Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Di thảo Nguyễn Trường Tộ: Kế Hoạch Duy Trì Hòa Ước Mới(*)


Di Thảo Số 4

Nguyễn Trường Tộ
(Khoảng 11-17 tháng 2 năm Tự Đức 17 tức khoảng 18-24 tháng 3 năm 1864)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin kính bẩm,

Sự thế hiện nay rất khó xử, cần phải tìm người giúp, bủa lưới bốn mặt, để họ không được hoành hành, thì bản minh ước (1) mới lâu dài được, phải lấy kinh nghiệm các nước khác đã bị trúng ám kế của họ để làm gương, và bắt chước những mưu mô mà các nước khác đã chế ngự được họ. Hai lối ấy là việc rất gấp cho tình thế hiện nay. Tôi đã trình bày sơ lược với hai vị phó sứ và bồi sứ (2) rằng việc ấy mười phần chắc chắn không nghi ngờ gì nữa. Vì họ nghĩ rằng nước ta từ trước chưa bao giờ giao thiệp với nước ngoài, chưa hiểu rõ các mánh khoé nên họ mới dùng những kế đã thi thố ở các nước khác ra thi thố với ta. Nếu đại nhân (3) đã có mưu kế riêng rồi, thì tôi không dám bàn nữa. Còn nếu muốn mưu tính việc thiên hạ, khiến những bọn ghét nhau tự xâu xé lẫn nhau, để ta được nhân đó mà hưởng lợi, như xưa kia Anh mất Hợp Chủng Quốc là vì có nước Pháp xen vào; Khang Hy được chia bờ cõi với người Nga vì bị Hà Lan dụ dỗ; Nhã Điển khỏi bị thần phục Thổ Nhĩ Kỳ vì có Anh, Pháp giúp đỡ. Các nước Nhật Nhĩ Man (4) khỏi bị thôn tính là nhờ có các nước lớn giữ cho. Lý do vì sao được như thế, trong tờ trình bày tháng trước tôi đã bẩm qua rồi. Cúi xin đại nhân soi xét tấm lòng thành đem việc chuyển tâu lên. Nếu ngày kia có việc (5), tôi xin được phụ giúp, tôi cũng có thể trình bày một vài ý kiến để chuộc tội trước.

Hiện nay tôi muốn đi qua kinh đô nước Anh. Nhân nước Anh có mở đại hội cách trí, họ thường sai người đi khắp các nước đến các đầu phố phỏng vấn về tình hình người phương Tây giao tế với các nước khác như thế nào (việc này có tương quan đến đại thế tung hoành, phân hợp của các nước). Người này đến Gia Định, phỏng vấn người Pháp gần đây thế nào, Đại Nam thế nào, nhưng người Pháp không chịu nói sự thật. Y nghe tiếng tôi, tự đến hỏi thăm. Thật tình có bụng muốn gặp nhau nên nhân y muốn mời tôi cùng đi, tôi mừng thầm cho đó là cơ hội tốt khiến tôi có thể đến tận nước Anh, như trong tờ mật bẩm ngày trước tôi đã nói lý do cần đi nước ngoài là vì thế.

Vậy cúi xin đại nhân cho tôi mượn bộ ĐẠI VIỆT SỬ KY1 (tại sao lại cần dùng bộ sách ấy, tôi đã nhờ hai vị phó sứ, bồi sứ chuyển trình rồi). Nếu được đại nhân cho mượn, thì xin giao cho người thông ngôn của hỏa thuyền (ngoài bì nhớ đề: cố Hòa (5) ở nhà Phước nhận) cầm về cho tôi. Khi nào xong việc, xin trả lại tử tế. Muôn đội ơn đại nhân.

Nếu có việc gì ở nước ngoài, cần dùng đến tôi, thì xin cho biết gấp, tôi xin đợi ở Gia Định. Không thì tôi xin đi trước. Hoặc đi hoặc ở lại, xin theo ý định của đại nhân.

Tháng trước, tôi đã bẩm lên quan Thượng thư bộ Binh biết rằng: Họ muốn làm kế bưng tai ăn trộm truông, cho nên gấp rút phái thuyền đến Kinh xin hoàn thành công việc (7). Đấy là mưu kế độc ác. Có hai lẽ (hai lẽ ấy tôi đã bẩm rõ rồi). Vả lại trong tờ hòa ước họ có buộc một điều kiện là: “Có thuận cho thi hành mới được thi hành” (8), chính là mưu ngăn chặn người khác chia lợi với mình sau này vậy. Vì gần đây các nước ký hòa ước chung với phương Tây, phần nhiều đều có các nước cùng chứng vào, nên khó bề tự ý muốn làm gì thì làm. Chỉ có lần này họ đem kế ấy thi hành ở nước ta. Họ biết chắc chắn thế nào ta cũng sẽ vi phạm trước. Ý họ muốn mượn cớ đấy để phía Nam lấy Cao Miên, phía Bắc thông lên Vân Nam (họ nghe nói tơ Vân Nam tốt nhất thiên hạ, lại nghe Hải Dương có mỏ than) chứ không phải chỉ vì ba tỉnh mà thôi.

May phen này (người Anh nghe họ thông thương với Cao Miên rất giận) Triều đình ta cương quyết sai sứ sang Tây, họ tưởng là ta đã khám phá được âm mưu của họ rồi (vì nước họ có hai đảng: Một là Viện Công Hầu, một là Viện Thứ Dân; Viện Công Hầu thì hay bợ đỡ ý vua, còn Viện Thứ Dân thì cho việc ấy là bức hiếp người ta, vì nước ta chưa có sai lỗi gì lớn, mà làm như thế là chưa hợp nghĩa; vả lại Viện này nhiều người có thiện cảm với đạo giáo, cho là nếu gây sự càn bậy, sợ thiên hạ chê cười, cho nên dư luận xôn xao không thuận. Nay ta muốn mưu việc cũng phải ngầm thông với Viện này mới được; nếu cần ngầm thông, cũng phải tốn nhiều công sức, biết nhiều ngõ ngách, nay chưa ban đến kịp). Cho nên họ làm kế tạm cho lại (kế này 200 năm trước, người Anh đã thi hành ở 5 xứ Ấn Độ, người Anh thấy lòng dân chưa phục, nếu hiếp chế phải tốn kém nhiều sức binh lính, cho nên giả vờ không tham mà trả lại, chỉ dùng thổ quan thay họ cai trị. Sau đó họ hết sức dụ dỗ, và lấy của tốt mua lòng. Lúc đầu, thấy thổ quan còn có lòng vì nước, họ cũng giả làm không nghe biết. Rồi lâu ngày sinh tệ, vì tính con người ta chưa thoát khỏi niềm tục, ít người không bị của cải mua chuộc; vả lại dần dần đút lót đưa vào, cũng vì nể nang, mà dễ xiêu người; lâu ngày về sau, phân nửa bọn thổ quan, đã bị họ lợi dụng. Huống hồ họ lại đã am hiểu phong thổ, nên sau chỉ cần đánh một trận là tiêu diệt; trong đó cũng có bọn muốn làm Hoàng Sào (9) chống lại, nhưng khi sức họ đã đủ bao trùm hết, thì dù có Hoàng Sào cũng nuốt luôn).

Họ trả lại cho ta một là vì danh nghĩa ép buộc (Điều này ngày trước tôi cũng đã bẩm lên quan bộ Binh biết rõ. Xin đợi đến khi về Kinh xem lại kỹ càng).

Hai là để lấy lòng (Điều này chưa dám nói rõ).

Ba làm tạm mua hư danh, rồi sẽ thong thả thực hiện ý đồ (Tôi đã từng dò biết được chắc chắn không sai, họ cũng bàn bạc với nhau rằng: Sứ bộ nước Nam đã sang, mà ta cứ giữ khư khư không cho, sợ sinh sự không tốt đẹp, như mấy việc tôi đã nói ở trên. Vả lại họ giữ chưa được vững, sợ người khác giúp ta, âm thầm chẹn họng họ. Chi bằng bề ngoài giả tiếng là cho chuộc mà nâng cao giá lên. Nếu ta chịu hết điều kiện, thì hiện nay họ được lợi. Ngày sau ta không khỏi trái ước. Lúc ấy hai mối lợi họ đều được, mà ta thì không có lời lẽ gì để bộc bạch với thiên hạ, họ mới có thể giữ được bền vững lâu dài, như việc người nước Anh trước kia. Hoặc là muốn ta cho sự thề ước quá nặng, lại tưởng ta không biết đường lối, khó tìm được người giúp đỡ, chỉ cứ lúng túng lấy nặng nhẹ làm điều, kéo dài ngày tháng. Hoặc ta nghi ngờ mà không chịu, hay chịu mà không theo đúng lời họ yêu cầu, thì họ sẽ có lời lẽ với thiên hạ, mà cái cớ để lấy lại càng

thêm vững chắc. Điều ấy trong ý họ tính được bảy phần. Trước đây, những điều ta chịu hết, trong ý họ chỉ có ba phần. Hai điều ấy, ta rất khó xử trí. Các nước đã từng bị kế độc ác ấy của phương Tây. Nếu nói rằng họ đã mệt mỏi mà trả đất lại cho ta, thì hiện nay chưa có khả năng như thế).

Nhưng mà muốn nên việc lớn, phải tranh giành hàng trăm năm, chứ không phải chỉ tranh giành một lúc mà được. Họ dòm ngó đất ta, cầu thành công sau vài mươi năm, thì ta muốn trấn áp được họ, cũng phải cầu hiệu quả sau vài mươi năm, chứ không thể một lúc mà được. Họ đã lấy được Gia Định, tự cho là nơi thiên nhiên hiểm trở, có thể đua đuổi với người Anh. Có điều là ta phải biết xử khéo đừng để cho lan rộng ra.

Vậy một là phải tìm được ngoại viện để phá mưu của họ (Điều này có nhiều chỗ cơ yếu, khó nói vắn tắt được).

Hai là phải tìm những tụi du côn của nước nào có giao hiếu với họ, âm thầm đến nước ta (Tuy bọn chúng cũng có nhiều người muốn theo ta những ta chưa biết tìm đường đấy thôi. Còn như bọn vô lại các nước, ở tản mác khắp nơi, cũng có nhiều người rất là mạnh khoẻ gan dạ. Nếu ta biết khéo dùng thường thường được chúng ra sức liều chết. Tôi đã biết hạng ngừơi ấy mang tội phiêu lưu, không cần gì ở trên đời này cả. Chỉ cần được no ấm khoái lạc thì dù có chết cũng không từ. Nếu ta dùng được thì có lợi rất lớn) để gieo lòng nghi hoặc cho họ.

Ba là phải học hết các món khôn khéo của họ, mà trong khi qua lại giao tế, phải nhượng cho họ ba phần. Đại phàm đem chuyện phi lý mà buộc cho người, tất nhiên phải có dựa vào một lý lẽ nào đó. Nếu ta không có điều gì để họ có thể chấp lý được thì chắc chắn họ phải im không dám hành động gì. Cứ bủa vây bốn mặt rồi chờ khi có tệ (Tệ này tôi đã dự đoán không sai, 10 năm sau sẽ thấy) mới có thể mưu đồ được.

Tôi xem qua các nước từ 500 năm lại đây, sở dĩ chế ngự được họ, không ngoài ba điều trên và ít nhất cũng phải dùng đến hai điều. Nếu không có ba điều ấy, từ trước đến nay, tôi chưa thấy có mưu chước gì được cả. Nhưng thời khác, thế khác. Hiện nay bí quyết chống giặc của Triều đình đã có những bậc tài trí như thánh nghĩ ra, đâu phải hạng hèn mọn như tôi có thể suy đoán được. Những đại nhân có lòng hạ cố, nên tôi tự nghĩ, nói mà được việc, thì dù có tội cũng cam lòng. Mong sao những dòng nước nhỏ được chảy xuống bể, dầu không bổ ích gì, nhưng cũng được có chỗ để hướng về.

Tôi xin đem hiệu quả có thể thu được ở điều thứ nhất mà tính để mừng trước. Còn như đi đường ngõ nào, thì trên Triều đình đã có sẵn kế hoạch, tôi đâu dám vượt phận mà nói càn.

Xưa vua Đạo Quang nhà Thanh đã từng nói: Chước chống rợ giặc, hay nhất chỉ có một đường là “dùng rợ đánh lại rợ”. Nhưng vì họ lại lấy việc tự hạ mình làm xấu, cho nên chưa thấy công hiệu lớn của chứơc ấy. Có điều thấy rõ là người Nga sở dĩ không dám ở yên đất Mông Cổ, vì nhờ nước Hà Lan: Nhật Bản bị đuổi ra ngoài bể cũng bởi Bồ Đào Nha. Còn các nước khác đã được hiệu quả như vậy, không thể kể hết.

Tôi xét thấy sự thế hiện nay chỉ người Anh có thể cộng tác được với ta. Vì Anh và Pháp có mối thù truyền kiếp. Nay người bác của vua Pháp bị người Anh đày ở ngoài một đảo xa xôi, người Pháp lấy làm xấu hổ.

Người Anh mất Hợp Chủng Quốc do Pháp hất cẳng; người Pháp sở dĩ tạm thời hợp tác với người Anh vì người Anh giỏi về đường biển. Nay nếu có đánh nhau thì người Pháp chỉ giỏi về đường bộ, không thể biến hóa được (Khoản này có nhiều điều lợi hại, nhưng không quan thiết đến ta, nên không nói kỹ làm gì). Vả lại, người Anh hiện đã làm chủ được tình thế phương Đông, hơn gấp 10 Pháp cho nên Pháp phải miễn cưỡng hoà thuận với Anh. Nhưng tính người Pháp hay kiêu điệu, lại hay nghe dèm pha, nên càng dễ ly gián. Người Anh tuy giữ được nhiều nơi, nhưng chưa chỗ nào hiểm trở bằng Gia Định. Nay nếu Pháp lấy được Gia Định thì sẽ bất lợi cho mình. Nên nếu có cơ hội thuận tiện, lẽ nào người Anh bỏ qua. Nay nếu ta tỏ ý cầu viện người Anh, thì cũng dễ nói. Đấy là một điều lợi.

Vả lại nước Pháp vài năm sau tất sẽ có nội loạn, mà thuộc địa Anh lại nhiều chỗ gần thuộc địa Pháp. Gia Định đã là nơi thiên nhiên hiểm trở, mà từ lâu người Anh hận người Pháp đã chiếm được, thì sự muốn cướp giật lại càng sâu sắc. Sợ một ngày kia, Pháp bị nội loạn, không quan cố được nơi xa, rồi đem chỗ này đổi lấy chỗ kia, thì liệu ta có khỏi cái nạn đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau không? Cho nên người quân tử lo mưu phải nghĩ lâu dài đến con cháu về sau. Nay nếu ta thông hiếu với người Anh, thì ngày trước họ đã mưu với thiên hạ để ngăn trở người Pháp, để tỏ việc họ làm là giúp người hoạn nạn, gỡ việc rối ren, mai sau chẳng may sự thế đổi thay, thì họ làm sao bưng được hết mắt thiên hạ, ngồi ỳ ra mà thuận chịu đổi chác với người Pháp? Thiên hạ lẽ nào lại không có người như người Anh đứng chực đằng sau hay sao? Ngăn trước, phòng xa, đấy là hai điều lợi.

Hiện nay người Pháp muốn làm giúp ta với ý đồ mờ ám (điều này không cần nói rõ cũng hiểu) như năm trước họ đã thi kế ấy với nước Rôma (10). Nếu xong việc thì được hưởng nửa phần lợi. Nếu việc không thành thì vạ có người khác chịu. Nay nếu ta ngầm nhờ người Anh dò xét, chẳng may việc có bại lộ, thì người Anh với ta đã có lý lẽ để nói với thiên hạ. Rồi sau lấy việc đó mà trách người Pháp, sự trái đã có nơi chịu. Nhờ người giúp ta, đó là việc ngay thẳng mà dễ nói (Điều này sẽ dẫn đến nhiều việc quan trọng, nhưng chưa thể trình bày). Được thế thì chẳng những miền Bắc yên, mà miền Nam cũng có thể khơi dậy được. Đấy là ba điều lợi.

Người Pháp với ta, sự việc chưa biết đến đâu là cùng. Gần đây, nhiều khi người Pháp cũng mời người Anh cùng đi đôi với họ. Nếu nay ta không gấp rút thông hiếu với người Anh trước, vạn nhất ngày sau lại sinh chuyện, mà Pháp với Anh đã đi đôi với nhau rồi, thì ta chịu sao nổi? Nay nếu ta biết liệu trước sẽ có thể giao hảo được với người Anh, thế thì dù sau này có xảy ra việc gì ắt họ sẽ một là sợ danh nghĩa, hai là vì cảm tình mà hòa hoãn. Đấy là bốn điều lợi.

Người Pháp tuy tự khoe khoang giàu mạnh, nhưng so lực lượng cũng đã chịu nhường người Anh. Nay nghe ta thân thiện với người Anh, ắt biết ta sẽ lập mưu ngăn cản họ. Nay nếu người Pháp đem nhiều lời ly gián, thì lại sợ người Anh thấy rõ tâm địa mà chê cười. Tuy người Anh chưa công khai giúp ta, nhưng người Pháp cũng đã biết, nếu có hành động gì, chắc người Anh cũng sẽ ngầm báo tin cho ta. Và mối thù ngày trước, to như núi; lúc nào người Pháp cũng lo ngay ngáy sợ người Anh kết hợp với ta. Lần trước Pháp giao kết với Nga toan để ngầm chống Anh, nhưng nay đã sinh hiềm khích và tự biết bị cô lập. Lúc bấy giờ nếu muốn được họ chuyển nặng sang nhẹ cho ta, thì cơ hội cũng dễ. Đấy là năm điều lợi.

Trước đây vào khoảng năm Gia Khánh nhà Thanh, bác vua Pháp bấy giờ gọi là Napôlêông, xuất thân từ trong binh lính nổi lên, giam Y Pha Nho, hãm Áo Đại Lợi, đốt Nga La Tư, phá Hà Lan, hiếp Ý Đại Lợi, đánh Ách Nhật Đa, cướp Nhật Nhĩ Man, xâm lăng Anh Cát Lợi. Các nước phương Tây không nước nào không bị độc hại. Đến nay các nứơc vẫn còn tức giận. Vả lại, người Anh tuy nói cộng tác với Pháp, nhưng chỉ vì lợi ích mà hợp tác thì làm sao lâu dài được? Gần đây, nước Anh lại sắm sửa binh thuyền, gấp ba người Pháp trong ý luôn luôn muốn trả mối thù mất Hợp Chủng Quốc. Giả sử thời cơ đã đến mà có ta ở trong đó nói ra nói vào, khéo điều đình khêu gợi, vạn nhất nổ chuyện ra thì Anh Cát Lợi chận đường thuỷ, Mặc Địa Lợi áp đảo đường bộ, Y Pha Nho bọc phía Nam, để trả cái giận làm chung mà chiếm lợi riêng một mình. Hà Lan, Bỉ Lợi Thì đón phía Bắc, Nga La Tư theo sau tiếp ứng. Ở phương Đông người Anh đem binh lính Ấn Độ chẹn đường về, còn ta thì ngồi mà hưởng lợi. Đấy là một mối lợi rất to.

Sáu món lợi (11) kể trên là tôi hãy tạm lấy cái dễ thấy, cái công dụng lớn mà nói, còn như nhân việc mà xoay dần, tuỳ cơ mà chuyển bắt, thường thường nhân nhỏ mà được lớn, như các việc đã qua ở các nước Tân Thế Giới, khó có thể kể hết. Còn như sự sắp đặt của Triều đình, vốn không phải người ngoài thấy được.

Nhưng làm được sáu điều lợi trên, dĩ nhiên còn có nhiều đường lối, tuỳ sự thế mà xoay chuyển, không thể bàn nhất định trước được, sợ vướng vào gàn dở, không dám dài dòng.

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/13 tờ 63-71 và Hv 634/3 tờ 34-46.

Hai bản hoàn toàn giống nhau, chỉ khác một vài chỗ sai sót của người chép.

Về niên hiệu thì chỉ có Hv 634/3 ghi “Tự Đức 23” với đầu đề “Điều trần hiện tình”. Nhưng qua nội dung, chúng ta có thể đoán chắc rằng bài này được viết gời Phan Thanh Giản vào khoảng giữ tháng 2 năm Tự Đức 17 tức hạ tuần tháng 3-1864.

Thực vậy, chúng ta biết là Phan Thanh Giản, cùng với hai phó sứ và bồi sứ, Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Đản, đi sứ ở Pháp về, mang theo một bản dự thảo Hòa ước, thay thế cho Hòa ước 5-6-1862. Theo dự thảo Hòa ước mới: Pháp trả lại cho Việt Nam ba tỉnh phía Đông và chỉ giữ lại một vài địa điểm làm nơi buôn bán. Ngược lại, Triều đình Huế phải trả cho Pháp một khoản tiền bồi thường rất lớn hằng năm. Phái bộ Phan Thanh Giản, phải lưu lại Sài Gòn từ 11 đến 17 tháng 2 năm Tự Đức 17 tức từ 18 đến 24 tháng 3 năm 1864, trong lúc chờ tàu trở về Huế.

(1) Bản minh ước: Tức bản dự thảo Hòa ước mới được thương thuyết tại Paris giữa phái bộ Phan Thanh Giản và Aubaret cuối năm 1863.
(2) Phó sứ và bồi sứ: tức Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Đản.
(3) Đại nhân: tức Phan Thanh Giản, chánh sứ.
(4) Nhật Nhĩ Man: tức liên minh các nước Đức (Confédération du Rhin).
(5) Việc: đây là việc đi giao thiệp, thương thuyết hay đi ra nước ngoài theo như kế hoạch được trình bày trong bài văn này.
(6) Cố Hòa: tức linh mục Croc, lúc đó làm thông ngôn cho Pháp và linh hướng cho các bà dòng Thánh Phaolô (Nhà phước, phúc gia).
(7) Xin hoàn thành công việc: (Cầu thành giả) tức việc phái bộ Bonard đến Huế tháng 4-1863 để làm lễ trao đổi bản Hòa ước đã được vua nước Pháp và vua Tự Đức phê chuẩn.
(8) Thuận cho thi hành mới được thi hành: (Doãn hành tắc hành), đây là điều 4 của Hòa ước 5-6-1862, trong đó có quy định rằng: Khi vua nước Nam có ký hòa ước, trong đó có vấn đề xét nhượng đất cho một nước khác, thì vua nước Pháp có đồng ý mới được ký kết, không cho ký kết thì không được ký kết. (Đại Phú Lãng Sa Hoàng thượng doãn hành tắc hành, bất doãn hành tắc bất hành).
(9) Hoàng sào: Người đất Oan Cú, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nổi lên đánh đuổi vua Hy Tây, nhà Đường (862-877) lên làm vua.
(10) Với nước Rôma: tức việc Napôlêông (Napoleon) III đem quân sang giúp Giáo hoàng giữ đất Rôma của Tòa thánh.
(11) Sáu điều lợi: Trong bài Lục lợi từ (Di thảo số 5), sau này Nguyễn Trường Tộ sẽ triển khai rộng hơn 6 điều lợi này.

Nguồn:
http://www.dunglac.net
http://www.vietcatholic.com/News/html/36404.htm


Click to listen highlighted text!