Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Phân tích tác phẩm “Nam quốc sơn hà” – Lý Thường Kiệt 


Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt gắn liền với chiến thắng sông cầu năm 1076 của quân dân Đại Việt đánh bại giặc Tống xâm lược.

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách Trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Hai câu thơ đầu nói về núi sông nước Nam, đất nước Việt Nam là nơi Nam đế cư (vua Nam ở). Hai chữ Nam đế đối sánh với Bắc đế. Nam đế hùng cứ một phương chứ không phải chư hầu của Thiên triều. Vua Nam là đại diện cho uy quyền và quyền lợi tối cao cho Đại Việt, cho nhân dân ta. Núi sông nước Nam thuộc chủ quyền của Nam đế, có kinh thành Thăng Long, có nền độc lập vững bền… Không những thế, núi sông nước Nam đã được định phận, đã được ghi rõ ở sách Trời, đã được sách Trời chia xứ sở, nghĩa là có lãnh thể riêng, biên giới, bờ cõi riêng.

Hai chữ sách Trời (thiên thư) trong câu thơ thứ hai gợi ra màu sắc thiêng liêng với bao niềm tin mãnh liệt trong lòng người. Vần thơ vang lên như một lời tuyên ngôn về chủ quyền thiêng liêng của Đại Việt:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách Trời chia xứ sở.
(Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư).

Từ nhận thức và niềm tin ấy về sông núi nước Nam, Lý Thường Kiệt căm thù lên án hành động xâm lược đầy tội ác, tham vọng bành trướng phi nghĩa của giặc Tống. Chúng âm mưu biến sông núi nước Nam thành quận, huyện của Trung Quốc. Hành động xâm lược của chúng đã làm trái ý trời, đã xúc phạm đến dân tộc ta. Câu hỏi kết tội lũ giặc dã vang lên đanh thép, đầy phẫn nộ:

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
(Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?)

Vị anh hùng dân tộc đã nghiêm khắc cảnh cáo lũ giặc phương Bắc và chỉ rõ, chúng sẽ bị nhân dân ta đánh cho tơi bời, chúng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã:

Chúng mày nhất định phải tan vỡ
(Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư)

Hai câu 3, 4 với giọng thơ đanh thép hùng hồn dã thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta quyết tâm giáng trả quân Tống xâm lược những đòn chí mạng để bảo vệ sông núi nước Nam. Chiến thắng sông cầu – (sông Như Nguyệt) năm 1076 là minh chứng hùng hồn cho ý thơ trên. Triệu Tiết, Quách Quỳ cùng hơn 20 vạn quân Tống đã bị quân dân Đại Việt đánh bại, quét sạch khỏi bờ cõi.

Nam quốc sơn hà là bài ca yêu nước chống xâm lăng. Bài thơ đã khẳng định chủ quyền dân tộc, ca ngợi sức mạnh chiến đấu để bảo vệ đất nước Đại Việt. Với nội dung ấy, bài thơ Nam quốc sơn hà mang ý nghĩa lịch sử như một Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) – thơ Lý Thường Kiệt

Nội dung

南國山河

南國山河南帝居,
截然定分在天書。
如何逆虜來侵犯,
汝等行看取敗虛。


Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư[1].
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Dịch nghĩa

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong
.


Dịch thơ (Lê Thước, Nam Trân)

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.


Dịch thơ (Hoàng Xuân Hãn)

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Dịch thơ (Ngô Linh Ngọc)

Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong
.

[1] Chỉ sách Thượng thư hay Kinh thư (là bản Thượng thư mà Khổng Tử đã san định). Trong Thượng thư đại truyện có kể về Việt Thường Thị giao hảo với nhà Chu, cống chim trĩ.

Tương truyền, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hoà, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt. Một số nhận định xem bài thơ này là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Bài thơ này nằm trong truyền thuyết về hai anh em Trương Hống, Trương Hát. Có tài liệu gắn truyền thuyết này với Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống năm 1076, sớm nhất là Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần), sau đó được nhiều sách sử khác như Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử tiêu án,… chép lại. Trong khi đó, sách Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp đời Trần) lại gắn truyền thuyết này với cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê của Lê Đại Hành năm 981, với nội dung như sau:

南國山河南帝居,
皇天已定在天書。
如何北虜來侵掠,
白刃翻成破竹餘。

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.


(Sông núi nước Nam thì vua Nam ở.
Thượng đế đã định như vậy trong sách trời.
Cớ sao giặc phương Bắc lại tới đây xâm lược,
Gươm sáng sẽ chém hết các ngươi tan tành như chẻ tre.)

Ngoài ra, bài thơ còn có khoảng hơn 30 dị bản được chép trong các sử và sách khác nhau.

CLICK HERE: Nguồn Gốc Bài Thơ Nam Quốc Sơn Hà


Click to listen highlighted text!