VÙNG KINH TẾ MỚI SAU 1975
Sau năm 1975 ngoài lý do kinh tế, việc di dân ra vùng kinh tế mới còn có chủ ý chính trị để giảm số người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn để dễ kiểm soát phần tử chống đối. Trong 5 năm 1975-80 Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa về nông thôn 832.000 người. Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi kinh tế mới gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di chuyển ra vùng nông thôn.
Theo Lê Duẩn, phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976:
“ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ, nên hiểu rằng đó là một cuộc sống phồn vinh giả tạo, đổi bằng đau khổ, chết chóc của hàng triệu đồng bào, bằng sự triệt phá biết bao xóm làng, thị trấn, bằng sự sa đọa của biết bao thanh niên, bằng sự chà đạp nhân phẩm của biết bao phụ nữ ở các vùng tạm bị chiếm, và bằng nhục mất nước. Họ nên hiểu rằng lối sống chạy theo những nhu cầu giả tạo theo kiểu “xã hội tiêu thụ”, đua đòi theo những thị hiếu tầm thường, hoàn toàn trái với cuộc sống hạnh phúc văn minh chân chính. Những đồng bào ấy ngày nay có thể và cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của dân tộc, sống bằng kết quả lao động của mình. Đó là con đường để tiến tới một cuộc đời tươi vui, đẹp đẽ, có ý nghĩa, có phẩm giá, có hạnh phúc thật sự và lâu bền cho chính mình và con cháu mình.”
Theo lệnh ngày 19 Tháng Năm 1976 thì chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới:
1. Dân thất nghiệp
2. Dân cư ngụ bất hợp pháp
3. Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân
4. Tiểu thương gia, tiểu địa chủ, đại thương gia
5. Người gốc Hoa, dân theo đạo Công giáo.
Chỉ tiêu là di chuyển 1.200.000 dân trong đô thành Sài Gòn ra ngoài thành phố. Con số đại thương gia còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh không được hơn 10% tổng số nguyên thủy.
Việc thực hiện xây dựng khu kinh tế mới có hai phần: phần đất tư hữu và phần đất công của hợp tác xã. Theo phương thức sau năm 1975 thì mỗi hộ được phát 500 m² “đất sản xuất” để tự túc trồng trọt lương thực. Trên mảnh đất đó nông dân được quyền canh tác theo ý muốn sau khi đã đóng góp tám giờ mỗi ngày cho hợp tác xã. Chính phủ sẽ giúp đỡ trong sáu tháng đầu. Sau đó thì phải tự lo lấy.
Trợ giúp từ chính quyền gồm:
1. Vé xe chuyên chở từ nhà đến vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu chí điểm ở xa thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người
2. Hai dụng cụ canh tác, thường là cuốc, thuổng
3. 700-900 đồng để dựng nhà ở vùng kinh tế mới
4. 100 đồng đào giếng, 100 đồng mua ghe thuyền nếu ở vùng sông rạch
5. 1 đồng mỗi ngày nếu đau ốm, không lao động được; 50 xu mỗi ngày tiền thuốc khi bệnh; 150 đồng để mai táng nếu chết.
Đối với khu vực kinh tế quốc doanh thì hoạt động theo mô hình hợp tác xã: công trình phục vụ sản xuất, đời sống chung cho toàn vùng, (như đê, đập, cầu, âu kè, cống, đường sá, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu…), công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu, xây dựng cải tạo đồng cỏ, khai hoang trồng rừng, chăm sóc và tu bổ rừng tự nhiên.
Các công trình phúc lợi công cộng: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế, cửa hàng hợp tác xã mua bán. Trụ sở làm việc, nhà hội họp v.v
Những hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đã có ở vùng còn đất hoang hoá, đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu và xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng. Riêng đối với các cơ sở của đồng bào định canh định cư, trồng cây dài ngày, cây đặc sản, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.
Chi thu của hợp tác xã được ấn định phải chi như sau:
* 30% trả thuế;
* 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước;
* 15% trả lương cho cán bộ quản lý hợp tác xã;
* 30% còn lại chia cho các thành viên của hợp tác xã tính theo số điểm.
Theo chế độ tem phiếu thời bao cấp, người lao động trong hợp tác xã được phép mua 18 kg gạo/tháng ở giá chính thức. Người lao động phụ: 16 kg; người không lao động: 9 kg. Tổ chức các đơn vị hành chính (xã, ấp, thôn xóm…) để chăm lo cho nhân dân mới đến các yêu cầu về bảo vệ trật tự an ninh, về quản lý dân chính và các vấn đề xã hội khác.
Trích nguồn: vi.wikipedia
Bấm để xem video:
Đi vùng kinh tế mới sau năm 1975