Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa
PGS-TS. Ngô Văn Minh
Thời gian qua, các nhà nghiên cứu căn cứ vào những tư liệu trong các bộ chính sử và địa chí, các châu bản Triều Nguyễn khẳng định nhà nước phong kiến Việt Nam trong lịch sử đã chiếm hữu và tiến hành quản lý, khai thác liên tục trên thực tế với danh nghĩa nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp nối cách tiếp cận đó, với loạt bài này, chúng tôi dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin từ những văn bản pháp lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để đề cập sự khẳng định chủ quyền và quản lý liên tục của chính quyền này đối với quần đảo Hoàng Sa kể từ khi người Pháp rút khỏi Việt Nam cho đến năm 1975, khi chính quyền này sụp đổ.
KÉO VÀO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRONG ĐẤT LIỀN
Sau khi Hiệp ước Elysée được ký kết (8.3.1949), quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên, đứng đầu là Bảo Đại, thì tháng 4 năm này Chánh Văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại là Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Và đến đầu tháng 10.1950, Tổng thống Cộng hòa Pháp Vincent Auriol gửi thông điệp cho Bảo Đại trao lại cho quốc gia Việt Nam chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liền ngay sau đó, ngày 14.10.1950 Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo chủ trì việc bàn giao này.
Một năm sau, ngày 22.10.1951 Thủ hiến Trung phần Trần Văn Lý có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ quốc gia Việt Nam bấy giờ là Trần Văn Hữu đề nghị sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, để “chứng tỏ với dư luận quốc tế về chủ quyền của quốc gia Việt Nam” và cũng để “thuận tiện về phương diện liên lạc và tiếp tế đối với trung đội Việt Binh Đoàn hiện đóng tại đó”. Nhưng đề xuất này không được sự lưu ý của chính quyền Bảo Đại bấy giờ.
Ngày 21.7.1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc. Các nước tham dự đi đến tuyên bố cuối cùng của Hội nghị về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Căn cứ vào Điều 4, Chương I của Hiệp định Giơ-ne-vơ về phân vùng lãnh thổ trên đất liền và trên biển, các đảo ở nam vĩ tuyến 17, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, thuộc quyền quản lý của quốc gia Việt Nam (sau gọi là VNCH). Thế nhưng, tháng 4.1956, nhân lúc quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, lúc đó quân đội VNCH chỉ mới kịp chiếm đóng các đảo phía tây, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã vi phạm hiệp định mà họ là một thành viên tham gia ký, bí mật đưa quân đến chiếm cứ bất hợp pháp nhóm phía đông quần đảo, trong đó có đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn. Cũng từ thời gian này trở đi, chính quyền VNCH liên tục có những hoạt động khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như đối với quần đảo Trường Sa.
Ngày 16.9.1960, Bộ Nội vụ VNCH có tờ trình chuyển đạt đề xuất của Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần giao quần đảo Hoàng Sa cho tỉnh Quảng Nam để dễ liên lạc và bổ nhiệm viên chỉ huy quân sự kiêm chức đảo trưởng – tương đương với một quận trưởng. Nhưng sau chuyến khảo sát quần đảo của phái đoàn do tỉnh Quảng Nam cử đi vào ngày 27.7.1960, ngày 23.8.1960 Tỉnh trưởng Quảng Nam Võ Hữu Thu gửi công văn cho Tòa Đại biểu này đề xuất chỉ nên lập một đơn vị hành chính cấp xã tại quần đảo Hoàng Sa để dần về sau nâng lên thành đơn vị cấp quận. Về tên gọi của xã đảo này, Võ Hữu Thu đề xuất đặt là xã Hòa Đức. Nhưng tên gọi này không được chấp thuận. Lúc đầu Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định gọi tên là xã Hoàng Sa cho tiện với tên gọi bấy lâu của quần đảo, nhưng sau một thời gian nghiên cứu, ngày 13.7.1961, Ngô Đình Diệm chính thức ban hành Sắc lệnh số 174-NV quyết định thành lập đơn vị hành chính cấp xã đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam.
Về tình trạng hành chính của quần đảo trước khi có Sắc lệnh số 174-NV, trong công văn ký ngày 16.9.1960, Bộ Nội vụ VNCH cho biết, trên quần đảo lúc này có một trung đội Thủy quân lục chiến (30 người) và 38 bảo an binh, do một thiếu úy Thủy quân lục chiến chỉ huy. Ngoài ra còn có 4 nhân viên dân chính phụ trách Đài khí tượng; 38 nhân viên của Công ty Khai thác phân chim “Guano”. Trong khi chưa có quyết định chính thức về tình trạng hành chính của quần đảo, viên sĩ quan Thủy quân lục chiến được dân chúng trên đảo coi như Đảo trưởng, nhưng vì “không được chánh thức giao phó trách vụ hành chánh nên gặp nhiều trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách liên hệ đến sanh hoạt của dân cư tại đây”. Từ thực trạng này, Bộ Nội vụ đề nghị vẫn tiếp tục giao cho viên chỉ huy quân sự tại đảo kiêm nhiệm chức vụ phái viên hành chính.
Thời gian đầu, từ tháng 12.1960 đến tháng 6.1961 phái viên hành chính tại quần đảo được lấy từ cán bộ hành chính của tỉnh Quảng Nam. Về sau, ra giữ chức Đảo trưởng đảo Duncan (đảo Quang Hòa) kiêm luôn chức phái viên hành chính xã Định Hải được lấy người ở cấp hạ sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy địa phương quân và nghĩa quân Quảng Nam, do tỉnh Quảng Nam đề nghị; Tư lệnh kiêm đại biểu Chính phủ Vùng 1 chiến thuật ký sự vụ lệnh bổ nhiệm; Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương ra nghị định chuẩn y, nhiệm kỳ làm đảo trưởng kiêm luôn phái viên hành chính ở xã Định Hải 3 tháng.
Nhận thấy sự hoạt động độc lập của xã Định Hải có những bất tiện, ngày 22.1.1969, Trung tá Tỉnh trưởng Quảng Nam Lê Trí Tín có công văn gửi Đại tướng Tổng trưởng Nội vụ tại Sài Gòn về việc sáp nhập xã Định Hải vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang. Công văn cho biết: “Trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng tỉnh Quảng Nam ngày 6.11.1968, khi cứu xét vấn đề xã Định Hải, Hội đồng cho rằng nếu sáp nhập vào một tỉnh nào phụ cận thì động chạm đến quyền lợi địa dư của địa phương; còn nếu thành lập Nha phái viên hay Ủy ban hành chánh xã thì thực tế không làm gì mà tổn phí ngân sách. Do đó, Hội đồng đề nghị nên sáp nhập xã Định Hải vào địa phận xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang. Về việc này, Tỉnh tôi tán đồng quan điểm của Hội đồng tỉnh để xin sáp nhập xã Định Hải tức quần đảo Hoàng Sa vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam và không cần đặt cho khu vực đất đai này một chính quyền xã ấp gì cả”.
Căn cứ vào đề nghị trên, ngày 21.10.1969 Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm ký nghị định sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Theo đó, địa phận và ranh giới xã Hòa Long mới này được xác định lại, kéo từ địa phận xã Hòa Long vốn có trong đất liền (thuộc phần lớn diện tích quận Ngũ Hành Sơn của TP.Đà Nẵng hiện nay) ra toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hay nói cách khác, quần đảo Hoàng Sa đã được kéo vào đất liền, trong một đơn vị hành chính chung với xã Hòa Long, mà cơ quan của xã này chính là Trường THCS xã Hòa Hải hiện nay. Và cũng chính vì sự tồn tại của di tích này, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của TP.Đà Nẵng cần sớm lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với ngôi trường này, bởi nó liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong những năm 1969-1975.
(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhất Cộng hòa và phông tư liệu Phủ Thủ tướng).
LƯU QUÂN TRẤN GIỮ
Nhận định quần đảo Hoàng Sa, cùng với quần đảo Trường Sa như hai vị trí tiền đồn nhìn ra Biển Đông, kiểm soát và chế ngự mọi hoạt động hàng hải trên trục di chuyển Bắc Nam duy nhất của vùng Đông Nam Á, từ năm 1956 trở đi, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) luân phiên đưa quân đội đến trấn giữ tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Hữu Nhật tại quần đảo Hoàng Sa. Ban đầu, nhiệm vụ canh giữ quần đảo được giao cho một đại đội thuộc Trung đoàn 162 đồn trú tại Quảng Nam đảm nhiệm thay cho trung đội Việt Binh Đoàn của quốc gia Việt Nam trước đó. Ngày 29.1.1957 Trần Trung Dung, Bộ trưởng, Phụ tá Quốc phòng gửi công văn đến Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đề xuất lấy Bảo an đoàn thay thế quân đội phụ trách canh phòng đảo Hoàng Sa. Nhưng nửa tháng sau, Trần Trung Dung nhận được văn thư của Nguyễn Hữu Châu, Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống yêu cầu phải lưu quân đội trên đảo, vì “việc đóng quân ở Hoàng Sa có một tánh cách quân sự rõ rệt, không những để tỏ rõ chủ quyền Việt Nam trên đảo, còn để đề phòng mọi bất trắc do các nước cũng định đặt chủ quyền trên đảo có thể gây nên”. Thực hiện chỉ lệnh này, ngày 2.4.1957, Bộ trưởng, Phụ tá Quốc phòng có tư văn mật, thượng khẩn gửi cho Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân lực VNCH chấp thuận đề nghị lấy thủy quân lục chiến canh phòng tại đảo Hoàng Sa thay cho đại đội của Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn 162 chuyển quân vào Bình Định, và nói rõ việc thay quân tại Hoàng Sa sẽ do Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến đồn trú ở Cam Ranh chỉ định mỗi kỳ 3 tháng. Nhưng đến ngày 14.11.1959 chính quyền Ngô Đình Diệm cho lực lượng bảo an, chủ yếu là những người quê ở Quảng Nam ra quần đảo Hoàng Sa thay thế để lực lượng thủy quân lục chiến xúc tiến cải tổ và huấn luyện, tuy nhiên Bộ Tổng tham mưu cũng nói rõ là “nếu gặp trường hợp khẩn cấp, thì các chiến hạm hải quân và nếu cần cả thủy quân lục chiến cũng sẽ được phái ra tức khắc để yểm trợ cho bảo an”.
Ngay từ năm 1957 phía VNCH đã chú ý theo dõi các hoạt động xây dựng cơ sở, công sự phòng thủ của quân đội Trung Quốc trên hai đảo Phú Lâm và Linh Côn qua không ảnh do Hạm đội 7 của Mỹ cung cấp và đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc sang các đảo khác. Hải quân và cả lực lượng quân sự giữ đảo đã nhiều lần ngăn chặn lính Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm nhập, như đã bắt 82 “ngư dân” vào tháng 2.1959 và bắt giữ 50 quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Quang Hòa cũng trong năm này. Đến năm 1961 lại bắt giữ 9 người Trung Quốc cập bến Hoàng Sa đưa về Sài Gòn xử lý. Bộ Ngoại giao VNCH còn gửi giác thư cho các phái đoàn ngoại giao nêu rõ những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, xem đó là cách “phúc đáp lời phản kháng của Trung Cộng về vụ Hải quân Việt Nam bắt 50 quân Trung Cộng đổ bộ bất hợp pháp tại đảo Duncan (tức đảo Quang Hòa – NV) ”.
Trong năm 1961, Bộ Quốc phòng có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Công chánh và Giao thông cho biết Trung Quốc đang có những hoạt động bành trướng trên đảo Phú Lâm (Boisée) và đề xuất giải pháp: “Để có thể ngăn sự bành trướng của Trung Cộng tới các đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa và cũng để giúp cho sự theo dõi, bố phòng của quân đội được dễ dàng, trân trọng thỉnh cầu quý Bộ cứu xét chỉ thị cho các cơ quan như Nha Khí tượng, Nha Ngư nghiệp, Viện Hải học v.v. bành trướng cơ sở trên các đảo thuộc nhóm Hoàng Sa”. Năm 1963 Bộ Tổng Tham mưu Hải quân lại một lần nữa có phiếu trình lên Bộ Quốc phòng, cho rằng tình trạng Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đối với các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như đảo Phú Lâm (I. Boisée), Hòn Đá (I. Rocheuse), Linh Côn (I.Lincoln) thuộc quần đảo Hoàng Sa; Trung Hoa Dân quốc đối với đảo Itu – Aba (tức đảo Ba Bình – NV) thuộc quần đảo Trường Sa, Campuchia đối với một số đảo ở vùng biển phía tây là “không thể kéo dài mãi, và nước ta không thể tiếp tục thụ động không có một sự phản đối hay hành động nào, trước một hành vi xâm lăng của ngoại quốc”. Theo đó, Bộ Tổng tham mưu Hải quân đề xuất: “Trong tình hình nước ta hiện nay, việc dùng võ lực để tái chiếm các đảo tương tranh sẽ không được đề cập tới; nhưng để bảo vệ quyền lợi lâu dài của quốc gia, Bộ Tổng Tham mưu (Hải quân) trân trọng đề nghị các biện pháp kể sau: (i) Hàng năm Hải quân hoặc Bộ Công chánh và Giao thông sẽ cho biệt phái một số chiến hạm hay tàu về thủy đạo để thám sát, thăm dò thủy đạo các đảo tương tranh. Sau mỗi kỳ thám sát như thế, chắc chắn sẽ có sự phản kháng của đối phương, do đó, chúng ta sẽ có cơ hội để xác nhận với các quốc gia kia trên thế giới, chủ quyền của nước ta trên đảo được thám sát; (ii) Đối với các đảo mà sự thám sát như thế không thuận lợi như trường hợp Ile Boisée, ít lắm là một lần trong một năm Bộ Ngoại giao cũng sẽ tìm cơ hội để phản kháng sự chiếm cứ bất hợp pháp của ngoại quốc; (iii) Các cơ quan hành chánh và quân đội, trong phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan, sẽ thường xuyên cho thi hành những biện pháp xác nhận chủ quyền của ta, như đề cử các viên chức hành chánh: quận trưởng, hội đồng xã, cấp giấy phép đánh cá, giấy phép khai thác tài nguyên trên đảo cho công dân trong nước hay ngoại kiều, kiểm soát tàu đánh cá trong hải phận đánh cá của đảo, soạn thảo những văn kiện pháp quy áp dụng cho từng quần đảo v.v…; (iv) Đối với các quốc gia: Trung Hoa quốc gia, Cambodge, mà vụ tranh chấp có thể giải quyết bằng đường lối hòa bình, Bộ Ngoại giao có thể cho xúc tiến ngay việc thương thuyết bằng đường ngoại giao, điều đình, hòa giải hay đem nội vụ ra trước Tòa án quốc tế La Haye; (v) Để có đủ tài liệu, bằng chứng và ý kiến giúp ích cho Chánh phủ trong việc giành lại chủ quyền các đảo, có thể thành lập một Ủy ban tư vấn về các đảo tương tranh gồm có luật gia, sử gia, hải học gia, đại diện quân đội có đủ thẩm quyền. Ủy ban này sẽ nghiên cứu các biện pháp và đường lối mà nước ta cần phải thi hành để tránh việc cưỡng chiếm trên có thể trở thành hợp lệ, cũng như để thâu hội lại các đảo này”.
Đáp lại đề xuất trên của phía quân đội, và cũng để phản đối sự chiếm đóng trái phép phần phía đông của quần đảo, ngày 15.7.1971, Bộ Ngoại giao VNCH đã ra một bản Thông cáo dẫn ra những cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đi đến khẳng quyết: “Chánh phủ VNCH tuyên bố VNCH có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này”.
Quân đội Sài Gòn đã trấn giữ cho đến khi Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, và đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát đối với phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20.1.1974.
(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhất Cộng hòa và phông tư liệu Phủ Thủ tướng).
QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI
Ngoài việc luân phiên 3 tháng một lần đổi quân đóng giữ tại Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) còn duy trì hoạt động của Đài Khí tượng, tổ chức khảo sát và lên kế hoạch khai thác nguồn lợi kinh tế tại quần đảo này.
Đài Khí tượng Hoàng Sa vốn do người Pháp thiết lập vào ngày 12.7.1938 trên đảo Hoàng Sa (Pattle) ở về phía tây của quần đảo, đặt tên là Indicatif international de la station d’observation 836. Lúc đầu chỉ có 2 nhân viên làm quan trắc trên mặt đất từng 3 giờ một và chuyển kết quả về đất liền bằng vô tuyến điện. Đến năm 1955, để đáp ứng yêu cầu nắm tình hình thời tiết trên biển và theo quyết nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới (O.M.M) mà Việt Nam là một thành viên, Ty Khí tượng Hoàng Sa làm thêm trắc lượng không trung, gồm quan trắc hướng và sức gió trên cao. Số nhân viên làm việc tại đây tăng lên 4 người. Mỗi ngày họ làm quan trắc 8 lần rồi gọi về Sài Gòn qua hệ thống vô tuyến điện thoại siêu tần số (motorolar) vào lúc 5 giờ sáng, 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, 2 giờ chiều, 5 giờ chiều, 11 giờ khuya, 2 giờ khuya. Trong trường hợp có bão họ phải làm và báo cáo hàng giờ, nhờ đó sức mạnh và hướng đi của trận bão được thông báo cho dân chúng, tàu bè, máy bay biết rõ. Từ Sài Gòn qua hệ thống viễn thông, vùng Đông Nam Á và Đông Á biết đến Hoàng Sa qua ám số 48860. Trong đó 48 là vùng Đông Nam Á, còn 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa. Ty này kiêm luôn cả Ty Bưu điện, đóng dấu trên thư từ gửi về đất liền. Thời gian làm việc trên đảo của nhân viên khí tượng trước năm 1945 đến 6 tháng, nhưng ở thời VNCH thì cứ 3 tháng có một nhóm theo tàu hải quân ra thay phiên. Chế độ phụ cấp về thực phẩm cho nhân viên lúc đầu được tính 40$ cho một khẩu phần, nhưng sau 3 lần điều chỉnh, đến đầu năm 1970 đã tăng lên 192$ một ngày cho một người. Dẫu vậy, cũng do giá cả thị trường trong đất liền luôn tăng vọt khiến cho sinh hoạt của các nhân viên khí tượng trên đảo khó khăn, đến mức Giám đốc Nha Khí tượng trong tờ trình đề ngày 20.1.1972 về đời sống và điều kiện làm việc của các nhân viên tại đây, phải khẩn khoản kêu xin: “Vì sức khỏe và sinh mạng của một số công bộc của Chính phủ phải luân phiên phục vụ 3 tháng trên một hòn đảo không dân cư chơ vơ giữa biển Nam Hải, khó tiếp tế, không nguồn sinh sống nào khác, Nha Khí tượng tha thiết kêu gọi lòng thương nhân đạo của thượng cấp để xin giá biểu mỗi khẩu phần được gia tăng thêm 148$ nữa, nghĩa là mỗi khẩu phần được ấn định lại là bốn trăm bốn mươi đồng (440$) một ngày, tương đương với giá biểu phụ cấp vãng phản hàng ngày của nhân viên có chỉ số 430$ trở xuống”. Cuối văn bản này, Giám đốc Nha Khí tượng một lần nữa tha thiết “kính xin thượng cấp coi việc tăng khẩu phần cho nhân viên làm việc tại đảo Hoàng Sa là một biệt lệ, vì trên đảo này chỉ độc nhất có nhân viên khí tượng làm việc để giữ vững uy tín và chủ quyền quốc gia đối với quốc tế”. Thuận theo thỉnh cầu này, ngày 14.3.1972 Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nguyễn Văn Vàng ký công văn đồng ý tăng khẩu phần lên 50% so với giá cũ, tức là tăng lên 288$ cho một khẩu phần trong một ngày, “nhằm mục đích nâng đỡ các nhân viên khí tượng phục vụ trên đảo Hoàng Sa”. Thế nhưng, cũng lại do giá cả tăng vọt, chỉ tính 1 tấn gạo ở thời điểm tháng 4.1972 là 63.000$ thì đến tháng 8.1973 đã tăng lên 148.000$, tức là tăng đến 135% nên Tổng trưởng Giao thông và Bưu điện lại một lần nữa có công văn ký ngày 3.9.1973 xin tiếp tục gia tăng phụ cấp khẩu phần cho nhân viên làm việc tại Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa lên 576$ một ngày, nhưng không thấy có công văn trả lời của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng VNCH về vấn đề này.
Cùng với hoạt động của Ty Khí tượng tại Hoàng Sa, các hoạt động kinh tế cũng được tiến hành tại nhóm Croissant ở phía tây của quần đảo này, chủ yếu tập trung vào việc khai thác nguồn phốt phát rất dồi dào ở đây. Phốt phát trên các đảo ở Hoàng Sa có hai phần. Phần trên là phân chim dày 30 phân và phần dưới do san hô tạo nên. Từ năm 1920 hãng Mitsui Bussan Kaisha đã xin Chính phủ Pháp quyền đặc nhượng khai thác. Đến năm 1956, Sở Hầm mỏ, Kỹ nghệ và Tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân trên 4 đảo: Hoàng Sa, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng. Số liệu khảo sát cho thấy phân chim trên các đảo rất nhiều, đến mức “hầu như bất tận”, dùng làm phân bón rất tốt. Theo tài liệu của Tổng nha Khoáng chất và Công kỹ nghệ VNCH, trên những đảo chính của quần đảo Hoàng Sa có từ 3.074.000 – 5.400.000 tấn phốt phát. Năm 1956, một nhà khai khoáng tên là Lê Văn Cang được Chính phủ VNCH cho phép khai thác phân chim tại quần đảo. Ông Lê Văn Cang đã giao cho Công ty Hữu Phước (Hyew Huat) có trụ sở đặt tại Singapore khai thác và vận chuyển số phân chim này đem về Sài Gòn. Số lượng phân chim khai thác trong 3 năm đầu tiên (1957-1959) là 8.000 tấn. Đến năm 1959 Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành thành lập tại Sài Gòn được giữ quyền khai thác nguồn lợi này, Công ty Hyew Huat chuyển sang vai trò chuyển vận về Sài Gòn. Nhưng đến năm 1962 do gặp nhiều trở ngại nên hai công ty này ngưng hoạt động. Năm 1964, Phủ Thủ tướng VNCH cho thành lập Ủy ban nghiên cứu việc khai thác quần đảo Hoàng Sa đặt tại Nha Kế hoạch. Ủy ban này đã tiến hành thu thập dữ liệu về tiềm năng kinh tế của quần đảo và lên kế hoạch khai thác. Cũng liên quan đến hoạt động này, trong phiếu trình Thủ tướng Chính phủ ngày 21.9.1971, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH nhận định như sau: “Ngoài số lượng phân chim lên đến hàng chục triệu tấn, các quần đảo còn là nơi cung cấp một số lượng hải sản rất đáng kể. Đặc biệt quần đảo Hoàng Sa có một loại rau câu biển (hàng trăm tấn mỗi năm) rất có giá trị trên thương trường quốc tế. Trong tương lai, khi ngành ngư nghiệp được khuếch trương đầy đủ, chủ quyền của VNCH tại hai quần đảo này sẽ đương nhiên mang đến cho Việt Nam quyền khai thác một ngư trường cực kỳ phong phú tại đây. Ngoài ra nếu ngoài khơi bờ bể VNCH có mỏ dầu hỏa, giá trị của các quần đảo này tự nhiên gia tăng trên phương diện chủ quyền vì liên hệ đến thềm lục địa và do đó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền khai thác các mỏ dầu hỏa nếu có”. Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Ngoại giao còn đề xuất giải pháp phổ biến trên báo chí, qua hình ảnh hay phim thời sự về tiềm năng kinh tế của quần đảo, cấp giấy phép đánh cá và khai thác các nguồn lợi trên đảo cho công dân trong nước hay ngoại kiều, đồng thời kiểm soát tàu đánh cá của các nước trong hải phận đánh cá của quần đảo.
(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, phông tư liệu Phủ Thủ tướng).
PHẢN ỨNG TRƯỚC HÀNH ĐỘNG TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN
Ngay từ năm 1972, tình hình Biển Đông đã có những dấu hiệu chẳng lành, khi Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm nhập, do thám quần đảo Hoàng Sa và các nước trong khu vực ngày càng lên tiếng đòi tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Từ đấy Việt Nam Cộng hòa (VNCH) xúc tiến hơn việc nghiên cứu những cơ sở lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo này. Bấy giờ, trong công văn mật gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm có đề xuất giải pháp củng cố chủ quyền của VNCH bằng các hoạt động cụ thể như: (1). Phổ biến vấn đề cho báo chí đăng tải để khuyến khích nhân dân khai thác hai quần đảo, qua các hình ảnh hay phim thời sự về các đảo; (2). Dựa trên các khảo cứu của người Pháp để lại, việc khai thác phốt phát trên hai quần đảo cần được thực hiện trong 6 tháng gió mùa đầu xuân, không cần phải đặt căn cứ khai thác cố định và nên chở phốt phát bằng thuyền buồm mới có lợi; (3). Phái các tàu hải quân thám hiểm các đảo chưa thăm viếng, báo cáo phúc trình kèm theo hình ảnh; (4). Xây cất đài khí tượng, đài viễn thông hoặc mọi công tác cần thiết để bảo đảm an ninh lưu thông tại Biển Đông; (5). Gia tăng hoạt động kiểm soát và thám sát của hải quân; (6). Bảo trợ các hoạt động có tính cách khoa học, như khảo cứu động thực vật tại các đảo, xem đó cũng là một hình thức chiếm hữu thật sự các đảo không người; (7). In tem bưu chính về hai quần đảo để xác nhận chủ quyền Việt Nam dưới mọi khía cạnh; (8). Khai thác nông nghiệp và nước ngọt đối với các đảo có thể khai thác được ở quần đảo Trường Sa.
Về phía quân đội, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Trần Văn Chơn, trong phiếu trình Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng quân lực VNCH ngày 12.12.1972 cũng đề xuất việc củng cố chủ quyền đối với hai quần đảo “không chỉ thực hiện thuần túy bằng giải pháp quân sự mà cần phải thực hiện song song với các kế hoạch thuộc về kinh tế, hành chánh và ngoại giao”. Theo đó, về quân sự cần phô trương uy thế quốc gia bằng cách duy trì thường trực tại chỗ những đơn vị của quân đội có đủ khả năng bảo vệ trên các đảo. Về hành chánh phải tổ chức bộ máy chánh quyền theo hệ thống hành chánh để chứng minh hành động của quốc gia trên các quần đảo. Về kinh tế, cần tạo môi trường thuận lợi trong việc khai thác hải sản để thu hút dân chúng đến mưu sinh tạo thêm yếu tố pháp lý với sự hiện diện của người dân Việt Nam trên các quần đảo. Về ngoại giao phải minh chứng với quốc tế chủ quyền của VNCH trên các quần đảo bằng các yếu tố pháp lý căn bản như đã chiếm đóng một lãnh thổ vô chủ, có lịch sử chứng minh, với một hành vi quốc gia có tính liên tục và đã thông tri cho quốc tế biết.
Ngay sau khi được tin Trung Quốc đưa quân đến nhóm phía tây của quần đảo (15.1.1974), 11 giờ 30 ngày 16.1.1974, Nội các VNCH tổ chức ngay phiên họp nghe báo cáo tình hình và thông báo chỉ thị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân. Biên bản tóm lược phiên họp Hội đồng Nội các cho biết nội dung chỉ thị như sau:
1. Bộ Ngoại giao làm tất cả mọi hành động còn làm được có tính cách quốc tế và pháp lý quốc tế từ khía cạnh lịch sử đến công pháp quốc tế để xác nhận thêm lần chót chủ quyền của VNCH trên quần đảo Hoàng Sa; thông báo ngay bằng mọi cách cho quốc gia vi phạm; phổ biến một cách rộng rãi những hành động và tuyên cáo hoặc tuyên bố v.v. của Chánh phủ ngay trong ngày 16.1.1974.
2. Đối với tàu và ghe lạ đang hiện diện tại các đảo, hải quân phải sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu phía vi phạm sử dụng vũ lực thì đáp lại bằng vũ lực.
3. Cho lính hải quân đổ bộ lên đảo Robert (tức đảo Hữu Nhật) và đảo Duncan (Quang Hòa), nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi.
. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví như đảo Drumond (Duy Mộng) và đảo Money (đảo Quang Ảnh).
5. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Croissant (nhóm đảo Lưỡi Liềm) và bằng mọi hành động thích ứng khi cần.
Hội đồng Nội các cũng quyết định:
a. Bộ Ngoại giao: Phản đối ngay theo đường lối quốc tế, qua Liên hiệp quốc, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của VNCH tại quần đảo Hoàng Sa; trong nước, trong ngày 16.1.1974 phải làm tuyên bố chính thức với những lời lẽ mạnh mẽ và cương quyết phản đối, có thể họp báo, truyền hình và phát thanh.
b. Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân: Cho thực hiện khẩn cấp kế hoạch tái chiếm đảo Cam Tuyền (tức đảo Robert, tên Việt Nam là đảo Hữu Nhật) và đảo Quang Hòa; Bộ Tư lệnh Hải quân cho tuần tiễu kiểm soát và bảo vệ các đảo còn lại thuộc quần đảo Hoàng Sa và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; chiếm đóng ngay những đảo có thể ở được; Bộ Tổng Tham mưu yểm trợ phương tiện cần thiết cho Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện các kế hoạch đã đề ra.
Cuộc hải chiến Hoàng Sa diễn ra. Có 75 binh sĩ VNCH hy sinh; 48 binh sĩ và nhân viên dân sự, cùng với 1 nhân viên Mỹ vừa mới được cử ra Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt giữ; 2 tàu HQ-4 và HQ-5 của Hải quân VNCH trúng đạn; tàu HQ-16 bị hư hại nặng phải dần rút khỏi vòng chiến. HQ-10 là tàu nhỏ nhất bị chìm. Sau này, trong loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa” đăng trên báo Thanh niên, một người trực tiếp chiến đấu với nhiệm vụ phụ tá sĩ quan hải hành (chịu trách nhiệm an ninh cho tàu khi đi trên biển) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 là ông Phạm Ngọc Roa hiện ở thôn Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng kể lại: “Sau 3 ngày căng thẳng, khi nhận được lệnh chiến đấu thì ai cũng quyết tâm chứ không sợ sệt gì cả, sống chết gạt bỏ sang một bên. Đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Đất của mình, đảo của mình mà họ vô cớ đến dùng sức mạnh lấn ép, chiếm, thì chúng ta dù có yếu đi nữa cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ… Khi rút lui khỏi trận chiến, chúng tôi biết muốn trở lại Hoàng Sa sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy bất lực, không nhận được sự giúp đỡ khi chiến đấu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tất cả anh em đều buồn vì người lính đã không hoàn thành nhiệm vụ”.
(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhị Cộng hòa và Phông tư liệu Phủ Thủ tướng).
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH
Kỳ cuối: Chiến dịch ngoại giao