Huyền sử về cuốn cổ thư Đại Việt nhiều lần làm chấn động Trung Nguyên
Huyền sử cho rằng cuốn cổ thư mang tên “Dụng binh yếu chỉ” này xuất hiện từ thời Lĩnh Nam, giúp các nữ tướng nước ta nhiều lần ngăn bước quân Hán, bại 12 đại tướng, khiến 45 vạn quân tử trận, chấn động Trung Nguyên. Không chỉ thế, theo chiều dài lịch sử, cuốn sách này được các anh hùng Đại Việt sử dụng để làm nên những chiến công vang dội bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc. Dẫu có nhiều phần trong chuyện này có lẽ không phải là sự thực, nhưng trong lịch sử nước ta, xác thực có những cuốn cổ thư, binh thư là báu vật hộ quốc. Truyền kỳ về cuốn cổ thư “Dụng binh yếu chỉ” đáng để hậu nhân tham khảo vậy.
Thiên tài chắp bút
Người chắp bút cuốn cổ thư này không phải là một nam nhân, mà là một nữ nhân. Bà chính là nữ danh tướng Thánh Thiên thời Hai Bà Trưng.

Theo truyền thuyết, bà vốn là người đĩnh ngộ, học một biết mười, năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều nắm được, năm 12 tuổi đã có tài văn chương. Thánh Thiên võ công không cao, tính tình điềm đạm như một khuê nữ, nhưng bà lại đọc sách rất nhiều.
Thánh Thiên rất ham mê tìm hiểu binh pháp. Những cuốn sách khiến bà say mê nghiên cứu là:
- “Lục thao” của Khương Tử Nha, đây là cuốn sách về luyện quân, chiến lược, chính lược.
- “Việt tộc binh pháp” không rõ tác giả, có thể là của Phương chính Hầu Trần Tự Minh, ông tổ của dòng họ Trần, người tổng chỉ huy quân đội dưới thời vua An Dương Vương.
- “Tôn Tử binh pháp” của Tôn Tử.
- “Tôn Ngô binh pháp” từ binh thư của Tôn Tử và Ngô Khởi ghép lại mà thành.
Khi Thánh Thiên dựng cờ khởi nghĩa, sau nhiều trận giao tranh với quân Hán, nhận thấy “Tôn Tử binh pháp” và “Tôn Ngô binh pháp” không phù hợp với khí hậu, địa thế Lĩnh Nam, Thánh Thiên đã dùng sở học cùng kinh nghiệm của mình, tham chiếu sách xưa để soạn ra cuốn “Dụng binh yếu chỉ” gồm 36 thiên. Trong đó dạy cách dùng binh.
Thánh Thiên vừa có tài quân sư, vừa có tài dùng binh. Nếu Phương Dung đánh trận Trường An dài trăm dặm, Phật Nguyệt đánh trận hồ Động Đình bảy mươi dặm, Phùng Vĩnh Hoa đánh trận Tượng Quận ba trăm dặm, thì Thánh Thiên đánh trận Nam Hải trên một diện tích lớn chưa từng có, kéo dài từ Phúc Kiến, qua đảo Hải Nam, đến vịnh Bắc Việt, lan tới Thanh Hóa (Nghi Sơn, Biện Sơn). Ấy là chưa kể trên năm trăm dặm công chúa Trần Quốc đánh lên Trung Nguyên. Tính chung, trận dài tới hai ngàn năm trăm cây số. Có lẽ Nam Hải là trận rộng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Dùng “Dụng binh yếu chỉ” được phong “Bình Ngô Đại tướng quân”
Cuối năm 39 SCN, Hai Bà Trưng hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên cũng như hàng chục các thủ lĩnh khác kéo quân về dưới cờ của Hai Bà Trưng. Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.

Thánh Thiên nhờ có “Dụng binh yếu chỉ” của mình mà đánh đâu thắng đó, đuổi sạch quân Hán khỏi Giang Sơn, lập được công lớn. Sau khi giành lại Giang Sơn, Thánh Thiên đã chia sẻ “Dụng binh yếu chỉ” của mình cho các tướng, cũng là dùng để thao dợt binh mã chuẩn bị cho các cuộc chiến sau này.
Nhờ đó, Thánh Thiên được vua Trưng tin tưởng trao ấn “Bình Ngô Đại tướng quân” thống lĩnh toàn bộ quân Lĩnh Nam. Thánh Thiên cắt cử các tướng trấn giữ các nơi, sẵn sàng đánh trả nếu quân Hán lại xâm phạm bờ cõi.
Trận hồ Động Đình chấn động Trung Nguyên
Đầu năm 42 SCN, vua Hán là Quang Vũ sai Mã Viện cùng phó tướng Lưu Long, Đoàn Chí thống lĩnh 30 vạn đại quân tiến đánh Lĩnh Nam. Mã Viện cho quân tiến đánh hồ Động Đình do tướng quân Phật Nguyệt giữ.
Nữ tướng Phật Nguyệt dùng “Dụng binh yếu chỉ” bày trận nhiều lần đánh bại quân Hán, khiến thây chất thành gò cao nghẽn cả sông Trường Giang.
Tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (Đây là tỉnh thủ phủ phía nam hồ Động Đình Trung Quốc) có ghi chép trận đánh hồ Động Đình như sau:
“Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng Đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời.”
Nhận thấy các chiến thuyền của mình to lớn hơn quân Lĩnh Nam, sẽ có lợi thế nào tham chiến trên biển, Mã Viện quyết định hợp quân ở Hợp Phố, nhằm tận dụng đường biển đánh vào quận Giao Chỉ. Tuy nhiên tại Hợp Phố “Bình Ngô Đại tướng quân” Thánh Thiên đã chờ sẵn.
Trận Hợp Phố – Nam Hải nổi danh sử sách

Cùng với trận chiến hồ Động Đình, trận chiến Hợp Phố là trận đánh quan trọng. Mã viện 3, 4 lần cho toàn quân công thành nhưng đều thảm bại. Thánh Thiên cho quân vượt thành bày trận nhiều lần đánh tan quân Mã Viện
Không chiếm được Hợp Phố, nhưng quân Hán muốn tiến vào Giao Chỉ (nơi có vua Trưng) bằng đường biển nhằm tận dụng các chiến thuyền lớn của mình. Nên Mã Viện và Lưu Long cho quân đánh chiếm vùng biển ở Nam Hải. Thế nhưng vùng Nam Hải được được trấn thủ bởi nữ tướng Gia Hưng Trần Quốc, đặt dưới sự chỉ huy của Đại tướng Thánh Thiên.
Cùng với trận trận Động Đình, trận Hợp Phố, trận đánh ở biển Nam Hải rất nổi tiếng trong sử xưa, vang dội 1.400 năm mãi đến thời nhà Trần.
Nữ tướng Gia Hưng Trần Quốc sử dụng “Dụng binh yếu chỉ” dàn quân trên biển (ngày nay theo ghi chép từ dân gian truyền lại thì nữ tướng Trần Quốc được viết là “Nàng Quốc”).
Chiến thuyền quân Hán do tướng Đoàn Chí nườm nượp tiến vào. Quân Hán 6 lần tiến quân, nhưng nữ tướng Trần Quốc sử dụng thế trận tài tình biến hóa khôn lường 6 lần đánh lui đại quân nhà Hán, đánh nhiều trận khiến quân tướng nhà Hán thất kinh.
Thậm chí tướng giỏi như Đoàn Chí cũng phải bỏ mạng nơi vùng biển Nam Hải, thủy binh quân Hán bị thiệt hại vô số. Mã Viện thất kinh không còn dám nghĩ đến việc đánh vùng biển Nam Hải nữa.
Chiến công
Tổng cộng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thánh Thiên, quân Hai Bà Trưng đã đánh bại 12 đại tướng quân của nhà Hán là:
- Phục ba đại tướng quân, Tân Tức hầu Mã Viện.
- Phiêu kị đại tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long.
- Lâu thuyền tướng quân, Nam An hầu Đoàn Chí.
- Chinh Tây đại tướng quân Chu Long.
- Chinh Nam đại tướng quân Trịnh Sư.
- Uy viễn đại tướng quân Ngô Anh.
- Trấn uy đại tướng quân Vương Hùng.
- Long nhương đại tướng quân Sầm Anh.
- Chinh di đại tướng quân Phùng Đức.
- Hổ nha đại tướng quân Mã Anh.
- Trấn viễn đại tướng quân Mã Huống.
- Bình man đại tướng quân Mã Dư.
Thêm nữa, dù quân số tham gia vào những trận đánh này ngày nay không thể khảo cứu chính xác, nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì có thể là 45 vạn quân Hán đã tử trận. Đây quả là một chiến công ngoài sức tưởng tượng.
Dù thắng trận, Mã Viện lại không lập công
Để tiến được vào Giao Chỉ đánh vua Trưng nhằm kết thúc cuộc chiến, Mã Viện quyết định tránh đối đầu với các tướng Lĩnh Nam, mà theo đường tắt bí mật tiến quân, chia quân làm 2 cánh thủy bộ.
Cánh quân bộ tiến chiếm Thương Ngô rồi cho quân đi ngầm qua Quỷ Môn quan (ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay), lẻn xuống vùng Lục Đầu rồi tiến ngược lên Lãng Bạc. Cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển đến Lãng Bạc. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãnh Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).
Dù đánh thắng được quân Hai Bà Trưng nhưng tổng cộng, quân Hán bị thiệt hại to lớn.
Năm 49 SCN, Mã Viện đưa quân đi đánh dẹp các bộ lạc Ô Hoàn ở quận Vũ Lăng (nay là tỉnh Qúy Châu và Hồ Nam của Trung Quốc), bị bệnh truyền nhiễm và chết.
Sau khi Mã Viện chết một số tướng lĩnh có lời buộc tội Mã Viện, lại có lời tấu về việc Mã Viện đã tự ý lấy ngọc trai và sừng tê giác mà không mang về Kinh đô. Nghe những lời buộc tội này, vua Hán Quang Vũ đã tước đi Thái ấp cũng như tước Hầu của Mã Viện. Phò mã Lương Tùng tâu với vua Hán Quang Vũ rằng:
“…Trận Động Đình hồ bị Phật Nguyệt đánh tan ba mươi vạn quân. Trận Nam Hải bị Thánh Thiên giết bốn mươi vạn. Phụ hoàng sai y đánh Lĩnh Nam, làm thiệt bốn mươi vạn quân, các đại tướng danh tiếng Phùng Đức, Sầm Anh, Liêu Đông Tứ Vương chết …”
Lời tâu của Phò mã Lương Tùng phần nào nói lên thiệt hại to lớn của quân Hán khi đánh Lĩnh Nam. Kèm theo đó là một số lời tấu về việc Mã Viện đã tự ý lấy ngọc trai và sừng tê giác mà không mang về Kinh đô.
Nghe những lời buộc tội này, vua Hán Quang Vũ đã tước đi Thái ấp cũng như tước Hầu của Mã Viện.
Sau khi Thánh Thiên mất, cuốn “Dụng binh yếu chỉ” vẫn được lưu truyền không trọn vẹn, sau này trở thành bí kíp giúp những anh hùng bảo vệ Giang Sơn. Không biết đã có bao nhiêu người đã dùng đến “Dụng binh yếu chỉ”, nhưng một số nguồn dã sử có ghi nhận 2 trường hợp sau:
Chỉ dùng 2 thiên trong “Dụng binh yếu chỉ” khiến quân Ngô thất điên bát đảo

Sau khi Lĩnh Nam mất vào tay nhà Hán, người Việt lại phải trải qua thời gian dài bị đô hộ. Đến năm 246, một người phụ nữ là Triệu Thị Trinh đã nổi lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô (thời Tam Quốc), quân sĩ đều tôn kính gọi là Bà Triệu.
Bấy giờ khi Bà Triệu khởi binh thì chỉ dùng tới 2 thiên của “Dụng binh yếu chỉ” là “đoản binh” và “trận pháp” nhưng đã đánh nhiều trận khiến quân Ngô điên đảo. Từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu cho quân tiến xuống đánh khắp vùng đồng bằng, đánh đâu thắng đó khiến binh tướng nhà Ngô kinh hoàng.
Cuối cùng nhà Ngô phải cử Lục Dận (cháu của danh tướng Lục Tốn) sang Giao Châu. Lục Dận dùng vàng bạc của cải mua chuộc các thủ lĩnh địa phương và tù trưởng. Họ vì lợi trước mắt mà nhận của cải rời đi, khiến nghĩa quân của Bà Triệu không còn đủ số lượng để đương đầu với quân Ngô.
Bà Triệu không giữ được căn cứ, phải rút vào núi Tùng và tuẫn tiết trên núi.
“Dụng binh yếu chỉ” góp phần đánh tan quân Mông Thát
Đến thời nhà Trần thì “Dụng binh yếu chỉ” vốn có 36 thiên chỉ còn lại 5 thiên là Thủy chiến, Đoản binh, Hư thực, Dụng gián, Trận pháp.
Bấy giờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn học rất sâu rộng, ông nghiên cứu tất cả binh thư của Đại Việt, Trung Nguyên, Chiêm thành, Mông Cổ, trong đó có cả “Dụng binh yếu chỉ”, rồi soạn ra hai bộ sách:
- Bộ “Binh thư yếu lược” gồm 18 thiên.
- Bộ “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” gồm có 9 trận pháp. Biến hóa chín lần chín là 81 thế trận.
Phần phụ lục “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” có ghi chép 5 thiên còn sót lại trong “Dụng binh yếu chỉ” của Thánh Thiên.

Bộ “Binh thư yếu lược” cùng “Vạn Kiếp tông bí truyền” được dùng để truyền dạy cho các tướng lĩnh là Hoàng thân nhà Trần. Những binh pháp trong đó đã được sử dụng để Đại Việt 3 lần đánh tan quân Mông Thát.
Tuy nhiên cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền” hiện cũng đã thất truyền, chỉ còn được biết tới nhờ lời đề tựa cho sách của Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép đoạn Hưng Đạo Vương nhắn nhủ cho con cháu đời sau về cuốn sách này:
Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp thế trận; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó.
Phải chăng cũng chính vì việc trao truyền phải dựa vào sự lĩnh ngộ nên những tinh hoa binh pháp mà Hưng Đạo Vương soạn ra mới dần dần bị mai một mất? Đây cũng là một nguyên nhân đáng chú ý, bên cạnh một nguyên nhân khác…
- Xem thêm: Lá số thánh nhân bất bại – P2: Trả lại năm sinh cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Vì sao có lớp bụi dày suốt 20 thế kỷ
Nói về “Dụng binh yếu chỉ”, chúng ta luôn phải lưu ý rằng truyền kỳ về cuốn cổ thư này thuộc về huyền sử hoặc dã sử mà không được chính sử ghi chép lại. Điều này thật ra cũng có nguyên nhân riêng của nó.

Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần thì lại không thể chống nổi sự xâm lược của quân Minh. Năm 1407 sau khi đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh, trong đó bao gồm cả toàn bộ các nguồn sử liệu trước đây, kể cả các tác phẩm của Hưng Đạo Vương.
Các sách sử của nước ta chép sau thời kỳ này không còn có nhiều căn cứ nữa, phải dựa vào cả một số sách sử Trung Quốc để ghi chép lại; vì thế mà những trận đánh vang dội của các nữ tướng thời Lĩnh Nam cũng như “Dụng binh yếu chỉ” đều không được ghi chép lại. Đơn cử như Đại Việt Sử ký toàn thư dựa vào cuốn sử nhà Nguyên là “Kinh thế đại điển tư lục” mà cho rằng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bị tử trận. Nhưng thực tế tất cả các gia phả họ Trần đều ghi chép rằng người tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện, còn Hoài Văn Hầu sau này được phong thành Hoài Văn Vương và sống thọ đến 92 tuổi.
Các nguồn sử liệu nước ta bị lấy về Nam Kinh. Sau đó, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, vào tháng 12 năm 1937, quân Nhật chiếm được thành Nam Kinh, nhiều tài liệu và sách quý bị lấy đi về mang về Nhật Bản, trong đó có cả các sách sử của người Việt. Điều này lại phủi thêm một lớp bụi mù lên lịch sử nước nhà. Chỉ có một số rất ít nhà nghiên cứu có điều kiện, cất công đi tìm hiểu từ Trung Quốc qua Nhật Bản, cộng thêm cơ duyên trùng hợp mới may mắn tìm hiểu được một phần sự thật của câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền sử này.
Một nguyên nhân khác
Tại bài viết “Bói đầu năm” đăng trong Tập San Sử Địa số 5, tác giả Hồ Hữu Tường cho biết, ông vẫn còn sở hữu cuốn “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo Vương, cuốn sách này vẫn còn được lưu truyền đến nay trong những người sưu tầm sách cổ. Ông cũng cho biết thêm, một nguyên nhân khác khiến “Binh thư yếu lược” thất truyền là bởi vì hậu nhân không thể hiểu được những điều được viết trong sách. Đơn cử một trích đoạn tại thiên “Thiên tượng” (天象) như sau:
“Chiếm nguyền đán thiên sắc vân khí bí pháp. Nguyền đán chánh nguyệt, sơ nhất nhật, tý thời, đăng lâu bí chiếm tứ phương. Hữu hoàng vân khí, hòa cốc đại thục. Bạch vân khí, hữu binh khởi. Nhược độc xuất kỳ phương hạ, tắc thị hữu phương binh khởi. Tứ phương vọng vô vân, nhi độc kiến xích bạch nhị sắc tương liên, xích vi huyết, bạch vi kim, sở giáng phương hạ tắc khởi loạn. Thanh sắc phong tai, Hắc sắc thủy tai. Chủ quốc cảnh bị”.
Dịch nghĩa:
“Phép bí mật để xem khí trời và sắc mây trong tiết Nguyên đán. Tiết Nguyên đán, đúng tháng giêng, ngày mồng một, giờ tý, lên lầu mà bí mật xem bốn phương. Nếu thấy khí mây màu vàng, thì năm ấy lúa trúng mùa lớn. Nếu thấy khí mây có sắc trắng, thì năm ấy có binh dậy. Nếu một vầng mây hiện ra một mình dưới một phương trời nào, thì ở phương ấy có binh dậy. Nếu trông bốn phương không có mây, mà chỉ thấy hai sắc đỏ trắng liền nhau, thì sắc đỏ tượng trưng cho máu, sắc trắng tượng trưng cho chất kim (gươm đao): hai sắc trắng đỏ hạ xuống phương nào, thì phương ấy bắt đầu loạn. Sắc xanh là điềm có nạn gió bão. Sắc đen là điềm có nạn mưa lụt. Nước nào có điềm ấy phải phòng bị”.
Tác giả Hồ Hữu Tường bình rằng: Trước chúng ta, gần bảy trăm năm, có biết bao kẻ, thử giở Binh Thư Yếu Lược mà đọc mấy dòng đầu, vội vã xếp sách lại và buột miệng nói:
“Ông già nầy (Hưng Đạo Vương) lẩm cẩm thật! Ngày Tết, mồng một tháng giêng, trời tối đen như mực, chỉ có sao mà không có trăng, dầu có leo lên lầu mà xem khí sắc của trời và mây, làm sao mà thấy mây sắc trắng, sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ?”
Mấy ai lĩnh ngộ được huyền cơ mang màu sắc tu luyện ấy trong sách của cổ nhân?
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Một số chi tiết trong bài viết thuộc về huyền sử hoặc dã sử, không được ghi chép trong chính sử. Mong độc giả lưu ý.Trần Hưng
Trần Hưng
Nguồn: trithucvn