Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Công Ước Luật Biển (UNCLOS 1982)


Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 được gọi tắt là Công ước Luật Biển (UNCLOS 1982) được thông qua tại thành phố Montego Bay, Jamaica và ký ngày 10/12/1982. Công ước đã có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và hiện nay có 161 thành viên tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philíppin, Malaysia, Singapore, Indonesia và Brunei.

BỐI CẢNH RA ĐỜI UNCLOS 1982

Luật biển Quốc tế phát triển cùng với sự đấu tranh và điều hòa giữa hai nguyên tắc lớn là tự do biển cả và chủ quyền của quốc gia trên biển. Đến đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia biểu lộ ý muốn mở rộng quyền tuyên bố chủ quyền khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ nguồn cá và có các phương tiện để thực thi kiểm soát ô nhiễm. Hội Quốc liên đã tổ chức một Hội nghị năm 1930 tại Hague để bàn về điều này từ ngày 13/3 đến 12/4/1930 với 47 quốc gia tham dự, việc pháp điển hóa Luật Biển với các vấn đề: nguyên tắc tự do hàng hải, chế độ pháp lý của lãnh hải, đường cơ sở, quy định qua lại không gây hại của tàu thuyền và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải. Hội nghị tuy thất bại trong việc đưa ra một bề rộng lãnh hải chung, nhưng đã công nhận lãnh hải của các quốc gia rộng ít nhất là 3 hải lý (mỗi hải lý bằng l.852 m) và là nột bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hình thành quy định về vùng tiếp lãnh hải.

Hội nghị lần thứ I của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1958 tổ chức tại Genève từ ngày 24/2 đến ngày 29/4/1958. Hội nghị đã đạt được những bước tiến quan trọng về lập pháp, cho ra đời 4 Công ước: Công ước về Lãnh hải (có hiệu lực từ ngày 10/9/1964 với 48 quốc gia là thành viên); Công ước về Biển cả (có hiệu lực từ ngày 30/9/1962 với 59 quốc gia là thành viên); Công ước về Đánh cá và Bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển cả (có hiệu lực từ ngày 20/3/1966 với 54 quốc gia là thành viên). Các Công ước này đã pháp điển hóa nhiều nguyên tắc và quy phạm của luật tập quán (như: qua lại không gây hại trong lãnh hải) và đã đưa ra nhiều khai miện mới (như khái niệm Thềm lục địa). Nhưng các Công ước này thất bại trong việc thống nhất bề rộng lãnh hải (các quốc gia yêu sách tới 5 loại bề rộng lãnh hải khác nhau) và trong việc đưa ra một khái niệm mơ hồ về xác định ranh giới của Thềm lục địa.

Đến năm 1960, Hiên Hợp quốc tổ chức Hội nghị về Luật Biển lần thứ II; sau 6 tuần Hội nghị ở Geneva từ ngày 17/3 đến 26/4/1960, các quốc gia đã không đạt được thêm những thỏa thuận mới do không tìm được tiếng nói chung về vấn đề bề rộng lãnh hải, tàu quân sự… Vào năm 1967, vấn đề về các tuyên bố khác nhau về lãnh hải đã được nêu ra trong Liên Hợp quốc.

Và Hội nghị Liên Hợp quốc lần thứ III về Luật Biển (tiếng Anh: Third United Nations Convention on Law of the Sea- viết tắt là: UNCLOS III) được tại chức tại New York năm 1973 đã cố gắng giảm khả năng các nhóm quốc gia thống trị đàm phán, Hội nghị dùng một quy trình đồng thuận thay cho bỏ phiếu lấy đa số; Hội nghị có 11 phiên họp, kéo dài trong 9 năm từ tháng 12/1973 đến tháng 12/1982. Hội nghị đã đóng góp quan trọng vào tiến trình pháp điển hóa Luật Biển Quốc tế. Cộng đồng Quốc tế đã thừa nhận một nguyên tắc mới do Đại sứ Malta đưa ra tại phiên họp thứ 22 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 17/8/1967, coi vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia là di sản chung của nhân loại. Hội nghị đã cho ra đời Công ước Luật Biển 1982 – UNCLOS 1982. Một loạt các quy phạm mới được bổ sung vào Dự thảo Công ước, được thông qua với 130 phiếu. Văn bản cuối cùng được ký kết tại thành phố Montego Bay, Jamaica ngày 10/12/1982 bởi 117 quốc gia và thực thể, trong đó có Việt Nam. Công ước Luật Biển 1982 thực sự là một bản Hiến pháp mới về biển của cộng đồng Quốc tế. Mỹ và số đông các nước công nghiệp phát triển, trừ Pháp, không ký kết và phản đối Phần XI của Công ước về chế độ quản lý và khai thác đối với khu vực đáy đại dương được coi là tài sản chung của nhân loại, đặc biệt là thể thức điều hành của Cơ quan Quyền lực Đáy đại dương. Và để công ước thực sự có tính phổ cập và tạo điều kiện cho các cường quốc tham gia, theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, một thỏa thuận mới đã được ký kết vào ngày 29/7/1994 cho phép thay đổi nội dung của Phần XI của Công ước.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, một năm sau khi Guyana – nước thứ 60 ký Công ước. Đến nay đã có 161 nước phê chuẩn. Công ước có 17 phần, gồm 320 điều khoản; 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo.

Nguồn: Phan Thanh Hậu

BẤM VÀO ĐÂY để đọc “Công Ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển” – pdf
CLICK HERE to read “United Nations Convention on the Law of the Sea” – pdf


Click to listen highlighted text!