Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Nhìn lại việc thi tú tài ở Việt Nam trước 1975


Nguyễn Văn Lục

Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy.Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ.

Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.

Cái truyền thống ấy được Nguyễn Hiến Lê viết lại như sau:

“Ở nước ta hiện nay, số hậu duệ của giai cấp ấy kể ra cũng còn được kha khá, nhưng số người còn giữ được nếp nhà thì hiếm đấy; và tôi nghiệm thấy người nào giữ được cũng có vài nét chung rất dễ nhận ra: không ham danh lợi, chăm nom sự dạy dỗ con cái, yêu nước, thích văn chương, chuộng nghề dạy học và hình như có khiếu dạy học nữa. (Trích Mười câu chuyện văn chương, Nguyễn Hiến Lê, trang 82).

Phải chăng truyền thống đó sản sinh ra những người thầy như giáo sư Hoàng Cơ Nghị, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm hay như thi sĩ Đông Hồ mà lúc chết học trò khắc trên bia hai câu thơ như sau:

Ân sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi?

Cũng Nguyễn Hiến Lê viết về thầy Dương Quảng Hàm trong cuốn Hồi ký của ông:

“Tất cả học sinh trường Bưởi không ai không trọng thầy vì vậy. Mà các bạn đồng sự Pháp, Việt cũng quỳ thầy nữa. Thật đáng tiếc, thầy không thọ, mất trong những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Hà Nội.”
(Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 65).

Giáo dục miền Nam đã tiếp nối cái truyền thống kính trọng ông thầy ấy. Ở miền Bắc thì họ mang thầy ra tố khổ như trong bài viết của Trần Huy Liệu: “Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim” (Tập san sử địa, số 6, 1955). May là cụ Dương Quảng Hàm đã chết sớm. Và họ bắt học trò phải “Quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng” (Tập san sử địa, số 4, tháng 11, 12-1955, Hà Nội).

Trước đó, khoa cử còn thiếu, các đời Đinh, Lê về trước chưa có thi cử. Việc tuyển chọn người chỉ là tùy tiện, không câu nệ, nhưng lại cũng không có phép tắc gì. Kể từ năm 1072, đời Lý mới mở khoa thi chọn người tài ra giúp nước.

“Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục, phàm muốn thu hút người tài năng, thì người làm vua một nước không thể nào không có thi cử” (Trích Lịch Triều Hiến Chương loại chí (LTHCLT) của Phan Huy Chú, phần mở đầu chương Khoa Mục Chí).

Cái mục đích mở khoa thi đã rõ ràng: Chọn người có tài. Nhưng chọn bao nhiêu? Chọn thế nào?

Đó là cả một vấn đề. Việc thi cử thời xưa còn nhiều điều bât cập như: Cái học từ chương quá, tỉ lệ thi đỗ quá thấp. 1000 người lấy một. Có sĩ tử đã để cả đời đi thi mới đỗ. Ông Đoàn Tử Quang tham dự cả thảy 21 khóa thi từ năm 20 tuổi. Cứ ba năm thi một lần, mãi đến năm 83 tuổi mới thi đỗ. Ông nội Ngô Tất Tố 7 lần đi thi, bố Ngô Tất Tố sáu lần, phần ông Tố hai lần đi thi.

Mặc dầu thi cử khó khăn, nhưng tổ chức thi cử rất nghiêm ngặt. Luật lệ nghiêm minh như ông Đỗ Nhuận viết vào năm 1484:

“Việc lớn trong chính trị của Đế Vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài… Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp.” (LTHCLC, phần Khoa Mục Chí).

Chỉ cần giữ lại mấy chữ: Lấy rộng rãi, cách chọn người công bằng. Đời sau không sánh kịp.

Nếu nhìn lại việc thi cử ở miền Nam, tôi chỉ thấy việc thứ nhất còn chưa ổn, việc thứ hai có lẽ cũng không thua gi việc thi cử đời Hồng Đức cả. Trừ giai đoạn chót của VNCH, việc thi cử xem ra có một số trường hợp bê bối. Đã có dư luận đồn thổi về tình trạng con ông cháu cha, kẻ có tiền của.

Sau này đến đời vua chúa triều Nguyễn, phép tắc thi cử cũng vẫn nghiêm ngặt như vậy. Nhà vua xem xét từng li từng tí việc học của các sinh viên trong trường Quốc Tử Giám.Ta hãy nghe lời phê phán vừa nặng nề vừa cho thấy mối quan tâm của vua Minh Mạng đối với tương lai giáo dục ra sao. Năm 1837, vua ra chỉ dụ:

“Thế mà nhìn lại các học quan chỉ biết chiếu lệ thường khảo hạch cho có, gọi là đã làm xong chức vụ, còn quy trình giảng dạy thi lên lớp, tiến bộ ra sao, trình độ học sinh như thế nào, không lưu ý tới, thì bảo sĩ tử gắng sức ở chỗ nào.” (Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ – Bộ Lễ – Q.192: Học Hiệu).

Thât ra miền Nam có khá nhiều kỳ thi: Thi tiểu học, thi nhập học lớp đệ thất các trường công lập, thi Trung Học Phổ thông dành cho các lớp đệ tứ và thi tú tài 1 và 2. Ở đây chưa kể việc thi trên Đại Học, thi tuyển vào trương chuyên nghiệp như Quốc Gia Hành Chánh, Đại Học sư phạm, các trường Kỹ sư (Phú Thọ) Điện, Công chánh, v.v…

Việc thi cử phần đông tiến hành tốt đẹp.

Tôi chỉ đưa ra một tỉ dụ. Việc thi vào đệ thất các trường công lập khó mà tránh khỏi một số trường hợp quen biết gửi gắm. Nhất là tại các tỉnh. Cho dù có gửi gắm cũng không phải là ăn tiền hay hối lộ. Có thể chỉ vài trường hợp cá biệt, đơn lẻ. Vì thế vẫn bảo đảm được chất lượng thi cử. Bằng chứng rõ ràng tỉ lệ các học sinh trường công thi đỗ thường cao hơn trường tư nhiều vì có sàng lọc rồi. Nếu trường tư thi đỗ đạt tỉ Lệ 20% thì trường công, tỉ lệ thí sinh thi đậu tú tài là 75% đến 85% hoặc hơn thế nữa.
Nếu tuyển sinh đệ thất không minh bạch thì kết quả thi đỗ tú tài ở trường công tỉ lệ thi đỗ đã khác.

Có nhiều lớp, toàn thể học sinh đều thi đỗ. Đặc biệt một lớp ban B, trường Petrus Trương Vĩnh Ký, vào năm 1970, toàn thể học sinh đều thi đỗ hạng Bình trở lên. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp nhà trường dồn học sinh giỏi vào cùng một lớp. Sau này, lớp học này có nhiều học sinh xuất sắc được học bổng, đi du học và thành tài. Và một trong những học sinh ưu tú ấy, hai lần đỗ tú tài 1 và 2 hạng ưu, điểm trung bình toàn bộ các môn phải từ 16 trở lên và hiện nay ngoài công việc chỉ huy ở sở, anh đang giữ trọng trách với một tổ chức phi lợi nhuận.

Việc học còn từ chương

Chứng chỉ Tú tài
Nguồn: DCVOnline

Việc này, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ngay từ năm 1867 đã phê phán thẳng thừng và dứt khoát, ông viết:

“Nhìn lại sử học của ta ngày nay, 1867, những điều thầy dạy, những điều trò học, toàn là những chuyện xa xưa. Lúc nhỏ thì học văn từ, thơ phú, lớn lên ra làm việc thì lại thấy luật-lịch-binh-hình… Xưa nay, trên thế giới chưa từng nước nào có nền học thuật như vậy… Nếu đem cái công phu cả đời đem tâm trí ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ, binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì có thể chống được giăc…” (Trích Nguyễn Trường Tộ – Con Người và Di Thảo, Trương Bá Cần, trang 76, NXB Tp. HCM, 1988).

Rất tiếc những lời cảnh báo về cái học từ chương, “toàn những chuyện xa xưa” không được vua quan để ý tới và kéo dài cho mãi đến bây giờ.

Mặc dầu việc phê phán của Nguyễn Trường Tộ nhằm vào thời kỳ còn nặng nho học, nhưng cái tinh thần ấy vẫn còn rơi rớt lại sau này. Chẳng hạn trong chương trình tiểu học của miền Nam sau này. Học trò tiểu học phải học thuộc lòng các bài địa lý, lịch sử, cách trí. Học thuộc lòng ra rả như cuốc kêu. Kể thật cùng tội. Các lớp trung học, nhất là ban Vạn vật thì Vạn vật cũng là môn học thuộc lòng, môn học đào luyện trí nhớ tốn bao thì giờ công sức mà xét ra ít hữu dụng. Các môn sử ký, địa lý trong cách giảng dạy, trong cách chấm điểm còn nặng tính từ chương, thiếu óc phê bình, thiếu nghị luận. Ngay các bài giảng văn cũng được diễn giải một chiều, ước lệ, có bài bản sẵn, ít đi ra ngoài thông lệ, ít sáng tạo, thiếu cách đặt lại vấn đề, thiếu phản biện.

Nói chung là còn vướng mắc nhiều tinh thần lệ thuộc. Lệ thuộc người xưa, lệ thuộc sách vở và ngay cả lệ thuộc vào ông thầy.

Các lớp dạy luyện thi cho thấy học trò lệ thuộc vào ông thầy như thế nào.

Và đây là một lời dạy khuôn vàng thước ngọc:

“Các người lại không bắt chước người đời xưa sao, hay là chỉ lấy tiếng ư? Học trò tranh nhau mài gọt, gây dựng nhân tài, để làm việc nước, có vậy mới không phụ ý trong việc học, hậu đãi người hiền, mọi người đều phải kính cẩn tuân theo.” (Trích Đại Nam Thực Lục chánh biên).

Đại NamThực Lục chánh biên là sách ghi chép sử triều Nguyễn từ Gia Long đến Đồng Khánh, chia làm nhiều kỳ, mỗi kỳ là một đời vua. Có tất cả 6 kỳ. Cái học lệ thuộc thầy, lệ thuộc “cours” còn tồn tại ngay ở các đại học. Sinh viên thi đỗ chỉ cần thuộc cours của giáo sư giảng trong lớp. Thi cử lấy đỗ khá khắt khe.

Tiêu biểu cho sự khắt khe này là hình ảnh Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố, một sĩ phu tài tuấn, có lương tri, có tài học mà lận đận với thi cử. Nó là bản cáo trạng đối với tổ chức lề lối học hành và thi cử thời xưa, lãng phí nhân tài và chất xám của đất nước. Người viết đã truy tìm một số kết quả các kỳ thi Trung Học Phổ Thông và tú tài sau 1954 để cho thấy việc thi cử là khắt khe quá. Nhưng kết quả tìm tòi còn chưa được như ý muốn.

Học bạ 1950
Nguồn: NVL

Năm 1950, đại học văn khoa Sài Gòn, ở đường Garcerie nay là Phạm Ngọc Thạch mới có 50 sinh viên theo học và 50 dự thính viên. Trường Khoa Học mới có 14 sinh viên đậu chứng chỉ P.C.B, 2 sinh viên đậu S.P.C.N, 3 sinh viên đậu toán đại cương, 2 sinh viên đậu vật lý đại cương. Năm 1954-1955 có 13 bác sĩ, 11 dược sĩ, cử nhân luật 159 và rất tiến bộ đã có 135 người đậu chứng chỉ khoa học. (Trích Địa chí Văn hóa TPHCM, trang 743-745)

Một học sinh giỏi nhất lớp ở ngoài Bắc vào năm 1948, vậy mà trong học bạ của anh, không có điểm số nào anh đạt trung bình. Xem và đọc để thấy nó vô lý như thế nào!!!

Giỏi nhất lớp, thông minh mà điểm chưa đạt trung bình? Và đây là nhận xét của giáo sư Dương Thiệu Tống, người đã còn giữ học bạ này của học trò gửi cho làm kỷ niệm. (gs Dương Thiệu Tống, trường Trung Học kiểu Mẫu, Thủ Đức)

Ông nhận xét như sau:

“Điểm nhận xét đầu tiên của tôi là điểm số các môn học ngày xưa sao lại thấp đến thế, ngay cả đối với học sinh đứng nhất lớp như các thí dụ trên đây.” (Trích “Suy Nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Dương Thiệu Tống, nxb Trẻ, trang 279-281)

Nhưng câu nhận xét sau đây của giáo sư Dương Thiệu Tống thật hơi lạ.

“Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp.” (Trích như trên)

Giáo sư đã cho phép dành cho đồng nghiệp tìm ra giải đáp thì tôi xin được thưa với giáo sư như thế này. Giáo sư là thầy của nhiều thế hệ mà bản thân người viết bài này có thể chỉ là hàng con cháu. Giáo sư đã đi du học Hoa Kỳ mang về cái bằng Tiến sĩ giáo dục mà vấn đề cho điểm như trên, giáo sư lại thối thác không cho một giải đáp.

Thưa giáo sư, trồng cây thì phải có quả. Trồng tốt sẽ cho quả tốt. Trồng người cũng gần như vậy. Dạy học thì trò đi thi phải đỗ. Không đỗ thì phần trách nhiệm không nhỏ là do thầy, do chương trình, do xã hội. Điểm phi lý đến nực cười là cho điểm thì đều dưới trung bình mà lại đứng đầu lớp. Không lẽ học trò đều dốt cả? Cho dù thế nào đi nữa thì không có lý nào điểm thì kém, dưới trung bình trong khi lời phê của giáo sư thì nào là giỏi, thông minh, đáng khen. Như vậy thì nên căn cứ vào điểm hay vào lời phê? Lời phê như thế có phản ảnh đúng trình độ học sinh hay không? Giải pháp là xét lại thang điểm và thay đổi thái độ chấm bài, nhất là bài văn, cần kèm thêm các câu hỏi giáo khoa hay trắc nghiệm như sau này Bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã đem ra áp dụng.

Thực ra khó khăn do thi cử và giáo dục thì ở đâu cũng có. Mỗi thời mỗi khó khăn khác. Như tỉnh Québec mà tôi đang ở. Mỗi năm dành 13 tỉ đô la dành cho giáo dục, vậy mà nhiều học trò trung học, ngay cả đại học còn viết đầy lỗi chính tả. Ngay ông Thủ tướng trong bài diễn văn đọc về cải cách giáo dục, người ta tìm ra được 13 lỗi phạm lớn:

“N’est–ce pas le premier ministre Jean Charest, qui dans un discours à l’Assemblée nationale, affirmait vouloir poursuivre ses efforts” pour améliorer la qualité de notre langue commune, le francais” alors qu’il remettait aux journalistes un texte comptant une douzaien de fautes majeures…” (Trích “Le grand mensonge de l’éducation”, Luc Germain, Luc Papineau, Benoit Séguin, trang12).

Phải chăng ngay cả ông Thủ tướng Charest trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội khẳng định trong nỗ lực tiếp tục “Cải tiến phẩm chất tiếng nói chung của chúng ta là tiếng Pháp,” vậy mà, chính ông Thủ tướng đã phát cho các nhà báo một bản diễn văn trong đó tính ra có đến 13 lỗi phạm lớn.

Kinh nghiệm đi chấm thi tú tài 2 các bài Triết hay luận Pháp Văn, Anh Văn cho thấy hệ số bản thân người chấm, hệ số tin cậy và sai số do hai giám khảo chấm, cách nhau trung bình hai điểm, có khi là 4 điểm. Thường trước khi bắt đầu chấm, giám khảo ngồi thảo luận “thang điểm”. Phần này thì cho bao nhiêu điểm, phần kia bao nhiêu điểm. Sau đó cộng lại các điểm đã cho. Sự sai biệt giữa hai giám khảo chấm cũng một bài là từ hai đến ba điểm, có khi 5 điểm cho thấy việc chấm thi thiếu công bằng, thiếu khách quan. Giả dụ bài Triết ban C, hệ số 4. Cách nhau 3 điểm, nhân 4 trở thành cách nhau 12 điểm. Quá bất công cho học trò, vì nhiều khi chỉ cần một điểm là đủ đỗ?

Kinh nghiệm bản thân khi tôi thi tú tài 2 ban C, chọn Pháp Văn làm sinh ngữ một. Bài thi bắt buộc là một bài luận văn chương Pháp chọn trong các tác giả thế kỷ 19 như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Lamartine, Chateaubriand, v.v…

Sinh ngữ 2 là anh văn thì gồm có một bài luận luân lý. Cả năm đã học theo chương trình như thế. Nhưng nghe tin đồn là năm nay, giáo sư Nguyễn Văn Lúa, giáo sư Pháp Văn đại học Văn Khoa xuống chấm thi. Không ai bảo ai, một số học sinh sợ ăn điểm một hai gậy của giáo sư Lúa bèn trốn ông, chọn Anh Văn làm sinh ngữ một.

Tên sao trùng với người thế. Gặp ông là lúa đời rồi. Ông nổi tiếng hung thần đánh rớt học trò. Vậy mà được đồng nghiệp kính nể. Anh Văn vốn tôi đã chẳng giỏi gì, phần lớn thời gian tự học lấy trong “Butterfly”. Giọng đọc anh văn thì thầy còn đọc trật huống chi trò. Sang Mỹ này vừa chẵn 30 năm mà nói Mỹ vẫn chưa hiểu!!! Sau bài luận văn chương ép uổng đó, từ đó đến nay, tôi không hề dám viết một câu tiếng Anh nào nữa, mặc dầu việc biên khảo hiện nay, phần lớn, tôi đều dựa trên sách viết bằng tiếng Anh.
Nói theo kiểu giáo sư Dương Thiệu Tống, nói Mỹ nó không hiểu thì nó dốt hay mình dốt? Giáo sư Dương Thiệu Tống còn viết bài: Trẻ Chưa Ngoan, Nguyên nhân? Tôi thấy ông thật thà quá. Nguyên nhân chính là cộng sản mà ông cứ nói đâu đâu?

Ông Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Hơn nửa đời hư có kể đi dự thi concours để làm việc cho Pháp, thi mãi không đậu. Ông viết:

“Kỳ nầy, chua cay là rớt số Một, khít nút với người đội sổ. Gặp thầy bói tên Trần Thúc Sanh, coi tay và coi tướng, nói mình về già tốt phúc, năm nay không đậu vì tiểu nhơn ám hại, muốn đậu phải liều như đánh bài thua. Nhưng mình vẫn nhất quyết “Không liều như đánh bài,” chỉ còn tự trách còn óc mê tín, tin dị đoan và vẫn đi xem bói.” Cuối cùng ông kết luận: “Cám ơn đã được thi rớt.” (Trích Hơn Nửa Đời Hư, Vương Hồng Sển, trang 226-228).

Bảng 1: Kết quả kỳ thi tú tài I và 2, chương trình giáo dục Việt Nam 1953-1954, SàiGòn-Nam Bộ. Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130
Bảng 2: Kết quả kỳ thi tú tài 1 và 2 chương trình Pháp 1954-1955 Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130

Nói chuyện với mấy vị giáo chức lớn tuổi, họ thường ân hận là trong đời đi dạy, họ đã chấm điểm ngặt nghèo qua. Vì mình mà có đứa phải đi lính, có đứa biết đâu vì thế chết ngoài mặt trận.

Sau đây là kết quả các kỳ thi tú tài 1 và tú tài 2 vào niên khóa 1954-1955 cho thấy kết quả thí sinh thi đỗ là bao nhiêu của hai chương trình Việt và Pháp lúc bấy giờ.

Một vài nhận xét

Tú tài Việt

Đây là năm cuối cùng của việc thi cử trong hệ thống giáo dục của Pháp.

■ Nên nhớ rằng, chính phủ quốc gia chỉ mới công bố chương trình thi lấy bằng Trung Học Phổ thông đệ nhất cấp kể từ 1950. Khóa 1, tháng sáu/1950, khóa 2 vào tháng 9/1950.

■ Vì thế không lạ gì số học sinh trường Việt dự thi ít hơn trường Pháp đến gần một nửa. Điều đó cho thấy việc học chỉ dành cho những người có tiền của, loại con ông cháu cha khác hẳn kỳ thi năm 1955-1956. Trường Petrus Ký, Gia Long mới chỉ bắt đầu mở các lớp đệ thất dạy chương trình Việt, nhưng vẫn duy trì một số lớp chương trình Pháp.

■ Tỉ lệ tú tài 1: thí sinh thi đỗ tú tài 1, Việt Nam, kỳ 1 là 25% cộng cả hai kỳ là 35%. Thấp.

■ Tỉ lệ thí sinh bỏ dự thi tú tài 1, kỳ 2, rất cao. Điều đó cho thấy, người giỏi thì đỗ ngay kỳ đầu, người không học, sau khi thi thử kỳ đầu, không đậu đã bỏ luôn, không dự kỳ khóa hai. Đáng nhẽ phải có hơn 800 dự thi khóa hai, chỉ còn hơn 500 dự thi khóa hai. Đã có khoảng 300 người bỏ cuộc. Cho dù thi lại, tỉ lệ thi đậu chỉ hơn 10% so với kỳ đầu là 25%.

■ Tỉ lệ tú tài 2: Những người thi tú tài 2 đều giỏi vì đã được sàng lọc trong kỳ thi tú tài 1. Vì thế tỉ lệ thi đỗ rất cao so với tú tài 1. 70%. Số lượng những người tham dự kỳ thi tú tài 2, khóa hai cũng rất cao, chỉ vắng mặt vài chục người, vì họ tin rằng họ có thể thi đậu nên không bỏ cuộc.

■ Tỉ lệ thi Trung học đệ nhất cấp đậu cao, đến hơn 50%.

■ Những con số thi cử này sẽ thay đổi nhiều trong các năm tới khi có số đông học sinh di cư vào Nam cũng như các trường trung học mở ra khắp nơi.

Tú tài Pháp

■ Nhận xét thứ nhất là thi tú tài Pháp gay go và khó đỗ hơn tú tài Việt. Vì họ chỉ thi có một kỳ, không có kỳ 2. Tỉ lệ thí sinh thi đậu chỉ đạt 20- 25%. Vì thế sau này không lạ gì, nhiều học sinh đổi sang trường Việt học thi cả hai kỳ thi Việt Pháp. Tại trường Cao Bá Nhạ, gần đường Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo, có một trung tâm luyện thi dành cho học sinh chương trình Pháp thi tú tài Việt. Ai là người đã học trong hai lớp này?

■ So sánh hai bảng thì kết quả thi cử Việt Nam cho đỗ nhiều hơn thí sinh người Pháp. Phải chăng học sinh Việt Nam học giỏi hơn người Phảp, chăm hơn người Pháp? Tôi nghiêng về lý do giám khảo Việt Nam chấm rộng hơn giám khảo Pháp.

Và đó phải coi là một ưu điểm, tiến bộ về phía giám khảo Việt Nam.

Thi cử qua các kỳ thi tú tài 1 và 2 ở miền Nam là công bằng vì tổ chức chặt chẽ và vì lương tâm nhà giáo.

Tổ chức chặt chẽ, có phương pháp, có nề nếp trong thi cử là yêu tố quyết định trong thi cử. Cá nhân muốn gian lận cũng khó mà gian được. Chẳng hạn chuyển đổi người địa phương đi nơi khác là yếu tố quan trọng hàng đầu. Phân biệt tổ chức Hội đồng giám thị và Hội đồng giám khảo. Không cho phép bất cứ quan chức địa phương nào, từ Tỉnh trưởng đến người quân cảnh dính dáng xa gần tới Hội đồng giám thị giám khảo. Hai hội đồng ấy từ trung ương gửi xuống biệt lập với quan chức địa phương. Địa phương chỉ có bổn phận bắt buộc cung cấp phương tiện. Chánh chủ khảo đến làm việc là mọi chuyện phải được sắp xếp sẵn sàng cho họ như phương tiện di chuyển như máy bay quân sự, xe cộ, lính canh gác thùng đề thi, an ninh tại các trường thi.

Chẳng hạn để tiết lộ thùng đề thi do trách nhiệm ông Tỉnh trưởng thì việc trước tiên là ông tỉnh trưởng phải đổi đi chỗ khác.

Tổ chức ấy được tiến hành như sau:

Nha Khảo Thí

Nha khảo thí là nơi đầu não làm việc suốt quanh năm nhằm mục đích tổ chức hai kỳ thi trung học Phổ thông và 4 lần thi tú tài 1 và 2. Cơ quan này chia ra nhiều bộ phận riêng rẽ, biệt lập như tổ chức các Hội đồng Giám thị và giám khảo, phân phối điều động các giám khảo, giám thị. Sài Gòn vì là trung tâm nên nơi đây còn chia ra nhiều Hội Đồng như Hội Đồng ban B, ban C và D, Hội Đồng ban A. Các tỉnh thì có các Hội Đồng Giám khảo như Huế, NhaTrang, Cần Thơ, v.v… Hội Đồng Giám Thị thì tổ chức tại các địa phương như các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị, v.v… Khi các thí sinh thi xong thì bài thi và hồ sơ của Hội Đồng Giám Thị được chuyển tất cả về Huế.

Nhưng bộ phận quan trọng của Nha Khảo Thí là hội đồng ra đề thi. Bộ phận này nằm chót lót trên lầu 3 của Nha Khảo Thí.

Người ta gọi đùa là một vương quốc thi cử. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trung bình mỗi môn có hai giáo sư trung học có kinh nghiệm phụ trách. Họ có bổn phận cân nhắc kỹ lưỡng từng câu hỏi giáo khoa, từng bài thi sao cho đúng. Không có kẽ hở như có thể để học trò hiểu lầm câu hỏi hay có thể có hai cách trả lời, v.v… Hoặc đề tài cần vừa trình độ học trò, không quá khó. Có nhiều năm, bài toán ra quá khó, nhiều học trò giỏi cũng ngắc ngư. Báo chí phản ứng dư luận rùm beng. Riêng đề thi ban Triết, nhiều vị không dám tự mình đề xướng ra một đề thi mới và thường chọn các đề thi có bài luận giải đáp trong sách Foulquié cho chắc ăn. Vì thế, các giáo sư cũng lấy các đề thi và bài luận trong sách này dạy cho học trò. Không có “học tủ” đâu, vì có đến 4, 5 cuốn Foulquie với hàng trăm bài mẫu.

Sau khi đã quyết định chọn được đề thi rồi, các vị ấy phải tự mình đánh máy, tự mình quay ronéo, tự mình để vào các phong bì. Niêm phong lại. Phong bì đóng khằn bằng xi. Phòng đề thi được bảo mật, có người canh gác, có hệ thống an toàn riêng để tránh sự đột nhập của người lạ. Tất cả tổ chức khắt khe như vậy chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho việc thi cử được bảo mật tối đa, giữ được công bằng.Tuy nhiên tổ chức bảo mật khắt khe đến đâu đi nữa vẫn có yếu tố con người.

Vì thế, vấn đề còn lại vẫn là cá nhân, tư cách người thầy.

Điều đó chính là rường cột của một nền giáo dục chân chính.

Nhân cách người thầy qua thi cử.

Chắc các vị lớn tuổi một tý còn nhớ câu chuyện giáo sư Hoàng Cơ Nghị, giáo sư toán đã đánh rớt cô em gái tài giỏi của mình. Chẳng những không cho đỗ mà còn “trù ếm” đánh rớt oan. Sau này, cô tức khí bỏ đi Pháp học mà bằng cấp chẳng những không thua gì anh, còn vượt trội.

Không ai có thể đòi hỏi một giám khảo như ông Hoàng Cơ Nghị. Nhưng đó là một tấm gương.

Cứ lấy kinh nghiệm bản thân cho thấy, trong suốt cuộc đời đi chấm thi, tôi chưa hề thấy một lần, dù là thứ học trò ruột dám mở lời nhờ cậy. Tuyệt đối không. Tôi vừa nói chuyện hỏi thăm một cháu trai hồi đó đi thi đỗ hạng bình, tôi nhớ lại trong nhà, chắc cũng có nhiều cháu con các chị đi thi, vậy mà chú hay cậu nó có giúp được gì không? Trong nhà còn không giúp được làm sao giúp được người ngoài? Nếu có 2000 ngàn vị giám khảo trên toàn quốc mà mỗi người có độ hai ba “con gà,” vị chi là có 6000 thí sinh được chạy chọt, được điểm cao thì còn gì giá trị việc thi cử nữa?

Cứ nghĩ như thế để thấy tổ chức thi cử nghiêm chỉnh và nhân cách người giám khảo là hai yếu tố tạo cho các kỳ thi ở miền Nam trước 1975 đã đạt được sự công bằng cho mọi thí sinh.

Cuộc đời thầy giáo ở đâu cũng thế phần đông nghèo, bổng lộc không có, chức tước cũng không. Cùng là bạn học, dù chỉ là một thiếu úy, nếu nó không dại dột sắm hòm tô bia cho mình, biết đâu có ngày nó lừng lững lên đến Tá Tướng. Cùng đỗ tú tài, đứa học Đại Học sư phạm, đứa học Quốc gia hành chánh. Lương bổng ngạch giáo sư có nhích hơn bên Quốc gia Hành chánh. Vậy mà một ngày nào đó không xa. Ông bạn Quốc gia hành chánh cứ lên như diều như trường hợp ông Nguyễn Bá Cẩn. Chẳng may không lên, nếu nó lanh lợi một chút cũng có xe cộ, nhà cửa, vợ đeo hột soàn… Nó đi xe hơi, đánh bạc ăn bạc trăm bạc ngàn. Mình đi xe đạp hoặc xe gắn máy, đánh mạt chược cò con, được thua đáng giá chục tô phở.

Ấy là chưa kể để giữ an ninh cho gia đình, hoặc phú quý sinh lễ nghĩa, nó lập phòng nhất, phòng nhì, phòng ba, phòng bốn. Trong đời tôi, chỉ một lần thấy một ông giáo có phòng nhì mà thôi.

Nói thế chỉ có ý nói nhà giáo ít có cơ hội làm điều xấu. Tôi có bạn là Quốc Gia Hành Chánh, nay nghiên cứu sử ưu thế hơn “sử gia” mà lúc ở hành chánh chẳng biết tơ hào, sơ múi gì. Có rất nhiều người như thế. Người hiền lương ở đâu cũng có thể là hiền lương được.

Nhưng người đời theo thói thường trọng nhau khinh nhau ở chỗ đó.

Nhà giáo suốt đời dậm chân tại chỗ, không lên mà cũng không xuống, “không có tương lai.” Cái uy tín thầy giáo không ai ban phát cho ông được. Tự ông mà có.

Ông vì thế cũng không cần xin sỏ bất kỳ ai.

Trường hợp các nhà Giáo như Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim là hi hữu của thời trước. Trong Nam có cụ già Hương thì nghiệp cầm phấn chỉ là lúc ban đầu . Nhưng cái background nhà giáo đã làm nền, đánh bóng cho cuộc đời chính trị của cụ sau này.

Mặc dầu sống thanh bạch, các thầy giáo miền Nam, trung và tiểu học, nhất là tiểu học có quyền ngửng đầu để thấy rằng thi cử cũng như giáo dục là điều còn lại duy nhất giúp cho người miền Nam thấy hơn miền Bắc.

Miền Nam có thể thua miền Bắc để mất miền Nam. Nhưng nền giáo dục ở miền Nam dù còn chập chững thiếu sót mà thực tế ngày nay cho thấy vượt trội rất xa miền Bắc cộng sản cả về chất lượng đào tạo và phẩm chất đạo đức.

Tất cả những ai đã đỗ đạt ở miền Nam vì thế đều có quyền tự hào là mình đã xứng đáng đỗ như thế. Và chỉ cần nhìn những người Việt Nam ở hải ngoại đã có thể học lại, có thể đỗ đạt ở nước ngoài không thua bất cứ di dân nào. Và tất cả chúng ta đều có quyền hãnh diện với chính mình và hãnh diện vì đã được đào tạo trong một môi trường giáo dục lành mạnh, nhân bản và đạo đức ở miền Nam Việt Nam.

Cụ thể là có khoảng 2800 dược sĩ hiện nay đang hành nghề tại hải ngoại.(Trích Danh sách dược sĩ Việt Nam trên thế giới Tự Do, xuất bản năm 1997).

Và có khoảng 2600 bác sĩ đủ loại cũng đang hành nghề khắp nơi trên thế giới. (Trích Danh sách Y sĩ Việt Nam trên thế giới Tự Do, 1997).

Còn lại biết bao nhiêu kỹ sư, giáo sư, Quốc Gia Hành Chánh cũng đã tạo được chỗ đứng cho họ ở xứ người.

Về phía đồng bào tỵ nạn đi từ miền Bắc hoặc đã ở các nước Đông Âu với tư cách sinh viên du học sau khi các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, đã có bao nhiêu người đã đỗ đạt và thành công ở xứ người? Tôi sợ rằng con số là ít ỏi. Hiện nay các di dân đi từ miền Bắc đang gây nhiều trở ngại cho các nước Đông Âu và họ tìm cách tống xuất những người Việt trên về lại Việt Nam vì rất nhiều lý do.

Nền giáo dục đào tạo do cộng sản cầm đầu và chính quyền cộng sản có trách nhiệm gì về những thành phần sống bất hợp pháp này? Phải chăng nó chỉ là hậu quả tất yếu của một chính sách giáo dục phi nhân bản mà những thành phần di dân từ miền Bắc nay phải gánh chịu hậu quả?

Nói ra đây không phải để so bì với các anh chị em đó, nhưng cần nói thẳng là do hậu quả cách đào tạo và nền giáo dục dưới chế độ cộng sản đã quá yếu kém về mọi mặt.

Vậy mà họ dám viết phê phán nền giáo dục của VNCH như sau:

“Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố gắng kết hợp mọi Triết học cũ xưa với Triết học mới nhất nhồi nhét những thế hệ thanh thiếu niên “lý tưởng quốc gia” giả hiệu, “thế giới tự do”, làm cho họ chạy theo lối sống thực dụng, hoặc sợ hãi sức mạnh nước ngoài, rồi bi quan, yếm thế, an phận.” (Trích Địa chí văn hóa… trang 768).

Những vụ bê bối trong thi cử ở miền Nam

Mặc dầu vậy, vẫn có những vụ bê bối không tránh được và người viết không ngại vạch áo cho người xem lưng. Không phải để bôi xấu gì mà để cho thấy trong cái tốt có cái xấu.

Cá nhân tôi xin thú thật thì tôi cũng đã làm nhiều việc bê bối thời trẻ. “Tôi hư trong bụng tôi biết.” Ôi tuổi trẻ sao mà mệt thế! Chuyện gì cũng dám làm. Vậy mà đụng đến thi cử là bàn tay như rụt lại, không dám xé rào thò tay vào. Điều gì đã làm cho người tuổi trẻ biết tôn trọng, biết giữ gìn “nhân cách” của mình, một cái nhân cách mà so với một Hoàng Cơ Nghị là thua một trời một vực?

Nhưng dù gì thì cũng vẫn là con người. Việc gian lận thi cử cũng vẫn xảy ra ‒ thời nào cũng có- và điều đó không có gì lạ.

Nếu đời hết tham lam thì biết đâu chúng ta đã có cơ hội ngồi chung bàn với Phật? Và có dịp bắt tay ông Thánh Phêrô lừng lững vào Thiên Đàng?

Trong truyện đời xưa, ông Trương Vĩnh Ký kể truyện đút sáp vào đít hối lộ cho cọp ăn cũng kể là thâm thúy.(Ý của Vương Hồng Sển). Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê viết:

“Năm đó, tôi thi xong môn chính tả buổi sáng tin chắc là rất ít lỗi mà qua được môn đó, tôi sẽ đậu. Buổi chiều, bỗng có tin là đầu bài bị tiết lộ nên bỏ, sáng hôm sau thi lại. Nghe nói kẻ tiết lộ đầu bài là một học sinh ban tú tài bản xứ trường Bưởi được thống xứ Bác Kỳ yêu vì giỏi Pháp Văn.” (Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 144)

Việc thi cử như trên dù có sơ xuất cũng chỉ thu gọn vào phạm vi cá nhân mà không có tính cách “đại trà” như hiện nay ở Việt Nam.

Tôi nêu ra đây một vài vụ việc, nêu cả danh tánh, trong đó có những người tôi cũng biết. Nêu ra dể chứng tỏ một thứ trong sáng, transparency, cần thiết mà không có một chút ác ý cỏn con nào. Câu chuyện nay đã vào quá khứ, nói ra như một bằng chứng cần phải nói thôi. Và xin lưu ý, cả hai vụ nêu ra đây đều xảy ra thời Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam. Lúc đó kỷ cương, kỷ luật học đường ‒ do chiến tranh một phần, nhưng do những người lãnh đạo miền Nam lúc đó phẩm chất đạo đức yếu kém, sự có mặt của người Mỹ tạo ra những xáo trộn xã hội không tránh khỏi, thêm nhiều nhố nhăng chạy theo đồng tiền ‒ Và chuyên gì đã xảy ra thì phải xảy ra thôi. Có nhiều trường hợp chỉ là tin đồn thì chúng tôi không xét đến như có đường giây nọ, giây kia ở tỉnh Biên Hòa.

– Vụ thứ nhất liên quan đến hai giám khảo Nguyễn Hữu Lễ và Phạm Kiều Tùng. Việc này xảy ra ở Vĩnh Long do có lộ đề thi trước và giám thị đã bắt được và truy ra manh mối từ hai vị giám khảo trên. Hồ sơ nội vụ đã được phúc trình về bộ giáo dục dưới thời bác sĩ Nguyễn Lưu Viên và Nguyễn Danh Đàn. Hồ sơ được chuyển cho Thanh tra đặc biệt. Vụ này có liên quan đến một người cháu của ông Trần Văn Văn và vì thế bà Trần Văn Văn có can thiệp, gọi điện thoại cho vị thanh tra, nhưng vị thanh tra cứ thẳng mà làm. Và cho biết rằng không có bổn phận trả lời bà. Kết quả là hai vị giám khảo bị vi phạm kỷ luật trường thi, bị đổi đi nơi khác. Vụ này thật ra chỉ là do tình cảm cá nhân như liên hệ bà con họ hàng chứ không phải là làm tiền hay tham nhũng. Ảnh hưởng xấu có giới hạn rõ ràng và có thể giảm khinh được theo cái lối xử sự của người mình.

– Vụ thứ hai liên quan đến một giáo sư toán dạy Petrus Trương Vĩnh Ký, ông Cam Duy Lễ, sau về làm trong nhóm ra đề thi. Gia đình một phụ huynh học sinh đã bỏ một số tiền ra mua đề thi của ông giáo sư này. Đề thi chắc để bảo mật chỉ giao cho thí sinh này trước vài tiếng. Nhưng thí sinh này tham muốn gỡ lại số tiền đã bỏ ra bèn bán đề thi. Chẳng mấy chốc mà đề thi được tiết lộ cho nhiều người. Ông giáo sư này bị điều tra, bị hoàn trả về sở nhân viên và để làm gương cho những người khác, ông bị đưa ra tòa.

Dù sao, việc này đã gây một tiếng xấu trong ngành giáo dục không ít.

Các Hội Đồng Thi

Phần này viêt theo trí nhớ, có thể có một hai tiểu tiết thiếu sót, xin được thông cảm.

Để bảo đảm cho các kỳ thi đạt được kết quả mong muốn. Nguyên tắc của bộ giáo dục miền Nam là điều động các giám khảo từ địa phương này sang địa phương khác. Giám khảo ở Huế thì vào Nha Trang và ngược lại. Các giám khảo các tỉnh lẻ cũng bị điều động đi nơi khác. Mặc dầu tốn kém và khó khăn di chuyển. Nhiều địa phương mất an ninh, bắt buốc phải dùng phương tiện máy bay và lúc đó phải nhờ bên quân đội đảm trách việc di chuyển các giám khảo. Nguyên tắc di chuyển giám khảo ra khỏi địa phương của họ đã được duy trì từ năm 1955 đến 1975 và đem lại kết quả khá mỹ mãn.

Có các vị giáo sư lão thành cho hay hồi 1955-1956, số thí sinh còn ít, bài thi rọc phách rồi giám khảo được phép mang về nhà chấm. Vậy mà đâu có chuyện gì xảy ra?

Việc coi thi và chấm thi là hai bộ phận riêng biệt.

Các giáo sư trung học phải đảm trách hai nhiệm vụ một lúc: Vừa là giám thị vừa là giám khảo. Từ đó phân chia ra hai hội đồng: Hội đồng giám thị để coi thi, hội đồng giám khảo để chấm thi.

1. Hội Đồng Giám Thị

Công việc của Hội Đồng Giám Thị là tổ chức các kỳ thi viết tại các tỉnh nhỏ như Phan Thiết, Đà Lạt, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Di Linh, Quảng Ngãi, Long Xuyên, Rạch Giá, v.v…

Nghĩa là học sinh ở đâu thi tại đó.

Báo chí trong nước hiện nay cho tin, các học sinh phải thuê nhà trọ để ứng thi chẳng khác gì các sĩ tử thời Nho Học là bao nhiêu. Trên thế giới chắc chỉ có Việt Nam hiện nay làm như vậy.

Ban Chủ tịch Hội Đồng thường có ba người: Một chủ tịch hội đồng, một phó chủ tịch và một thư ký. Các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch thường do các hiệu trưởng hay các giáo sư có thâm niên trong nghề đảm trách. Tại địa phương, các ông phó tỉnh Trưởng, trưởng ty tiểu học ‒ Không có Hiệu Trưởng, vì hiệu trưởng, cũng được điều động đi nơi khác ‒ giúp sắp xếp lo liệu về hành chánh, điều động an ninh quân đội hay cảnh sát nếu có canh gác thì phải ở ngoài khuôn viên nhà trường. Các ông giám thị, tổng giám thị lo liệu sắp xếp chỗ ngồi theo số báo danh.

Đề thi đã được gửi tới tòa Tỉnh trưởng và Tòa tỉnh trách nhiệm cho người canh gác hòm bài thi, nếu cần. Cho dù có gan trời, các ông ấy cũng không dám đụng đậy vào các bao bì đề bài thi này.

Đến ngày thi, ông chủ tịch hoặc ông phó chủ tịch Hội đồng thi đến tòa tỉnh làm biên bản nhận bao bì bài thi. Tòa tỉnh cho xe quân cảnh hộ tống xe của Hội Đồng thi đến các hội đồng thi giao bài.

Đây là lần đầu tiên trong đời nhà giáo có tý oai dựa hơi tỉnh trưởng, đi xe có “lính hầu,” tiền hô hậu ủng.

Phần thư ký hội đồng có bổn phận sắp xếp các giám thị địa phương là các giáo viên tiểu học kèm theo một giáo sư từ chỗ khác đến. Nghĩa là mỗi phòng thi gồm hai giám thị. Giám thị 1 là giáo sư trung học, giám thị 2 là giáo viên tiểu học. Bên ngoài, mỗi hành lang có thêm một giám thị hành lang là một giáo sư để kiểm soát chung cả hành lang.

Trước giờ thi các giám thị xem bảng sắp xếp đi về phòng thi đã được chỉ định kèm theo một hồ sơ các giấy tờ cần thiết cho mỗi phòng như biên bản. Đúng giờ thi, các giám thị hành lang sẽ mang phong bì đề thi được gián kín giao cho các giám thị mỗi phòng.

Tổ chức rất chặt chẽ, nhiệm vụ được phân chia rõ ràng. Bao nhiêu năm vẫn thế, ít có sự thay đổi. Vai trò càc giám thị là giáo viên địa phương có hơi tế nhị như gặp thí sinh quen biết hoăc họ hàng. Nhưng thật sự không có vấn đề, vì còn có giám thị 1 có nhiệm vụ kiểm soát tất cả. Chưa kể còn giám thị hành lang.

Tờ giấy thi phát cho thí sinh làm có chữ ký của hai giám thị. Không có chữ ký của họ là bất hợp lệ. Cho nên tráo bài thi là truyện khó có thể xảy ra.

Hết giờ thi, nhiệm vụ của giám thị là thu bài xếp theo thứ tự vần, đánh số mật mã ở ô vuông trên mỗi bài thi. Phía ngoài ghi số thí sinh có mặt. Số đó là mật mã của sấp bài. Bài sau đó, được buộc chặt đóng thùng, gửi máy bay về Hội Đồng Giám Khảo.

Công việc của Hội Đồng Giám Thị kể là xong. Số phận học sinh nay nằm trong chính những xâp bài mà họ đã làm và nhất là trong tay các vị giám khảo.

Thế là hết một mùa thi đối với học trò.

Công lao khó nhọc cả năm trời quyết đinh trong mấy tiếng đồng hồ, kéo dài trong mấy ngày. Phù du như ảo ảnh. Đôi mắt tuổi trẻ nay ánh lên nỗi niềm lo âu và tin tưởng. Sự mong đợi và sự hy sinh vô bờ bến của bậc làm cha mẹ. Làm sao nói hết cho ra lời. Họ chỉ mong con cái thi đậu.

Nỗi niềm đó kéo theo tâm sự của cả miền Nam mỗi khi đến mùa thi.

Phần ông thầy, người viết bài này, đi chấm thi xong ở một nơi nào đó, vội về thăm một vòng xem đứa nào đỗ, đứa nào rớt. Nhiều quá, không nhớ hết. Tất cả trách nhiệm 12 lớp đệ nhất vừa công vừa tư. Chỉ mong chúng đậu nhiều. Đậu nhiều thì thầy mừng và không khỏi hãnh diện. Có nước mắt mừng vui và chia sẻ. Kỷ niệm vào một buổi trưa nắng, trong nhà học trò đang mở tiệc, ông thầy xuất hiện đột ngột, chỉ kịp hỏi vài câu đủ làm nên những cảm xúc và kỷ niệm nhớ cả đời.

Đó cũng là ý nghĩa cuộc đời ông thầy.

Nhưng cho dù tổ chức thi cử có chặt chẽ thế nào đi nữa, người ta vẫn có thể gian lận. Tôi không chối cãi điều đó. Nhưng điều mà tôi nghĩ rằng, tổ chức thi cử ở miền Nam được tốt đẹp không hẳn ở tổ chức chặt chẽ.

Thi cử chặt chẽ và đàng hoàng là do con người của nhà giáo.

Tôi đã nhìn lại một số bậc đàn anh để thấy rằng nơi những người thầy ấy không có chỗ cho điều xấu có chỗ cư ngụ. Nhân cách họ bày tỏ một sự trong sáng không tì vết. Nhìn họ, nhìn con người họ nhìn phong cách họ, không một ai dám mở lời xin xỏ.

Xin vinh danh họ. Những người đã đào tạo nên những thế hệ học sinh sau này thành người.

2. Hội đồng giám khảo

Đây là công việc quan trọng nhất, quyết định số phận học trò. Công việc chấm thi, cộng điểm, lên danh sách kéo dài cả tháng trời. Rất thận trọng, rà soát lại từng thí sinh một.

Nhiều khi công việc chấm thi đến mệt mỏi và chán chường. Phải nhẫn nại để cố gắng đừng chán nản. Nhất là công việc cộng điểm được chia ra từng nhóm để làm việc.

Nếu chấm ở Huế thì có dịp thưởng thức cái nóng gió Lào. Cái nóng chảy mỡ. Những bữa cơm cay sè thanh đạm với những cuộng rau sống xanh và đắng ngắt. Những tô canh cá bống cay xè, điểm tô bằng một hai con cá hiếm hoi như bơi lội tung tăng. Những đĩa thức ăn Tiểu, Trung, Đại đến là ít ỏi và cạnh đó là một lô ăn mày ngồi chực săn để vét tý canh thừa cơm cặn.

Huế đồng nghĩa với nghèo trong những bữa ăn. Nghèo đến tội nghiệp. Nhưng thiếu nữ Huế vẫn giữ nếp nhà, vẫn cố che dấu tất cả trong những tà áo dài. Ngay cả những người bán hàng quà rong cũng ăn mặc tươm tất.

Đó là phong cách Huế.

Gái Huế vẫn kín đáo và mở phơi trong biện chứng khép mở, chờ đợi, đón nhận và sẵn sàng. Ngoài những người con gái Huế ra, Huế còn gì để nói? Nói về Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường chăng? Hay nói về các phong trào tranh đấu?

Không có gì đẹp và có thể so sánh được với tà áo Huế. Không ở đâu có những mái tóc chải mượt và đôi con mắt của người con gái Huế ngồi bên mạn thuyền.

Nó gửi gắm nhiều thứ lắm.

Thôi thì cũng phải quay về với bài thi. Bài thi được rọc phách. Thường ông Phó chủ khảo đánh số mật mã. Mật mã trên phần phách phía trên và mật mã trên phần bài thi. Sau này chấm xong, ráp hai phần đó có số mật mã giống nhau là được.

Mỗi bộ môn có chừng độ 7, 8 giám khảo. Chấm lâu và mất nhiều thì giờ nhất là môn Triết. Có một trưởng ban cho mỗi môn. Mỗi giám khảo chấm bài nhận xấp bài đã ghi mã số bên ngoài bìa như xấp 25 bài, sẽ ghi xấp 25. Trước khi chấm phải họp lập thang điểm để thống nhất việc cho điểm. Bài cho điểm cao, bắt buộc phải đưa cho một giám khảo khác chấm lần thứ hai, sau đó cộng lại cho trung bình. Rất tiếc, đáng nhẽ bài cho điểm thấp quá cũng cần có chấm lại lần thứ hai cho công bằng.

Sau khi các giám khảo chấm xong. Vấn đề còn lại có tính cách hành chánh như là ráp phách, cộng điểm. Ngay việc cộng điểm cũng cần hai người, đọc điểm lên, rồi cộng, rồi so sánh, rà soát lại để tránh cộng sai.

Công việc tổ chức khá là chặt chẽ.

Hết những giờ làm việc căng thẳng và mỏi mệt ra đến cổng trường là bị đám đông bu lại, hỏi thăm tíu tít, hốt hoảng lo âu. Hầu hết những câu hỏi không trả lời được đành tìm cách thoái thác cho xong. Công chúng chờ đợi, trẻ già người lớn, đứng đông nghẹt trông ngóng trước cổng trường. Càng gần đến ngày công bố kết quả, bầu khí như sôi sục hẳn lên. Lại chờ đợi. Họ đổ xô đến các giám khảo, hỏi thăm tin tức, dúi những mảnh giấy nhờ vả xem kết quả dùm.

Đúng là không khí mùa thi cử có lẽ chỉ nhìn thấy ở Việt Nam.

Vô ích, chẳng ai có thể làm gì cho họ được. Bầu khí đó nói lên tầm quan trọng của mùa thi. Nhất là cuối thập niên 1960, sau tết mậu thân. Tương lai tuổi trẻ như thế nào có thể đổi khác khi những mảnh giấy in ronéo đuợc dán lên.

Thi cử và tương lai tuổi trẻ gắn liền vào một. Đó là cái ý nghĩa nhất trong mùa thi cử.

Đầu thập niên 1960, lúc bấy giờ còn có kỳ thi vấn đáp nữa. Thêm một thứ rào cản vô ích và thừa thãi.

Nó chẳng để làm gì. Nếu không muốn nói nó vô tích sự. Chẳng kiểm soát được khả năng và học lực của học sinh. May mà các kỳ thi vấn dáp đã bị bãi bỏ.

Tú Tài I.B.M.

Cho đến lúc này, người viết không nắm chắc được việc thí nghiệm thi trắc nghiệm, còn gọi là tú tài IBM là do khuyến cáo của Mỹ hay do các vị đi du học ở Mỹ về đề nghị. Điều chắc chắn là thử nghiệm tú tài IBM đã bị một số viên chức và báo chí lên tiếng phản đối. Sự phản đối này hiểu được vì bất cứ cải cách nào về phương diện gíáo dục đều gây phản ứng trái ngược. Nhưng xem ra phản ứng của dư luận có phần yếu ớt và cuộc thi trắc nghiệm bậc tú tài vẫn được tiến hành cho đến 1975.

Có thể các câu hỏi trắc nghiệm lúc đầu chưa hoàn chỉnh. Báo chí mang các câu hỏi đó ra bình phẩm và chê trách. Nhưng cái xu hướng thi trắc nghiệm là điều không thể không làm.

Cái lợi thứ nhất là tránh cho học sinh khỏi bị rơi vào cái bẫy may rủi với chỉ một bài toán hay chỉ một bài luận duy nhất. Các câu hỏi dàn trải suốt cả chương trình không cho phép học sinh “học tủ.” Các câu hỏi đòi hỏi trí nhớ nhưng cũng đòi hỏi trí thông minh tránh tình trạng “học gạo.”

Áp dụng thi trắc nghiệm chỉ là làm những điều mà các nước tân tiến đã thi hành từ lâu rồi.

Bên cạnh đó vẫn còn duy trì bài luận để học sinh vẫn có thể vận dụng óc suy luận tổng hợp, khả năng trình bày biện chứng, v.v…

Cái lợi trước mắt là học trò thi trắc nghiệm nay có thể được điểm cao. Tỉ số đậu có khá hơn và các học sinh đậu bình hay bình thứ là thường.

Câu chuyện thi trắc nghiểm kể như mới đi những bước đầu dọ dẫm thì miền Nam bị rơi vào tay cộng sản. Chế độ không biết gì về phương pháp thi trắc nghiệm nên dẹp bỏ luôn.

Chế độ giáo dục mới giống loài tôm lúc nào cũng cựa quậy, nhưng là đi những bước lùi, giống như loài tôm hùm luôn luôn đi lùi. Ý tưởng mà tôi lấy lại của Umberto Eco trong cuốn sách của ông: À reculons, comme une écrevisse. Giật lùi giống như loài tôm hùm.

Tôi đã có kinh nghiệm chấm thi trong cả hai chế độ. Khoảng tháng chín 1975, tôi được điều động đi chấm thi tuyển vào lớp 10. Chấm xong là hết. Từ đó, tôi không còn biết số phận các bài chấm đó ra sao nữa?


Đấy sự khác biệt nó từ chỗ ấy. Ôi những con tôm hùm giáo dục của người cộng sản. Con tôm hùm giáo dục nó tiến lên bằng những bước đi lùi.

Đối với con tôm hùm, tiến có nghĩa là lùi. Tuổi trẻ bây giờ trả giá cho những chính sách sai lầm trong giáo dục từ đó đến nay. Vậy mà họ dám viết như thế này:

“Sài Gòn ‒ Thành phố Hồ Chí Minh với những kinh nghiệm giáo dục sâu sắc, cả thành tựu lần thất bại, chắc sẽ trở thành môi trường thuận lợi nhất cho một nền giáo dục và đào tạo con người vừa có nhân cách vững vàng, vưa có chuyên nghiệp, khoa học tiên tiến.”
(Trích Giáo Dục ở Sài Gòn, trong Địa chí văn hóa, trang 748).

Vài kỷ niệm nhỏ về thi cử

Ai thích thì đọc, không đọc thì cứ bỏ qua nhé. Năm ấy, tôi cùng với Trương Ân, bạn học cũ thời sinh viên, nay là hiệu trưởng Quy Nhơn đi coi thi ở Phan Thiết.

Trương Ân người phốp pháp, mặt đỏ gay như chú Ba Tàu. Tính nết vui vẻ, hồn nhiên, năng động, tháo vát, nhiệt tình, có lòng, đi đến đâu đem không khí vui nhộn đến đó. Được rất nhiều bạn bè đồng nghiệp quý mến từ thời đi học. Anh đã mất vì đột quỵ ở Paris khi còn trẻ.

Trương Ân là chủ tịch Hội đồng thi, còn tôi là tà lọt của Trương Ân. Viết mấy dòng này, tôi muốn thân tặng các cựu học sinh Cường Để Quy Nhơn và em gái Trương Ân và chồng là Tích. Chúng tôi đáp máy bay quân sự từ phi trường Nha Trang đi Phan Thiết. Khoảng đường Nha Trang ‒ Phan Thiết tuy ngắn, nhưng kém an ninh nên đành dùng máy bay.

Tôi đoán là loại máy bay của Úc Đại Lợi. Trên máy bay không có ghế ngồi. Chúng tôi ngồi bệt xuống sàn, chen chúc với tủ bàn ghế, rương hòm đủ thứ. Nóng bức như lò lửa. Chắc là có sĩ quan nào dọn nhà đổi ra Phan Thiết chăng. Gần đến nơi, phi công lái máy bay như biểu diễn, nhào xuống như tụt dốc, phải bám chắc lấy thân máy bay. Sợ hết hồn vía.

Hồn nhiên và vui tính như Trương Ân cũng không có bụng nào mà cười được. Đến nơi, quần áo xốc xếch, tóc tai bù xù, người nhễ nhại mồ hôi thì đã có ông Trưởng Ty tiểu học ra đón. Ông “mẫn cán” thế này chắc có truyện nhờ vả rồi. Xe đưa chúng tôi về nhà Tùng, cũng là bạn học cũ, hiệu trưởng Phan Thiết đi coi thi chỗ khác. Nhà Tùng giàu có, nhà mới quá đẹp, khang trang, mát mẻ.

Thôi đúng như là đi nghỉ hè.

Nghỉ một chút, rửa mặt mũi xong thì ông trưởng ty vào đề mời ba chúng tôi đi ăn cơm tối. Trương Ân “lão luyện” trong nghề nên từ chối rất khéo. Tưởng yên, ai ngờ chiều tối, một hiệu ăn Tầu chở bàn ghế tới bầy tiệc ngay tại nhà. Không có cách nào khác đành chịu trận ngồi ăn. Trong bàn tiệc có thêm mấy người, trong đó có hai cô giáo và một giáo viên trẻ, con trai ông Trưởng ty.

Chúng tôi ăn uống vui vẻ. Không một chữ nhắc đến thi cử. Nhân tiện đó, mấy cô giáo mời chúng tôi, bữa sau đến nhà ăn cơm. Chúng tôi hoan hỉ không thắc mắc.

Buổi sáng thi cử diễn ra bình thường. Chỉ có điều tôi nhận ra giáo viên, con trai ông trưởng ty lại coi ở một phòng khác. Xem xét lại, tôi biết là có sự nhầm lẫn.Tôi nhẹ nhàng nói nhỏ với anh ấy về lại phòng thi mà anh đã được chỉ định. Cũng hơi ngượng.

Sáng hôm sau thì có sao quả tạ xảy ra cho tôi. Tôi đi rảo qua hành lang. Chỉ cần đi thoáng qua là biết ngay cô cậu nào đang “quay film.” Đầu cứ cúi gằm xuống là có chuyện.

Tôi vào phòng và nhận ra “thủ phạm” dấu bài quay dưới vạt áo dài ở đùi. Tôi đến gần, cúi xuống nói nhỏ với em nữ sinh cất “bửu bối” đi và tránh không để em bị xấu hổ.

Không biết vì sao, em hối hả lấy miếng giấy cho vào miệng nhai phi tang, đồng thời nói to là tôi bắt oan em. Em nói to, bù lô, bù loa làm câu chuyện thành lớn. Tôi bối rối, luống cuống rồi đành lấy bài thi của em. Dằng co dằng lại chẳng ra làm sao cả. Cuối cùng thì em thả ra và nhận tờ giấy thi mới. Tôi cầm tờ giấy làm bài đi về văn phòng Hội Đồng thi. Em hoảng tưởng tôi làm biên bản. Khổ thế, tôi lấy để vứt đi thôi. Em bỏ phòng thi, chạy theo tôi vừa nói lải nhải. Một điều tối kỵ không cho phép làm là ra khỏi phòng thi như vậy. Lại ồn ào, hình như có khóc lóc. Mọi người, các thư ký văn phòng ngoái nhìn. Nói mãi em mới chịu về. Tôi trở lại phòng thi của em, tức giận. Nhờ giáo viên ghi vào phách là: Thí sinh gian lận. Ký tên.

Buổi trưa ra về, em đón tôi tại cổng trường ra chiều tuyệt vọng không năn nỉ nữa và hét to trước khi bỏ đi: Thầy ác quá, sau này không có con. May là lời nguyền rủa của em không ứng nghiệm. Sau này, tôi có hai con trai và có cả hai bàn tọa bình thường. Tôi im lặng không nói gì để cho em rủa và xỉ vả. Nhưng buồn.

Cho đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy buồn. Và tự nhiên còn hối hận vì nặng tay với em. Thôi thì cho xin lỗi. Trong đời đi dạy, niềm vinh hạnh đến cho tôi thì đầy không có chỗ chứa. Nhưng bên cạnh đó, có những ân hận việc này, việc nọ nhiều khi chẳng đáng mà vẫn còn ân hận như mắng nặng một em nữ sinh, dĩ chí có lần tát vào má một nữ sinh trước mặt đông đảo học trò. Ân hận này sao nguôi.

Bữa cơm tối tại nhà các cô giáo thật vui. Trừ Trương Ân có vợ là Hoa, chúng tôi đều độc thân. Buổi tối về nhà. Trương Ân lôi trong cặp ra một bản nhạc có nhan đề: Hãy trả lời em đi anh… Hãy trả lời em đi anh. Hắn mở đĩa nhạc trong nhà và nói, con X nó mê cậu rồi và nó nhờ mang bản nhạc này về tặng cậu. Thế rồi hắn rống lên theo cô ca sĩ đang hát như thể đó là mối tình của anh ta với cô X. Bản nhạc sến ơi là sến. Sau 4 ngày thi cử, chúng tôi ra phi trường về lại Nha Trang. Không biết ai đó tặng ba đứa mỗi đứa một túi sắc trong có cá mực, nước mắm nhĩ. Và mỗi người không quên nhận một lô giấy ghi tên học sinh, số báo danh, v.v…

Điều bất ngờ đến ngạc nhiên là X theo ra phi trường từ lúc nào, đứng sẵn ở một góc, mắt đỏ hoe. Tội nghiệp. Tôi đã vứt tất cả đám giấy tờ vì một lẽ giản dị là nhiệm vụ của tôi đã chấm dứt, tôi chẳng có thể làm việc gì cho ai cả. Tôi không có chân trong Hội đồng thi ở Nha Trang vì đây là kỳ thi tú tài 1. Tôi có muốn gian lận cũng không được. Và tôi cũng đã không có dịp trả lời thư mà X đã gửi cho tôi.

Sau này X trở thành nhà văn. Phải chăng bắt đầu từ những giọt nước mắt tiễn đưa?

Mùa thi ở Huế, sau tết Mậu Thân 1968

Mậu thân xong, tôi lấy vợ trong hoàn cảnh đất nước mà tương lai không sáng sủa gì. Tôi nhận Sự Vụ Lệnh ra Huế chấm thi. Lại một tháng trời đăng đẳng, sống chung với gió Lào. Huế, nơi mà những năm trước tôi phải chứng kiến những cảnh rối loạn chính trị không mấy vui.

Nhiều lúc tôi ghét Huế lắm. Ra là buồn, về đôi khi cũng vương buồn. Trong khi xuống Cần Thơ, đi tuốt xuống miệt Long Xuyên, Rạch Giá vẫn thấy lòng thảnh thơi, ăn uống thoải mái. Đến và đi nhẹ nhàng. Chẳng biết tại sao, chẳng hề có dịp nào quen biết một cô gái.

Từ phi trường về đến thành phố, nét hoang tàn đổ nát vẫn không dấu diếm được. Những tàu lá chuối tả tơi rách nát. Những cây bị cắt đứt ngang đoạn. Những mái nhà tôn tróc nóc. Con đường dẫn vào Huế bụi mù.

Đôi mắt con gái Huế buồn tang tóc. Những “con đường tình nhân” ở Huế thưa bóng người. Vắng bóng xe đạp đi hàng đôi.

Nghỉ ngơi xong ra phố, đi một vòng. Những con đường như Trần Hưng Đạo, áo dài Huế nay không thấy thướt tha nữa.

Vết đổ nát vì bom đạn vẫn còn in đó chưa kịp sửa chữa hay không sửa chữa vì chủ nhân đã dọn đi vào Sài Gòn.

Huế đã có những mất mát không bao giờ lấy lại được. Ai phải chuộc lại cho những cái mất mát ấy?

Học trò Huế gian lận dễ sợ hơn các nơi khác. Cả con trai, con gái. Họ phải sống còn mà. Họ gian lận không dấu diếm, bắt được thì năn nỉ. Con gái thì nước mắt lưng tròng. Ai nỡ làm gì, đành ngoảnh mặt quay đi.

Lòng đã nản. Chấm thi như là “phóng sinh,” tôi cho rộng rãi hơn giám khảo khác đến hai ba điểm. Cứ có một vài ý là có điểm. Cho điểm rộng, chấm nhanh. Rồi bỏ ra phố. Nhiều giám khảo khác nhìn với ánh mắt thiếu tôn trọng.

Hoàn cảnh đất nước như thế còn có can đảm gò lưng từng phân ly nửa điểm để làm gì? Tôi nghĩ tôi hiểu biết đất nước hơn những giám khảo cù lần kia. Tôi có cái lý bắt từ chuỗi cảm nghiệm từ cuộc sống mà mặt đất đang rung lên từng hồi của bom đạn và chết chóc. Chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Tôi như sờ thấy, giáp mặt với chiến tranh. Tôi sợ và thù ghét chiến tranh.

Trong chiến tranh, cái gì cũng có thể được. Tout est possible.

Điểm của tôi là điểm của thời chiến, điểm của thời kỳ bom đạn. Thay vì những viên đạn, tôi cho điểm rộng hy vọng có một người khỏi chết vì bom đạn.

Cũng như những lần ra Huế trước, tôi gặp một cô giáo viên cùng coi chung phòng. Tạm gọi tên cô là N. Tôi và N. nói chuyện tương đắc, mặc dầu N. hầu như không nói câu nào cả. N. nói truyện bằng những mỉm cười, bằng ánh mắt, bằng những thỏa thuận ngầm của cả con người N. N. nhẹ nhàng, N. kín đáo, nụ cười chúm chím, môi hồng phơn phớt. Tôi ghét chỗ ấy đậm mầu. Tôi không cắt nghĩa tại sao.

Chúng tôi đã đi dạo buổi chiều ở một chỗ có nước rất êm đềm, rất ngọt nào đó. Mát dịu hẳn lên. Tôi nhìn N. qua làn áo dài mỏng thấy được nét trinh nguyên, tinh tuyền của N. Nếp quần dài au lên tuổi con gái. Không một tì vết. N. đi nhẹ nhàng, cẩn trọng từng bước. Không nói năng. Lâu lâu một tiếng dạ nhỏ. Ánh mắt ngước nhìn tinh nghịch. Cái đẹp nhất của người con gái để ta tôn thờ là nét trinh nguyên ấy. Lòng mềm đi khi nghĩ đến điều ấy khi nghĩ về N.

Chẳng bao giờ còn những cảm giác như thế nữa. Chẳng bao giờ gặp những cảm giác như thế ngoài Huế. Gặp nhau chỉ có mấy ngày coi thi. Nhưng N. đã đi với tôi nhiều buổi chiều xem ra tin cẩn lắm.

Chúng tôi có cảm tưởng quen nhau từ kiếp nào. Còn đi nhiều nơi không nhớ hết. Chúng tôi cứ đi thế thôi. Có lần đi trên một loại xe hàng như xe thùng, vuông, mầu trắng bẩn. Đi đâu không nhớ. Chỉ biết đi. Nắm nhẹ tay nhau truyền cảm giác chẳng nói năng gì mà nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ ấy. Tôi còn nhớ vài nốt mụn trứng cá tuổi dậy thì phía má trái, phấn son không che hết của N.

Tôi thích nhất là N. biết ngượng ngùng. Rồi một bữa, N. bạo dạn mời tôi đến nhà ăn cơm tối. Hình như chỉ có hai mẹ con. Nhà neo đơn lắm, thanh bạch không dấu nổi. Mẹ N. soắn sít đến tội nghiệp không dấu được nỗi mừng cho con gái. Phần tôi đã có vợ. Tôi làm gì được?

Như thể những người phụ nữ chân chính nhất như N. bao giờ cũng nhận những phần thiệt thòi về mình.

Tôi rời xa Huế mà không có lấy cái địa chỉ. Sao N. có thể dại khờ đến như thế. Không biết trao tay một cái địa chỉ để liên lạc. Thế còn tôi thì sao?

Một sáng chủ nhật trong cái tuần lễ cuối cùng ở lại Huế, tôi lần mò lên nhà thờ Phủ Cam. Đường buổi sáng còn vắng người. Hai bên đường không còn một dấu vết đổ nát. Đã đến giờ lễ rồi. Tôi len lén ngồi dưới cuối dãy nhà thờ như một người khách xa lạ. Tiếng cầu kinh vang vang. Nhưng đến cái kinh: Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi thì giọng đọc kinh dần không còn bình thường nữa. Càng ngày nó càng biến thành những tiếng nỉ non, rồi tiếng rên xiết ứ trong cổ họng. Cả nhà thờ trắng xóa một mầu tang từ trên xuống dưới. Sao chết nhiều thế. Không trừ ai, không trừ nhà nào.

Huế tang thương. Huế giết Huế. Tôi rời Huế với những ý nghĩ đen tối như thế. Tôi vứt bỏ lại đằng sau những chuyện thi cử và muốn chạy trốn khỏi Huế.

Tôi ra trụ sở hãng máy bay Air Viet Nam để trở về Sài Gòn. Hết một tháng mệt mỏi. Hình bóng N. lúc tỏ, lúc nhạt. Tôi đã vô tình không hỏi nàng về những ngày tết Mậu thân vừa qua.

Quầy bán vé cũng chỉ loe ngoe người. Không có đến quá 5 người. Còn sớm quá chăng? Tôi tạt qua bên kia đường, phía chợ Đông Ba thấy bầy bán nhiều nhãn lồng Huế. Tôi mua vội ít chùm tính làm quà cho gia đình. Mua xong mới thấy hố, vì bà bán nhãn không có túi ni lông để đựng. Tôi vào đại một cửa hàng bán tạp hóa thuộc loại sang hỏi mua túi ni lông. Cô bán hàng lắc đầu không có bán. Nhưng nghĩ thế nào, cô bắc ghế trèo lên những kệ bán áo chemise bầy trong tủ kính. Cô lấy xuống hai chiếc và tháo gỡ bao ni lông ra. Cô đưa cho tôi và không tính tiền. Tôi ái ngại vì chiếc áo có giá là vì có vỏ ni lông bao bên ngoài. Tôi đã nán lại và nói chuyện hỏi thăm cô. Cô cho biết ba cô có tiệm trên đường Gia Long hay Lê Thánh Tôn gì đó. Tôi cho địa chỉ và không chờ đợi có dịp gặp lại được cô.

Về Sài Gòn, bẵng đi một thời gian, tôi nhận được điện tín nhắn tôi ra phi trường đón cô. Quá đột ngột mà tôi lại vừa cưới vợ. Tôi đành thất hẹn với cô.

Tôi nợ những người con gái Huế nhiều lắm. Đây là lần thứ hai, tôi mong muốn tuyệt vọng gặp lại N và cô. Cô có đẹp không nhỉ? Nói đẹp thì ai tin. Nhưng thưa, cô xinh đẹp và quý phái lắm, người cao mảnh khảnh. Nhưng đẹp xấu lúc này để làm gì?

Mỗi mùa thi đối với tôi là một mùa kỷ niệm và mùa tình ái. Mỗi lần bước lên máy bay đi về từ Huế thì hình như máy bay nặng thêm.

Nguyễn Văn Lục
© DCVOnline


Click to listen highlighted text!