thêm nghi ngờ và dư luận ngày càng đòi hỏi chính phủ Mỹ rút quân. Chiều ý công luận, Tổng thống Richard Nixon bắt đầu rút quân Mỹ kèm theo việc mở rộng và trang bị cho Quân lực VNCH (QLVNCH) để chịu phần lớn gánh nặng chiến đấu (xem chương 3 và 7). Cách tiếp cận này dường như đã đem đến kết quả khi vào năm 1972, một số đơn vị QLVNCH đẩy lùi một cuộc tấn công vũ trang ồ ạt của cộng sản với sự hỗ trợ của hậu cần và Không quân Mỹ. Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ giảm đi trong khi ngân sách quốc phòng tăng vọt khiến nền kinh tế miền Nam vừa lạm phát vừa suy thoái cùng một lúc. Nhờ sự lãnh đạo của một nhóm chuyên viên trẻ nền kinh tế miền Nam không sụp đổ (xem chương 1, 3 và 4).
Nhưng dư luận thế giới đã hướng về phản chiến trong khi tranh chấp trong hàng ngũ quân đội và nạn tham nhũng gia tăng. Xã hội dân sự non nớt của miền Nam lại một lần nữa lâm vào thế đối đầu với chính quyền. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 đánh dấu một bước ngoặt. Lần bầu cử này khác với lần năm 1967. Như Đại sứ VNCH tại Mỹ, Bùi Diễm, nhớ lại, lần này “nỗ lực hồi sinh quốc gia đã bị thay thế bằng mục tiêu củng cố quyền lực của một nhà độc tài.” [14] Sau khi văn bản của Tổng thống Thiệu chỉ thị ngụy tạo kết quả bầu cử rỉ ra ngoài, cả hai ứng cử viên phe đối lập rút lui để phản đối. Bỏ qua ngay cả chỉ trích của những phe nhóm chống cộng, ông Thiệu không hoãn bầu cử, nhấn mạnh rằng nó sẽ là một cuộc “trưng cầu dân ý” đối với chính quyền do ông lãnh đạo. Màn độc diễn này gây tổn hại lớn đến tính chính danh trong nước và quốc tế của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trong nhiệm kỳ hai.
Ông Thiệu tái cử đúng như dự đoán, nhưng phải đối mặt với bất mãn ngày càng tăng của công chúng và một cuộc đại tấn công của cộng sản vào mùa xuân 1972. Để đối phó với tình thế mới, chính phủ áp đặt các nghị định nhằm kiểm soát đảng đối lập và báo chí chặt hơn (xem chương 12). Niềm lạc quan có chừng mực của năm 1967 bây giờ xen lẫn với lo lắng và tuyệt vọng. Đến giữa thập niên 1970, ngay cả những đảng nổi tiếng chống cộng từ miền Bắc di cư vào cũng xuống đường đòi Tổng thống Thiệu từ chức.
Trong khi đó, dân chúng Mỹ ngày càng ít ủng hộ chiến tranh, gây áp lực buộc Washington và Sài Gòn phải đạt được thỏa thuận với Hà Nội. Thỏa ước Paris năm 1973 – được đàm phán giữa Mỹ và Bắc Việt cho phép để lại một lực lượng quân sự cộng sản quan trọng ở miền Nam – điều này khiến chính phủ VNCH từ chối ký đến phút cuối cùng. Trái với Thỏa ước, lực lượng để lại của miền Bắc tiếp tục được bổ sung và được Trung Cộng và Liên Xô hỗ trợ vũ khí (xem chương 5).
Sự phụ thuộc kinh niên của VNCH vào viện trợ, vũ khí và hỗ trợ không lực của Mỹ là một chỗ nhược dẫn đến cái chết của nó. Mặc dù viện trợ kinh tế của Mỹ cho VNCH vẫn còn đáng kể cho đến cuối cùng, bầu không khí chính trị thay đổi ở Washington đã khiến Quốc hội Mỹ cắt giảm một nửa viện trợ và cấm bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào cho VNCH vào năm 1974 – một sự trở mặt đột ngột ít quốc gia nào trong hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam có thể gánh đỡ được.
Mặc dù công cuộc xây dựng quốc gia và nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội được củng cố vững chắc, lý tưởng cộng hòa có thật và rất cần thiết để giúp hiểu đúng bản chất của cuộc chiến. Những người ủng hộ lý tưởng này thường chứng tỏ một lòng hy sinh và ý chí dấn thân mà từ lâu chỉ được gán một cách sai lầm cho riêng phe cộng sản. Bằng cớ là, không phải là hiếm trường hợp những người theo lý tưởng cộng hòa ở miền Nam bị tù đày dưới nhiều chế độ từ thời thực dân Pháp, đến giai đoạn quân đội nắm quyền, và thời cộng sản cai trị sau năm 1975.
Dưới chính thể VNCH, cư dân thành thị miền Nam được hưởng một môi trường tương đối tự do trong nhiều năm. Những hội đoàn sinh viên, tôn giáo, dân sự hoặc các tổ chức chuyên nghiệp có quyền tự trị. Họ đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền này dù họ bị cộng sản luôn tìm cách xâm nhập phá hoại và nếu cần thì ám sát những người đứng đầu, dù họ bị theo dõi và quấy rối bởi chính chính phủ của họ. Rút nguồn cảm hứng từ lý tưởng dân chủ và phong trào phản chiến ở phương Tây, mệt mỏi vì chiến tranh, nhiều người miền Nam ủng hộ việc tìm kiếm hòa bình. Các nhóm xă hội dân sự miền Nam bất đồng với chính quyền sẵn sàng xuống đường để phản đối và đôi khi họ đã tạo ra những thay đổi chính trị quan trọng. Nếu không luôn luôn đạt được kết quả mong muốn, lý tưởng cộng hòa dù sao cũng được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ. Nó đáng được xem xét nghiêm túc mặc dù hầu hết các nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cho đến nay đã lơ là với hiện tượng này.
Hầu hết các chương trong sách bao gồm những hồi ức và trải nghiệm về Việt Nam Cộng Hòa của các viên chức chính phủ và dân thường. Các tác giả ghi lại những kỳ vọng và thách thức trong nỗ lực xây dựng nền cộng hòa. Nỗ lực của họ chứng tỏ rằng sự cáo chung của nền cộng hòa miền Nam Việt Nam năm 1975 không phải là tiền định. Ngược lại, triển vọng của nó thăng trầm qua dòng thời gian. Chúng tôi hy vọng quyển sách này bảo tồn cho hậu thế tiếng nói của một thế hệ đã đóng một vài trò then chốt không thể bỏ qua trong một cuộc giao chiến kịch tính và bi thảm nhất của thế kỷ 20.
Tóm tắt nội dung sách
Quyển sách này được chia thành năm chủ đề: phát triển kinh tế; chính trị và an ninh; giáo dục; báo chí và truyền thông; văn hóa và nghệ thuật. Phần một (chương 1-4) trình bày về ngân hàng, tài chính và phát triển kinh tế. Cựu Tổng trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường đưa ra một cái nhìn bao quát về những thách thức chính mà lãnh đạo VNCH phải đối mặt trong hơn hai thập kỷ để xây dựng một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Ông Vũ Quốc Thúc mô tả những vấn đề phức tạp ông gặp phải trong quá trình chuyển đổi chủ quyền quốc gia ngành tài chính ngân hàng từ thuộc địa Pháp sang Đệ nhất Cộng hòa. Ông Phạm Kim Ngọc, Tổng trưởng Bộ Kinh tế thời Đệ nhị Cộng hòa, mô tả các nỗ lực của ông để ngăn chặn thảm họa tài chính sau khi Mỹ bắt đầu rút quân vào năm 1969. Và cựu Tổng trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Văn Thân kể lại những đóng góp của ông trong chương trình Người Cày Có Ruộng và hiện đại hóa nông nghiệp vào đầu thập niên 1970.
Chính trị và an ninh là chủ đề của Phần thứ hai (chương 5-7). Có mặt trong các cuộc đấu tranh ngoại giao quyết định vận mệnh của miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Đức Nhã trình bày những khó khăn khi đối đầu với chính quyền Nixon về việc ký kết Hiệp định Paris. Ông Trần Minh Công kể lại những thách thức do chiến tranh và bất ổn chính trị mà Cảnh sát Quốc gia phải đối mặt. Cuối cùng, Bùi Quyền suy tư về kinh nghiệm của ông với tư cách là một người lính tiền tuyến, trình bày đánh giá của ông về QLVNCH và những trải nghiệm khi làm việc với các cố vấn Mỹ.
Phần thứ ba (chương 8-9) có các chương về giáo dục của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước và Tiến sĩ Võ Kim Sơn, hai giáo sư và viên chức giáo dục vào thời Đệ nhị Cộng hòa. Ông Nguyễn Hữu Phước thảo luận về các nguyên lý triết học làm nền tảng cho hệ thống giáo dục VNCH. Chương của ông bao gồm các chính sách phát triển giáo dục ở cấp vĩ mô như các trường trung học toàn diện và cao đẳng cộng đồng, cùng với việc cải cách phương pháp đào tạo giáo sư và thi trắc nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học. Bà Võ Kim Sơn tập trung vào kinh nghiệm cá nhân của bà với tư cách là giáo sư ở các Trường Quốc gia Nghĩa tử, Trường Cao đẳng Sư phạm tại Đại học Sài Gòn, và trường Công giáo Thánh Mẫu ở tỉnh Gia Định.
Trong phần thứ tư (chương 10-13), các nhà báo Phạm Trần, Vũ Thanh Thủy và Trùng Dương kể lại kinh nghiệm của họ về hoạt động báo chí truyền thông thời VNCH. Là một nhà báo và biên tập viên với sự nghiệp bao trùm cả Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, ông Phạm Trần cung cấp một cái nhìn tổng quan về các vấn đề lớn liên quan đến tự do báo chí ở miền Nam Việt Nam, và cũng thảo luận về chế độ kiểm soát báo chí ở Việt Nam ngày nay. Vũ Thanh Thủy là một phóng viên chiến trường trẻ tuổi vào những năm 1970, và chương của bà mô tả các quan sát chiến trường và vài trò của truyền thông (cả miền Nam Việt Nam và quốc tế) trong chiến tranh. Nhà văn Trùng Dương, là người đồng sáng lập nhật báo Sóng Thần ở Sài Gòn vào những năm 1970, thảo luận về cách tờ báo đóng vài trò giám sát tích cực ở thời cuối Đệ nhị Cộng hòa, và việc các nhà báo dũng cảm phản đối khi họ nghĩ rằng chính phủ muốn bịt miệng họ.
Cuối cùng, phần thứ năm và phần cuối cùng bao gồm phần trình bày của nhà văn Nhã Ca và nữ diễn viên Kiều Chinh. Cả hai tác giả tường thuật bối cảnh văn học và nghệ thuật sôi động và phong phú ở miền Nam Việt Nam. Nhã Ca đặc biệt nhấn mạnh tự do sáng tác các nhà văn được hưởng vào thời điểm đó, và những thách thức họ phải đối mặt trong và sau chiến tranh. Kiều Chinh tập trung chủ yếu vào sự phát triển vượt bậc của điện ảnh dưới thời Đệ nhị Cộng hòa. Chương của bà cũng mang đến những ký ức quý giá về sự phát triển điện ảnh từ những năm đầu thế kỷ 20.
Các nhân vật thời VNCH có mặt trong sách có chuyên môn và quan điểm khác nhau. Chúng tôi hy vọng tiếng nói đa dạng và kinh nghiệm sâu sắc của họ góp phần vào sự hiểu biết tinh tế hơn về xã hội miền Nam và chiến tranh Việt Nam. Hầu hết các tác giả còn khá trẻ ở thời điểm các biến cố mà họ mô tả xảy ra. Hầu hết thành niên hoặc bắt đầu sự nghiệp của họ dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Họ đến từ tầng lớp tinh hoa và nhiều người được giáo dục ở phương Tây. Nhiều người bày tỏ niềm tin vững chắc vào các giá trị tự do và một nền kinh tế tư bản tư nhân; nhiều người đã lạc quan về tương lai của VNCH cho đến phút cuối. Họ phải đối mặt với những thách thức lớn trong công việc do chiến lược thay đổi của Mỹ, do mối đe dọa của cộng sản hay do chính sách đàn áp của chính chính phủ của họ.
Nhìn rộng hơn, bài viết của họ cho thấy người miền Nam Việt Nam trong vai trò chủ động xây dựng một quốc gia mới – một công tác liên tục và có lúc dường như rất khả thi. Hiện lên qua các bài viết khác nhau là một VNCH với hiến pháp chứa đựng các giá trị tự do, với những tổ chức dân cử có thực quyền, với lực lượng quân đội và cảnh sát hiện đại, với bộ máy kỹ trị điều hành nhà nước, với hệ thống giáo dục và kinh tế năng động, với những nhà báo sống chết với nghề và một cộng đồng văn nghệ sĩ sống động. Bức tranh chung là một xã hội có chung nỗ lực thiết lập các thể chế cộng hòa vượt lên những chia rẽ về địa phương, tôn giáo và chính trị. Mặc dù họ có quan điểm chính trị khác biệt và đôi khi trái ngược nhau, nhiều người trong số những tác giả có cùng viễn kiến về một quốc gia không có chiến tranh, không có chế độ cộng sản hay độc tài, và không có sự can thiệp của nước ngoài – dù là Pháp, Mỹ, Nga hay Trung Cộng.
Một số tác giả đưa ra quan điểm riêng về đối thủ cộng sản và đồng minh Hoa Kỳ, cũng như tìm cách giải thích sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Các tác giả này coi cộng sản Bắc Việt Nam là một phần của khối cộng sản quốc tế với mục tiêu áp đặt chế độ cộng sản trên toàn cõi Việt Nam. Họ thừa nhận uy tín của nhà lãnh đạo Bắc Việt Hồ Chí Minh, nhưng coi lợi thế chính của phe cộng sản là ở kỹ năng chiến tranh tâm lý và sử dụng bạo lực.
Nhận định của các quan chức hay quân sự của chính phủ VNCH đối với người Mỹ có cả khen chê. Hỗ trợ của Mỹ được ghi nhận, nhưng một số tác giả có vấn đề với thái độ hách dịch của một số quan chức và cố vấn Mỹ. Các nhà báo và nhà giáo dục miền Nam Việt Nam ngưỡng mộ các giá trị và thể chế của Mỹ, nhưng có người bất bình với thái độ của truyền thông Mỹ đối với VNCH.
Một số tác giả tin rằng việc cắt giảm viện trợ Mỹ sau năm 1973, trong lúc phe cộng sản tiếp tục nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ đồng minh Liên Xô và Trung Cộng, dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Năm tác giả ở lại Việt Nam sau ngày đó và ba người trong số họ đã bị giam giữ trong các trại tù cải tạo, người lâu nhất đến 13 năm. Dù có bị cộng sản trả thù hay không, một số tác giả cảm thấy chính nghĩa của họ được sáng tỏ qua những gì chúng ta biết đã xảy ra ở Việt Nam trong thời hậu chiến.
Các tác giả bị hạn chế nhiều về thời gian, tình trạng sức khỏe, và trí nhớ. Trong vai trò biên tập viên, chúng tôi yêu cầu họ kể lại mọi việc theo sự hiểu biết tốt nhất của họ, sau đó kiểm tra các sự kiện trong chừng mực có thể, và giúp họ tuân theo các tiêu chuẩn của một bài viết học thuật. Tuy nhiên, cần phải nói là chúng tôi đánh giá cao những bài viết của họ không chỉ như nguồn tài liệu về các sự kiện cụ thể mà còn vì chúng thể hiện quan điểm và tình cảm của người viết. Những quan điểm và tình cảm này có thể công bằng hoặc thiên vị, đúng hoặc sai; nhưng quan trọng hơn, chúng cho phép độc giả hiểu được về giai đoạn khó khăn nhưng nhiều hứng khởi trong đó các tác giả đã đóng một vai trò quan trọng.
Để đặt câu chuyện trong bối cảnh thích hợp và tăng thêm giá trị cho bài viết của những người đã trực tiếp tham gia xây dựng quốc gia thời VNCH, chúng tôi nhờ hai sử gia trẻ là người Mỹ gốc Việt viết hai chương bổ sung. Chương 14 của Trần Nữ-Anh là giáo sư của University of Connecticut giải thích tại sao VNCH bị lãng quên trong ký ức lịch sử Mỹ và kêu gọi cộng đồng người Việt di tản giúp đỡ giải quyết vấn đề này. Chia sẻ quan điểm của chúng tôi về tầm quan trọng của ký ức, giáo sư Nữ-Anh kêu gọi “những người từng sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa viết hồi ký, cho phỏng vấn, và chia sẻ những kỷ niệm của họ.” Theo bà Nữ-Anh, sự giúp đỡ quan trọng nhất của cộng đồng là cung cấp nguồn tài liệu gốc cho các sử gia – đây cũng chính là mục đích của chúng tôi khi làm sách này. Ngoài ra, bà khuyên cộng đồng nên hỗ trợ các nghiên cứu về Việt Nam, khuyến khích con cháu họ theo học các ngành nhân văn và khoa học xã hội, và hỗ trợ tự do tư tưởng.
Trong chương 15, Tuấn Hoàng, giáo sư của Pepperdine University, bàn về quan điểm của giới sử học về giá trị cũng như hạn chế của hồi ký cá nhân. Giáo sư Tuấn cũng điểm một số cuốn hồi ký quan trọng viết bằng tiếng Việt của nhiều nhà lãnh đạo chính phủ và xã hội dân sự của VNCH. Những vị này không có bài viết trong sách này nhưng họ không kém phần nổi bật. Hồi ký của họ đã được xuất bản ở Mỹ nhiều năm trước nhưng giới học giả hầu như không sử dụng đến. Bài của ông Tuấn không chỉ giúp cung cấp bối cảnh rộng hơn cho những bài viết trong sách này mà còn chỉ ra rằng những chủ đề chính trong những cuốn hồi ký có rất nhiều điểm tương đồng với quan điểm của chúng tôi đã nêu ở trên về những thách thức đối với nỗ lực xây dựng quốc gia VNCH. Những chủ đề này bao gồm sự viện dẫn bạo lực cộng sản để giải thích các chính sách chống cộng khắc nghiệt trong những năm đầu của thời Ngô Đình Diệm, những bất đồng quan điểm của người Việt quốc gia về Đệ nhất Cộng hòa, và xu hướng đánh giá tích cực hơn về Đệ nhị Cộng hòa. Các hồi ký cho thấy những giá trị xã hội tư sản thể hiện dưới thời VNCH đã thu hút sự ủng hộ của nhiều người Việt thời đó và là nguồn hoài niệm của nhiều người Việt ngày nay.
Kết luận
Từ lâu nay chiến tranh Việt Nam được hiểu như là một cuộc xung đột chủ yếu giữa một bên là Mỹ còn bên kia là một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Tính chất nội chiến của cuộc chiến tranh giữa người Việt với nhau thường bị xem nhẹ bởi giới học giả. Họ một mặt thổi phồng tầm quan trọng của Mỹ; mặt khác tin rằng đại đa số người Việt ủng hộ cộng sản.
Nhưng các công trình nghiên cứu mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho thấy các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam tin vào học thuyết cộng sản hơn là chủ nghĩa dân tộc thực dụng, khác hẳn với giới lãnh đạo miền Nam.[15] Đồng thời, các nhà sử học đã lần theo dấu vết của chủ nghĩa cộng hòa từ thời kỳ đầu thế kỷ XX khi Việt Nam còn là thuộc địa Pháp.[16] Chủ nghĩa này được nhiều nhóm chính trị ủng hộ và sau này làm nền tảng của chế độ cộng hòa của miền Nam Việt Nam. Không chỉ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm thời Chiến tranh Lạnh, xung đột giữa cộng sản và cộng hòa ở Việt Nam đã không thể hòa giải được từ lâu trước khi Mỹ bắt đầu can thiệp, và nó còn tồn tại dai dẳng giữa người Việt trên quy mô toàn cầu cho đến tận ngày nay. Những người theo đuổi mục tiêu xây dựng quốc gia cộng hòa học hỏi từ truyền thống tư tưởng Việt Nam và kịch liệt chống lại sự can thiệp của nước ngoài, nhất là từ Washington. Họ cần Mỹ giúp đỡ nhưng nỗ lực để bớt phụ thuộc vào Mỹ. Nguồn gốc ý thức hệ của cuộc nội chiến ở Việt Nam và vai trò quan trọng của người quốc gia miền Nam trong lịch sử không cho phép chúng ta coi nhẹ kinh nghiệm xây dựng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi hoan nghênh độc giả cùng tham gia khám phá kinh nghiệm đó trong các chương tiếp theo.
Chú thích
1. Những ví dụ gần đây về công trình nghiên cứu loại này là: Andrew J. Gawthorpe, To Build as well as Destroy: American Nation Building in South Vietnam (Ithaca: Cornell University Press, 2018); Jessica Elkind, Aid Under Fire: Nation-Building and the Vietnam War (Lexington: University Press of Kentucky, 2016); James Carter, Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (New York: Cambridge University Press, 2008); Christopher T. “Nation Building and the Vietnam War,” Pacific Historical Review 74, no. 3, (2005): 441-56; Jefferson P. Marquis, “The Other Warriors: American Social Science and Nation Building in Vietnam,” Diplomatic History 24, no. 1 (2000): 79-105.
2. Ví dụ, Geoffrey Stewart, Vietnam’s Lost Revolution: Ngô Đì nh Diệ m’s Failure to Build an Independent Nation, 1955-1963 (New York: Cambridge University Press, 2017); Phi Vân Evelyne Nguyễn, “Fighting the First Indochina War Again? Catholic Refugees in the Republic of Vietnam, 1954-1959,” Sojourn 31, no. 1, 207-246; Van Nguyen-Marshall, “Student Activism in Time of War: Youth in the Republic of Vietnam, 1960s-1970s,” Journal of Vietnamese Studies, 10, no. 2 (Summer 2016); Edward Miller, Misalliance: Ngô Đì nh Diệ m, the United States, and the Fate of South Vietnam (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2013); Jessica Chapman, Cauldron of Resistance: Ngô Đình Diệm the United States, and 1950s Southern Vietnam (Ithaca: Cornell University Press, 2013); and Philip Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam (Lawrence, KA: University Press of Kansas, 2002). Một số nghiên cứu gần đây là luận án tiến sĩ chưa được xuất bản, ví dụ: Sean Fear, “The Rise and Fall of the Second Republic: Domestic Politics and Civil Society in U.S.-South Vietnamese Relations, 1967-1971” (PhD dissertation, Cornell University, 2016); Nu-Anh Tran, “Contested Identities: Nationalism in the Republic of Vietnam (1954-1963)” (PhD dissertation, University of California-Berkeley, 2013); và Tuan Hoang, “Ideology in Urban South Vietnam, 1950-1975” (PhD dissertation, University of Notre-Dame, 2013).
3. Về hiệu suất của Quân Lực VNCH trong các trận chiến này, xem Andrew Wiest, Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN (New York: New York University Press, 2008); Lam Quang Thi, Hell in An Loc: The 1972 Easter Invasion and the Battle that Saved South Vietnam (Denton, TX: University of North Texas Press, 2009); George Veith, Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975 (New York: Encounter Books, 2012).
4 Ban tổ chức gồm Vũ Tường, Peter Zinoman, Sarah Maxims, Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã và Trần Quang Minh. Ban tổ chức chúng tôi mang ơn những lời khuyên, sự hợp tác và hỗ trợ của Phan Công Tâm, Nữ-Anh Trần, Trùng Dương, Bùi Văn Phú, và Trần Văn Sơn. Ban tổ chức cũng mang ơn rất nhiều sự giúp đỡ của Nguyễn Nguyệt Cầm, Trần Hạnh, Alex-Thái Võ, Lưu Trinh và Kevin Li, cho buổi họp.
5 Độc giả quan tâm nên tham khảo hồi ký phong phú của hai vị này. Riêng ông Lâm Lễ Trinh đã đưa lên youtube rất nhiều video thu lại các cuộc phỏng vấn của ông với nhiều nhân vật đặc biệt của VNCH. Về hồi ký, xem Lâm Lễ Trinh, Thức tỉnh: Quốc Gia và Cộng sản (tác giả tự xuất bản, 2007); Huỳnh Văn Lang, Ký ức Huỳnh Văn Lang (tác giả tự xuất bản, 2012), 2 tập.
6. Một hội thảo tương tự nhưng nhỏ hơn – đã truyền cảm hứng cho hội thảo của chúng tôi – được triệu tập tại Cornell University vào năm 2012, dẫn đến việc xuất bản quyển Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967- 1975) do Keith Taylor biên tập (Ithaca, NY: Cornell Southeast Asia Program Publications, 2014). Giáo sư Keith Taylor, nhà sử học chuyên về cổ và trung đại Việt Nam, đã tổ chức hội thảo này.
7. Xem thêm Norbert Kersting, “Nation-Building,” trong Bertrand Badie, Dirk Berg-Schlosser and Leonardo Morlino, eds. International Encyclopedia of Political Science v. 5 (New York: SAGE Publications, 2011), tr. 1645-1650; Francis Fukuyama, “Nation-Building and the Failure of Institutional Memory,” trong Francis Fukuyama, ed. Nation-Building: Beyond Afghanistan and Iraq
(Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2006), tr. 1-16.
8. Christopher Goscha, Vietnam: A New History (New York: Basic Books, 2016), tr. 260.
9. Xem Olga Dror, Making of Two Vietnams War and Youth Identity, 1965-1975 (Cambridge University Press 2018).
10. Xem Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Westminster, CA: Văn Nghệ Publishers, 2000).
11. Miller, Misalliance, tr. 200.
12. David Elliott, The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta 1930-1975, v. 1 (New York: M. E. Sharpe, 2003), tr. 407-424; Miller, Misalliance, tr. 249-251.
13. Olga Dror, “Giới thiệu của dịch giả,” in trong Nhã Ca, Giải khăn sô cho Huế: Chuyện về trận chiến ở Huế, Việt Nam năm 1968 (Bloomington, IN: Indiana University Press, 2014), tr. xxxi.
14. Bùi Diễm, In the Jaws of History (Boston: Houghton Mifflin, 1987), tr. 293.
15. Ví dụ, xem Vũ Tường, Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology (New York: Cambridge University Press, 2017).
16. Ví dụ, xem Goscha, Vietnam, chương kết luận; Peter Zinoman, Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vũ Trọng Phụng (Berkeley: University of California Press, 2014); Nu-Anh Tran, “Contested Identities”; Tuan Hoang, “Ideology in Urban South Vietnam.”