Danh tướng Lý Thường Kiệt
Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, chính trị. Rất nổi tiếng vào thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông làm quan Qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn khiến ông trở thành một trong hai danh tướng vĩ đại nhất của nhà Lý bên cạnh đô thống Lê Phụng Hiếu.
Trong lịch sử Việt Nam: ông nổi bật với việc Chinh phạt Chiêm Thành, đánh phá ba Châu Khâm, Ung, Liêm của nước Tống bên Tàu. Rồi đánh bại cuộc xâm lăng Đại Việt của Quân Tống do Quách Hòe, Triệu Tiết chỉ huy.
Đặc biệt trận chiến ở ba Châu : Châu Khâm, Châu Ung, Châu Liêm đã khiến tên tuổi của ông vang dội ra khỏi được Đại Việt và được biết đến ở đất Tống.
Thân thế và dòng dõi của danh tướng Lý Thường Kiệt :
Ông vốn là người Phường Thái Hòa của Thành Thăng Long. Họ gốc của Lý Thường Kiệt vốn không phải là họ Lý vì ông được ban Quốc Tính nên mới được mang họ Lý và họ gốc của ông hiện có hai thuyết lớn gây tranh cãi:
- Họ Ngô gọi là Ngô Tuấn, biểu tự là Thường Kiệt.
- Họ Quách tên Quách Tuấn, biểu tự là Thường Kiệt.
- Sử sách Trung Quốc thường ghi chép: Thường Kiệt là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát.
– Trong gia đình ông có một người em tên là Lý Thường Hiến, có lẽ cũng như người anh.
Gia thế:
Cũng do hai nguồn họ khác nhau nói trên: nên Họ và chức vụ của cha Lý Thường Kiệt cũng khác nhau.
– Theo nguồn họ Ngô:Cha của Lý Thường Kiệt là Ngô An Ngữ. Chức vụ là Sùng Ban, Lang Tướng.
– Theo nguồn họ Quách: cha của Lý Thường Kiệt là Quách Thịnh Ích Chức vụ là Thái Úy.
– Theo nhận xét của sách Đại Việt sử ký toàn thư: nhà của ông nối đời làm quan theo thể thức thế tập, tức là truyền chức này vĩnh viễn qua các đời. Do đó; có thể thấy gia đình của ông là một nhà quan lại có gốc gác bền vững.
– Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người có chí hướng và nghị lực. Chăm chỉ học tập, rèn luyện cả văn lẫn Võ và từng Nghiên cứu về Binh Pháp.
Theo ghi chú của Bia Nhữ Bá Sĩ: Khoảng niêu hiệu Thiện Thành, đời Lý Thái Tông. Cha ông đi tuần biên địa ở Tượng Châu thuộc Thanh Hoá. Bị bệnh rồi mất vào năm Tân Mùi ( 1031 )- Thường Kiệt lúc đó mới 13 tuổi. Đêm ngày thương khóc không dứt.
Huyền thoại của Lý Thường Kiệt lúc còn nhỏ:
– Chồng của người cô là Tạ Đức có hỏi ông về chí hướng. Lý Thường Kiệt trả lời: “ về Văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về Võ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ. Lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu để làm vẽ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện.” Tạ Đức khen là có chí khí bèn gã cháu gái tên là Tạ Khanh. Và dạy cho ông các sách binh thư của họ Tôn, họ Ngô.
Thường Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận nên chónh thành tài.
– Mẹ ông mất vào năm 1036 lúc ông lên 18 tuổi. Ông lấy vợ là bà Tạ Khanh lúc ông đã 23 tuổi.
– Lý Thường Kiệt- Danh tướng đầu tiên của Việt Nam đánh qua đất Tàu với chiến pháp “ Tiên phát chế nhân “.
Chiến tranh với Tống
Tiên phát chế nhân
Năm 1075, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt.
Thái hậu Ỷ Lan biết tin, sai ông và Tôn Đản đem hơn 100.000 quân đi đánh. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, “quân ta tới đâu như vào nhà trống không người”.
Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Đại Việt tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ.
Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống rất hoang mang, lo ngại, các tướng ở địa phương bối rối. Ty Kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000 quân, 3.000 con ngựa, xin thêm khí giới, đồ dùng và một tháng lương, và xin được điều động các dân khê động, tất cả lấy dọc đường từ Kinh châu đến Quảng Tây. Để điều khiển quân được mau chóng, ty ấy cũng xin dời đến thành Tượng, gần phía bắc Ung Châu
Trong lúc bối rối, triều đình Tống đối phó rất lúng túng. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm Kinh lược sứ Quảng Tây.
Trên các mặt trận, quân Đại Việt hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Đường thẳng dài chừng 120 cây số, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, dường như để chặn quân tiếp viện của Tống từ phía đông tới. Hẹn ngày 18 tháng 1 năm 1076, hai đạo quân sẽ cùng hội lại vây chặt lấy Ung Châu.
Ung Châu là một thành lũy kiên cố, do tướng Tô Giám cùng với 2.800 quân cương quyết cố thủ.
Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay thuộc thành phố Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây) phá tan được, chém Trương Thủ Tiết tại trận.
Tri châu Ung là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày. Sau cùng quân Việt dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy. Cuối cùng quân Đại Việt bắt dân Tống chồng bao đất cao đến hàng trượng để họ trèo lên thành. Ngày thứ 42, thành bị hạ, tướng chỉ huy Tô Giám tự thiêu để khỏi rơi vào tay quân Đại Việt. Thường dân trong thành không chịu hàng nên bị quân nhà Lý giết hết hơn 58.000 người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.000, tuy nhiên quân Đại Việt cũng tổn thất đến 10.000 người và nhiều voi chiến.
Lý Thường Kiệt chiếm xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu nghe thấy quân Đại Việt kéo gần đến thành liền bỏ thành chạy trốn. Mục tiêu hoàn thành, Lý Thường Kiệt cho rút quân về.
Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về nước. Nhà Lý cho những người phương bắc đó vào khai phá vùng Hoan – Ái (Thanh – Nghệ).
Phòng thủ sông Như Nguyệt
Do tiền đồn ở Ung Châu là căn cứ tập trung quân để nam tiến bị phá tan, nhà Tống phải điều động thêm nhân lực và lương thảo để thực hiện chiến tranh với Đại Việt.
Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt, nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp không dám tiến vào Đại Việt. Quân Tống viễn chinh lên đến 10 vạn quân, một vạn ngựa và hai mươi vạn dân phu, khí thế rất mạnh mẽ, nhất là kỵ binh Tống, nhưng quân Tống muốn phát huy kỵ binh thì phải làm sao qua khỏi vùng hiểm trở, tới chỗ bằng, thì ngựa mới tung hoành được.
Tuyến phòng thủ của quân Đại Việt, Lý Thường Kiệt dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu. Từ trại Vĩnh Bình vào châu Lạng, phải qua dãy núi rậm, có đèo Quyết Lý, ở trên đường từ tỉnh Lạng Sơn đến Đông Mô ngày nay, vào khoảng làng Nhân Lý, ở phía bắc châu Ôn. Rồi lại phải qua dãy núi lèn (đá không phá đất), đá đứng như tường, ở giữa có đường đi rất hiểm: đó là ải Giáp Khẩu, tức là ải Chi Lăng, ở phía bắc huyện Hữu Lũng thuộc Lạng Sơn ngày nay. Về đường thủy, để chặn địch qua sông, quân Nam chỉ cần đóng thuyền ở bến Lục Đầu thì đi đường nào cũng rất tiện và chóng.
Các tướng lĩnh thuộc Man Động như: Nùng Quang Lãm, Nùng Thịnh Đức coi ải Hà Nội, Hoàng Kim Mãn và Sầm Khánh Tân giữ châu Môn, Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu, Lưu Kỷ coi Quảng Nguyên khi quân Tống sang đã đầu hàng. Duy có phò mã Thân Cảnh Phúc giữ châu Quang Lang (Lạng Sơn) không những không chịu hàng mà còn rút vào rừng đánh du kích, giết rất nhiều quân Tống. Những tướng lĩnh này trước kéo quân qua đất Tống, đánh rất giỏi. Nhưng sau quân Tống tràn sang đánh báo thù, lúc đầu họ cự chiến, sau vì thất trận và vì sự dụ dỗ, nên đã đầu hàng, thậm chí như Hoàng Kim Mẫn còn chỉ đường bày mưu cho Tống. Sách Quế Hải Chí kể: “Viên tri châu Quang Lang là phò mã, bị thua, bèn trốn vào trong rừng Động Giáp, rồi du kích hậu phương quân Tống. Rình lúc bất ngờ đánh úp quân địch làm chúng rất sợ hãi”
Quân Tống tràn xuống, theo đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương; trong khi đó, một cánh quân tách ra, vòng sang phía đông đánh bọc hậu quân Nam ở Giáp Khẩu (Chi Lăng) và thẳng tới sông Cầu.
Hoàng đế Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng. Từ Lục Đầu ra đến biển, là một cái hào tự nhiên sâu và rộng, che chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại xâm đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào. Đối với đường sá từ châu Ung tới Thăng Long, thì sông Bạch Đằng không can hệ, vì đã có sông Lục Đầu, là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu rất quan trọng. Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở về phía tây có dãy núi Tam Đảo, là một cái thành không thể vượt. Chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ dàng thẳng và gần.
Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (sông Cầu) bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức là nam ngạn sông Nam Định. Để cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng đồng bằng Giao Chỉ. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, khó vượt qua nhưng lại dễ phòng thủ hơn là một thành lẻ như thành Thăng Long.
Cùng lúc đó, thủy binh Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên điều động, chặn đánh ngoài khơi lối vào Vĩnh An. Quân Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống.
Lý Thường Kiệt còn dùng chiến tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu.
Bài thơ “ Nam Quốc Sơn Hà: “ Nam quốc sơn hà, Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Nhữ hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bài thơ này như một Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
“Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền Trương Hống, Trương Hát đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan”.
Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của Phó tướng Triệu Tiết bị phá, dù quân Tống cũng giết được hai tướng Đại Việt là Hoàng Chân và Chiêu Văn. Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7 phần.
Lý Thường Kiệt biết tình thế quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Việt bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất, nên sai sứ sang xin “nghị hòa” để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.
Sách Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng “Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hòa, không thì chưa biết làm thế nào”.
Chiến tranh Việt–Chiêm (1069)
Là cuộc chiến do vua Lý Thánh Tông của Đại Việt phát động năm 1069 nhằm đánh vương quốc Chiêm Thành ở phương Nam với lý do người Chiêm từ chối thần phục nhà Lý. Nhà Lý gọi cuộc chiến này là Chiến dịch phạt Chiêm 1069.
Hoàn cảnh lịch sử
Từ khi Đại Việt giành được độc lập (thế kỷ thứ 10) việc đánh Chiêm Thành thường được các vua Lý tiến hành mỗi khi Chiêm Thành bỏ việc tiến cống và thông sứ hoặc quấy nhiễu các vùng biên giới trên bộ và ven biển Đại Việt.
Năm Giáp Thân (1044), Lý Thái Tông đã đánh Chiêm Thành với lý do nước này bỏ thông hiếu, phá quốc đô Phật Thệ và giết chúa Sạ Đẩu.
Sang thời Lý Thánh Tông, năm 1065 – 1069, Chiêm Thành bỏ cống. Vua Thánh Tông lại đem quân Nam chinh. Nhưng một vài sử gia cho rằng tới giai đoạn lịch sử này cuộc đánh Chiêm chẳng phải riêng vì việc đoạn tuyệt giao hiếu, mà do Đại Việt bắt đầu thi hành chính sách mở rộng biên giới, dựa vào chỗ Chiêm Thành có tinh thần bất khuất chống đối đối với Đại Việt và lại lén lút thần phục nhà Tống[1].
Quốc vương Chiêm là Chế Củ muốn dựa vào nhà Tống để chặn bước tiến của Đại Việt, xin thần phục và được vua Tống Thần Tông giúp đỡ, cho ngựa trắng và cho phép họ mua lúa ở Quảng Châu, Chiêm Thành không tiếp tục nạp cống cho Đại Việt nữa. Mọi hành động của Chiêm Thành đều bị người Việt cho là khiêu khích họ.
Diễn biến
Năm 1068 vua Lý Thánh Tông sửa soạn thêm chiến thuyền (việc giao thông từ thành Phật Thệ tới Đại Việt bằng đường núi theo lời sứ Chiêm tâu với vua Tống phải mất 40 ngày. Vua nhà Tiền Lê trước đây có đào tân cảng và sửa chữa đường sá nhưng xét ra dùng thủy đạo vẫn dễ dàng cho việc chuyển quân hơn. Lực lượng quân sự của Lý triều tất cả có chừng 200 chiếc thuyền, Lý Thường Kiệt được làm Đại tướng đi tiên phong, em Thường Kiệt là Lý Thường Hiến giữ chức Tán kỵ Võ úy.
Ở triều bấy giờ Lý Thánh Tông giao cho Nguyên phi Ỷ Lan và Thái sư Lý Đạo Thành trông coi việc nước. Mùa xuân, tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đích thân dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Bảy ngày sau khi rời khỏi Thăng Long các đạo quân Việt đã có mặt ở Nghệ An, ba ngày sau tới phía Nam núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), vào hải phận Chiêm Thành.
Năm ngày sau, Lý Thường Kiệt tới cửa Nhật Lệ là nơi tập trung của thủy quân Chiêm Thành. Tại Nhật Lệ, một nhóm nhỏ thủy quân Chiêm xông ra chặn quân Việt. Tướng của quân Lý là Hoảng Kiệt đánh lui họ rồi tiến về phía Nam không bị ngăn trở, mục đích của quân Đại Việt là tiến thẳng tới thành Phật Thệ phá kinh đô và bắt quốc vương. Bốn ngày sau nữa tới cửa Tư Dung (nay gọi là Tư Hiền) là cửa sông để vào các đầm phá và sông thuộc Quy Nhơn ngày nay. Quân Lý mất ba ngày nữa, tính tất cả là 26 ngày từ Thăng Long đến đấy.
Thành Phật Thệ ba phía Tây-Nam-Bắc có núi che chở, phía Đông giáp biển. Thủy quân của nhà Lý đổ bộ ở đây. Tướng Chiêm là Bố Bì Đà La dàn trận trên bờ sông Tu Mao (nay gọi là sông Côn) chặn đánh. Quân Lý xông lên giết được Bố Bì Đà La và rất nhiều binh sĩ.
Lý Thường Kiệt vượt được sông Tu Mao, lại qua hai con sông nữa mới tới kinh đô Chiêm Thành. Đang đêm nghe tin quân của mình bại trận ở Tu Mao, vua Chế Củ mang vợ con chạy trốn. Đêm ấy, quan quân nhà Lý tràn vào thành Phật Thệ, đến bến Đồng La, dân ở thành Phật Thệ phải xin hàng[4].
Vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành lâu lắm không hạ nổi, bèn đem quân trở về. Đi nửa đường đến châu Cư Liên, vua nghe thấy nhân dân khen bà Nguyên phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị, Thánh Tông nói: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm sao?“
Vua Lý Thánh Tông quay trở lại đánh Chiêm. Lý Thường Kiệt đem quân theo phía Nam. Tháng tư quân Lý tiến đến biên giới Chân Lạp (Campuchia), qua các vùng Phan Rang, Phan Thiết ngày nay mà tiếng Chiêm gọi là Panduranga. Tháng 4, Lý Thường Kiệt bắt được vua Chế Củ ở biên giới Chân Lạp. Vua Chiêm vốn có cựu thù với nước Chân Lạp nên hết đường chạy phải ra hàng, kết quả là ông bị Lý Thường Kiệt cầm tù. Cuộc đuổi bắt vua Chế Củ mất hết một tháng.
Người có công lớn nhất trong cuộc đại thắng này của nhà Lý là Lý Thường Kiệt.
Tháng 5, Lý Thánh Tông ngự tiệc cùng quần thần ở cung điện của vua Chiêm, vua lại thân hành múa thuẫn và đánh cầu ở nơi thềm điện ấy. Trước khi về nước Thánh Tông còn không quên sai đếm tất cả nhà của dân ở trong và ngoài thành Phật Thệ, gồm có hơn 2.660 căn đều thiêu rụi sạch, và bắt về hơn 50.000 người.
Ngày 19 tháng 6, thuyền của quân Lý về đến cửa Tư Minh, có lẽ là Tư Dung. Ngày 17 tháng 7, đạo quân Nam chinh về tới Thăng Long. Vua Lý Thánh Tông lên bộ ngự trên xe, quân thần cưỡi ngựa theo sau. Vua Chiêm mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai, tay bị trói sau lưng do 5 người lính Võ đô dắt. Quyến thuộc đi sau cũng bị trói. Mùa thu, tháng 7 tại nhà Thái Miếu, vua Lý Thánh Tông dâng trình việc thắng trận. Chiến tranh kết thúc với thắng lợi và mở rộng đất đai của Đại Việt.
Chế Củ xin dâng 3 châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý (vùng đất từ dãy Hoành Sơn đến dãy Bạch Mã tương ứng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay) để chuộc tội nên sau đó ông được tha về.
Bấm Vào Đây để xem “Lý Thường Kiệt Đại Phá Ung Châu” video
Bấm Vào Đây để xem “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt) | Hoàng Dũng | CA KHÚC SỬ CA
Bấm Vào Đây để xem “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt) – Hai Lần Đánh Tống Và Bản Hùng Ca
Bấm vào Phần 1,2 hoặc 3 để xem “Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành” – Việt Sử Kiêu Hùng | Phần 1, | Phần 2 và | Phần 3 video