Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Phân tích tác phẩm “Tương tư” – Nguyễn Bính


HS chuyên Văn trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội

Nguyễn Bính (1918 -1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính (có thời kì lấy tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở làng Thiện Vịnh xã Đông Hội (nay là xã Cộng Hoà), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sớm mồ côi mẹ, năm 10 tuổi phải theo anh lên Hà Nội kiếm sống. Nguyễn Bính làm thơ khi mới 13 tuổi và sớm thể hiện tài năng sáng tác của mình. Năm 1943, ông vào Nam Bộ rồi ở lại tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và tiếp tục tham gia công tác báo chí văn nghệ.

Trong khi phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm về với hồn thơ dân tộc và hấp dẫn người đọc bằng chính hồn thơ này. Bằng lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian, thơ Nguyễn Bính đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha. Vì thế, Nguyễn Bính được coi là thi sĩ đồng quê và có nhiều tác phẩm được truyền tụng rộng khắp.

Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính trước Cách mạng: Tâm hồn tôi (1937), Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941), Mười hai bến nước (1942), Cây đàn tì bà (truyện thơ -1944); sau cách mạng có: Ông lão mài gươm (1847), Gửi người vợ miền Nam (1955), Tiếng trống đêm xuân (truyện thơ – 1958), Đêm sao sáng (1962), Cô Son (chèo -1961), Người lái đò sông Vị (chèo – 1962)…

Bài thơ Tương tư được in trong tập thơ Lỡ bước sang ngang. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ chân quê của Nguyễn Bính.

Tâm trạng của người con trai trong bài thơ

Bản chất tâm lí của tâm trạng tương tư không chỉ có nhớ nhung đơn thuần mà là một phức hợp cảm xúc khác nhau, với những diễn biến không xuôi chiều. Tâm trạng tương tư trong bài thơ diễn biến qua nhiều sắc thái cảm xúc chính như sau;

– Nhớ nhung:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh, của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

– Băn khoăn, dỗi hờn:

Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

– Than thở:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

– Hờn trách:
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

– Nôn nao, mơ tưởng:
Bao giờ biến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

– Ước vọng xa xôi:
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ gỉầu không thôn nào?

Sự phức tạp mang tính quy luật trong tâm lí khi yêu

Sự bày tỏ tình cảm của người con trai trong bài thơ có điều gì bất hợp lí. Trong tình yêu, người chủ động đi đến phải là anh con trai, đằng này anh lại trong vai thụ động, ngồi chờ tình yêu. Đã thể hiện sự thụ động lại còn hờn dỗi, trách móc. Đó là cái bất hợp lí bên ngoài.

Tuy nhiên, trong cái bất hợp lí đó lại thể hiện, cái lí của nó. Đó là cái lí về chiều sâu.

Thứ nhất, đây là một bài thơ, tác giả đã tạo ra một tình huống trữ tình để bày tỏ nỗi niềm, chứ không câu nệ vào lẽ khách quan. Thi sĩ phải đặt chàng trai vào thế thụ động mới có thể bộc bạch được tâm trạng tương tư của một người con trai quê mùa, chất phác.

Thứ hai, lối trách này không phải vì ghét, không giống sự qui kết trách nhịệm, đổ lỗi thông thường, mà trách vì yêu. Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ giày vò, người trong cuộc dễ tưởng mình bị hững hờ, nên sinh ra trách hờn, không có hàm ý ghét bỏ. Nói cách khác, trách chỉ là một cách để bộc bạch tình yêu.

Cách biểu hiện thời gian của tác giả

Tâm trạng chờ đợi sốt ruột và mòn mỏi không tách rời với việc diễn ra thời gian. Nổi bật lên là việc dùng cách ngắt nhịp, phép lặp, giọng kể lể và việc tả ngụ tình, dùng sự biến đổi của không gian để biểu hiện thời gian.

Câu lục: Ngày qua ngày lại qua ngày


Nhịp 2/2/2 thông thường của câu lục trong lục bát truyền thông đã được ngắt thành 3/3: Ngày qua ngày lại qua ngày. Ý và lời vế sau lặp lại vế trước. Cách ngắt này khiến chữ lại ở đầu nhịp sau trở thành điểm nhấn của ngữ điệu. Nó gợi được dòng thời gian cứ trôi qua hết sức chậm chạp, ngày mới lập lại ngày cũ một cách chán ngán vô vọng. Cả việc ngắt nhịp, lặp vế câu và nốt nhấn giọng ở chữ lại khiến cho giọng thơ vang lên như một lời than thở kể lể ngán ngẩm. Tất cả những điều đó đã làm hiện lên hình ảnh một người con trai với tâm trạng nóng lòng chờ trông đến mỏi mòn.

Câu bát: Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Câu thơ diễn tả thời gian và tâm trạng thật tinh tế và ý nhị. Thời gian diễn ra ở câu trên đã chậm chạp nhưng mới thể hiện qua lời kể. Đến câu sau, thời gian mới hiện lên sinh động. Thời gian có màu. đúng hơn, thời gian thể hiện qua việc chuyển màu: lá xanh chuyển thành lá vàng. Ngày anh bắt đầu chờ đợi, lá hãy còn xanh, đến nay lá đã chuyển sang vàng rồi, thế mà vô vọng hoàn vô vọng. Thời gian và tâm trạng dường như không tìm một điểm chung với nhau; thời gian càng chậm tâm trạng càng nặng nề; tâm trạng càng nôn nóng, thời gian càng chậm chạp, lê thê. Tinh tế nhất trong cách diễn tả có lẽ là chữ “nhuộm”. Chữ “nhuộm” diễn tả thời gian chậm chạp. Có thể so sánh chữ “nhuốm” trong hai câu thơ sau của Nguyễn Du:

Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

“Nhuốm” nói đến sự biến đổi sắc màu mới diễn ra, đang diễn ra, còn chưa hoàn tất. Sắc màu sự vật biến đổi chủ yếu ở bề mặt, bề ngoài. Còn “nhuộm” thể hiện sự hoàn tất. Thời gian dài đến mức đủ để cho màu này chuyển hẳn sang màu khác. Ngoài ra chữ “nhuộm” còn để ngỏ chủ thể. Nhuộm nhưng ai nhuộm? không hẳn là thời gian, cũng không phải là sự chuyển màu của lá: đó chính là nỗi tương tư. Tương tư đã khiến lòng người héo hon, đã nhuốm thành héo úa. Kẻ tương tư và cây lá có mối tương giao thật kì lạ. Cây vừa là nhân chứng của mối tương tư, là đồng minh của kẻ tương tư, là nạn nhân của kẻ tương tư, hay chính là hiện thân của nỗi tương tư. Có thể xem cái cây kia cũng là cây tương tư được. Đó chính là cái tinh tế, ý nhị trong lối thể hiện của Nguyễn Bính.

Khung cảnh chốn quê trong bài thơ

Nỗi tương tư của chàng trai và qua đó là mối nhân duyên của đôi trai gái này càng đậm nét chân quê hơn vì nó gắn liền với khung cành cây và chốn quê.

Những chi tiết trong bài thơ về địa danh, cảnh vật, cây cỏ… thuộc về chốn quê bao đời như thôn làng Đoài, Đông, đò giang, đầu đình, bến đò, hoa bướm, giàn giầu, hàng cau…

Những chi tiết này vừa tạo ra không gian quê để nhân vật trữ tình tạo ra mối tương tư, vừa là phương tiện, thậm chí là ngôn ngữ để nhân vật trữ tình diễn tả tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên, kín đáo, ý nhị. Có như thế, tình và cảnh mới có thể hoà quyện vào nhau được.

Cách diễn tả tâm trạng của Nguyễn Bính

Cách tạo hình độc đáo, hình ảnh chàng trai thôn Đoài ngồi nhớ cô gái thôn Đông đã khiến cho thi sĩ mở rộng ra, khái quát thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Đây không chỉ đơn thuần là cách nói vòng mà quan trọng hơn, nó tạo ra hai nỗi nhớ song hành và chuyển hoá, gắn với hai chủ thể và hai đối tượng: người nhớ người và thôn nhớ thôn. Chính vì người nhớ người mà có thôn nhớ thôn. Nó tạo ra cơ sở cho thủ pháp nhân hoá: Thôn Đoài ngồi nhớ… Nhưng sâu xa hơn, cách diễn đạt đó còn diễn tả một quy luật tâm lí. Khi tương tư thì cả không gian bao quanh chủ thể cũng như nhuốm nỗi tương tư ấy, vì thế trong bải thơ có hai miền không gian nhớ nhau. Tràn đầy cả bầu không gian tạo ra bởi hai thôn ấy là một nỗi nhớ nhung.

Nghệ thuật dùng chất liệu ngôn từ chân quê, dân gian: địa danh thôn Đoài, thôn Đông cùng thành ngữ chín nhớ mười mong; dùng số từ một, chín, mười. cách tổ chức lời thơ độc đáo: đẩy đối tượng về hai đầu câu thơ, tạo ra khoảng cách (Thôn Đoài… thôn Đông, Một người…. một người). Lối sử dụng ngôn ngữ gợi được hương vị chân quê và thể hiện được giọng điệu kể lể, rất phù hợp với việc bộc bạch nỗi tương tư.

Bài làm của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội.

Phân tích tác phẩm “Tương tư” (2) – Nguyễn Bính

Nhà phê bình Chu Văn Sơn

Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Nhưng trong cuộc đời, tương tư lại thường là nỗi nhớ đơn phương. Người này nhớ, mà đôi khi cứ ngỡ người kia vô tình lắm, chẳng hề biết, chẳng muốn biết rằng mình đang khổ sở vì tương tư. Thực tình, nhớ là hiện thân của yêu: một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu; một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim đã ngừng yêu. Cho nên có kẻ nào yêu mà chẳng từng tương tư. Nguyễn Bính cũng thế! Chàng trai chân quê này tương tư và đã trải đến tận cùng những cung bậc tương tư, nói khác đi, là đã bị mọi cung bậc của tương tư giày vò đến khổ sở.

Yêu nhau, mà xa nhau, tất sẽ nảy sinh nhung nhớ. Nhớ nhung, thực chất, là khát khao được có nhau, gần nhau. Xa cách về không gian và thời gian chính là duyên cớ để tương tư. Vì thế mà trong bản chất tình cảm, tương tư là một khao khát, một nỗ lực vượt không gian và chiến thắng thời gian bằng tinh thần. Không gian, thời gian vô cớ trở thành kẻ thù của những tình nhân bị xa cách. Và đây là những kẻ thù nghìn lần đáng ghét. Bởi trong nỗi tương tư, khoảng cách dù là ngắn cũng trở thành diệu vợi, nghìn trùng; một khoảnh khắc cũng thành đằng đẵng, thăm thẳm. Đôi khi chỉ tấc gang cũng thành vực thẳm. Thậm chí, với một tình nhân giàu dự cảm thì dầu chưa xảy ra xa cách, đã khắc khoải tương tư rồi:

– Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc

– Nên cả lúc gần anh
Mà lòng em vẫn nhớ.
(Xuân Quỳnh)

Trong bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã nói lên nỗi tương tư nghìn đời của những lứa đôi. Ngay những lời mở đầu đã vẽ ra một nỗi tương tư chan chứa cả cảnh sắc thôn làng:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.

Chỉ vì có một chàng trai thôn Đoài đang gửi lòng say cô gái thôn Đông mà cuối cùng đã thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cách nói bóng gió tạo hiệu quả không ngờ là hai miền không gian đang nhớ nhau. Điều này đâu phải vô cớ. Khi người ta tương tư, cảnh vật xung quanh cũng bị cuốn vào nỗi tương tư, không gian bao quanh cũng ngập tràn nhung nhớ. Người ta có nhìn bằng con mắt khách quan nữa đâu! Cảnh vật nhuốm màu tương tư cả rồi. Câu thứ hai đặc Nguyễn Bính! Ấy là giọng kể lể. Mội câu thơ được viết toàn bằng số từ! Không gian tương tư thật rõ. Câu bát có xu hướng kéo dài, nó càng dài hơn bởi giọng kể lể và chất đầy những số từ thậm xưng theo lối thành ngữ. Mỗi người đứng ở một đầu câu thơ, thăm thẳm, vời vợi. Giữa họ là một khoảng không diệu vợi. Nỗi tương tư giăng mắc một nhịp cầu “chín nhớ, mười mong”, khởi lên từ đầu này và chấp chới, và mơ mòng tới đầu kia. Kế đó là một sự lí giải:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

So sánh mình với giời, ngông là thế mà thấy cũng chấp nhận được. Bởi cả hai có cùng một căn bệnh. Tôi và Giời hoá ra là hai kẻ đồng bệnh. Thế mà chưa hết đâu, cái tôi này còn toan tính hạ thấp cả giời trong so sánh đó nữa. “Gió mưa là bệnh của giời”, thì bệnh đó là môt thứ tật, một thói hư, giời giở chứng ra – một thứ bệnh nội sinh có sẵn! Còn “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” thì là căn bệnh mắc phải do “ngoại nhập”. Từ ngày yêu nàng, tôi mới mắc bệnh này. Coi tương tư là một thứ “bệnh”, mới kể lể được những khổ sở của cái tôi mang bệnh. Mà bệnh này đã mắc thì… phi em vô phương cứu chữa. Trong câu thơ, thấy có cái giọng chấp nhận một thực tế, một quy luật tất yếu không cưỡng lại nổi. Cái tôi hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ sở vào thân. Có phải khi yêu, lời chân thành nào cũng hoá khôn ngoan thế chăng? Có phải thế là sự khôn ngoan… dễ thương?

Hình như tương tư thường bắt đầu bằng kể lể, giãi bày, và rồi chẳng mấy ai chịu dừng lại ở đó. Sẽ còn là trách móc, hờn giận, sẽ còn là dằn dỗi đơn phương, khát khao đòi hỏi,… cũng đơn phương. Nghĩa là bệnh tương tư sẽ mỗi ngày một thêm trầm trọng. Mà “kì” nhất là, cũng một không gian ấy thôi, nhưng khi đã kể lể nỗi khổ của mình – cho mình, thì nó bỗng dài ra vô tận, trái lại, đến khi trách móc, “kể tội đối phương” thì nó lại thu hẹp đến kiệt cùng:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Mở ra, “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”, tưởng chừng nghìn trùng cách trở. Đến đây, té ra sự cách trở đã hoàn toàn triệt tiêu: tuy hai thôn nhưng thực ra chỉ có một làng. Quái lạ thay là tâm lí tương tư! Khoảng cách có vậy mà khéo co giãn, biến hoá làm sao!

Nhưng xem chừng, hay nhất vẫn là sự kể lể về thời gian:

Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Ngày trước, tả mối tương tư Kim – Kiều, Nguyễn Du cũng thấy cái nghịch lí trữ tình của thời gian:

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Một ngày thôi mà ngỡ đã ba thu. Thế cũng đã quá ư… trầm trọng! Dẫu sao, đó vẫn là nỗi tương tư được nói bằng giọng người trần thuật, ngoài cuộc. Còn lời thơ Nguyễn Bính vẫn nguyên sự sốt ruột, khắc khoải của người trong cuộc, y như lời lẽ của người đang ngồi bóc lịch đếm từng ngày rề rà chậm chạp trôi qua một cách vô tình, thậm chí như cố tình trêu ngươi vậy! “Ngày qua ngày lại qua ngày”, câu thơ di nhịp 3/3, chia thành hai vế, vế này là sự lặp lại của vế kia theo lối trùng diệp. Chữ “lại” chứa đựng một ngán ngẩm. Vừa hi vọng, vừa như thất vọng. Mỗi ngày mới đến nhen lên một hi vọng, để đến cuối ngày, hi vọng tàn đi thành vô vọng. Tất cả gợi được nhịp vận hành lặp đi lặp lại rời rã của những ngày đợi chờ, mong mỏi mà vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Câu thứ hai vẽ ra một người nóng lòng chờ đợi cùng cái cây (nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính thường bộc bạch tâm trạng cùng với một cái cây nào đó. Đây thì chẳng rõ là cây gì. Chỉ biết nó cũng nặng trĩu tương tư! Hay đó là cây tương tư?!). Kẻ tương tư và cái cây ấy có một mối tương giao kì lạ. Thời gian với kẻ tương tư chẳng vô hình. Nó có màu: ấy là màu vàng héo. Mỗi ngày qua đổ lại một dấu vết nhỡn tiên trên vòm lá. Cái cây khác nào một cuốn lịch thiên nhiên. Hơn thế, cái cây là nhân chứng của mối tương tư, là tri kỉ câm lặng của kẻ tương tư, là nạn nhân của bệnh tương tư hay là kẻ đồng nạn? – nạn nhân bỡi sự hững hờ của ai kia. Anh đợi em khi cây hãy còn xanh, đến nay cây đã vàng hết cả rồi, vậy mà… Đợi chờ làm cây héo úa, làm người héo hon!

Cái cây kia là hình ảnh khác của anh! Cái cây kia chính là anh. Tả cảnh ngụ tình là thế! Phải nói chữ “nhuộm” thật đắt. Cũng viết về sự thay đổi sắc màu trên cây cỏ, khi Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, Nguyễn Du viết:

Người lên ngựa kẻ chia hào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Chữ “nhuốm” rất động. Nói được sự biến đổi đang diễn ra, chưa hoàn tất. Nó cũng trực tiếp! Dường như sắc màu này vốn từ cuộc chia li ở câu trên đã hắt sang câu dưới, đã phổ vào cảnh vật nên mới “nhuốm”. Nó là sự lây lan từ tinh thần con người xâm nhập vào cây cỏ. Còn chữ “nhuộm” của Nguyễn Bính gợi được thời gian. Bởi xem chừng nó tĩnh hơn. Quá trình diễn biến đã hoàn tất: lá xanh đã biến thành lá vàng rồi! sắc thái kể lể đậm hơn. Thời gian đợi chờ của anh đằng đẵng, dằng dặc đến nồi đủ đổ nhuộm một cây xanh thành hẳn cây lá vàng cả rồi! Lời thơ vì thế mà khổ sở, khắc khoải bội phần.

Có phải tương tư là một gánh nặng đơn phương, càng nặng nề bao nhiêu, càng nghĩ “đối phương” vô tình bấy nhiêu. Vì thế mà cung bậc tương tư cứ chuyển biến rất tự nhiên từ kể lể, thở than sang trách móc? Mà lời trách móc thì, ôi chao, đầy một lối “quy kết” khó mà “chạy tội” được:

Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mù tình xa xôi…

Vẫn cái “luận điệu” dễ ghét ấy. Kể lể nông nỗi mình thì cũng một sự xa cách kia mà hoá muôn trùng, thãm thẳm. Còn ở đây thì “phủ định sạch trơn”: không hề có xa cách – khồng có cách trở đò giang, không phải không có đường, mà thậm chí còn gần lắm, chỉ có một đầu đình thôi. Tất cả chỉ do em hờ hững chứ chả có lí do khách quan gì! Người đâu có người mỗi lời lại một vận vào người ta thế có “khiếp” không! Nhưng không có luận điệu ấy thì làm sao có thể “quy chụp” người ta vô tình được! Sao những trái tim yêu lại có thể “ranh mãnh” một cách hồn nhiên đến thế! Vậy đấy, trong nỗi tương tư, trái tim thường cất lên những lời buộc tội thật dễ thương. Và khi “người ta” đã nhân danh nỗi khổ vì tương tư, thì nghe những lời buộc tội “khó chịu” đến đâu cũng đành mà “chịu khó” thôi, nghĩa là cũng thật dễ chịu thôi, chẳng phải thế sao?

Trách chưa hết đã lại hờn:

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!

Hờn mát đến điều rồi thì lại khát khao đến độ:

Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Và cuối cùng thì khẳng định đinh ninh:

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Tất cả đã sẵn sàng và đang nóng lòng chờ đợi. Chỉ còn em nữa thôi! Thôn Đoài đã hẳn là nhớ thôn Đông, điều ấy không còn nghi ngờ bàn cãi nữa rồi. Vậy thì, cau thôn Đoài còn biết nhớ giầu không thôn nào nữa đây. Câu thơ chứa trong nó một lô gích thật… nguy hiểm!

Vậy là, trong thẳm sâu tâm lí, tương tư chính là khao khát hạnh phúc lứa đôi, khao khát thành đôi thành lứa. Khao khát ấy tràn ra trong giọng điệu khi kể lể phân trần, khi giận hờn trách móc. Khao khát ấy còn kí thác vào những cặp đôi giấu mình suốt dọc bài thơ. Ban đầu những đôi ấy còn xa xôi, càng về sau càng xích lại gần. Lần đầu, 1990, khi viết cho sách Để dạy tốt Văn 11 dành cho giáo viên, tôi mới chỉ nhận ra một nửa số cặp ấy. Giờ thống kê kĩ hơn, mới thấy nhiéu cặp đôi hơn ẩn náu khắp bài thơ:

Thôn Đoài – Thôn Đông
Một người – Một người
Tôi – Nàng
Bên ấy – Bên này
Bến – Đò
Hoa Khuê Các – Bướm giang hồ
Nhà anh – Nhà em

Và cuối cùng là:

Trầu – Cau

Kết như thế thật khéo!

Vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn cứ tụ lại ở điều cần nhất, khắc khoải nhất: ấy là trầu – cau! Mà trầu cau là chuyện nhân duyên. Điểm truyền thống rất nổi bật ở Nguyễn Bính là quan niệm luyến ái. Là một nhà thơ mới, nhưng Nguyễn Bính không có cái chủ trương yêu hiện đại với cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây lát, cái tình ngoài thiên thu như điệu sống thời thượng bấy giờ. Các nhà thơ hiện đại chỉ quan tâm đến tình, ít quan tâm đến duyên. Nguyễn Bính quả là chân quê khi coi trọng nhân duyên. Yêu đương với chàng thi sĩ này dứt khoát phải gắn liền với chuyện trăm năm, với hôn nhân. Nghĩa là với cau – trầu. Thực ra, những cặp hình ảnh kia vẫn chưa thành đôi hẳn, mà mới chỉ ở dạng tiềm năng, vẫn còn để ngỏ và chờ đợi. Vâng, đợi chờ một vị “cứu tinh” duy nhất là Em. Em đến, trầu cau sẽ thắm lại và tất cả các cặp còn hờ kia sẽ kết thành đôi. Bệnh tương tư sẽ được cứu chữa! Nỗi khổ sở sẽ hết giày vò! Vân vân và vân vân.

Nhưng em biết không, khi tất cả những điều kia đã thành, thì cũng là lúc nỗi tương tư bắt đầu… bị hoá giải. Núi Bò, 1991 – Văn chỉ, 1998

Nguồn: Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003

Phân tích diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài thơ “Tương tư” – Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một nhà thơ mới luôn tha thiết với những giá trị cổ xưa và tìm về với cội nguồn dân tộc để thổi vào những cung bậc cảm xúc của mình một hồn quê đậm đà, chân chất. Nếu như ở Huy Cận, chúng ta nhận thấy được sự ảnh hưởng của thể thơ lục bát cổ điển thì Nguyễn Bính lại là đại diện cho thể thơ lục bát dân gian mà bài thơ Tương tư là một minh chứng tiêu biểu. Với ngôn từ giản dị, hình ảnh mộc mạc, bài thơ Tương tư đã miêu tả tâm trạng của chàng trai quê với những cung bậc cảm xúc, những diễn biến tâm lý đa dạng nhưng cũng vô cùng chân thành và bình dị.

Tương tư là một cảm xúc, một căn bệnh khó tránh khỏi của những người đang yêu, đặc biệt là những buổi đầu, những khi chưa dám tỏ bày. Tương tư thường được hiểu là tâm trạng nhớ nhung, mong ngóng của đôi trai gái khi yêu, nhưng trong thực tế, diễn biến tâm trạng này chỉ xảy ra ở một phía mà cụ thể trong bài thơ này, đó là tâm trạng nhớ mong của chàng quê chất phác:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.

Cũng như biết bao tâm hồn đã và đang tương tư khác, nỗi tương tư của chàng trai cũng được bắt đầu bằng sự mong nhớ. Nhưng tại sao ở đây lại là “thôn Đoài nhớ thôn Đông” mà không phải là ai đó nhớ một ai đó? Đơn giản bởi nỗi tương tư ấy đã thấm vào cả cảnh vật và lan toả khắp không gian, cũng như đại thi hào Nguyễn Du đã nhận xét: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Việc sử dụng hình ảnh hai thôn để diễn tả thay cho hai cá thể đang yêu của Nguyễn Bính quả thật rất tinh tế, nó có thể hiện được một cái gì đó đậm đà thắm thiết qua tiếng “nhớ” mà cũng có gì đó e ấp, thẹn thùng chưa dám nói ra. Thêm vào đó, điệp từ “một người” được ngăn cách bằng “chín nhớ mười mong” vừa như một nhịp cầu mà cũng vừa như tấm bình phong ngăn trở của mối tình đậm đà buổi sơ khai này vậy. Từ đó, Nguyễn Bính đi đến một kết luận, một sự đúc kết sâu sắc:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Đối với những ai đã, đang và mong muốn được dấn thân vào biển yêu thương ngọt ngào xen lẫn những khổ đau thì tương tư là căn bệnh không thể nào tránh khỏi. Nó làm cho những tâm hồn yêu đương phải mệt mỏi, dằn vặt nhưng cũng chính vì thế mà tình yêu trở nên nhiều màu sắc hơn.

Tâm trạng chàng trai quê không dừng lại ở sự nhớ mong mà từ sự nhớ mong đó, cảm xúc và diễn biến tâm lý của chàng trai được nâng lên một bậc khác đó là sự mong ngóng, đợi chờ, muốn nhìn thấy người mình yêu. Tâm trạng đó được bộc lộ rõ ràng qua bốn câu thơ tiếp theo:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Hai câu đầu như có một ý gì đó tự hỏi mà cũng có ý hờn trách nhẹ nhàng. Gần thế cơ mà, nhưng sao “bên ấy” chẳng sang chơi “bên này”, để cho bên này phải đợi mong mỏi mòn, phải “ra ngẩn vào ngơ”, phải tương tư khổ sở thế này, “Bên ấy” có biết cho “bên này” chăng? Sao cứ còn hờ hững mãi? “Ngày qua ngày lại qua ngày”, thời gian cứ thế trôi kéo theo sự nhớ mong dai dẳng trong tâm hồn của “bên này”. Lâu lắm rồi, chờ đợi đã bao ngày rồi, đến nỗi “lá xanh” kia cũng đã “nhuộm” vàng rồi “bên ấy” à! Đối với những tâm hồn đang yêu đương cháy bỏng thì một ngày hay thậm chí một giờ một khắc không gặp người mình yêu cũng dài như mấy năm vậy. Sự vận động của thời gian được tác giả miêu tả bằng điệp ngữ “qua ngày” cùng tự “lại” ở đây đã cụ thể hoá thời gian, diễn tả được bước đi chậm chạp, nặng nề của thời gian dưới cái nhìn của một tâm trạng nóng lòng chờ đợi. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng hai sắc màu chủ đạo “xanh” và “vàng” cùng động từ “nhuộm” ở đây không chỉ diễn tả được sự vận động trong một quãng đường khá dài của thời gian mà còn cho thấy được tâm trạng héo mòn, khô úa vì đợi chờ của nhân vật trữ tình.

Một tâm trạng bồn chồn như ngồi trên đống lửa khi một ngày không có em, một ngày không được nhìn thấy em dù chỉ trong một tích tắc.

Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành

Chỉ cách có “một đầu đình”, “có xa xôi mấy mà tình xa xôi”? Lúc bấy giờ, chúng ta có thể cảm nhận được mộ sự hờn trách nhẹ nhàng, cái lối hờn mát trách yêu của một tâm hồn nhớ mong cháy bỏng. Vì rằng đường xa khó khăn nên em không sang hay em không muốn sang. Phải chăng ở bên thôn Đông ấy em có tìm được một niềm vui nào đó to lớn hơn, tìm được một niềm vui nào đó to lớn hơn, tìm được một niềm hạnh phúc nào đó ấm áp hơn nên em đã quên mất một cây si, cây tương tư đang chờ em ở thôn Đoài mất rồi.

Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho

Tâm trạng chàng trai lúc bấy giờ dường như có gì đó bối rối và hụt hẫng. Một ngày không gặp thì nhớ mong, hai ngày không gặp thì bồn chồn, lo lắng, ba ngày không gặp thì hờn giận, trách yêu, rồi nhiều nhiều ngày nữa không gặp thì nỗi tương tư giờ đây đã chuyển sang một cung bậc cảm xúc cao hơn, phức tạp hơn: đó là sự buồn bã, không ăn, không ngủ, biểu hiện của một tâm hồn bị nỗi nhớ mong dày vò, dằn vặt. Biết khi nào đây? Khi nào “bến mới gặp đò”, “hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”. Đến đây, hệ thống những hình ảnh được Nguyễn Bính sử dụng đã ngày một đa dạng và phong phú hơn cũng như tâm trạng chàng trai đang diễn biến ngày càng phức tạp và đa cung bậc hơn. Điểm lại tâm trạng ấy, ta có thể thấy rõ ràng một sự tăng tiến trong cảm xúc của nhân vật trữ tình: từ nhớ mong đến chờ đợi, bồn chồn rồi đến hờn trách và tự vấn bản thân để từ đó nâng lên một bậc nữa trong cảm xúc. Cũng là sự mong muốn nhưng đã không còn chỉ là nỗi mong muốn được gặp nhau mà giờ đây, chàng trai muốn được gắn kết, được giao hoà và được kết tóc se duyên cùng người “bên ấy” ở “thôn Đông”.

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Cách xưng hô của chàng trai ở đây cũng đã thay đổi, không còn là “thôn Đoài”, “thôn Đông” hay “bên ấy”, “bên này”, cũng không còn là “bến” – “đò” hay “hoa” – “bướm” mà đã trở thành “anh” và “em”. Điều đó thể hiện một khát khao gắn kết mãnh liệt, muốn cùng người mình yêu thương sống trọn đời trọn kiếp để tạo nên một cái kết có hậu và đẹp đẽ của mối duyên quê, tình yêu chất phác, đậm đà.

Suốt bài thơ, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh đậm chất dân gian, đơn giản, mộc mạc mà có sức gợi tả, gợi cảm mạnh mẽ. Những hình ảnh ấy luôn song đôi với nhau: “thôn Đoài – thôn Đông”, “bến – đò”, “hoa – bướm”, “trầu – cau”,… và ngày càng tăng tiến trong việc thể hiện sự giao hoà, gắn kết với nhau phù hợp với việc miêu tả tâm trạng tương tư diễn biến phức tạp của chàng trai. Cũng qua những hình ảnh đó mà phong cách thơ của Nguyễn Bính cũng được bộc lộ và làm rõ, một phong cách thơ đậm “hồn quê” và thiết tha với những giá trị cổ truyền của dân tộc đang dần dần mai một lúc bấy giờ. Đọc Tương tư, chúng ta như đọc mộ bài ca dao dài vậy, cũng những hình ảnh quá đỗi bình dị và thân quen, cùng lối viết giản dị và mộc mạc, cũng thể lục bát dân gian cô đọng mà giàu sức gợi tả. Tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên một hồn thơ, một phong cách thơ rất Nguyễn Bính.

Tương tư một bài thơ xuất sắc có sức phổ cập rất lớn trong nhân dân. Bằng nét chung rất riêng và cũng là nét riêng rất chung của ngòi bút Nguyễn Bính, bài thơ đã thể hiện một cách chân thực, bình dị diễn biến của một tâm trạng tương tư: nhớ mong, bồn chồn, hờn giận, trách móc và khát khao giao hoà gắn kết. Từ đó trở thành tinh hoa của văn học dân gian, thể hiện cái đẹp đẽ, đáng yêu của mối tình quê thắm thiết, bình dị.

Tương tư – thơ Nguyễn Bính

Nội dung

Thôn Đoài[1] ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

[1] Thôn ở phía tây.
Hoàng Mai, 1939

Bài thơ Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, rất tiêu biểu cho phong cách thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.

Nguồn:
1. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

CLICK HERE: Tương tư (Nguyễn Bính) – Thúy Đạt diễn ngâm


Click to listen highlighted text!