Nguyễn Trường Tộ: Trong Chiêu Bài Canh Tân
Bùi Kha
PHẦN 4
TỔNG LUẬN
Nhận định một số bài Di Thảo quan trọng nhất của Nguyễn Trường Tộ, bằng cách lồng chúng vào trong bối cảnh lịch sử của nước nhà và tình hình tôn giáo chính trị, kinh tế của thế giới lúc bấy giờ, cho phép chúng ta có được một bức tranh khá chính xác về Nguyễn Trường Tộ:
1.- Về Kiến thức và tâm huyết
Nguyễn Trường Tộ tự trình bày về kiến thức của mình như sau:
“Về việc học không môn nào tôi không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ” (Di thảo số 3).
Nhưng thực tế, tất cả 58 bài Di Thảo của Nguyễn Trường Tộ mà chúng ta hiện có được, Nguyễn Trường Tộ dẫn chứng điển tích hầu như hoàn toàn là của Trung Hoa. Không có bao nhiêu điển tích về Tây Âu, ngoại trừ về “Tân Thế Giới” (Hoa Kỳ), “Năm xứ Ấn Độ”, và tình hình giữa Anh và Pháp…, nhưng lại dẫn sai sự kiện lịch sử có hậu ý mà tôi đã chứng minh trong phần nhận định về bản Di Thảo Lục Lợi Từ. Về Thánh Kinh và sách lược của đạo Gia Tô La Mã thì Nguyễn Trường Tộ hầu như sai lầm hoàn toàn vì cuồng tín thiếu trí tuệ, yêu La Mã và làm lợi cho Pháp chứ không phải cho quê hương Việt Nam. Đã thế Nguyễn Trường Tộ còn có những câu đả kích nặng nề những người dùng điển cố Trung Hoa như sau:
”…Ngày đêm luôn miệng kêu réo những người từ bên Tàu, chết đã mấy ngàn năm, như Tiêu Hà, Hàn Tín! Phải chăng chúng ta ngày nay còn mang ơn họ? Phải chăng người thời nay không bì kịp người thời xưa? Hay muốn kêu cho họ sống lại? Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái gở, không thể nào hiểu nổi!” (Di Thảo số 27, “Tế Cấp Bát Điều”. Nhưng hầu hết trong 58 bản Điều Trần, Nguyễn Trường Tộ lại dùng rất nhiều điển cố Trung Hoa!
Ngay cả về võ bị Nguyễn Trường Tộ cũng không có những sáng kiến nào về cách bày binh bố trận theo lối hiện đại của phương Tây thời bấy giờ, mà toàn là lặp lại những mưu lược trong cuốn Tôn Ngô Binh Pháp, là một cuốn về sách lược binh bị của Trung Hoa cổ, mà hầu như các người cầm quân ai ai cũng đều có đọc qua, ngay cả các học sinh trung học như tôi lúc trước.
Sở dĩ Nguyễn Trường Tộ không thể xử dụng một số điển tích Tây Âu vì tiếng Pháp của Nguyễn Trường Tộ chỉ đủ để làm “từ hàn” tức là thư ký – phiên dịch. Hơn mười năm khắng khít với thầy của mình là Giám mục tình báo Gauthier, không biết Nguyễn Trường Tộ có biết thầy mình là tình báo hay không? Nếu không thì Nguyễn Trường Tộ là một người quá ngây thơ thiếu trí tuệ. Nếu biết mà vẫn theo không chịu tố cáo thì Nguyễn Trường Tộ là người đồng lõa và có tội với đất nước. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai rằng, Nguyễn Trường Tộ biết rất rõ kế hoạch và âm mưu đồng hóa dân tộc Việt Nam của thầy mình (Giám mục Gauthier) vì, hai người khắng khít với nhau, không phải một thời gian ngắn mà suốt hơn 10 năm, ít nhất là từ 1858 đến lúc Nguyễn Trường Tộ chết năm 1871. Đó là chưa nói đến các nghi vấn khác là, Nguyễn Trường Tộ chỉ dạy chữ Hán một thời gian ngắn ở Xã Đoài và được triều đình vua Tự Đức cung cấp tiền bạc lúc nào triều đình sai phái công việc. Các khoản chi tiêu đắt đỏ còn lại, như sống ở Hồng Kông, ở Pháp, đi các nước, tiền trị bệnh và nuôi mẹ già… lấy đâu ra? Dĩ nhiên là Giám mục Gauthier giúp, nhưng giúp nhiều như vậy chẳng lẽ không có lợi ích gì cho công tác làm gián điệp và chương trình Pháp hóa và Gia Tô hóa nước ta của vị giám mục nầy?
Do đó, nếu lời nói đầu của cuốn “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước” viết rằng: “… một con người, một trí thức đầy tâm huyết đối với dân tộc và đất nước”, thì phải hiểu đây là dân tộc Pháp, nước Pháp và nước La Mã, chứ có lẽ không phải là dân tộc Việt và nước Việt? Còn đề nghị “mời ông làm thủ tướng hay cố vấn” như nhà văn Thế Uyên thì kế hoạch đồng hóa của Pháp, của Giám mục Puginier và Gauthier chắc chắn đỡ tốn kém và thành công nhanh chóng!
2.- Về sự nghiệp:
Nguyễn Trường Tộ xây được hai cái nhà thờ để làm chỗ trú ẩn cho các giáo sĩ tình báo, đồng lõa lừa dối triều đình vua Tự Đức trong việc mua máy, mời thầy giáo để mở trường kỹ thuật ở Huế, không có mặt trong hàng ngũ nhân dân Việt Nam để kháng Pháp tại Đà Nẵng, trái lại cùng đi với Giám mục tình báo Gauthier với Linh mục Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và 4 người khác đến Đà nẵng trước giờ Pháp đánh chiếm để chào mừng, và có mặt trong đám giáo sĩ người Pháp mà những người nầy đã “làm áp lực quân đội Pháp đánh Huế cho chóng dứt điểm”. Nhưng bị Đô đốc Genouilly đuổi đi Hồng Kông, vì Genouilly không đồng ý đánh Huế do áp lực của các giáo sĩ nầy. Trong đám giám mục, linh mục bị đuổi có Nguyễn Trường Tộ.
Năm 1861, vâng lời của phó Đô đốc Charner để cùng với Giám mục tình báo Gauthier về lại Việt Nam “để mở rộng vùng chiếm đóng tại Sài Gòn”. Nguyễn Trường Tộ được giao phó công việc từ hàn (phiên dịch) cho tổng hành dinh Pháp.
Sau khi thôi làm việc thư ký nầy, Nguyễn Trường Tộ làm một công việc trọng đại hơn là tùy theo tình hình xâm lược của Pháp để viết các bản Điều Trần, lộng giả thành chân, lúc thì hăm dọa quân dân Việt Nam “ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa”, lúc thì đưa ra những đề nghị canh tân không tưởng, hoặc những đề nghị vô cùng tai họa cho quốc gia để có lợi cho Pháp và Vatican, lúc thì nịnh bợ triều đình để dễ bề “làm việc” như bài “Ngôi Vua Là Quí, Chức Quan Là Trọng”, lúc thì làm như có vẻ yêu tổ quốc và chống Pháp như bài “Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định” viết năm 1871.
Thực ra, viết bài nầy là để tránh sự bại lộ và che đậy âm mưu của mình, hoặc để thử lòng triều đình rồi sau đó thông báo cho Pháp. Chứ nếu Nguyễn Trường Tộ thực lòng muốn đánh úp Gia Định tại sao không bàn với triều đình vận động và hỗ trợ phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ đánh, vì lúc đó Phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ rất hùng hậu dưới sự thống lãnh của Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định v.v… Hơn nữa chúng ta nên nhớ rằng Pháp đã chiếm thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào năm 1867, và lúc Nguyễn Trường Tộ đề nghị đánh úp Gia Định là 1871, nghĩa là Pháp đã củng cố và tổ chức chặt chẽ bộ máy cai trị của họ toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ, để chuẩn bị chiếm Bắc Kỳ năm 1873. Vì thế, nếu giả sử việc đánh úp Gia Định được thực hiện thì phải có một kế hoạch qui mô: dương Đông, kích Tây, dữ đàng trước, đánh úp đằng sau, chận địch viện trợ, cắt đường tiếp tế, cân nhắc lực lượng giữa ta và địch… chứ không thể làm khơi khơi như trẻ em chơi trò “trốn tìm”: tuyển chọn một nhóm người từ Bắc và Trung vào, lương thực, khí giới và tinh thần không có thì đánh được ai! Do đó, trong Châu Bản Triều Nguyễn, chúng ta cũng thấy triều đình vua Tự Đức đã nghi ngờ kế hoạch nầy của Nguyễn Trường Tộ, tức là triều đình đã thấy được ông ta một phần nào.
3.- Hô hào “canh tân”: như chúng ta đã thấy có nhiều đề nghị của Nguyễn Trường Tộ không thế áp dụng được, vì:
Thứ nhất, xa vời với thực tế, sai sử liệu và nguy hiểm như trong bài Thiên Hạ Đại Thế Luận, Lục Lợi Từ, Tế Cấp Bát Điều v.v…
Thứ hai, hoàn cảnh đất nước không cho phép, quốc gia không có chủ quyền, như vụ mua tàu London bị lừa gạt, vụ tên lái buôn Dupuis ở Bắc Kỳ. Do đó, lúc đề nghị dùng “Hội nước ngoài” để khai thác tài nguyên, chúng ta phải thận trọng, mà bằng chứng hùng hồn là tổ quốc Việt Nam có nhờ Giáo Hoàng La Mã, có nhờ mấy ông cố đạo đem “văn minh” Kitô vào đất nước Việt Nam đâu? Và triều đình Việt Nam đâu có nhờ thực dân Pháp “khai hóa” và đồng hóa dân tộc Việt đâu? Mà họ cũng ngang nhiên xâm lược. Nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn Pháp xâm lăng là đánh giặc cứu nước, thiết lập lại chủ quyền là công việc ưu tiên. Nhà cháy không bàn tính phương pháp cứu chữa, mà đi lo kêu người khác đến bàn chuyện “đi buôn”!Đó là chưa nói đến việc dồn hết tâm lực vào việc phụ để quên việc chính là đánh đuổi quân xâm lăng. Do đó, tôi đồng ý với giáo sư Văn Tân lúc nhận định rằng “Nhưng giả sử các đề nghị cải cách (giả sử có giá trị) của Nguyễn Trường Tộ được thi hành, thì việc đó không những không cứu được nước Việt Nam, mà trái lại chỉ tạo điều kiện làm cho nước Việt Nam chóng mất”. (Trích trong bài Nguyễn Trường Tộ Và Những Đề Nghị Cải Cách Của Ông, Văn Tân, Tập San Nghiên Cứu Lịch Sử Hà Nội số 23, tháng 2, 1961, trang 26).
Thứ ba, thực ra, Nguyễn Trường Tộ viết những bản Điều Trần theo sách lược “củ cà rốt” và “cục xương” và NÚP BÓNG (dưới chiêu bài) CANH TÂN để làm lợi cho Pháp và Vatican. Mặc dầu một vài bản Điều Trần trông có vẻ thành khẩn và thực tế như “Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh”, “không nên cho giám mục biết tôi nói…” nhưng hậu ý của Nguyễn Trường Tộ là cái khác chứ không phải cái đó.
Thứ tư, một số đề nghị khác của Nguyễn Trường Tộ, nếu triều đình Tự Đức áp dụng thì Việt Nam trở thành một cổ ba tròng:
Tròng thứ nhất, là thỏa hiệp với thực dân Pháp mà tôi đã chứng minh là hoàn toàn sai lầm: mục đích của Nguyễn Trường Tộ là để cho Pháp có thì giờ “Dưỡng binh súc nhuệ”(chữ của Nguyễn Trường Tộ) để thực hiện kế hoạch tằm ăn dâu.
Tròng thứ hai, là giao hiếu với Giáo Hoàng để cho các Giáo sĩ thực dân như Legrand, Pellerin, Retort, Huc… và các linh mục Việt Nam bản xứ được có đầy đủ “Trị ngoại pháp quyền” để dễ đồng hóa và Gia Tô hóa dân tộc ta, đem tổ quốc dâng hiến cho Pháp và La Mã.
Tròng thứ ba, là đề nghị một số giám mục linh mục tình báo và Việt gian vào trong triều đình để dễ dàng đồng hóa biến người Việt Nam trở thành người Pháp và nước Việt Nam trở thành một nước Pháp ở Á Châu.
Một con người như thế, tại sao có nhiều người nhầm lẫn? để ca tụng ông bằng những danh từ cao quí như “Nguyễn Trường Tộ nhà cải cách lớn của dân tộc…”
Theo tôi, sở dĩ có tình trạng đó vì mấy lý do:
Một, thiếu sử liệu để đối chiếu những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ vào tình hình quốc nội và thế giới lúc bấy giờ.
Hai, vài tác giả trích dẫn một số đoạn trong các bài Trần Tình mà không đọc kỹ toàn bộ bài đó và lồng nó vào trong cái khung của tình hình thời đại lúc bấy giờ, để biết cái hậu ý của Nguyễn Trường Tộ, nhất là trong bài “Thiên Hạ Đại Thế Luận” , “Lục Lợi Từ” và “Tế Cấp Bát Điều” mà tôi đã phân tích.
Ba, bị ám ảnh, vì từ trước đến giờ ai ai cũng ca tụng cả, “mình” đâu có đủ hoặc có một số sử liệu để trình bày dưới cái nhìn từ những góc độ khác của lịch sử.
Bốn, bị thu hồn vào lối hành văn tài tình điêu luyện của Nguyễn Trường Tộ như:
“Cái gì không chứa đựng được hết gọi là lớn, chồng chất thành đống nhiều lớp mà không chống chọi nhau gọi là khéo, nhiều thế lực khác nhau, nhiều tính tình khác nhau mà hợp được làm một gọi là giỏi”. (Giáo Môn Luận). TBC, SĐD, trang 116 & 117).
Năm, phát xuất từ lòng yêu Tổ Quốc muốn cho dân giàu nước mạnh và thoát khỏi cái nhục bị đô hộ, nên các tác giả đã không tiếc lời ca ngợi những ai có tinh thần và có chương trình canh tân xứ sở. Thúc đẩy bởi tâm tình yêu nước đáng quí đó, nhưng lúc ca tụng Nguyễn Trường Tộ lại thiếu đối chiếu những đề nghị của ông ta với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, nhất là không phân tích cẩn thận để xem những hư thực và hậu ý của Nguyễn Trường Tộ thập thò sau bức màn canh tân là gì? Vì thế, việc ca tụng ông ta không những sai lầm từ những cá nhân, mà sai lầm trên tầm cỡ quốc gia qua nhiều thế hệ, trong suốt hơn một trăm ba mươi năm qua. Rất đáng tiếc!. Còn những người như Linh mục Trương Bá Cần, tôi nghĩ là ông biết rất nhiều về Nguyễn Trường Tộ, vì thấy có trích dẫn một số tài liệu mật của phái bộ Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp (Missions Etrangères de Paris), nhưng có lẽ vì tình tôn giáo nặng hơn yêu tổ quốc, nên linh mục hình như chỉ vì vô tình và sơ hở lúc viết, nên để lộ ra cho chúng ta biết một vài chi tiết nhỏ về Giám mục tình báo Gauthier, thực chất ông thầy giáo “trường Kỷ thuật” , các Linh mục Việt gian Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và Nguyễn Trường Tộ, mà tôi đã trích dẫn một phần trong đoạn viết về “Dùng giám mục linh mục vào việc canh tân”.
Hy vọng bài viết của tôi đã mở một lối đánh giá khá chính xác về Nguyễn Trường Tộ, lúc đứng trên các góc độ lịch sử thời bấy giờ và căn cứ trên các sử liệu mà hầu hết là các văn thư mật được trao gởi giữa các viên chức Pháp trong các bộ Hải Quân, Bộ Thuộc Địa, Bộ Ngoại Giao và các nhà truyền giáo.
Ở dưới cõi âm, ông Nguyễn Trường Tộ có nhận ra rằng thầy mình và các linh mục giám mục người Pháp đều phục vụ cho Tổ Quốc của họ. Họ có thể bị trách và bị lên án về hành động đó nhưng không thể bị khinh. Còn ông, là người Việt tại sao lại thuộc loại “lưng mềm dễ uốn, chạy theo chủ mới” để bị muôn đời nguyền rủa.
Tuy nhiên chúng ta cũng nên hiểu rằng Nguyễn Trường Tộ chỉ là một con lừa giữa rừng beo. Thế lực của “kẻ mạnh” lúc nào cũng muốn đồng hóa các nước yếu. Không phải chỉ có Giám mục Puginier và Giám mục Gauthier, thầy của Nguyễn Trường Tộ mà khi thực dân Pháp sắp bại trận tại Điện Biên Phủ thì Giáo hoàng Pious XII, vận động và đề nghị Hoa Kỳ thả từ 1 đến 6 quả bom nguyên tử xuống Bắc Việt để tiêu diệt dân tộc ta. Sau đó, tại miền Nam, ngoại bang và Vatican đã bồng Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, hai người theo đạo Gia Tô, lên làm tổng thống của một quốc gia mà tín đồ đạo nầy chỉ chiếm chưa đến 10% dân số.
Ngày nay ý đồ đồng hóa ấy vẫn còn tiếp tục dưới những hình thức tinh vi hơn. Để thấy rõ điều đó, tôi xin trích dẫn sáu kế hoạch mà tác giả Hồng Ngọc đã tế nhị khéo léo trình bày một cách bóng bẩy nhưng đúng đắn về sách lược của tôn giáo Tây Phương tại Việt Nam như sau:
a.- Ném đá dấu tay, xúi dục kẻ khác chống Cọng để tạo mâu thuẫn, mà tiếc thay nhiều người bị trúng kế, dọn cỗ cho họ xơi.
b.- Dùng phương tiện ngoại giao cấp cao làm giảm thiểu căng thẳng giữa đôi bên để bành trướng.
c.- Đút lót, hối lộ các cơ quan công quyền để phát triển.
d.- Đưa một số khoa bảng giúp việc cho các cơ quan nhưng thực chất là để lấy tin và làm nội gián.
e.- Tạo điều kiện, giúp phương tiện du học cho một số thành phần trẻ “Con ông cháu cha” để trồng người, đợi chờ cơ hội chính trị lúc thời cơ đến.
g. Thay đổi niềm tin người sắc tộc để lập các quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn.
(Hồng Ngọc “Những Đại Pháp Nạn Của Phật Giáo Việt Nam” trong cuốn “Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới” tập I. Giao Điểm, 1996, trang 113, 114).
Do đó, nghiên cứu để đánh giá các biến cố và sự kiện lịch sử, sẽ giúp chúng ta và các thế hệ mai sau học được bài học “Ôn Cố Tri Tân”.
Mong ước cuối của tôi, nhân viết về Nguyễn Trường Tộ là, đề nghị các sử gia chuyên về lịch sử Việt Nam, trong thời Pháp thuộc và Viện Sử Học Việt Nam, nên có một chương trình và kế hoạch sưu tầm các tài liệu mật tại các Thư Khố Pháp và tại Bộ Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, để có một sự đánh giá xác đáng về các nhân vật lịch sử thời bấy giờ trong đó có Nguyễn Trường Tộ. Còn bài viết của tôi cũng còn hạn hẹp cần bổ túc rất nhiều, ước mong được các bậc cao minh chỉ giáo.
California, ngày 1-30-1998
Bùi Kha