Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Quan điểm về giáo dục của Donald Trump


Phản đối các tiêu chuẩn học tập, muốn thay đổi chính sách độc quyền giáo dục của chính phủ và cắt giảm chi phí là những quan điểm của Donald Trump. 

Ông Donald Trump đề cập nhiều vấn đề lớn của giáo dục trong suốt một thập kỷ nay, không chỉ trong quá trình vận động tranh cử. Thomas B. Fordham Institute ngày 9/11 trích dẫn những câu nói nổi bật của Trump về giáo dục. 

1. Lựa chọn trường học: “Là một Tổng Thống, tôi sẽ thiết lập các mục tiêu quốc gia để trẻ em nghèo có quyền chọn trường. Nếu chúng ta có thể đưa con người lên mặt trăng, đào kênh Panama và chiến thắng hai cuộc chiến tranh thế giới, tôi sẽ không nghi ngờ gì việc chúng ta là một quốc gia có thể cung cấp các lựa chọn trường học cho toàn bộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Mỹ”. (9/2016)

2. Về kinh phí cho kế hoạch lựa chọn trường học của mình: “Nếu tất cả bang đóng góp thêm 110 tỷ USD trong ngân sách giáo dục của mình để bổ sung vào 20 tỷ USD của liên bang, mỗi học sinh từ tiểu học tới trung học thuộc diện nghèo sẽ nhận được 12.000 USD trong quỹ lựa chọn trường học”. (9/2016)

3. Tiêu chuẩn chung về học tập (Common Core): “Tôi hoàn toàn phản đối các tiêu chuẩn học tập. Hãy thoát khỏi nó”. (2/2016)

4. Nền giáo dục Mỹ: “Chúng ta cần sửa chữa hệ thống giáo dục đã nứt vỡ!”. (2/2016)

5. Vai trò của chính phủ trong giáo dục: “Chính sách độc quyền giáo dục của chính quyền là thất bại, cần thay đổi ngay lập tức”. (9/2016)

6. Nền giáo dục Mỹ trong bối cảnh quốc tế: “Chúng ta đứng thứ 26 trên thế giới. 25 quốc gia tốt hơn chúng ta về giáo dục, trong số đó có quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Nhưng chúng ta đang trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ ba”. (6/2015)

7. Khoản nợ giáo dục đại học: “Một chương trình giáo dục 4 năm hiện nay có thể đắt đến mức tạo ra khoản nợ 6 con số. Chúng ta không thể bỏ qua các khoản nợ này, nhưng nên từng bước giúp sinh viên. Không có lý do để chính phủ liên bang thu lợi từ các khoản nợ sinh viên. Đây là một trong những thứ mà chính phủ không nên kiếm tiền nhất, nhưng thực tế lại khác. Khoản nợ sinh viên nên được xem là sự đầu tư của nước Mỹ cho tương lai”. (11/2015)

8. Bộ Giáo dục Mỹ: “Không, tôi sẽ không cắt giảm các dịch vụ, nhưng tôi sẽ cắt giảm chi tiêu. Tôi có thể loại bỏ Bộ Giáo dục”. (10/2015)

9. Chi phí giáo dục: “Chúng ta đứng thứ nhất về chi phí đầu tư học tập cho mỗi học sinh, xét trên phạm vi toàn thế giới. Chúng ta bỏ xa vị trí thứ hai, hãy quên đi”. (1/2016)

10. Giáo dục toàn diện: “Giáo dục toàn diện xóa bỏ ranh giới giữa hiểu biết quá nhiều và hiểu biết quá ít trong các môn học khác nhau – các môn học cần thiết cho thành công”. (3/2010)

11. Việc học tập ở trường: “Trường học của chúng ta không an toàn. Quan trọng nhất, nhiều đứa trẻ của chúng ta không được học. Quá nhiều trong số chúng bỏ trường học để bước vào trường đời, quá nhiều người tốt nghiệp với một tấm bằng mất giá, chỉ như giấy chứng nhận đã tham gia được cấp bởi một chương trình giảng dạy xuống cấp với quá ít giáo viên và thậm chí còn ít sinh viên hơn. Trường học là nơi đầy rẫy tội ác và họ không dạy học”. (1/2000)

Phiêu Linh
Nguồn: VNExpress


Quan điểm trái ngược của ông Trump và bà Harris khi nói về giáo dục

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris có những quan điểm trái chiều liên quan vấn đề giáo dục và đều có loạt hứa hẹn trong quá trình tranh cử tổng thống.

Ngày 6/11, ông Donald Trump chính thức tái đắc cử Tổng thống Mỹ và trở thành lãnh đạo thứ 47 của nước này. Ông Trump có 277 phiếu đại cử tri, còn bà Harris có 224 phiếu.

Trong thời gian tranh cử, với tư cách là ứng viên tổng thống, ông Trump và bà Harris từng nhiều lần đề cập đến các vấn đề giáo dục. Tuy nhiên, hai người có những quan điểm trái ngược về nền giáo dục của Mỹ.

Ông Trump muốn bỏ Bộ Giáo dục, nhưng bà Harris thì không

Trong một buổi trò chuyện với tỷ phú Elon Musk vào ngày 14/8, ông Trump từng nói rằng nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông muốn đóng cửa Bộ Giáo dục và chuyển quyền quản lý giáo dục về cho các bang.

Bà Harris phản đối kế hoạch này, nhấn mạnh bà sẽ không để ông Trump “xóa sổ” Bộ Giáo dục vì bộ tài trợ rất nhiều cho các trường công.

Theo NPR, hầu hết nguồn tài trợ cho trường công ở Mỹ đến từ các tiểu bang và cộng đồng địa phương, nhưng Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm quản lý và phân luồng tài trợ.

Trong nhiều thập kỷ qua, nguồn tài trợ này được hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và trẻ sống trong các cộng đồng có thu nhập thấp. Do đó, mối lo ngại được đặt ra là nếu ông Donald Trump đóng cửa Bộ Giáo dục, liệu nguồn tài trợ cho trường công có bị phá vỡ hay không.

Cuộc tranh luận về Bộ Giáo dục của hai vị lãnh đạo không chỉ liên quan vấn đề tài chính. Về cơ bản, ông Trump và một số đảng viên Đảng Cộng hòa tin giáo dục chỉ nên là mối quan tâm của địa phương và tiểu bang. Hiến pháp Mỹ cũng không có đề cập nào về vai trò của liên bang trong giáo dục.

Đối với họ, Bộ Giáo dục phản ánh sự can thiệp quá mức của chính phủ. Đó cũng là lý do đảng này kêu gọi giải thể bộ kể từ khi được thành lập vào năm 1979.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ cho rằng việc Bộ Giáo dục có quyền kiểm soát các địa phương là điều tốt đẹp vốn có. Nó cho phép các trường học phản ánh giá trị tốt đẹp của cộng đồng.

Bà Harris và nhiều đảng viên Đảng Dân chủ cũng thấy được sự bất bình đẳng ở một số địa phương vì không có khả năng (hoặc đôi khi không muốn) hỗ trợ học sinh thiệt thòi.

Tranh cãi về việc xóa nợ sinh viên

Trong thời gian làm phó tổng thống, bà Harris cùng ông Joe Biden đã dốc toàn lực cho việc xóa nợ sinh viên. Một số kế hoạch của chính quyền ông Biden đã có hiệu quả.

Nhưng cho đến nay, kế hoạch vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được Tòa án Tối cao Mỹ, rằng những nỗ lực xóa nợ này có phải điều hợp pháp hay không.

Vấn đề này cũng là câu trả lời lý giải cho việc trong quá trình vận động tranh cử, bà Harris không nói nhiều về việc xóa nợ trong tương lai, hoặc đưa ra những lời hứa hẹn mới. Thay vào đó, bà chủ yếu nói về những điều đã làm được.

“Chúng tôi đã xóa nợ sinh viên cho gần 5 triệu người Mỹ”, nữ ứng viên tổng thống nói trong một cuộc họp với Liên đoàn Giáo viên Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nhiều người được xóa nợ trong số đó là giáo viên – những người nhận được khoản vay dịch vụ công (PSLF).

Trong khi đó, ông Trump lại muốn xóa bỏ PSLF. Ông và thượng nghị sĩ Ohio JD Vance đều lên tiếng phản đối việc xóa nợ rộng rãi. Ông cho rằng nếu xóa bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD nợ sinh viên, điều này sẽ gây bất công cho hàng triệu người đã trả nợ trước đây.

Năm 2024, Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng cam kết rằng để giảm chi phí giáo dục đại học, đảng sẽ ủng hộ việc tạo ra các giải pháp thay thế, có giá cả phải chăng hơn so với việc học đại học truyền thống trong 4 năm.

Trước đó, vào năm 2023, ông Trump cũng từng tuyên bố kế hoạch cung cấp nền giáo dục cho mọi người dân Mỹ, miễn phí và không làm tăng khoản nợ của liên bang.

Thái An
Nguồn: baomoi.com


Click to listen highlighted text!