Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Liệu Đồng bằng sông Cửu Long có thoát khỏi nguy cơ bị nhấn chìm?


Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có thể sẽ nằm dưới mực nước vào cuối thế kỷ này nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển như cách thức hiện tại có thể khiến 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam, nơi sinh sống của hơn 17 triệu người bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ Quốc gia và toàn cầu.

Chỉ khi cả sáu quốc gia trong lưu vực sông Mekong cùng hành động để quản lý nguồn nước và trầm tích tốt hơn, hậu quả tàn khốc này mới có thể tránh được. Đây là bình luận do một nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành đưa ra trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Science ra ngày 6 tháng 5.

Đa số phần diện tích 40.000 km2 của đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có tác động của nước biển dâng. Thêm vào đó, các hoạt động như khai thác quá mức nước ngầm, khai thác cát không bền vững để xây dựng và mở rộng các thành phố trên khắp châu Á, cũng như sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của vựa lúa phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á này.

“Thật khó tin rằng một vùng đất với  kích thước và dân số tương đương với Hà Lan có thể biến mất vào cuối thế kỷ này,” Giáo sư Matt Kondolf từ Đại học California, Berkeley, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, “nhưng cũng như các đồng bằng sông khác, đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể tồn tại nếu nhận được đủ lượng trầm tích từ thượng nguồn và có dòng chảy đủ để đưa lượng phù sa đó tỏa đi khắp bề mặt đồng bằng, giúp lớp đất mặt được bồi đắp với tốc độ bằng hoặc nhanh hơn mức nước biển dâng trên toàn cầu.”

Dòng chảy và trầm tích của sông Mekong ngày càng bị đe dọa.

“Thiếu năng lượng tái tạo khiến các quốc gia trong lưu vực sông Mekong phát triển nhiều đập thủy điện, nơi phần lớn trầm tích bị giữ lại, mà ít quan tâm đến các tác động ở quy mô toàn hệ thống. Lượng trầm tích ít ỏi đến được hạ nguồn mà có thể khai thác được không đáp ứng đủ nhu cầu cát để xây dựng và cải tạo đất cho ngành bất động sản đang bùng nổ trong khu vực.” đồng tác giả, Tiến sỹ Rafael Schmitt từ Đại học Stanford tổng kết. 

Nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các hoạt động ở thượng nguồn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn tới nguy cơ ngập chìm của đồng bằng. Ngay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng đê cao để kiểm soát lũ và thúc đẩy thâm canh trong nông nghiệp đã ngăn không cho phù sa màu mỡ về bồi tụ trên các cánh đồng lúa.

Tuy nhiên, nguy cơ vùng đồng bằng bị nhấn chìm không phải là một việc đã rồi. Có một số hành động chúng ta có thể thực hiện để  đảm bảo các chu trình sinh thái tự nhiên sẽ hỗ trợ ngăn ngừa việc đồng bằng bị sụt lún và thu hẹp thêm nữa.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của  WWF Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Các nhà khoa học đều nhất trí rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên hiển nhiên, nhưng việc này có thể được ngăn chặn nếu như có thể đảm bảo trong nước sông vẫn có phù sa”. 

“Các quốc gia phải chọn một con đường phát triển tốt hơn cho sông Mekong và khu vực – một chiến lược dựa trên các chính sách tham vọng nhưng khả thi, thúc đẩy tiếp cận toàn hệ thống trong các ngành năng lượng, xây dựng và nông nghiệp sẽ tăng cường khả năng phục hồi của đồng bằng và mang lại lợi ích cho con người và thiên nhiên phụ thuộc vào nó. Tiếp tục phát triển như hiện tại sẽ gây ra thảm họa cho vùng đồng bằng.” ông Goichot nói thêm.

Nhóm nghiên cứu xác định sáu biện pháp khả thi, đã từng được triển khai trên thế giới và có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ của vùng đồng bằng:

  • Hạn chế việc xây dựng các đập thủy điện có tác động lớn,  có thể thay thế các dự án thuỷ điện đã được quy hoạch bằng các trang trại điện gió và mặt trời khi có thể, nếu không thì khi xây dựng các đập mới phải có các giải pháp chiến lược giảm tác động đến các vùng hạ lưu;
  • Thiết kế và / hoặc cải tạo lại các đập thủy điện để hỗ trợ cho trầm tích chảy qua;
  • Giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông và quy định nghiêm ngặt đối với tất cả các hoạt động khai thác trầm tích, đồng thời giảm nhu cầu sử dụng cát sông khai thác từ sông Mekong bằng các vật liệu xây dựng bền vững và vật liệu tái chế;
  • Đánh giá lại tính bền vững của nền nông nghiệp thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long;
  • Duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng nước và thuỷ lợi; và
  • Đầu tư vào các giải pháp thuận thiên để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng.

“Mặc dù tính hiệu quả của các biện pháp này, đặc biệt khi thực hiện đồng bộ, ít bị tranh cãi trong cộng đồng khoa học, nhưng vẫn còn những rào cản lớn tồn tại khi triển khai chúng.” Tiến sỹ Schmitt nói.

Một số biện pháp sẽ mâu thuẫn với lợi ích của một số bên liên quan, chẳng hạn như giữa ngành khai thác cát và phát triển thủy điện, và một số biện pháp sẽ cần có sự phối hợp giữa các quốc gia để lường hết các tác động có quy mô hệ thống và lợi ích của các hành động của cá nhân.

Các quốc gia cũng cần phải có sự đồng thuận về việc duy trì nguồn sống của đồng bằng sông Cửu Long là một mục tiêu chính sách quan trọng của khu vực. Phần lớn diện tích vùng đồng bằng của sông Mekong nằm ở Việt Nam và một số chính sách gần đây của Chính phủ Việt Nam đã cố gắng khắc phục sự sụt lún của đồng bằng, nhưng rủi ro về sự sống còn của đồng bằng ít được thừa nhận, cũng như thiếu các tham vọng trong việc giải bài toán này một cách thực sự có hệ thống.

Việc thực hiện các biện pháp nói trên đòi hỏi sự tham gia của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như các tác nhân mới, từ cả khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Khi hiệp sức lại, chúng ta sẽ có thể cứu vùng đồng bằng sông Cửu Long khỏi nguy cơ bị nhấn chìm.

“Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn tiếp tục phồn vinh qua mốc cuối thế kỷ này là điều có thể – nhưng sẽ cần có các hành động nhanh chóng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trên lưu vực sông, mà vốn đã có nhiều thách thức do sự cạnh tranh, chứ không phải hợp tác.” Giáo sư Kondolf kết luận.

Nguồn: WWF


Click to listen highlighted text!