Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974


Thềm Sơn Hà

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 đi vào lịch sử

Lời mở đầu: bài viết này tổng hợp từ các bài đã viết về Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 trong trận hải chiến Hoàng Sa, và các tài liệu đã được tìm thấy gần đây trong đó có tài liệu do gia đình cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cung cấp. Tác giả hy vọng sẽ trình bày một cách đầy đủ những hình ảnh hào hùng và bi thương của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong trận hải chiến lịch sử chống lại bọn giặc xâm lăng Trung Cộng.

Hơn hai tháng biệt phái công tác cho Vùng I Duyên Hải, Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trở về Đà Nẵng sau chuyến tuần dương cuối cùng để bàn giao lại vùng trách nhiệm cho HQ11 (Hộ tống hạm Chí Linh). Tất cả nhân viên chiến hạm đều vui mừng khi nghĩ đến lần trở về Sài Gòn sắp đến sẽ trùng hợp vào ngày Tết Nguyên Đán. Họ sẽ có dịp gần gũi gia đình trong những giờ phút thiêng liêng của năm mới và cũng theo lời Hạm Phó (HP) Nguyễn Thành Trí nói với vợ trước khi lên đường công tác thì chiến hạm sẽ chuẩn bị đi đại kỳ tại Guam sau khi trở về Sài Gòn (1). Ngoài ra với đồng lương mới lãnh, họ đi bờ ra phố Đà Nẵng mua sắm hàng hóa đặc biệt của địa phương để mang về làm quà Xuân cho gia đình và cũng là dịp những chàng lính thủy độc thân ra phố hưởng thụ những giây phút thoải mái sau những ngày dài lênh đênh trên trên biển.

Bất ngờ chiều 17-1-1974 chiến hạm nhận lịnh khẩn cấp cùng với Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5 lên đường ra công tác Hoàng Sa (HS). Hạm Trưởng (HT) ra lịnh kéo còi nhiệm sở vận chuyển. Một vài nhân viên trở về lúc sợi dây cuối cùng vừa tháo vội vàng nhảy xuống tàu, có người bị hụt chân rớt xuống nước phải thả phao vớt lên.

Chiến hạm rời bến Đà Nẵng lúc 2000H (8 giờ đêm) với tốc độ chậm để chờ HQ5. Lúc 00 giờ 12 qua ngày 18-1, HQ5 bắt đầu tách bến và bắt kịp HQ10 vào lúc 3 giờ 15 sáng. Trước tình trạng kỹ thuật của HQ10 chỉ còn xử dụng được một máy và do nhu cầu hành quân khẩn cấp nên HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Hành Quân đã quyết định chỉ thị HQ5 chạy trước bỏ lại HQ10 phía sau.

Trên đường đến HS, Hạm Trưởng HQ10, HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà (K.12/SQHQ/NT) ra lịnh kiểm soát tất cả mọi ụ súng, đem đạn tối đa từ hầm đạn lên các dàn súng nhưng tất cả các khẩu súng đều phải bao lại và nòng súng chỉa lên trời, HT khuyến khích tất cả các nhân viên không thuộc phiên đi ca cố ngũ để lấy sức cho những ngày kế tiếp. Ngoài ra ông ra lịnh mang lương khô để ở các nhiệm sở tác chiến và kiểm soát lại 4 bè cấp cứu cùng các hộp mưu sinh thoát hiểm. HT còn ra nghiêm lịnh bắt buộc tất cả nhân viên phải mặc áo phao và đội nón sắt mặc dù trời rất nắng và nóng bức (đây là những chỉ thị rất sáng suốt của một cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm, tiên liệu được những điều có thể xảy ra cho chiến hạm trong một trận hải chiến và cũng nhờ những nghiêm lịnh này mà các chiến sĩ HQ10 trong lúc đào thoát đã có sẵn một số nước uống, thực phẩm khô để cầm cự trong thời gian đầu và áo phao đã giúp họ không bị chìm cũng như che chỡ bớt cơn lạnh về đêm).

HQ10 đến HS vào khoảng 11 giờ đêm ngày 18-1. HT liên lạc với cấp chỉ huy trực tiếp là HQ Trung Tá Lê Văn Thự (K.10/SQHQ/NT) Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16 kiêm Chỉ Huy Trưởng Phân Đội II (gồm có HQ 10 và HQ 16), sau đó thi hành lịnh của Trung Tá Thự, HT ra lịnh làm tối chiến hạm (darken ship) để địch không nhận dạng được.

Khoảng 01.00H khuya 19-1, chiến hạm nhận được lịnh hành quân từ Đại Tá Ngạc. Sau khi hội ý với HP là HQ Đại Úy Nguyễn Thành Trí (K.17/SQHQ/NT), HT đã ở lại phòng vô tuyến phụ cạnh đài chỉ huy (ĐCH) để liên lạc với các giới chức liên hệ và chỉ thị HP họp các SQ và nhân viên tại phòng ăn SQ vào lúc 0200H.

Trong buổi họp, HP đã thông báo cho thủy đoàn HQ10 biết là theo nội dung công điện hành quân thì chiến hạm sẽ chuẫn bị chiến đấu thực sự lúc 6 giờ sáng, HP cũng nhấn mạnh ở điểm là bên ta không được khai hỏa trước vì vậy phần thiệt hại về phía ta có thể lên đến 80% hoặc 90%. Trung Úy Nguyễn Đông Mai có đặt câu hỏi về việc khai hỏa thì HP trả lời đây là lịnh từ Sài Gòn chúng ta phải thi hành theo lịnh. Cuộc họp chấm dứt vào lúc 0230H.

Khoảng 4 giờ sáng, sau một giấc ngủ ngắn HT thức giấc và từ ĐCH ông ra lịnh kéo còi nhiệm sở tác chiến. Tiếp theo hồi còi.. tít..tít..tít..là tiếng của HT vang lên trong hệ thống âm thoại:” đây là HT…nhiệm sở tác chiến …nhiệm sở tác chiến…tất cả vào nhiệm sở tác chiến”.

Nghe tiếng còi và lịnh của HT tất cả nhân viên bật dậy và lập tức vào nhiệm sở của mình. Tiếp theo đó là nhiệm sở phòng không. Tất cả nòng súng rợp rợp hướng lên trời ở góc độ 45 độ.

Khoảng 4 giờ 30 có hai đóm sáng trên trời, tất cả các khẩu súng đều quay về hướng hai mục tiêu này.

Khoảng 5 giờ 30 hai đóm này lại xuất hiện.

Lúc 6 giờ hai đóm sáng này bay thấp hơn có lẽ là hai phản lực cơ.
Sự xuất hiện liên tiếp của các phi cơ lạ tạo nên tình trạng căng thẳng cho tất cả các nhân viên trên chiến hạm, chắc hẳn mọi người ai cũng linh cảm rằng một cuộc hải chiến chắc sẽ xảy ra.

Rạng sáng ngày 19-1, thi hành lịnh Phân Đội Trưởng, HQ10 di chuyển vào lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm theo lối giữa bãi Antelope và đảo Quang Hòa. Lúc này trời còn lờ mờ chưa tỏ hẵn ánh dương, lực lượng địch bây giờ được tăng cường thêm 2 chiếc Trục lôi hạm T43 mang số 389, 396. Như vậy chúng có cả thảy 4 chiến hạm (2 chiếc Hộ tống hạm loại Kronstadt số 271, 274 đã xuất hiện từ trước) và 2 tàu đánh cá ngụy trang mang số 402, 407 đang hiện diện tại vùng, đối đầu với 4 chiến hạm của ta (kể cả Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5 thuộc Phân Đội I đang ở trong khu vực phía Nam và phía Tây Nam đảo Quang Hòa).

Chiến hạm ta và địch chạy đan qua đan lại nhau rất gần. Địch nhiều lúc như muốn đâm thẳng cả tàu vào chiến hạm của ta nhưng về cả hai phía các khẩu súng đều chỉa lên trời.

Khoảng 6 giờ 30, Đại Tá Ngạc ra lịnh cho HQ5 đổ bộ toán người Nhái lên đảo Quang Hòa. Toán này vừa tiến vào bờ thì bị lính TC nổ súng trước, một SQ và một chiến sĩ người Nhái bị tử thương. Đại Tá Ngạc ra lịnh toán người Nhái mang xác SQ và rút toàn bộ trở về HQ5.

Nghe tiếng súng nổ, HT thông báo diển tiến và ra lịnh tất cả nhân viên sẵn sàng. Ngay sau tiếng súng nổ trên đảo, chiến hạm của ta và TC không còn chạy gần nhau nữa mà bắt đầu tách ra xa.

Khoảng 9 giờ, các tàu TC trao đổi quang hiệu. Ngay tiếp sau đó các tàu đánh cá ngụy trang được 4 chiến hạm bảo vệ di chuyển song song về hướng Bắc và dần dần biến mất ở cuối chân trời. Mọi người trên chiến hạm thoáng vui mừng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm nghĩ là TC đã chịu lùi bước rút lui.

Phần Trung Úy Hà Đăng Ngân hơn ngày qua lúc nào thần kinh cũng căng thẳng áo phao, nón sắt rất bực bội bây giờ được tạm cỡi ra vừa xuống phòng ăn cơm xong định đặt chân vào phòng tắm thì còi nhiệm sở tác chiến đột ngột reo inh ỏi, Tr/Úy Ngân tức tốc chạy lên nhiệm sở, mặc lại áo phao, đội nón sắt vào.

Nhìn theo hướng chỉ trên ĐCH thấy có mấy vệt khói mỏng nơi cuối chân trời, rồi từ từ 4 chiến hạm TC đã rời vùng cách đây khoảng một tiếng quay đầu trở lại. Khi các chiến hạm TC tiến đến các chiến hạm ta, chúng không đến gần như lúc sáng mà ở xa xa khoảng 1 km làm thành một vòng tròn bao quanh các chiến hạm ta. Sau khi chạy loang quanh chừng 2 vòng các tàu TC từ từ lảng xa ra hơn. Như tiên đoán trước được dấu hiệu khác thường HT ra lịnh chuẩn bị tác chiến nhưng tất cả nòng súng hướng vào phía đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch. Trông chờ mãi khẩu lịnh “bắn” vẫn chưa được ban hành, thủy thủ đoàn có phần xao lãng không còn vẽ hăng say như lúc đầu. Lợi dụng khoảng thời gian này , một số nhân viên ở các nhiệm sở luân phiên vào nhà ăn để dùng cháo cho buổi điểm tâm.

Khoảng 10 giờ, hai chiếc tàu TC mang số 389, 396 bắt đầu tách rời ra khỏi hai chiếc 271, 274 và chạy song song gần nhau. Như một kinh nghiệm chiến trường, HT ra lịnh hạ nòng súng và quay súng về phía tàu TC, vài phút sau hai tàu TC chạy gần sát vào nhau và thình lình cùng quay mũi song song trực chỉ HQ10. HT ra lịnh tất cả ổ súng hướng về hai mục tiêu địch và xin lịnh cấp trên cho phép nổ súng nhưng được trả lời chờ Sài Gòn quyết định. Lúc này thần kinh tất cả mọi người thật căng thẳng. Hai tàu TC cứ từ từ đến gần, khi còn cách HQ10 khoảng 200-300m, HT hét lớn “bắn”.

Tất cả các khẩu súng trên tàu đều nhả đạn vào tàu địch. HQ10 khai hỏa đầu tiên do lịnh của chính HT (theo HQ Tr/Tá Lê Văn Thự Hạm Trưởng HQ16 thì HQ16 khai hỏa trước). Những phát đạn đầu tiên của HQ10 trúng ngay vào chiếc 389 của TC làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay ĐCH làm hư hệ thống tay lái nên tàu cứ xoay quanh. Đến lúc này HQ10 vẫn an toàn, đạn từ tàu TC bắn tới đều bay qua đầu hoặc nổ trên mặt nước.

Chiếc 389 bị trúng nơi hầm đạn với lỗ thủng hơi lớn làm nước tràn vào, ngoài ra máy phát điện cũng bị hư vì trúng đạn. Sau khi đã cố gắng vá xong lỗ thủng và sửa chửa máy phát điện, chiếc này quay trở lại tham chiến.

Điểm cần nêu lên ở đây là so sánh về hỏa lực thì hai trục lôi hạm số 389 và 396 tuy không được trang bị đại bác cỡ lớn nhưng bù lại mỗi chiếc có 4 khẩu đại bác 37 ly (tương đương với đại bác Bofors 40 ly của ta) và 4 khẩu đại bác 25 ly. So sánh về kích thước 2 chiếc này tương đương với HQ10, do đó địch đã áp dụng chiến thuật bám sát vào các chiến hạm ta để làm giảm đi sự hiệu quả của khẩu 127 ly trên HQ16 và 76, 2 ly trên HQ10.

Đang chiếm ưu thế, bổng dưng khẩu 76, 2 ly trên HQ10 bị trở ngại tác xạ (có phải đây là lý do mà HT đã khẩn cấp gọi HP lên ĐCH???) thêm vào đó chiến hạm lại chỉ có một máy khiển dụng, vì thế việc vận chuyển để xử dụng tối đa 2 khẩu đại bác 40 ly ở phía sân sau cùng một lúc rất là khó khăn. Lợi dụng sự bất lợi của HQ10, chiếc 389 đã tấn công tới tấp và HQ10 bắt đầu trúng đạn ở ĐCH và phòng lái. HT, hầu hết các Sĩ Quan, HSQ và nhân viên ngành Giám lộ và Vận Chuyển có mặt trên ĐCH và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm Phó bị thương nặng nơi mặt, bụng và chân phải (mất một miếng thịt ở chân phải).

Ngoài ĐCH và phòng lái, hầm máy và hầm đạn dược cũng bị trúng đạn bốc cháy. Đạn nổ văng tứ tung và khói đen tuôn mịt mù khắp con tàu.

Từ vị trí cách HQ10 khoảng vài trăm mét, quan sát thấy HQ10 đang ở trong tình trạng rối loạn, không bỏ lỡ cơ hội chiếc 389 của TC vận chuyển tiến vào phía sau lái hữu hạm HQ10. Thấy tàu địch có ý định cặp vào một vài nhân viên hơi giao động nhưng 2 chiến sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu vẫn ngang nhiên ghì chặt nòng súng làm tròn phận sự của mình (lúc này trên HQ10 có khoảng 50 chiến sĩ đã hy sinh, một số bị thương nặng nhẹ, chỉ còn khoảng 20 người còn khả năng chiến đấu). Lính TC trên 389 ném lựu đạn, bắn súng tiểu liên , súng bazooka qua HQ10 với mục đích thanh toán các ổ súng còn lại, sau đó sẽ cặp vào đổ bộ lính lên chiếm đoạt tàu và bắt sống thủy thủ đoàn HQ10.

Những đợt tác xạ của địch trúng vào Đài Chỉ Huy đã làm Đ/U Trí rớt xuống phòng lái, tuy nhiên với dáng người to con, tướng vạm vỡ (cao 1,74m – nặng 70 kg), HP Nguyễn Thành Trí mặc dù đang bị thương nặng nhưng đã cố gượng đứng lên. Đoán được ý định của giặc, từ phòng lái, Đ/U Trí đã giựt lấy khẩu M16 nhã hàng loạt đạn vào tàu địch và sau khi đợi tàu địch vào đúng vị trí, Đ/U Trí đã cố sức vận chuyển chiến hạm, lấy hết tay lái về bên phải, hướng mũi tàu HQ10 đâm vào hông chiếc 389 của địch.

Quá bất ngờ trước hành động sáng suốt và quyết tử này, chiếc 389 không còn cách gì để vận chuyển tránh né khỏi nên đã bị phần mũi của HQ10 đâm mạnh vào yếu điểm của chiến hạm là phần sau lái. Cú đụng mạnh này cộng thêm vào những hư hại do hỏa pháo của HQ10 bắn trúng trong đợt khai hỏa đầu tiên đã đưa chiếc 389 lâm vào tình trạng nguy kịch, có lẽ đang sắp sửa chìm. Đây chắc cũng là lý do khiến chiến 396 phải ngưng chiến đấu với HQ16 để cấp tốc chạy đến tiếp cứu chiếc 389. Tuy nhiên, ngay cả chiếc 396 cũng lâm vào tình trạng nguy ngập vì thế 2 tàu đánh cá ngụy trang 402 và 407 đã đến tiếp cứu và đưa 389 ủi vào bãi san hô.

Có thể nói đây là một chiến công thật hiển hách của anh hùng Nguyễn Thành Trí trước giặc thù Trung Cộng. Nhận lãnh trách nhiệm quyền Hạm Trưởng (HT Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt kiêm Phân Đội Trưởng Phân ĐộI II đã chỉ định HQ Đ/U Nguyễn Thành Trí thay thế HT Ngụy Văn Thà đã tử thương) trong lúc đang bị thương nặng, một mình đơn độc trên đài chỉ huy (Hạm Trưởng và hầu hết các SQ và nhân viên trên đài chỉ huy và phòng lái đã hy sinh), chiến hạm lại đang ở trong tình trạng nguy kịch, Đ/U Trí quyết định liều chết trong tình trạng khẩn trương đã dùng con tàu làm vũ khí lợi hại chống lại kẻ thù. Đ/U Trí không những đã phá vỡ ý đồ cướp tàu, bắt sống thủy thủ đoàn và mang HQ10 về làm chiến lợi phẩm của địch mà ngược lại còn gây thiệt hại nặng nề cho tàu địch.

Hành động này của Đ/U Trí đã dẫn đến cái chết cho ông và 6 chiến sĩ trên HQ10 trong lúc đào thoát, nhưng ngược lại đã bảo toàn danh dự của Hải Quân VNCH và của tổ quốc Việt Nam.

Vì cấu trúc của phần mũi HQ10 rất chắc chắn nên sau khi đâm mạnh vào sau lái chiếc 389, phần sườn và võ tàu HQ10 không bị hư hại thêm nhiều nhưng cả 2 máy lúc này hoàn toàn bất khiển dụng. Chiến hạm ta và địch từ từ tách ra xa. Tiếng súng đã lắng dịu. Trận hải chiến đang ở trong giai đoạn chấm dứt. HQ16 đang cố gắng bơm nước ra và sửa chửa máy phát điện từ từ ra khỏi lòng chảo hướng về Đà Nẵng. HQ4 và HQ5 rời vùng về hướng Đông Nam. Chiến hạm địch đang tự cứu hoặc đến cứu giúp lẫn nhau. Do đó, mặc dù HQ10 vẫn còn hiện diện tại vùng chiến nhưng đã không có một chiến hạm nào khác của TC đến gần để thăm dò hoặc để bắn chìm. Mãi đến 11 giờ 49 phút TC mới ra lịnh cho 2 chiến hạm loại Hainan mang số 281, 282 tăng tốc độ trực chỉ đến vùng và chúng đã đến địa điểm giao chiến vào lúc 12 giờ 12 phút.

Tình trạng HQ10 lúc này quá bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm Trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí bị cháy đen thui trong đó có Tr/Úy Thạch Cơ khí trưởng hai chân hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen, 2 máy chánh và máy điện hoàn toàn bất khiển dụng, hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không xử dụng được.

Đ/U Trí từ ĐCH bò xuống sàn tàu. Trước tình trạng tuyệt vọng không được sự tiếp cứu từ các chiến hạm bạn, ngoài ra các chiến hạm địch cũng đang tự cứu lấy do đó không còn là mối đe dọa nữa. Có lẽ đây là những lý do đã khiến cho Đ/U Trí ra lịnh đào thoát.

Với gương mặt đầy máu, Đ/U Trí được hai nhân viên dìu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc tuyên bố: ”Hạm Trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm Trưởng ra lịnh đào thoát”. Sau đó, Đ/U Trí đã lết đến từng chỗ mà kéo vực các binh sĩ xuống bè đào thoát (trong số này có Tr/úy Phạm Văn Thì đang ở tại nhiệm sở thủ cây đại liên). Ngoài ra Đ/U Trí chỉ định những nhân viên còn khỏe mạnh thả 4 bè cấp cứu cùng phụ giúp đưa những người bị thương xuống bè và chuẩn bị 1 bè nhỏ có 2 miếng ván kê lên để cho 2 chiến sĩ bị thương nặng là TS/VC Đa và TS/TP Nam nằm lên.

Khi tất cả nhân viên đã xuống bè, Đ/U Trí với vết thương quá nặng, khắp người nhầy nhụa máu cương quyết ở lại chết cùng Hạm Trưởng cùng nhân viên và chiến hạm nhưng hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long đã cặp và lôi ông xuống bè.

Như vậy cuộc đào thoát đã được thực hiện từng giai đoạn, rất có kỷ luật và theo đúng truyền thống Hải Quân. Quyền Hạm Trưởng Nguyễn Thành Trí là người cuối cùng miển cưỡng rời chiến hạm. Trong những giờ phút sau cùng, Đ/U Trí vẫn không quên những bài học về Hải Quy trong hai năm thụ huấn nơi quân trường.

Khi tất cả nhân viên đã lên bè đầy đủ (có người nhảy xuống nước rồi mới lên bè) kiểm điểm lại có tất cả 28 người trong đó có những người bị thương nặng và nhẹ trên 4 bè lớn và 1 bè nhỏ, ngoại trừ các chiến sĩ đã hy sinh. Có 2 chiến sĩ oai hùng là HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã từ chối không xuống bè đào thoát, quyết ở lại tử chiến với giặc thù Trung Cộng và chết theo tàu.

Tình trạng các bè rất bi thảm, bè nào cũng bị trúng đạn. Riêng bè của Đ/U Trí bị bể một miếng lớn, khi 6 người ngồi lên, bè chìm xuống, nước ngập tới ngực. Dù bị thương nặng nhưng Đ/U Trí vẫn còn tỉnh táo, ông bảo thủy thủ cố đưa 4 bè lại gần nhau rồi dùng những sợi dây chung quanh phao, cột chúng lại với nhau để cho tàu chạy ngang qua dễ nhìn thấy.

Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẵn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói. Tàu bị trúng đạn quá nhiều lỗ chỗ như tổ ong; về phía Trung Cộng, 3 chiếc cũng đang bốc cháy.
Tất cả mọi người đều hy vọng sẽ có chiến hạm bạn đến tiếp cứu nhất là HQ16 cũng không xa lắm, nhưng khi nhìn thấy HQ16 bị nghiêng một bên và đang từ từ chạy ra khỏi lòng chảo họ mới hiểu được lý do vì sao HQ16 không đến vớt họ lên.

Gió mùa Đông Bắc đưa các bè trôi theo hướng ra ngoài lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm và HQ10 cũng đang trôi theo. Khoảng hơn một giờ sau các thủy thủ trên bè thấy có khói xuất hiện ở cuối chân trời, niềm hy vọng có tàu bạn đến cứu nhóm lên, nhưng khi đến gần thì ra là hai chiếc số 281, 282 loại Hainan của TC. Khi 2 chiếc này tới gần HQ10 vào lúc 12 giờ 12 phút khẩu đại bác 20 ly do 2 chiến sĩ anh hùng Tây và Sáu ở lại tử thủ bắt đầu nổ vang, chiến hạm địch vừa tiến vừa phản pháo bằng đại bác 57 ly và các loại súng khác. Một hồi lâu sau tiếng đại bác 20 ly từ HQ10 im bặt, HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã trúng đạn của giặc thù TC hy sinh đền nợ nước một cách oai hùng.

Mặc dù không còn tiếng súng chống trả trên HQ 10 nhưng tàu TC vẫn tiếp tục bắn xối xả vào HQ10 trong khi HQ10 đang bốc cháy và trôi lềnh bềnh cho đến 14 giờ 52 phút thì chìm tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) khoảng 2, 5 km mang theo thân xác của Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và 54 (2) chiến sĩ anh hùng của HQ/VNCH.

Thanh toán HQ10 xong, hai chiếc 281, 282 quay lại tiến gần đến các bè, HP Nguyễn Thành Trí dặn các nhân viên trên bè: ”nếu bị bắt, bị đánh cũng đừng khóc, đừng van xin”. Tất cả đều hồi hộp không biết chúng sẽ hành động như thế nào? Chúng sẽ vớt họ lên bắt sống làm tù binh? Chúng sẽ bỏ mặc cho bè các anh tiếp tục trôi để chết lần mòn giữa biển khơi? Hay là chúng sẽ bắn vào bè để giết chết hết các anh?… Cuối cùng, sau khi chạy quanh các bè khoảng 2 vòng, chúng vẫy tay cười rồi bỏ đi. Chúng đã chọn phương cách thật tàn nhẫn vừa khỏi phí đạn, vừa khỏi tốn công chăm sóc các anh theo luật tù binh quốc tế, vừa khỏi mang tiếng sát nhân vì chúng nghĩ là sớm muộn gì các anh cũng sẽ chết.

Hành động vô nhân đạo này của TC đã làm chết thêm 7 chiến sĩ của HQ10. Nếu chúng thi hành đúng theo hiệp ước Geneva về tù binh thì khi các chiến sĩ HQ10 được vớt lên chúng có nhiệm vụ phải chăm sóc cho họ và sẽ không có thêm 7 chiến sĩ của HQ10 phải chết oan uổng trên đường đào thoát.

Sau khi tàu TC bỏ đi, các bè vẫn tiếp tục trôi và khi mặt trời bắt đầu lặn dòng nước đưa các bè lại gần một hòn đảo nhỏ. Đ/U Trí ân cần dặn nếu lên được đảo thì phải đào hố để che gió cho ấm và kiếm nước uống, tuyệt đối không được uống nước biển sẽ chóng chết.

Các anh em cố gắng dùng tay và những mảnh ván nhỏ thế chèo nhưng vẫn không vào được gần đảo, dần dần các bè trôi ra ngoài khu vực lòng chảo. Càng về đêm gió càng thổi mạnh, sóng dâng to đánh mạnh vào các bè làm chiếc bè trên đó có Đ/U Trí bị đứt giây tách ra khỏi nhóm. Tất cả mọi người trên các bè đều lạnh run và mệt lả. Trên bè của Đ/U Trí có thêm Tr/úy Ngân cũng bị thương. Phần Đ/U Trí bị thương trên đầu, bụng và chân nhưng ông vẫn cố gắng giữ vẻ tỉnh táo, che dấu đi những nổi đau đớn do vết thương hành hạ. Tuy nhiên vết thương ở chân vì không được băng bó kỷ lưỡng nên vẫn còn rĩ máu vì thế cá mập cứ bám theo sau.

Lo ngại về sự an toàn của đồng đội và có lẽ cũng biết là mình sắp chết nên Đ/U Trí đã bảo thuộc cấp: “hảy thả tôi xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo, các anh cũng sẽ chết hết.” (3) Nhưng các anh em không thể nhẩn tâm đối với vị Hạm Phó đã từng sống chết với mình nên họ đã làm ngơ. Cho đến khi đêm xuống, các anh em mệt nhoài ngủ thiếp đi thì cũng là lúc Đ/U Trí trút hơi thỏ cuối cùng đền nợ nước vào khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 1974, sau khi đã làm tròn nhiệm vụ của một chiến sĩ HQ/VNCH cho đến phút cuối cùng. Các chiến sĩ đào thoát đã chờ đến lúc trời sáng để làm lễ thủy táng cho ông theo truyền thống Hải quân.

Ngoài Đ/U Trí còn có 5 chiến sĩ bị thương trong trận hải chiến cũng đã hy sinh trên các bè đào thoát, danh sách trích từ phiếu tường trình ủy khúc số 121/BLH/HĐ/NV/TTUK/K ngày 16-2-1974 của BTL/HĐ (4) gồm có:

– HQ. Đại Úy Nguyễn Thành Trí số quân: 61A702.714
– TS1/GL Vương Thương – 64A700.777
– TS/VCh Phan Ngọc Đa – 71A703.001
– TS/TP Võ Văn Nam – 71A705.697
– TS/ĐTTrần Văn Thọ – 71A706.845
– TS/QK Nguyễn Văn Tuấn – 71A700.206

Với khoảng 4 ngày và 3 đêm trôi lênh đênh giữa vùng biển mênh mông trên các bè loang lỗ đầy vết đạn của giặc thù, nước uống và thức ăn không đủ để chia nhau phải dùng nước tiểu pha với nước biển để uống cầm cự. Họ đã sống giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa cái chết và cái sống, giữa những cơn đau đớn tận cùng do vết thương hành hạ, do thời tiết nghiệt ngã mang đến và nhất là nổi đau xót khi chứng kiến đồng đội người này tiếp nối người kia gục ngã trên bè, thân xác được thủy táng vào lòng đại dương. Nhưng hầu như tất cả mọi người lúc nào cũng chia xẽ với nhau, cũng nhường nhịn lo lắng cho nhau và cùng nhau cầu nguyện.

Công tác tìm kiếm và cứu vớt các chiến sĩ đào thoát

Ngay trong ngày 19-1, trước tin sơ khởi báo cáo về cho biết có thể có 2 chiến hạm phía ta đã bị hỏa tiển Styx của TC bắn chìm, chánh phủ VNCH đã 3 lần nhờ chánh phủ Hoa Kỳ trợ giúp trong việc tìm kiếm và cấp cứu (2 lần nhờ sự trợ giúp của các chiến hạm và 1 lần nhờ sự trợ giúp của các trực thăng thuộc Đệ Thất Hạm Đội), nhưng lời yêu cầu này đã bị Đại Sứ Martin khước từ. Người bạn đồng minh từ bao năm nay đã lựa chọn thái độ không can dự vào các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo trong vùng biển Đông, ngay cả việc giúp đỡ với mục đích nhân đạo.

Thái độ này đã được thể hiện rõ rệt qua việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Quốc Phòng chỉ thị cho Hải Quân Hoa Kỳ đứng ngoài khu vực xung đột. (ngày giờ chính xác của văn thơ này chưa được rõ). Do vậy, nên ngay sau khi được tin chiến hạm HQ/VNCH đã nhận được lịnh khai hỏa, Tư Lịnh Hạm Đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ vào lúc 0950H ngày 19-1 lập tức gởi công điện ra lịnh cho các chiến hạm Hoa Kỳ tránh xa khỏi khu vực sắp giao chiến và tránh các hành động có thể được xem như là tham dự vào hay cung cấp sự yểm trợ cho miền Nam.

Đồng thời Tư Lịnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương cũng ra lịnh cấm tất cả các phi cơ thuộc Không Lực Hoa Kỳ bay trên không phận quần đảo Hoàng Sa ở bất cứ cao độ nào.

Nhật báo The New York Times ra ngày 19-1 có đăng lời Phát Ngôn Viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố “Chúng tôi không đứng về bất cứ phe nào”. Ngoài ra John F. King viên chức Giao Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phát biểu khi trả lời các câu hỏi: ”Lẽ dỉ nhiên, chúng tôi hết sức mong muốn một sự dàn xếp êm đẹp”, nhưng “chúng tôi không can dự vào”.


Vào buổi tối ngày 20-1, Ngoại Trưởng VNCH đã yêu cầu Đại Sứ Martin chuyển đạt lời yêu cầu đến chánh phủ Hoa Kỳ để nhờ họ đề nghị với TC đồng ý hưu chiến trong 48 giờ, đủ thời gian để chánh phủ VNCH có thể di tản những người chết và bị thương ra khỏi quần đảo HS (5)


Lời đề nghị hợp lý và nhân đạo này đã không được chánh phủ Hoa Kỳ chuyển đến Bắc Kinh.

Trước thái độ dửng dưng của Hoa Kỳ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi cân nhắc lợi hại đã từ bỏ ý định dùng võ lực tái chiếm Hoàng Sa. Vì vậy các giới chức thẫm quyền đã nghĩ ngay đến việc cứu cấp các chiến sĩ HQ10 đào thoát trên bè sau trận hải chiến.

Trưa ngày 22-1 lúc 1 giờ 05 phút, Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn đã gởi điện thư về Bộ Ngoại Giao báo cáo là vào buổi sáng, dinh Độc Lập, Bộ Ngoại Giao và Đại Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH đã thông báo với họ là Chánh Phủ Việt Nam cảm thấy bắt buộc phải mở ra cuộc hành quân không/hải để tìm kiếm những người hy vọng sống sót trên mặt biển trong khoảng giữa Hoàng Sa và Đà Nẵng.

Tiếp theo đó lúc 1 giờ 31 trưa ngày 22-1, Tòa Đại Sứ lại gởi tiếp bản văn từ Bộ Ngoại Giao VNCH mới vừa được Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao VNCH phổ biến đến báo chí, nội dung bản văn loan báo cấp chỉ huy quân sự Việt Nam đang mở ra cuộc hành quân cứu cấp trong vòng 48 giờ để cứu vớt những người sống sót trên Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10, chiến hạm này đã được báo cáo mất tích sau trận hải chiến với Hải Quân TC tại quần đảo Hoàng Sa.

Lực lượng tham dự cuộc tìm kiếm gồm có Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6, hai chiếc Tuần Duyên Đỉnh (WPB) và 1 phi cơ C119.

Khu vực tìm kiếm nằm trong giới hạn bởi các tọa độ dưới đây:

– A. 15 độ 30 phút 28 giây Bắc – 110 độ 00 phút 18 giây Đông
– B. 14 độ 50 phút 30 giây Bắc – 110 độ 40 phút 27 giây Đông
– C. 15 độ 30 phút 36 giây Bắc – 111 độ 10 phút 00 giây Đông
– D. 16 độ 00 phút 00 giây Bắc – 110 độ 40 phút 48 giây Đông

Bản văn từ Tòa Đại Sứ Mỹ cũng cho biết là các giới chức thẫm quyền VNCH quan tâm đến số phận của thủy thủ đoàn HQ10 mà lần sau cùng đã được thấy không người điều khiển gần đảo Vĩnh Lạc (Money). Với dòng nước biển chảy bình thường sẽ đưa HQ10 hoặc là nếu chiến hạm bị chìm sẽ đưa những người sống sót đến khoảng 70 hải lý về hướng Tây Nam của khu vực nằm trong các tọa độ A, B, C và D.

Bản văn còn cho biết là chánh phủ VNCH chỉ thị phái đoàn VN ở Geneva lập tức thông báo cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế những điều đã đề cập ở trên và yêu cầu Hội thông báo Bắc Kinh về bản chất và phạm vi của cuộc hành quân, ngoài ra còn yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ xử dụng các phương tiện thông tin trực tiếp với Bắc Kinh trong nỗ lực để đảm bảo là Bắc Kinh cũng biết rõ về chiến dịch hoàn toàn có tính chất nhân đạo này.

Về phần Đại Sứ Martin, ông cũng khuyến cáo Bộ Ngoại Giao Mỹ nên tiếp xúc với Phái đoàn liên lạc TC ở Hoa Thịnh Đốn hoặc Văn phòng Liên Lạc Hoa Kỳ ở Bắc Kinh để yêu cầu TC thông báo đến các giới chức thẫm quyền quân sự của họ về chiến dịch này và Bộ Ngoại Giao có thể chỉ thị Phái Đoàn Hoa Kỳ ở Geneva tạo điều kiện để Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và Hội HTT quốc tế gặp gỡ nhau.

Những lời khuyến cáo của Đại Sứ Martin đã được Ngoại Trưởng Kissinger chấp thuận, vì vậy ngay sau đó Ngoại Trưởng Kissinger đã gởi điện thư cho Văn Phòng Liên Lạc Mỹ ở Bắc Kinh yêu cầu họ thông báo với Bộ Ngoại Giao TC về cuộc hành quân cứu cấp này. Ngoài ra cũng giải thích cho Bắc Kinh biết là Mỹ làm việc này theo sự yêu cầu của chánh phủ VN và với tính cách nhân đạo, còn việc đề nghị Bộ Ngoại giao TC thông báo cho cấp chỉ huy quân sự TC là tùy ở Văn Phòng Liên Lạc.

Sơ đồ cuộc hành quân tìm kiếm và cứu vớt
các chiến sĩ thuộc HQ10.

Trong khi các chiến hạm và phi cơ VNCH đang bắt đầu việc tìm kiếm thì vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 22-1-1974 tàu dầu Kopionella thuộc hảng Shell mang quốc tịch Hòa Lan đã tìm thấy và vớt tất cả 22 người (5) thuộc HQ10 còn sống sót lên tàu tại toạ độ 16 độ 10’ N và 110 độ 46’ E cách Đà Nẵng khoảng 287 km về hướng Đông, như vậy toán đào thoát đã trôi trên biển trong khoảng 78 giờ với khoảng cách độ 110 km.

Sau khi lên tàu Thượng Sĩ Châu vì quá kiệt sức nên đã trút hơi thở cuối cùng, ngoài ra có 4 người bị thương nặng. Tất cả đã được từ Thuyền Trưởng, Thuyền Phó và phu nhân của các vị này cùng thủy đoàn tàu dầu Kopionella tận tình chăm sóc. Với tư cách Sĩ quan thâm niên hiện diện, HQ Trung Úy Phạm Văn Thì đã được Thuyền Trưởng đưa vào phòng của ông để liên lạc với cấp chỉ huy Hải Quân Việt Nam.

Sáng ngày 23-1 lúc 5 giờ 15 tất cả đã được chuyển sang Tuần dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6 để đưa về Đà Nẵng.

Qua lời thuật lại của các chiến sĩ sống sót, cuộc hành quân cứu vớt tiếp tục sang ngày 23-1 với hy vọng tìm thấy bè bằng cây trên đó có TS/VC Đa và TS/TP Nam, nhưng đến 6 giờ 15 phút chiều cùng ngày phi cơ tuần tiểu đã phát giác hai mãnh ván tại tọa độ 15 độ 43’ Bắc – 110 độ 02’ Đông, nhưng khi chiến hạm được điều động đến nơi mọi người đều thất vọng vì chỉ thấy 2 miếng ván không người.

Cuộc hành quân tìm kiếm và cấp cứu đã được chấm dứt ngay sau đó.

Để kết luận, trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974 như là một định mệnh đã sẵn dành cho Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử chống ngoại xâm để gìn giữ cõi bờ hùng vĩ do tổ tiên truyền lại. Tuy mất Hoàng Sa nhưng gương sáng về những sự hy sinh cao qúy, về tinh thần chiến đấu cao độ, liều chết tử thủ trước giặc thù, về lời nói đầy hùng khí ngay cả khi lâm vào tình thế nguy khốn sẽ mãi mãi được nhớ đến trong lịch sử oai hùng ngàn đời của con dân nước Việt.

Xin cho một lần tất cả những người dân nước Việt, không phân biệt Nam, Trung, Bắc không phân biệt lý thuyết, chủ nghĩa hãy cúi đầu khâm phục tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao cả của 54 chiến sĩ HQ10 đã hy sinh tại chiến trường, 7 chiến sĩ hy sinh trên đường đào thoát cũng như 21 chiến sĩ còn lại đã thoát chết trong lúc chiến đấu với giặc thù, đã sống sót trong 3 đêm và 4 ngày gian khổ cùng cực trên biển khơi.

Các anh còn sống để có ngày chứng minh cho cả thế giới biết sự chiến đấu hào hùng của dân Việt cũng như sự nhẫn tâm của giặc thù Trung Cộng.

Chuyện bên lề: Trong bài “Nhật ký bên lề trận hải chiến Hoàng Sa”, HQ Đại Tá Võ Sum TP6/BTL/HQ (Phòng Truyền Tin) đã viết là vì muốn biết số phận cuả HQ10 nên trong ngày 20 tháng 1, ông đã dùng phương pháp cảm xạ học để tìm vị trí của chiến hạm xấu số này.

Ông đã tiên đoán số phận HQ10 “không bao giờ trở lại” và các bè trôi theo hướng 240 độ thật là chính xác. Vị trí cuối cùng của các bè đào thoát do Ông tìm được lần sau cùng vào lúc 10 giờ đêm ngày 22 tháng1 là điểm E tọa độ 16 độ 17’ Bắc và 110 độ 58’ Đông.

Ngoài ra cũng theo bài viết thì chính HQ Trung Tá Lê Thành Uyển đã thiết lập khu vực tìm kiếm cho các chiến hạm và phi cơ.

Phần dẫn chứng:

Trong bài viết “On January 19, 1974 Xisha naval battle detailed solution” tác giả TC đã diển tả về chiếc 389 như sau: ”… chiếc 389 bị trúng đạn nước tràn vào trong hầm đạn dược…..ngoài ra 5 binh sĩ cũng hy sinh trong lúc sửa lại máy phát điện. Tất cả thủy thủ chiếc 389 chiến đấu một cách dũng cảm ném từng quả lựu đạn, xử dụng súng tiểu liên, súng bazooka bắn qua chiếc HQ10 gần sát đó. Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh trong trận chiến xáp lá cà này. Lúc bấy giờ chiếc HQ-16 trở lại giao chiến với chiếc 389 để tiếp cứu chiếc HQ10 đang cháy bừng bừng. Đại Úy Nguyễn (ám chỉ Nguyễn Thành Trí) trên chiếc HQ10 thay thế Thiếu Tá Thà đã hy sinh, dốc toàn lực định húc ngay phía sau chiếc 389 thì chiếc 396 đến kịp để cản trở chiếc HQ 16 yễm trợ cho chiếc 389 thoát hiểm…………….12 giờ 12 phút, phân đội 74 nhận lịnh công kích, chiến hạm 281 bắn xối xả lên chiến hạm Nhật Tảo, tuy thủy thủ đoàn chiến hạm Nhật Tảo chống trả mãnh liệt, đến 14 giờ 52 phút chiến hạm Nhật Tảo chìm tại địa điểm phía Nam bãi Ninh Dương (bãi đá Hải Sâm – Antelope reef) cách 2,5 cây số”.

Ngoài ra bài này đã viết về chiếc 389 sau khi bị HQ10 đụng vào phía sau lái: ”…chiến hạm số 389 của ta có hơn 10 người chết, đã bị chiến hạm VNCH bắn trúng nhiều lần và bị thiệt hại rất nặng. Khi chiếc 396 chạy đến cứu, hầm máy chiếc 389 đã bị phát nổ, lửa đang cháy lớn, tàu có thể bị chìm bất cứ lúc nào. Hai chiếc tàu đánh cá số 402 và 407 cũng đang bị tấn công nhưng đã cố sức chạy đến cứu và cuối cùng đã thành công đưa chiếc 389 ủi vào bãi. Ba chiến hạm khác của ta tất cả đều hư hại, chiếc 274 bị thiệt hại rất nặng phải rởi khỏi vùng trở về đảo Phú Lâm, tại đây chiếc này đã được sửa chửa và đã trở lại căn cứ hải quân Yulin ngày hôm sau”.

Có thể nói một phần trong bài này đã được phía TC viết gần đúng sự thật. Đoạn viết này đã cho thấy vài sự kiện rất quan trọng và từ đó sau khi kiểm chứng và tổng hợp với các tài liệu từ phiá VNCH ta có thể làm sáng tỏ 1 vài sự kiện mà từ trước đến nay chưa giải thích được, ngay cả các nhân chứng còn sống sót trên HQ10 cũng không biết về các hành động rất dũng cảm và rất oai hùng của các chiến sĩ trên HQ10.

– Điểm thứ nhất bài viết đã xác nhận là chiếc 389 đã tiến sát vào HQ10 qua việc chúng ném lựu đạn, bắn súng tiểu liên.

– Điểm thứ 2 là vì tiến vào quá gần nên chúng đã quan sát thấy HT Ngụy Văn Thà đã tử trận.

– Điểm thứ 3 là vì ở quá gần nên chúng đã quan sát thấy HP Nguyễn Thành Trí dốc toàn lực định húc ngay phiá sau chiếc 389.

– Điểm thứ 4 là chúng đã công nhận khi 281 và 282 nhập vùng tác xạ vào HQ10 thủy thủ đoàn trên HQ10 đã chống trả mãnh liệt, điều này chứng tỏ là 2 chiến sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu đã can trường liều chết tử thủ, chống trả dữ dội khiến chúng không dám xáp lại gần, vì thế phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng mới đánh chìm HQ10

Bài viết của TC dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng sự thật vì không có can đảm viết rõ là HQ10 do chính Đại Úy Trí điều khiển đã đâm mạnh vào phần lái tả hạm và đã gây nên tổn thất nặng nề cho chiếc 389. Nếu 389 không bị đụng thì tại sao chúng lại bỏ cơ hội hiếm có để đổ bộ lên chiếm đoạt HQ10 và tại sao tàu lại bị nghiêng và phần lái bị chìm xuống. Tại sao 2 tàu đánh cá 402 và 407 phải chạy đến để tiếp cứu? (hình chụp chiếc 389 trích trong www.military.china.com)

Tài liệu “On January 19, 1974 Xisha defended the war” trong phần tổng kết thiệt hại về phía TC có viết là chiếc 389 bị tổn thất nặng nề và 2 tàu đánh cá 402, 407 từ các vị trí ẩn núp an toàn lúc xảy ra trận hải chiến đã chờ cho đến khi các chiến hạm ta rút ra khỏi vòng chiến chúng mới dám chạy đến yểm trợ để đưa 389 ủi vào bãi san hô tránh chìm, nếu không chiếc 389 sẽ chịu chung số phận như HQ10.

Đoạn viết này không nói đến 396 lại yểm trợ cho 389 chứng tỏ là 396 cũng đang bị thiệt hại nặng phải tự cứu. Ngoài ra khi 281 và 282 đến nơi hầu hết các chiến sĩ trên HQ10 còn sống sót đang ở trên các bè đào thoát, TC đã biết rõ điều này nhưng trong bài viết chúng cho là “thủy thủ đoàn” HQ10 chống trả mãnh liệt để tô đậm thành tích đánh chìm HQ 10 của chúng.

Về việc HQ 10 đụng mạnh vào tàu TC, một số bài viết về phía VNCH như Hải Chiến Hoàng Sa của HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê đăng trong HSTT và bài viết Lần đào thoát ở Hoàng Sa của HQ Tr/U Nguyễn Đông Mai (6) cho là chiếc 396 của TC đụng vào HQ10, nhưng dựa theo các tài liệu TC thì đây là chiếc 389 trùng hợp với Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm.

Hà Đăng Ngân trong Hoàng Sa và HQ10 (7) viết: ”…Vài phút sau mục tiêu 2 cũng bốc khói, mục tiêu 1 tuy còn chút khói bốc lên, chạy trở vào gần HQ10, bắn trả lại HQ10 và HQ10 bắt đầu trúng đạn của tàu Trung Quốc…”.

Tuy không nhớ rõ số của mục tiêu 1 và mục tiêu 2, nhưng qua bài viết của TC ta có thể suy ra mục tiêu 1 là chiếc 389 và mục tiêu 2 là chiếc 396. Các bài viết của các SQ và nhân viên còn sống sót trên HQ10 đã xác nhận sự kiện một chiến hạm TC đụng vào HQ 10 và ý định của chúng định cặp vào đổ bộ lính qua HQ10 mặc dù con số chiến hạm có khác đi. HQ Tr/Úy Nguyễn Đông Mai trong bài ‘Lần đào thoát ở Hoàng Sa’ đã viết:”..chiếc 396 như tiến lại gần tôi hơn từ phía lái…rồi chừng 15 phút sau, một tiếng va chạm mạnh làm chúng tôi té nhào trên sân tàu. Tôi chợt nghĩ đến chuyện tàu lên cạn vì vùng này có nhiều san hô. Sau này khi đào thoát tôi mới biết HQ10 đâm vào tả hạm chiếc 396.”

HQ Ch/Úy Tất Ngưu (8) đã cho thấy một sự kiện hiển nhiên là chiến hạm của chúng tiến vào quá gần và các chiến sĩ trên HQ10 có cảm tưởng là chúng sẽ cặp vào để đưa lính sang chiếm tàu, bài ‘Trận hải chiến Hoàng Sa dưới mắt một người còn sống sót’ đã viết: “…Có giọng nói giữa đám anh em đang hỗn loạn: ”tàu TC đổ bộ, anh em cẩn thận”. Một loạt đạn M16 túa bay ra từ đài chỉ huy. Nhìn phía trước, tôi thấy mũi tàu của ta đâm vào tàu địch. Thế rồi hai tàu từ từ dang ra. Tàu ta bất khiển dụng cả hai máy chánh, cứ vậy mà trôi lênh đênh.

Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Hạ Sĩ Trọng Pháo Vương Văn Hà (9) qua bài “Người về từ Hoàng Sa” cũng xác nhận cú đụng này: ”… HQ10 bị bất khiển dụng khiến cho tàu địch đã bị bắn ở phía tả hạm đụng vào tàu chúng tôi.” HSTT cũng viết: ”…. tuy chiến hạm đang cháy nhưng vẫn tiến từ từ, sau đó ngừng lại khi đụng vào lái tàu địch 396….”

Các bài viết trích dẫn ở trên đã xác nhận sự việc HQ10 và chiếc 389 đụng vào nhau, nhưng vì lúc bấy giờ trên ĐCH và phòng lái không còn ai sống sót, ngoại trừ HP Nguyễn Thành Trí do đó không ai biết được lý do chính xác và nếu không nhờ những chi tiết từ bài viết của TC, chiến công oanh liệt và oai hùng của HP Nguyễn Thành Trí sẽ không được biết đến.

Qua các dẫn chứng trên đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là HQ10 và chiếc 389 không phải vì đã: ”… trôi nổi không kiểm soát được trên mặt biển, đã đụng vào nhau” như trong Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa đã viết mà cú đụng này là do chủ ý của Đại Úy Trí đã đơn độc vận chuyển chiến hạm liều chết hy sinh cả chiến hạm và mạng sống đâm mạnh vào phần lái tàu địch.

Chiếc 389 có lẽ không ngờ được là trên đài chỉ huy còn Đ/U Trí vì thế chúng không thể nào tránh né được cú đụng này và có lẽ chúng đã quan sát một cách rõ ràng những diển tiến trên ĐCH nên trong bài viết chúng đã nêu rõ là Đ/U Trí “dốc toàn lực định húc vào tàu chúng”.

Dựa theo bài viết trên thì sự thiệt hại nhân mạng về phía TC trong trận hải chiến HS là 18 người chết và 67 người bị thương (chưa được kiểm chứng) trong số đó chiếc 389 trực chiến với HQ10 có số thương vong cao nhất là 10 người chết, như vậy đã chứng tỏ mức độ giao chiến rất khốc liệt giữa HQ10 và 389.

Tuy dáng người vạm vỡ, nhưng với vết thương quá nặng có lẽ HP Nguyễn Thành Trí biết là mình sẽ không thể nào sống sót được lâu, nên sau khi tất cả nhân viên đã xuống bè Ông quyết định ở lại chết với chiến hạm, nhưng các nhân viên đã bắt buộc Ông phải xuống bè với họ. Việc Đ/U Trí quyết định ở lại tàu có 2 tài liệu viết trong khoảng thời gian ngắn sau biến cố HS đã chứng minh một cách rõ rệt.

Tài liệu “Đêm Xuân trên vùng biển chết” của tác giả Thanh Chương trong Lướt Sóng đã viết: ”Người đã bị thương nhiều nhưng quyết ở lại cùng HT…
…Một nhân viên đã phải vực Người nhẩy xuống cùng bè với tôi, bè cấp cứu sau cùng rời chiến hạm.”

Tài liệu của tác giả ẩn danh viết:”…. Hạ Sĩ Trọng Pháo Trần Ngọc Sơn và Thủy thủ Thám Sát Trương Văn Long, 2 người này đã cặp Đ/U Hạm Phó và lôi xuống bè.”

(2) Dựa trên tài liệu của TC/CTCT thì:”Chiến hạm cùng thủy thủ đoàn gồm 82 người đã bị mất liên lạc”, như vậy số quân nhân chết theo chiến hạm là 54 người.

Tuy nhiên theo TTHS thì số quân nhân chết theo chiến hạm là 55 người.
(6) Tài liệu của TC/CTCT viết:”… thương thuyền Kopionella quốc tịch Hòa Lan đã vớt được 23 thủy thủ của Hộ tống hạm HQ10… Trong số này có 2 quân nhân bị tử thương (gồm có 1 Đại Úy Hạm Phó)”…

Chi tiết này không đúng vì Đ/U Hạm Phó đã hy sinh trên bè đào thoát và tàu dầu Hòa Lan chỉ vớt được tổng cộng có 22 người.

Đặc Tính Hộ Tống Hạm Nhật Tảo:

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo thuộc loại Admirable Class Minesweeper (AM) do hảng tàu Winslow Marine Railway and Shipbuilding Co ở Winslow tiểu bang Washington đóng.

Chiến hạm được hạ thủy ngày 31 tháng 10 năm 1943 và được đăt tên là USS Serene (AM 300).

Ngày 7 tháng 2 năm 1955 đổi thành loại Fleet Minesweeper MSF 300.
Ngày 24 tháng 1 năm 1964 chuyển giao cho Hải Quân VNCH và được đặt tên là Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10.

Trọng tải:

650 tấn (tiêu chuẩn) – 945 tấn (tối đa)

Kích thước:

dài 184,5 ft – ngang 33 ft – tầm nước 9,75 ft

Máy chánh:

2 máy dầu cặn (Cooper Bessemer), 2 trục chân vịt, 1710 mã lực

Vũ khí:

– 1 khẩu đại bác 76,2 ly phía sân trước có tầm tối đa 14,000 yds, tầm hữu hiệu 7,500 yds, tác xạ với tốc độ nhanh 50 phát/phút, với tốc độ thích ứng 20 phát/phút.

– 2 khẩu đại bác 40 ly (tả và hữu) phía sân sau có tầm tối đa 11,000 yds, tầm hữu hiệu 4,000 yds, tác xạ với tốc độ 140 phát/phút

– 4 khẩu đại bác 20 ly đôi bao quanh phòng lái có tầm tối đa 4,800 yds, tầm hữu hiệu 2,000 yds, tác xạ với tốc độ 450 phát/phút

– 2 khẩu đại liên 30

– có trang bị súng cối 81 ly ( không rõ số lượng)

– Vũ khí chống tàu ngầm: với nhiệm vụ tuần tiểu và hộ tống các dụng cụ rà mìn đã được tháo gỡ và thay vào đó là 2 dàn thủy lựu đạn ( depth charge rack) đã được thiết trí ở phía sau lái, ngoài ra còn có 1 dàn phóng thủy lựu đạn hedgehog ở phía sân trước.

Vận tốc:
tối đa 14,5 knots, có tầm hoạt động 6,500 miles với vận tốc tiết kiệm là 8 knots

Thủy thủ đoàn:
82 người

Tài liệu dẫn chứng:

– công điện với nhóm ngày giờ 190150Z JAN 74 (giờ Sài Gòn 0950H) của Tư Lịnh Đệ 7 Hạm Đội Hoa Kỳ.

– công điện với nhóm ngày giờ 190420Z JAN 74 (giờ Sài Gòn 1220H) của Tư Lịnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương (Bấm vào đây xem tài liệu 2 công điện trên)

– điện thư số 075995 ngày 22-1-1974 của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ gởi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

– điện thư số 01000 ngày 22-1-1974 của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn gởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ (Bấm vào đây)

– điện thư số 01006 ngày 22-1-1974 của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Sòn gởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ

– điện thư số 013552 ngày 22-1-1974 của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ gởi Văn Phòng Liên Lạc Hoa Kỳ ở Bắc Kinh

– điện thư số 014042 ngày 22-1-1974 của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ gởi Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn

– điện thư số 01026 ngày 23-1-1974 của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn gởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ

– Hà Văn Ngạc “Trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa” trong Tuyển Tập Hải Sử (TTHS) – Tổng Hội Hải Quân&Hàng Hải (THHQ&HH) ấn hành 2004

– Jane’s Fighting Ships

– Lê Văn Thự “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” – Calitoday, March 08, 2004

– Liu Bingfeng “On January 19, 1974 Xisha defended the war” – Military.china.com

– Nguyễn Thị Thanh Thảo:”Tài liệu mới HQ10 – Hoàng Sa” (bấm vào đây)

– Phạm Mạnh Khuê “Hành quân Trần Hưng Đạo 47” (TTHS-THHQ&HH 2004)

– Thanh Chương “Đêm Xuân trên vùng biển chết”- Đặc san Lướt Sóng số đặc biệt Chiến thắng Hoàng Sa ,Cục Tâm Lý Chiến/K.CTCT/BTL/HQ ấn hành 2004

– The Vietnam Center and Archive (Vietnam.edu.ttu) – tài liệu về đặc tính chiến hạm thuộc Hạm Đội Hải Quân VNCH

– Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị/Cục Tâm Lý Chiến “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của VNCH” ấn hành 1974

– Vũ Hữu San&Trần Đỗ Cẩm “Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa” ấn hành 2004

– Xisha naval battle detailed solution – Militarychina.com

– Võ Sum “Nhật ký bên lề cuộc hải chiến Hoàng Sa”- Đặc san Lướt Sóng số đặc biệt Chiến thắng Hoàng Sa, Cục TLC/Khối CTCT/BTL/HQ ấn hành 1974

– Xisha naval battle detailed solution – Militarychina.com

– (1) Theo lời thuật lại của chị Nguyễn Thành Trí trong lần đến thăm chị ở Sài Gòn vào tháng 10/2006.

– (3) HQ Đại Úy Lê Văn Thự Trung Tâm Trưởng TTHQ/VIDH lúc xảy ra biến cố HS “Trận hải chiến Hoàng Sa và nước mắt của vị Tư Lịnh Hải Quân” phổ biến vào năm 1997 tại Yukon – Oklahoma (Câu nói này chính Đ/U Thự đã nghe nhân viên HQ10 trên cùng bè đào thoát với Đ/U Trí kể lại sau khi HQ6 đưa họ về Đà Nẵng)

– (4) Phiếu Tường Trình Ủy Khúc số 121 ngày 16 tháng 2 năm 1974 của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội (Tài liệu do phu nhân cố HQ/Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cung cấp)

– (5) điện thư số 0869 ngày 20-1-1974 của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ

– (7) Nguyễn Đông Mai “Lần đào thoát ở Hoàng Sa” (TTHS-THHQ&HH 2004)

– (8) Hà Đăng Ngân “Hoàng Sa và HQ10” (bấm vào đây)

– (9) Tất Ngưu “Trận hải chiến Hoàng Sa dưới mắt một người còn sống sót” – (bấm vào đây)

– (10) Vương Văn Hà “Người về từ Hoàng Sa” – TTHS-THHQ&HH, 2004 – (bấm vào đây)

Nguồn: hqvnch


Tuyên Bố của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà
Hải chiến Hoàng Sa – Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (14.2.1974)

50 Năm Hải chiến Hoàng Sa:
Việt Nam Cần Làm Gì Để Đối Phó Trung Quốc?


Click to listen highlighted text!